User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

          (Trích dẫn: Lời của Luật Sư Lưu Vĩnh Khương: Trước khi chết, Cụ Phan ra lệnh cho quan quân không được tự sát. Một mình cụ chết vì chịu trách nhiệm với Triều đình. Theo quan niệm xưa không đề cập đến Nữgiới, nhưng có tới Bảy Liệt Nữ treo cổ nơi cây da cửa hữu tự sát. Dân chúng vô cùng kính phục - tựdựng Miểu thờ, mặc cho Triều đình Huế cấm đoán. Hiện nay có Miểu Bảy Bà tại cây da cửa hữu – Di tích Cửa Hữu Thành Long Hồ.)

            Như vậy, Di tích Cây Da Cửa Hữu thành Long Hồ có sau thời kỳ ông Phan Thanh Giản làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tức là sau khi bảy liệt nữ thắt cổ tự tử chết theo cụ Phan tại nơi cây da cửa hữu.

Chú thích: Cổng Tam Quan trước Miểu Bảy Bà - Cây Da Cửa Hữu.

        Nơi đây trước kia chỉ là một cái miểu nhỏ nép mình dưới bóng một cây da cỗ thụ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm với thời gian, ngày nay Miếu Bảy Bà được trùng tu lại thật là nguy nga tráng lệ, nằm ngay tại trung tâm Thị Xã Vĩnh Long.

Chú thích: Bước lên Mười Ba Bậc Thang trước khi vào chính điện.(1)

        Xét về Thành Long Hồ ngày xưa: Đây là một vị trí chiến lược quan trọng cho việc đóng quân, lúc còn dùng vũ khí thô sơ, giao thông đường bộ chưa phát triển, thế mạnh quân sự ở chỗ thủy quân. Phía Bắc có sông Cổ Chiên, phía Nam có rạch  Cầu Lầu (Cái Trê), phía Đông có rạch Long Hồ và phía Tây có rạch Cái Cá.

         Thành Long Hồ khi xưa Cửa chính quay về hướng Đông Nam (2) tức là phía rạch Cầu Lầu, cho nên cây da Miểu Bảy Bà nằm bên tay phải (Cửa Hữu). Bắc ngang qua rạch Cầu Lầu là một cây cầu gỗ, trên có một Lầu Canh để kiểm soát việc ra vào, cho nên mới có tên Cầu Lầu. Phía Tây từ rạch Cái Cá đến rạch Cầu Lầu là con Kinh Cụt (Cầu Kinh Cụt). Trước kia nơi đây là một bức tường kiên cố xây bằng đất sét nung đỏ. Khi đào vét lòng kinh cho dòng nước chảy xuôi, tìm thấy rất nhiều vết tích những viên gạch màu đỏ. 

Chú thích: Con Khổng Tượng với đôi ngà trắng đang đón chào khách tham quan.

        Theo truyền thuyết thần thoại trong dân gian: Bảy Bà là bảy vị trong cái gọi là “Vạn Bang Ngũ Hành” nghĩa là Quyền lực Vô hình trong Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.Ý nói trong Trời Đất, đặc biệt có Bảy Vị Nữ Thần của vùng đất Long Hồ sẽ xem xét mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân.

        Cho nên ngày xưa, mỗi khi trong dân chúng có việc gì uất ức bực bội, gian dối xảo trá, trộm cắp lừa đảo hay nghi kỵ lẫn nhau, không giải quyết được thường bảo nhau đến Miểu Bảy Bà bẻ cổ gà mà thề. Nếu ai gian dối sẽ bị Bà hiển linh bắt hộc máu chết tại chỗ. Đó là việc rất khó tin, đôi khi lại có thật vậy!

         Nhưng ngày nay lịch sử Miểu Bảy Bà được xác minh như thế nào? Vì sao  Chính quyền địa phương cho trùng tu lại đẹp đẽ thế?

Chú thích: Chiếc Đại Đỉnh Hương để khách thập phương thắp nhang khấn bái.

 

        I./ Căn cứ vào tấm “ Văn Bia Thành Long Hồ” đặt ngay giữa Miếu được ghi chép như sau:  “ Kế sách dài lâu, Phương Nam mở cõi, thiên nhiên nạn tai, nắng thiêu mưa dội, ngút ngàn rừng hoang, ác thú, phủ giăng đồng nước mây trời. Đầu gối Tháp Mười, chân gác Biển Đông, chín nhánh Cữu Long, trăng soi đêm tối. Chiếc thuyền con làm chòi, mưu sinh trôi nổi, vắng tiếng mẹ ru, hồn quê gọi miền đất mới. Bỗng đất bằng sóng dậy, phía Tây thuyền giặc can qua, dấy loạn bên trong, tan nát cửa nhà, nỗi thống khổ, gốc cỏ ngọn cây cùng sinh linh đồ thán! Thế nước vững, lòng dân an, ấy là điều cơ bản.

