User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Những Nét Đặc Biệt Của ĐẠO BỬU-SƠN KỲ-HƯƠNG Và ĐẠO PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO (T.Theo)

(Tiếp theo kỳ trước)


II. ĐẠO PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO

* LƯỢC SỬ ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ (THÂN THẾ)  
     Từ đây, để thống nhất danh xưng, chúng tôi gọi Vị Khai sáng Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo (PGHH) là Đức Huỳnh Giáo-Chủ hay Ngài.  
     Đức Huỳnh Giáo-Chủ đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo (PGHH) tộc danh là Huỳnh Phú Sổ. Ngài sanh vào giờ Tý, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi 1919 (nhằm ngày 15-1-1920 dl) tại làng Hòa-Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang).  
     Ngài sanh trong một gia đình lễ giáo, con trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ, vị Hương Cả trong làng được nhiều người kính nể. Thân mẫu là Đức Bà Lê Thị Nhậm, một bậc hiền thục nhân từ.  
     Như bao nhiêu ấu niên khác, Ngài được thân phụ cho vào trường học Việt ngữ ở xã nhà rồi chuyển lên quận Tân Châu học tiếp. Khi vừa hoàn tất bậc Tiểu học (Certificat d’études élémentaires), Ngài phát bịnh nên phải nghỉ học về nhà lo trị bịnh mất 4 năm (từ 15 đến 19 tuổi).  
     Đức Ông và Đức Bà đã hết phương chạy chữa. Cả Đông dược và Tây dược, Ngài đều dùng qua nhưng không một y dược nào chữa trị được, thân xác phải chịu vày vò bởi nhiều chứng bịnh trầm kha, với thân hình gầy yếu, da mặt xanh xao. Tình trạng ấy tự nhiên biến mất vào năm Kỷ Mão (1939), Ngài hoắc nhiên đại ngộ, nói năng vô cùng uyên bác. Ngài là hiện thân lần thứ tư của Đức Phật Thầy Tây An.  
* BỐN LẦN ĐĂNG SƠN (Đi Núi)  
    Vì “Quyết cứu người dùng Đạo phổ-thông” nên trong thời gian mới khai đạo, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã hướng dẫn một số tín đồ đi núi (“Đăng Sơn”) để làm tăng trưởng đức tin cho một số tân tín đồ tin vào sứ mạng giáo độ và cứu đời của Ngài.  
     Lần thứ nhứt, vào khoảng tháng 6 năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Giáo-Chủ đưa chính thân phụ là Đức Ông Huỳnh Công Bộ đi viếng núi Tà Lơn (Bokor) nằm trong tỉnh Cần Giọt (Kampot) trên đất Cao Miên. Cuộc đăng sơn nầy định đi trong 8 ngày, nhưng mới 6 ngày thì Đức Ông đòi về, thành ra còn thiếu 2 ngày.  
     Lần thứ hai, vào khoảng tháng 7 năm Kỷ Mão, Đức Huỳnh Giáo-Chủ dẫn ông Ngô Ngọc Chơn (tức đạo Năm) ở làng Hòa-Hảo, viếng miền Thất Sơn (tỉnh Châu Đốc) 3 ngày.  
     Lần thứ ba, vào ngày 21 tháng 8 năm Kỷ Mão, Đức Huỳnh Giáo-Chủ dẫn 5 tín đồ: Phan Văn Báo (tức Hai Báo ở làng Phú An), Nguyễn Tấn Bực (tức Biện Hùm ở làng Phú An), Nguyễn Văn Gia (tức Ba Gia), Nguyễn Văn Ban (tức Sáu Ban) và Ngô Ngọc Chơn (tức đạo Năm), ba vị nầy ở làng Hòa-Hảo, viếng miền Thất Sơn (nay thuộc tỉnh An Giang) 5 ngày.  
     Lần thứ tư, vào ngày mùng 6 tháng giêng năm Canh Thìn (1940), Đức Huỳnh Giáo-Chủ dẫn ông Ngô Thành Bá, tục gọi là Biện Đài ở làng Hòa-Hảo, đi viếng núi Tà Lơn và miền Thất Sơn 8 ngày.  
     Từ thuở nhỏ đến lúc khai Đạo, Đức Huỳnh Giáo-Chủ chưa bao giờ đi viếng miền Thất Sơn và núi Tà Lơn. Nhưng trong bốn lần đăng sơn kể trên, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã tỏ ra rất thông thạo đường lối, dẫn dắt tín đồ đến viếng nhiều nơi huyền bí, hé lộ cho các tín đồ thấy những hiện tượng bí ẩn của thế giới siêu hình, làm cho niềm tin của họ tăng trưởng và xác quyết.  
* KHAI SÁNG ĐẠO PGHH  
     Đức Huỳnh Phú Sổ chọn ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (4-7-1939 dương lịch) chính thức khai sáng Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo, mục đích Giáo Dân Hướng Thiện. Ngài đã tỏ ra thông suốt giáo lý Phật-Giáo từ nhiều tiền kiếp, nay chuyển hóa trở lại để tế độ chúng sanh:  
“Lòng yêu sanh-chúng luân-chuyển kiếp,  
Dạ ái dương-trần đổi sắc-thân.”  
     Đức Huỳnh Giáo-Chủ PGHH ra đời tuy có tục danh là Huỳnh Phú Sổ, nhưng trên đường giáo hóa, Ngài còn có nhiều biệt hiệu như Hoàng-Anh, Hồng-Vân Cư-Sĩ, Lão-Sĩ, Sĩ-Cuồng, Cuồng-Sĩ… cũng có khi Ngài ký tên Hòa-Hảo. Ngoài ra, Ngài còn xưng hiệu là Khùng Điên, như trong bài “Diệu-Pháp Quang-Minh” chính Ngài đề bút hiệu là “Khùng Điên tự cảm tác”.  
