User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

Bài phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Vinh

Nhân dịp GS được trao giải DIRK BROUWER.

 

Lời Giới Thiệu:

Giáo Sư  Nguyễn Xuân Vinh  là một Khoa Học Gia, một Tư Lệnh Không Quân Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hoà, và là một nhà văn nổi tiếng với bút hiệu Toàn Phong .

Nhưng cũng có nhiều người không biết ông từng là một nhà giáo trên người luôn mặc quân phục đứng trong những lớp dạy toán của những trường Chu Văn An, Pétrus Ký, và Võ Tánh (Nha Trang).

Tuy nhiên cũng không phải ai là học sinh của ông cũng biết rõ những quan hệ của Giáo Sư NXV giữa vai trò giảng dạy với công vụ của một quân nhân, hay vì sao từ một nhà giáo ông lại trở thành một Khoa Học Gia  Không Gian danh tiếng tại Hoa Kỳ. Giáo Sư NXV chưa từng chia sẻ những điều mà nhiều người trong số học sinh của ông muốn biết.

Nhân dịp Đại Hội Bưởi-Chu Văn An Toàn Cầu giới thiệu Đặc San kỷ niệm, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn để tìm hiểu tâm sự của vị giáo sư khả kính của chúng ta. Muốn biết qua những câu hỏi của đồng môn Lê Duy San, Hội Trưởng Hội Aí Hữu Chu Văn An Bắc California  gửi đến, GS Nguyển Xuân Vinh giải đáp ra sao, ĐS CVA kính mời  bạn đọc theo dõi.

Chúng tôi cũng trân trọng cám ơn GS NXVinh đã giúp  ĐS Chu Văn An có một  tài liệu giá trị để chia sẻ cùng bạn đọc.

Anh HT:  Thưa giáo sư, khi làm Tư Lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư cũng là giáo sư Toán của trường Trung Học Chu Văn An Saigon. Xin giáo sư cho biết lý do nào đã khiến giáo sư đã tới dạy ở trường Chu Văn An?

GS Vinh:   Năm 1955 tôi trở về nước sau ba năm theo học ở trường sĩ quan không quân Pháp ở Salon de Provence để trở thành sĩ quan phi công lái máy bay hai động cơ với thẻ trắng (carte blanche) để bay trời mù. Ngoài ra tôi cũng có bằng cử nhân toán học và cao học toán pháp của Đại học Marseille. Vì thế nên khi ra đơn vị ở Phi Đoàn Liên Lạc và Tác Chiến đóng ở Nha Trang, do đề nghị của ông hiệu trưởng Trường Trung Học Võ Tánh đang thiếu giáo sư, và do nhu cầu công vụ, tôi được Bộ Quốc Phòng cấp giấy phép để dạy mỗi tuần 4 giờ cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Sau này, với giấy phép cấp không có hạn định về thời gian, tôi cũng dạy một khoá cho Trường Petrus Ky, và trong thời gian 1958-1960, tôi dạy môn Hình Học cho hai lớp Đệ Nhất B của Trường Chu Văn An.

Anh HT:   Hình ảnh của giáo sư thời đó, chưa đến tuổi ba mươi mà đã là Tư Lệnh Không Quân, có bằng cử nhân toán, lại là một nhà văn được giải thưởng toàn quốc, đã cho các học sinh trung học một ấn tượng rất đẹp về người quân nhân VNCH. Có phải vì như thế mà nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đã gia nhập Không Quân và làm cho quân chủng này trở thành một thành phần ưu tú trong quân đội hay không?

GS Vinh:  Tôi chỉ dạy có 4 giờ một tuần, và chỉ giới hạn ở một hay hai lớp ban B nên không có sự tiếp xúc rộng rãi với các học sinh trung học. Tuy vậy vì dạo đó chúng tôi có chương trình hiện đại hóa Không Quân Việt Nam, cần gửi khoá sinh đi Hoa Kỳ để được huấn luyện lái phi cơ tối tân nên chúng tôi đã tới các trường trung học ở Sàigòn và ở Huế để trình bầy cho các học sinh sắp mãn khoá về đời sống tinh thần rất phong phú của những người mang nặng nghiệp bay như chúng tôi. Cũng trong tinh thần này mà tôi đã viết để cho Bộ QGGD xuất bản hai cuốn sách lớp đệ Nhất ban B của tôi, một cuốn về Lượng Giác Học và một cuốn về Cơ Học. Những sách này cũng đã được Sở Tu Thư của Bộ tuyển lựa rất kỹ càng. Tôi còn nhớ là ở trang đầu đã có ghi sự chuẩn nhận của những giáo sư Bạch Văn Ngà và Nguyễn Phúc của Trường Trung Học Chu Văn An và giáo sư Nguyễn Chánh của Trường Đại Học Khoa Học.

