User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
 
Trong vòng 50 năm vừa qua, kỹ thuật đã tiến nhanh với mức độ chóng mặt và khó ai có thể hình dung được kỹ thuật sẽ như thế nào, 50 năm nữa. Đáng kể nhất có lẽ là những phát minh trong ngành điện tử, đặc biệt là hiện tượng Moore’s law và công nghệ na-nô. Ở khắp nơi trên mặt địa cầu, người ta đã thay đổi cách sống, cách làm việc, cách học và đã bắt đầu thấy ngỡ ngàng khi khám phá máy móc đã từ từ thay thế con người.
 
Ngày nay người ta đã không cần phải cất công vào thư viện để tìm tài liệu, vì đa số những điều họ muốn tìm đang có sẵn trên mạng Internet, vừa nhanh, vừa tiện. Nếu ai tò mò về thân phận, nguồn gốc con người, hay những gì đã và đang xảy ra trong đời sống, thì liệu với kiến thức và kỹ thuật hiện đại người ta có tìm được những gì họ muốn tìm?
 
Truyền thuyết mẹ Âu Cơ kể rằng: xưa kia bà Âu Cơ đẻ trứng và tất cả trứng nở thành 100 người con trai (và không có con gái!). Xưa nay chỉ có loài bò sát, chim, cá mới đẻ trứng và động vật loại có vú đều mang thai và đẻ con. Có người tin rằng từ nguyên thuỷ, mọi động vật đều đẻ trứng và theo thuyết tiến hoá, một vài loài đã đổi cách sinh sản từ trứng sang con. Căn cứ vào tuổi đời của loài chim và của loài người, thì lý luận như vậy nghe cũng có lý, nhưng người viết không phải là người nghiên cứu nên không dám bàn thêm (nhưng thắc mắc không lẽ bà Âu Cơ sống vào thời cổ đại khi con người còn đội xác thân chim? Và vì lý do gì mà mẹ Âu Cơ ly dị chồng, khiến cho phân nửa số con của bà thành kẻ không cha, và phân nửa còn lại không mẹ?). Những thắc mắc như vậy có lẽ sẽ không bao giờ có câu trả lời. Thôi, hãy xem đó chỉ là một truyền thuyết và không thắc mắc nữa.
 
                                                                  
Truyền thuyết Lac Long Quân và Âu Cơ
 
Phải chăng lý do mà mình không tìm được câu trả lời là tại vì mình bị gò bó theo lối suy nghĩ kinh điển? Vậy thi lối suy nghĩ không kinh điển phải như thế nào? Phải “đổi mới”, phải thay những gì đang có bằng những thứ mà người ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn, như đổi cách cấu tạo của cây dù (mà con người từng xử dụng trong mấy ngàn năm nay), hay đổi cách viết chữ Việt như trong chữ Việt năm 2020? Không chấp nhận những lời dạy trong tôn giáo từ ngàn đời, thí dụ như có Thượng Đế hay không? Thượng Đế tạo ra con người, hay con người tạo ra Thượng Đế? (gần đây, có người lại loan truyền một tôn giáo mới cho thế kỷ thứ 21vừa xuất hiện!). Hay phủ nhận những lời giải thích của khoa học gia, thí dụ như không có ngày khai thiên lập địamặc dầu nhiều nhà vật lý học hằng tin rằng ngày ấy thực sự đã xảy ra, cách đây hơn 13.7 tỷ năm? Các chuyện này thực hư như thế nào, hãy để các nhà chuyên môn khảo cứu, tranh luận; còn những người phàm như chúng ta đành phải theo dõi, mà không nên bàn thêm.
 
