User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương 12.

Mây Xám Phủ Trời Nam

Xuân Vinh

 

  Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, hai năm giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Kế Hoạch tại Bộ Giao Thông Công Chính ở quê nhà, Phong đã có nhiều dịp để tiến thân trong quan trường nhưng chàng không tha thiết đến quyền cao chức trọng hơn nữa mà chỉ lo đến việc làm sao thực hiện cho hoàn hảo những chương trình ngắn hạn và dài hạn chàng đã đề ra cho sự canh tân nền giao thông thủy, bộ và hàng không của  đất nước. Vì gặp phải nhiều khó khăn, tạo ra bởi những quyển lực chính trị, nên Phong đã xin từ nhiệm để đi ngoại quốc tu nghiệp một thời gian, và chờ đợi một dịp thuận tiện để trở về góp sức vào việc canh tân xứ sở. Tuy vậy những giới chức lãnh đạo ở Việt Nam đã biết đến khả năng chuyên môn của chàng, thường hay được những chuyên gia ở những Sứ quán bạn có nhiều công tác xây cất dài hạn ở Việt Nam như Trung Hoa Quốc Gia và Hoa Kỳ hết mực tôn trọng. Cũng vì vậy trong những giờ phút khẩn trương, chính phủ đã nghĩ đến chàng như là một người có nhiều ảnh hưởng với các chuyên gia hàng đầu, và các vị Dân biểu và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ để cầm đầu một phái đoàn sang trình bầy với Quốc Hội Hoa Kỳ xin được một ngân khoản tài trợ đủ lớn để chống giữ phần đất còn lại của Việt Nam trưóc hiểm họa cộng sản. 

  Phong, cũng như nhiều kiều dân khác sống lâu trên nước người, lúc mới đầu đã nghĩ rằng tình hình chiến tranh ở Việt Nam sẽ được kết thúc trong hoà bình sau khi Hiệp Định Ba Lê về Ngưng Chiến được ký kết ngày 27 tháng Giêng  năm 1973. Nhưng về sau khi tìm hiểu thêm thì chàng thấy sự thực về Hiệp Định này chỉ là kết quả của sự điều đình kín giữa Henry Kissinger là cố vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng thống Richard M. Nixon và Đại diện miền Bắc là Lê Đức Thọ mà thôi để cho Quân Đội Hoa Kỳ được rút lui trong danh dự và những tù binh Hoa Kỳ bị cộng sản Bắc Việt bắt giữ được sớm trở về với gia đình. Sau ngày ký kết hiệp định, tuy quân đội Hoa Kỳ đã dần dần rời vòng chiến, tuy miền Bắc không còn tiếng bom dội, nhưng Việt cộng vẫn tiếp tục tấn công nhiều quận lỵ ở dưới vĩ tuyến 17 và dần đưa đến ngày tổng tấn công toàn diện để nhằm mục đích cưỡng chiếm miền Nam. Cuối năm 1973, Quốc Hội Na Uy chọn cặp chính trị gia hoạt đầu Henry Kissinger và Lê Đức Thọ để trao giải Nobel Hoà Bình cho năm ấy, nhưng sự chọn lựa bất xứng này đã làm cho hai thành viên trong ủy ban chấm giải từ chức vì Hoà Bình vẫn chưa thực sự tới với miền Nam Việt Nam.

  Trong những ngày tháng cuối của thời đại Tổng thống Lyndon B Johnson, vào năm 1968 khi ông đã tuyên bố không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì ứng cử viên Tổng thống Richard M Nixon của Đảng Cộng Hoà có nhiều hy vọng hơn và tiếp tục tranh cử với lời hứa “Peace with Honor”, nghĩa là đạt đuợc Hoà Bình trong Danh Dự. Ông chủ trương Việt Nam Hoá chiến tranh bằng cách tăng viện vũ khí cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để thế vào chỗ quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh rút khỏi vòng chiến. Nixon cũng chủ trương hoà hoãn với Liên Sô và thân cận vối Trung Cộng để giảm bớt sự căng thẳng giữa các cường quốc trên thế giới. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ lần này, với nửa triệu quân sĩ Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và phong trào chống chiến tranh ngày một mạnh mẽ ở chính quốc, vấn đề chấm dứt chiến tranh đã được cả hai chính đảng dùng làm lợi khí tranh cử và kết quả là ứng cử viên Richard M Nixon của Đảng Cộng Hoà, với nhiều thủ đoạn sau hậu trường, đã thắng đối thủ Hubert H Humphrey của Đảng Dân Chủ trong đường tơ kẽ tóc, vì trong số 73 triệu cử tri đi bầu, ông Nixon chỉ hơn được không đầy 500,000 phiếu tức là chỉ có 7 phần 10 của 1 phần trăm tổng số phiếu trên toàn quốc.

