User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 

Bông súng
 
Câu Rê
 
- Thằng Cu đâu, tối nay bắt cho tao mấy con thằn lằn nghe.
Nghe tiếng cậu Ba gọi, tôi dạ lớn rồi đi kiếm cái hộp, chộp vài con thằn lằn đang đeo trên tường cạnh cái bóng đèn. Bỏ thằn lằn vào hộp, cẩn thận giùi vài cái lỗ cho nó thở để dành cho ngày mai. Tôi bắt thêm vài con kiến cánh, vài con dế con chung quanh đó bỏ vào hộp cho thằn lằn ăn kẻo nó chết. Vào năm 1961, khi giặc giã bắt đầu nổi dậy bắn phá ở nông thôn, trường Tiểu học làng tôi đóng cửa. Ba má tôi gởi tôi ra nhà bà dì để đi học. Nhà bà ở một cái chợ nhỏ gần lộ xe. Ông bà tôi sống với mấy cậu và mấy dì.
 
Hai ngày nay, cậu Ba bỏ thì giờ o bế một cái cần câu thật lớn. Cậu vô xóm trong lựa mua một cây tầm vông cỡ trung bình, dài và suông. Cậu róc bỏ nhánh làm thành một cái cần câu dài chừng 6 mét. Cột thêm một nhợ dài khoảng 6-7 mét na. Tóm một cái lưỡi câu to tướng ở đầu nhợ, có chừa ra một chút dây gân chừng 2 phân, rồi ra lịnh cho tôi bắt săn vài con thằn lằn để ngày mai cậu cháu đi câu rê, câu cá lóc.
Hôm sau, khi tôi đi học về, cậu Ba kêu tôi và cậu Út cùng nhau đi câu rê. Tôi xách hộp mồi và một cái giỏ tre lon ton đi theo 2 cậu. Hai ông cậu tôi có tập tạ, tướng người chắc nịch, khỏe mạnh, bắp thịt cuồn cuộn. Ði sau hai ông cậu lực lưỡng là tôi, một thằng nhóc 7 tuổi ốm tong teo như một con thằn lằn. (Nếu mà cậu móc tôi vào lưỡi câu làm mồi thì chắc cũng nhấp được vài con cá lóc!).
Chúng tôi đi ra một cái ruộng lúa dọc theo lộ xe cách nhà chừng 800 mét. Ðang mùa nước nổi, lúa đã cấy xong được hơn một tháng, bắt đầu xanh ngọn. Gió thổi mát rượi, mặt nước lăn tăn, sóng lúa mấp mô. Nước ngập tới đầu gối, cào cào châu chấu nhảy tí tách.
Chọn một khoảng ruộng sạch sẽ, trống trãi, gần một cái mương đầy lục bình, rau mác, cậu Ba ngừng lại, hạ cái cần câu dài quá cỡ trên vai xuống. Tôi bắt đưa cho cậu một con thằn lằn. Cái lưỡi câu to đến 4 phân. Con thằn lằn lớn như vậy mà cậu móc trọn cả con mồi. Móc mồi xong, cậu Ba tôi cắt một cộng cỏ ống bên đường, dài chừng 4 phân. Cậu luồn cọng cỏ vào đầu nhọn lưỡi câu, đầu kia luồn vào cọng dây gân mà cậu còn chừa lại lúc tóm lưỡi câu.
 
Cậu cháu tôi đứng cạnh bờ lộ. Ra dấu cho cậu Út và tôi im lặng, đừng gây tiếng động, câu Ba đứng lấy thế, dùng cần câu quất mạnh nghe một cái “véo”. Con thằn lằn và cái lưỡi câu bay ra thật xa, có trên 10 mét. Rồi cậu rung rung đầu cần câu, kéo con mồi vào. Con thằn lằn đã chết, nhưng bị kéo lưng tưng nhấp nhô trong ruộng lúa, như một con mồi sống đang nhảy nhót. Cọng cỏ che cái móc câu nhọn, nên khi cậu Ba quăng mồi ra và kéo vào, lưỡi câu nhọn không móc vướng vào lúa, vào cỏ. Có lẽ vì phải rê cục mồi tới lui như vậy nên người ta gọi là câu rê. Cậu Ba quăng ra kéo vào ba lần thì một chuyện lạ xảy ra làm tôi phải há hốc mồm.
 

