User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Lời Tình Tự Cho Quê Hương Tôi
 
 


 Tháng 4 năm 1975 làn sóng đỏ từ phương Bắc hăm hở tràn xuống phía Nam dãy đất bán đảo hình chữ S nằm chơ vơ bên bờ biển đông nam Thái Bình Dương. Làn sóng này kéo theo đàn người với xe tăng, súng ống tận răng, nón cối, dép râu hung hản dẩm những bước chân lên ruộng đồng xanh tươi lúa mạ, cây lá tốt tươi oằn sai trái ngọt cây lành …

Tự do không còn, nhà cửa tiêu tan, tài sản bao năm người dân miệt mài vun sới, rồi cũng phủi tay. Kẻ vào tù, người chết trận, con mất cha, vợ mất chồng, lũ lượt đoàn người bỏ nước ra đi, có người bỏ thây nơi rừng sâu, nước độc, rắn rít, muỗi mòng, có người vùi thây nơi biển cả mênh mông vì hải tặc, bão giông, sóng cuồng …

Đồng bào tôi ơi! Bốn ngàn năm văn hiến, một ngàn năm bị trị bởi giặc Tàu, một trăm năm bị dầy xéo dưới gót giày bọn thực dân, hơn ba mươi năm nội chiến từng ngày, nồi da xáo thịt …

Từ ngàn năm trước, đồng bào tôi như một rừng lao sậy sau cơn giông tố bão bùng, ngã rạp xuống; nhưng không khuất phục, không hèn hạ đã vùng lên đạp bằng sóng dậy, không sợ đầu rơi, máu chãy, banh thân vì lằn tên mũi đạn. Biết bao năm khổ ải dưới gót giày của kẻ ngoại xâm. Đoàn người đi trước ngã xuống, kẻ đi sau đứng vùng lên chóng chỏi với lằn tên mũi đạn, tù đài, gông xiềng, roi vọt …rồi cũng tháo gỡ được ách ngoại xâm tròng vào đầu vào cổ đồng bào tôi.

Sau “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”, những tưởng con cháu mang dòng giống Tiên Rồng nối nghiệp tiền nhân giữ nước và dựng nước đã làm rạng danh vùng đất nhỏ bé hình cong chữ S dưới cùng vùng đất bao la của kẻ một thời thống trị sẽ xanh tươi ruộng đồng, cây trái đơm bông, người người cười vui hạnh phúc. Nhưng niềm mơ ước cháy bỏng này của đồng bào tôi lại băng giá, thui chột niềm tin.

Nồi da xáo thịt, hơn “ba mươi năm nội chiến từng ngày” . Bom đạn, súng óng, máy bay, xe tăng, tàu chiến của những người mang nhản hiệu: China, Russia, USA nhét vào tay dân tôi, bảo tụi mày cứ giết nhau đi để được Hòa Bình, Tự Do, Ấm No, Hạnh Phúc, Dân Chủ, Dân Quyền …

Nghe lời ngon ngọt rĩ rã bên tai, ngày qua tháng lại, dân tôi xìu lòng ôm lấy niềm đau sau hơn ba mươi năm đầu rơi máu chảy, thịt tan, xương nát … một phần đất, đảo và biển đã lọt vào tay kẻ bá quyền dã man, độc ác…
 

Mẹ Việt Nam chít khăn tang, mắt nhòa lệ khóc. Người thiếu phụ ôm con nhìn ảnh chồng trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Đứa con thơ mất cha, người mẹ hiền buồn thương đứa con trai ra đi vĩnh viễn. Người tình bé bỏng hậu phương ngàn năm xa vắng người thương chết trận.



 

Tre già khóc măng. Người cha vừa nhận xác đứa con cả từ gói poncho hôi mùi tử khí từ chiến trường Quảng Trị đưa về. Đứa con kế theo đoàn quân giải tỏa chiến trường Huế bặt tin. Thằng cháu nội nghe đâu còn nằm điều trị tại bệnh viện Cộng Hòa, Sài Gòn. Tuổi già sức yếu chưa đi thăm nó được.

