User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Văn hóa theo tiếng Pháp là culture có nghĩa gốc là trồng trọt. Chữ Culure lấy từ chữ La tinh colere. Theo nghĩa La tinh, chữ văn hóa bao gốm cách sống, vun trồng, và vinh danh (habiter, cultiver, honorer). Văn hóa không tự nhiên sinh ra, phải do con người dày công bao thế hệ tạo dựng vun trồng nên. Văn hóa đồng nghĩa với những giá trị nhất định vì văn hóa còn được định nghĩa như một số kiến thức chung đạt được ở một trình độ nhất định của một cộng đồng hay một nhóm người trong xã hội. Văn hóa vốn rộng lớn hơn giờ và bao gồm nghệ thuật, văn học, cách sống, quyền sống, tín ngưỡng, giá trị truyền thống và một loạt hệ thống giá trị khác.

Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch, thế thao… Thời Lã Mã, Hy Lạp những cuộc thi thể thao, những công trình kiến trúc như sân thi đấu, sân khấu, đền thờ đều thuộc về văn hóa. Ở VN, do có người hiểu chữ văn hóa quá hạn hẹp nên tên Bộ Văn Hóa mới bị đổi thành Bộ Văn Hóa Thông Tin, rồi Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch. Nếu hiểu đúng chữ văn hóa thì chỉ cần gọi Bộ Văn Hóa là đủ. Văn hóa không đồng nghĩa với bằng cấp. Văn hóa là tâm linh, phong tục, phép ứng xử do giáo dục, do nghi lễ xã hội quy định. Trẻ con lớn lên theo cha mẹ đi chùa, thắp hương cúng Tổ tiên, không cần phải bằng cấp. Trẻ con sinh ra nếu được dạy dỗ văn hóa đều có ý thức văn hóa. Tôi nhớ lần về Hà Nội đi mua sữa. Tôi lúng túng với tiền Việt khi trả tiền. Chị bán hàng liền hỏi « chị ở nước ngoài về phải không ? ». Tôi hỏi chị căn cứ vào đâu. Chị trả lời « trông chị lớ ngớ nhà quê nhưng lớ ngớ lịch sự với những câu xin lỗi và cám ơn khi mua hàng, mà tôi 15 năm nay bán hàng không gặp ». Văn hóa xin lỗi tôi học được chính từ cha mẹ tôi – lớp người sinh trưởng thời Pháp thuộc, và qua sự giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài. Đi xem sân khấu, xem hát, người Việt rất tiết kiệm vỗ tay ủng hộ nghệ sỹ. Điều này cũng thể hiện một ý thức văn hóa kém chưa tôn trọng người làm văn hóa. Ngược lại người làm văn hóa cũng phải có ý thức trọng nể độc giả, khán giả. Một công trình văn hóa nguy nga, hoàng tráng, một tác phẩm hay đều chứng tỏ sự tôn trọng của người làm văn hóa đến chính bản thân và đến người thưởng thức.

Vậy văn hóa đi liền với sự giáo dục, vun trồng đúng với nghĩa nguyên thủy của chữ gốc La Tinh. Văn hóa có thể hiểu nôm na VĂN chương, nghệ thuật HÓA cải con người và giúp con người vươn tới chân thiện mỹ.

