User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Tìm Nhau Từ Thuở : Chương 9. Một Thời Chiến Chinh

                                                         Toàn Phong

  Phương Vân  đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư cuối cùng anh viết từ Colorado gửi về và đã thấy cay cay ở khóe mắt. Nội dung lá thư cho biết anh sẽ còn ở lại Hoa Kỳ thêm ít lâu nữa. Nhưng cô bé đã không lặng lẽ lên lầu khóc như lần đầu tiên cách đây hơn hai năm, hôm đó khi vừa đi học về cô được chị Trinh gọi lên buồng và bảo cho biết là anh Phong đã xin từ nhiệm để đi Mỹ theo học một chương trình tiến sĩ. Lần ấy cô bé đã khóc vì tức anh lắm, thấy mình là người cuối cùng trong gia đình được thông báo về chuyện anh quyết định rời nước ra đi. Từ ngày anh ở Pháp về làm việc với chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, rồi hay lại nhà chơi, vì anh là bạn học từ xưa với anh Vũ là anh lớn của Phương Vân, cô bé vẫn nghĩ rằng mình là người được anh cưng chiều nhất, và tất nhiên có chuyện gì quan trọng thì sẽ là người được anh nói cho biết trước tiên. Anh cũng đã theo như các anh chị của cô bé mà gọi cô là Mây, cái tên nghe thân mật, khác với lúc đầu anh gọi cô là Phương Vân nghe khách sáo chi lạ. Nhưng có lẽ thực ra anh đã chỉ coi Mây như là một con bé mà anh thỉnh thoảng dậy học và đôi khi mua tặng một món quà nhỏ. Mây nhớ rằng tuần trước đó anh còn đến nhà kèm học. Anh đã chỉ dẫn qua loa cho Mây cách giải một bài toán hóc hiểm rồi để cô bé ngồi lại một mình, buồn thiu, ở bàn học. Sau đó anh lại còn ra phòng khách nói chuyện gì lâu lắm với anh Vũ. Thì ra anh đã chỉ coi Mây như là đứa con nít không đáng để anh bàn chuyện hệ trọng đến cuộc đời anh. Nghe chị Trinh nói, Mây đã bặm môi lầm lỳ không nói, cố làm mặt tỉnh để che dấu cơn giận đang sôi trong lòng như núí lửa sắp phun. Nhưng khi chị xuống nhà cô bé đã nằm vật xuống giường, gục đầu vào gối khóc nức nở.

******

Nhưng lần này lại khác, tin tức chuyển cư của anh đã tới với Mây một cách nhẹ nhàng, vì Mây đã được anh cho biết dần dần từ nửa năm nay những gì anh đang làm và sẽ làm trong tương lai. Anh đã cho cô bé biết là dù bận công việc khảo cứu anh vẫn để thì giờ viết bài cho những tờ báo lớn trong vùng để nói lên cho người Mỹ hiểu tinh thần quyết liệt chống cộng sản của quân dân Việt Nam. Từ tỉnh Boulder là nơi anh đang hoàn tất luận án tiến sĩ ở Đại học Colorado, anh đã xuống Trường Võ Bị Không Quân ở Colorado Springs hai lần để nói chuyện với sinh viên sĩ quan ở đó. Họ là những người rồi đây sẽ được thử lửa trên vùng trời của quê hương mình. Mây cũng đã nhiều lần hỏi anh về những cuộc biểu tình của các sinh viên Hoa Kỳ, về phong trào phản chiến mà cô bé được biết qua những lá thư của một cô bạn học cũ nay đang ở bên Pháp viết về. Mây đã tỏ ý lo ngại khi nghe thấy anh nói là có thể đi thỉnh giảng ở Đại học California ở Berkeley là nơi sinh viên đang hàng ngày xuống đường để chống chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam. Nhưng anh đã viết về an ủi cô bé là anh sẽ cẩn trọng tuy rằng nếu cần thì anh cũng sẽ trực diện để đối thoại với họ. Theo lá thư mới nhất của anh mà Mây vừa nhận được thì anh đã thu xếp hành trang để tháng sau lên đường.

****** 

Cô bé thẫn thờ ngồi xuống ghế và đặt lá thư của Phong trên bàn học. Từ nay cô sẽ không còn nhận được những lá thư thân thương anh viết từ nơi có trời trong xanh và từng núi cao phủ tuyết, những lá thư anh viết từ căn phòng học, anh mở tung cánh cửa để gió núi tràn vào. Mây cũng nhớ đến những lá thư anh viết gửi về những đêm đông giá buốt nơi quê người, anh một mình ngồi cô quạnh viết gửi cho cô bé những hàng chữ thắm đặm tình nồng. Thế mà đã hai năm rồi, kể từ ngày anh xa nhà, không biết giờ anh có đổi thay nhiều hay không. Mây nghĩ thầm là khi anh về chắc không nhận được ra cô học trò khi xưa vì họ hàng và bạn bè ai cũng kêu là Mây vào tuổi dậy thì trông lớn hơn trước và đẹp hẳn ra. Cô bé cũng tự biết là mình thay đổi nhiều. Khi đứng, cô đã cao được bằng chị Trinh, nhưng cô vẫn giữ được bản tính hồn nhiên, tuy đôi khi cũng thả hồn mơ mộng. Cho đến nay Mây vẫn chỉ nghĩ nhiều đến anh, và hàng tuần vẫn trông đợi để đọc những bức thư anh gửi về. Nhưng với những anh chàng đã làm quen với anh Hồng hay những ông anh họ khác để thỉnh thoảng lui tới nhà nói chuyện với Mây thì cô cũng có lúc giận hờn, làm mặt lạnh, dọa nghỉ chơi cho họ vội vàng xin lỗi, và cũng vui thích khi được cưng chiều.