  Tổng Thống Richard M Nixon thật là một  con người phức tạp, nhưng có điều rõ rệt là ông có nhiều tham vọng và muốn đi vào lịch sử như là một vĩ nhân thế giới. Kể từ đầu năm 1969, khi ông bắt đầu cầm quyền, một đằng Nixon muốn Việt Nam hóa cuộc chiến nhưng khác với Tổng Thống John F Kennedy là người muốn Quân Đội Quốc Gia Việt Nam giữ vai trò chính trong cuộc đấu tranh chống cộng sản, ông Nixon lại muốn có những cuộc hành quân phối hợp Việt Mỹ. Mặt khác về những cuộc dội bom miền Bắc để làm áp lực chính trị cho những cuộc đàm phán ở Ba Lê, thì Hoa Kỳ giữ độc quyền, ngay cả sự chọn lựa mục tiêu cũng không có sĩ quan nào thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà được tham dự mặc dầu về vấn đề này dĩ nhiên là người mình có thừa khả năng. Dưới sự điều khiển chiến tranh một cách trực tiếp của Nixon với cố vấn chính trị Henry Kissinger, cũng là một người có nhiều tham vọng, chiến trường Việt Nam lan rộng sang cả những nước láng giềng như Cao Mên và Vương Quốc Lào. Để chống lại phong trào phản chiến, Nixon kêu gọi đa số thầm lặng người Hoa Kỳ để ủng hộ chiến tranh tại Việt Nam. Nhưng sau khi có cuộc thảm sát thường dân vô tội ở Mỹ Lai, vào ngày 16 tháng Ba năm 1968, khi quân nhân Mỹ bắn giết hàng trăm thường dân có cả đàn bà và con trẻ, và khi tin tức này được tiết lộ ra báo chí vào cuối năm 1969 thì ở Hoa Kỳ và trên cả thế giới nổi lên một phong trào kết án chiến tranh ở Việt Nam. Một sự việc khác như đổ thêm dầu vào ngọn lửa phản chiến đang lan ra ở cả hai trời Âu và Mỹ là vấn đề chủ quyền của Cao Mên, nay được biết đến như là Cam Pu Chia. Từ năm 1955, Thái Tử Norodom Sihanouk vẫn tuyên bố là nước ông giữ trung lập, kiểu như là Thụy Điển và Thụy Sĩ. Nhưng ông lại để cho quân Bắc Việt và quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thiết lập căn cứ trên đất này, điều mà Thái Tử cố tình làm ngơ. Với áp lực của Hoa Kỳ, vào năm 1969, Thái Tử Sihanouk thay đổi đường lối trung lập và không cho quân đội chính quy Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam dùng phần đất của Cam Pu Chia làm căn cứ địa để tấn công miền Nam. Vào tháng Tư năm 1969,  Richard Nixon viết cho Thái Tử Sihanouk một bức thư đoan kết rằng Hoa Kỳ tôn trọng “chủ quyền, đường lối trung lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Cam Pu Chia”. Nhưng cùng một lúc ông ra lệnh mật cho một cuộc ném bom vĩ đại gọi là “Operation Menu” dọc theo biên giới để hủy diệt những cơ cấu của cộng sản Bắc Việt. Trong khoảng thời gian 14 tháng, Không quân Hoa Kỷ đã dội trên hai triệu tấn bom lên phần đất Cam Pu Chia, và như thế còn hơn là trọng lượng bom Đồng Minh xử dụng trong Thế chiến II. Vào năm 1970, tướng Lon Nol thuộc phe thân Mỹ lật đổ Thái Tử Sihanouk và lợi dụng tình thế Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức những cuộc hành quân xâm nhập sang biên giới Cam Pu Chia để phá hủy những căn cứ quân sự của Việt cộng. Cuộc tấn công sang Cam Pu Chia đã gây một làn sóng chống đối ở các đại học, và trong một cuộc biểu tình ở Đại học Kent ở tiểu bang Ohio, Thống đốc tiểu bang đã huy động vệ binh quốc gia tới và có trận đụng độ, nổ súng làm 4 sinh viên bị tử nạn.

  Tiếp theo là vụ “Pentagon Papers” khi môt tập tài liệu Tối mật dầy 7000 trang của Ngũ Giác Đài trình bầy những diễn tiến về chiến tranh ở Việt Nam và đường lối cùng những sự chuẩn bị đối phó của chính phủ Hoa Kỳ, tập tài liệu này được Daniel Ellsberg là một nhân viên trong Bộ Ngoại Giao chuyển cho báo New York Times để trích đăng ra vào khoảng đầu năm 1971 và người đọc đã thấy được nhiều điều mà trưóc đây chính phủ cố tình che dấu. Theo đường lối Việt Nam hoá chiến tranh, Úc châu và Tân Tây Lan triệt thoái quân sĩ vào năm 1971. Quân đội Hoa Kỳ còn lại 196,700 người và sẽ dự trù triệt thoái 45 ngàn người nữa vào tháng Hai năm 1972. Với phong trào phản chiến mỗi ngày một lan rộng tinh thần binh sĩ Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng theo đà mà xuống thấp, nhiều người xử dụng ma túy, lại có nạn thẩy lựu đạn để mưu sát những sĩ quan không được lòng binh sĩ.

  Trong bối cảnh này, bắt đầu từ đầu năm 1971, Nixon đã chuẩn bị ra tranh cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 và đối thủ ở Đảng Dân Chủ là George McGovern vận động quần chúng dưới chiêu bài là sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Vì biết là nguồn viện trợ khí giới Bắc Việt là do Nga và Tầu, nên theo lời cố vấn của Henry Kissinger Tổng Thống Richard Nixon quyết định sẽ lấy thoả hiệp của hai cường quốc đàn anh này để làm áp lực với cộng sản Việt Nam. Theo chỉ thị của Nixon, Henry Kissinger đã bí mật bay sang Bắc Kinh và gặp Thủ Tướng Trung Cộng là Chu Ân Lai, những ngày 9 và 10 tháng 7, năm 1971 và đề nghị rằng Hoa Kỳ sẵn sàng triệt thoái các lực lượng quân sự và để cho mọi diễn biến chính trị tại miền Nam Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định với nhau. Liền sau đó tất cả mọi kinh thành chính trị trên thế giới đều giao động khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ loan tin rằng vào tháng Hai năm 1972 Tổng Thống Richard M Nixon sẽ thăm viếng Bắc Kinh và thảo luận với Chủ Tịch Mao Trạch Đông về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình ổn định quốc tế.

 Nixon đã đích thân dàn dựng chuyến đi lịch sử này, từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 2, năm 1972 một cách tỷ mỷ khi tuyên bố sẽ là “Tuần Lễ Thay Đổi Thế Giới” với kết quả là một công trình tuyên truyền thuận lợi cho cả hai bên. Ông cho chỉ thị dùng tối đa phương tiện truyền hình thay cho báo chí, xưa nay ít viết thuận lợi cho Tổng Thống. Ông được biết là ở Hội Nghị Genève năm 1954, Ngoại trưởng  Hoa Kỳ John Foster Dullus đã không chịu bắt tay Thủ tướng Chu Ân Lai làm phật lòng ông này nên lần này ông quyết tâm để truyền hình long trọng ghi nhận sự đón tiếp lịch sử này. Những người thân cận Nixon đã kể lại là trên chuyến bay từ Hoa Kỳ đi Bắc Kinh, Tổng Thống đã căn dặn Cố vấn Kissinger và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ William Rogers nhiều lần là hai người phải ở lại trên phi cơ và chờ cho Tổng Thống xuống hết bậc thang và bắt tay Thủ Tướng Chu Ân Lai rồi mới được ra. Rồi muốn cho chắc chắn, văn phòng ông đã có lệnh cho một nhân viên mật vụ đứng chặn ở lối ra phi cơ để chỉ có một mình Tổng Thống ra lúc làm lễ nghi đầu tiên mà thôi. Ngoài những lễ nghi tiếp đón, những buổi thảo luận với Chu Ân Lai, và những buổi thăm viếng và yến tiệc mà giới truyền thông Hoa và Mỹ tận tình khai thác, mục đích chính của chuyến đi có thể tóm gọn lại bằng một câu nói riêng của Tổng Thống Richard M Nixon với Chủ Tịch Mao Trạch Đông khi hai người gặp nhau là ông “quan niệm rằng chỉ có một Trung Hoa, và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc”. Trước đó vào tháng Mười năm 1971, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu giao chiếc ghế đại diện Trung Hoa cho Trung Cộng.

 Chuyến đi này cũng chính thức khai tử cho Nền Cộng Hoà Việt Nam ở miền Nam. Cuộc viết thăm chỉ có tính cách lễ nghi mà thôi vì mọi sự thu xếp về vấn đề Việt Nam đã được thoả thuận trong chuyến đi mấy tháng trước của Henry Kissinger. Chỉ sau đó mấy ngày, vào ngày 13 tháng 7 năm 1971, Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai bí mật bay qua Hà Nội để báo cáo về chuyến thăm viếng của Kissinger. Theo Chu Ân Lai nói với các đồng chí Việt cộng thì quân đội Hoa Kỳ sẽ rút hết khỏi Việt Nam, và phiá Hoa Kỳ không bắt buộc quân đội Bắc Việt phải rút ra khỏi miền Nam, nhưng phải rút ra khỏi Lào Quốc và Cam Pu Chia. Thủ Tướng Trung Cộng cũng nhắn nhủ các đồng chí Bắc Việt phải làm áp lực quân sự để giúp cho cuộc đàm phán ở Ba Lê vì Kissinger sẽ tiếp tục họp kín với Lê Đức Thọ để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Cộng sản Bắc Việt đã nghe theo những lời khuyến cáo này nên họ đã mở những cuộc tấn công tại nhiều nơi ở miền Nam, và người dân còn nhớ mãi vào tháng 5 năm 1972 là “Mùa Hè Đỏ Lửa” riêng tại tỉnh Quảng Trị ở địa đầu giới tuyến, khi chiếm đóng thị xã và dùng đại bác bắn đuổi theo những người dân chạy nạn giết hại hàng vạn người, già trẻ lớn bé,  trên một đoạn đường hơn mười mấy cây số của đại lộ liên tỉnh số 1 chạy vào Huế, sau này được các ký giả nhắc đến là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Trong khi đó Hoa Kỳ vẫn tiếp tục rút quân, và hoàn tất vào tháng 8, 1972 và chỉ còn để lại những cố vấn quân sự mà thôi, nhưng Hải và Không Quân lại tổ chức chiến dịch dội bom gọi là  “Operation Linebacker” làm cho Bắc Việt bỏ ý định dùng những trận tấn công khởi từ căn cứ Cam Pu Chia phối hợp vối những trận đánh xuống từ phía Bắc để cắt đứt miền Nam Việt Nam làm hai. Cùng một lúc, ở Ba Lê, Kissinger và Lê Đúc Tho đi đến một thoả hiệp là điều kiện cho sự ngưng chiến, nhưng thoả hiệp này vào tháng 10, 1972 không được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà chấp thuận. Để trả đũa, Bắc Việt công bố những gì Nixon đã thoả thuận và cuộc điều đình đi đến bế tắc. Nixon lại ra lệnh ném bom tiếp theo trong chiến dịch gọi là “Operation Linebacker II” là một cuộc dội bom dữ dội hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng phá hủy nặng nề khả năng kinh tế và kỹ nghệ của miền Bắc. Chiến dịch ném bom này đã làm tăng cường độ phản chiến tại Bắc Mỹ nhưng đồng thời cũng ép cả hai phe Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa trở lại Hội Nghị Hoà Đàm Ba Lê. Vào ngày 15 tháng Giêng, năm 1973 Nixon tuyên bố ngưng tất cà mọi sự tấn công Bắc Việt và Hiệp Định ngưng chiến được ký hơn một tuần lễ sau vào ngày 27 tháng Giêng.

  Tuy Nixon rút được quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và Bắc Việt trao trả tất cả những  tù binh bắt giữ, hầu hết là những phi công của Hải và Không Quân Hoa Kỳ bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt, nhưng không vì thế mà giải quyết được những bất mãn của người dân đi bỏ phiếu. Vì vụ Nixon cho phép những việc làm phi pháp như lấy trộm tài liệu của Văn phòng Đảng Dân Chủ ở Cao Ốc Watergate nên ông bị cáo buộc là đã lạm quyền hành và bị ép buộc phải từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ. Ngày 9 tháng 8 năm 1974 Richard M Nixon ký giấy từ chức, và sự việc éo le là theo Hiến Pháp thư từ nhiệm phải gửi cho Henry Kissinger, người đã đưa ông lên đài vinh quang, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ đương thời. Người lên kế vị là Phó Tổng Thống Gerald Ford. Năm 1974 trong cuộc bầu phiếu ở thời gian giữa nhiệm kỳ thứ hai, kết quả tín nhiệm của cử tri đã đưa đến một Quốc Hội Hoa Kỳ mà thành phần  đa số lại về Đảng Dân Chủ không thuận lợi gì cho chiến tranh tại Việt Nam được tiếp diễn. Quốc Hội này lập tức bỏ phiếu giới hạn ngân sách hoạt động quân sự. Mặt khác Liên Sô vì sợ có một cuộc liên kết thầm kín giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ nên tăng cường sự trợ giúp binh bị cho Bắc Việt để vào ngày 13 tháng Chạp năm 1974 bắt đầu mở một cuộc tấn công toàn diện vào Nam Việt Nam và như thể đã vi phạm Hiệp Định đình chiến mới ký cách đó hơn một năm. Tổng Thống Ford khẩn cấp xin Quốc Hội một ngân khoản đặc biệt để trợ cấp quân nhu và khí giới cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để chống chọi với một lực lượng mạnh hơn gấp bội vì được toàn lực tăng viện bởi Liên Sô. Quốc Hội Hoa Kỳ khước từ lời  xin tiếp viện của vị Tân Tổng Thống. Quân Lực VNCH giờ phải đương đầu chống chọi với một lực lượng tấn công từ phương Bắc mạnh hơn gấp bội. Không Lực Hoa Kỳ không được phép can thiệp. Số phận của miền Nam Việt Nam giờ chỉ đếm từng ngày.

o-0-o

  Phong đã bỏ ba ngày liền ở  thư viện của Đại Học California ở Berkeley để đi đến những phân tích như ở trên. Nhưng nhiều chuyện đối với chàng còn chưa tỏ tường. Trong lần đi gặp Chu Ân Lai, Henry Kissinger đã được phép của Nixon hứa  hẹn những gì? Những chặng rút quân của Hoa Kỳ và trao trả tù binh của Bắc Việt đã được diễn ra như dàn cảnh của một cuốn phim mà nhà đạo diễn có tài xây dựng lớp lang thật nhịp nhàng. Nhưng còn những trận tấn công của Bắc Việt, Hoa Kỳ có được báo trước hay không, và ở phe cộng sản thế lực nào, cường quốc nào đã ra lệnh? Có một điều chắc chắn với Phong là miền Nam Việt Nam sẽ xụp đổ, nhưng không biết chắc là vào ngày nào.

  Tối hôm trước, Hồng Vân đã gọi điện thoại viễn liên từ Sứ quán ở Hoa Thịnh Đốn cho biết tình hình quân sự rất bi thảm. Lần đầu tiên trong 15 năm chiến tranh, một tỉnh lỵ là tỉnh Phước Long đã rơi vào tay quân cộng sản vào tháng Giêng 1975. Tiếp theo là một cuộc triệt thoái thật thê thảm ra khỏi Pleiku vào tháng 2. Tin mới nhất cho biết Bắc Việt đã gửi 5 trong 7 sư đoàn trừ bị vào miền Nam và như thế họ có tổng cộng 19 sư đoàn với 1000 xe tăng và trọng pháo thiết bị đầy đủ. Hồng Vân cũng tin cho Phong hay là  một phái đoàn do chính Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà kén chọn những thành viên đã lên đường sang Hoa Kỳ ngày 15 tháng 4 năm 1975 để xin vay tiền mua quân dụng và võ khí thay vì xin viện trợ. Hồng Vân cũng xin một lần nữa là nếu Phong có thể tới Hoa Thịnh Đốn để góy ý kiến với phái đoàn hiện mới tới ngày hôm nay thì đó là điều ông Đại sứ mong ước.  Phong không từ chối lời mời nhưng đã trả lời là chàng có vé máy bay để lên đường về nhà và sẽ khởi hành từ San Francisco tối hôm nay. Chàng cũng không cho cô biết là sẽ ghé lại Đài Loan mấy ngày trước khi đi Sài gòn.

o-0-o

  Trung Tướng Tần Quang Thanh có thể nói là một người văn võ toàn tài của Không Quân Trung Hoa Quốc Gia. Ông xuất thân là phi công vận tải bay loại phi cơ Curtiss-Wright C-46 Commando. Loại phi cơ này cũng giống như loại phi cơ Dakota có hai động cơ dùng chuyên trở thương mại là Douglas DC 3, và dùng trong Không quân dưới danh hiệu C-47.  Tần Quang Thanh, lúc đó còn là thiếu tá đã chọn chỉ huy phi đoàn C-46 vì lý do xử dụng được với những thời tiết khó khăn, chở hàng nặng và nhất là thời gian bay lâu hơn loại C-47. Khi có lệnh tuyển mộ phi công chịu đựng giai sức để bay những phi vụ thám thính đường trường trên những phi cơ phản lực loại  U-2 người sĩ quan trẻ tuổi tình nguyện ngay và được chọn lựa. Chương trình này thật dản dị. Sau khi được huấn luyện người phi công sẽ bay 14 phi vụ đi xâu vào lục địa Á châu, theo những phi trình đã vạch sẵn. Phi trường cất cánh và hạ cánh khi trở về có thể cùng là một nhưng thường thì khác nhau. Trong suốt chuyến bay, vô tuyến phải tuyệt đối giữ im lặng. Một đôi khi, trên chặng cuối của chuyến bay, người phi công nhận được tín hiệu riêng báo hiệu thay đổi phi trình, để bay tới một phi trường giải toả, thường là ở một nước đồng minh. Sau khi hạ cánh sẽ có những chuyên viên tới tháo gỡ những dụng cụ thám thính như infrared camera, radio-sensing, … vân vân… Cả chiếc phi cơ dùng cho phi vụ cũng được bí mật chuyển đi và đưa về căn cứ gốc để chuẩn bị cho chuyến bay mới. Người phi công sẽ trở về nước bằng hàng không dân sự như là một khách du lịch thường, dĩ nhiên là với một căn cước khác trên thẻ thông hành.

  Tần Quang Thanh đã thi hành những phi vụ một cách nghiêm chỉnh, tuy biết là những phi vụ thám thính được tổ chức toàn cầu với sự điều động của CIA để biết những hoạt động của Khối Cộng Sản trên nhiều lãnh vực Quân Sự, Năng lượng Nguyên tử Truyền tin, … ông đã làm cần mẫn như một quân nhân thuần túy và gương mẫu, và không bao giờ tìm hiểu thêm. Những chuyến bay đêm dài hơn mười tiếng đồng hồ trong không trung yên lặng và một mầu đen tối đã luyện cho ông thành một con người thép, ngồi thiền trong lý trí, trong tâm hồn trào dâng một tình yêu tổ quốc vô bến bờ trong một không gian vô tận. Theo những nhà chuyên môn thượng thặng về tâm lý đã làm báo cáo cho chương trình này thì 14 phi vụ là giới hạn chịu đựng của con người. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tần Quang Thanh được sự chọn lựa giữa phần thưởng hiện kim là 100 lạng vàng hay được gửi đi du học theo chương trình tiến sĩ, và ông đã chọn nghiệp sách đèn. Trước khi lên đường du học ở Hoa Kỳ, Trung Tá Thanh được bổ nhiệm tới phòng thiết kế phi vụ của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo, và trong khoảng thời gian 6 tháng ở nơi đây ông đã giữ nhiệm vụ liên lạc với các sứ quán Trung Hoa Quốc Gia ở các nước đồng minh mỗi khi có phi vụ tới vùng liên hệ và cần có sự trợ giúp của những phi trường giải toả như là đèn thắp phi đạo ban đêm. Trong công việc này Trung Tá Tần Quang Thanh đã có dịp tiếp súc với Tổng Giám Đốc Nguyễn Đình Phong của chính phủ VNCH, là người có thẩm quyền cho phép hạ cánh ban đêm xuống phi trường Đà Nẵng cho những phi vụ thám sát vùng biển Đông Hải. Rồi sau này trong thời gian theo học chương trình tiến sĩ ở Đại học Purdue là một đại học lớn ở Hoa Kỳ ông lại có dịp gặp Phong tại một hội nghị, họ đã nhận ra nhau, và chỉ sau một vài lần tiếp xúc họ đã trở thành một đôì bạn thân và cùng chí hướng chống sự lan tràn của cộng sản ở Á châu.

  Tần Quang Thanh, với văn bằng Tiến sĩ Hàng Không của Đại học Purdue và cấp bậc Trung Tướng Không Quân Trung Hoa Quốc Gia, hiện nay là Giám Đốc Cơ Quan Nghiên Cứu Hàng Không ở Đài Trung. Cách đây mấy hôm ông nhận được bưu điệp của Phong, và tuy điện tín chỉ ngắn ngủi nói là trên đường về Sàigòn, Phong muốn ghé lại Đài Bắc để gặp người bạn xưa, Tướng Thanh cũng biết là Phong muốn biết tình hình chính trị hiện tại trên quê hương cũ của ông. Nghiệp dĩ ông đã có một thời làm việc cho Cơ Quan Trung Ương Tình Báo, nên suốt đời ông được phép thỉnh thoảng nếu cần thì tới Đại Bản Doanh để đọc những tài liệu Tối Mật về những tin tức chính trị và quân sự của những quốc gia liên hệ. Tổ quốc có thể trưng tập ông để tham gia  những công tác đặc biệt bất cứ lúc nào, và ông muốn trí tuệ lúc nào cũng sẵn sàng.

  Tướng Thanh đã dùng xe hơi đi Đài Bắc để đón Phong trong chuyến bay Northwest Airlines từ San Francisco tới. Ông mặc thường phục, nhưng xe gắn biển hai sao để vào thẳng phi trường được dễ dàng. Vì muốn giúp cho chuyến ghé Đài Bắc của Phong được kín đáo, nên ông đã đưa một đại úy sĩ quan tùy viên đi theo để đón Phong từ cửa ra và giúp cho qua cửa nhập cảnh và quan thuế được nhanh chóng. Hai người gặp nhau ở phòng đợi VIP của phi trường và đã tỏ nỗi vui mừng như thuở khi xưa còn là sinh viên dùi mài kinh sử. Sau khi lên xe, Tướng Thanh nói cho người bạn biết là vì phi cơ tới muộn nên hai người sẽ ở lại khách sạn Grand Formosa Regent ở đường Chung Shan North Rd qua đêm nay để bàn chuyện. Ông đã giữ cho hai người một cái suite đầy đủ tiện nghi và Phong có thể ở lại đây thêm vài ngày trước khi về Sàigòn.

  Tới phòng của khách sạn, Phong đã thấy bàn ăn được dọn sẵn cho hai người. Vị sĩ quan tùy viên sau khi thấy chiếc va li của Phong đã được đưa vào phòng ngủ bên cạnh phòng của ông Trung tướng, kín đáo cúi đầu chào và hẹn ngày hôm sau trở lại.

Đưa tay mời người bạn ngồi vào bàn ăn, Trung Tuớng Tần Quang Thanh  cất lời trước:

-  Chắc anh thường đọc tin trên Aviation Week  nên cũng biết rõ công việc hiện tại của tôi. Ở thời điểm này chúng ta không thể nào ngồi bàn lý thuyết xuông được. Trung Hoa Dân Quốc của chúng tôi vừa bị mời ra khỏi Liên Hiệp Quốc để nhường ghế cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Một trong những ảnh hưởng trước mắt là giờ đây chúng tôi không thể nào mua trực tiếp những phi cơ chiến thuật của Hoa Kỳ được mà phải qua những nước trung gian giá vô cùng đắt và lại phải chịu nhiều điều hạn chế của họ. Đã từ lâu chúng tôi theo dõi sự chế tạo những phi cơ  F-16 của General Dynamics cho USAF, hiện nay đã qua thời kỳ bay thử rất khả quan và đi sang sản xuất, và những chiếc đầu tiên sẽ được giao phó nội trong năm tới là năm 1976. Đề nghị thay những loại phi cơ F-86 đã quá cũ của chúng tôi bằng những phi cơ F-16 trong tương lai đã bị Hoa Kỳ bác bỏ dù rằng chúng tôi sẽ gánh chịu phần lớn kinh phí. Vì vậy chúng tôi phải tự chế tạo lấy loại phi cơ tương đương.

Phong gật đầu đồng ý và giơ cốc rượu vang đỏ người bạn vừa rót để chúc mừng:

- Phải rồi, tôi được biết là Không Quân Trung Hoa Dân Quốc, chúng ta đã hoàn thành vẽ kiểu một phi cơ tương tự. Tôi đọc trên báo thấy nói là các anh đề project là “Indigenous Defense Fighter” (IDF) phải không? Chúc mừng anh là ngưởi được giao phó việc này. Hình như anh cũng được sự hợp tác của General Dynamics thì phải.

Thanh gật đầu cám ơn:

- Họ có gửi gần một trăm chuyên viên về động cơ và khung sườn sang Đài Trung làm việc với chúng tôi. Còn vẽ kiểu và thử nghiệm về khí động lực học thì chúng tôi hoàn toàn làm lấy hết. Khi bắt đầu tuyển người cho chương trình này và thấy tên đặt là IDF, có nghĩa là phi cơ phòng thủ địa phương, có những người chế riễu nói là mấy chữ đó là viết tắt của “I don’t fly” , nhưng chúng tôi sẽ trả lời bằng việc làm.

Ngừng một chút rồi ông tiếp theo:

- Tôi được thăng cấp cũng vì việc này. Cũng là nhiệm chức mà thôi. Còn anh, lần này có việc gì mà anh về? Được triệu về hay là chuyện riêng gia đình. Anh có biết là Sàigòn hiện giờ đang ở tình thế khẩn trương, Việt cộng đang vây kín chung quanh hay không?

Nghe người bạn hỏi, Phong ngồi trầm ngâm một chút rồi mới trả lời:

- Như anh đã biết, trưóc kia tôi là công chức trong chính phủ VNCH. Bây giờ tuy chỉ là một thường dân nhưng tôi không thể nào điềm nhiên ngồi nhìn trong khi quốc gia nguy biến, có nạn cộng sản đe doạ. Tôi có chút kinh nghiệm thời cộng sản kháng chiến chống Pháp nên giờ đây nếu ở nhà cần đến tôi góp ý kiến để thay đổi trận chiến, thu hẹp đất đai phòng thủ thì tôi sẽ đem hết sức mình ứng đáp.  Nhưng tôi có nhiều nghi vấn với đường lối hiện tại của chính phủ Hoa Kỳ nên mới qua Đài Bắc để hỏi ý kiến anh trước. Ngoài ra tôi cũng có chút chuyện riêng gia đình mong anh có thể tìm cách giúp cho.

  Tần Quang Thanh nhìn người bạn thông cảm. Thực ra khi nhận đuợc điệp văn của   của Phong ông cũng tới ngay Cơ Quan TrungƯơng Tình Báo để xem những tin tức mới nhất về tình hình ở Việt Nam để nếu có thể thì góp ý kiến cho Phong. Như bây giờ thì ông muốn khuyên chàng không nên về vì ngay Sứ quán Trung Hoa Dân Quốc cũng đã cho một số lớn nhân viên và gia đình di tản, chỉ còn để lại những người cần thiết để theo dõi tình hình mà thôi. Hai người ngồi ăn lặng lẽ và sau bữa cơm khi nhân viên khách sạn đã dọn sạch bàn ăn, Trung Tướng Tần Quang Thanh cựu phi công phi cơ thám thính cao độ U-2, người đã bay 14 phi vụ sâu trong Lục địa Trung Hoa đến tận Tân Cương để lấy tin tức về những dàn phóng hỏa tiễn liên lục địa và khí giới nguyên tử của Trung Cộng, và cũng bay nhiều lần trên vùng biển Đông để lấy tin tức dầu mỏ và những sự tranh chấp chung quanh những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người đã tốt nghiệp tiến sĩ hàng không tại đại học Purdue, đứng vào hàng đầu về kỹ thuật ở Hoa Kỳ, nhưng với lòng ái quốc cao độ, ông không thể nào quên đưọc sự phản bội của Hoa Kỳ đã bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc nay chỉ còn lại một đảo Đài Loan, và với sự căm thù chế độ cộng sản đã đưa dân tộc ông vào hoàn cảnh mất hết tự do, dân chủ và nhân quyền, ông đã cho ngưỏi bạn thiết là Nguyễn Đình Phong biết, trong giới hạn ông được phép tiết lộ, những bí mật trong chuyến đi của Kissinger gặp Chu Ân Lai những ngày 9 và 10 tháng 7, năm 1971 và chuyến đi vội vã sang Hà Nội mấy ngày sau đó của Thủ Tướng  Trung Cộng Chu Ân Lai để khuyến cáo những đồng chí đàn em là Việt Cộng những gì cần phải làm để đưa đến kết thúc chiến tranh Việt Nam trong thế thượng phong của phe cộng sản.

  Sau khi Tiến sĩ Thanh đã cho Phong biết tin tức, chàng đã ngồi lặng đi vì không thể tưởng tượng rằng Hoa Kỳ đã phản bội Việt Nam đến như vậy. Theo tài liệu mà Tướng Thanh nói lại thì Tiến Sĩ Kissinger đã nói với Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai rằng:

  “Nhân danh Tổng Thống Nixon, tôi muốn đảm bảo với Thủ Tướng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chuẩn bị một cuộc dàn xếp mà trong đó mọi diễn biến về chính trị tại Miền Nam Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định với nhau. Chúng tôi sẵn sàng triệt thoái các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ qua những lịch trình được ấn định rõ ràng và để cho những thực tế khách quan hoạch định cho tương lai chính trị. Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian vừa phải. Chúng tôi xin bảo đảm với Thủ Tướng như vậy.”

Tướng Thanh còn cho biết có câu tuyên bố như sau của Kissinger với Chu Ân Lai:

  “Chúng tôi thừa nhận rằng một giải pháp phải phản ảnh nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam và cho phép họ tự quyết định tương lai của chính họ mà không có sự can thiệp nào cả. Chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam và sẽ tôn trọng mọi diễn tiến chính trị.”

Nghe được như vậy, Phong muốn kêu trời lên:

- Trung Tướng còn lạ gì lối vận động bầu cử của cộng sản. Chúng sẽ dí dao găm vào cổ người dân và bảo họ đi bầu cho thể thức chúng chọn lựa. Như vậy là Hoa Kỳ đã bán đứt miền Nam Việt Nam cho cộng sản rồi. Thật là một sự đầu hàng!!!

- Đúng vậy, Hoa Kỳ rút đi toàn diện để chúng ta lại cho một bọn chó sói. Chính phủ VNCH sẽ xụp đổ vì thiếu quân viện. Tôi tin rằng một nhóm người theo thời cơ chủ nghĩa sẽ nhẩy ra nắm chính quyền để đầu hàng cộng sãn Bắc Việt.

Phong để ý thấy Tướng Thanh đã dùng chữ chúng ta để chỉ Việt Nam Cộng Hoà cũng như trước đây chàng đã dùng chữ chúng ta khi nói đến Trung Hoa Dân Quốc. Giữa họ đã có một liên minh chống cộng và cũng để đề phòng người bạn Hoa Kỳ có thể trở mặt bất kỳ lúc nào. Người bạn cũng cho chàng biết những tin tức quân sự mới nhất, nhưng điều quan trọng nhất là trên phương diện chiến lược những phi cơ oanh tạc đã được tái phối trí và không có dấu hiệu hành quân gì để chuẩn bị ném bom Bắc Việt trở lại. Một số phi cơ trực thăng đã được chuyển đến những hàng không mẫu hạm của Đệ Thất Hạm Đội đang ở ngoài khơi của Vũng Tàu, báo hiệu là Hoa Kỳ cũng chuẩn bị để đưa nhân viên sứ quán và những người Mỹ làm việc ở Việt Nam ra khỏi xứ này trong một ngày rất gần. Trước đây Nixon có thể hứa hẹn sẽ dùng  không lực để can thiệp nếu có sự tấn công bất thần từ miền Bắc, nhưng qua những cuộc đi đêm của Kissinger thì tất nhiên phải hiểu là lời hứa hẹn này không đáng tin cậy, ngay cả trên mặt ngoại giao và theo hiến pháp. Phần khác Nixon đã từ nhiệm mà vị Tổng Thống đương thời là Gerald Ford lại quá hiền lành, gần  suốt cuộc đời chính trị chỉ là một dân biểu ở Hạ Viện. Những chi tiết mà người bạn Tần Quang Thanh đã cho Phong biết, đặc biệt là thái độ của Quốc Hội Hoa Kỳ hiện tại đối với viễn tượng chiến tranh Việt Nam đủ để cho chàng biết sự tuyệt vọng về tương lai của đất nước. Giờ chỉ còn một điều nữa Phong khẩn cẩu với người bạn để giúp cho chàng:

- Thế nào tôi cũng phải về, giờ đây không còn phải là cứu nguy cho đất nước mà giúp cho gia đình một người bạn.

  Phong kể cho Tần Quang Thanh nghe về gia đình của Phương Vân, ngoài cô ra có bố mẹ và hai người anh trai thuộc những thành phần mà cộng sản muốn tiêu diệt. Cô bé còn có người chị, nhưng nay đã theo chồng là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Alger ở châu Phi. Phong định về Sàigòn để xem có phương tiện của Air Vietnam cho gia đình tạm di tản sang nước ngoài trước khi xin chiếu khán vào Hoa Kỳ, nhưng Tướng Thanh cho biết là tử đầu tháng 4 năm nay mọi liên lạc bằng đường hàng không dân sự với Thủ Đô SàiGòn đều tạm ngưng. Chỉ có một vài chuyến bay quân sự mỗi ngày nhưng mỗi lần cất cánh hay hạ cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất đều bị kiểm soát gắt gao, trên phi đạo lúc nào cũng để chướng ngại vật.

  Đêm hôm đó Phong trằn chọc không sao ngủ được vì chàng cảm thấy bất lực không làm gì được cho gia đình Phương Vân trong lúc có lẽ họ đang mong chờ chàng về để mang tới một phép lạ nào. Truớc khi chia tay về phòng, ngưòi bạn Trung Hoa cũng đã an ủi chàng rằng ông cũng sẽ nghĩ cách sao để giúp cho Phong chuyện này trong tình bạn thiết từ nhiều năm qua.

o- 0 -o

  Tiếng chuông điện thoại vào hai giờ sáng đã làm Phong tỉnh dậy lúc đang chập trờn trong một cơn ác mộng khi chàng thấy cái bùa hộ mệnh tránh cho chàng những nguy biến tự dưng không còn nữa và chàng đang bị những âm binh dữ dằn đuổi chạy. Tiếng của Trung Tướng Tần Quang Thanh ở đâu dây bên kia:

- Đình Phong, anh có mang theo bằng lái phi cơ nhiều máy không?

- Có! Nhưng anh cần đến tôi bay phi vụ nào. Để giúp anh trả tiền phòng cho khách sạn năm sao này chăng.

Tiếng của Thanh cười ở đầu dây bên kia:

- Không, tới đây anh là khách của tôi. Nhưng chuyện trở nên quan trọng rồi đó. Quân Bắc Việt đã đến cửa ngõ SàiGòn và tấn công Xuân Lộc từ ngày 7 tháng 4. Và ngày hôm qua, 21 tháng 4, căn cứ đã thất thủ, và Tổng Thống VNCH đã cùng ngày vào 7 giờ 30 lên đài truyền hình đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã không giữ lời cam kết giúp đỡ viện trợ quân sự và ủng hộ bằng không lực. Tôi nghĩ là ông ấy sẽ rời nước một ngày gần đây và chặng nghỉ đầu tiên là Đài Bắc. Phương tiện di chuyển có lẽ bằng phi cơ Hoa Kỳ, mà phải là phi cơ cánh quạt vì phi trường giờ đây không xử dụng đươc cho phi cơ phản lực. Một vị Tướng Không quân là bạn tôi cho biết ông được bộ Ngoại Giao yêu cầu cho mượn một  phi cơ C-54 trưa hôm nay bay đi Sàigòn. Chắc để phòng hờ trong trường hợp quân đội Việt Nam nhằm bắn các phi cơ Mỹ để trả thù. Chúng tôi chỉ có 2 chiếc, và anh chắc còn nhớ đây là chiếc mà khi xưa chúng tôi chuyển giao cho công ty VIAT ở Sàigòn để bay những phi vụ chuyên chở tuyến đường Saigon-Vientienne. Tôi đã nhận bay chuyến này, và đã có đầy đủ phi hành đoàn, chọn trong những người tín nhiệm được. Tôi để anh làm copilot được không, vì đây là dịp mà chúng ta được hạ cánh ờ Sàigòn trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Sáng mai 9 giờ sáng tôi sẽ tới đón anh đi ăn sáng rồi ra phi trường.

  Khi người bạn đã ngưng máy, Phong vẫn không tưởng tượng được là vị thần may mắn phù hộ vẫn không bỏ rơi chàng. Nhưng đây cũng chỉ là chuyện Phong giúp cho người bạn khi xưa nay được trả ơn lại. Vào thời điểm khi Tần Quang Thanh còn mang cấp bậc Trung Tá làm việc cho Cơ Quan Trung Ương Tình Báo của Trung Hoa Dân Quốc, ông có sang SàiGòn để thiết lập một công ty hàng không dân sự gọi là Vietnamese Air Transport, viết tắt là VIAT. Về bề mặt, đây là một Công ty hàng không của người Việt, chuyên chở hàng hoá đi Lào quốc do Công ty hàng không Air Vietnam giúp cho thành lập và lúc đầu chuyển nhượng cho một phi cơ 4 máy Douglas DC-4. Trên thực tế phi cơ đã được  dùng để thả biệt kích ra Bắc với các phi công của Không Quân Trung Hoa Dân Quốc, và chiếc phi cơ là kiểu dùng cho quân đội với danh hiệu là C-54 được chuyển từ Đài Loan tới, chứ không phải là từ Hangar của Air Vietnam đưa sang. Để tránh sự nhòm ngó của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (Hiệp Định Genève 1954) , Bộ Giao Thông Công Chánh do hành xử của Phong đã làm giấy tờ hợp thức sự chuyển nhượng này để hoàn toàn có tính cách dân sự.

Nhìn đồng hồ lúc đó đã 3 giờ sáng, Phong quay mình ngủ lại và trong giấc ngủ chàng thấy Mây đã hết giận hờn.

(Xin xem tiếp chương 13)

Xuân Vinh.