Một đất nước có văn hóa dầy sâu rất khó bị xóa đi dù dù đã thăng trầm qua bao nhiêu thế kỷ” Tín ngưỡng, kiến trúc, khoa học, kỹ thuật cùng chất keo nghệ thuật văn chương quyện chặt vào nhau tạo nên văn hóa. Văn hóa là một phạm trù rộng. Cái cối xay gió, giấy dó, cối giã gạo, nón bài thơ hay cái mành chắn gió đều mang tính chất kỹ thuật, khoa học vừa mang tính văn hóa của một dân tộc. Văn hóa là linh hồn của xã hội. Khoa học cũng mang chút tâm linh nếu tìm hiểu hiện tượng nguyên thủy. Tâm linh văn hóa là cốt lõi của nhân sinh quan và thế giới quan của xã hội. Nhà thờ, đền miếu, chùa, cung đình, lăng tẩm được xây dựng nhằm phục vụ tâm linh cộng đồng… Những kiệt tác của Michelange, Léonard de Vinci sinh ra do yêu cầu của nhà thờ để phục vụ chúa. Đền Ankor phục vụ văn hóa tâm linh Ấn Độ giáo và Phật giáo sau đó. Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều công trình văn hóa dù tàn lụi vẫn để lại những dấu vết về sự hiện diện của con người và dấu tích sự nghiên cứu khoa học thời sơ khởi như cách làm nước hoa, đũi, cách nuôi tơ tằm… Ngày nay nhiều nơi đã trở thành những nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là niềm tự hào vang bóng một thời của một dân tộc. Văn hóa Chàm, Inca, đền thờ Pharaon, Kim Tự Tháp, đền Ankor, tháp nghiêng là những bằng chứng sống động về một thời chủ quyền của một số dân tộc xưa. Ngay kẻ đi xâm chiếm cũng để lại những nơi đi qua những công trình mang tính chất tâm linh, hoặc hòa với tâm linh bản địa như nhà thờ, đền, lăng. Mỗi nền văn hóa có sức quyến rũ riêng tùy theo thẩm mỹ và nhân sinh quan của cá nhân, nhưng các văn hóa đã trường tồn qua lịch sử đều có giá trị mang tính lịch sử nhất định. Văn hóa lâu đời trở thành bức tường bảo vệ dân tộc làm kẻ hung bạo đôi khi cũng chùn tay và trân trọng. Thực dân Pháp qua Đông Dương, gần 2 thế kỷ, nhưng nhiều miếu, thành hoàng, chùa, đều tồn tại. Đền Angkor vĩ đại vẫn còn…. Đội quân Napoléon đi sang Ai cập không những không phá nền văn hóa Kim Tự Tháp còn cử người nghiên cứu một ngôn ngữ chết khắc trên những bức tường đá, và mang một tháp về Paris. Bảo tàng Louvre hay thư viện quốc gia lưu trữ Pháp nổi tiếng vì đã biết trân trọng lưu trữ văn hóa khắp thế giới những nơi mà người thám hiểm hay quân viễn chinh Pháp đã từng đi qua, đặc biệt là những vùng đã từng là thuộc địa của họ như Đông Dương, Châu Phi. Những người không có văn hóa, không hiểu được tầm quan trọng của văn hóa đã phá bỏ, hủy diệt, đốt những gì dính đến quá khứ, đến ngoại lai, hoặc cho là mê tín dị đoan. Họ đã không lường trước những hậu quả sau này vì họ không thấy tầm giá trị những công trình văn hóa. Nhiều công trình văn hóa là những dấu ấn mang chủ quyền dân tộc đã vô tình bị xóa bỏ mà không đủ ai khả năng dựng lại được cái khác thay thế, và đất nước bị thiệt hại lớn. Điều đáng buồn này xảy ra một phần do khái niệm văn hóa chỉ gắn với văn học và nghệ thuật, và vai trò văn hóa bị hạ thấp trong cuộc sống xã hội như cái thứ chỉ để « mua vui cũng được một vài trống canh ».

Văn hóa còn đồng nghĩa với vinh danh. Chỉ có những gì xứng đáng có giá trị mới được gọi là văn hóa. Khi nhà cầm quyền thấy được tầm quan trọng của văn hóa, họ sẽ có chính sách tài trợ đặc biệt về vấn để nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ ở ngay cả những nước thuộc địa. Văn hóa và ngôn ngữ phát triển chính là nhờ chính sách đó. Thời Đông dương sách nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc bản địa chỉ phục vụ trên đầu ngón tay cho những nhà quan tâm về vấn đề này, và một vài thư viện lớn có kinh phí mới mua làm lưu trữ. Những sách nghiên cứu này không chỉ để bảo tồn văn hóa ngôn ngữ, mà nó mang mục đích phục vụ chiến lược bình định, và bảo vệ, đánh dấu lãnh thổ biên giới thuộc địa. Cuốn từ điển Tày Việt Pháp ra đời sẽ không có nổi 10 độc giả, nhưng chính quyền thuộc địa và đặc biệt Ban truyền giáo Hải ngoại Paris đã khuyến khích và cho in ở Hồng Kong nhằm mục đích truyền giáo và giúp chính quyền thuộc địa bình định xã hội.