Đôi khi Mây cũng theo các bạn cùng trường dự những buổi họp văn nghệ, đang có phong trào hát nhạc ở những nơi công cộng mà có những bản nổi tiếng cô đã được nghe nhiều lần và cũng yêu thích. Dạo ấy giới sinh viên vào buổi tối hay tụ họp để nghe trình diễn những bản nhạc mới ở một quán cà phê có tên là Quán Văn được dựng lên ở khu đất trống giữa các đường Lê Thánh Tôn, Công Lý, Nguyễn Trung Trực…. Mới đầu thì những bản nhạc hay đuợc trình diễn và ưa thích là những tác phẩm của những nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Lam Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Lê Đình, Anh Bằng và Trần Thiện Thanh. Đặc biệt, thần tượng của Mây lúc bấy giờ là ca sĩ Thanh Lan, sinh viên văn khoa, chuyên hát những bản nhạc trữ tình, ca ngợi tình thương nhau giữa tuổi đồng trang lứa của Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, … là những nhạc sĩ mới được nổi lên. Rồi bỗng nhiên trong phong trào hát du ca dạo đó lại xuất hiện cặp nhạc sĩ và ca sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mới từ Đà Lạt xuống với những “Ca Khúc Da Vàng”. Có lẽ vì hoàn cảnh trong thành phố trong tình trạng bất an, đã làm dân chúng rất hoang mang sau dịp Tết Mậu Thân khi cộng quân đã tấn công khắp mọi nơi trên lãnh thổ và đột nhập cả vào trong thành phố. Trong khi có những sinh viên đã xếp bút nghiên gia nhập quân đội thì cũng có những người ôm đàn hát những bản nhạc than van làm yếu lòng người. Những người này từ nhỏ tới lớn quen sống giữa lòng đô thị, chưa bao giờ thực sự biết đến cảnh chiến tranh nên rất dễ bị những lời nhạc phản chiến của họ Trịnh làm lung lạc.

  Trong những chàng quen với các anh, Mây nhớ đến Chu với cây đàn guitar, và tiếng hát tha thiết, giọng trầm buồn, đã làm tâm hồn nhiều ngưòi nghe xao xuyến. Chị Trinh thỉnh thoảng vẫn rủ cô em đi dự những buổi ca nhạc do sinh viên tổ chức ở ngoài trời về đêm, và mọi người đã say sưa nghe nhạc Trịnh Công Sơn, bị quyến rũ bởi những lời nhạc chứa đậm tình thương xót cho quê hương đang trải qua một thời chinh chiến điêu linh, vì hình như họ hiểu thấy nỗi băn khoăn khó nói của họ qua những bản nhạc này. Phương Vân đã có lần thấy bùi ngùi  khi nghe Chu hát bản “Gia tài của Mẹ”

                                    Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu,

                                    Một trăm năm đô hộ giặc Tây,

                                    Hai mươi năm nội chiến từng ngày.

                                                Gia tài của Mẹ

                                                Để lại cho con.

                                                Gia tài của Mẹ

                                                Là nước Việt buồn!

  Mỗi lần có người đánh bài này là Mây thấy mọi người hát theo, như bị lôi cuốn bởi điệu nhạc trầm buồn, bởi tiếng thơ tha thiết. Là những học sinh, sinh viên, với hào khí của tuổi trẻ, và nay học theo chương trình Việt lại được biết đến lịch sử oai hùng của dân tộc, ai cũng có một tấm lòng yêu quê hương, nên lời thơ tiếng nhạc của Trịnh Công Sơn dễ lôi cuốn được giới thanh niên chưa từng có kinh nghiệm sống với cộng sản. Cô bé tuy lớn lên và quen sống ở thị thành, nhưng lời hát, và tiếng đàn đệm theo như đã thấm vào lòng người làm cho, khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Mây cũng như thấy hiện ra trước mắt hình ảnh miền quê trong khung cảnh chiến tranh

                                                Gia tài của Mẹ,

                                                Ruộng đồng khô khan.

                                                Gia tài của Mẹ,

                                                Nhà cháy từng hàng.