        Vâng lịnh Thế Tổ Cao Hoàng Đế, mùa Xuân Quí Dậu (1813), Thần Dân xây thành Long Hồ. Châu vi 750 trượng, lũy cao 1 trượng, hào rộng 6 trượng, thành hình hoa mai năm cửa: Đông, Tây, Bắc, Đông Nam và Tây Nam. Cổng chắc then cài. Hai lối dọc, ba lối ngang: Công thự, nhà Thừa ty, Kho lương, Doanh trại, Hành cung rộng, rộp hoa hướng dương, giữa uy nghi sừng sững Kỳ đài. Trung tâm quyền uy cuối trời tổ quốc. Thành Long Hồ vững thế thủ, mạnh thế công. Lòng tin bảo vệ giang sơn gấm vóc. Dũng binh, Dân binh xả thân vì nghĩa lớn. Tấc đất non sông thấm dòng máu đỏ, xanh thẳm ruộng vườn, được mùa nhờ Quốc thới Dân an.        

 

Chú Thích: Ghế Đá Công Viên dành cho khách tham quan nghỉ chân.

        Trấn Vĩnh Thanh cờ phất huy hoàng, tiếng trống vang sông, dân hát bài ca lạc nghiệp. Tích xưa ghi nhớ, sáng mãi lòng này: Tống Phước Hiệp, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tri Phương,……… công đức cao dầy. Thành tâm tưởng niệm”.(3)

 Xuân Mậu Tý 2008                         

Nguyễn Long Hồ Cẩn bút 

 

Chú thích: Chiếc Hồ Nhật Nguyệt với hòn non bộ nơi tiền đình miếu.

 

         II./ Theo công văn số: 4882/VHTT/BTVL ngày 05/09/2000, Miểu Bảy Bà được ghi vào danh sách Di Tích Lịch Sử tỉnh Vĩnh Long, tôn vinh bảy Liệt Nữ thắt cổ tự tử tại Cây Da Cửa Hữu thành Long Hồ, chết theo cụ Phan.

         Công văn trên còn ghi: Cây Da Cửa Hữu là dấu vết còn sót lại của Thành Vĩnh Long ngày xưa. Thành Vĩnh Long là biểu tượng của ý chí sức mạnh dân tộc tại vùng đất mới phương Nam của Tổ Quốc Việt Nam. Cây Da Cửa Hữu gợi lên dấu vết của một thời kỳ lịch sử oai hùng - bi tráng của dân tộc Việt Nam. Cây Da Cửa Hữu còn là một cột mốc đáng tin cậy để hình dung tính qui mô, hình thể và vị trí thành Vĩnh Long ngày xưa.(4)

         Mỗi năm vào dịp Xuân về, lúc đón Giao Thừa dân chúng quanh vùng qui tựu về đây Hái Lộc đầu năm, cầu Phước Lộc cùng Xin xâm - Bói quẻ xem Vận mệnh cùng Tài lợi trong năm, thật là nô nức nhộn nhịp tưng bừng. Đó là một nơi thích hợp và thuận tiện cho dân chúng đến chiêm bái Thần Linh, sau một năm làm việc vất vả được hưởng một cái Tết vui tươi hạnh phúc.                    

Chú thích: Đôi Kỳ Lân bằng đồng đen đang phục chầu trước Miểu.

   Phan Văn Tứ

 

Phụ Chú:

                (1) Con số 13 là con số xui xẻo mhất với con người, thần linh thì ngược lại.

               (2) Lý do: Hướng Đông Nam là hướng xây cửa chính cho ngôi nhà là tốt nhất, vì trong nhà sẽ được ấm áp quanh năm. Hướng Bắc (hướng quỉ, cấm kỵ) gặp phải gió bấc thổi rất lạnh vào mùa đông. Hướng Đông có ánh sáng mặt trời chiếu vào chói chang. Hướng Tây bị ánh nắng chiều gay gắt làm con người dễ sinh bịnh hoạn.

               (3) Ghi chép toàn bộ nguyên văn “ Văn Bia Thành Long Hồ”.

               (4) Trích từ Công văn số: 4882/VHTT/BTVL ngày 05/09/2000.