User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

       Cách đây đúng sáu mươi sáu năm, vào năm Ất Dậu 1945, một nạn đói khủng khiếp đã bao phủ một màn tang tóc trên đất nước Việt Nam. Nhưng cũng trong năm ấy quê hương chúng ta lại gặp đại nạn mà ảnh hưởng sâu đậm kéo dài trên nửa thế kỷ khi Việt Minh đã lợi dụng tình thế hỗn loạn sau khi quân đội Nhật đầu hàng Đồng Minh và giải giáp để cướp chính quyền và áp đặt một chế độ cộng sản độc tài và tàn bạo lên người dân Việt. Cách đây ba mươi sáu năm, với sự giúp đỡ của đàn anh Trung cộng, Việt cộng đã chiếm trọn nước ta và sau từng ấy năm thống trị, giang sơn gấm vóc của chúng ta không những đã trở thành một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới mà dân chúng lại bị tước đoạt hết quyền căn bản làm người. Sự lấn át của Trung cộng ngày càng rõ rệt, đất đai nước ta bị cưỡng chiếm, hải phận bị xâm phạm, thường dân, ngư phủ bị tàn sát, trong khi đó tập đoàn cộng sản cai trị vẫn làm ngơ và tham nhũng vơ vét tiền bạc cho đầy túi tham. Cách đây sáu năm, lại tới một năm Ất Dậu 2005. Chu kỳ 60 năm, giữa hai năm Ất Dậu,  đã không giải hết đại nạn cho dân Việt, nhưng nước có tuần, dân có vận, chúng ta đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu bắt đầu sự tàn lụi của Việt cộng. Những Hùng Văn trình bày trong bài viết này sẽ cho ta thấy lại những gương sáng của tiền nhân trong công cuộc bảo vệ giang sơn và loại trừ những kẻ nghịch thần, phản quốc.

       Có một lần, tôi được mời nói chuyện ở một buổi dạ tiệc của Hội Dược Sĩ Việt Nam miền Bắc Cali. Chị Hội trưởng, cũng là một sinh viên cũ ở Đại Học Michigan đã muốn tôi nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam trong một thời gian ngắn gọn vào khoảng nửa giờ cho một số thính giả không đồng đều. Trong số những dược sĩ hội viên ở những lớp tuổi khác nhau, có những ngưòi đã biết nhiều về văn hoá Việt, và có những em trưởng thành ở Hoa Kỳ, nay tuy đã ra trường nhưng vẫn muốn trau dồi thêm về kiến thức nhân văn và đặc biệt các bạn muốn hiểu biết về văn hoá và lịch sử nước nhà.

       Cách đây vài năm, một duyên tao ngộ nữa lại đến với tôi, vì trong chuyến thăm viếng Úc châu do lời mời của Trung Tâm Điều Hợp, Tập Thể CSVNCH Úc châu và ông Chủ tịch Cộng Đồng NVTD New South Wales, tôi lại được dự một buổi Tâm Đàm với thế hệ Hậu duệ của lớp người Việt tỵ nạn cộng sản. Nam bán cầu lúc đó đang đi vào mùa hè, trời bên ngoài nóng tới trên 1000 F, mà trong phòng họp của Trung Tâm Văn Hoá và Sinh Hoạt Cộng Đồng tại Bonnyrigg ở ngoại ô của thành phố Sydney, theo các báo địa phương sau này loan tin tức, vào buổi chiều ngày thứ Bảy 27/11/2004, khi tôi tới nói chuyện, đã có hơn 500 nguời đồng hương tham dự. Trong phần mở đầu, khi ban tổ chức giới thiệu thành phần Hậu duệ nòng cốt của Tiểu bang New South Wales, những bạn trẻ là những người đầu tiên ghi danh để thành lập tổ chức, có 16 người thì hầu hết là các chuyên gia như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, … những người đã từng giữ những chức vụ lãnh đạo như chủ tịch hay phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do/NSW. Một đại diện hậu duệ, cũng là cựu Nghị viên Hội Đồng Thành Phố Bankstown, trong phần phát biểu mở đầu, đã nói: “Tập Thể Hậu Duệ Trung Tâm Úc Châu chúng tôi kêu gọi sự tham gia sinh hoạt đông đảo của các bạn để chúng ta có thể tiếp sức và nối tiếp truyền thống hào hùng của Thế Hệ đi trước”. Vì là một buổi tâm đàm nên bài nói chuyện của tôi không cần soạn trước và để bắt đầu câu chuyện tôi đã dựa theo lời nói của anh đại diện Hậu duệ mà nhắc lại một bài thơ chữ Hán của giáo sư Lê Hoà là người bạn từ Tây Đức đã gửi cho tôi nhiều năm trước đây. Bài thơ gợi tình nhớ nước có hai câu hợp với hiện cảnh là:

“Thánh nhân thử  địa tằng lưu tích,
Tuấn kiệt hà phương vị bất lai?”

Có ngụ ý là đất nước chúng ta tiền nhân đã để lại bao di tích oai hùng trong công cuộc xây dựng đất nước mà sao giờ đây, giang sơn cần đến những người có tài năng để cứu nước thì những người con ưu tú hiện nay ở phương nào chưa thấy lại? Nhìn trong hậu trường ngày hôm đó, các bạn trẻ mới vào tuổi trên dưới ba mươi, trưởng thành trên xứ người mà nhiều bạn đã đạt được những thành tích xuất sắc. Những bạn trẻ khi được giới thiệu ra trình diện, có những gương mặt quen thuộc với người đồng hương vì đã từng là Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Cộng Đồng NVTD, những chức vụ được người đồng hương tín nhiệm bầu vào.

       Nhìn thấy những hiền tài của đất nước, giờ đây sẵn sàng nhập cuộc, để các bạn biết đến những gương sáng đời xưa, tôi đã nói về những chiến tích của tiền nhân qua mấy ngàn năm gìn giữ đất đai, mà cũng tiếc hận cho giờ đây non sông gấm vóc của chúng ta đã bị những người cộng sản cầm quyền dâng đất, nhượng biển cho Trung cộng. Những gì tôi chỉ nói vắn tắt tại những buổi nói chuyện vì thời gian có hạn, nay tôi viết lại ở đây để thân tặng những bạn trẻ chuyên gia, tuy đã thành đạt trên nước người nhưng lòng vẫn hướng về dặm nghìn đất tổ xa vời, mong được có ngày nhìn lại trong khung cảnh tự do, thanh bình và thịnh vượng.

Tiếng Trống Mê Linh

       Nếu chúng ta nhìn lại bản đồ nước nhà, hình cong chữ S, thì toàn thể biên giới về mặt Bắc là Trung quốc, từ bao lâu vẫn nhòm ngó, muốn xâm chiếm nước ta. Sự tranh chấp đất đai đã xảy ra từ hơn hai ngàn năm nay. Khởi đầu là Việt Nam đã bị đặt dưới sự đô hộ của Tầu trên một ngàn năm, từ 111 tr. Tây lịch tới năm 931.                         

       Tuy bị đô hộ một ngàn năm, nhưng có điều làm chúng ta tự hào là người Việt vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng nói của mình, và những phong tục riêng, như ăn trầu, hay những lễ cưới hỏi, khác với tục lệ Trung quốc. Để bắt đầu cuộc xâm lăng và thống trị, Vua Hán Vũ Đế cho Phục Ba tuớng quân là Lộ Bác Đức đem 5 đạo quân hùng mạnh sang đánh chiếm nước ta, lúc đó có tên là Nam Việt. Năm ấy là năm Canh Ngọ và nuớc Nam Việt bị người Tàu chiếm lấy, cải là Giao Chỉ bộ, chia làm 9 quận, và đặt quan cai trị như các châu quận bên Tàu. Từ đó bắt đầu cuộc nổi dậy dành lại đất đai, giang sơn gấm vóc của người dân Việt, theo truyền thuyết được coi như là giòng giống con Rồng, cháu Tiên. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ này để chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc, đã nhiều lần có những bản văn kiệt tác, hay những tiếng nói hào hùng, được ghi lại trong Việt sử. Dưới đây tôi nhắc lại một cách tiêu biểu một số những hùng văn đã làm chúng ta tự hào.