Cô bé cũng cảm thông được nỗi bàng hoàng, chua sót của người con gái còn ở hậu phương, mỗi lần chuyển dịch lại phải đi trên những hoang tàn đổ nát của đất nước:

                                    Người con gái một hôm qua làng,

                                    Đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng.

Như tất cả những thanh thiếu niên thời đại, Mây cũng mong thấy ngày đất nước được thanh bình. Cô nghĩ đến lời hát của Trịnh Công Sơn trong bài “Tôi sẽ đi thăm” với những câu: 

                                     Khi đất nước tôi thanh bình,

                                    Tôi sẽ đi thăm,

                                    Tôi sẽ đi thăm

                                    Những nghĩa địa buồn,

                                    Xem mộ bia, đều như nấm.

                                    .....

                                    Khi đất nước tôi không còn giết nhau

                                    Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường.

 

Đôi khi Mây cũng viết cho Phong và chia sẻ cho anh biết những cảm nghĩ của cô khi nghe qua tiếng hát cô như thực sự nhìn thấy những cảnh đổ nát hoang tàn của chiến tranh. Sự thực thì với những người có trình độ hiểu biết, và đã có kinh nghiệm chiến chinh như Phong, thì những lời thơ của Trịnh Công Sơn chỉ là những ảo ảnh như viết trên mây trời, nhưng vì đại dương xa cách, chàng không biết làm sao để giải thích cho Phương Vân hiểu. Tuy ở xa quê hương nhưng Phong cũng biết là loại nhạc phản chiến như của Trịnh Công Sơn đã có ảnh hưởng rất nhiều vào suy tư của giới trẻ và làm giảm tiềm năng đấu tranh để bảo vệ tự do và dân chủ cho đất nước.

Ở trên quê hương, trong những buổi họp liên trường, Mây đã nhìn thấy những ánh mắt lo âu của những nam sinh viên. Có lẽ họ đã nhìn thấy tương lai mờ mịt, có lẽ họ đã linh cảm đuợc thân phận bấp bênh của họ nếu ngày nào khoác áo “trây di” cái chết và sống cận kề không ai biết đuợc. Trong gia đình, cô bé cũng đôi lúc nghe thấy mẹ thở dài lo âu khi nhắc đến nếu anh Vũ, hay anh Hồng nhận được giấy động viên để theo học Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thì trời ơi, làm sao mẹ an tâm đây? Có lần Mây thấy mẹ chép miệng tiếc cho anh Vũ đã từ chối học bổng đi Pháp ngày mới đậu Cử nhân Toán học. Phải chi anh nhận học bổng, chắc bây giờ mẹ đỡ lo hơn.

Hồi chưa vào chương trình tú tài, Phương Vân cũng ở trong Ca Đoàn Aó Tím của Gia Long. Cô bé có một giọng hát trong suốt và ngân dài nên hay được làm ca sĩ dẫn đầu. Đôi khi cô được chọn để trình diễn đơn ca. Trong những buổi theo chị Trinh đi dự những buổi hát ngoài trời của các sinh viên văn khoa, cô chỉ lặng yên hay đôi khi khe khẽ hát theo mỗi khi thấy xúc động vì lời thơ, tiếng nhạc. Chỉ một lần duy nhất khi Phương Vân được mấy chị cựu nữ sinh Gia Long nhận ra cô bé có dáng điệu bẽn lẽn với một giọng ca cao vút xưa kia đã hát bài Thiên Thai của Văn Cao trong một buổi trình diễn văn nghệ ở Rạp Thống Nhất để giúp qũy Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, mấy chị ở lớp trên đã bắt Phương Vân phải đứng dậy hát một bài. Không từ chối được, cô bé đã chọn bài “Người con gái Việt Nam da vàng” vì đã nhiều lần khi các anh chị lớn hát bài này cô đã khe khẽ hát theo nên nhớ nhiều đoạn. Thấy Phương Vân vừa cầm chiếc micro, Chu liền mang đàn guitar tới để đệm theo. Lần đó, Phương Vân  đã hát với nhiều cảm xúc, và giới sinh viên trẻ ngồi vòng chung quanh trên bãi cỏ đã phải ngây ngất theo tiếng hát của Mây, và cho cô một tràng vỗ tay nồng nhiệt khi lời ca vừa dứt. Khi Mây ngồi xuống dư âm như còn đưa văng vẳng

                                    Người con gái Việt Nam da vàng, 

                                    Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.

                                    Người con gái Việt Nam da vàng,

                                    Yêu quê hương nước mắt lưng dòng.

 

                                    Người con gái Việt Nam da vàng,

                                    Yêu quê hương nên yêu người yếu kém.

                                    Người con gái ngồi mơ thanh bình,

                                    Yêu quê hương như đã yêu mình.