Cá lóc là loại cá mạnh mẽ, d sống trong nhiều địa hình ao hồ, sông rạch khác nhau
 
Một con cá lóc thật lớn không biết từ đâu lao tới, phóng như bay, như đằng vân giá vũ trên mặt nước rượt theo con thằn lằn. Nó đớp con mồi nghe một tiếng “phập” thật lớn. Cậu Ba tôi ngừng lại vài giây rồi giựt một cái thiệt là mạnh. Con cá lóc dính câu, từ dưới ruộng bay lên ngang qua đầu chúng tôi rồi rớt phía bên kia đường trong đám cỏ cách chỗ chúng tôi đứng gần 10 mét. Tôi vội qua đường vạch cỏ bắt con cá bỏ vào giỏ. Con cá bự thiệt, có đến nửa kí lô.
Chúng tôi lên tinh thần, riêng tôi khoái chí không thể tả. Cậu Ba cẩn thận móc con mồi khác rồi đi qua đám ruộng kế bên câu tiếp. Một lát sau, cậu giựt thêm một con cá lóc nữa, rồi chúng tôi ra về. Tôi khệ nệ đeo cái giỏ... chiến lợi phẩm, với gần 1 kí cá lóc. Sau nầy tìm hiểu thêm, tôi biết rằng con cá lóc thường im lặng lượn lờ trong nước, nghe ngóng tìm mồi. Khi nghe tiếng động của một con dế, con cóc, con nhái hay một con cá khác nó lặng lẽ lội về phía con mồi và quan sát. Khi cách con mồi chừng một mét, nó lao tới như một tia chớp đớp mồi. Khi cậu tôi rê con thằn lằn trên mặt nước, nó mở hết tốc lực rượt theo táp con mồi. Cậu cháu tôi được xem một màn rượt đuổi ngoạn mục.
Tối hôm đó cả nhà được thưởng thức một ba canh chua cá lóc và cá lóc kho tiêu. Vừa ăn, chúng tôi vừa thi nhau trò chuyện râm ran về thành tích “vĩ đại” ban chiều.
 

Cá diếc màu vàng đen, thịt rất ngon
 
Câu cá Diếc
 
Nghe tôi kể chuyện câu cá thời niên thiếu, một người bạn làm chung là anh Kỳ, người gốc Ðà Lạt cũng kể cho tôi nghe kinh nghiệm câu cá diếc của anh. Anh là người nhạy bén trong việc câu kéo và thường hay đi câu ở hồ Than Thở, hồ Xuân Hương ở Ðà Lạt.
Trước hết, anh ra vườn chặt vài cây trúc loại đặc ruột, cao khoảng một với người lớn. Ðem vô cẩn thận vuốt cành, lấy cho đến các lóng sau cùng vì anh cần những cái cần câu mềm và dịu. Thường thì anh chuốt 4 cần câu. Lấy cây đèn cầy, Kỳ hơ những mắt trúc, uốn nắn cho thẳng. Da trúc vàng, tô điểm các vết đèn cầy màu đậm trông rất đẹp, như những tác phẩm nghệ thuật.
Dùng nhợ gân, tóm lưỡi câu loại thật nhuyễn và bén buộc vào các cần câu. Lấy cọng lông vịt, cắt thành 4 cái phao, sơn thêm các khoanh đỏ cho d thấy. Anh Kỳ bẻ thêm 1 cái giá bằng cây sắt nhỏ để gác 4 cái cần. Rang thêm một nắm cám trộn với mè cho thơm, bỏ trong cái gói nhỏ. Ðào thêm vài con trùng chỉ là xong. Mang đồ nghề lên xe đạp, Kỳ đạp lại bờ hồ.
 