       Đã là người Việt Nam, chúng ta phải biết đến công ơn của hai Bà Trưng đã nổi lên đánh đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi nước Nam. Thuở nhỏ các học sinh Việt đã học thuộc nằm lòng những câu thơ xưng tụng hai Bà trong cuốn Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca:

Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

       Năm Giáp Ngọ (34), vua Quang Vũ nhà Hán sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Là người bạo ngược tàn ác, dùng đường lối sắt máu để cai trị, năm 40 Tô Định lại giết ông Thi Sách và gây thêm nỗi oán giận cho người dân. Vợ ông Thi Sách là bà Trưng Trắc, cùng với em gái là Trưng Nhị nổi lên đưa quân về đánh Tô Định phải trốn chạy và cùng với người dân nơi nơi vùng lên dẹp được 65 thành trì. Hai bà lên ngôi vua và đóng đô ở Mê Linh là nơi quê nhà. Năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đưa một đạo quân hùng mạnh sang đánh Trưng Vương. Mã Viện là một danh tướng nhà Đông Hán, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn oai vũ, đưa quân dọc theo miền bể, phá rừng đào núi làm đường sạn đạo tới Lạng Bạc, gặp quân của hai Bà, đánh thắng mấy trận và dồn quân ta về Cẩm Khê. Mã Viện lại tiến quân lên đánh tiếp, hai Bà thua chạy về đến xã Hát Môn, nay thuộc địa hạt tỉnh Sơn Tây, gặp thế cùng cả hai chị em cùng gieo mình xuống sông Hát Giang mà tuẫn quốc, năm 43, để cho đến nay gần hai ngàn năm sau, vẫn được dân Việt đời đời thờ phụng.

  Hai Bà Trưng Khởi Nghĩa

Mã Viện đánh được Trưng Vương, đem đất Giao Chỉ thuộc về nhà Hán và dựng một cây cột đồng ở chỗ phân địa giới, trên có khắc sáu chữ:

“Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”

Có nghĩa là cây cột đồng mà đổ thì người Giao Chỉ mất nòi. Theo trong dã sử chép lại thì người Giao Chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân đồng trụ một hòn đá cho nên chỗ ấy về sau thành như một quả núi phủ kín cột đồng làm biến mất di tích. Trải qua nhiều thế kỷ, trong sự giao thiệp với Trung quốc, người Tầu nhiều khi còn nhắc đến cột đồng mà người mình muốn quên.

       Đời nhà Lê, từ khi vua Lê Lợi khởi nghĩa dẹp được quân Minh đem lại giang sơn cho nước nhà, những đời vua kế tiếp luôn luôn lấy sự gìn giữ đất đai là hệ trọng. Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có lần đã bảo với triều thần rằng:

“Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại.”

       Năm 1597, đời vua Lê Thế Tông, Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan, là người văn hay chữ tốt, người dân gọi là ông Trạng Bùng, được chúa Trịnh cử sang Trung Quốc cầu phong cho vua Lê với nhà Minh. Vua quan nhà Minh bên Tàu, tuy vẫn muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng còn nhớ đến sức kháng chiến của dân Đại Việt trong thời gian Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, nên chỉ làm khó dễ nước ta về mặt ngoại giao, đặt lệ bắt mỗi ba năm phải cho sứ thần sang triều cống một lần. Trong cuộc giao tiếp, sứ thần nước ta được quan Tàu ra câu đối nhắc lại chuyện cột đồng kỷ niệm chiến thắng của Mã Viện với giọng điệu cao ngạo:

“Đồng trụ chí kim đài vị lục”

Nghĩa là cột đồng cho đến nay rêu vẫn chưa xanh. Nhưng sứ thần ta là ông Trạng Bùng là người tinh thông sử Việt nên nhớ đến những chiến thắng của ta trên sông Bạch Đằng. Năm Mậu Kỷ (938), vua Nam Hán, theo lời yêu cầu của Việt gian Kiều Công Tiễn, sai thái tử Hoàng Thao sang đánh Giao châu. Ông Ngô Quyền bắt giết Kiều Công Tiễn làm lễ tế cờ và truyền hịch cho quân sĩ phải hết sức phòng bị rồi cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, phục binh đánh một trận thủy chiến diệt chiến thuyền của quân Nam Hán, quân Hoàng Thao bị chết quá nửa, chủ tướng cũng bị bắt giết. Sau đó 350 năm, lịch sử lại tiếp diễn. Cũng trên Bạch Đằng Giang, vào tháng Ba năm Mậu Tí (1288), Hưng Đạo Vương đã đại phá quân nhà Nguyên máu loang đỏ cả khúc sông. Bạch Đằng Giang nay thuôc huyện Thụy Nguyên, tỉnh Kiến An. Để đối lại với câu xướng của quan Tàu đã vô lễ xấc xược, sứ thần nước ta đã viết lại vế thứ hai với bẩy chữ như những gai nhọn sói vào tim óc đối phuơng:

“Đằng giang tự cổ huyết do hồng”              

Câu này có nghĩa là sông Đằng từ xưa máu còn đỏ thắm. Thật là một câu ngắn nhưng đối chọi rất chỉnh và đã nói lên niềm tự hào của dân tộc về những chiến tích oanh liệt của tiền nhân trên sông Bạch Đằng.

Ngô Quyền Và Đại Chiến Bạch Đằng

       Từ khi Nam Việt thoát đuợc ách đô hộ của nước Tàu, kể từ đời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1010, người mình luôn luôn phải chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc. Lý Thường Kiệt là một danh tướng triều Lý, phạt Tống ở phương Bắc, bình Chiêm về phía Nam. Khi đánh Tống năm 1076, trước cửa ải Nam quan, ông làm bài thơ  khích lệ quân sĩ

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bốn câu thơ có nghĩa là núi sông của nước Nam, sách trời đã định là thuộc về vua nước Nam. Nếu quân cướp định xâm phạm thì thế nào cũng bị thảm bại. Quân lính nghe mấy câu thơ ai nấy đều nức lòng cự địch. Tám vạn quân sĩ nhà Tống sang xâm lăng, gặp nơi chướng địa, đánh mãi không nổi, dần dà chết quá nửa, sau cùng vua nhà Tống đành phải giảng hoà lui binh.

Hịch Tướng Sĩ Văn

       Sau đời nhà Lý thì tới đời nhà Trần (1225-1400). Ở thời đại ấy ở bên Tàu có triều đình Mông Cổ nhà Nguyên. Hai lần họ mang quân sang đánh nước ta, nhưng lần nào quân xâm lược cũng bị đẩy lui. Đời vua Trần Nhân Tông năm Mậu Dần (1278), nhà Nguyên sai Lễ Bộ Thượng Thư là Sài Thung sang sứ, lên mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh và đưa thư trách mắng bắt vua phải sang tận nơi xin thụ phong. Vua Nhân Tông nhờ chú họ là Trần Di Ái đi thay. Ông này sang đầu hàng ngoại bang và được vua Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương và cho Sài Thung đưa 1000 quân theo về để lên ngôi. Vua Trần Nhân Tông sai tướng dẫn một đội quân lên bắn mù một mắt Sài Thung và bắt lũ nghịch thần về đầy đi làm lính. Nguyên Chủ tức giận cho Thái Tử Thoát Hoan cùng với các kiện tướng là Toa Đô và Ô Mã Nhi đem 50 vạn quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để sang chiếm Việt Nam. Tháng 10 năm Qúy Mùi (1283), vua Trần Nhân Tông phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế Thống Lĩnh mọi quân đi chống giữ với quân Nguyên. Lúc mới đầu thế giặc mạnh, quân ta yếu, Hưng Đạo Vương phải lui binh về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông nghe tin báo liền ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải Đông cho vời Hưng Đạo Vương đến mà bảo rằng:

“Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân?”