Mây còn nhớ lần cô hát có Chu đệm đàn, anh chàng sinh viên văn khoa này còn cúi đầu đưa tay giới thiệu cô với mọi người để cô bé nhận được thêm một lần vỗ tay nữa. Anh chàng là bạn học với chị Trinh nên lớn hơn cô bé nhiều tuổi và khi Chu bắt đầu lảng vảng tới nhà, Mây chỉ coi người khách lạ này như các anh chị lớn tuổi. Những ngày gần đây khi thấy Chu có vẻ săn sóc mình đặc biệt, Mây đã có phản ứng ngược lại và khi vừa thoáng thấy bóng dáng của Chu là cô bé lên thẳng trên gác. Những lúc ấy Mây lại nghĩ nhiều đến Phong và thấy quả là anh rất khác với những đám sinh viên cô thường gặp.

  Càng nghĩ nhiều về Phong, Mây lại càng mong cho chàng chóng về nước để hướng dẫn giới trẻ, thanh niên và sinh viên, giờ đây như sống một cuộc sống không có định huớng. Cô bé như cũng đoán được tâm sự của anh, khi thấy Phong không bàn gì về những chuyện cô kể đi dự những buổi ca nhạc ngoài trời. Giữa hai người đã có một sự cảm thông đặc biệt. Những gì anh không nói ra, cô bé như đoán biết đuợc là anh không đồng ý. Tuy còn ít tuổi nhưng Phương Vân cũng biết suy nghĩ và không bao giờ cô bé muốn làm anh buồn vì mình. Cũng vì thế mà dạo này vào những ngày cuối tuần, Phương Vân đã không đi phố sắm sửa hay đi ciné với các bạn như thường lệ. Và từ ba tháng nay cô cũng không đi dự những chương trình văn nghệ hay nghe hát nhạc Trịnh Công Sơn như trước đây với chị Trinh.

Có những đêm thanh vắng, ở ngay trong lòng thủ đô Sàigòn, người dân cũng nghe thấy tiếng đại bác ở đồn lũy xa xôi vọng về. Với chiến tranh ngày một lan rộng, hầu như trong gia đình nào cũng có những người thân thương ở trong quân đội.  Giờ đây nhạc Trịnh Công Sơn, đối với thế hệ trẻ, đã có nhiều người xếp bút nghiên, gia nhập quân đội theo tiếng gọi của núi sông, và nhiều người đã hy sinh nơi chiến trường, lời ca tiếng nhạc ấy đã thoảng qua đi để nhường chỗ cho những bản nhạc chiến đấu, những anh hùng ca để tôn nghiêm và tuởng nhớ những chàng trai có lần ra đi không về. Trực giác bén nhậy của một thiếu nữ đang xuân, luôn luôn nghĩ đến người thân xa vắng, đã cho Mây biết là ngày về nước của Phong cũng cận kề.

Mây cũng như mọi người, chờ đợi một ngày mai thanh bình, để đi thăm quê hương. Cô bé nhớ lại rằng trước đây Phong cũng đã viết cho cô những lời tương tự, tha thiết như lời ca trong nốt nhạc của Trịnh Công Sơn. Ngay trong lá thư đầu tiên từ Colorado gửi về anh đã hứa với Mây là sẽ có ngày đưa cô đi thăm các miền của đất nước, đi ra miền Trung, trên những chuyến bay hàng không dân sự, có phi công người Việt, có những chiêu đãi viên yêu kiều, diễm lệ, săn sóc hành khách rất ân cần, lịch sự không kém chi như khách du thường gặp trên những chuyến bay ngoại quốc, và anh đã hứa là đi cùng với Mây bằng xe hơi trên những quốc lộ thênh thang qua những con cầu dài bắc trên những nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang để nối lại những phần của đất nước.

Nhưng trong khi nhạc của Trịnh Công Sơn, mà nhiều người đã cho là thuộc vào loại nhạc phản chiến, chỉ nói tới sự đi thăm những hoang tàn đổ nát, nhắc nhở lại những hận thù thì Mây thấy là trong lời thư viết gửi về, Phong luôn luôn nghĩ đến một đất nước huy hoàng mà mọi người đều chung sức xây dựng. Con người anh lúc nào cũng hướng về tương lai, đến sự phồn thịnh, vinh quang của đất nước, và tuy Mây còn đang ở tuổi mộng mơ, nhưng cô cũng đã cảm nhận được như vậy. Với cô bé, anh thật là con người đặc biệt, hào quang sáng ngời. Có lẽ cũng vì vậy mà đôi khi viết cho anh, thay vì bắt đầu bằng mấy chữ “Anh thương mến”, Mây đã viết là “Anh trân kính”. Cô bé không biết là anh có hiểu khi viết cho anh, ngoài tình cảm thân thương, cô có niềm kính trọng hay không, nhưng hình như khi viết trả lời cho Mây, thư  tiếp theo của anh lại ngắn hơn thường lệ, như anh muốn trở lại vị trí ban đầu, giữ khoảng cách xa như là một ngưòi người bạn mới quen của anh Vũ. Mỗi lần nhận được thư của anh viết như vậy, Phương Vân lại thoáng có chút buồn. Cô thấy anh đối với cô thật như là một đám mây lãng đãng, lúc gần, lúc xa. Cô bé chỉ sợ có ngày mây sẽ trôi đi biền biệt, và như thế thì anh sẽ quên mình. Và cô tự hỏi mình đã hay nghĩ đến anh, và nhớ anh như vậy, thì làm sao trong cuộc đời mình mà có thể quên được anh đây?!