Một cảnh hồ miền Cao Nguyên
 
Lựa một gốc thông mát mẻ, nơi hứa hẹn có cá, anh dựng xe đạp và bắt đầu ra tay. Vói tay khoét một cục đất ướt, Kỳ vắt vài viên với mè và cám rồi quăng xuống cạnh bờ hồ. Ðợi một lúc cho cá diếc nghe mùi thơm cám rang bu lại, Kỳ cột phao, móc mồi trùn, thả câu xuống hồ. Bốn cần câu xòe ra như một cây quạt được gác lên cái khung sắt. Mồi chìm độ 1 mét dưới nước, Kỳ ngồi yên chờ đợi.
Trời Ðà Lạt trong xanh, lành lạnh, vài cuộn mây trắng trôi bồng bềnh, mặt hồ phẳng lặng, bóng như gương. Kỳ ngất ngây nhìn về thành phố đẹp đẽ dưới chân đồi, lồng trong đất trời thơ mộng. Bổng một cái phao lay động thật nhẹ rồi trở lại nằm im trên mặt nước. Anh nín thở đợi chờ ... Phao động nhẹ một lần nữa, rồi lay động lần thứ 3. Anh cầm cần câu lên, giật một cái. Một con cá diếc cở 3 ngón tay tòng teng, giẫy giụa. Gở cá bỏ vào 1 cái giỏ tre, cột miệng bỏ xuống hồ, Kỳ móc mồi rồi thả câu trở lại.
Ðược một lúc, cái phao khác lay động. Rồi phao chìm xuống, kéo ra xa. Kỳ nhanh tay giật mạnh. Một cá diếc lớn bằng 4 ngón tay đang giẫy giụa. Thật là khoái chí ! Câu một lúc, được 10 con nữa, thiệt quá là vui. Chiều nay Kỳ có 1 bữa cá diếc kho hành thật thơm ngon.
 

Một cảnh thác nước thơ mộng miền Cao Nguyên Trung phần
 
Cá diếc là loại cá sống trong các ao hồ, sông suối trên miền cao nguyên. Cá màu vàng đen có vảy mỏng. Xương nhiều, nhưng thịt rất thơm ngon, như là con cá mè vinh của miệt đồng bằng. Cá diếc miệng nhỏ, ăn uống nhỏ nhẹ và rất nhát tiếng động. Vì thế phải biết cách câu, phải nhạy bén và phải giữ im lặng. Kỳ tâm sự rằng câu cá diếc cũng là cách để tập tính kiên nhẫn và khéo léo.
Con cá diếc cũng được ghi trong Việt Sử. Trong 10 năm ròng rã chống giặc Minh, có lần vua Lê Lợi thua trận, phải chạy trốn qua một cánh đồng có 2 vợ chồng lão ông đang tát cá. Vua Lê Lợi cởi quần áo trận nhảy xuống bùn bắt cá với ông lão. Khi giặc Minh đến hỏi ông lão có thấy một tướng Nam chạy qua đây không, ông lão chỉ về phía cánh đồng xa xa, rồi quay lại nạt Lê Lợi: “Thằng con ngu dốt nầy, còn mau không bắt cá đi, nhìn các tướng quân làm gì ?”. Quân giặc bỏ đi. Tối hôm đó, lão bà đãi vua Lê một ba cơm với chả cá diếc.
 

