User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Truyện Đời Phi Công - Chương 12
Cánh Chim Bằng
1915 1 DPC Chuong12NXV
 
Mang thân làm kiếp chim bằng
dù có bay xa ngàn vạn dặm
lòng lúc nào cũng ngóng về cố-hương...
---
Nha Trang, ngày   tháng   năm
Em Phượng,
1915 2 DPC Chuong12 NXV
         Em có nhớ ngày nào anh dẫn em đi coi những gian hàng đồ chơi bày dịp Trung-thu ở những phố-phường Hà-Nội. Em chú-ý đến một con búp-bê bày trong tủ kính bóng lộn, một con búp-bê Nhật. Em kéo tay anh:
            - Kìa anh, trông con búp-bê!
          Con búp-bê đẹp thật. Anh còn nhớ nó mặc quốc-phục Nhật-bản màu đỏ in hoa sặc-sỡ, tóc đen chải bồng và cầm một chiếc dù xanh nhạt. Da trắng mịn, má ửng hồng, cặp mắt đen láy, trông con búp-bê giống em như hệt. Rồi anh thấy em đứng lại, tần-ngần không muốn đi, làm lòng anh cũng tê-dại. Chắc em cũng nghĩ được rằng anh chỉ là một cậu học-sinh mới mười bốn tuổi đầu, nhà nghèo, trông tương-lai như qua một màn sương mỏng nên hồi lâu em nghẹn-ngào kéo tay anh:
            - Thôi ta đi về!
         Cho hết ngày hôm ấy chúng ta không ai nói với ai nửa lời: em tủi-thân vì không được đồ chơi, anh buồn vơ-vẩn vì bao ý nghĩ hỗn-loạn trong đầu.
         Cho đến nay, mười năm xa cách, em đã trở thành một thiếu-nữ học-thức, tương-lai dành cho nhiều hứa-hẹn. Còn anh, cuộc đời xô-đẩy anh trở thành một phi-công, hàng ngày bình-thản để cho tháng năm trôi trong ghế lái, trên những đoạn đường dài rải-rác từng lớp mây trắng buồn.
         Đã sáu tháng nay anh nghỉ, không bay hay nói cho đúng hơn anh không bay trên những đoạn đường dài. Anh về đây để dự phần huấn-luyện những học-sinh phi-công, bầy chim non mới bước chân vào nghề. Đã đành rằng phận-sự nào cũng đẹp nhưng đã được đi để được nhìn những chân-trời xa lạ rồi nay ở đây ngày ngày ngồi trông những chiếc máy bay như những chim non cất cánh tập bay chuyền rồi vội-vã trở về tổ ấm thì buồn biết thế nào.
         Hôm qua anh nhận được món quà của người bạn gửi về từ cuối chân trời. Mở hộp, trong có một búp-bê Nhật-bản và một mảnh giấy con đề: “Kỷ-niệm mua tại Đông-Kinh”. Anh mỉm cười nghĩ đến tình của người bạn và đến bộ mặt không vui của em năm nào. Mười năm qua, chúng mình cũng lớn cả và những cái gì năm xưa chúng ta ao-ước thì giờ đây thấy nó trẻ con quá em nhỉ! Nhưng con búp-bê anh lại thấy quý nó vô cùng vì nó luôn-luôn nhắc anh nghĩ đến những người bạn đang bay khắp bốn-phương để chứng tỏ sự hiện-diện của Không-Quân Việt-Nam dưới trời Đông-Nam Á-châu này.
1915 3 DPC Chuong12NXV
         Sàigòn-Đông-Kinh chỉ là một con đường trong bao con đường khác đã ghi dấu vết của Không-Quân Việt-Nam nhưng có lẽ con đường này nó làm anh thấy nhớ-nhung nhiều hơn cả vì nó là đường lên phía Bắc! Có lẽ trước kia những người bộ-hành đi lên Nam-Quan hát bài ca dặm đường:
           “Ai lên xứ Lạng cùng anh,
          Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em...”