Kẻ xâm lược có văn hóa nếu thấy những công trình đẹp trên đất thuộc địa hầu như họ đều để nguyên. Văn Miếu, nhiều chùa chiền không bị xóa bỏ trải qua bao thế kỷ ngoại xâm. Thậm chí kẻ đi xâm lược có khi bị thu hút và chinh phục bởi văn hóa nước bị đô hộ như thời kỳ La Mã. Kẻ nô lệ dạy lại chủ. Người Hy lạp cổ nô lệ đã dạy lại cho người La Mã nhiều kỹ thuật xây nhà, điêu khắc…. Điện Biên Phủ và Waterloo được gắn liền với lịch sử thất trận của Pháp, nhưng nước Pháp ngày nay vẫn thu hút một số lượng khách du lịch lớn trên thế giới vì những công trình văn hóa nổi tiếng, và vì những áng văn hay chứ không phải vì là một nước từng có nhiều thuộc địa với những đại bác, ca nông, tàu chiến. Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng chính nhờ Victor Hugo với những nhân vật như Quasimodo và cô gái bohémien Essméralda, vườn hoa Luxembourg nổi tiếng nơi tình tự lãng mạn của Codette và Marius… Tháp Eiffel, sông Seine, Cổng chiến thắng…những cây cầu trên sông cũng để lại nhiều ấn tượng trong các nhà thơ như Mallarmé, Rimbeau, Appolinaire…. Nhiều người chưa biết đến Paris nhưng những áng thơ tuyệt đẹp, những tác phẩm hay của Pháp đã quyến rũ họ. Có người chỉ vì học văn Pháp mà mơ qua Paris. Xưa nay trong việc cử các nhà đại sứ, các vị đi xứ, nhiều nhà văn có tài hùng biện được chọn đi, vì văn chương đã và đang là một sức thu hút con người.

Văn hóa đồng nghĩa với giá trị vinh danh. Cùng với việc tài trợ văn hóa, chính quyền Pháp chú trọng đặt ra một số giải thưởng cho những công trình nghiên cứu mà số lượng độc giả rất hiếm hoi như một số từ điển về các tiếng dân tộc thiểu số như Nùng Pháp, Bannar Pháp, Tày Pháp… nhằm khuyến khích những người làm văn hóa. Giải thưởng nhỏ mang tính chất tượng trưng song có sức mạnh cổ vũ và động viên nghiên cứu văn hóa. Những giải thưởng mang tên những người tâm huyết trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa. Giải thưởng đồng nghĩa với giá trong tiếng Pháp hay tiếng Anh. Đó là cái giá đổi lại cho những giá trị của một mặt hàng. Trí tuệ văn hóa cũng là mặt hàng. Giải thưởng vừa để đánh giá công trình văn hóa nhưng cũng là để cổ vũ khuyến khích. Giá hay giải thưởng nhiều khi phụ thuộc vào chính sách, chính trị. Nhiều giải thưởng trao cho một công trình mang tính chất chính trị, cũng như giá cả thị trường nhiều khi phụ thuộc chính sách thương mại độc quyền áp đặt. Giải thưởng văn hóa đôi khi cũng mang tính chất độc quyền và áp đặt. Tuy nhiên để khách quan người ta lập ra một hội đồng thẩm định tác phẩm, công trình. Nhiều khi giải thưởng không phải là thước đo hoàn toàn về giá trị vật chất đó. Giải thưởng thường để cổ xúy khích lệ. Giải thưởng đôi khi mang tính chất tinh thần giá trị 500, 1500 tiền quan Pháp thời đó (lương của người lao động chân tay 30 francs đến 60 Frs/1 tháng). Nhiều người tâm huyết nổi tiếng khi mất đã di chúc lập quỹ cho Viện hàn lâm ngôn ngữ văn học để trao giải thưởng cho những môn ngành mà họ đã cả đời cống hiến. Một cuốn sách dịch trinh thám ba lăng nhăng, hay một tin giật gân về vụ giết người chắc chắn nhiều người đọc hơn một bài viết hay một cuốn sách nghiên cứu nhất là nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ đang chết dần chết mòn vì buộc phải hội nhập vào thế giới mạnh hơn đang lấn áp. Một bài viết là cả một kiến thức tổng hợp tích lũy cũng như làm cuốn từ điển ngôn ngữ thiểu số mất 4/5 năm thậm trí cả đời, nhưng số người đọc rất ítvà vì lợi nhuận, nhà in hay báo chí từ chối không xuất bản phát hành. Do đó một số những nhà tâm huyết đã tìm cách lập những giải thưởng nhỏ để khích lệ cổ vũ những người đồng nghiệp. Khi Viện hàn lâm nghiên cứu văn bản và văn chương thành lập năm 1663 ở Pháp, ban đầu viện chỉ có mục đích nghiên cứu tiền tệ và huy chương của triều đình; đến 1786, viện có thêm mục đích nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông, Hy lạp và Latinh cổ, và tiền tệ bản khắc liên quan đến lịch sử…. Nhiều giải thưởng được đặt ra để khuyến khích cho các nhà nghiên cứu như giải Gobert cho những công trình thông thái sâu sắc về lịch sử Pháp, giải Bordin, Saintour, Budget về cổ học Pháp có từ 1820…. Ngoài ra còn có những giải về nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc hiếm. Savina là một nhà truyền giáo và nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng lăn lộn nhiều năm ở miền núi Bắc bộ. Năm 1924 Savina soạn cuốn sách về từ vững Pháp – Nùng – Hán (528 trang), cuốn này giúp ông được giải thưởng Gilles. Năm 1910 ông hoàn thành cuốn từ điển Tày – Quốc Ngữ – Pháp, in ở Hongkong (Nazareth) và được Viện Hàn Lâm Ngữ Văn trao giải thưởng Stanislas Julien 1912 (Stanislas Julien là giáo sư nghiên cứu về châu Á học mất năm 1873; chỉ vài năm sau viện Hàn Lâm ngữ Văn Pháp lấy tên ông để làm giải thưởng cho những công trình suất sắc về châu Á). Giải thưởng và đầu tư cho văn hóa vì văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội. Văn hóa giúp con người vươn lên được cái đẹp, nhưng nó còn một giữ trọng trách chống ngoại bang