Hưng Đạo Vương khảng khái tâu rằng:

“Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tôn miếu, Xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau sẽ hàng!”

Câu nói này của vị Nguyên Soái nay là những lời vàng ngọc trong Việt sử. Hưng Đạo Vương chiêu tập quân các đạo, hội tại Vạn Kiếp được hơn 20 vạn quân, khí thế hăng say. Là một thiên tài văn võ, được người đời sau thờ phụng tôn là Đức Thánh Trần, ông soạn ra một quyển “Binh Thư Yếu Lược”rồi truyền hịch khuyên răn các tướng sĩ. Tờ hịch, viết bằng Hán văn, nay dịch ra quốc âm, cũng thật là một áng hùng văn trong quân sử nước nhà. Trước hết Vương kể lại những chuyện nhân thần dũng sĩ ngày xưa đã sả thân cứu chúa, bảo vệ non sông, trong đó có những câu:

“Các bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở xó nhà, thì sao cho lưu danh sử sách đến nghìn muôn đời như thế được?”

Vương cũng công nhận là các vị tướng chỉ quen luyện kiếm cung mà không thông hiểu chuyện ngày xưa:

“Nay các ngươi vốn dòng vũ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện cổ tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa, nên đem chuyện gần đây, đời nhà Tống, nhà Nguyên mà nói.”

Để kích thích lòng yêu nước của quân sĩ, Vương tả nỗi nhục nhằn căm phẫn khi nhìn thấy người ngoại bang khi dể vua tôi nhà Trần:

“Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam Vương để vét bạc vàng, của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!

  Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, sác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta, coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười, so với cách cư xử nghĩa tình của người xưa cũng không kém gì.”

Đọc những câu trên ta thấy ngay là Vương có đức độ của một vị nguyên soái, biết lo cho nhu cầu của quân sĩ, vui vẻ và hoạn nạn cùng nhau chia sẻ. Những cấp chỉ huy khi xưa cũng có những người hủ hoá, mê cờ bạc, gái đẹp rượu ngon, thú chọi gà, săn bắn. Vì vậy Hưng Đạo Vương cảnh giác:

“Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng mà phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết; tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai, khi bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng hết, chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi, mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?”

Tượng Đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương: Trần Quốc Tuấn)

 Chân Dung Trần Quốc Tuấn Trên Tờ Giấy Bạc 500 Đồng của Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa

       Một bản hùng văn, khi đọc lên nghe thôi thúc lòng quân dân, thật có sức mạnh như cả một đạo quân tinh nhuệ. Các tướng sĩ nghe được lời khuyên răn, ai nấy đều nức lòng đánh giặc. Người nào cũng lấy mực thích vào cánh tay hai chữ “Sát Đát”, nghĩa là giết quân Mông Cổ. Việt sử nay còn ghi chép, trong trận đánh ở Thiên Trường, dũng tướng nhà Trần là Trần Bình Trọng bị quân Nguyên vây bắt được. Thái Tử Thoát Hoan thấy Bình Trọng là người oai dũng nên dỗ dành ông đầu hàng và phong cho quan chức. Trần Bình Trọng đã trả lời, một câu nói oai hùng nay đã được ghi bằng những nét vàng son trong quân sử:

“Ta thà làm qủy nước Nam, chứ không thèm làm Vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có một chết mà thôi, can gì phải hỏi lôi thôi.”

Tướng Trần Bình Trọng

       Một Vương công nhà Trần là Thượng Tướng quân Trần Quang Khải, không những là một vị tướng oai dũng, mà còn là một văn tài của đất nước. Ông đã có công chặn được cánh quân đánh vòng phía Nam của Toa Đô không cho dùng đường bộ từ Chiêm Thành kéo qua Nghệ An để đi về phương Bắc. Toa Đô đành phải cùng với Ô Mã Nhi xuống thuyền dùng đuờng bể ra ngoài Bắc để hợp binh với Chủ tướng Thoát Hoan. Nhưng quân của Toa Đô đã gặp đường xá gập ghềnh, trắc trở khi qua những vùng Ô-Lý (Thuận Hoá) và những châu Hoan, Ái (Nghệ An, Thanh Hoá) bị quân của Trần Quang Khải ngăn chặn, nay lại phải vượt bể ra Bắc, sức lực mỏi mệt nên khi chiến thuyền vừa tới cửa Hàm Tử, thuộc tỉnh Hưng Yên thì bị 5 vạn quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chờ sẵn đánh một trận làm cho thất đảm kinh hoàng, quân Nguyên chết hại rất nhiều.

       Thượng Tướng Trần Quang Khải, lúc đó ở Nghệ An ra, được tin thắng trận Hàm Tử Quan liền xin với vua Trần Nhân Tông cho mình được tiến binh đánh thẳng vào Thăng Long là kinh thành lúc đó đang bị đại quân của Thoát Hoan chiếm giữ còn chiến thuyền của quân Nguyên thì đóng ở bến Chương Dương, địa phận huyện Thượng Phúc. Nhà vua chuẩn tấu cho Trần Quang Khải thu xếp quân sĩ để ra đánh Thăng Long và truyền hịch sai Trần Nhật Duật đóng quân chặn đường không cho bọn Toa Đô kéo về giải cứu. Trần Quang Khải cùng với Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân tự Thanh Hoá đi thuyền vòng đường bể ra đến bến Chương Dương, ào ạt đánh vào chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải chạy bộ về thành Thăng Long nhưng vẫn bị quân ta đuổi theo truy kích. Ở kinh thành, thái tử Thoát Hoan đem đại binh ra chống cự, nhưng bị phục binh của Trần Quang Khải đánh úp lại, quân Nguyên phải bỏ thành vượt qua sông Hồng Hà để sang giữ mặt Kinh Bắc. Thượng Tướng Trần Quang Khải đem quân vào Thăng Long thành mở tiệc ăn mừng chiến thắng, và trong bàn tiệc tướng quân đã giương cao ngọn giáo, cướp được của tướng địch, mà ngâm bài thơ ông vừa sáng tác:

“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình nghi nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san.”

     Bài thơ tạm dịch là

“Chương Dương cướp ngọn giáo,
Hàm Tử bắt giặc Hồ.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước trải ngàn thu.”

Chiêu Minh Vương: Trần Quang Khải

       Đời xưa cũng có vị tướng quân, người phương Bắc, uống chén rượu bồ đào rồi ngâm thơ vang say chốn sa trường mà nói rằng xưa nay chinh chiến có mấy ai là ngưòi đã về, thì giờ đây tráng sĩ miền Nam đã nâng chén rượu chiến thắng để xưng tụng giang sơn rồi đây ngàn vạn năm vẫn còn tồn tại, nghe ra còn oai hùng hơn nhiều.

Một danh tướng khác đời Trần là ông Phạm Ngũ Lão, có tài kiêm văn võ. Ông đối với quân sĩ hết mực yêu thương, binh đoàn của ông đánh đâu được đó. Người đời gọi quân ông là “Phụ Tử chi binh”. Cũng vì vậy mà ngày nay trong quân đội có những đơn vị được gọi là “Huynh Đệ chi binh”, là theo gương của Phạm Ngũ Lão đời xưa. Văn thơ của ông làm có một bài đắc ý là bài Thuật Hoài:

“Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”

   Mà cổ nhân đã dịch ra quốc văn

“Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng hổ khí thôn trâu.
Công danh nếu để còn vương,
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.”