         Họ thấy rung-động như thế nào thì người phi-công mỗi khi ngồi trong ghế lái thấy kim chỉ “Chính Bắc” cũng rung động như thế. Bay về phía Bắc, trên trùng-dương mù-mịt nào họ có nhìn thấy gì. Chỉ biết phía bên trái xa vời là dãy Tràng-Sơn quanh-co có con đường vô xứ Huế, có non xanh nước biếc, có những bức tranh thiên-nhiên sơn-thủy hữu-tình. Chỉ thấy có thế thôi em ạ. Xa nữa là tối-tăm mù-mịt, có nghĩ thêm nữa cũng chỉ là thấy đau lòng, xót thương cho mười triệu dân mình còn lầm-than trong đau-khổ.
        Bay vào một đêm không trăng bầu trời có muôn vàn ngôi sao sáng mới thấy thấm-thía. Phòng lái lập-lòe ánh lân-tinh của những kim đồng-hồ dạ-quang. Ngoài trời bóng tinh-đẩu lấp-lánh khi tỏ khi mờ. Cả vũ-trụ chỉ có quê-hương ta là dẹp và quê-hương giờ chỉ thu gọn trong phòng lái chật-hẹp mờ-mờ bóng người phi-công và các bạn đồng-hành. Thường họ không nói chuyện với nhau nhưng chỉ một cái nhìn cũng đủ. Còn một mẩu thuốc lá đôi khi họ cũng chuyền tay nhau mỗi người hút một hơi; đốm lửa đỏ loè ở chỗ này rồi lại chạy sang góc khác. Giữa họ có một sự liên-lạc mật-thiết vì mỗi người có một công việc nhất-định và họ cần đến nhau.
1915 4 DPC Chuong12NXV
         Ở một góc phòng có một bàn nhỏ trên để một bản-đồ. Một người cặm-cụi ngồi dưới ánh đèn ghi chép. Đó là người điều-hành giữ phận-sự tính đường đi. Hồi lâu người ấy ghi mấy con số vào một mảnh giấy đưa cho người phi-công thuyền-trưởng. Đường đi: 025. Rồi hai người cùng mỉm một nụ cười. Tàu hơi nghiêng-nghiêng cánh.
         Với tốc-độ này sẽ tới Hongkong vào khoảng hơn bốn giờ sáng. Trong bóng tối có tiếng điện-tín đánh đều-đều. Hiệu-thính-viên đang làm việc. Người coi máy mơ-màng ngả vào thành ghế nhìn ra ngoài trời. Hai chiếc động-cơ rung-rung ca một bản nhạc sầu viễn-xứ.
         Giờ này ở mọi nơi trên giải đất quê-hương mọi người đang yên ngủ. Có ai thức giấc để nghĩ rằng có một bọn người giang-hồ đang trôi trong không-trung vô-tận, hãnh-diện mang sắc cờ Việt-Nam dưới cánh. Chiều mai có lẽ họ sẽ lang-thang trên hè phố Hongkong, Ma-ní, Tân-gia-ba hay Đông-kinh, để thản-nhiên nhìn thiên-hạ. Dù cho ở giữa Tân-gia-ba nóng nực, giữa những người Tàu chen-chúc, hay tới Đông-kinh vào mùa anh-đào nở, tiết trời còn hơi lạnh, họ cũng nhìn phong-cảnh bằng những cặp mắt bàng-quang lạnh-lùng. Nơi đây đâu phải là quê-hương họ!
         Em Phượng! Bạn anh đã mua cho anh con búp-bê vào một buổi chiều như vậy. Nó đang đứng bên bàn mở to cặp mắt nhìn giữa lúc anh viết mấy dòng này. Anh nghĩ rằng phồn-hoa đô-thị không thay đổi em nhiều cũng như các anh, mang thân làm kiếp chim bằng dù có bay xa đi vạn dặm lòng lúc nào cũng ngóng về cố-hương.
          Nếu em còn thấy nhớ-nhung con búp-bê của một mùa thơ-ngây năm nào, anh sẽ gửi nó cho em.
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
(Xem tiếp chương 13 )