******

Mây đọc lá thư mới nhất của Phong, thấy anh nói là còn đơn độc, chưa làm được gì trong lúc này. Cô chú ý đến một đoạn thư anh viết và đã đọc lại nhiều lần:

“Mây à, em có biết không,  một con én không đem lại được cả mùa xuân. Dù anh đã được huấn luyện trọn vẹn ở cả hai trời Âu và Mỹ, và trong hơn mười năm qua lúc nào anh cũng cố gắng làm hết sức mình, nhưng anh thật không xứng đáng với hai chữ anh hùng như Mây đã trông đợi, và mong mỏi cho anh gặp thời thế để hoàn thành tâm nguyện. Theo anh nghĩ thì phải có cả một lớp người, cùng chung một lý tưởng xây dựng một quốc gia thịnh vượng, có một nền giáo dục nhân bản để nâng cao dân trí, cải tổ lại guồng máy hành chánh cho hữu hiệu, mới mong thực hiện được những gì mơ ước cho đất nước. Hiện giờ anh còn cô đơn quá, vẫn còn là một kẻ độc hành đi trong đường đời, dù rằng anh đã gặp nhiều người bạn Mỹ luôn luôn khuyến khích anh tìm liên minh để sau này cùng về xây dựng đất nước theo một thể chế dân chủ.”

Cô bé nghĩ anh đúng thật là một con én. Cứ bay đi tứ phương, cứ chao đảo trên trời. Anh có hết cô đơn không nếu bây giờ anh có mặt ở nhà? Liệu anh có thể đưa lại một lý tưởng quốc gia cao đẹp cho đám học sinh và sinh viên đang thiếu người hướng dẫn, đang hoang mang trước thời cuộc, đang mất dần tin tưởng vào những người lãnh đạo hiện thời hay không? Chắc là không, vì hiện giờ anh cũng vẫn còn đơn độc, vẫn còn đang tìm người liên minh, như anh nói trong thư. Nhiều câu hỏi đặt ra về anh, Mây không trả lời được. Có một điều Mây biết chắc chắn là tình cảm của anh dành cho mình thật là trọn vẹn. Mây nhớ lại mới đây, trong một bức thư anh viết gửi về có kèm theo mấy câu thơ :

                                                                  Nụ Hồng

                                                            Em như nụ hồng,

                                                            Anh như cánh én.

                                                            Trao xuống từng không

                                                            Tình anh trọn vẹn

                                                                      TM

Mây thấy bài thơ ngắn mà hay nên đem bút ra chép lại. Cô dùng một cây bút lông và hý hoáy viết theo lối thư họa. Cô bé có những nét chữ mềm mại thật là đẹp, đặc biệt là những nét cong kéo dài khi Mây ký tên ở dưới. Lần này Mây phải trổ tài viết lại bài thơ gửi cho anh mới được. Có một thư anh chả khen rằng cô bé giống Hạ Tử Vi, là con tư sinh của vua Càn Long, trong bộ phim truyện “Hoàn Châu Các Các” là gì. Cô bé đã đỏ mặt vui sướng khi đọc những hàng chữ anh viết:

“Em thật giống Hạ Tử Vi, nhưng em xinh hơn Hạ Tử Vi, và giỏi hơn Hạ Tử Vi, và anh đã nghĩ người ngưỡng mộ em thì nhiều nhưng người được em thực sự quý mến, chắc không có trên cõi đời này…”.

Đọc hàng chữ này, tuy thấy vui thích, nhưng Mây cho là anh viết nịnh nên đã nghĩ thầm:

“Anh ví sai rồi, Mây biết nhiều thứ thật, nhưng những cái Mây  giỏi đâu có liệt kê trong bốn thứ Cầm Kỳ Thi Họa như khi vua Càn Long thử tài cô con gái bao nhiêu năm trời mới được gặp”.

Đọc bức thư cuối cùng anh gửi từ Colorado và anh đã viết là một con én không mang lại được cả mùa xuân, Mây chợt nhớ đến bài thơ của anh, và tìm ra bài thư họa đã thảo trước đây để đọc lại. Sau khi đưa lên ngắm nghía, cô bé tủm tỉm cười cho là nét bút thư họa của mình cũng tạm được. Nhưng khi đọc lại bài thơ của anh thêm một lần nữa thì cô thấy chữ “trao” coi không ổn, và suy nghĩ lại bèn sửa thành chữ “chao”. Mây nghĩ rằng con én thì phải bay lượn, chao lên chao xuống trong không trung chứ. Mây mặc kệ là dù anh có muốn diễn tả là trao trọn vẹn cảm tình cho cô nhưng cô bé cứ đánh bài lờ đi, cho anh biết thân. Trước kia anh có coi cô là gì đâu chứ? Ai bảo ngày trước anh không nói cho Mây nghe câu chuyện anh quyết định từ nhiệm, mà lại coi cô còn con nít, đâu đáng để bàn, để nghe chuyện người lớn. Giờ thì ... chắc anh đã hiểu!