     Sở dĩ Ngài đề bút hiệu Khùng Điên là có ba lý do đặc biệt: 1). Vì muốn đánh lạc hướng người Pháp, để họ thấy Ngài là một ông Đạo: điên-điên, khùng-khùng. 2). Vì muốn đối nghịch lại với những người ra đời hay xưng mình là khôn lanh, nhưng cái khôn lanh ấy chỉ để lừa dân thủ lợi. 3). Đối trị với các tà thuyết, vì số người nầy ra đời thường hay xưng hô là Phật Thánh, để lừa dối người nhẹ dạ mê tín.

4148 ChanDungDucHGChuVLiem
Chân dung Đức Huỳnh Phú Sổ tại chùa An Hòa Tự  
(Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang), nguồn: Internet



* MẬT THÁM PHÁP CẤM ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ TRUYỀN ĐẠO  
     Đức Huỳnh Giáo-Chủ giảng đạo tại làng Hòa-Hảo và các làng kế cận như Phú An, Phú Lâm, Hưng Nhơn, Mỹ Hội Đông… được khoảng sáu tháng thì nhà đương cuộc Pháp bắt đầu để ý vì sự tập hợp ngày càng đông do thiện nam tín nữ từ các tỉnh lân cận đến. Trước tiên, viên Cai Tổng sở tại và hai viên Quận Trưởng Tân Châu và Chợ Mới được lệnh phải theo dõi, giám sát ngôn ngữ và hành vi của Ngài.  
     Ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940), vào lúc 7 giờ sáng, nhân viên Mật thám Pháp được lệnh đến làng Hòa-Hảo cưỡng bách đưa Ngài về Tòa Bố tỉnh Châu Đốc để điều tra. Vài giờ sau, họ lập tức chở Ngài đi thẳng xuống Sa Đéc. Khi đến Sa Đéc, Ngài được giao cho Chủ sở Mật thám Sa Đéc là Bazin lãnh trách nhiệm xét tra, dòm ngó… Sau đó, Bazin đưa Ngài đến ngụ tại nhà ông Thông phán Đặng.  
     Nhà cầm quyền Sa Đéc nhận được lệnh cấm Đức Huỳnh Giáo-Chủ truyền đạo ở tỉnh nầy nên ngày 18-4 năm Canh Thìn, anh em tín đồ thỉnh Ngài về lưu trú tại nhà ông Hương bộ Võ Mậu Thạnh ở rạch So Đũa (còn gọi là kinh xáng Xà No) thuộc làng Nhơn Nghĩa (Cần Thơ). Mặc dù bị quản thúc tại Xà No, nhưng vì thấy tín đồ bất chấp lệnh cấm, vẫn lén lút đến viếng Ngài nên Đức Huỳnh Giáo-Chủ vẫn tiếp tục “dùng huyền-diệu của Tiên-gia độ bịnh” và hoằng pháp độ nhơn.  
     Ngày 29 tháng 6 năm Canh Thìn, nhà đương cuộc Pháp dời Ngài ra Cần Thơ. Đến đây, họ giữ Ngài lại và gởi vô nhà thương Cần Thơ để khám bịnh tâm thần.  
     Ngày mùng 4 tháng 7 năm Canh Thìn, mật vụ Pháp đưa Đức Huỳnh Giáo-Chủ về nhà thương tâm thần Chợ Quán (Chợ Lớn) để khám nghiệm coi Ngài có mắc bịnh thần kinh hay không? Tại đây, Đức Huỳnh Giáo-Chủ thu phục được Bác sĩ Trần Văn Tâm, Giám đốc bịnh viện, có phận sự xem xét về bịnh tình của Ngài. Bác sĩ Tâm kỉnh tin Đức Huỳnh Giáo-Chủ vì Ngài đối đáp trôi chảy những câu hỏi nan giải về Phật học do ông đưa ra. Ở đây, Đức Huỳnh Giáo-Chủ lại còn thu phục được anh gác cửa nhà thương bằng cách chữa lành bịnh đau mắt của thân mẫu anh ta (chữa bằng một chai nước lã). Nhờ vậy mà anh em tín đồ PGHH muốn vô nhà thương thăm Đức Huỳnh Giáo-Chủ thì thường được sự dễ dãi.  
     Khi còn ở Xà No, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có gởi đơn xin nhà đương cuộc Pháp cho Ngài về tỉnh Bạc Liêu. Hơn nữa, vì khám nghiệm đã lâu mà không thấy Đức Huỳnh Giáo-Chủ có gì gọi là mắc bịnh thần kinh nên nhà chức trách Pháp bằng lòng cho Ngài về Bạc Liêu.  
     Ngày 11 tháng 5 năm Tân Tỵ (1941), Ngài được dời ra ở 8 ngày tại sở Công An Sài Gòn (tục gọi là bót Catinat). Qua ngày 19 tháng 5 năm Tân Tỵ (19-6-1941) Ngài mới được đi Bạc Liêu.  
     Đến Bạc Liêu, Đức Huỳnh Giáo-Chủ được ngụ tại nhà ông bà Võ Văn Giỏi (tục gọi là Ký Giỏi, lúc đó là cựu Thơ ký Soái Phủ Nam Kỳ), nhưng dưới sự giám sát của sở Cảnh Sát. Mỗi tuần, Đức Huỳnh Giáo-Chủ phải đến sở Cảnh Sát trình diện vào buổi sáng ngày Thứ Hai. Ở Bạc Liêu, Ngài không được làm công việc trị bịnh hoặc thuyết pháp độ nhơn, nhưng lại thu nhận khá nhiều tín đồ (một cách kín đáo), bằng chứng là Mẹ và Cậu của bà xã tôi (Tạ Thị Thu-Hồ) đã qui y trong thời gian Đức Huỳnh Giáo Chủ còn tá túc tại nhà ông Ký Giỏi. Hiện ông Cậu vẫn còn sống, đang ở tại Hòa Lan. Năm 1987, tôi và Thu-Hồ có lên gặp Cô Sáu (ái nữ của ông bà Ký Giỏi) tại New Jersey để tìm hiểu thêm về Đức Huỳnh Giáo-Chủ trong thời gian Ngài cư ngụ tại nhà ông bà Ký Giỏi. Cô Sáu có tặng tôi bức ảnh trắng đen chụp ngôi nhà của ông bà Ký Giỏi, thời gian Đức Huỳnh Giáo- Chủ tạm cư ở đó để làm kỷ niệm. Sau đó, tôi có gởi tấm hình ấy cho cô Nguyễn Huỳnh Mai để làm tài liệu, nhưng không rõ cô ấy có còn lưu giữ hay không.  