Anh HT:   Đó thật là những đóng góp qúy giá cho tủ sách giáo khoa Việt Nam. Sau này ở ngoại quốc chắc giáo sư cũng viết thêm những sách khác.

GS Vinh:  Thật ra ở Việt Nam tôi còn viết thêm cuốn Thiên Văn Học, đệ Nhất Toán và Khoa Học Thực Nghiệm và cuốn Toán Hình Học Không Gian, hai cuốn này do nhà sách Trường Thi xuất bản. Trong thời gian giảng dậy và nghiên cứu về Khoa Học Hàng Không và Không Gian ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, tôi viết ra vào khoảng 100 tài liệu đăng trên các báo khoa học và kỹ thuật quốc gia và quốc tế hay duới hình thức những bản báo cáo kỹ thuật gọi là Technical Report hay Contractor Report do những cơ quan bảo trợ như USAF hay NASA ấn hành. Niên học 1974-1975 tôi được chính phủ Pháp mời sang làm giáo sư thỉnh giảng ở Sup Aéro và làm khảo cứu ở Office National d’Études et de Recherches Aérospatiales (ONERA) và trong năm đó tôi có viết mấy bài khảo cứu bằng tiếng Pháp do cơ quan này ấn hành. Một trong những tài liệu đó, viết chung với một khoa học gia người Pháp, đã được European Space Agency (ESA) là Cơ Quan Không Gian Âu châu dịch ra Anh ngữ và phát hành. Tôi biết có những tài liệu tôi viết đã được dịch ra Hoa ngữ hay Nga ngữ, vì có những bạn đồng nghiệp gửi cho bản sao, hay vô tình mà nhìn thấy ở trên những mạng lưới điện tử nhưng không biết hết được những gì tôi viết đã được dịch ra một tiếng nước khác. Ngoài ra tôi cũng viết được ba cuốn sách về Cơ Học Phi Hành Không Gian. Cuốn đầu tiên tôi viết chung với giáo sư Adolf Busemann là một nhà bác học người Đức và Tiến sĩ Robert D. Culp, sau này là Trưởng Phân Khoa Hàng Không và Không Gian ở Đại Học Colorado, cuốn sách này với đề là “Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics” nói về lý thuyết bay của phi thuyền không gian khi trở về bầu khí quyển đã rất được hâm mộ.

Anh HT:  Lý do gì đã khiến cho giáo sư chuyển ngành từ Toán Học sang Khoa Học Không Gian?

GS Vinh: Nói là chuyển ngành thì không đúng vì những môn tôi dạy học và làm khảo cứu là những môn toán học. Khi còn là sinh viên ở Pháp, trong niên học 1954-1955 tôi ghi tên làm luận án tiến sĩ quốc gia toán học về phương trình vi phân ở Đại Học Paris nhưng sau đó học xong phần phi hành tôi phải trở về nước. Mãi đến năm 1962 tôi mới xin được một học bổng của USAF sang Hoa Kỳ để học cho xong chương trình tiến sĩ. Nhưng những người bạn Mỹ đã giúp cho tôi được học bổng này họ nói là trên giấy tờ phải ghi là học chương trình tiến sĩ hàng không và không gian vì nếu không họ sẽ gặp khó khăn với cơ quan kiểm tra ngân sách khi thấy cấp học bổng cho một sĩ quan đồng minh để theo học chương trình tiến sĩ toán học.  

 

Anh HT:  Nghe nói học bổng này cho giáo sư đuợc mang theo cả gia đình sang Hoa Kỳ.