Dù là biết chuyện trao trọn tình cảm nhưng vì anh đã coi cô bé còn là con nít mà, cô đâu biết anh muốn nói gì trong bài thơ, mà hiểu được ý anh muốn. Vậy thì Mây phải nghĩ mình cứ theo thực tế mà suy luận, bay thì phải luợn, phải chao đảo như cánh diều vậy. Mây cười thích chí và dùng ngay bút lông phết chữ Trao thành chữ Chao, cho anh lộn nhào, cho anh chao đảo, chóng mặt chơi. Anh muốn như thế mà, lúc thì về, lúc thì đi, nay còn muốn ở lại. Anh mà ở lại quá hạn kỳ thì cô bé cũng chào anh luôn. Mây sẽ gửi cho anh một lá thư chỉ có vẻn vẹn một chữ “Bye”, và cô sẽ viết chữ hoa, tô nét thật đậm. Nếu trong thư trả lời, anh không giải thích rõ ràng được lý do tại sao anh lỗi hẹn thì ... thì ... Nghĩ đến đây thì Mây không biết sẽ phải làm gì để phạt anh cái tội này. Chả lẽ lại gửi anh thêm một bức thư nữa nhưng nếu gửi lần này chắc chắn phải có chữ “Bye” viết to hơn, đậm nét hơn để lúc đọc anh thấy sáng mắt ra, chứ đừng có nghĩ là cô bé lại dọa anh nữa. Dù anh có thông minh đến đâu thì lần này cũng không có thể đoán được tâm sự của Mây có còn gửi thư viết chữ bye nữa hay không.

******     

Từ ngày Phương Vân lộ cái tài thư hoạ của mình cho những anh chàng bạn của anh Hồng và chị Trinh thường hay lấy cớ lui tới nhà để có dịp gặp cô bé thì giữa đám sinh viên trai trẻ này lại nẩy sinh ra mấy chàng thi sĩ. Họ tranh nhau làm thơ để mang lại cho Mây viết bằng bút lông trên giấy bản. Họ nói là sẽ đóng khung bức thư họa để treo bên bàn học, mỗi lần nhìn thấy lại nhớ đến người đẹp có nét bút tài hoa. Nhờ được Mây thư hoạ họ lại có dịp để tặng hoa hay những hộp kẹo ngoại quốc để cảm tạ. Trong số đó, Tụy là anh chàng sáng tác phong phú nhất. Có lần cô bé phải kêu lên là:

“bài này anh vừa đưa cho Mây để viết tuần trước mà”, thì Tụy luống cuống trả lời là:

“bài ấy anh gieo vần không đúng, nên phải sửa lại”.

Sự thực thì cô bé cũng không thiết tha gì đọc những bài thơ của những chàng thi sĩ bất đắc dĩ, bạn của anh Hồng, nhưng cô bé cũng muốn tập viết để sau này thư hoạ những bài thơ của Phong gửi về, trước đây bài nào cô nhận được cũng thấy anh gửi gấm chút gì đặc biệt, có lẽ chỉ riêng cho mình cô biết. Nhưng càng viết thư hoạ cho những cây si cổ thụ theo đuổi tháng năm dài, Mây lại càng thấy giận Phong vì nỗi mấy tháng qua anh chỉ gửi về có một bài thơ độc nhất để viết tặng cô bé. Có lẽ anh cho như thế là đầy đủ, là đã trao tình anh trọn vẹn, như lời anh viết. Đã hai lần Mây gửi cho anh coi những thư hoạ thơ của những người qúy mến mình, cô đã viết ra bằng nét chữ thảo tài hoa, nhưng trong thư anh gửi về chỉ có một câu ngắn để khen chữ viết đẹp tuyệt vời  còn ý tứ trong bài ca tụng cô bé ngất trời mây thì không thấy anh nói tới. Cô bé nghĩ thầm rằng có lẽ vì cô nắn nót viết bài thơ, nét chữ bay bướm, tung hoành, anh trông thành chữ Lèo, không đọc được, không hiểu ý nghĩa những lời thơ, nên không biết là Mây đang có nhiều người ái mộ. Nhưng cô lại nghĩ là anh xưa nay là người tài trí siêu việt, dù cô có viết thành chữ Lèo, nếu muốn thì anh cũng tìm ra cách đọc được. Vì biết anh giả bộ không hiểu ý nghĩa của những bài thơ cô gửi sang nên Mây phải viết một bức thư báo động, để anh thấy cần thiết phải viết tặng mình một bài thơ cho cân bằng với hàng chục bài thơ những cái đuôi khác đã gửi đến. Nếu không thì ... thì …. Viết đến đây cô bé thấy lúng túng vì những chữ thường dùng để dọa anh như ... "Mây không chơi với anh nữa", "Mây biến luôn... cho anh biết tay", hay “Mây sẽ không đọc thư của anh nữa”, ...  cô bé thấy đối với Phong đã không công hiệu, vì hình như lần nào anh cũng đoán được tâm sự của cô bé là ... nói vậy,... nhưng không phải vậy... Biết thế nên lần này Mây buông lửng lơ những câu hờn trách và ở cuối bức thư, không thèm viết thêm câu gì dọa nạt, mặc cho anh đoán, không biết là cô sẽ phạt anh như thế nào.

