User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

Các Nhân Vật Lịch Sử Quê Vĩnh Long

Thời Kỳ Văn Học Văn Thân Chống Pháp (1862 -1885) - Nhóm Đối Kháng Thời Thế

  1. Phan Thanh Giản (潘 清 簡; 1796 - 1867), tự là Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Lương Khê, Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên. Quê quán làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long; nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1825 ông đỗ Cử nhân tại Trường thi Gia Định, năm 1826 đỗ Tiến sĩ và là vị Tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ. Ông làm quan đến chức Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện Đại thần, Thượng thư bộ Hình và bộ Hộ, đã từng đi sứ Trung Hoa, Indonésia, Tân Gia Ba, Pháp, Tây Ban Nha. Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp tấn công Vĩnh Long, ông giao thành, tuyệt thực rồi uống thuốc độc tự tử [1].

    Tác phẩm của ông trong Thế hệ 1820 có Du Kinh Tập (1826), Toái Cầm (1827), Kim Đài Thi Tập (1832), Minh Mạng Chánh Yếu (1837), Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1853), Lương Khê Thi Tập (phần nhiều). Sang Thế hệ 1862, ông có Sứ Trình Nhựt Ký (1863), Lương Khê Thi Tập (phần ít).

    Trích thơ:

Tuyệt Cốc

Trời thời, đất lợi, lại người hòa,

Há dễ ngồi coi phải nói ra:

Lăm trả ơn vua, đền nợ nước,

Đành cam gánh nặng, ruổi đường xa.

Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ,

Vượt biển trèo non cảm phận già.

Cũng tưởng một lời an bốn cõi,

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba! [2]

(Văn Đàn Bảo Giám)

2508 1 CacNVat LSVN QueVLongDDChuong VLiemST

Phan Thanh Giản, ảnh chụp tại Paris, 1863,

tàng trữ tại Bảo tàng Viện Nhân Chủng Học Paris.

  1. Bùi Hữu Nghĩa (裴有義; 1807 - 1872), tự là Nghi Chi, hiệu Liễu Lâm chủ nhân, người làng Long Tuyền, tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Bình, trấn Vĩnh Thanh (địa danh 1820) sau là Vĩnh Long. Từ 1889, Long Tuyền thuộc tổng Định Thới, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ông đỗ Giải nguyên năm 1835 tại Trường thi Gia Định, sơ bổ Tri phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (địa danh từ năm 1808 - 1862); rồi chuyển làm tri huyện Trà Vinh, thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long (địa danh 1850).

    Chán ghét bọn tham quan ô lại, và ngao ngán cảnh thăng trầm ở quan trường, ông xin thôi việc, về làng cũ dạy học, làm thơ. Khi quân Pháp chiếm miền Lục tỉnh, ông vì tuổi già sức yếu không thể trực tiếp đánh giặc, nhưng luôn luôn thao thức trước thời cuộc, và bàn luận việc cứu nước với các chí sĩ trong vùng.

    Về tác phẩm, ngoài tuồng hát bội Kim Thạch Kỳ Duyên thuộc Thế hệ 1820, ông còn các tác phẩm khác thuộc Thế hệ Văn học 1862 và chia làm ba loại:

    a). Thơ Nôm thời thế, tiêu biểu có bài:

- Quan Công Thất Thủ Hạ Bì (Thơ Văn Yêu Nước Nam Bộ của Bảo Định Giang),

- Ngọa Bịnh Ngâm Thi (sách đã dẫn),

- Cây Vông (sđd),

- Cây Bần (sđd),

- Bị Giam Ở Vĩnh Long (sđd),

- Đũa Bếp (sđd),

- Thân Bao Tự Tống Ngũ Tử Tư (sđd),

- Ngũ Tử Tư Xuy Tiêu (Ngũ Tử Tư thổi sáo, sđd),

- Đáp Bài “Tự Thuật” Của Tôn Thọ Tường (Thế Giới Tân Văn, Sài Gòn, số 13, ngày 2-10-1936),

- Quá Hà Âm Cảm Tác (Danh Nhân Việt Nam của Đào Văn Hội),

- Thú Câu (Theo sách: Huỳnh Mẫn Đạt - Bùi Hữu Nghĩa - Nguyễn Hữu Huân, Tân Việt xuất bản, Sài Gòn 1956),

- Đi Thuyền Qua Thoại Sơn (sách đã dẫn), 

- Bài Thơ Đề Nhà Mồ Vợ (sđd).

    b). Chữ Nho có bài:

- Vịnh Thông Đồn Trấn (Lưu trấn đồn Vĩnh Thông, sách đã dẫn),

- Thu Cảm (Cảm cảnh thu, sđd),

- Tức Sự (sđd),

- Tự Thuật (Bài I, II; sđd),

- Câu Đối Thờ Vợ (Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam của Huỳnh Lý).

    c). Văn tế:

- Tế Vợ (Thế Giới Tân Văn, số 19 ngày 13-11-1936),

- Tế Con Gái (Báo Việt Dân, Sài Gòn số 14 ngày 2-6-1934).

    d). Các tác phẩm bị thất lạc:

    Theo Thơ Văn Yêu Nước Nam Bộ, ông là tác giả các bản tuồng: Tây Du, Mậu Tòng, các bài thơ chống Pháp: Gió Tây, Ai Xui Tây Đến. Nay không còn.

    Nhưng theo Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê; Sài Gòn Gia Định Qua Thơ Văn Xưa; nxb TP/HCM, 1987; bài thơ “Ai Xui Tây Đến” nay vẫn còn và được phổ biến như sau:

Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?

Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba.

Hẳn hoi ít mặt    đền ơn nước,

Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà.

Đá sắt ôm lòng cam với trẻ,

Nước non có mắt thấy cho già.

Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa,

Báo quốc Cần Vương dễ một ta!

    Thơ văn Bùi Hữu Nghĩa khá đậm nét thời sự trong mảng Văn học Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông nổi tiếng hay thơ nhất miền Lục tỉnh, có câu ca dao truyền tụng:

Đồng Nai có bốn rồng vàng

Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

2508 2 CacNVat LSVN Que VlongDDChuong VLiemST

Tượng Bùi Hữu Nghĩa trong khu lăng mộ.

(Ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên, 2008,

Wikipedia tiếng Việt)

Đào Đức Chương

Trích trong “LƯỢC SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI (1862 – 1945)”

Chú Thích:

    [1] Tháng 6 năm 1867, Phó Đề đốc De la Grandière hành quân tiến chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ mà không tốn một giọt máu. Ngày 20, tàu chiến Pháp kéo đến tỉnh thành Vĩnh Long, ép buộc quan Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản phải giao nộp thành. Ngày 22, tỉnh thành An Giang (tại Châu Đốc) và ngày 24 tỉnh thành Hà Tiên cũng lần lượt rơi vào tay giặc. Ngày 15 tháng 6 năm 1867, De la Grandière tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp.

    [2] Chầu ba: câu này ý nói Pháp thôn tính ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1862), nay chúng lại lấy nốt ba tỉnh Miền Tây nữa (1867).

* Vĩnh Liêm edited và đăng trong Viet LifeStyles số 89 (May 2018)