GS Vinh: Tôi nghĩ cũng là một cách thưởng công cho tôi đã chuyên cần làm việc ngày đêm không quản trong hơn bốn năm trời để đưa KQVN từ một phòng sở phụ thuộc Bộ Tổng Tham Mưu thành một Quân chủng riêng biệt, có Bộ Tư Lệnh, có trường đào tạo sĩ quan, và nhất là có tinh thần chiến đấu được các Không Quân bạn trong vùng Thái Bình Dương kính nể, mà Tổng Thống VNCH đã cho phép tôi được mang theo gia đình, và như thế được chuyển lương theo giá chính thức. Mặt khác Đại học Colorado mà tôi theo học lại coi tôi như là một học giả thăm viếng để cho tôi có thể thuê nhà giá rẻ như một giáo sư vãng lai. Sau cùng USAF lại cấp thẻ cho gia đình tôi được xử dụng Post Exchange tại căn cứ Không Quân Lowry ở trong vùng để được mua hàng với giá rẻ mà không phải trả thuế nên học bổng của tôi, cộng với tiền lương chuyển sang, cũng đủ cho gia đình.

Anh HT:  Theo như tiểu sử của giáo sư đã được giới thiệu trên nhiều trang điện tử, kể cả tự điển bách khoa quốc tế Wikipedia và những ấn bản Vẻ Vang Dân Việt  và bản Pháp Ngữ Fils et Filles du Vietnam thì giáo sư cũng có bằng Tiến sĩ Quốc gia Toán học của Đại học Paris. Điều này thì ai cũng biết, nhưng các bạn CVA và nhiều bạn trẻ khác chắc cũng muốn biết tường tận hơn những phát minh toán học nào đã làm cho giáo sư được nổi tiếng trên thế giới. Giáo sư có thể chia sẻ với độc giả Đặc San CVA hay không?

GS Vinh: Trong hai thế kỷ vừa qua Toán học đã phát triển trên mọi phương diện và đi dần vào trừu tượng đến trình độ ngày nay không có thể đưa ra một định lý mới và nói đó là sự đóng góp đặc sắc của toán gia X hay Y hay Z vào lâu đài Toán học được. Nhiều khi sự đóng góp quan trọng lại là sự kiện toàn một lý thuyết toán học đã được người đi trước đề ra. Riêng trong ngành Toán học Áp dụng, có hai bộ môn mới được khai triền là Lý thuyết Điều khiển Tối ưu (Optimal Control Theory) và Qũy đạo Tuần hoàn (Periodic orbits) là tôi có nhiều đóng góp được chú ý đến. Tôi có thể đưa ra thí dụ là vào năm 1994 khi tôi được giải Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành (Mechanics and Control of Flight Award) của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Astronautics), viết tắt là AIAA, thì trên tấm huy chương mà ông chủ tịch Viện đã choàng vào cổ tôi trong một buổi lễ thật long trọng ở Scottsdale, thuộc tiểu bang Arizona, có khắc hàng chữ : For outstanding contributions to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere and in space” để nói một cách chung sự đóng góp của tôi vào lý thuyết này. Lý thuyết Điều khiển Tối ưu bắt nguồn từ Phép tính Biến thiên (Calculus of Variations) nhằm tìm ra lời giải cho một bài toán sao cho thực hiện một trị số tối thiểu của một lượng nảo đó. Chẳng hạn người ta tìm qũy đạo để đưa một vệ tinh lên thám sát Mộc tinh với một sự tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu. Vào cuối thập niên năm mươi, dưới sự hướng dẫn của viện sĩ L. Pontryagin, một nhóm toán gia người Nga đã viết một loạt bài về Nguyên lý Cực đại là phương pháp giải những bài toán tối ưu. Cuốn sách họ viết, gồm những bài căn bản của phương pháp này đã được giải thưởng Lenin là giải thưởng cao qúy nhất thời bấy giờ của Liên Sô và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nói một cách trung thực thì ở Hoa Kỳ, vào những thập niên ba mươi, có trường phái Chicago, dưói sự hướng dẫn của giáo sư G. A. Bliss, đã có nhiều toán gia làm luận án tiến sĩ về Phép Tính Biến Thiên cổ điển và tìm ra được những định lý tương đương với lý thuyết Pontryagin. Vào năm 1961, khi ấn bản Anh ngữ của Nguyên lý Cực đại được phổ biến tới Hoa Kỳ thì đúng vào dịp có nhiều bài toán về phương pháp thay đổi qũy đạo với số nhiên liệu tối thiểu đang cần phải giải đáp nên đã có nhiều đóng góp thêm vào nguyên lý Pontryagin. Phần lớn những bài viết của tôi về Qũy đạo Tối ưu trong thời khoảng ấy thường được đăng trên Acta Astronautica là nguyệt san chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics). Một tài liệu về toán học tôi viết với sự bảo trợ của Cơ Quan Quốc Gia Hàng Không và Không Gian với đề là “Optimal Singular Control With Applications to Trajectory Optimization” cũng được phổ biến như là Contractor Report với danh số NASA CR 3078 vào tháng Ba, 1979. Có lẽ căn cứ trên những sáng tác này mà tôi đã được giải Mechanics and Control of Flight của AIAA