     Ghi Chú: Nhân dịp nầy, Cô Sáu kể cho chúng tôi nghe một sự việc rất độc đáo về cô gái giúp việc trong nhà ông bà Ký Giỏi. Cô gái nầy còn trẻ, độc thân, được mướn để giúp việc lo chăn màn chiếu gối cho Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Chắc cô ta lầm tưởng Đức Huỳnh Giáo-Chủ chỉ là khách tới thăm, và vì đẹp trai nên cô ta rất để ý tới Ngài, qua cử chỉ liếc mắt đưa tình. Thấy vậy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ bèn cảnh cáo cô ta, Ngài nói: «Chớ nên làm như vậy», rồi Ngài bỏ đi ra nhà trước. Sáng hôm sau, sau khi rửa mặt súc miệng xong, Đức Huỳnh Giáo Chủ đi ra nhà trước, cô gái ấy vào phòng dọn dẹp chăn màn như thường lệ thì liền bị phạt đứng cứng người, không làm được việc gì cả. Người nhà thấy vậy mới hoảng hồn, bèn đi ra phía trước hỏi ý kiến của Đức Huỳnh Giáo Chủ thì Đức Huỳnh bảo người nhà: «Vào bảo với cô ấy từ nay không nên có hành động liếc mắt đưa tình với tôi nữa thì tôi tha cho». Người nhà vào bảo với cô gái ấy và cô hứa không dám làm vậy nữa nên mới được đi đứng trở lại làm việc bình thường.  
     Lúc ấy, người Nhật đã chú ý đến Đức Huỳnh Giáo-Chủ là người có sau lưng một khối quảng đại quần chúng nên họ định dời Ngài về Sài Gòn để lợi dụng sự cộng tác của Ngài. Biết rõ ý định ấy, nhà cầm quyền Pháp dự tính dời Ngài sang Ai Lao (Lào).  
     Do sự tranh chấp giữa Pháp và Nhật, ông Lâm Thơ Cưu, một cao đồ theo đạo từ đầu, đã biết được dự tính của Pháp nên ông liền đến Sở Hiến Binh Nhật tại Sài Gòn, nhờ họ giúp đỡ trong việc đem Đức Huỳnh Giáo-Chủ đi nơi khác, không để cho Pháp đưa đi Ai Lao.  
     Thượng sĩ Kishi của Sở Hiến Binh Nhật (Kempeitai) cùng ông Lâm Thơ Cưu và tài xế Ba Xạ dùng xe hơi xuống Bạc Liêu ngày 12-10-1942, thẳng đến nhà ông Ký Giỏi và chở Đức Huỳnh Giáo-Chủ về Sài Gòn vào ngày 13-10-1942, tới trụ sở hiến binh Nhật ở số 168 đường Lefèvre (về sau là đường Nguyễn Công Trứ) trong vòng cao ốc Phòng Thương Mại Sài Gòn (về sau là hội trường Diên Hồng).  
     Sau hai tháng tá túc tại Sở Hiến Binh Nhật, Đức Huỳnh Giáo-Chủ được dời về ở căn phố lầu số 148 đường Lefèvre (sau dời qua căn kế đó, số 150) cũng thuộc phạm vi quân sự của hiến binh Nhật.  
     Sau khi được tạm yên tỵ nạn, Ngài có dịp tiếp xúc với nhiều nhà trí thức ở Sài Gòn và Gia Định, trong số đó có khá nhiều vị về sau trở thành tín đồ PGHH. Kể từ cuối năm 1942, Đức Huỳnh Giáo-Chủ bắt đầu tiếp xúc bí mật với các nhà ái quốc chân chính để chuẩn bị cho các hoạt động cứu quốc của Ngài.  
* HOẠT ĐỘNG HOẰNG PHÁP & KHUYẾN NÔNG  
     Sau cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945, tình thế ở các tỉnh miền Tây có nhiều chỗ bất an vì sự thay đổi chính quyền. Nhà binh Nhật bèn yêu cầu Đức Huỳnh Giáo-Chủ về các tỉnh miền Tây để trấn an dân chúng. Ngài nhận thấy đây cũng là cơ hội để cho Ngài về thăm lại tín đồ ở làng Hòa-Hảo, nhứt là Đức Ông và Đức Bà đã xa cách tính ra gần 5 năm, và cũng là dịp để cho Ngài xem lại cơ cấu của nền Đạo hầu chấn chỉnh cho phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước.  
     Sáng ngày 28-3-1945, Ngài về làng Hòa-Hảo thăm thân sinh và ở đây một ngày; ngày 29-3-1945 Ngài tiếp tục đi Long Xuyên, Sa Đéc và về lại Sài Gòn vào ngày 1-4-1945 (ngày 19-2 Ất Dậu).  
     Ngày 11-4-1945 dl, Ngài thành lập Ban Trị Sự Trung Ương PGHH và cử ông Lương Trọng Tường làm Chánh Thơ Ký; đồng thời, Ngài chỉ thị cho các Ban Trị Sự Tỉnh Bộ xúc tiến việc tổ chức hệ thống Ban Trị Sự từ tỉnh xuống quận, xã. Công tác tổ chức Ban Trị Sự PGHH trên toàn quốc hoàn thành trong khoảng tháng 5 dl 1945.  
     Trong tháng kế tiếp, trước các tin tức dồn dập về việc quân viễn chinh Pháp theo gót Đồng Minh sắp trở lại tái chiếm Việt Nam, Ngài bèn ủy nhiệm cho các Ban Trị Sự Tỉnh Bộ PGHH xử lý thường vụ các việc giáo sự để Ngài có nhiều thời giờ hoạt động cứu quốc kể từ ngày 21 tháng 4 dl 1945.  
     Lúc bấy giờ, vì thế giới chiến tranh thứ hai đang xảy ra làm cho hàng hóa ngoại bang đắt đỏ mà giá lúa lại quá rẻ nên nông dân thối chí nản lòng bỏ ruộng nương, lo làm nghề khác. Tình hình nông nghiệp rất là nguy khốn. Với viễn ảnh của nạn đói (đã làm chết gần 2 triệu người ở Bắc Việt) đang bao trùm non sông đất nước, người Nhật dư biết uy tín của Đức Huỳnh Giáo-Chủ ở miền Tây Nam Việt (vựa lúa của Việt Nam) rất nhiều nên yêu cầu Đức Huỳnh Giáo-Chủ đi khuyến nông.  
     Thừa cơ hội độc nhứt vô nhị nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đi khắp miền Tây để Khuyến nông, Thuyết pháp, thâu nạp rất nhiều tín đồ và củng cố hàng ngũ hầu chờ cơ ứng dụng.  
     Khởi hành cho cuộc khuyến nông bắt đầu tại Sài Gòn từ ngày 10 tháng 6 dl 1945 đến thượng tuần tháng 8 dl 1945. Trong vòng hai tháng, Ngài đã thuyết pháp tại 107 địa điểm ở khắp miền Tây về các đề tài khác nhau như pháp tu thân, cách đối xử với đồng bào miền Bắc đang gặp nạn đói, bổn phận công dân đối với Tổ-Quốc… Đức Huỳnh Giáo-Chủ thuyết giảng không có nơi nào giống với nơi nào; tùy theo trình độ của đa số thính giả, Ngài nói khi thì cao diệu văn hoa, khi thì thông thường giản dị. Ai đã từng dõi gót theo Ngài trong cuộc khuyến nông nầy đều phải công nhận Ngài là bậc “mồm sông bút sấm”.  
     Ngày 6 tháng 8 năm 1945, bom nguyên tử nổ ở Quãng Đảo (Hiroshima, Nhật Bản) và ngày 8-8 ở Trường Kỳ (Nagasaki, Nhật Bản). Rồi tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện ngày 10-8-1945, Ngài bèn rời khỏi Sở Hiến Binh Nhật, thành lập văn phòng PGHH và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội tại số 8 đường Sohier, góc đường Miche (về sau là đường Tự Đức, góc đường Phùng Khắc Khoan, thuộc vùng Đa Kao, Sài Gòn), và Đệ Tứ Sư đoàn Dân Quân (còn được gọi là Sư đoàn Hòa-Hảo) để chuẩn bị đối phó với tình hình bất trắc.  
     Kể từ đây, hoạt động hoằng pháp được tạm hoãn và hoạt động cứu quốc được công khai xúc tiến mạnh mẽ.  
* HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ  
     Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Ngài cùng ông Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Thạch... liên kết tất cả đảng phái và thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Một ngày sau, Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 19/8/1945, Việt Minh giành chính quyền tại Hà Nội sau một cuộc biểu tình trước nhà hát lớn Hà Nội. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Quốc gia Thống nhất tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn với trên 200.000 người tham dự để ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Ngày 23/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao quyền lãnh đạo cho Việt Minh. Ngày 24/8/1945, Tổng Bộ Việt Minh phái Hoàng Quốc Việt (tức Hà Bá Cang) và Cao Hồng Lãnh vào Nam. Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại trao quyền và trao ấn kiếm của Nhà Nguyễn cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu. Cũng trong ngày 25 tháng 8 năm 1945, Việt Minh tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn.  
     Ngày 8 tháng 9 năm 1945, tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo biểu tình tại Cần Thơ với khẩu hiệu chống Pháp và chống độc tài. Việt Minh cho rằng Phật-Giáo Hòa-Hảo muốn cướp chính quyền nên Lực lượng Thanh niên Tiền phong (Việt Minh) có vũ trang được huy động đến giải tán đoàn biểu tình.  
     Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Việt Minh cho Quốc gia Tự vệ Cuộc bao vây trụ sở Phật-Giáo Hòa- Hảo ở số 8 đường Sohier, Sài Gòn để bắt Đức Huỳnh Giáo-Chủ nhưng Ngài trốn thoát.  
     Ngày 7 tháng 10 năm 1945, 3 tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo cầm đầu biểu tình ở Cần Thơ là Huỳnh Thạnh Mậu (em ruột Đức Huỳnh Phú Sổ), Trần Ngọc Hoành (con ông Trần Văn Soái tức Năm Lửa), Nguyễn Xuân Thiếp (tức nhà thơ Việt Châu – Anh chú bác với học giả Nguyễn Hiến Lê) bị kết án âm mưu lật đổ chính quyền và đưa ra xử tử hình tại sân vận động Cần Thơ.  
     Sau tạm ước ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp và Việt Minh, Việt Minh cải thiện quan hệ với Phật-Giáo Hòa-Hảo. Đức Huỳnh Phú Sổ được mời tham gia Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ (do Việt Minh lãnh đạo) với chức vụ Ủy viên Đặc biệt, nhưng Việt Minh vẫn có thái độ e dè không tin tưởng vào Ngài.  
     Giữa năm 1946, Đức Huỳnh Phú Sổ tham gia Mặt trận Quốc gia Liên hiệp và làm Chủ tịch với bí danh Hoàng Anh. Mặt trận này ủng hộ việc đàm phán với Pháp để thành lập một chính quyền do phe quốc gia lãnh đạo. Mặt trận quyết định ủng hộ chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ để từ đó tiến tới thành lập một chính quyền thống nhất Việt Nam.  
     Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Đức Huỳnh Phú Sổ và một số trí thức có khuynh hướng dân tộc thành lập Việt-Nam Dân-chủ Xã-hội Đảng, gọi tắt là Dân-Xã đảng.  
