User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Trông Vời Cố Quốc
Truyện ngắn Vĩnh Liêm
      Mới năm giờ sáng, theo thói quen, cụ Khải trở giấc. Nếu là ngày thường, cụ đi tiểu rồi trở lại ngủ tiếp. Nhưng hôm nay, biết không thể nào ngủ tiếp được nữa nên cụ vội vàng chui ra khỏi lớp mền dầy ấm áp. Cụ không dám cử động mạnh vì sợ làm thức giấc bà vợ đang ngủ say.
      Lúc bước chân cụ Khải vừa chạm cánh cửa phòng ngủ, cụ chợt nghe tiếng bà vợ trách yêu:
      - Ông thức dậy sớm thế? Sao ông không đánh thức tôi dậy luôn thể?
      Cụ Khải bật đèn, sửa lại chiếc áo ngủ “pijama”, đoạn âu yếm nói với vợ:
      - Tôi định để cho bà ngủ thẳng giấc. Mọi việc đã chuẩn bị xong cả rồi, đâu cần gì tới bà phải thức dậy sớm!
      - Thì ông cũng nên gọi tôi dậy để đun nước pha trà cúng Ông Bà chứ!
      Cụ bà ngồi thẳng người trên giường, hai bàn tay thoăn thoắt quấn lại mái tóc dài rối bù, đoạn bước ra khỏi phòng ngủ. Cụ bà nhường cho chồng đánh răng xúc miệng trước, còn bà thì đi thẳng xuống nhà bếp vặn bếp điện đun nước. Rửa mặt xong, cụ Khải chọn bộ quần áo khá nhất trong “gia tài” mà cụ mang theo được, mặc vào tươm tất rồi đi thẳng ra phòng khách.
      Năm nay, gia đình cụ Khải bỗng dưng được ăn cái Tết đầu tiên tại hải ngoại. Nếu không nhờ chị Ðức, con gái đầu lòng của cụ, gọi dây nói từ New Orleans cho hay thì chắc gì cụ Khải nhớ ngày âm lịch mà chuẩn bị ăn Tết Việt Nam. Ngày mùng Một Tết lại nhằm vào ngày tuyết rơi, dày lên đến gần đầu gối, càng làm cho cụ Khải nghi ngờ lời nhắc nhở của chị Ðức. Từ thuở nhỏ tới giờ, đây là lần đầu tiên trong đời cụ Khải mới có dịp nhìn tận mắt cảnh tuyết rơi. Ở Việt Nam, cụ chẳng bao giờ biết tuyết là gì! Ngày lễ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam – ngày Tết –  thường thì có nắng ấm, hoa cười, gió mát… Ở cái xứ Hoa Kỳ này, ngày Tết Việt Nam tưởng chừng như không có, vì có người Mỹ nào biết đến đâu! Mà nếu có người Mỹ nào biết tới đi chăng nữa thì chỉ có trong tâm tưởng lờ mờ của họ mà thôi.
      Cụ Khải đứng ngắm nghía chiếc bàn thờ dã chiến đặt ở phòng khách. Vì là chiếc bàn ăn cơm nên nó chỉ cao đến ngang bụng cụ Khải. Ðêm qua cụ đã cao hứng dùng ngay giấy gói quà Giáng Sinh do người Mỹ tặng để viết thành câu đối dán lên tường, phía sau bàn thờ. Câu đối này của cụ Nguyễn Thượng Hiền viết lúc sinh thời, trước khi cụ ra ngoại quốc hoạt động, mà cụ Khải đã đọc được ở đâu đó và tấm tắc khen mãi:
“Tảo dục vi mai, vãn vi cúc
Ðộng đương như thủy, tĩnh như sơn.”
      Trên bàn thờ, ngoài bộ lư hương dã chiến ra, còn có hai chậu cúc vàng, một đĩa hoa quả, một đĩa mứt, và bộ trà di tản theo cụ Khải. Sau khi rót trà vào ba tách nhỏ, cụ Khải đốt ba nén nhang, miệng lâm râm khấn nguyện. Cụ nghĩ rằng cụ có lỗi rất lớn đối với tổ tiên vì cụ đã già rồi mà còn tham sống sợ chết, bỏ tổ tiên ở lại quê nhà, không có ai nhang đèn cúng bái. Bây giờ cụ ở đây, cách xa quê cha đất tổ nửa vòng trái đất, dù cho cụ có đốt đến ngàn nén hương thơm, khấn vái tới rã đầu gối thì cũng không mong được ông bà chứng giám. Nhưng với lòng thành đầy hối hận, cụ Khải tự biết không thể đơn giản nghi thức được, vì làm như thế, cụ Khải cảm thấy càng có lỗi lớn đối với tổ tiên. Việc cụ rời bỏ quê hương đã là một cái lỗi; rời bỏ mồ mả tổ tiên không người chăm sóc lại là cái lỗi thứ hai. Nay đơn giản nghi thức cúng lễ là thêm cái lỗi thứ ba – bất kính đối với tổ tiên. Làm sao cụ Khải chuộc lại được lỗi lầm này trong khi tuổi của cụ đã ngoài thất tuần! Biết bao giờ mới được trở lại quê hương để khấu đầu tạ lỗi với tổ tiên! Cụ Khải tự vấn mình. Hay là ta đành bỏ xác nơi đây vĩnh viễn?
