User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hai Bài THƠ HUYẾT LỆ CỦA QUAN THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI THẦN NGUYỄN TRUNG TRỰC

VĨNH LIÊM

       Nhân coi Youtube của Cư sĩ Đặng Thành Quý, chúng tôi được biết Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực có làm 2 bài thơ trước khi Ngài ra nạp mình cho quân Pháp. Một bài thơ (thể Song Thất Lục Bát) gởi cho Mẹ để báo tin cho Mẹ biết vì chữ Hiếu (cứu Mẹ) nên Ngài phải ra nạp mình cho quân Pháp để Mẹ được tự do (Pháp thả bà ra). Bài thơ thứ 2 (thơ 8 chữ) viết gởi cho quân Pháp, Ngài nêu ra ý định tự nạp mình cho quân Pháp để cứu bà Mẹ, tức được quân Pháp thả ra (trả tự do).

       Anh hùng Nguyễn Trung Trực là một người trung hiếu vẹn toàn. Hai chiến công lớn của Ngài (Đốt cháy tàu L’Esperance của quân Pháp năm 1861 tại Nhật Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) và Đánh úp đồn Kiên Giang năm 1868 đã làm cho Thực dân Pháp khiếp sợ.

4555 1 QuaTDDTNgTrgTrucVLiem

Chân dung Đức Nguyễn Trung Trực trong đền thờ tại Phú Quốc, Việt Nam.

Trước khi nói về 2 bài thơ của Ngài, chúng ta nên tìm hiểu tiểu sử của Ngài.

       Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 tại Gia Định. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, tự Chơn. Ông học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Năm 1860, ông đầu quân dưới trướng nhà cách mạng Trương Công Định. Năm 1861 ông chỉ huy đốt cháy tàu L'Espérance của Pháp tại Nhật Tảo (Long An). Năm 1868, Nguyễn Trung Trực đánh úp đồn Kiên Giang (Rạch Giá), nghĩa quân chiếm được đồn. Cuối năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm kình chống đối phương lâu dài. Vợ ông là Bà Điều, vừa sanh con xong, liền chỉ huy một cánh binh ở sông Cửa Cạn, khi quân Pháp vây đánh, bà bị thương nên qua đời. Lúc đó đứa con trai vừa mới ra đời được Nguyễn Trung Trực đem giấu kín ở Ghềnh Dầu để ông rãnh tay kháng chiến chống quân Pháp, khi ông trở lại tìm con thì đứa bé bị mất tích. (Ghi chú của Vĩnh Liêm: Có nguồn tin cho rằng “vợ ông bị bệnh hậu sản nên qua đời; đứa con không sữa nên đã chết”. Chúng tôi không rõ hư thực như thế nào nên không dám lạm bàn). Trong lúc đó, Nghĩa quân bị quân Pháp bao vây nên cạn kiệt lương thực. Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp tinh thần. Vì lòng hiếu thảo, Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp để bảo toàn lực luợng không bị Pháp trả thù; đồng thời để Mẹ được Pháp trả tự do.

Trong bài thơ gởi Mẹ, có đoạn ông bày tỏ như sau:

Nay con đã chọn đường cứu Mẹ,

Nương án binh về phía Kiên Giang.

Nạp mình chẳng phải đầu hàng,

Cứu nguy từ mẫu, gian nan chẳng cần.

Hai chiến công nổi bật của anh hùng Nguyễn Trung Trực đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch:

Lửa bừng Nhựt Tảo râm trời đất

Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

Trong bài thơ gởi cho quân Pháp, có đoạn ông bày tỏ lòng cương quyết như sau:

Ta tự nạp là trả xong mối nợ,

Hiếu cùng trung cho rạng rỡ nam nhi.

Giết hay tha ta chẳng xá chi,

Miễn trọn đạo vẹn niềm cùng Tổ quốc.

Và ông cũng có lời khuyên quân Pháp hãy đối xử với đám tàn binh của ông một cách nhân đạo:

Nguyễn Trung Trực quản gì còn hay mất,

Xin Pháp quân thành thật mấy lời van.

Đám tàn binh nơi qui tụ mấy chục ngàn,

Đừng sanh sát rất oan người lương thiện.

       Nhà cách mạng Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp xử tử bằng cách hành quyết (chặt đầu) ngày ngày 27 tháng 10 năm 1868 (nhằm ngày 12 tháng 9 âm lịch năm Mậu Thìn) tại pháp trường Rạch Giá. Ông hưởng dương 31 tuổi.

Trước khi ra pháp trường, anh hùng Nguyễn Trung Trực ngâm bài thơ do chính Ngài sáng tác. Bài thơ như sau:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,

Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.

Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.

Anh hùng gặp phải hồi không đất,

Thù hận chang chang chẳng đội trời.

       Tại pháp trường, trước khi đầu rơi khỏi cổ, anh hùng Nguyễn Trung Trực dõng dạt hô lớn rằng: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

       Sau cái chết của anh hùng Nguyễn Trung Trực, vua Tự Đức bèn sai hoàng giáp Lê Khắc Cẩn làm lễ truy điệu, đọc bài điếu văn với chính bút ngự rằng:

Ký bi ngư nhân

Hùng tại quốc sĩ

Hỏa Nhựt Tảo thuyền

Đồ Kiên Giang lũy

Địch khái đồng cừu

Thân tiên tự thỉ

Hiệu khí cổ kim

Thử nhân nam tư

Xích huyết hoàng sa

Ô hô dĩ hi

Huyết thực thiên thu

Chương nhữ trung nghĩa.

Thái Bạch dịch:

Giỏi thay người chài

Mạnh thay quốc sĩ

Đốt thuyền Nhật Tảo,

Phá lũy Kiên Giang.

Thù nước chưa xong

Thân sao đã mất

Hiệu khí xưa nay

Người nam tử ấy

Máu đỏ, cát vàng

Hỡi ơi thôi vậy

Ngàn năm hương khói,

Trung nghĩa còn đây.

       Chính vua Tự Đức đã sắc phong ông Nguyễn Trung Trực làm Thượng Đẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chớ không chịu đầu hàng Pháp.

       Tiếp theo, Phật Giáo Hòa Hảo đã phong ông thành Quan Thượng Đẳng Đại Thần, và tên ông được đặt thành Lực Lượng Nguyễn Trung Trực thuộc Dân Xã Đảng (tức Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng).

4555 2 QuanTDDTNgTrgTrucVLiem

Một khẩu đại bác loại nhỏ, thô sơ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực.

Nhà cách mạng Huỳnh Mẫn Đạt có bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực 吊阮忠直 như sau:

吊阮忠直 

勝負戎場不足論,

頹波砥柱憶漁民。

火紅日早轟天地,

劍白堅江泣鬼神。

一旦非常標節義,

兩全無畏報君親。

英雄強脛芳名壽,

羞殺低頭未死人。

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt)

Điếu Nguyễn Trung Trực

Thắng phụ nhung trường bất túc luân,

Đồi ba để trụ ức ngư dân.

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạch Kiên Giang khấp quỷ thần.

Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,

Lưỡng toàn vô úy báo quân thân.

Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,

Tu sát đê đầu vị tử nhân.

Bản dịch của Cử Tạ:

Thắng bại chi bàn việc tướng quân,

Người chài trụ đá khúc gian truân.

Lửa bừng Nhật Tảo rêm trời đất,

Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa,

Đôi đường trọn chữ báo quân thân.

Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi,

Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.

4555 3 QuanTDDTNgTrgTrucVLiem

Mảnh ván tàu L’Espérance, được trưng bày tại đền thờ chính.

       Sau đây kính mời quý vị thưởng thức 2 bài thơ huyết lệ (tuyệt mệnh) của Đức Nguyễn Trung Trực. Đây là tài liệu lịch sử hiếm quý mà Cư sĩ Đặng Thành Quý không nêu rõ nơi xuất xứ hai bài Thơ của Đức Nguyễn Trung Trực.

Bài thơ thứ nhứt:

THƠ GỞI MẸ

Thân trai đứng giữa cõi trần,

Sống làm Tướng Việt, thác Thần nước Nam.

Đảo Phú Quốc được thư Hiền mẫu,

Huyết hận cừu nung nấu tâm cang.

Đọc thư lụy nhỏ đôi hàng,

Từ đây gánh nặng giang san phủi rồi.

Con gây tội, Mẹ ngồi ngục thất,

Thật con là đứa bất hiếu nhi.

Xét ra con rất vô nghì,

Toàn trung thất hiếu thị phi muôn đời.

Nơi côn đảo giữa trời biển cả,

Chí phục thù nào xá hiểm nguy.

Nào hay vận nước suy vi,

Trổ sanh một lũ gian phi gây loàn.

Chúng theo Pháp phũ phàng Tổ quốc,

Cũng vì mê vật chất văn minh.

Huy chương, tước trọng rất vinh,

Buôn dân bán nước, phụ tình giang san.

Con thề chẳng đầu hàng quân giặc,

Dẫu lâm nguy, dạ sắt chẳng sờn.

Trung thần lấy thác làm hơn,

Nguyền đem xương máu đáp ơn nước nhà.

Nơi Nhật Tảo máu pha súng đạn,

Chốn Kiên Giang kiếm bạc vẫy vùng.

Miền Tây vang tiếng anh hùng,

Dầu con kém sức quyết vung gươm thần.

Kìa đất nước là ân phải trả,

Ân Tổ tiên con há quên sao?

Lắm phen gươm nhuộm máu đào,

Cũng vì Tổ quốc, đồng bào lâm nguy.

Bọn giặc biết con tuy túng thế,

Nhưng đủ đầy mưu kế đấu tranh.

Muốn cho công việc mau thành,

Việt gian thiết kế cấm sanh mẹ già.

Rất khó xử thù nhà nợ nước,

Phận của con khó được vẹn ngay.

Dầu cho con đủ trí tài,

Hiếu nhi là phận khó phai lòng vàng.

Thưa Mẹ!

Thân sanh bách hạnh hiếu nghĩa vi tiên!

Sách thánh hiền chép biên tỏ rõ,

Không thể nào con bỏ Mẹ hiền!

Hay đền thân nợ thung quyên,

Dẫu cho con thác cửu huyền cũng vui.

Ai sanh đẻ, ai nuôi con lớn,

Để mẹ già đau đớn xác thân.

Bấy lâu vì nước vì dân,

Mộ khang thần tĩnh muôn phần xót xa.

Con đâu nở tiền tài danh dự,

Con nào ham hùng cứ nhất phương.

Khi mà Mẹ đã cùng đường,

Bị phe đối lập chủ trương sanh cầm.

Con xét lại thân tâm phải trả,

Con của dâu lả chả tơ lòng,

Nhưng mà bướm nọ dày công,

Thành tâm giúp ích non sông đẹp mày.

Lời của Mẹ tỏ bày cặn kẽ,

Con khó bề hiếu nhẹ nặng trung.

Dầu con tranh đấu đến cùng,

Thế cô sức yếu giặc dung đặng nào.

Khi kết cuộc đồng bào phê phán,

Hiếu chẳng thông, chịu án bất trung.

Miễn sao giữ tiếng anh hùng,

Hiếu cùng với Mẹ chung cùng quốc vương.

Nay con đã chọn đường cứu Mẹ,

Nương án binh về phía Kiên Giang.

Nạp mình chẳng phải đầu hàng,

Cứu nguy từ mẫu, gian nan chẳng cần.

Con quyết định một lần lấy chết,

Không còn ham sống sót nữa chi.

Sống mà thấy lũ gian phi,

Sống xem non nước khuynh nguy đau lòng.