       Sau những chiến thắng Hàm Tử và Chương Dương, tiếp theo là trận Tây Kết, tướng nhà Trần chém được Toa Đô, còn Ô Mã Nhi phải xuống thuyền nhỏ trốn chạy về Tàu, và kết liễu trận Tây Kết này vào tháng Năm năm Ất Dậu (1285), Hưng Đạo Vương đại phá quân Nguyên, bắt được hơn ba vạn người, và chiến thuyền khí giới không biết bao nhiêu mà kể, Thoát Hoan phải chui vào một ống đồng để lên xe cho bại binh kéo chạy về Tàu.

       Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phá được quân Nguyên rồi kéo quân về Tràng An, rước vua Trân Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông ra Thăng Long. Bọn Thoát Hoan khi ra quân, binh tướng thanh thế lẫy lừng. lúc thảm bại chạy về vô cùng nhục nhã, làm Nguyên Chủ uất ức, phải hoãn việc cất quân sang đánh Nhật Bàn, rồi sai đóng thêm 300 chiến thuyền và truyền hịch cho ba tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng và Giang Tây để động viên quân sĩ dự định theo hai đường châu Khâm và châu Liêm sang đánh nước Nam để báo thù. Nhân Tông khi nghe tin Nguyên triều sắp sửa cất quân sang xâm chiếm nước ta bèn vời Hưng Đạo Vương vào hỏi ý kiến. Vương tâu rằng:

“Nước ta xưa kia, quân dân hưởng thái bình đã lâu, không tập đến việc chiến trận, cho nên năm trước, quân Nguyên vào cướp, còn có kẻ trốn tránh theo hàng giặc. May nhờ có oai linh tổ tông, và thần võ của Bệ hạ, đi đến đâu đánh được đến đấy, cho nên mới quét sạch được bờ cõi. Còn như bây giờ, quân ta quen việc chinh chiến, mà quân nghịch thì đi xa mỏi mệt. Vả lại thấy Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán tử trận, tất cũng chột dạ, quân tình đã sinh nghi sợ, hẳn không dám hết sức mà đánh. Cứ như ý thần thì chuyến này dù có quân Nguyên sang đây, ta phá cũng dễ hơn phen trước, xin Bệ hạ đừng lo”.

       Sang mùa xuân tháng Hai năm Đinh Hợi (1287), Nguyên chủ lại sai Thoát Hoan thống lĩnh một đạo quân hùng mạnh sang đánh nước Nam, giả danh đem Việt gian Trần Ích Tắc về nước để lập làm An Nam Quốc Vương. Vua Trần Nhân Tông lại sai Hưng Đạo Vương thống lĩnh các vương hầu chia quân phòng lĩnh các nơi. Trong cuộc chống quân Nguyên lần này có hai trận oanh liệt được ghi vào Hải sử của Việt Nam.

       Trước hết là trận Vân Đồn đã tỏ rõ ý chí chống ngoại xâm của quân dân nước Việt, tuy thế yếu lúc đầu thua một trận, nhưng lại chỉnh hàng ngũ để chiến thắng quân thù một cách vẻ vang. Quân Nguyên xâm lăng, lúc mới tràn sang, Thái Tử Thoát Hoan đem binh mã vây đánh Thăng Long không được phãi rút về giữ Vạn Kiếp, Chí Linh và Phả Lại. Khi lương thực sắp cạn, Thoát Hoan sai dũng tướng Ô Mã Nhi dẫn thủy quân ra cửa bể Đại Bàng đón thuyền tiếp tế lương thực. Khi đi tới ngang ải Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Yên, gặp quân chặn đường của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Ô Mã Nhi đã dụng toàn lực đánh rát một trận, phá tan đoàn chiến thuyền nhà Trần để mở sinh lộ ra bể đón thuyền lương. Là chủ tướng, bị thua một trận, trước khi về chịu tội trước Thượng Hoàng, Khánh Dư đã nhặt nhạnh thuyền bè còn lại, hô hào thủy thủ cùng binh sĩ gây lại tinh thần rồi mai phục ở cửa bể Lục Thủy Dương chờ đợi thuyền lương của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ để quyết một trận tử chiến. Trước khí thế của quân ta, quân Nguyên địch không nổi, phải quy hàng, thuyền lương bị phá cướp mất cả, chủ tướng Trương Văn Hổ bỏ trốn xuống thuyền nhỏ chạy về Quỳnh Châu.

       Chiến thắng Vân Đồn đã mở đầu cho trận thắng quyết liệt trên Bạch Đằng Giang. Quân Nguyên không nhận được tiếp tế, lương thảo ngày một cạn, nên các tuớng bàn với chủ soái Thoát Hoan về chuyện rút quân. Hưng Đạo Vương dự đoán được kế hoạch rút quân của Mông Cổ nên sai Nguyễn Khoái dẫn binh theo đường tắt lên thượng lưu sông Bạch Đằng đóng cọc gỗ có mũi nhọn bịt sắt giữa lòng sông rồi đợi lúc thủy triều lên, mặt nước mênh mông, ra khiêu chiến và rút chạy, nhử cho quân của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đuổi theo đưa chiến thuyền chạy thật xa qua nơi có mai phục, rồi mới quay thuyền đánh vật lại. Trên đường đem đại quân đi tham chiến ở Bạch Đằng Giang, khi qua Hoá Giang, Hưng Đạo Vương mới hô quân sĩ trỏ xuống sông mà thề rằng:

“Trận này không phá xong giặc Nguyên , thì không về đến sông này nữa”.

Tới nay đã hơn 700 năm trôi qua, lời thề sông Hoá này vẫn là lời vàng ghi tạc trong lòng người con dân nước Việt.

       Đại quân của Hưng Đạo Vương tới sông Bạch Đằng vừa gặp lúc chiến thuyền của Nguyễn Khoái đánh vật lại binh thuyền quân Nguyên. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thấy quan quân ta to thế lắm, tiến hô “sát đát” vang dậy mặt sông  phải quay thuyền chạy trở lại. Khi tới khúc sông có cọc đóng thì nước thủy triều đã rút xuống, thuyền của quân Nguyên mắc phải cọc, đổ nghiêng ngửa, đắm vỡ mất nhiều. Quân ta thừa thắng, đánh cực hăng, quân Nguyên bị đại bại, máu chẩy đỏ rực lòng sông, các tướng Nguyên như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt tại trận. Trận Bạch Đằng đánh vào tháng Ba năm Mậu Tí (1288), quân ta phá tan thủy quân Mông Cổ, bắt được hơn 400 chiến thuyền và quân sĩ rất nhiều.

Thoát Hoan khi nghe tin Thủy quân đã tan vỡ, liền vội vã cùng với các bộ tướng cố mở đường tháo chạy về biên giới. Trên đường rút quân, đoàn quân chủ lực này còn bị những toán quân mai phục do Hưng Đạo Vương đặt trước trên đường về đổ ra đánh, nên khi Thoát Hoan chạy thoát ra cửa ải,  quân sĩ mười phần đã tổn hại đến quá nửa, những dũng tướng Mông Cổ như Trương Quân, A Bát Xích, Trương Ngọc đều phơi thây nơi trận địa.

       Hưng Đại Vương ra quân chuyến này diệt trừ hết được quân xâm lăng Mông Cổ mới hội cả các tướng dẫn quân  rước xa giá Thượng Hoàng và Nhân Tông về kinh sư. Thấy giang sơn lại được thanh bình, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã vui mừng làm hai câu thơ để kỷ niệm:

“Xã tắc lưỡng hổi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Dịch chữ nôm là

“Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông thiên cổ, vững âu vàng”.