Một người đang đặt trúm làm bằng ống dài
 
Ðặt trúm
 
Cơm chiều xong, chú Năm vác 4 cái ống tre lớn trên vai đi ra ruộng, tay cầm theo 1 cái thùng nhỏ. Ðó là những ống trúm lươn làm bằng loại tre lồ ồ đường kính khoảng 1 tấc 2 phân, dài một mét rưỡi. Chú đi ra mương ranh giữa nhà chú với chú Tư Nhuận, đặt 2 ống trúm. Ði về phía mương ranh giữa nhà tôi và chú Hai Cầm, đặt thêm 2 ống nữa. Nhìn thấy cái lộp lớn của Ba tôi đặt ở mương ranh có mấy con cua, chú dỡ lộp, đổ mấy con cua vào thùng rồi đặt lộp trở lại. Thấy tôi đi ra ruộng, chú 5 kêu:
- Cu à, lộp mầy dính cá lóc kìa. Tao mới đổ lộp bắt mấy con cua đặt trúm đó nghe.
Tôi dạ, rồi lại đổ lộp, cái lộp mà chú 5 mới đổ cua, bắt được một con cá lóc.
Chú Năm là người xóm trên, không có bà con dòng họ nhà tôi. Nhà nghèo, nhưng tính tình hiền lành nên anh em tôi rất quý chú. Bù lại chú cũng quý anh em tôi. Nếu chú thấy đứa nhỏ nào vào vườn tôi phá phách, hái trộm trái cây thì chú cho nhà tôi hay, hay la rầy giùm.
Không hiểu từ thời nào, xóm tôi có những cái ước lệ tương đối d dãi.
- Những con cá, con lươn trong vườn là của chủ vườn, vào câu vào bắt là ăn cắp, là xâm phạm chủ quyền của nhau. Nhưng cá tôm ở những mương ranh thông ra sông là của chung, ai cũng bắt được.
- Những con cá tôm bên trong đống chà là của chủ chà, không được câu, không được đập phá cho cá chạy ra. Nhưng cá bên ngoài đống chà là của chung, ai cũng được quyền câu, chài lưới. Ðược quyền thả cám, thả mồi, miễn sao bên ngoài đống chà.
- Những trái xoài, trái cam trên cây là của chủ vườn, không ai được đụng tới. Nhưng khi trái xoài rụng xuống dọc đường đi, thì người khác đi ngang có quyền lượm ăn chơi.
- Cái lờ cái lộp của người khác đặt, mình không được quyền đụng tới. Ðụng tới là ăn cắp.
- Khi chủ vườn tát hầm bắt cá, lối xóm được quyền đến ngồi chờ. Chủ nhà bắt cá xong đi lên thì người lối xóm được xuống bắt hôi. Thường thì họ bắt những con cá nhỏ, những con cua, con ốc không đáng kể. Nhưng có khi gặp hên họ bắt được những con lươn, những con cá lóc lớn mà chủ nhà bỏ sót.
 
Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ :
- Trường hợp chú Năm thì khác, chú thấy lộp nhà tôi có cua có ốc chú cứ thoải mái đổ lộp bắt chơi, cá tôm thì chú chừa lại cho nhà tôi. Nếu chú gặp anh em tụi tui thì chú cho hay. Nếu không gặp thì thôi, mai mốt gặp sẽ nói sau. Hình như có lần chú hỏi ba tôi có bắt cua không, nếu không thì cho chú. Ba tôi dặn chú gặp cua ốc cứ lấy đi. Từ đó chú có thói quen như vậy.
- Gia đình tôi có 1 nhà nhỏ, chứa cái bồ lúa ngoài vườn là kho lúa của gia đình. Có lần nhà tôi bị mất trộm lúa vì bồ lúa bị khuyết một lõm. Thấy dấu chân đi về phía xóm dưới, nhưng không dám cả quyết là ai. Năm sau vợ chồng ông cậu lối xóm đội 2 thúng lúa lên nói với ba tôi: “ Năm ngoái túng quá, tụi tui có xúc của anh 2 thúng lúa. Năm nay gặt lúa xong, tụi tui đem trả anh”. Ba tôi vẫn thản nhiên :” Vậy cậu mợ đem đổ ngoài bồ lại cho tui đi”. Trả lúa xong, cậu mợ đi về, và chúng tôi vẫn vui vẻ với cậu mợ như không có việc gì xảy ra.
Trở lại việc đặt trúm bắt lươn. Ống trúm làm bằng thân cây tre lồ ồ lớn. Tre lồ ồ là lọai tre ống dài, vỏ mỏng, đường kính gần một tấc rưỡi. Ống trúm dài khoảng 1 mét rưởi, một đầu bít bởi một mắt tre. Ðầu kia là miệng trúm cho lươn chui vào. Ngay miệng là 1 cái hom đan bằng cọng tre chuốc nhọn sao cho lươn chui vào được nhưng không ra được. Mỗi ống trúm dài chừng 3 lóng tre, vì thế cần có dụng cụ đục bỏ những mắt tre bên trong, cho rổng ruột. Trên thân trúm có đục 1 khe nhỏ để khi đặt trúm người ta ghim xuyên qua đó một thanh tre dẹp, giữ thân trúm xuống đáy mương, không bị nước cuốn trôi.
Bên trong ống trúm, người ta bỏ và vài con cua, con ốc đã đập chết cho dậy mùi. Con lươn thích ăn cua ốc chết, đánh hơi, sẽ chui vào qua cái hom rồi kẹt trong đó. Sau vài giờ chủ trúm đi ra ruộng vác trúm về gỡ cái hom rồi đổ ra. Gặp lúc trúng mùa, một ống trúm có thể có 5-7 con lươn, đặc cả ruột trúm. Ăn không hết chủ trúm phải đem lươn ra chợ bán.
 

Lươn bán ngoài chợ
 
Con lươn miền Tây khi phát triển đầy đủ, to gần bằng cổ tay, dài khoảng 1 mét. Thịt lươn làm được nhiều món, món nào ăn cũng ngon. Món mặn thì có lươn xào xả ớt ăn với cơm. Món canh thì có lẩu canh chua, ăn với bún. Một con lươn to khoanh tròn trong cái lẩu. Nước lẩu nên cho chua ngọt, nấu sôi lên. Nhúng rau canh chua vào như bắp chuối, rau muống, rau ngổ, bông súng, chuối cây ... Nhớ bỏ nhiều rau mùi cho canh chua như hành, ngò gai, rau om, rau quế ... Lẩu chua được ăn với nước mắm ớt.
Lươn còn được rút xương, dồn thịt trộn với bún, nấm, củ hành đem hấp chín, rồi chiên sơ cho thơm. Còn một món ngon, khá cầu kỳ là lươn um. Lươn làm sạch để nguyên con khoanh trong nồi. Người ta vắt vào nước cốt một trái dừa khô. Rồi để vô nồi môn ngọt, lá cách, củ hành, đậu nành rang đâm bể là tư. Nấu lửa riu riu, khi chín, nồi lươn um thơm bể mũi. Nước chấm của lươn um là nước tương trộn với tỏi, ớt, đậu nành rang giã nhỏ. Vắt thêm nước cốt dừa vào cho béo. Ăn món lươn um một lần, bạn sẽ nhớ cả một đời. Bạn sẽ tự hỏi rằng sao trên đời có những món ăn ngon đến như vậy.
 