Sự thực thì không phải là Phong không biêt thưởng thức những nét thư hoạ tài hoa của Phương Vân. Là người ham đọc sách chàng cũng biết chút ít về thư pháp Trung Hoa, và đặc biệt là thời Đông Tấn có Vương Hi Chi (303-361) nổi tiếng là viết chữ đẹp, đã viết bài tự cho tập thơ của một nhóm thi hữu làm ở Lan Đình. Theo như Phong hiểu thì nguyên bản của thiếp Lan Đình này, đuợc gọi là “Lan Đình Tập Tự”  đã được đời sau coi như là báu vật của Trung Hoa nhưng đã thất lạc từ sau đời Đường, những bản còn lưu  truyền bây giờ chỉ là những bản phỏng theo. Cũng vì thế mà người đời sau tuy không được nhìn thấy bút thiếp nhưng cũng tuởng tượng ra được để viết những câu ví von so sánh và khen tặng nhau khi nhìn thấy nét chữ đẹp như trong Truyện Kiều vợ chồng Thúc Sinh-Hoạn Thư đã khen chữ viết của Thúy Kiều:

                                                Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,

                                                So vào với thiếp Lan-Đình nào thua!”

Khi còn ở nhà, Phong có một người bạn là giáo sư văn chương và hội hoạ và ông đã đưa nét vẽ vào chữ viết và lập ra trường phái Thư-Họa. Sự tình cờ là mới đây Phong được biết là ông cũng dậy thêm giờ ở trường Nữ Gia Long nên có viết thư riêng nhờ người bạn chỉ dẫn thêm cho Phương Vân nên cô bé về môn này đã được chân truyền. Đã nhiều lần Phong theo dõi một cách kín đáo những thành tựu trên đường học vấn của cô bé, và đôi khi chàng có ý nghĩ là giữa những người ở trong qũy đạo của Phương Vân, chàng là người ở ngoài xa ngàn trùng. Phong với Mây, hai người có lẽ như đã đi tìm nhau từ thưở nào, nhưng không biết đến bao giờ con đường mới hội tụ vì không bao giờ Phong nói cho cô bé biết những gì nhiều lần chàng muốn nói. Như có một lần Mây in phóng ảnh và gửi cho Phong một bài thơ và nói là của ngưòi thầy dậy vẽ viết tặng cho cô để làm mẫu mực vì trong bài thơ có đủ hết những mẫu tự hay dùng của  tiếng Việt. Cô cũng nói thêm là theo lời người thầy dậy vẽ thì tác giả bài thơ là một người bạn thân cũa thầy và cũng là một người bạn hiếm qúy ít khi gặp được trên đời. Nhưng cô cũng nói thêm là cô không tin rằng có người nào mà lại hơn được anh cả.

 

 

Để chiều cô bé Phong đã ghim bức họa ở trên tường nhưng chàng không nói cho cô bé biết là tác giả bài thơ cũng là anh chàng nhà quê ngây ngô vẫn thường nhận được thư của cô hàng tuần.

Không viết được cho Phong là cô đang giận anh vì các anh khác thì anh nào cũng thơ thẩn đường mây mà anh thì lại sao mà không gian một trời xa cách, Mây vẫn thấy ấm ức vì sự im lặng thật là khó hiểu của anh. Sau cùng cô cũng hỏi thẳng anh là vì cớ gì mà nguồn thơ của anh lại cạn như vậy?! Hay là thơ của anh làm đã dùng để tặng cô nào rồi? Quả nhiên trong thư tới anh lại phải mở ra túi thơ của anh và viết gửi về tặng Phương Vân một bài thơ mới để tỏ tâm sự của mình. Bài thơ này, khi viết Phong đã nghĩ đến Phương Vân như là người đã đưa lại cho chàng những cảm xúc tuyệt vời, dù là xưa kia trong công việc trong chính phủ hay giờ đây trong ngành giáo dục và khoa học. Bài thơ Phong đã viết trọn một trang giấy trong cuốn sổ ghi ký ức của chàng.

                                                  Chân Dung Nàng Thơ

                                                Tháng Sáu, mùa xa cách,

                                                Tháng bẩy, buồn mưa ngâu.

                                                Chân dung em trên vách

                                                Người đây, người nơi đâu?

 

                                                Má em tương ánh hồng,

                                                Vương vấn ai trong lòng.

                                                Hoa soan đương rộn nở,

                                                Biết chăng ai chờ mong.