       Trong suốt thời kỳ chống Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã tò ra là một vị vua tài giỏi. Ngài là con trưởng của vua Thái Tông, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi, làm Thượng Hoàng 5 năm, xuất gia đi tu 8 năm, hưởng thọ 51 tuổi. Phật giáo thịnh hành nhiều thế kỷ hoàng triều nhà Trần. Mới đây những sử gia đã tìm ra được di chúc của  vua  Trần Nhân Tông để lại cho con cháu:

"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo.  Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một  đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới  chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không  tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như  một lời di chúc cho muôn đời con cháu."

       Cho đến năm Ất Dậu vừa qua, 720 năm đã qua, tính theo 10 năm là một can và 12 năm thành một chi, ghép can chi với nhau thì mỗi 60 năm là một giáp, trở lại tuần hoàn thì từ năm chiến thắng quân Nguyên cho tới năm 2005 đã qua đúng 12 giáp và lại trở thành năm Ất Dậu. Vậy mà tập đoàn cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không biết nhục phản quốc của Trần Di Ái lại mang đất đai biển cả dâng hiến cho Trung cộng. Theo như di chúc của vua Trần Nhân Tông để lại, đúng như lòi nhà vua tiên đoán, nước Tầu sẽ lấn áp nếu kẻ phản quốc cầu vinh nhường nhịn và chỉ hai năm sau thoả hiệp ký két dâng đất nhượng biển, Trung Cộng lại ngang nhiên thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của đất nước ta. Lịch sử sẽ lại tiếp diễn để báo hiệu ngày tàn lụi của những kẻ mãi quốc cầu vinh chẳng còn bao xa.

Vua Trần Nhân Tông

Bình Ngô Đại Cáo

       Nhà Trần đã có công sửa sang chính trị, giữ vững giang san, mặt Bắc thì chống được nhà Nguyên, phía Nam thì lấy đất Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, nhưng về cuối đời lại suy vi nên bị Hồ Qúy Ly thoán đoạt chiếm ngôi. Hồ Qúy Ly xưng đế hiệu năm 1400, làm vua được 7 năm thì bị quân nhà Minh bên Tàu lấy cớ họ Hồ tiếm ngôi mà đem binh sang chiếm nước Việt ta, làm nhân dân lại chịu ách thống trị, lầm than cực khổ.

       Kể những thời đại nước Việt Nam mất quyền tự chủ và chịu ách thống trị của ngoại bang, thì những năm thuộc nhà Minh (1414-1427), tuy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng lại là những năm mà dân chúng đã phải chịu đựng nhiều lầm than khổ nhục. Năm Bính Tuất (1406) Minh Thành-Tổ, mượn cớ giúp vua nhà Trần dẹp sự tiếm nghịch của Hồ Qúi-Ly, sai Thành quốc-công là Chu Năng làm Đại tướng, cùng với hai phó tướng là Tân thành-hầu Trương Phụ và Tây bình-hầu Mộc Thạnh tuyển binh làm hai đạo sang đánh An-Nam. Khi tả quân từ Quảng Tây đến Long Châu thì đại tướng Chu Năng qua đời và Trương Phụ lên làm thống lĩnh, tiến quân đánh lấy cửa Ba Lụy, tức là Nam quan bây giờ, rồi tiến sang phía tây bắc, về mé sông Cầu. Từ Vân Nam, Mộc Thạnh chuyển quân theo đường Mông Tự sang đánh lấy cửa Phủ Lĩnh thuộc tỉnh Tuyên-Quang rồi tiến về phía Sông Thao để hội ở Bạch Hạc với đạo quân của Trương Phụ. Phó tướng Mộc Thạnh là người nhiều mưu lược, nhưng lại dè dặt trong việc dụng binh. Trong khi ấy thì Trương Phụ là người tham bạo, đi đến đâu là tàn sát, thây người xếp thành núi, người chết rồi còn nấu thịt để lấy dầu. Mặt khác quân xâm lăng nhà Minh còn chiêu dụ người bản xứ ra làm tay sai, nhận những chức quan nhỏ để cùng chúng vơ vét bạc vàng, bắt đàn bà con gái để đưa về Tầu. Người dân, tuy oán hận Hồ Qúi-Ly, nhưng cũng còn luyến tiếc nhà Trần, và cảm thấy nỗi nhục vong quốc nên vẫn còn có nhiều nơi nổi lên phù trợ hậu duệ vua Trần để chống quân xâm lăng. Trương Phụ và Mộc Thạnh phải hai lần kéo quân sang nước ta, quân Minh hung hãn đánh dẹp từ địa đầu quan ải cho đến tận đất Hoá châu. Tháng Chín năm Qúy Tỵ (1413), Trương Phụ dẫn quân vào Thuận Hoá, phá được tàn quân nhà Hậu Trần, vị vua cuối cùng là Trần Qúi Khoách, cùng với những bộ tướng trung kiên như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy phải chạy vào ẩn núp trong rừng núi nhưng sau đó đều bị bắt, và trên đường bị giải về Yên Kinh vua tôi đều tuẫn tiết, mang cái chết báo đền cho non sông.

       Sau khi chiếm trọn được lãnh thổ, bình định được hai châu Thuận Hóa và Tân Bình ở cực nam đất nước, giáp với Chiêm Thành, Trương Phụ làm sổ kiểm tra dân đinh, đặt quan cai trị, coi giang sơn gấm vóc của nước ta như vẫn còn là Giao châu đời nhà Đường khi xưa. Tháng Tám năm Giáp Ngọ (1414) Trương Phụ và Mộc Thạnh về Tàu đem theo tiền bạc vơ vét được và một số đông phụ nữ bị ép buộc phải đi theo. Trong thời gian lệ thuộc nhà Minh tiếp theo đó (1414-1427), dưới sự cai trị thật dã man và tàn nhẫn của bọn tham quan Lý Bân và Mã Kỳ được cử sang thay cho Trương Phụ, dân ta bị sách nhiễu trăm đường khổ sở. Những chỗ có mỏ vàng, mỏ bạc thì dân bị đốc thúc đi khai mỏ, thật là cực nhọc. Miền rừng núi thì người sơn cước bị lùa vào rừng, tìm ngà voi, sừng tê giác, săn bắn, đặt bẫy để bắt những loài chim qúy, những thú vật hiếm hoi để đưa về Tầu, dễ gây ra diệt chủng cho nhiều loài muông thú. Trong khi ấy thì lại có những người bản xứ, tuy cũng đã theo đòi nghiên bút, biết đôi chữ nghĩa, nhưng vì tham danh lợi, không cần liêm sỉ, ra làm quan với nhà Minh, ỷ thế vào giặc để tham nhũng bóc lột dân lành. Vào thời đại dân tình cực khổ, lòng người sầu oán, sĩ phu càng thấy tâm hồn ưu uất khi đọc lại bài Thuật Hoài của liệt sĩ Đặng Dung:

“Thế sự du du nại lão hà!
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà,
Quốc thù vị phục, đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền, đái nguyệt ma"

Hai câu cuối tả người tráng sĩ dưới trăng mài kiếm lo báo thù nước, hay được người  đời nhắc nhở, và dịch là

"Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc,
Dưới trăng mài kiếm, đã bao phen."