Một người đang bắt hến dưới sông, phía sau là một cái dón cá
 
Giăng Câu
 
Câu giăng có thể là giăng trên ruộng hoăc giăng dưới sông:
“Em hỏi anh đêm nay đi đâu ?
Anh nói rằng anh đi giăng câu..."
Lúc nhỏ, anh em tôi thích giăng câu trên ruộng vào mùa nước nổi. Chiều chiều khi nước còn cạn, chúng tôi đi đốn một mớ cây sậy, gọi là cây đài, chuẩn bị những đường câu giăng. Ra những thửa ruộng vừa cấy xong, lúa còn lưa thưa, cắm hai cây đài cách nhau chừng 3 mét. Ở giữa cột một đường câu có 3 lưỡi cách đều nhau rồi móc mồi trùng hoặc mồi cá lòng tong cắt ra từng khoanh gọi là mồi cắt, xong trở về nhà. Ngủ vài tiếng đồng hồ, nước lớn ngập ruộng, các loại cá đồng là cá lóc, cá trê, cá rô từ dưới sông hay trong mương vườn sẽ theo con nước tràn lên ruộng kiếm ăn. Giữa khuya anh em tôi thức dậy bơi xuồng ra ruộng thăm câu. Những miếng ruộng hồi chiều còn khô giờ nước ngập linh láng. Tôi chống xuồng sau lái, em gái tôi ngồi trước rọi đèn, thằng em trai đang ngồi giữa xuồng. Anh em chúng tôi còn say ngủ, mắt nhắm mắt mở. Bỗng em gái tôi la lên:
- Coi kìa, coi kìa... anh hai.
Giọng nó líu lại. Tôi và thằng em bỗng nhiên tỉnh hẳn khi nhìn thấy cây đài giật lia lịa trong anh đèn mờ mờ, tim chúng tôi đập như tiếng trống làng. Dở đường câu lên, một con cá trê vàng lườm đang giẫy giụa. Cẩn thận lấy cái rổ hứng, tôi lôi nó bỏ vô xuồng. Chúng tôi hì hục chống xuồng qua đường câu khác. Có tiếng quậy bì bõm từ xa. Chà chà, con gì đây? Một con lươn đang tìm cách thoát thân, tôi mang lẹ nó lên xuồng. Ngày mai chúng tôi sẽ ăn cá trê vàng nướng và lươn kho xả. Qua đường câu thứ ba, cũng là đường câu chót, cây đài đứng lặng yên, tôi hờ hững dở đường câu lên thăm. Ối chà, một con rô đồng lớn đang ngoe nguẩy. Vậy là có thêm món cá rô kho tiêu. Chúng tôi cẩn thận móc mồi lại và sẽ trở ra thăm một lần nữa trước khi trời sáng. Những mùa câu đêm như vậy anh em tôi thường hay ngủ gục trong lớp. Cá đồng của miền Tây ngon lắm. Những con cá trê vàng nướng ăn với nước mắm gừng, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, cá rô kho tiêu, lươn kho xả ngon không có gì sánh bằng!
 
Giăng câu dưới sông thì tôi chưa làm nhiều, nhưng thằng em trai thứ 5 của tôi có nhiều kinh nghiệm. Phải dùng một cây đài bằng tre thật chắc, dùng một đường câu dài cả trăm mét và hàng trăm lưỡi câu. Cũng dùng mồi trùng hay mồi cắt, những chỉ bắt những loại cá sông như cá bống, cá lăng, cá trèn, cá leo, cá sửu, cá phèn. Cũng nên biết thêm là những loại cá sông kể trên chỉ ở dưới sông ít khi lên ruộng đồng, trong khi những loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô thì sống trên ruộng đồng hay ở mương vườn chớ ít khi xuống sông. Giăng câu sông phải dùng xuồng, khi thả câu hay cuốn câu phải khéo léo, nếu để rối thì lưỡi câu dính lại với nhau rất khó gỡ .
 

Một thau cá rô đồng đang bày bán
 
Hồi tôi còn nhỏ khoảng 4-5 tuổi, gia đình tôi còn sống với Nội tôi. Tôi còn nhớ có một ông câu, sống cuộc đời tương đối bí ẩn đối với tôi, mà tôi hay tò mò theo dõi. Ông Cậy sống trên một chiếc xuồng nhỏ, mui làm bằng hai tấm lá chầm hình chữ nhật ghép lại như hai cái mái nhà lá dưới quê. Tất cả giang sơn của ông là trên chiếc xuồng. Khoảng giữa là nơi ông ngủ, phía sau là một cái bếp nho nhỏ nấu ăn. Có lu nước uống, có mấy cây tầm vông gác dọc theo hông xuồng. Ban ngày ít ai thấy ông Cậy làm gì, thường thì ông cắm ghe cạnh một bóng cây gừa cho mát, rồi nằm ngủ hay nhậu lai rai vài ly rượu đế. Khi thì tôi thấy ông đậu ghe gần dưới bến nhà Nội tôi, khi thì tôi thấy ông đậu ghe tận ngoài vàm. Ban đêm, đúng con nước ông mới ra tay. Ông giăng câu cá cóc, cá sửu.
Cá cóc là một loại cá quý, thịt ngon, hơi nhiều xương. Cá hình thoi dài, vảy mềm nên khi kho người ta để vảy ăn luôn, không đánh vảy như những con cá khác. Cá sửu cũng là một loại cá quý, vảy bạc hình dáng giống như con cá lù đù nhưng lớn hơn, hai bên hông có hay lằn chỉ dài. Cá sửu thịt ngon, ít xương. Cả hai loại cá trên ít xuất hiện, người chài lưới thường chỉ bắt được những con cá nhỏ. Chỉ có những tay câu đặc biệt như ông Cậy mới bắt được những con cá lớn 5-3 kí lô. Người ta chỉ biết ông giăng câu, vì ông có đường câu treo lủng lẳng trên mui ghe. Còn chi tiết giăng như thế nào thì ông kín đáo lắm và chỉ làm vào ban đêm thanh vắng, không ai biết.
 
 
Ba con cá cóc, một con cá lăng và một chùm ếch bày bán ngoài chợ quê
 
Chỉ biết thỉnh thoảng một hai lần trong tháng, người ta thấy bên hông chiếc xuồng nhỏ của ông có cột theo vài ba con cá cóc, cá sửu thật bự. Ông hay bơi lại bến nhà Nội tôi rồi kêu: “Bà Năm ơi, ăn cá cóc không ? Có cá ngon nè “. Thường thì Nội tôi đi xuống bến lựa mua một con. Tôi lóc nhóc chạy theo, nhìn mấy con cá đang lượn lờ bên cạnh ông một cách kính nể. Loại cá nầy mắc tiền nên ông chỉ mời vài nhà khá giả trong làng.
Vài năm sau, gia đình tôi ra riêng, ba má tôi dời đi cách nhà Nội tôi chừng 5 cây số, cũng sống gần bờ sông. Tôi lại gặp một ông câu khác mà tôi ba má tôi gọi là ông Năm Râu, cũng sống lênh đênh trên chiếc xuồng con tương tự như ông Cậy. Ông Năm cũng sống âm thầm một mình, cũng tự nấu cơm ăn, cũng khề khà ly rượu đế. Ðặc biệt thỉnh thoảng cũng cột kè kè bên hông xuồng mấy con cá cóc, cá sửu mấy kí lô.
Hai ông câu trên tạo cho đầu óc bé nhỏ của tôi những ấn tượng rất là thâm trầm, bí ẩn. Nhưng sau nầy lớn lên đi câu nhiều tôi mới hiểu là Mỗi loại cá có cách ăn mồi riêng vào những con nước thủy triều riêng. Có loại săn mồi ban ngày, có loại săn mồi ban đêm yên tịnh. Có loại ăn lúc trăng tỏ, có loại ăn lúc tối trời. Hai ông câu kia hiểu được đặc tính của các con cá cóc, cá sửu nên âm thầm câu bắt mà không để cho người khác biết cách của mình.
 
http://www.vietlist.us/Images_dq/chaire.jpg
Hai vợ chồng sống bằng nghề chài lưới dưới sông
 
 
Hai Rạch Dừa
Xem tiếp phần 4
 
Nguyễn Hữu Chánh  sưu tầm