 

                                                Anh mơ làm thi sĩ,

                                                Viết gửi em bài thơ.

                                                Hương văn  cho tuyệt mỹ

                                                Nhưng vẫn là giấc mơ.

 

                                                Tóc em sõa bờ vai,

                                                Anh buông bút thở dài.

                                                Hứng thơ mà lạc vận,

                                                Viết đi, rồi viết sai.

 

                                                Nắng chiều vương mái tóc,

                                                Trông nét người kiêu sa.

                                                Nhớ xưa tay ngà ngọc,

                                                Tình ai biết mặn mà.

 

                                                Anh không biết làm thơ

                                                Nên biết em hững hờ.

                                                Viết vu vơ vần điệu,

                                                Gửi đi rồi ngẩn ngơ.

 

                                               Thơ anh làm không thắm,

                                               Như gió thoảng mây bay.

                                               Nhưng tình anh say đắm,

                                               Nỗi lòng em có hay.

 

Cũng như nhiều lần trước kia, Phong viết thư cho Phương Vân, nhưng viết rồi không gửi, bài thơ này Phong cũng giữ lại, và sau một chút ngại ngần , chàng lựa ra 4 câu chép lại và gửi về cho cô bé, cho Mây dịu bớt chút giận hờn

                                                          Làm Thơ

                                                 Anh không biết làm thơ,

                                                Vì thế em hững hờ.

                                                Viết vu vơ vần điệu,

                                                Gửi đi rồi ngẩn ngơ.

                                                              TM

Kể từ đầu năm nay, nhận được bài thơ thứ hai, chỉ vài câu ngắn ngủi cũng đã làm Mây được thỏa mãn tự ái, nhưng cô bé lại thấy thương anh vô cùng.  Cô nghĩ anh đã phải bỏ thì giờ quý báu để làm thơ tặng Mây. Anh là nhà khoa học mà, sao lại bắt anh làm thơ để rồi sau đó anh phải ngẩn ngơ vì cô bé.  Mây nghĩ giận mình đã trách anh không duyên cớ và tự hứa là sẽ viết lại bài thơ cho thành một bức thư hoạ tuyệt vời để gửi cho Phong. Những bài thơ viết gửi tặng Mây anh thường ký vắn tắt hai chữ  TM.  Khi xưa, lúc còn ở quê nhà anh có in một tập bút ký, có tặng Mây một bản và anh cũng đã ký bút hiệu là  TM.  Phương Vân thầm nghĩ chữ T chắc là “Thương”  rồi, còn M  thì đọc là “em”, nhưng là thương em nào thì cô không dám hỏi anh. Trong đoạn đời chiến binh khi xưa ở quê nhà và trong những năm du học ở Pháp, anh có thiếu gì gặp gỡ. Có những ngày Mây thấy nhớ anh da diết và lấy cuốn sách của Phong viết khi xưa đọc lại từng chương và Mây  thấy anh thật là cô đơn. Cô bé nghĩ  anh đúng là một chiến sĩ cô đơn, và rất cần có một người thân yêu bên cạnh. Đem so sánh anh với những người Mây đã quen, vẫn thường lại nhà săn đón cô bé thì Mây thấy là anh đã đứng ở một vị trí riêng biệt. Anh đã không mang cây đàn guitar lại để hát cho cô bé nghe, anh đã không vẩn vơ gọt rũa những vần thơ nói lên lòng anh say mê cô bé, anh đã không lái xe Jeep vòng quanh trường, mặc bộ đồ lính chiến với khẩu súng cặp kè đeo bên hông để săn đón và nhìn cô bé trên đường về, anh đã không mang lại những đồ án xây cất vĩ đại để bàn công việc với các anh và đồng thời để khoe với cô bé, nhưng Mây đã nhìn anh bằng một cặp nhỡn quang đặc biệt, vừa ngưỡng mộ vừa trìu mến.  Đối với Mây, anh đã cứng rắn để tự mình vạch ra con đường mình theo đuổi, nhưng anh cũng là một con người rất tình cảm để phải chiều theo ý muốn của cô bé. Giờ đây với Mây, anh là tất cả, nhưng.... Nghĩ đến đây, cô bé bặm môi và quyết định rằng cái chữ “T ” cô đã dành cho anh để viết thành bút hiệu  “TM” , giờ hãy để treo lơ lửng đó. Cô nhất định chưa đem ra dùng. Phải chờ cho đến ngày anh về. Viết thư cho anh, cô phải chọn một chữ khác, và để phạt anh là con người chao đảo, còn vương vấn gió mây lưu lạc, vẫn còn nghĩ đến chuyện thư kiếm vẫy vùng, Mây sẽ không nói những ý nghĩ thầm kín trong lòng mình cho anh biết mà chỉ kể cho anh nghe những câu chuyện vu vơ, hoa nở ngoài hiên, trăng sáng vườn chè, mà thôi...

(Xin xem tiếp chương 10)

Trích Tập  truyện: “Tìm Nhau Từ Thuở”

  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh