User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Những Nét Đặc Biệt Của ĐẠO BỬU-SƠN KỲ-HƯƠNG Và ĐẠO PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO
VĨNH LIÊM


       Khi tôi lên khoảng 10 tuổi, Bà Nội tôi mới kể cho tôi biết: Ông Nội và Bà Nội tôi là tín-đồ Bửu-Sơn Kỳ-Hương; còn Ba Má tôi và Bác Năm tôi là tín-đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo từ năm 1939. Tôi chỉ biết đến đó thôi mà không tìm hiểu thêm Bửu-Sơn Kỳ-Hương (BSKH) là đạo gì và Phật-Giáo Hòa-Hảo (PGHH) ra sao? Cho đến lúc tôi vào Trung-học Đệ nhứt cấp thì mới được Ba tôi kể cho tôi nghe về BSKH và PGHH. Về
       PGHH thì Ba tôi là một đảng viên của Dân-Xã Đảng ([i]) từ ngày thành lập và ông đã hoạt động trong Bộ-đội Nguyễn Trung Trực đóng ở Đồng Tháp Mười cho đến ngày ông về lại nhà năm 1953 vì bị thương tích.
Nhân đây, tôi xin kể qua về Đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương và Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo để độc giả hiểu rõ thêm những nét đặc biệt của hai tôn-giáo (giáo phái) nầy.
I. ĐẠO BỬU-SƠN KỲ-HƯƠNG
       Đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương (BSKH) là một giáo phái có ảnh hưởng lớn đến lịch sử và chính trị tại Miền Nam Việt Nam từ giữa thế kỷ 19.
Hoàn Cảnh Ra Đời
      Đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương (còn được gọi là đạo Lành) do ông Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu là Giác Linh, khai sáng năm 1849. Tôn chỉ và phương pháp hành đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương rất đơn giản.


4141 1 NetDBietcuaDaoBSKHVLiem
Toàn cảnh chùa Thới Sơn (Tịnh Biên)


       Ông Đoàn Minh Huyên sinh ngày 14 tháng 11 năm 1807 tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (thời Pháp thuộc đổi làng Tòng Sơn thành làng Mỹ An Hưng thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Khi Ngài đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) thì được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngài tạ thế ngày 10 tháng 9 năm 1856, hưởng dương 50 tuổi.


4141 2 BSKHVLiem
Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.


       Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn (nay thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trổ tài trị bịnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bịnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều răn dạy của ông.


4141 3 BSKHVL
Chùa Thới Sơn (Tịnh Biên) được coi như là Tổ đình của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.


       Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm 1849, ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
       Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ VN), đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có khoảng 15.000 tín đồ (?) – con số không chính xác – sinh sống tập trung ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre.
Các Đặc Điểm của Đạo BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
* Rao Giảng về Hội Long Hoa
       Theo truyền thuyết của giáo phái này, thì Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn, mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ hương tức là  mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền.
Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa, giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông.
* Đơn Giản Hóa Đạo Phật
Người đến quy y sẽ được Đức Phật Thầy Tây An cấp cho một tấm "lòng phái"[2] (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ "Bửu-Sơn Kỳ-Hương" màu son), được truyền dạy giáo lý "học Phật tu Nhân", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại.


4141 4 BSKHVL
Bàn thờ Tam bảo trong chùa Thới Sơn


       Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay hằng ngày, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,... và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ).
* Đề Cao Tứ Ân
       Ngoài việc tuân theo thuyết vô vi và pháp môn học Phật tu Nhân, Đức Phật Thầy Tây An còn đề cao Tứ ân là ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Đây là bốn ân lớn mà mọi tín đồ đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương phải hết lòng kính thờ và phụng sự. Có thể xem đây là nét tinh túy của đạo BSKH, bởi yếu lý (lẽ cốt yếu) này rất phù hợp với bản sắc của dân tộc Việt Nam.


4141 5 BSKHVL
Bàn thờ Phật Thầy Tây An trong chùa Thới Sơn


       Chính vì vậy, khi quân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, các tín đồ BSKH đã báo "ân đất nước" bằng cách đứng lên chống ngoại xâm, mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) do ông Trần Văn Thành (một trong số đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng.
* Cổ Vũ Khẩn Hoang
       Đức Phật Thầy Tây An rất xem trọng việc khẩn hoang, làm rẫy ruộng để người hành đạo có thể tự túc được lương thực, không cần nhờ vào người khác để mà tu. Nhờ vậy đã dấy lên một phong trào khai hoang rộng khắp miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Theo sách Lịch sử địa phương An Giang của Phan Văn Kiến, thì năm 1851, Đức Phật Thầy Tây An đã phân công các đệ tử là Trần Văn Thành, Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến)... thành lập nhiều đoàn tín đồ đi khẩn hoang những miền đất hoang vu, lập nên những trại ruộng, như ở Cần Lố (Đồng Tháp Mười), Láng Linh (Châu Phú), Thới Sơn (Tịnh Biên)... Nhờ đức tin mà những tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.
Sau này, đạo Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa và đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc các yếu lý trên.
Sám Giảng (trích)
Tương truyền, Đức Phật Thầy Tây An thường căn dặn các tín đồ và người đến chữa bệnh bằng những câu như sau:


… Dặn cùng già trẻ gái trai,
Giữ lòng niệm Phật lâu dài đừng quên.
Thảo ngay nhơn nghĩa cho bền,
Thờ cha kính mẹ, tưởng trên Phật Trời.
Nói cho lớn nhỏ ghi lời,
Nhứt tâm niệm Phật, Phật Trời độ cho.
…. Ai trau công quả cho dày,
Đất bùn có thuở mọc rày hoa sen.
… Màu thiền đắc ý cùng màu,
Còn hơn chen chúc công hầu vương khanh.
… Tây Phương trước mặt chẳng còn bao xa
Cách nhau vì bởi ái hà biển mê
… Dốc lòng niệm chữ từ bi,
Lấy đao trí huệ cắt đi cho rồi...


       Theo sử-liệu, Đức Phật-Thầy Tây-An đã bốn lần chuyển kiếp để tùy cơ hóa-độ chúng-sanh. Các chuyển kiếp từ Đức Phật Thầy Tây An được ghi nhận như sau: 1). Đức Phật Trùm, 2). Đức Bổn Sư Ngô Lợi, 3). Sư Vãi Bán Khoai, và 4). Đức Huỳnh Phú Sổ.
1. Đức Phật Trùm
        Phật Trùm (? - 1875) tên thật là Tà Ponl, người Việt gốc Khmer, sinh ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc, nay là An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương, Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa, Phật-giáo Hòa-Hảo gọi là Phật Trùm. Ngài chính là kiếp thứ nhứt của Đức Phật Thầy Tây An.
       Vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, Ngài bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là "hậu thân" của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là "hồn Trùm" của Phật (nên được tín đồ gọi tôn kính là "Phật Trùm"), theo như mấy câu sám giảng của Ngài còn lưu truyền:


Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
4141 6 BSKHVL
Bàn thờ Phật Trùm tại nhà ở của Ngài khi xưa, nay thuộc ấp Sà lon, xã Lương Phi


       Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết Ngài có để lại một cuốn kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp, bởi vậy chỉ có thể biết được một phần nội dung:


Thương đời ta phải bị đày,
Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
Tu Nhân, Học Phật khá gìn,
Long Hoa đến hội, Phật tiên đến gần...
4141 7 BSKHVL 
Nhà Phật Trùm sinh sống khi xưa tại ấp Sàlon, nay trở thành nơi thờ cúng Ngài.


       Cũng tương tự lối hành đạo của Phật Thầy Tây An, Phật Trùm cho phân phát "lòng phái" [[ii]], trổ tài trị bệnh thật lạ thường. Người ta kể rằng Phật Trùm thường dùng đèn sáp đốt lên, bảo bịnh nhơn ngửi hơi khói mà hết bịnh, nên Ngài còn được gọi là Đạo Đèn.
Cái tên ấy, đã được nhắc đến trong sám giảng của Ngài:


Lâm san nghe tiếng Đạo Đèn,
Gần xa thiên hạ ngợi khen vô cùng.
Kẻ thời đến lãnh giấy thông,
Người thời đến lãnh phù ông đem về...


       Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo Ngài đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là Ngài mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam Ngài rồi kết án tù đày.
       Trong tù, Ngài chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy Ngài hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên Ngài được trả tự do. Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi sang tận bên Campuchia rao giảng đạo.

4141 8 BSKHVL
Mộ Phật Trùm trên lưng chừng núi Sàlon, ấp Sàlon, xã Lương Phi.


       Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch. Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Sàlon, một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
2. Đức Bổn Sư Ngô Lợi
       Ngô Lợi (1831 -1890), tên thật là Ngô Viện, tên khác Ngô Tự Lợi, được người trong đạo gọi tôn kính là Đức Bổn Sư hay Ông Năm Thiếp, là Giáo chủ đạo Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu-Nghĩa), và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Ngài là hiện thân lần thứ hai của Đức Phật Thầy Tây An.


4141 9 BSKHVL
Chùa Tam Bửu (chùa chính của đạo Hiếu-Nghĩa)


Thân Thế
       Ông Ngô Lợi là người ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha tên là Ngô Nhàn (? - 1837), làm nghề thợ mộc; mẹ tên Phạm Thị Xuyến, là người làng Bình An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).

4141 10 BSKHVL

Nơi thờ ÔngNgô Lợi trong chùa Tam Bửu (Ba Chúc, Tri Tôn)


       Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, ông Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mang nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ tát để khuyên người đời tu niệm, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu-Nghĩa.
       Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên Ngài bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, Ngài hồi tỉnh lại, trở thành người "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Bởi đi "thiếp" vào ngày trên và thỉnh thoảng Ngài lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi Ngài là Ông Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, Ngài thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin theo. Vì vậy, về sau người trong đạo Hiếu-Nghĩa cho rằng ngày 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) chính là năm khai sáng đạo Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa. Tuy nhiên, theo sách Địa chí An Giang (tập 2) thì đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm ông Ngô Lợi đưa một số đệ tử vào nơi đấy để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.
Sự Nghiệp
       Sau khi chứng đắc đạo quả (theo cách nói của đạo Hiếu-Nghĩa), ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), ông Ngô Lợi cho hợp ghe thuyền của tín đồ đi đến cất chùa ở cù lao Ba (nay là xã Vĩnh Trường, huyện An Phú), rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo.
       Ngài đã đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết "học Phật tu Nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều".
       Tháng Giêng năm Bính Tý (1876), Ngài cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), rồi đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.
Khởi Nghĩa ở Mỹ Tho
       Năm 1878, ông Ngô Lợi tổ chức hai cuộc lễ đại trai đàn, kéo dài ba đêm liền, vừa để cầu siêu cho những vong linh "vị quốc vong thân", vừa để khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng của hàng ngàn người đến dự.
       Lần đầu diễn ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết "Hội Long Hoa" và tuyên bố "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt". [[iii]]
      Lần thứ nhì diễn ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1878. Trong lần này, ông phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp.
      Ngày 2 tháng 5 năm 1878, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị Pháp dẹp tan. Hai ông Ong và Khả bị Pháp xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879, còn ông Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh, căn cứ của đạo Hiếu-Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước.
Kháng Pháp ở Núi Tượng
       Màn lưới do thám của Pháp liền được lệnh truy lùng ông Ngô Lợi ráo riết, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi Ngài được tín đồ và đồng bào mến mộ che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của Đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi Ngài, cũng bị Ngài cảm hóa rồi theo phe kháng Pháp luôn. Đốc phủ Đỗ Hữu Phương cho tên Bửu, người Minh Hương, mua ba ngàn xâu chuỗi bồ đề từ Chợ Lớn xuống núi Tượng, cúng cho bổn đạo Hiếu Nghĩa mà vẫn không dò hỏi được tin tức gì.
       Tức tối, thực dân Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ tính trong 12 năm (1876-1888), quân Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu-Nghĩa gọi là "đạo nạn", đơn cử như vào năm 1885, ông Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu-Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Si Votha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kinh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay sau đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến ông Ngô Lợi cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Mặc dù cản ngăn được đối phương, nhưng khi ông Ngô Lợi trở về núi Tượng, nhà cửa, chùa chiền ở An Định chỉ còn là những đống tro tàn.
       Nhưng bi thảm nhất là vào năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư, nên khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm ông Ngô Lợi.
       Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và cho sáp nhập thôn An Định vào xã Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào xã Lương Phi...
Qua Đời
        Ngày 13 tháng 10 âm lịch năm Canh Dần (1890), ông Ngô Lợi mất vì bệnh tại chùa Bửu Linh, thuộc thôn An Hòa (nay là khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), gần núi Tượng, lúc 59 tuổi. Sau khi Ngài mất, phong trào kháng Pháp dần tan rã, chỉ còn lại đạo Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa. Ngoài bản kinh Bà La Ni Kinh, từ năm 1879 đến năm 1884, ông Ngô Lợi còn truyền dạy cho tín đồ nhiều bài cung văn sớ điệp với nhiều nghi tiết cúng lễ. Sau, các vị đại đệ tử của Ngài đã ghi chép lại thành tập sách Ngọc Lịch Đồ Thơ Tập Chú.
       Hàng năm, tại khu di tích chùa Tam Bửu – Phi Lai (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) đều có tổ chức lễ vía Đức Bổn sư Ngô Lợi vào ngày 12 và 13 tháng 10 (âm lịch).
3. Sử Vãi Bán Khoai
       Sư Vãi Bán Khoai (? - ?), không rõ họ tên và thân thế. Mặc dù vậy, căn cứ vào cách thức hành đạo và sám giảng của Ngài, mà nhiều tín đồ theo đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương, Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa, và Phật-giáo Hòa-Hảo đều tin rằng Ngài chính là kiếp thứ ba của Phật Thầy Tây An, sau khi vị giáo chủ này đã chuyển kiếp làm Phật Trùm, làm Đức Bổn Sư, để tiếp tục công việc giáo hóa người đời ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
      Ông Lão Bán Khoai tức là Ông Sư Vãi Bán Khoai thường chèo thuyền lui tới đi bán khoai ở vùng kinh Vĩnh-Tế (Châu-Đốc) vào những năm Tân-Sửu (1901) và Nhâm-Dần (1902), thường dùng vải áo khăn của mình để trị bịnh độ đời, nên người đời gọi là Ông Sư Vãi Bán Khoai.
       Vào khoảng năm 1901 và 1902, có một người đàn ông có hình dạng nhỏ bé ốm yếu như người đàn bà, trước ngực thường mang một cái yếm, xa trông giống hệt như một cô vãi, đi bán khoai ở vùng Bảy Núi và kinh Vĩnh Tế để tùy cơ khuyến thiện người đời. Lại nữa, ông trị bịnh cứu đời hay dùng vải áo, vải khăn của mình mà cho, nhân thế người ta đặt cho ông cái biệt danh là Sư Vãi hay Sư Vãi Bán Khoai...
       Sư Vãi Bán Khoai có đến Cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang) một lần, và sau đó trở về núi Cấm. Ông vân du dạy đời như thế khoảng hai năm (1901-1902), rồi mất dạng.
Sư Vãi Bán Khoai có để lại một bổn "Sám giảng người đời" (gồm 11 quyển nhỏ, làm theo thể thơ lục bát) với mục đích dạy người làm lành lánh dữ và trung nghĩa với Tổ Quốc giang sơn, và đến nay vẫn còn truyền tụng.
       Sám giảng người đời do Sư Vãi Bán Khoai truyền lại, cũng nhằm phác họa một thế giới Hạ ngươn đầy dẫy những tai ương và chết chóc. Muốn tránh được họa và được đón nhận cảnh sống yên bình, hạnh phúc ở đời Thượng ngươn, thì người đời cần phải dốc lòng tu thân và hành đạo...


Trích:
Nào khi Sư Vãi Bán Khoai,
Trên kênh Vĩnh Tế, ai ai cũng lầm.
Mặt cân tôi chẳng biết cầm,
Quê mùa già cả, âm thầm biết chi...
... Ai mà lòng quỷ dạ yêu
Tham tiền, thích ác có siêu bao giờ.
Sư đà có dạ đợi chờ,
Rao cho bá tánh trên bờ dưới sông.
Tu hành như buổi chợ đông,
Lao xao một thuở, sao không giữ gìn?...
... Bây giờ hưỡn đãi không lo,
Đến cơn bát loạn nằm co kêu Trời.
Bấy lâu dạy chẳng nghe lời,
Để cho ác thú trên trời xuống ăn.
Đoái nhìn lửa cháy tứ giăng,
Trên non chín động binh chằn kéo ra.
Lao xao kẻ khóc ngưới la,
Cong lưng mà chạy biết ra ngả nào?
Bởi vì thiên hạ hỗn hào,
Cho nên Trời khiến ào ào như giông.
Kẻ thời chết đói dưới sông,
Người thời rắn cắn đầy đồng làng khang.
Ở sao chẳng nghĩ xóm làng,
Đua nhau rượu thịt, nghinh ngang chơi bời.
Sư già giáo huấn hết lời,
Để cho bá tánh rõ đời Hạ ngươn...


      Ngoài việc khuyên đời tỉnh thân thiện niệm, Ngài còn nhắc nhở bổn phận làm người, và gợi lên tấm lòng trung quân ái quốc:


Niệm Phật thì phải chí tình,
Ơn cha nghĩa mẹ giữ mình cân phân.
Niệm Phật phải giữ Tứ Ân,
Ơn nhà nợ nước xử phân trọn nghì.
Và:
Thảo cha ngay chúa xưa nay,
Dẫu mà có thác miễu son tạc thờ
Xem trong các truyện các thơ,
Nịnh thần có thác, miễu thờ ở đâu!


       Ở Bến Tre có một ngôi đền và mộ của Sư Vãi Bán Khoai. Nơi đó không có tài liệu nào viết về thân thế và sự nghiệp của vị tu sĩ này, chỉ biết Ngài tên Huỳnh Phú Minh, pháp danh: Sư Vãi Bán Khoai, sinh năm 1898, mất lúc 21 giờ đêm ngày mùng 10 tháng Hai năm Đinh Dậu (1957), hưởng dương 59 tuổi.

4141 11 BSKHVL

Mộ Sư Vãi Bán Khoai (Huỳnh Phú Minh) ở Bến Tre.
VĨNH LIÊM
(Còn tiếp kỳ sau)


[[i]] Vĩnh Liêm. Tư tưởng “Dân Chủ Xã-Hội” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, Nếp Sống Hòa Hảo, p.p. 17-22, Lulu 2011.
[[ii]] “Lòng phái” là một miếng giấy vàng, có khi giấy bạch, trên đó có in bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương bằng son tàu. Người nhận lãnh tin tưởng là nhờ Lòng phái sẽ được mạnh khoẻ, tránh được tà ma, tai nạn, nên họ giữ gìn cẩn thận và luôn mang theo bên mình.
[[iii]] Theo thuyết Hội Long Hoa, ở thời kỳ mạt pháp Phật Di-Lặc sẽ ra đời, lập lên Hội Long Hoa, để thuyết pháp hóa độ chúng sanh. Trong Kinh Di-Lặc chỉ nói vị Phật này sẽ ra đời vào thời kỳ mạt pháp, nhưng không nói rõ là vào khoảng nào.