 

Anh HT:  Đó là về Qũy đạo Tối ưu. Giáo sư còn nói về những công trình về Qũy đạo Tuần hoàn, có phải chăng cũng có liên hệ?

GS Vinh: Không phải đâu, hai vấn đề đó hoàn toàn khác biệt. Người ta quen dùng chữ “Periodic Orbits” là tên một cuốn sách của giáo sư F. R. Moulton đưa ra vào năm 1920 và bao gồm một số luận án tiến sĩ mà ông đã hướng dẫn ở Đại học Chicago. Những luận án này biểu diễn một tính chất của những phương trình vi phân mà, trong một số điều kiện nào đó, có những lời giải, mà người ta đã dùng chữ không đúng để gọi là qũy đạo, có tính chất tuần hoàn, nghĩa là sau một thời gian gọi là chu kỳ, lại trở lại vị trí cũ. Tính chất này được nhà toán học lừng danh Pháp quốc Henri Poincaré trình bầy vào những năm đầu thế kỷ trước, trong một bộ sách gồm có 3 cuốn, dầy hơn một ngàn trang, với đề là  “Les Méthodes Nouvelles de la Mécanique Céleste”, bộ sách nêu lên những phương pháp tân kỳ mà gần một trăm năm sau các nhà toán học vẫn còn khai triển thêm và áp dụng để tìm lời giải trong môn Cơ Học Thiên Thể. Tôi lấy môt thí dụ dễ hiểu là mặt trăng quay chung quanh trục mất đúng một tháng và, cùng một lúc trong tháng đó, di chuyển một vòng chung quanh trái đất. Vì thế từ địa cầu chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa của mặt trăng luôn luôn hướng về trái đất. Đó là tính chất tuần hoàn của chuyển động của mặt trăng. Trước đây các nhà thiên văn học vì không quan sát được bề mặt sáng chói của Thủy Tinh (Mercury) là hành tinh nhỏ ở gần sát mặt trời, mà nghĩ rằng Thủy Tinh cũng có tính chất quay như mặt trăng, là quay chung quanh trục mất 87,96 ngày, dài đúng bằng một năm Thủy Tinh, và tất nhiên nếu theo như thế thì phần nửa mặt quay về mặt trời có nhiệt độ rất cao và nửa kia sẽ rất lạnh. Nhưng vào năm 1965, khi người ta dùng radar để theo dõi bề mặt của Thủy Tinh  thì lại thấy là chu kỳ quay lại là 58,64 ngày nghĩa là đúng 2/3 một năm Thủy Tinh. Các nhà toán học lại đưa phương pháp của Poincaré để chứng minh điều này. Vì tôn trọng toán gia Henri Poincaré, cũng là thần tượng thuở niên thiếu của tôi, mà phần đóng góp của tôi đăng trong Nguyệt san Quốc tế Celestial Mechanics vào năm 1973, tôi đã viết bằng tiếng Pháp với đề là “Sur Les Solutions Périodiques du Mouvement Plan de Libration des Satellites et des Planètes”. Bài viết của tôi khá chi tiết, dài 33 trang, và phần toán học đã rất chính xác nên hay được nhắc đến trong những bài viết về chuyển động quay của các vệ tinh. Đặc biệt là tôi đã nhận được của một giáo sư viện sĩ nước Nga một sách giáo khoa ông viết có lời đề tặng vì trong đó ông đã để dành một chương nói về lời giải và những phương trình của tôi.

Anh HT:  Trong suốt chiều dài ba mươi năm là giáo sư đại học ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác, giáo sư đã đóng góp vào sự đào tạo nhiều kỹ sư và khoa học gia cho ngành hàng không và không gian thế giới và cũng viết rất phong phú về nhiều đề tài khoa học như đã được ghi  trên nhiều websites mà cựu học sinh CVA nhiều người đã đọc được. Giáo sư cũng đã được Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (AIAA) tặng giải thưởng về Cơ Học Phi Hành Không Gian cho năm 1994. Vì sao cho đến năm 2006 Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ (American Astronautical Society), viết tắt là AAS, mới trao tặng giáo sư giải Dirk Brouwer là một giải tương đương cũng về Cơ Học Phi Hành Không Gian?

 

GS Vinh: Câu hỏi này đã được cô phóng viên Phiến Đan ở Úc châu đặt ra và tôi đã trả lời tóm tắt như sau:

“Tuy hai giải này đều được đặt ra để vinh danh những người có đóng góp quan trọng cho ngành cơ học phi hành không gian, nhưng tiêu chuẩn để chọn lựa và số ứng viên cho mỗi giải đều có khác nhau. Riêng cho giải của AIAA, thì Hội này có thể coi như là hội chính của những chuyên gia hoạt động trong ngành Hàng Không và Không Gian không những ở Hoa Kỳ mà còn có một số hội viên chọn lựa ở nhiều nước khác nữa, thì điều kiện tiên quyết là Mechanics and Control of Flight Award được lập nên để trao tặng cho những ai có công trình xuất chúng vừa tạo được về phương diện Cơ Khí Hướng Dẫn hay Kiểm Soát phi hành trong không gian hoặc trong bầu khí quyển

(Presented for an outstanding RECENT Technical or Scientific contribution by an individual in the mechanics, guidance, or control of flight in space OR the atmosphere).

Khoa học gia được đề nghị và muốn có hy vọng đươc chọn lựa cho năm ấy phải có những đóng góp quan trọng đương thời, nghĩa là trong vòng vài năm trở lại, và lý thuyết đề ra có thể được áp dụng cho vật thể di chuyển ở ngoài không gian, hay là trong bầu khí quyển. Vì vậy một chuyên gia nghiên cứu về môn khí động lực học cho những phi cơ quán thanh, công  trình của ông có thể được mang ra so sánh với phương pháp tối ưu để thay đổi qũy đạo không gian của một nhà toán học. Như  thế, hàng năm số ứng viên có thể  là nhiều. Ngược lại người được đề nghị có thể là một người trẻ, một ngôi sao sáng đang lên vừa có một công trình nghiên cứu xuất chúng đương thời và không cần phải đưa ra so sánh với công trình nghiên cứu tích lũy từ nhiều  năm qua bởi một vị trưởng thượng đã thành danh từ lâu. Vì thế nên hàng năm khó lòng có thể tiên đoán ai sẽ là người được nhận giải năm ấy. Năm tôi được giải Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành của AIAA vào đầu tháng 8 năm 1994 ở Scottsdale, AR,  trong  một  buổi tiệc có vào khoảng gần một ngàn người tham dự, tôi được ông Chủ Tịch AIAA trao tặng một bằng tuyên dương và một huy chương vàng. Một mặt huy chương có chạm hình chiếc phi cơ của hai anh  em ông Wright và vết chân để trên mặt trăng của phi hành gia Neil Armstrong, tất cả tượng trưng  cho sự tiến bộ về cả hai ngành Hàng Không và Không Gian trong Thế Kỷ 20 của Hoa Kỳ. Mặt bên kia của tấm huy chương có khắc tên tôi với dòng chữ tuyên dương như đã nói ở trên và hàng chữ này đã ghi nhận rằng sự đóng góp vào lý thuyết toán học điều khiển tối ưu cũa tôi có thể áp dụng cho phi thuyền trong khi bay ở ngoài không gian hay khi đã vào trong bầu khí quyển.

Về giải thưởng Dirk Brouwer thì tôi xin trích nguyên văn câu sau đây lấy trên Trang Nhà của American Astronautical Society.

“The Dirk Brouwer Awardwas established to honor significant technical contributions to space flight mechanics and astrodynamics and to recognize Dirk Brouwer's outstanding role in celestial mechanics and his widespread influence on workers in space flight and astrodynamics”.

Giải này được tặng hàng năm, cho một khoa học gia đã có những đóng góp đáng kể cho môn cơ học phi hành không gian và cơ học  vũ trụ. Hội cũng dùng giải này để ghi nhớ công trình đóng góp vào môn  Cơ  Học Thiên  Thể của cố giáo sư  Dirk  Brouwer và ảnh hưởng sâu rộng của ông cho những chuyên gia hoạt động trong ngành phi hành trong không gian và cơ học vũ trụ. Tiến sĩ Dirk Brouwer sinh năm 1902 tại Hoà Lan là quê hương của ông nhưng năm 1927, sau khi có học vị Tiến sĩ ông đã tới Hoa Kỳ để tu nghiệp và sau khi được đại học Yale tuyển  mộ như là môt giảng sư ông đã ở lại đó và sau này trở thành giáo sư  Chủ nhiệm Phân Khoa Thiên Văn Học và những năm cuối đời ông cũng là Giám đốc Đài Thiên Văn  của Đại Học Yale. Giáo sư  Brouwer qua đời năm 1966 khi còn tại chức, và những năm trước đó, từ khi vệ tinh nhân tạo được phóng lên không gian, ông đã làm sống động lại môn cơ học thiên thể từ xưa chỉ dùng để tính sự chuyển vận của các hành tinh và sao chổi, nay được dùng không những để tính qũy đạo của những vệ tinh nhân tạo và các phi thuyền không gian,  trong và ngoài bầu khí quyển, nhưng còn được dùng với Lý thuyết Điều khiển Tối ưu để tính những đường bay lên các hành tinh cho những vệ tinh thám sát theo những chiều hướng thuận lợi nhất. Giáo sư Brouwer đã được lưu danh  lại cho hậu thế khi người ta dùng tên ông để đặt cho một tiểu hành tinh, và đặt tên cho một miệng hố trên mặt trăng (cùng với một nhà toán học có trùng tên), nhưng điều làm cho tên ông được luôn luôn nhắc nhở là khi Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ đặt ra Dirk Brouwer Award cho môn Cơ Học Phi Hành Không Gian (Space Flight Mechanics). Trở lại giải Brouwer mà tôi được cho năm 2006, thì như đã quy định ở trên, người được chọn phải có những đóng góp đáng kể cho môn Cơ Học Phi Hành Không Gian nên  Hội đã giao sự tuyển chọn cho  Space Flight Mechanics Committee. Ủy ban này thường thì có vào khoảng 20 người và nhiệm vụ chính hàng năm của họ là tổ chức những Hội nghị về cơ học vũ trụ. Ủy ban cũng nhận những đề nghị về giải Brouwer và hồ sơ thường thì có một bản tiểu sử ngắn gọn không được quá 2 trang, một bức thư đề nghị của một khoa học gia có uy tín  kèm theo 3 thư hỗ trợ. Những hồ sơ nhận được trước hạn kỳ sẽ được in ra và gửi cho các thành viên để bỏ phiếu kín. Sự kiểm phiếu cũng được làm cẩn thận và có một hội đồng chứng nhận. Nếu không có ai được đa số để được trao giải thì hai người được nhiều phiếu nhất sẽ được chọn lựa lại một lần thứ hai. Người được giải đầu tiên là giáo sư Theodore Edelbaulm của đại học MIT vào năm 1972. Cho đến nay đã có 33 lần phát giải, và tôi là người thứ 34. Có 2 năm không ai được chọn lựa. Và có hai năm ủy ban quyết định chọn cả hai người được đồng phiếu, và một năm giải được truy tặng một khoa học gia đã quá cố. Tôi nhận được danh sách những người được giải này cùng với thư của Tiến sĩ Mark K. Craig là Chủ tịch của AAS báo tin tôi đã được chọn để nhận giải cho năm 2006. Tôi quen biết gần hết những người có tên trong danh sách kể cả ông Ted Edelbaulm, nay đã qua đời, và có thể nói là giải này được tặng cho công trình của cả đời người mà ta quen gọi là Lifetime Achievements Award. Vì thế tôi không quan tâm lắm khi nhận được có hơi chút muộn màng.

Anh HT: Nghe nói giáo sư vừa đi lãnh giải Dirk Brouwer do AAS trao tặng về. Xin giáo sư cho biết về buổi lễ trao giải thưởng này.