     Ngày 17 tháng 2 năm 1947, đại diện của Đức Huỳnh Giáo-Chủ là ông Nguyễn Bảo Toàn (bí danh Nguyễn Hoàn Bích) cùng với lãnh đạo các đảng quốc gia như: ông Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội), ông Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc Dân Đảng)… thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp với mục đích hậu thuẫn Vua Bảo Đại đàm phán với Pháp để thành lập Quốc gia Việt Nam. Theo kế hoạch, Phật-Giáo Hòa-Hảo cùng các đảng phái, tôn giáo sẽ xử dụng lực lượng vũ trang của mình để chiếm lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ địa, hầu nắm lấy các nguồn tiếp liệu lương thực và kiểm soát các đường giao thông để cô lập lực lượng kháng chiến của Việt Minh ở chiến khu 7, vô hiệu hóa hai chiến khu 8 và 9. Về mặt chính trị sẽ tạo thế liên kết với các đảng phái ở miền Bắc để chống lại quyền lãnh đạo Việt Nam của Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  
     Đầu tháng 4/1947, các đơn vị vũ trang của Đạo Cao Đài, Phật-Giáo Hòa-Hảo, Đại Việt, Bình Xuyên di chuyển về Đồng Tháp Mười lập căn cứ. Trên đường hành quân, các đơn vị quân sự này bị Chi đội 18 và Chi đội 12 Vệ quốc đoàn (Việt Minh) phục kích ngăn chặn. Họ còn bị phi cơ Pháp bắn phá. Chỉ có một số đơn vị Phật-Giáo Hòa-Hảo và Đại Việt đến nơi nhờ thông thuộc địa bàn. Các đơn vị Cao Đài và Bình Xuyên bị kẹt lại khu 7.  
    Ngày 16 tháng 4 năm 1947, Đức Huỳnh Phú Sổ đột ngột biến mất sau khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật-Giáo Hòa-Hảo. Sau sự kiện này, quan hệ giữa Việt Minh và Cao Đài, Phật-Giáo Hòa-Hảo, Bình Xuyên hoàn toàn đổ vỡ.  
* LÒNG ÁI QUỐC VÀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ  
 Đức Huỳnh Giáo-Chủ không thể lặng nhìn trước cảnh quốc phá gia vong:  
“Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,  
Thương đời chưa vội ẩn non cao.”  
(Yêu Nước)  
     Ngài cũng quan niệm rằng: “Hễ nước mất thì cơ-sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực-rỡ.” (Hiệu-Triệu), cho nên Ngài cương quyết lên đường cứu quốc:  
“Tăng-sĩ quyết chùa, am bế cửa,  
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông-pha.”  
(Tặng Thi-sĩ Việt-Châu)  
     Lòng ái quốc cũng như tình thương nhân loại của Đức Huỳnh Giáo-Chủ thật là vô bờ bến, chẳng những được chứng minh tràn ngập trong Thi Văn của Ngài mà còn được cụ thể hóa qua sự hy sinh cao quý của Ngài trong nhiều trường hợp đau thương. Bao nhiêu lần bị Việt Minh âm mưu ám hại mà Ngài vẫn không đối đầu, chỉ một lòng tìm phương hóa giải, đoàn kết để cùng nỗ lực chống ngoại xâm, cứu nước.  
     Lần đầu tiên bị Việt Minh vu cáo và vây hãm ở văn phòng PGHH tại số 8 đường Sohier, góc đường Miche (Sài Gòn). Một lần khác bị Việt Minh phục kích trong khu Vàm Cỏ Đông. Và lần thứ 3, Ngài bị Việt Minh chận đánh cùng bộ đội tại kinh Gẫy Cờ Đen, Đồng Tháp, khi Ngài di chuyển lực lượng kháng chiến từ khu 7 miền Đông sang khu 8 Tiền giang.  
     Tuy em ruột là ông Huỳnh Thạnh Mậu, bị Việt Minh vu cáo và xử tử hình tại Cần Thơ cùng nhiều tín đồ thân tín, nhưng lúc nào Ngài cũng khuyên mọi người nên gác qua một bên thù riêng và biểu dương tinh-thần đoàn kết để cứu nước:
“Lúc bây giờ muôn binh xâm-lược,  
Đang đạp-giày non nước Việt-Nam.  
Thù riêng muôn vạn cho cam,  
Cũng nên gác bỏ để làm nghĩa công.”  
(Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh)  
     Ngài dứt khoát chủ trương thực hiện đoàn kết, bảo tồn các lực lượng đấu tranh để cùng chống giặc cứu nước và cho đến phút cuối cùng, nguy nan nhất, đêm 16-4-1947 dl, Ngài vẫn cố gắng tránh xung đột, cương quyết ra lịnh cho hai ông Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Nguyễn Giác Ngộ: “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu. Hãy đóng quân y tại chỗ”.  
     Về phương diện quốc gia, Ngài chủ trương theo chủ nghĩa Dân-Chủ Xã-Hội, đó là một thể chế Trung Lập hay “trung-hóa” giữa hai cực đoan: Tư bản và Cộng sản, không có giai cấp đấu tranh và chuyên chính vô sản, cũng không có tư bản bốc lột, tất cả đều được xây dựng trên nền tảng đạo đức.  
     Về phương diện quốc tế là Dân Tộc tự quyết, bình đẳng, không có đế quốc chủ nghĩa mà chỉ có sự bang giao công bình và nhân đạo.  
     Vì vậy, tư tưởng chính trị của Ngài chẳng những đáp ứng được nhu cầu cứu nước mà còn phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại trên bước đường tương lai của một xã hội quân bình an lạc.  
     Tư tưởng chính-trị của Ngài được thể hiện qua bản Hiệu Triệu của Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động Hội, Tuyên-Ngôn và Chương-Trình của Việt-Nam Dân-ChủXã-Hội Đảng.  
     Trong bài phỏng vấn của ông Hồn-Quyên, báo Nam-Kỳ ngày 21-9-1946, Ngài chủ trương đưa vào Chính trị “Đức-tánh Từ-Bi, Bác-Ái Đại-Đồng và tinh-thần bình-đẳng của Phật-Giáo nhằm thực-hiện một xã-hội công-bằng và nhân-đạo… để phụng-sự một cách thiết-thực cho đồng-bào và nhơn-loại”.  
      Chủ trương của Ngài: Đưa Đạo vào Chính-trị nhằm hóa giải tinh thần đấu tranh vì danh lợi, quả thật khác hẳn với việc đem Chính trị vào Đạo để mượn danh Đạo tạo danh Đời mà hậu quả chỉ chuốc lấy thất bại đau-thương.  