Ôi! Vận nước suy vong nghiêng ngã,

Các anh hùng thử lửa chọn vàng.

Nhưng mà bị lũ Việt gian,

Dầu cho thao lược khó toan quật cường.

Thương Tổ quốc tai ương khó tránh,

Máy huyền vi ẩn ánh nạn tai.

Cả kêu ái quốc hỡi ai!

Phất cờ cứu Mẹ anh tài Việt Nam.

Thưa Mẹ!

Thơ đến Mẹ con cam thọ tử,

Chết anh hùng đặng giữ tiết danh.

Là con trả nợ sanh thành,

Mẹ hãnh diện mà nhìn con chết,

Của đứa con đã hết liệt oanh,

Thà là chết được thơm danh,

Gương nêu thanh sử hùng anh muôn đời.

Con kính gởi mấy lời quyết định,

Ấy là con vâng lịnh lương tâm.

Nước nhà gặp buổi thăng trầm,

Quốc vương thủy tổ ân thâm trả rồi.

Giờ đến lúc đắp bồi sanh trưởng,

Xin Mẹ già rộng lượng thứ tha.

Trọn câu ân nước nợ nhà,

Sống là Tướng Việt, thác ma Lạc Hồng.

Đã trả nợ non sông son sắt,

Giữ một lòng!

Ai mưu đồ bán nước.

NGUYỄN TRUNG TRỰC một lòng.

4555 4 QuanTDDTNgTrgTrucVLiem

Nơi Nguyễn Trung Trực thọ án, nay là Bưu điện thành phố Rạch Giá.

Bài thơ thứ hai:

THƠ GỞI CHO QUÂN ĐỘI PHÁP

Làm trai đứng giữa cõi trần,

Sống làm Tướng Việt, thác Thần nước Nam.

Nguyễn Trung Trực sống làm đất Việt,

Tỏ mấy điều khí tiết với Pháp quân.

Ta đấu tranh cho Tổ quốc không ngừng,

Khắp Nam Bắc ta danh lừng một cõi.

Sức mãnh hổ khó đương cùng muôn sói,

Nhưng nguyện thề không làm mọi ngoại bang.

Có mong khuyến dụ ta đầu hàng,

Ham chức tước, bạc vàng làm lợi khí.

Sống ô nhục, thác vinh hơn cao quý,

Công chưa thành cũng toại chí anh hùng.

Ngọn gươm thần liệt liệt, oanh oanh,

Nơi Nhật Tảo tan tành đào hy vọng.

Ghét quân địch, anh hùng sôi máu nóng,

Đã mấy phen làm tan mộng xâm lăng.

Rất tiếc thay sóng dậy chốn đất bằng,

Quân bán nước nỡ ngăn đường cứu quốc,

Giết quân địch thây phơi đầy đất,

Quyết đền ơn tất đất với ngọn rau.

Bọn địch quân nào kể đến đồng bào,

Cùng Tổ quốc nên xen vào tiếp giặc.

Nên ta chẳng đề phòng quân phản tặc,

Thất cơ binh về thủ mặt Kiên Giang.

Xưa binh ta tinh nhuệ mấy chục ngàn,

Bị gián điệp phải tan hàng rã ngũ.

Nơi ven biển ta kiên lòng cố thủ,

Chốn rừng sâu ta ẩn tất náo nương.

Du kích quân hoạt động thường thường,

Quân đội Pháp đã cùng phương tảo địch.

Thành Kiên Giang khói mây mù mịt,

Cảm tử quân giết địch trừ gian.

Khắp mọi nơi giang cảnh nhuộm điêu tàn,

Chẳng nản chí Kiên Giang thành chống nại.

Tin Mẹ bị sanh cầm lòng tê tái,

Ta không còn hăng hái được đấu tranh.

Ôi! Giang san ta tạm gác để dành,

Cho hậu tấn tiếp noi gương oanh liệt.

Ta muốn chết cho đượm đầy khí tiết,

Chẳng đầu hàng những lũ Việt gian nhân.