Trong khi chính quyền thuộc địa Pháp đã thành công áp đặt tiếng Pháp ở một số nước châu Phi thì lại hầu như thất bại ở các nước châu Á. Sự thất bại này chứng minh rằng sức mạnh của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc bản địa đã thắng. Văn hóa chính là thành lũy bảo vệ đất nước. Văn hóa dân tộc và truyền thống luôn tìm cách chống trả văn hóa ngoại bang. Từ sự va chạm lớn về văn hóa sẽ nảy sinh ra những công trình văn hóa mới mang âm hưởng giao thoa. Nếu đất nước bị xâm lăng có nền văn hóa lâu đời, cứng cỏi, việc thực dân không thể dễ dàng. Văn hóa yếu kém sẽ bị xóa sổ nhanh chóng. Sau khi người Âu Châu đến lục địa Mỹ Úc, ngôn ngữ bản địa bị xóa sổ, văn hóa bị tiêu diệt vì không có khả năng phát triển và vì quá nghèo nàn, lạc hậu không chống nổi sức mạnh của văn hóa ngoại bang. Trong khi đó khối Arap và châu Á, đại đa số đòi được độc lập – điển hình là VN – một phần nhờ vào bản sắc văn hóa và ngôn ngữ. Tiếng Việt được hình thành trong quá trình đấu tranh giành độc lập của ông cha chúng ta. Đó là một cuộc đấu tranh dường như không cân sức với văn hóa Tàu và sau đó là văn hóa Pháp. Sự giao thoa đã tạo nên ngôn ngữ và văn hóa VN. Chùa đền miếu bao nhiêu năm lịch sử chống ngoại bang vẫn tồn tại, Văn Miếu một nghìn năm vẫn còn giữa thủ đô bao lần bị tàn phá. Văn hóa trường tồn chính là công lao của những người làm văn hóa và của lòng khát khao giữ cái bản sắc của dân tộc mình. Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dùng súng dùng vũ khí để đe dọa nhau. Văn hóa cũng là thể hiện sức mạnh của một dân tộc. Trí thông minh của một dân tộc thông minh được thể hiện qua văn hóa và ngôn ngữ. Mỗi khi Trung Quốc đô hộ VN văn hóa của họ luôn toan đè bẹp văn hóa cổ Việt. Phật giáo qua VN cũng muốn phổ cập đè bẹp tín ngưỡng dân tộc cổ truyền VN. Nhưng sức mạnh văn hóa Việt đã phản kháng bằng cách hòa nhập, không bị thôn tính. Ông cha chúng ta đã giữ vững được phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng. Khổng giáo, Lão Giáo, Phật Giáo đến VN đã hòa quyện với tín ngưỡng dân tộc VN tạo nên một văn hóa giao hưởng mang âm hưởng mới. Chùa VN cũng là nơi để thờ cúng vong linh người mất và đốt vàng mã, phóng sinh… tất cả đã tinh lọc hòa quện thành tín ngưỡng VN, văn hóa VN ngày nay. Phật (đàn ông) đến VN biến thành Phật bà quan âm vì VN thờ thánh mẫu khắp nơi. Người VN vốn tôn trọng người sinh thành ra mình. Chế độ mẫu hệ một thời in ấn trong tư duy người Việt xưa. Văn hóa bản địa nhờ hòa đồng văn hóa ngoại nhập tạo nên sắc thái mới phù hợp với nhu cầu cuộc sống mới. Ngôn ngữ cũng vậy. Ngôn ngữ và văn hóa là một. Ngôn ngữ chết văn hóa chết. Chữ Tàu muốn thôn tính tiếng Việt cổ, ông cha ta nghĩ ta chữ Nôm để bảo tồn ngôn ngữ. Thời Pháp đô hộ, chính quyền thực dân muốn ngôn ngữ Pháp đè bẹp ngôn ngữ Việt bằng cách chỉ ưu tiên những người biết tiếng Pháp mới có công việc, các ông cống ông nghè thất sủng

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm thông phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò

[Chữ Nho – Trần Tế Xương]

Chính quyền thuộc địa áp đặt tiếng Pháp trong các guồng máy hành chính Pháp và bỏ các kỳ thi cổ. Nhưng ông cha ta đã khôn khéo một lần nữa để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc và để không bị thôn tính xóa bỏ. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can cùng nhiều trí thức tiến bộ, nhiều nhà văn, nhà báo khác đã tham gia tổ chức mở trường, viết báo khuyến khích học quốc ngữ, dịch Kiều, Chinh Phụ Ngâm… Văn hóa của ngoại bang không thể đè văn hóa bản địa khi người làm văn hóa có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc. Các trí thức tiến bộ đã tìm cách đẩy lùi văn hóa nước ngoài, không để thôn tính văn hóa của dân tộc, vì văn hóa là một vũ khí lợi hại để chống lại sự xâm lấn ngoại bang. Ông cha chúng ta đã dùng văn hóa chống sự đè bẹp hiếp dâm của văn hóa mạnh. Muốn chống lại được thì phải tăng cường chăm nom bồi bổ văn hóa. Văn hóa chính là quốc hồn quốc túy. Thời Pháp thuộc báo chí văn chương phát triển mạnh chính là nhờ sự ý thức được sức mạnh của văn hóa để chống lại văn hóa ngoại bang. Vũ khí yếu, văn hóa ngôn ngữ đã trở thành một thứ vũ khí lợi hại đấu tranh giành độc lập. Văn hóa là vũ khí hòa bình, không khói súng, bom đạn.

Tượng thần tự do trên nóc tháp Rùa.

Tượng thần tự do trên nóc tháp Rùa.

Ngoài nghiên cứu văn hóa, chính quyền thuộc địa Pháp quan tâm đến giáo dục, xây dựng. Họ không chỉ xây dựng những công trình bền vững đẹp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài gòn mà đặc biệt cũng chú trọng xây dựng những nơi nghỉ mát như một hình thức khẳng định chủ quyền cùng với những cột mốc biên giới. Các nhà thờ mọc lên không chỉ dành cho người đi thuộc địa mà cho cả dân bản địa. Những công trình đều mang tính chất kiên cố bền vững nguy nga chứ không phải là công trình tạm bợ. Nhiều công trình vẫn tồn tại sau hơn một thế kỷ như các nhà thờ, tu viện, trường học… Sau khi ổn định tạm thời việc bình định tại Đông Dương, chính quyền thuộc địa cũng cho xây dựng một số công trình để đánh dấu mốc chủ quyền lãnh thổ ở các vùng hẻo lánh, nhạy cảm. Văn hóa xây dựng cũng là một văn hóa. Chính quyền Pháp ngoài việc xây dựng những công trình văn hóa lớn như thư viện, nhà hát lớn, dinh… còn mong muốn áp đặt văn hóa Pháp trên văn hóa cổ truyền bản xứ. Bức tượng nữ thần tự do ở Hà nội là một bằng chứng văn hóa dân tộc chống xâm lược của văn hóa ngoại bang. Đầu thế kỉ 20, hội Tam Điểm nở rộ ở Đông Dương*. Không phải ngẫu nhiên, nhân ngày khánh thành triển lãm nhà Đấu xảo năm 1902, một phiên bản Tượng Nữ thần Tự do được kỳ công mang từ Pháp sang Đông Dương và sau triển lãm được đem tặng lại thành phố Hà Nội. Bức tuợng này được hội Tam Điểm “Huynh đệ Bắc kỳ” mua để làm triển lãm. Phiên bản này được thành viên Tam Điểm lúc đó nắm quyền lực trong chính phủ mang sang Đông Dương nhân khánh thành triển lãm ở nhà Đấu xảo năm 1902, cao 2,85 mét. Tượng thần tự do hình một bà đầm mặc váy trên tháp rùa mang nhiều ý nghĩa. Phụ nữ và tự do, giải phóng chế độ phong kiến nặng nề ở VN. Tháp rùa là nơi linh thiêng của dân tộc giờ nằm dưới bà đầm xòe. VN thời đó còn mang nặng tư tưởng trọng Nam khinh nữ. Tư tưởng tự do đã làm đảo lộn suy tư cổ hủ ở VN. Chính quyền thuộc địa Pháp đã có công xóa bỏ tư tưởng phong kiến ảnh hưởng Tàu bằng văn hóa đè văn hóa. Hình ảnh tượng nữ thần tự do chính là tượng trưng cho văn hóa Tây đang ngự trị văn hóa cổ truyền VN đầu thế kỷ 20. Nhưng sau bức tượng bị dời qua vườn hoa Cửa Nam. Người VN không thấy đó hình ảnh giải phóng phụ nữ, mà cho đó là một sự phỉ báng dân tộc, nên gọi nôm na là bà đầm xòe. Việc tháo gỡ Bà Đầm Xòe khỏi tháp rùa cũng là thể hiện sức mạnh tâm linh của người VN đề kháng văn hóa ngoại bang. Sự không đồng thuận của người Việt buộc chính quyền thuộc địa phải hạ xuống mang đi chỗ khác. Tượng nữ thần Tự do bị di chuyển đi, và sau này cũng bị triệt hạ đã chứng tỏ sức mạnh trường tồn của văn hóa tín ngưỡng dân tộc Việt. Tháp rùa và hồ Hoàn Kiếm đã gắn sâu trong tiềm thức tự hào của người Việt Nam chống xâm lăng. Lê Lợi sau khi chiến thắng đã đến đây trả lại gươm cho Thần Kim Quy.

Văn hóa xây dựng cùng được chính quyền thuộc địa Pháp chú trọng. Do hoàn cảnh địa lý, Bắc Kỳ rừng núi hiểm trở, giáp ranh với Trung Quốc một nước mạnh, chính quyền thuộc địa Pháp đã chia miền núi Bắc kỳ thành nhiều vùng và tạo dựng những chức vương được coi như vua địa phương. Ba vua mèo nổi tiếng được Pháp giúp đỡ dựng lên là Vương Đức Chính (con là Vương Chí Sình thế vị), Đèo Văn Long, Hoàng Yến Chao (con là Hoàng A Tưởng thế vị). Mối quan hệ của các ông vương này với Pháp được khẳng định qua tấm huân chương Pháp trao tặng cho Vương Đức Chính và Bắc Đẩu Bội Tinh cho Đèo Văn Long. Những ông vương này đã được chính quyền bảo hộ giúp đỡ với hy vọng họ sẽ trung thành với chính quyền bảo hộ. Những công trình xây dựng tại vùng rừng núi này đều có công trong việc đánh dấu lãnh thổ và biên giới Đông Dương. Không phải tự nhiên chính quyền thuộc địa Pháp lại lên xây ở đỉnh hẻo lánh những công trình văn hóa. Một số nhà thờ được xây dựng nhằm mục đích truyền giáo nhưng cũng là nhằm mục đích đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thuộc địa, và ngăn cản sự xâm lấn của một nước Tàu đông dân và cũng rất mạnh về văn hóa và ngôn ngữ. Các công trình ở biên giới nơi hẻo lánh đánh dấu lãnh thổ thuộc địa như dinh Hoàng A Tưởng hoành tráng giữa núi rừng,.