     Chính vì chủ trương đưa Đạo vào Chính-trị, nên sự cứu nước của Ngài khác hơn nguời thường là khi lấy lại được nền độc lập tự do cho nước nhà, thì Ngài trở về vị trí của một nhà tu, chớ không bám vào lợi danh huyền ảo, Ngài cho biết:  
“Đền xong nợ nước thù nhà,  
Thiền-môn trở gót Phật Đà Nam-mô.”  
(Tặng Thi-sĩ Việt-Châu)  
Bước lưu hành của Đức Huỳnh Giáo-Chủ PGHH đến đâu và ở đâu Ngài cũng quyết:  
“Dìu nhơn-sanh khỏi chốn mê-lầm,  
Bờ giác-ngạn kiên tâm lần bước tới.”  
(Gởi Bác-sĩ Cao-Triều-Lợi ở Bạc-Liêu)  
     Vì nặng mang một hoài bão lớn lao nhằm dẫn dắt nhân sinh đi tìm Chân Lý, cho nên dù Đức Huỳnh Giáo-Chủ khai Đạo gặp nhiều khó khăn trở ngại và điều kiện hoằng pháp bị sự kềm kẹp gắt gao của thực dân Pháp, nhưng Ngài vẫn không sờn lòng trước bao nghịch cảnh, như Ngài đã thốt trong bài thơ Sa-Đéc:  
“Dầu gian-lao dạ sắt chẳng sờn,  
Miễn sanh-chúng thông đường giải-thoát.  
Cơn dông-tố mịt-mù bụi cát,  
Chẳng nao lòng của đấng từ-bi.”  
(Sa-Đéc)  
     Về mặt tôn giáo, Ngài khai Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo với mục đích vãn hồi Đạo Nhân và xướng minh Đạo Phật, tiếp nối tông phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương với pháp môn Học Phật Tu Nhân do Đức Phật-Thầy Tây-An khai thị. Kết quả là một nền Đạo đã phát triển khắp miền Tây Nam Việt, gây thành một phong trào đạo đức chưa từng thấy. Điều đó đủ nói lên tính chất của pháp-môn nầy trong việc biến cải đời sống tâm linh và vật chất của ngót hai triệu tín đồ lúc bấy giờ, đa số là nông dân đang sống trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp áp bức tàn bạo.    
     Với ý nguyện muốn cho tín đồ có cơ hội lập công bồi đức, tạo lấy công quả cho bước đường tiến tu cầu đạo siêu sanh giải thoát mà Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã dấn thân trong công cuộc cứu nước bằng cách thành lập nghĩa binh và tham gia hoạt động chính trị.  
     Về mặt quân sự, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ngài lập Nghĩa-Binh Vệ-Quốc Nguyễn-Trung-Trực, lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp làm gương cho binh sĩ noi theo, hầu bảo vệ quê hương xứ sở, cũng là một phương tiện giúp cho tín đồ hành sử Tứ-Ân, thực thi hạnh vô úy để đền đáp ân đất nước:  
“Tu đền nợ thế cho rồi,  
Thì sau mới được đứng ngồi Tòa sen.”  
(Sám Giảng)  
     Về mặt chính trị, để tranh đấu cho quốc gia dân tộc thoát khỏi chế độ thực dân, cho nền độc lập tự do dân chủ và công bằng xã hội, Ngài đã hiệp cùng các nhà cách mạng thành lập Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Đảng (gọi tắt là Dân-Xã Đảng), với chủ nghĩa Dân-Chủ Xã-Hội nhằm thực hiện một xã hội dân chủ có tự do và quyền tư hữu cho con người; đồng thời, có công bằng về quyền lợi kinh tế.  
     Sự ra đời của Dân-Xã Đảng là một tiên liệu sáng suốt của Đức Huỳnh Giáo-Chủ để vạch trước cho dân tộc con đường thích hợp, sau giai đoạn giải phóng đất nước là giai đoạn cách mạng con người và cách mạng xã hội, xây dựng lại một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường, với một xã hội công bằng và tự do.  
* PHƯƠNG TIỆN ĐỘ ĐỜI  
     Trong công cuộc cứu thế độ nhân, Đức Huỳnh Giáo-Chủ dùng ba phương tiện chính yếu, được gọi là Tam Độ Nhất Như, để cứu đời:  
     1.– Trị Bịnh Độ Đời: Đức Huỳnh Giáo-Chủ “dùng huyền-diệu của Tiên-gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ-bi của Chư Vị với Trăm Quan” (Sứ-Mạng của Đức Thầy).  
     Nhiều bịnh dị kỳ, bịnh tà, bịnh nan y… đã được Đức Đức Huỳnh Giáo-Chủ chữa lành hẳn. Mỗi khi trị bịnh cho người nào, Ngài đều khuyên họ nên niệm Phật tưởng Trời và van vái Thần, Thánh, tin tưởng các đấng thiêng liêng, vì:  
 “Thành lòng nước lã nên hồ,  
Hữu tâm chí đức cam-lồ Phật ban.”  
     2.– Thuyết Pháp Độ Đời: Sau ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Giáo-Chủ nói chuyện nhiều hơn trước, gặp ai cũng nói và khuyên mọi nguời nên làm lành lánh dữ, niệm Phật, xem Kinh. Ngài còn thuyết pháp hằng trăm, hằng ngàn lần trước đại đa số quần chúng. Ngài thuyết minh Chánh-Pháp Vô-Vi và con đường tội phước để cho mọi người nhận thức được chân lý mà phát tâm hành thiện. Ngài đã nói: “Phương-pháp của Ta tùy trình-độ cơ cảm của Tín-nữ, Thiện-nam, trên thì nói Phật-pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện-duyên cùng Thầy Tổ” (Sứ-Mạng của Đức Thầy).  
     Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt, giảng giải cho quần chúng nghe giáo lý nhà Phật và phương pháp tu hành. Ngài thuyết pháp không ngừng, lúc thanh thoát, lúc thâm trầm, lưu loát mà rõ ràng, khi cao siêu, khi giản dị. Mỗi lần Ngài cất tiếng lên, người nghe cảm thấy say mê, thân tâm êm dịu, cõi lòng rỗng sáng, muốn nghe hoài nghe mãi.  