       Nhưng đất nước ta, qua cơn bĩ cực lại tới tuần thái lai. Nhờ vận nước trở lại hanh thông, vị anh hùng áo vải ở Lam Sơn là Lê Lợi, vào mùa Xuân năm Mậu Tuất (1418) đã dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch khắp nơi kể tội nhà Minh và kêu gọi người dân đồng lòng hiệp sức đuổi quân xâm lăng tàn bạo ra khỏi bờ cõi của non sông. Sau mười năm gian lao vất vả, Bình Định Vương nhờ được chính nghĩa, dùng sức yếu mà thắng được thế giặc mạnh, phá tan quân địch ở Tây Kinh, rồi kéo quân về uy hiếp Đông Đô, làm khiếp vía Chinh Di tướng quân là Vương Thông do Minh Đế cử sang cứu viện. Trong trận đánh cuối cùng, quân Minh lại tăng viện theo hai ngả, dùng Chinh Lỗ phó tướng quân Liễu Thăng theo đường Quảng Tây và Chinh Nam đại tướng quân Mộc Thạnh theo đường Vân Nam, những tưởng phen này lại phá thành dẹp lũy, đem bản đồ đất Giao châu về Minh triều dâng hiến. Nào ngờ quân của Bình Định Vương, đao mài lưỡi cho sắc, mũi thương nung cho nhọn, quân sĩ hăng say quyết lòng tử chiến với địch, ở trận Chi Lăng Liễu Thăng bị đại bại, để rồi tử vong tại Mã Yên Sơn, tướng nhà Minh thì Lương Minh tử trận, Lý Khánh đâm cổ tự vẫn. Đám tàn quân do đô đốc Thôi Tụ và thượng thư Hoàng Phúc thu thập, kéo nhau chạy về Lạng Giang cũng bị những hổ tướng của Bình Định Vương là Lê Khôi và Nguyễn Xí đem quân thiết kỵ đuổi theo truy kích và vây bắt để rồi kẻ dập đầu tạ lỗi, người qùy gối đầu hàng. Bình Định Vương, lấy nhân nghĩa để thu phục lòng người nên mở đường cho Vương Thông dâng biểu về vua Tuyên Tông nhà Minh để xin cầu hoà. Đến tháng chạp năm Đinh Mùi (1427), Vương y lời hội ước, tha chết cho quân Minh, cấp cho thủy quân 500 chiếc thuyền và giao cho bọn Phương Chính và Mã Kỳ quản lĩnh để dương buồm ngược về Bắc phương, và cùng một lúc thả 2 vạn quân sĩ đã ra hàng cho Tham tướng nhà Minh là Mã Anh chấp lãnh, rồi đưa qua sông Nhị Hà để lục tục kéo về Tầu cùng với chủ tướng Vương Thông đi đoạn hậu. Đuổi được quân thù ra ngoài bờ cõi, toàn dân Việt đã hoan ca mở một kỷ nguyên mới, tự chủ cho giang sơn.

Bình Định Vương Lê Lợi

       Sau khi đã dẹp xong nạn xâm lăng, đánh đuổi quân Minh trở về phương Bắc, Vương ra lệnh cho công thần Nguyễn Trãi viết bản "Bình Ngô Đại Cáo" tại bờ sông Hồng, trong tư dinh Bồ Đề để tuyên cáo với quốc dân rằng can qua nay đã hết, quốc gia bắt đầu một thời đại bình trị. Bản văn viết từ năm 1427, cho tới nay đã trải qua gần 6 thế kỷ mà vẫn lưu truyền lại như là một áng văn chương tuyệt tác, nói lên tinh thần bất khuất của người dân Việt, khi đọc lên lại thấy từ chương hào hùng đậm tình dân, nghĩa nước, ý nghĩa lại sâu xa đề cập tới những lý thuyết khoa học cao siêu như đề phòng muông thú tuyệt chủng, bảo vệ môi sinh, những điều mà các nước tiền tiến trên hoàn vũ phải sang hậu bán thế kỷ thứ hai mươi mới đề cập đến. Bản hùng văn viết bằng chữ Hán, được cụ Phó bảng Bùi Kỷ dịch ra chữ quốc ngữ nay lại được nữ sĩ Trùng Quang dịch ra văn vần, theo thể song thất lục bát.

       Đoạn văn mở đầu đã minh định rằng nước Việt ta là một nước văn hiến, độc lập, cùng với các triều đại Trung quốc, hai phương khác nhau. Từ đoạn dịch văn xuôi

Như nước Việt ta từ trước,
Vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.

     Nay chuyển sang lời thơ

Đất nước Việt, quốc gia văn hiến,
Bờ cõi xưa phân biệt rõ ràng,
Núi sông Đại Việt phương Nam,
Bắc phương Trung quốc cách ngàn dặm xa.
Mọi phong tục đều là cách biệt,
Đinh, Lý, Trần,... kiến thiết, sửa sang.
So cùng Trung quốc Hán, Đường,
Tống, Nguyên,... xem cũng một phường khác chi.

Bản văn nhắc lại những chiến tích diệt xâm lăng trưóc kia, quân ta đã đánh bại nhiều danh tướng uy dũng của thiên triều

Lưu Cung sợ uy mất vía,
Triệu Tiết nghe tiếng giật mình,
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã.

     Cùng với lời thơ dịch

Lưu Cung kẻ cậy tài thất trận,
Triệu Tiết kia thiển cận bại vong,
Bắt Toa Đô lập kỳ công,
Mã Nhi mất mạng tại sông Bạch Đằng.

Quân Minh đã vơ vét tài sản của dân Việt mang về và người trí lự có kiến thức bác học là Nguyễn Trãi đã nghĩ ngay tới sự thiệt hại lâu dài, những loài muông thú qúy hiếm có thể bị diệt chủng, cảnh vật thiên nhiên trở nên tiêu điều thiếu sự cân bằng. Chúng ta thử đọc đoạn phiên dịch văn xuôi của cụ phó bảng Bùi Kỷ

Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn,
Nặng khoa liễm vét không sơn trạch.
Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu,
Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả,
Tàn hại cả côn trùng thảo mộc,
Nheo nhóc thay! quan quả điên liên.

Những lời than phiền báo động này, thường được nghe ở thế kỷ hiện hữu từ các nước tiền tiến, thế mà đã được Quan phục hầu Nguyễn Trãi viết ra từ đầu thế kỷ thứ 15, và nay được cụ Trùng Quang viết thành thơ cho giới trẻ dễ đọc, dễ nhớ

Nghĩa nhân, đạo đức tiêu hao,
Bao nhiêu tài lợi thu vào túi tham.
Dân lên núi đào vàng dâng chúng,
Mò ngọc trai dưới vũng biển sâu,
Lam sơn chướng khí dãi dầu,
Dòng sâu đành phận thảm sầu vùi thân.
Săn lộc nhung trong ngàn rừng thẳm,
Chăng lưới tìm muôn hạng chim muông...
Toàn dân điêu đứng, kinh hoàng,
Mất chồng, mất vợ,... muôn vàn khổ đau.

       Trong mười năm kháng chiến, trải bao gian khổ, nhiều lúc Vương thấy thật là cô đơn vì thiếu ngưòi có tài năng trợ giúp. Nguyễn Trãi đã bộc lộ được sự khao khát cầu hiền của minh chủ qua những lời viết thật tha thiết

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.
Đôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông,
Mấy thuở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả.

     Và lời thơ dịch của người thời nay cũng theo sát được hết ý từ

Những lo lắng trên đường phục quốc,
Nhân tài như lá trút mùa thu.
Bình minh nhạt ánh sao thưa,
Anh hùng hào kiệt bây giờ mấy ai!
Xuôi, ngược vẫn thiếu người mưu lược,
Sớm tối mong gặp được nhân tài,
Ôi! nhưng âm tín xa vời,
Người không! lương cạn rối bời tâm can.

Trong "Bình Ngô Đại Cáo" có những câu mà nay trở thành kinh điển, được nhiều đoàn thể trích dẫn in trong những thông cáo gửi cho thành viên hay kèm theo hịch văn phổ biến ra đại chúng. Những câu hay được nhắc nhở đến là

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy,
Miền Trà Lân trúc phá tro bay.
Sĩ khí đã hăng,
Quân thanh càng mạnh.

     Những câu thơ đối chiếu, đời nay viết ra, tuy nhịp nhàng nhưng không kém phần uy dũng

Đem đại nghĩa thắng hung tàn,
Trí, nhân thu hút hoàn toàn niềm tin.
Trại Bồ Đằng vang rền sấm nổ,
Trận Trà Lân trúc vỡ khói lan...
Tinh thần chiến đấu vượt ngàn,
Quân ta từ đấy tiếng vang lẫy lừng.

       Trước khi vào đoạn kết, báo cho toàn dân biết giang sơn từ đây mở mặt, xã tắc từ nay vững bền, đại công thần Nguyễn Trãi, người đã từng theo Bình Định Vương bao năm, trải nhiều gian truân, cam khổ, đã biết phơi bầy lòng dạ nhân từ của Vương khi tha chết cho tàn quân Minh, giờ đây đã run sợ quy hàng. Trong bản phiên dịch của cụ Bùi Kỷ ta đọc được những câu

Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ,
Thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa.
Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy,
Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.
Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội.
Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

Những câu văn tả những chiến tích oai hùng diệt ngoại xâm của vua Lê Lợi, nhưng cũng nói lên lượng hải hà của Bình Định Vương. Nữ sĩ Trùng Quang đã dịch lại như sau

Tại Lãnh Câu, sông tràn máu địch,
Đan Xá thây chồng đỉnh núi cao.
Cứu binh, hai đạo quân Tàu,
Nát tan có một tên nào thoát đâu.
Rồi ... khắp nơi bảo nhau cởi giáp,
Tướng xin hàng cúi rạp van cầu.
Hiếu sinh lấy Đức làm đầu,
"Võ Thần Bất Sát" là câu ghi thường.

       Trải qua gần sáu trăm năm, bài văn “Bình Ngô Đại Cáo” vẫn xứng đáng được coi như là một “Kim Cổ Hùng Văn”.

Quan Phục Hầu Nguyễn Trãi

Tiếng Trống Hà Hồi

       Năm 2005 là một năm có nhiều dấu hiệu có những thay đổi lớn lao trên thế giới. Với những tiến triển về khoa học trong hậu bán thế kỷ thứ hai mươi, đặc biệt về những phát minh liên hệ tới kỹ thuật truyền thông và điện tử, với sự cải tổ hệ thống tiền tệ ở Âu châu, sự  tăng trưởng nhân số ở Á châu, và những rối loạn chính trị ở Trung Đông, cho ta thấy là trong tương lai, sự thay đổi những thể chế chính trị ở các nước xưa nay được coi như là thuộc thành phần Thế Giới Thứ Ba, sau những Thế Giới Tự Do và Cộng Sản, sẽ không còn là những sự thay đổi cục bộ nữa mà sẽ là những bước đi trên một bàn cờ quốc tế, hiện nay chỉ còn lại thành hai khối đứng đầu bởi Hoa Kỳ và Trung Cộng. Qua hai ngàn năm lịch sử, ta đã thấy mưu toan thôn tính Việt Nam của Trung Quốc và giờ đây với vị trí chiến lược của Việt Nam, là nơi có thể dùng làm căn cứ quân sự Hải và Không Quân để kiểm soát tất cả mọi di chuyển chiến lược hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cộng thêm sự phát hiện của năng lượng dự trữ dầu hoả trên thềm lục địa dọc theo bờ biển, càng làm cho Việt Nam thành một quốc gia được thế giới chú ý tới. Muốn cho đất nước ta thoát khỏi ảnh hưởng tàn bạo và thâm độc cũa phương Bắc, lối thoát độc nhất phải là toàn dân liên kết, trong và ngoài nước chống mọi thể chế độc tài, và tranh đấu để thực hiện tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước. Muốn vươn lên và trở nên thịnh vượng, Việt Nam phải từ bỏ chế độ cộng sản, xây dựng một nền kinh tế thị trường, và trở thành đồng minh của các nước tự do dân chủ. Cách đây hơn bẩy thế kỷ, vào năm Ất Dậu (1285), một quân dân Việt Nam anh dũng đã đẩy lui được sự xâm chiếm lãnh thổ của Bắc phương. Những bọn Việt gian tội đồ của dân tộc như Trần Di Ái đều bị người đương thời nguyền rủa. Nếu năm Ất Dậu phá quân Nguyên được ghi vào sử xanh như là một mốc thời gian oai hùng thì một năm Ất Dậu khác, là năm 1945 lại là một năm đau thương trong Việt sử. Một trận đói kinh hoàng đã bao phủ một màn tang trên đất nước, với hơn hai triệu người thảm tử. Nhưng đau đớn hơn nữa cho dân tộc là năm ấy cũng là năm Việt Minh cướp chính quyền bắt đầu ngự trị trên đất nước cho đến năm 2005  là tròn một kỷ, 60 năm đất nước lầm than. Lịch sử của nước ta lúc nào cũng theo một nhịp độ tuần hoàn, hết suy trở thành thịnh, và năm Ất Dậu 2005 phải là năm bắt đầu một cuộc phục hưng cho Việt Nam trước sự thoái lui và bại vong của cộng sản, trải qua bao nhiêu năm thống trị trên quê hương, tội ác đã chất chồng. Tiếc thay, trước khi tàn lụi, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn cúi đầu, che mặt, mặc cho Trung Cộng lấy trọn vẹn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007, dựa lên những văn kiện bán đất nhượng biển bọn cầm quyền đã ký kết khi xưa theo lệnh của quan thầy.

Để kết luận bài này, và cũng để gây niềm hy vọng, chúng ta nhớ  lại một năm Dậu khác là năm Kỷ Dậu (1789) cũng là một năm ghi lại một chiến tích hào hùng của dân tộc.

       Cuối đời nhà Lê (1428-1788), vua tôi hèn kém, đất nước lâm vào cảnh Nam Bắc phân tranh, trong nước có vua lại có chúa, ngoài Bắc có loạn kiêu binh, trong Nam thì quyền thần lấn áp, thật là một thời đại loạn. Gặp thời buổi nhiễu nhương, anh em nhà Tây Sơn ở Bình Định đã khởi binh để lập nên một triều đại mới. Nhà vua cuối cùng của triều Lê là Lê Chiêu Thống lại hướng về ngoại bang sang cầu cứu vua nhà Thanh bên Tàu đưa quân sang dẹp nhà Tây Sơn. Vua Càn Long nhà Thanh, nghe theo lời mật tấu của Tôn Sĩ Nghị là Tổng Đốc Lưỡng Quảng, xuống chỉ sai họ Tôn đem quân sĩ bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Qúy Châu và Vân Nam sang đánh Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị chia quân làm ba đạo, sai quan Tổng binh tỉnh Vân Nam và Qúy Châu  đem một đạo qua ngả Tuyên Quang, Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đem một đạo qua ngả Cao Bằng còn mình thì cùng với Đề đốc Hứa Thế Hanh dẫn đại binh qua ải Nam quan theo đường Lạng Sơn giáp công tiến về thành Thăng Long, lực lượng quân Thanh có tới hơn hai mươi vạn tinh binh. Tổng Trấn kinh thành là tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, thấy thế địch mạnh, sợ chống cự không nổi nên theo lời bàn của Lại bộ tả thị lang là Ngô Thời Nhiệm rút quân về Ninh Bình, đóng giữ từ núi Tam Điệp ra tới bờ bể rồi sai người về kinh đô Phú Xuân cáo cấp. Trong khi ấy thì ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị tự coi mình như là Giám quốc, để vua Chiêu Thống hàng ngày sang dinh chầu chực đợi lệnh, văn thư trình báo phải để niên hiệu Càn Long, nước Nam coi như đã thực sự mất quyền tự chủ.