Phận hiếu nhi nguyện cứu mạng mẫu từ,

Đâu phải phục Tần kiều theo Sở chết.

Ta tự nạp là trả xong mối nợ,

Hiếu cùng trung cho rạng rỡ nam nhi.

Giết hay tha ta chẳng xá chi,

Miễn trọn đạo vẹn niềm cùng Tổ quốc.

Nguyễn Trung Trực quản gì còn hay mất,

Xin Pháp quân thành thật mấy lời van.

Đám tàn binh nơi qui tụ mấy chục ngàn,

Đừng sanh sát rất oan người lương thiện.

Ta gây giặc chớ họ nào hiếu chiến,

Thôi ta làm thì nguyện nạp mình.

Bởi vì ta họ mới quyết chí hy sinh,

Tung xương máu đáp tình cùng non nước.

Yêu tổ quốc đố dằn lòng cho được,

Chống ngoại xâm đồng trả trước sau.

Nơi sa trường khắp chốn nhuộm máu đào,

Chớ chẳng phải làm nao lòng quân xâm lược.

Ta chí tánh không ham quyền trọng tước,

Muốn đồng bào hưởng được chút đức ân.

Sau khi ta từ giã cõi dương trần,

Được người Pháp xem dân như người bạn.

Đừng dở thói mua thù chuốc oán,

Chớ nghe lời bọn bán nước buôn dân.

Đừng chuốc oán phải mến Tần mất Sở.

Ta vì hiếu chớ phải vì mất họ,

Còn sức thừa để trổ hết tài trai.

Tức đời ta sao gặp lắm chông gai,

Để kết thúc chuỗi ngày sau oán hận.

Bức thư nầy khi Pháp quân tiếp nhận,

Ba ngày sau ta đến tận trấn Kiên Giang.

Đi nạp mình cho thân mẫu được bình an,

Chớ chẳng phải đầu hàng, ham quyền tước.

Xin Pháp quân cũng đừng nên nói ngược,

Ta nhập thành thì thân mẫu được tự do.

Đời liệt oanh ta gặp lúc quá gay go,

Ta thành thật kêu gọi lời danh dự,

Nơi Phú Quốc ta nhất phương hùng cứ,

Mấy tháng trời không chế ngự được ta.

Bởi ngày nay cám cảnh nghĩa mẹ già,

Nạp mạng sống, thiết tha không phục lụy.

Chết được nêu danh anh hùng tiết khí,

Sống đầu hàng để di xú vạn niên.

Ai nở đành bán nước cho Tây phiên,

Làm tủi hận bậc tiền nhân quá cố.

Ai cố tâm bán quê hương đất tổ,

Rước voi về dầy mã tổ ông cha.

Ôi! Thấy non sông lòng quá thiết tha,

Hận mấy kẻ gian tà toan bán nước.

Nước Việt Nam ôi! thật là vô phước,

Sanh chi loài bán nước tham quan!

Làm cho ta nhiệm vụ lỡ làng,

Mộng cứu quốc đành vỡ tan trong mây khói.

Hỡi Tây phiên lang sói,

Mở mắt lớn mà coi.

Trung Trực thà chịu chết,

Chớ chẳng chịu tôi đòi.

NGUYỄN TRUNG TRỰC

4555 5 QuanTDDTNgTrgTrucVLiem

Chiếu Tà Niên do dân làm ra, để tỏ lòng tôn kính ông Nguyễn.

       Trước khi viết bài nầy, chúng tôi đã tìm kiếm trên Internet qua Google nhưng không thấy 2 bài thơ nầy của Đức Nguyễn Trung Trực nên không rõ xuất xứ. Vì đây là tài liệu lịch sử rất quý báu nên chúng tôi quyết định giới thiệu đến quý độc giả để biết đến tâm tư của vị anh hùng dân tộc qua hai bài thơ nói trên.

(Thung lũng Avondale, 05-08-2022)

VĨNH LIÊM