     3.–Sáng Tác Sấm Giảng Độ Đời: Ngoài việc trị bịnh và thuyết pháp, Đức Huỳnh Giáo-Chủ còn sáng tác rất nhiều Thi Văn Sấm Giảng để tiện bề truyền bá giáo lý khắp bá tánh. Ngài cho biết:  
 “Ta yêu chúng viết ra Giảng Kệ,  
Khuyên tăng-đồ cùng các tín-đồ.  
Nghe cạn lời chớ có mờ-hồ,  
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo.”  
(Giác Mê Tâm Kệ)  
     Các tác phẩm của Ngài phần nhiều thuộc loại văn vần (thơ). Ngài viết một mạch không cần suy nghĩ và khỏi dùng giấy nháp.  
* GIÁO LÝ VÀ GIÁO PHÁP  
Xin kể sơ lược những tác phẩm của Đức Huỳnh Giáo-Chủ:  
     * Quyển 1: “Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm” viết theo thể thơ lục bát (6-8) hồi tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa-Hảo, gồm 912 câu, khởi đầu bằng câu: “Hạ-nguơn nay đã hết đời” và chấm dứt bởi câu: “Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên”.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đánh thức bá tánh vạn dân bằng cách tiên tri những cảnh lầm than khốn khổ mà nhân loại phải trải qua trong thời kỳ can qua binh lửa. Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng tường thuật việc Ngài hóa hiện ra người đui cùi, đói rách, buôn gánh bán bưng, khi già lúc trẻ, khi dốt lúc quê, khi nam lúc nữ, v.v… để đi dạo lục châu (6 tỉnh Miền Tây) thử lòng bá tánh, tỉnh giác người đời bằng vè, thi-ca, giảng…  
     * Quyển 2: “Kệ dân của Người Khùng” viết theo thể thơ thất ngôn (7 chữ) ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa-Hảo, gồm 476 câu, khởi đầu bằng câu: “Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế”và chấm dứt bởi câu: “Ta ra sức dắt-dìu bá-tánh”.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ vừa tiên tri những tai nàn sắp đến, vừa khuyên bá tánh làm lành lánh dữ. Ngoài ra, Ngài cũng không ngần ngại đánh đổ những sự mê tín dị đoan của các nhà sư chỉ dụng thinh âm sắc tướng và bồ đề chuỗi hột để mê hoặc bá tánh thập phương.  
     * Quyển 3: “Sám Giảng” viết theo thể thơ lục bát hồi tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa-Hảo, gồm 612 câu, khởi đầu bằng câu: “Ngồi trên đảnh núi Liên-đài” và chấm dứt bởi câu: “Chúc cho bá-tánh muôn sầu tiêu-tan”.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ dạy tu Nhân đạo một cách hoàn bị: Trai thì giữ tam cang ngũ thường, gái thì gìn tam tùng tứ đức. Ngài cũng chỉ cách đối đãi với bà con nội ngoại, cô bác anh em, xóm giềng lân cận, việc hiếu đạo đối với cha mẹ…  
     * Quyển 4: “Giác Mê Tâm Kệ” viết theo thể thơ thất ngôn ngày 20 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa-Hảo, gồm 846 câu, khởi đầu bằng câu: “Khai ngọn đuốc từ-bi chí-thiện” và chấm dứt bởi câu: “Mong bá-tánh vạn dân giải-thoát”.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng nói trước những tai họa hãi hùng mà chúng sanh sẽ phải trải qua trong thời Hạ nguơn mạt kiếp. Ngài còn giảng rõ thế nào là tứ đổ tường, tứ khổ, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, Tứ Diệu Đề, Bát Chánh và Bát Nhẫn.  
Ngài cũng nói rõ:  
Quyết dạy trần nên nói lời thường,  
Cho sanh-chúng đời nay dễ biết.”  
(Giác Mê Tâm Kệ)  
     * Quyển 5: “Khuyến Thiện” viết năm Tân Tỵ (1941) tại nhà thương Chợ Quán (Chợ Lớn), phát hành lần đầu năm Nhâm Ngũ (1942) tại Bạc Liêu, gồm 776 câu, đoạn đầu và đoạn thứ ba viết theo thể thơ lục bát, đoạn nhì và đoạn chót viết theo thể thơ thất ngôn. Tác phẩm nầy khởi đầu bằng câu: “Băng tâm ngẫu hứng thừa nhàn” và chấm dứt bởi câu: “Sĩ xuất văn-từ dốc dạy khuyên”.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ nhắc lại tiểu sử Đức Phật Thích Ca và luận giải về tám sự khổ trong cõi Ta bà, về pháp môn Tịnh độ, về cách diệt ngũ trược, trừ thập ác và hành thập thiện.  
     * Quyển 6: “Tôn-Chỉ Hành Đạo” hay “Những điều sơ-lược cần biết của kẻ tu-hiền”. Quyển nầy Đức Huỳnh Giáo-Chủ viết hồi tháng 5 dương-lịch 1945 tại Sài Gòn, theo lối văn xuôi (tản văn). Tuy văn xuôi, quyển nầy có một đặc-sắc là giản dị và lưu loát, âm hưởng du dương, nhịp nhàng.  
     Trong quyển nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ minh giải về Tứ Ân, Tam nghiệp, Thập ác và Bát Chánh. Ngài còn giảng dạy về cách thờ phượng, cúng lạy, nghi thức cử hành tang lễ, hôn nhân, cách đối xử với các tôn giáo bạn, với các tăng sư, v.v...
     Sáu quyển giảng nói trên đã được kết tập lại thành Phần I – Sấm Giảng Giáo-Lý trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo-Chủ.  
     Ngoài sáu quyển vừa kể, Đức Huỳnh Giáo-Chủ còn viết ra trên 200 bài thơ, bài văn được kết tập lại thành Phần II – Thi Văn Giáo-Lý trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo-Chủ.  