       Trong ba anh em nhà Tây Sơn thì có Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ là người dũng khí và có tài thao lược hơn cả nên khi non sông nguy biến, ngoại bang xâm chiếm đất đai, các quan văn võ đều xin Vương lập chính ngôi tôn để ra Bắc chống địch. Ngày 25 tháng Một  năm Mậu Thân (1788), Vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra đánh giặc Thanh. Cứu binh như cứu hỏa, vua Quang Trung vừa đi gấp kéo quân ra Bắc vừa tuyển thêm binh mã đến ngày 20 tháng Chạp thì tới núi Tam Điệp tổng cộng quân sĩ đưa theo được 10 vạn người và hơn 100 con voi. Bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm đều ra tạ tội vì đã rút quân để bảo tồn chủ lực. Vua Quan Trung cười mà nói rằng:

“Quân Thanh sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc binh, đã có chiến lược, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước ta, sau khi thua trận tất chúng lấy làm xấu hổ lại mưu báo thù, như thế đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thời Nhiệm viết thư nói khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”

       Nói xong, vua Quang Trung ra lệnh cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước, định hôm Trừ tịch thì cất quân đi, tính đến ngày mồng 7 tháng Giêng thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Trận đánh quân Thanh giờ đi vào binh sử như là như là một thế trận được nghiên cứu quy mô, tỷ mỷ, biết quân ta, biết thế địch, xuất quân từ Tam Điệp, hướng về Thăng Long thành, có tiền quân đi tiên phong, hậu quân đi đốc chiến, hữu quân và thủy quân thì đi vòng đường bể, một cánh quân vào sông Lục Đầu tiếp ứng đường mé đông, một cánh quân lên vùng Lạng Giang, Yên Thế để chặn đánh đường quân Tàu chạy về, còn tả quân thì đi đường núi, đem theo tượng binh vòng đánh phía Tây, cũng chia làm hai cánh quân, một cánh đi xuyên qua huyện Chương Đức kéo đến Thanh Trì ở ngoại thành Thăng Long, và một cánh dùng tượng binh theo đường Huyện Sơn Lãng để tiếp ứng. Trên đường đi, Vương dùng chiến thuật đánh chớp nhoáng, cốt bắt trọn địch quân ở các tiền đồn nên không có tin báo về đại doanh của Tôn Sĩ Nghị. Nửa đêm ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) quân vua Quang Trung đến làng Hà Hồi ở ngoại thành Thăng Long, vây kín đồn giặc rồi nổi trống công thành, tiếng loa vang rội, quân sĩ dạ rầm cả lên nghe như tiếng muôn người. Quân canh đồn lúc đó mới tỉnh giấc, sợ hãi quy hàng, quân ta thu được toàn bộ quân lương cùng khí giới. Sáng mờ mờ ngày mồng 5, quân Tây Sơn tiến đến làng Ngọc Hồi, quân Thanh hết đường tháo lui đành liều tử chiến, đạn súng bắn ra như mưa. Vua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván ghép lại rồi quấn cỏ ướt ở ngoài làm mộc chắn, cho từng toán quân, vài chục người một toán khiêng mộc đỡ đạn cùng tiến dần sát chân đồn rồi tràn vào xung phong chém giết. Quân Tàu địch không nổi ùa kéo nhau chạy. Quân Nam từ các đạo kéo về đều toàn thắng, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn ngang, máu chẩy như tháo nước. Những tướng nhà Thanh như Tiên phong Trương Sĩ Long, Tả dực Thượng Duy Thăng, Đề đốc Hứa Thế Hanh đều tử trận. Tri phũ Điền Châu là Sầm Nghi Đống thấy đạo quân mình đóng ở Đống Đa bị tan vỡ, quân Nam vây kín mịt mùng nên sợ hãi quá mà thắt cổ tự tử. Chủ soái Tôn Sĩ Nghị, nửa đêm được tin cấp báo đã hoảng hốt bỏ cả ấn tín tháo chạy không kịp mặc áo giáp và thắng yên ngựa, đem theo mấy kỵ binh phóng qua cầu phao để nổi trên sông Nhị Hà mà vượt sang Kinh Bắc. Quân các trại, khi nghe tin thua trận, chủ tướng đã bỏ chạy cũng tìm đường tẩu thoát, tranh nhau sang cầu, một lát làm cầu phao lật đổ, nhiều người lăn xuống sông, mấy hôm sau sác quân Thanh chết đuối nổi đầy sông Nhị Hà. Một đạo quân Thanh hùng mạnh như vậy sang xâm chiếm Nam Việt, mà chỉ trong vòng hơn một tháng đã bị thiên tài quân sự Quang Trung phá tan, chỉ riêng đạo quân từ Vân Nam và Qúy Châu kéo xuống dọc theo thung lũng sông Hồng, còn đóng ở miền Sơn Tây thì được thoát nạn, và cũng phải vội vã cuộn cờ xí kéo về Tàu. Ngày hôm ấy vua Quang Trung đốc quân đánh giặc áo ngự bào nhuộm khói đen thuốc súng. Đến buổi trưa ngày mồng 5 vua Quang Trung vào thành Thăng Long, sớm hơn lời hẹn hai ngày. Người sai tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh cho tới biên giới, khí thế hùng mạnh đến nỗi người dân Tàu bên kia cửa ải phải bỏ nhà cửa theo quân Thanh chạy về miệt Bắc, hàng trăm dặm không còn bóng người.

       Trận Đống Đa đã kết thúc một giai đoạn tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Từ ngày Việt Minh chấp chánh làm chủ miền Bắc và từ năm 1975 toàn trị trên quê hương, sự nhân nhượng đàn anh phương Bắc càng ngày càng rõ rệt, và trong những năm gần đây Việt cộng đã phải ký giấy nhượng một phần đất đai trên mạn Cao Bằng, Lạng Sơn và hải phận trong Vịnh Bắc Việt cho Trung cộng , và nay lại bị bức bách cúi đầu lặng thinh để cho kẻ địch làm chủ toàn thể Đông Hải. Mới đây, Việt cộng lại mở rộng đất nước cho đàn anh Trung cộng đưa hàng ngàn người vào lập doanh trại để khai thác bauxite ở Tây Nguyên gây phẫn uất cho người Việt, trong cũng như ở ngoài nước. Bài viết này, nhắc lại những gương sáng của tiền nhân chống lại sự xâm lăng áp bức từ phương Bắc không ngoài mục đích cho thế hệ trẻ nhìn rõ đâu là làn ranh quốc cộng, vì chỉ những người quốc gia chân chính mới đặt quyền lợi của dân tộc trên hết, biết trân qúy từng tấc đất, từng vũng biển của quê hương, không thể mang ra làm vật đổi chác để mua lấy sự che chở cho riêng mình.


Tượng Quang Trung Đại Đế

Hình Vua Quang Trung Trên Tờ Giấy Bạc Hai Trăm Đồng

 Viết những giòng cuối cùng cho bài này, tôi không thể nào không nghĩ đến một bài trường thi gồm có một trăm câu hỏi về văn và sử học Việt Nam của cụ Đào Hữu Dương theo thể thơ lục bát. Hai câu hỏi cuối cùng trong bài thơ là:

99. Mùa xuân nào phá quân Thanh?

100. Bao giờ trở lại thanh bình Việt Nam?

Cảm kích vì công lao sáng tác văn thơ hữu ích của một vị huynh trưởng, tôi đã dùng thể thơ lục bát để viết những câu trả lời, mỗi câu hỏi tôi đã dùng hai câu lục bát mới diễn tả được hết ý. Tôi xin ghi lại dưới đây những câu trả lời của tôi để đáp tạ thịnh tình của độc giả đã kiên nhẫn đọc hết bài này:

99. Quang Trung thần tốc phát binh,
      Mùa xuân Kỷ Dậu chiếm thành Thăng Long.
100. Lời ca con cháu Tiên Rồng,
       Cộng Nô tiêu diệt, non sông thanh bình.

 

GS  Nguyễn Xuân Vinh
Viết xong lần đầu vào tháng
12 năm 2011 tại San Jose, CA.