      Cụ Khải nhớ lại hai mươi hai năm trước, năm 1954, lúc đó cụ mới vừa qua khỏi ngũ tuần. Với cái tuổi đó, cụ còn hy vọng trở về đất Bắc trước khi cụ theo ông theo bà. Nhưng ngày hy vọng đó đã không đến với cụ nữa! Ở Miền Nam, dù sao cũng là quê hương, chứ còn ở đây thì hoàn toàn xa lạ và tuyệt vọng. Cụ Khải chỉ còn hy vọng nơi con cháu cụ. Chúng nó còn có ngày được hồi hương, còn có cơ hội được bỏ xác nơi quê cha đất tổ.
      Xong tuần niệm hương, cụ Khải khai trà đầu năm. Ðó là thói quen của cụ. Mỗi lần khai trà xong, cụ Khải ngâm nga một bài thơ Ðường mà cụ ưng ý nhất cho năm đó. Năm nay, cụ Khải chọn bài thơ “Tư Qui” của Vương Bột. Giọng ngâm của cụ khàn khàn, đứt quãng.
“Trường giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương qui
Huống nhục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi.”
      Cụ Khải đang thả hồn theo dòng thơ của Vương Bột thì chợt nghe tiếng lanh lảnh của bà vợ ở sau lưng:
      - Ối ông ơi! Ðầu năm mà ông ngâm nga kể lể như có người chết ở trong nhà vậy!
      Dù cụt hứng, cụ Khải vẫn tươi cười để lấy lòng vợ:
      - Bà làm tôi cụt hứng mất! Thơ của Vương Bột chứ nào phải của ai đâu!
      Cụ bà ngồi xuống chiếc ghế “sofa” đối diện bàn thờ tổ tiên, tằng hắng lấy giọng:
      - Ngày xuân ông phải ngâm thơ của Vương Duy thì mới hợp. Ðây này nhé!
“Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh qui.”
      Như chừng đắc ý, cụ bà ngâm tiếp bài thơ của Tôn Ðịch:
“Biên địa oanh hoa thiểu
Niên lai vị giác tân
Mỹ nhân thiên thượng lạc
Long tái thủy ưng xuân.”
      Cụ Khải không để thua vợ, bèn ngâm bài thơ “Tư Gia” của Ðỗ Phủ:
“Giang bích điểu thu bạch
Sơn thanh hoa dục nhiên
Kim xuân khán hựu quá
Hà nhật thị qui niên.”
      Giọng cụ Khải trở nên trong trẻo và truyền cảm tuyệt vời. Chắc là cụ quá cao hứng trước ngày Tết thiêng liêng? Suốt thời gian nằm dài ở trại tị nạn, cụ Khải không hề nhắc nhở tới thơ, dù là thơ Ðường, loại thơ mà cụ – khi còn ở quê nhà – thường ngâm nga vào buổi tối trước khi đi ngủ.
      Cụ bà tự biết không thể nào ngâm thơ Ðường đấu lại với chồng được, bèn cười huề:
      - Ông chỉ có giỏi ngâm nga chứ nào có biết gì khác hơn đâu! Ông hãy nhìn ra ngoài sân kìa, tuyết đã phủ kín mọi nhà, thật đúng là:
“Dĩ nhạ khâm chẩm lãnh
Phục kiến song hộ minh
Dạ thâm tri tuyết trọng
Thời văn chiết trúc thanh”!
      Cụ Khải liếc xéo bà vợ yêu qúi một cái thật lâu, ngụ ý bảo “đàn bà cũng sính thơ văn gớm”. Hiểu ý chồng, cụ bà lui xuống nhà bếp chuẩn bị thức ăn sáng cho chồng để ông nhâm nhi cốc rượu khai xuân. Với tài nội trợ khéo léo của cụ bà, dù xa quê hương nhưng vẫn có thịt heo đông lạnh, bánh chưng, dưa món…
      Hai vợ chồng già ngồi vào chiếc bàn con, khấn vái tổ tiên một hồi lâu trước khi cầm đũa. Cụ Khải rót rượu vang ra hai cốc nhỏ, mời vợ:
      - Ðầu năm mới tôi chúc bà ăn ngon ngủ khỏe.
      Cụ bà nâng cốc rượu chúc lại chồng:
      - Chúc ông sống cho đến ngày trở về cố quốc.
      Uống xong tuần rượu, cụ Khải nhìn ra sân, nói với vợ:
      - Ðời tôi không mong gì hơn là được gửi tấm thân già này nơi quê hương, nhưng ngặt nỗi tuổi của tôi cũng gần đất xa trời rồi, chắc là không được như lời bà chúc. Chỉ vì tương lai con cháu mà vợ chồng mình phải bỏ nước ra đi. Chứ thật ra, với tuổi già này, bọn Việt cộng không cần giết thì sớm muộn gì mình cũng chết!
      Cụ bà châu mày:
      - Ông hơi lẩm cẩm rồi đấy! Chính ông hối thúc tôi cùng bọn trẻ ra đi, chứ nào phải ai khác đâu! Cái thân xác già này còn kể chi mà ông than tiếc mãi chứ? Chết ở đâu cũng thế thôi, miễn sao cái chết không bị người ta hành hạ là tốt rồi. Tôi chỉ sợ ông ở lại bị chúng bịt miệng, đến khi chết cũng không được yên thân!
      Uống thêm cốc rượu, cụ Khải tiếp lời vợ:
      - Chính tôi cũng nghĩ như bà, song nhiều đêm suy nghĩ lại, tôi thấy đau xót vô cùng! Tuổi già ở đây chẳng còn thú vị gì cả! Như bà biết, con cháu ở một nơi, còn mình ở một nẻo. May là bà còn sức khoẻ để chăm sóc cho tôi; nếu không thì hai vợ chồng mình phải vào viện dưỡng lão rồi! Ở xứ này, Tự Do là thế đấy! Tự do của tuổi già là ở trong viện dưỡng lão! Con cái nào có màng tới cha mẹ của chúng đâu! Mình còn đứa con gái duy nhất, thế mà ngày Tết cũng không được chúng về thăm! Nếu ở Việt Nam, giờ này con cháu đã tề tựu đông đủ cả rồi. Tôi không biết giờ này thằng Thảo còn sống hay đã chết rồi! Con vợ của nó ở lại liệu có được ăn Tết như mình hay không? Tôi thấy cuộc chiến vừa qua thật là vô nghĩa quá, bà ạ! Giữa lúc gia đình mình đang êm ấm thì bị họ bắt phải chia lìa. Chắc là ông Trời không đoái hoài tới đất nước mình chăng?
      Cụ Khải đang hứng khẩu thì bị tiếng chuông điện thoại reo làm gián đoạn câu chuyện. Cụ hất hàm bảo vợ đi nghe điện thoại, nhưng cụ bà lắc đầu từ chối:
      - Tôi nào có biết tiếng Mỹ gì đâu mà ông bảo tôi nghe điện thoại!
      Từ ngày trong nhà gắn điện thoại tới giờ, chỉ có một mình cụ Khải nghe điện thoại mà thôi. Cụ Khải cũng chán nghe điện thoại, nhưng cụ không thể đùn cho vợ được nên đành miễn cưỡng cầm ống nghe. Giọng chị Ðức nói oang oang trong máy:
      - Thưa bố, vợ chồng chúng con và các cháu sẽ tới thăm bố mẹ trong vài giờ nữa. Vì đường ngập tuyết nên sự di chuyển phải chậm lại. Mong bố mẹ an tâm.
      Cụ Khải gác điện thoại, báo tin cho vợ hay. Hai vợ chồng già xiết tay nhau, cảm động đến chảy nước mắt. Làm sao không cảm động cho được! Tuyết rơi ngập đường như thế này mà chúng nó cũng chịu khó lặn lội vượt ngàn dậm tới thăm, thật là gia đình mình còn phúc đức! Cụ Khải tự an ủi lấy mình.
      Cụ bà đi xuống nhà bếp làm thêm thức ăn để đãi con gái, chàng rể cùng đàn cháu ngoại yêu qúi. Lòng bà rộn ràng vui như một ngày hội lớn. Cái Tết đầu tiên nơi xứ lạ quê người mà được sum họp như thế này thì còn gì qúi bằng. Hai bàn tay cụ bà thoăn thoắt làm việc mà cụ không cảm thấy mỏi.
      Uống xong cốc rượu, cụ Khải định đi nghỉ một lát trước khi con cháu tới thăm. Lên giường nằm, cụ cảm thấy đầu óc váng vất và ngầy ngật chi lạ. Không lẽ ta say vì mấy cốc rượu vang? Cụ tự hỏi. Hay vì tuổi già không còn thích nghi với rượu nữa? Cụ Khải cố gắng nhớ lại bài thơ “Tống Xuân Từ” của Vương Duy rồi ngâm một mình để tự an ủi tuổi già:
“Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh qui
Tương hoan hữu tôn tửu
Bất dụng tích hoa phi.”
      Ngâm xong bài thơ, cụ Khải cảm thấy tâm hồn thơ thới hơn bao giờ hết. Cụ nằm duỗi thẳng hai chân, xếp hai bàn tay ngang ngực rồi nhắm đôi mắt lại. Hơi thở của cụ Khải bỗng nhiên chậm lại dần dần và đứt quãng, nhưng miệng cụ vẫn còn lẩm bẩm hai câu thơ:
Bốn phương mây trắng… một màu…
Trông vời… cố quốc… biết đâu… là… nhà…
 
(Suối Bạc, 12-11-1981)
Vĩnh Liêm
(Trích trong tập truyện “Hạnh Phúc Phía Bên Kia”, chưa xuất bản)