Hôm trước má nó đi thăm nó về, bảo nó cũng khỏe rồi Ba. Chắc nó phải nằm viện điều trị một thời gian nữa không lâu đâu Ba.- Ờ! Chừng nào nó xuất viện con lên rước nó về. Con kẹt mấy đứa nhỏ, chắc con không đi được đâu Ba. Con có hỏi trên đó, họ nói có chuyến xe về miền Tây thì họ đưa nó về luôn. Không sao đâu, Ba đừng lo. Vậy cũng được.- Ờ! Nó bị sao đó con?. Cô con dâu rơm rớm nước mắt, im lặng đi vào nhà sau. Lời nói uất nghẹn ở cổ họng, không đáp lời ông già chồng được.

Trời nắng nóng. Ông Hai bê bình trà cũ kỹ và cái chun sành đít tròn mà trên ba mươi lăm năm ông trân quý gìn giữ, di cư theo ông từ hồi năm tư (1954). Ông đã bỏ làng xóm thân yêu, nhà cửa, ruộng vườn cùng hơn một triệu người khăn gói vào miền Nam theo tiếng gọi Tự Do.

Trời nóng, mùa hè. Ông cởi vài cái nút áo, phanh ngực áo, lấy cái quạt kè phe phẩy cho mát. Rót chung trà nhâm nhi, dựa lưng vào góc cây vú sữa, tàn lá che bóng mát rượi, trong sân nhà, lim dim ngủ.
- Ông nội! Khỏe không ông nội?

Ông Hai giật mình tỉnh giấc trong mơ…, nhỏm bật dậy, lấy tay dụi cặp mắt lờ, cố nhướng mắt nhìn người vừa hỏi đối diện.
- Đứa nào vậy ?
- Trời ơi! Ông không nhận ra cháu sao ông nội? Cháu là thằng cu Tý nè ông nội!
- Ờ …ờ, con thằng hai Mẩn hả?
- Dạ!
Ông Hai giương đôi mắt lờ lệch, chăm chăm nhìn thằng Tý từ đầu đến chân. ……
Bộ đồ lính còn mới, một bên óng quần chân trái xăn lên tận đầu gối …Tý vừa xuất viện từ bệnh viện Cộng Hòa về với đôi nạng gổ. Ngày mẹ nó sanh nó ra hai chân, bây giờ nó đi ba chân.
- Mầy đó hả Tý?.
Ông Hai hỏi, rồi ông òa lên khóc. Giọt nước mắt cuối cùng trong đời ông. Vì một phần vào tuổi trung niên khi bước chân xuống tàu di cư vào miền Nam ông đã để lại phân nửa trên quê hương mến yêu đất Bắc. Phần còn lại, tre khóc măng, dành cho thằng con cả ra đi vĩnh viễn. Giờ chỉ cho thằng cháu nội những giọt nước mắt cuối cùng trong đời, khi thấy nó về với hai nạng gổ.

Tý bỏ đôi nạng gổ, xà xuống ôm ông nội. Hai ông cháu ôm nhau, nước mắt ràng rụa, như đôi tình nhân lâu ngày mới gặp lại....

Nhìn góc cây vú sữa, Tý nhớ lại lúc còn nhỏ năm, sáu tuổi thường cùng ông nội, vào những buổi trưa hè ra đây hóng mát, nằm vào lòng ông nội, có nhiều lần ngủ thiếp đi, đến khi ông nội lay dậy vào nhà ăn cơm chiều ....
Tý nhớ lại thời thơ ấu trong vòng tay âu yếm của ông nội, không cầm đuợc những dòng nước mắt chãy dài trên má, nó im lìm tức tưởi….khóc trong lòng.
 
 
Tùy Bút-Song An Châu