Quay về thế giới của người phàm, thì cuộc sống của chúng ta có không biết bao nhiêu chuyện kỳ diệu. Thí dụ như việc sinh sản của sinh vật là một chức năng do “trời” ban, phối hợp âm dương để duy trì nòi giống (trứng gà không có “trống” sẽ không nở thành gà con được). Trong loài thực vật, có loại cây duy trì nòi giống bằng cách nở hoa; hoa biến thành trái có hạt (sau khi ong bướm cấy phấn hoa vào nhụy hoa), và hạt nẩy mầm, sanh cây mới. Nhưng cũng có loài cây cỏ không cần hạt giống mà vẫn có thể sinh sôi, nẩy nở từ rễ, từ nhánh (chưa thấy có động vật nào có đặc tính này). Tương tự như loài cây cỏ, một số sinh vật như ốc, đỉa … thuộc loại lưỡng tính, nhưng chúng không thể tự mình thụ tinh để sinh con. Riêng về loài người, thì “trời” sinh (?) ra người nam, người nữ và từ đó có chuyện Adam & Eva (đôi khi “trời” lại vô ý nên sinh ra người lưỡng tính). Ngày nay khoa học đã tiến rất xa; người ta đã có thể ghép nội tạng, hoặc cấy da vào trứng của người phụ nữ để tạo ra tế bào gốc (stem cells). Người ta cũng đã thành công trong việc sao y bản chánh cho thú vật; cũng như có người đang nghiên cứu cách tạo ra những đứa trẻ giống hệt cha mình (reproductive cloning). Theo thời gian, những kỳ diệu từ thuở xa xưa đang dần dần biến thể, từ từ mất đi sự kỳ bí và thay vào đó bằng những thành quả ngoạn mục của con người.
 
Nhân nói về cuộc sống, thì sống phải có mãnh lực rất hấp dẫn nên từ con người đến thú vật đều cố gắng bám víu, không nỡ từ bỏ. Từ rất xa xưa, con người và thú vật đều biết dùng thảo dược để trị bịnh, không ngoài mục đích kéo dài sự sống. Ai cũng biết rằng sẽ có ngày cuối cùng sự sống giả từ thân xác mà đi, đi mãi không về. Có người bình thản nói rằng mình sẽ chấp nhận việc đó như lẽ thường tình; nhưng có ai dám chắc không có mối lo sợ trong lòng và mong việc đó đừng đến, hoặc đến trễ hơn, hay không? Ngay cả thú vật cũng còn biết sợ, khi chúng bước vào lò sát sinh, hay biết mình sắp sửa bị hành quyết! Phải chăng chỉ vì lý do sự sống chỉ đến duy nhất một lần? Nếu cuộc sống đáng quý như vậy, xin hỏi mạng người trị giá bao nhiêu?
 
Người ta tin rằng con người có linh hồn và nhiều người thường thắc mắc không biết linh hồn của mình từ đâu đến, và linh hồn sẽ đi về đâu sau khi mình qua đời (nếu không muốn dựa theo giáo điều). Có người nghĩ đơn giãn: linh hồn “sống” với não, nên khi não không còn “sống” thì linh hồn sẽ tan biến theo. Ngay cả đến khi chết, chưa chắc mình tìm được câu trả lời về việc linh hồn sẽ đi về đâu. Ở đầu thế kỷ 21 như bây giờ, có ai biết được câu trả lời thỏa đáng hay không? Xin hỏi riêng các nhà khoa học: linh hồn có phải là một loại sóng điện từ hay không? Nếu phải, thì ở tầng số nào, phát xuất từ đâu, mang năng lượng bao nhiêu? Có người “tin” rằng linh hồn không phải là loại sóng điện từ trong thế giới vật chất này, và linh hồn di chuyển mau hơn vận tốc ánh sáng! Điều này bây giờ chỉ có “trời” mới biết, phải vậy không?
 
Nếu con người có linh hồn, thì các sinh vật như cá, cầm thú …có linh hồn hay không? (khi chúng cũng có tim, có não, có máu tuần hoàn trong cơ thể; chúng có thể nhìn thấy, biết sợ, biết đau và biết vui mừng).  Nếu không, thì tại sao không? Nếu có, thì có lẽ linh hồn của người và thú vật  không “sống” trong các thế giới khác nhau, vì người và thú có thể sống chung, thân thiết như bạn bè và thú có thể vui sống với thú mặc dầu không cùng một loài. Nếu biết rằng thú vật có thể thương yêu thú vật, thú vật có thể thương yêu người; không lẽ con người lại không biết thương yêu con người? Xin hãy đừng làm khổ cho nhau để cuộc đời này đáng được sống, sống một lần mà thôi.
 