GS Vinh: Theo thông lệ thì hàng năm, những chuyên gia về môn Cơ Học Phi Hành Không Gian của hai hội AAS và AIAA sẽ họp chung nhau hai lần, một lần vào đầu năm và gọi là Winter Meeting, và một lần vào tháng 8, gọi là Summer Meeting. Giải Dirk Brouwer của năm trước sẽ được trao tặng vào Winter Meeting của năm sau, và năm nay đã được diễn ra trong tuần lễ từ 28/1 cho đến 1/2/2007 ở Khách sạn Hilton Sedona Resort ở Sedona, Arizona. Ban tổ chức đã dành ngày họp đầu tiên là thứ Hai 29/1/2007 từ 6 đến 8 giờ tối để tổ chức một buổi tiếp tân cho tất cả mọi người tham dự và giới thiệu tôi làm một bài thuyết trình trước khi trao tặng tôi một tấm bảng trên có khắc những hàng chữ ghi công nghiệp đóng góp của tôi vào ngành khoa học không gian. Bài nói chuyện của tôi dài chừng gần một giờ với đề tài đã được ghi trong chương trình của Hội nghị là “Unified Theory for Optimal Thrust and Aerodynamic Control in Hypersonic Flight” và đã được vào khoảng hơn hai trăm khoa học gia đến từ nhiều nơi trên Hoa Kỳ và cũng có môt số đến từ Âu châu và Á châu, họ rất nhiệt liệt tán thưởng. 

Vì tin tôi được giải thưởng và ngày tham dự Hội nghị đã được loan báo từ mấy tháng trước nên theo lời mời của cộng đồng người Việt ở tiểu bang Arizona tôi đã có hai buổi sinh hoạt và nói chuyện với người đồng hương ở tỉnh Phoenix trước khi đi Sedona. Sự đón tiếp và cảm tình của người Việt nơi viễn xứ đối với nhau đã làm tôi rất cảm động và cũng thấy vui là đã mở bước đường đầu tiên về những giải thưởng không gian này kể từ nay sẽ không còn xa lạ với người Việt và lớp hậu duệ của chúng ta sẽ còn đạt được những thành tích sáng chói hơn nhiều.

 

Anh HT: Xin có một câu hỏi chót cho giáo sư. Cuộc đời của giáo sư cả về văn chương lẫn binh nghiệp và trong những năm qua trong ngành nghiên cứu và giảng dậy môn cơ học phi hành không gian thật là đặc sắc và như vậy giáo sư có bao giờ nghĩ đến chuyện viết một hồi ký để kể lại cho thế hệ sau biết được tường tận những gì mình đã đạt được trong đời hay không?

GS Vinh: Tôi vẫn viết văn và làm thơ và về khoa học tôi đã viết một loạt bài về chuyện vui toán học và có ý định sau này sẽ gom lại những bài viết thành sách để in ra, nhưng tôi không có ý định viết hồi ký để kể lại cuộc đời mình, vì tôi nghĩ là nếu có làm được điều gì đáng kể thì thế nào sau này cũng có những người khác viết ra. Anh Hội Trưởng là một luật gia và nói chung qúy bạn cựu học sinh CVA nên nhớ rằng mình sống ở những nước văn minh và pháp trị nên những gì trong cuộc đời mình mà không phải riêng tư, và có tính cách công khai thì những người khác đều có thể tìm ra được. Về phần lý lịch của tôi từ ngày sinh và nơi sinh, những trường theo học kể từ lớp tiểu học cho đến hậu đại học và bằng cấp đạt được đều là những dữ kiện công khai ai cũng có thể biết. Trong binh nghiệp, những hồ sơ của những sĩ quan cao cấp Quân Lực VNCH mình còn để lại và hiện nay lưu trữ trên nước nhà, và dĩ nhiên cũng được cập nhật bởi những nước đồng minh cũ của mình như Pháp và Hoa Kỳ thì những dữ kiện công khai như ngày nhập ngũ, đơn vị bổ nhiệm, ngày thăng cấp và giải ngũ vân vân… ai muốn viết về tiểu sử những cấp chỉ huy cũ cũng có thể tìm ra được. Cũng vì vậy mà ở Hội nghị Sedona, với sự đồng ý của tôi, giáo sư Daniel J. Scheeres là ngưòi giới thiệu tôi đã chiếu lên màn ảnh lớn trong ballroom Tequa của khách sạn Hilton một số hình ảnh của tôi trong quân phục, và điều này đã gây thêm sự chú ý của các khoa học gia trong giới trẻ vì những người lớn tuổi họ đểu đã biết về thành tích trong quân đội của tôi.

HT: Xin Cám ơn GS  .

NHC - Sưu Tầm