Dinh Hoàng A Tưởng

Dinh Hoàng A Tưởng

Dinh Hoàng A Tưởng

Dinh Hoàng A Tưởng

Nếu không có sự hỗ trợ, đồng ý của chính quyền bảo hộ thời đó, cha con Hoàng A Tưởng không thể xây được. Nóc nhà Đông Dương cũng là một công trình văn hóa đánh dấu lãnh thổ. Chính quyền bảo hộ cũng cho xây một kim tự tháp và đặt tên nóc nhà Đông Dương, như một dấu ấn vinh quang thành công của hội Tam Điểm trên mọi mặt trận, ở Pháp cũng như ở thuộc địa và đánh dấu lãnh thổ thuộc địa. Tên « nóc nhà Đông Dương » do những người Pháp thuộc địa đặt ra nhằm khẳng định chủ quyền thuộc địa. Kim Tự Tháp xây trên đỉnh cao một biểu tượng thành công của hội Tam Điểm – một hội gắn liền với thời hoàng kim thuộc địa của nước Pháp. Sau này khối đá đó đã khắc lại ngôi sao vàng đánh dấu sự giành độc lập của Việt Nam, nhưng cái tên Đông Dương vẫn còn sử dụng đến ngày nay. Nóc nhà Đông Dương là nơi cao nhất đỉnh Phan xi Phăng thuộc Hoàng Liên Sơn cao 3143 mét, nay trở thành điểm thu hút du lịch đến miền Bắc Việt Nam. Trên kim tự tháp có khắc compa và ê ke biểu tượng của Hội Tam Điểm, sau này chính quyền Việt Nam đã một lớp xi măng để che vết tích của thời người Pháp thuộc.

Nóc nhà Đông Dương mang dấu ấn Tam Điểm và dấu vết bị  thời gian xóa nhòa.

Nóc nhà Đông Dương mang dấu ấn Tam Điểm và dấu vết bị thời gian xóa nhòa.

Bia cột mốc ở đảo Hoàng Sa xây năm 1930 cũng mang dấu ấn hội Tam Điểm. Hai lưỡi kiếm bắt chéo cũng giống như hai mỏ neo là một đặc trưng của hội Tam Điểm. Như vậy, song song với quân đội, văn hóa xây dựng luôn luôn đi cùng để bảo vệ biên giới. Hội họa nhiếp ảnh cũng đã đóng góp phần quan trọng bảo tồn lưu trữ văn bản.

Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930.

Khi các công trình biến mất vì thiên tai,chiến tranh, hội họa nhiếp ảnh, ngôn ngữ, sách ghi chép, sử đều là những bằng chứng sống động để bảo vệ lãnh thổ. Do đó việc đầu tư văn hóa là điều rất đáng quan tâm, nhất là thời đại nay, càng cần phải đầu tư cho văn hóa vì média nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Một số người do không hiểu biết, và quá khích khi độc lập đã muốn xóa bỏ tất cả dấu vết của ngoại bang, đã vô tình làm mất đi một tài liệu quý báu về chủ quyền lãnh thổ.

Bảo vệ văn hóa, bản sắc dân tộc chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Khi bàn chiến tranh biên giới các nước đều tìm cách dùng các công trình văn hóa xưa trong sử sách để chứng minh chủ quyền lãnh thổ. Đầu tư văn hóa vùng nhạy cảm là điều ưu tiên nên khuyến khích để bảo vệ biên giới và lãnh thổ. Xây dựng những công trình văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và ngôn ngữ là một hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách văn minh, hữu hiệu và lịch sự với láng giềng và vừa khuyến khích di dân khai phá vùng xa, vừa khuyến khích các dân tộc xích lại gần cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Văn hóa cũng là hình thức giáo dục cần thiết giúp hình thành nhân cách con người văn hóa của một đất nước, hướng con người tới sự hoàn thiện trong xã hội văn hóa.

* Xem cuốn hội Tam Điểm ở Việt Nam với những đóng góp của các thành viên Việt Nam đầu tiên trong công cuộc giành độc lập và bảo vệ văn hóa ngôn ngữ dân tộc, Sáng Illuminati, 2013, Trần Thu Dung.

 

Paris20/05/2013
Trần Thu Dung