Nhân bàn đến linh hồn, không ai có thể phủ nhận sự kỳ diệu của tình yêu. Tình yêu gắn bó con người với hình ảnh thiêng liêng trong tôn giáo; để có người thà chết chứ không hề bỏ đạo. Tình yêu cũng gắn bó con người với nhau đến nỗi khi tuyệt vọng, người ta có thể tự kết liễu đời mình khi mất người yêu, như trong Đồi Thông Hai Mộ. Tình yêu có thể được thể hiện bằng vòng tay ôm của người mẹ hiền, bằng sự hy sinh, chia sẻ của người này cho người kia, bằng sự nhớ nhung khi xa cách, bằng sự mừng rỡ khi trùng phùng, bằng giọt lệ đớn đau khi tiễn người mình yêu về thế giới bên kia. Tình yêu thực sự vô hình, nhưng mình cảm nhận được; biết mình đang yêu, không yêu, được yêu hay không được yêu. Tình yêu có thể chợt đến, chợt đi; nhưng cũng có thể là mãi mãi (ngay cả khi không còn gặp mặt nhau). Tình yêu có thể là phương tiện tự kỷ ám thị để con người đè nén, che dấu khổ đau, để sống trong hạnh phúc giả tạo. Tình yêu cũng có thể là phương tiện để giúp con người đạt đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc và không màng đến những việc khác trên đời. Có người đặt câu hỏi: làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Xin đừng thắc mắc mà hãy chấp nhận tình yêu như một thiên chức kỳ diệu và tận hưởng tình yêu suốt cuộc đời này.
 
                                                                                Sự Kỳ Diệu Của Tình yêu
  
Một thiên chức kỳ diệu khác của con người là khả năng sáng tạo và khả năng đồng cảm để con người có thể tạo được những việc mới lạ, có thể cảm nhận được những gì mà tác giả gởi gấm trong tác phẩm của mình. Tuyệt vời nhất có lẽ là việc con người có thể viết, vẽ để ghi lại những gì họ đang nghĩ trong đầu, để chia sẻ với người khác những giây phút kỳ diệu của riêng mình. Có người lim dim đôi mắt khi cất tiếng ca hay tấu một bài nhạc, tựa hồ như đang sống chung với người nghệ sĩ trong một thế giới mơ hồ và không muốn tâm tư bị khuấy động bởi sự vật hiện hữu quanh mình. Người thưởng ngoạn cũng say sưa không kém; như ngày xưa, Mỵ Nương một thời say đắm tiếng sáo của Trương Chi. Khi ngắm nhìn bức tranh, có người chăm chú nhìn một điểm nào đó trong tranh, lâng lâng như vừa tìm được ngọc trong tranh. Hạnh phúc thay cho những ai còn có đôi tai, đôi mắt toàn vẹn để có thể nghe và nhìn được những gì có thể đem lại cho họ những giây phút tuyệt trần. May mắn thay cho những ai có tâm hồn đồng điệu để có thể chia sẻ những giây phút tuyệt trần với người nghệ sĩ. Ôi, cuộc đời thú vị biết bao!
 
Và cuộc đời thú vị thật. Mấy ai không một lần xao xuyến với người con gái có nụ cười tươi như hoa nở, có ánh mắt thu hút lòng người, có giọng nói ngọt như mật, mềm như tơ. Mấy ai không một lần lâng lâng theo âm thanh trầm bổng, réo rắt, du dương của một bản nhạc buồn; không một lần thấy cay trong mắt khi nhìn một bàn tay cứu vớt một bàn tay, một vòng tay sưởi ấm cho người bất hạnh, hay tử biệt, sinh ly. Xin cám ơn “trời” cho con người thêm ân huệ được sống trong thế giới mờ mờ ảo ảo, huyền diệu mà có lẽ không sinh vật nào khác có được.
 
Có lẽ cũng có nhiều người tò mò như người viết, muốn tìm hiểu nguồn gốc của nhiều thứ trên đời. Nhưng riêng đối với người viết, thắc mắc thì nhiều nhưng câu trả lời thoả đáng lại không bao nhiêu. Suy cho cùng thì câu trả lời thoả đáng không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của con người. Nếu một mai có lời giải thích khả tín thì cuộc đời thêm chút hương vị; còn nếu không, cũng không sao. Thôi thì đành tạm thời khép lại câu chuyện này, mong mai sau sẽ có một ngày mọi chuyện được sáng tỏ (nhưng khi được sáng tỏ, có lẽ đời sẽ không còn thú vị như bây giờ!).
 
Phụng Nguyễn