     Nội dung phần II gồm nhiều bài văn xuôi (tản văn), bài thơ viết theo nhiều thể loại: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn trường thiên, song thất lục bát, tứ ngôn và một số bài biến thể. Trong đây, Đức Huỳnh Giáo-Chủ, viết để dạy riêng một người hay đáp họa với một người khác, hoặc viết để cảnh giác, hoặc viết để khuyến tu... Tựu trung, thảy đều bao hàm một giáo nghĩa thâm huyền mà cho dẫu không phải người trong đạo, đọc đến cũng đều có lợi cho sự tu hành.  
     Sau khi nghiên cứu và phân tích tất cả các tác phẩm của Đức Huỳnh Giáo-Chủ trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, chúng tôi có thể tóm lược như sau:  
     * Về nội-dung: Ngài thức tỉnh người đời rằng tuồng đời sắp hạ và mách bảo vô số tai họa thảm khốc sẽ xảy ra. Ngài thuyết giảng Phật pháp và chữa bịnh cho quần chúng hầu dẫn dắt họ trở về chánh đạo, học Phật tu Nhân, giải thoát thân tâm và giúp cho non sông đất nước thoát khỏi ách độc tài đô hộ, thống trị bởi cường quyền thực dân Pháp.  
     * Các Pháp tu tập của Ngài rất thích hợp với mọi trình độ để mọi người cùng nhau thăng hoa, hoặc được sống còn sang đời Thượng ngươn.  
     Điều thâm diệu nhất trong Giáo lý PGHH là sự kết hợp tinh hoa Tam giáo: Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo mà Phật giáo là chánh yếu.  
     1). Tinh hoa Nho giáo gồm toàn bộ tư tưởng Khổng Mạnh và tất cả các pháp tu thân để thành tựu đạo Nhân nhằm giúp con người tiến hóa từ phàm phu đến hiền nhân quân tử để quy Thần và cuối cùng đạt đến quả vị Thánh.  
     2). Tinh hoa Lão giáo gồm tinh thần Lão Trang với lý tưởng sống phù hợp với thiên nhiên, với Trời Đất, không còn bị cám dỗ bởi cảnh đời phàm tục, giúp con người đi đến thoát tục.  
     3). Tinh hoa Phật giáo gồm tư tưởng khổ Ta bà, vô thường, vô ngã, vô vi của Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như tinh thần vị tha, Từ Bi Hỉ Xả của Phật Giáo Đại Thừa, cùng các pháp môn căn bản như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tịnh Tam Nghiệp, Diệt Vô Minh, Thất Tình Lục Dục… và các pháp tùy thuận như Tịnh Độ, Thiền, Thiền Tịnh song tu, Phước Huệ đồng tu, và pháp Tứ Ân dành cho hàng cư sĩ học Phật tu Nhân tại gia.  
     Đặc biệt hơn nữa là tinh thần chấn hưng Phật-Giáo của Đức Huỳnh Giáo-Chủ qua sự việc Ngài khuyến tu theo tinh thần Đại Thừa của Đức Lục Tổ Huệ Năng, dẹp bớt các hình thức thinh âm sắc tướng của tông phái Thần Tú; đồng thời, bài trừ nạn mê tín dị đoan theo tà phái, cùng các nghi lễ phiền toái của Nho giáo.  
     Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã nhìn thấy tư-tưởng và các pháp của Tam giáo chẳng những không đối nghịch nhau mà còn tương thuận, tương ứng tùy căn duyên và hoàn cảnh. Dân chúng Việt Nam vốn thấm nhuần từ ngàn xưa tư tưởng Nho, Lão, Phật, có thể tùy căn cơ và trình độ, lựa chọn và hành trì pháp môn nào thích hợp với mình để tìm sự thăng hoa cho tâm linh.  
     Ngoài ra, Đức Huỳnh Giáo-Chủ còn triển khai pháp Tứ Ân của Đức Phật-Thầy Tây-An, một pháp có tính cách chuyển tiếp, làm gạch nối liền giữa Nhân đạo và Phật đạo, giúp cho hàng Phật tử học Phật tu Nhân tại gia có một pháp môn tu tập không vượt quá khả năng và hoàn cảnh của mình. Sự kết hợp và hệ thống hóa tinh hoa Tam giáo, và triển khai pháp Tứ Ân trong Giáo lý PGHH đã tạo cho nền đạo nầy có một sắc thái đặc biệt dân tộc, vừa thoát tục trong tư tưởng, vừa nhập thế giúp đời vì nghĩa vụ và bổn phận. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn dân đang tranh đấu giành độc lập cho nước nhà, pháp Tứ Ân đã được rất nhiều người hoan nghinh tiếp nhận.  
    Về mặt hoằng pháp, PGHH vẫn là một tông phái Phật giáo, vì Đức Huỳnh Giáo-Chủ lúc nào cũng minh xác: “Tôi là một đệ-tử trung-thành của đạo Phật” lấy pháp môn “Vô-vi, sắc không, không sắc” làm kim chỉ-nam để “nối theo chí Thích-Ca ngày trước”.  
     Lão Đưa Đò: Một hóa thân của Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Lúc dạo Lục-Châu (sáu tỉnh Miền Tây Nam Việt), Ngài thường giả Ông Chèo Đò, bấy giờ (1939) dân chúng ở khắp sáu tỉnh, nhứt là rạch Ông Chưởng, người ta thường thấy một ông Lão chèo một chiếc ghe nhỏ vừa rao: “Đò tôi đưa người tác phước thiện duyên. Đò tôi đưa về Bồng-Lai Tiên cảnh. Ai có rảnh thì đi, còn mắc nợ trần thì ở lại.”
(Avondale, 21/5/2021)  
VĨNH LIÊM  
Tài Liệu Tham Khảo:  
- Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, GHPGHH ấn hành 2014.  
- Lược Sử Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, GHPGHH, 2021.  
- Chú Thích Quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, GHPGHH, 2021.  
- Vĩnh Liêm. Nếp Sống Hòa-Hảo, Tiểu-luận, Lulu.com 2011.  
- Bửu Sơn Kỳ Hương (Wikipedia).  
- Đoàn Minh Huyên (Wikipedia).  
- Phật Trùm (Wikipedia).  
- Ngô Lợi tức Đức Bổn Sư (Wikipedia).  
- Sư Vãi Bán Khoai (Wikipedia).  
- Huỳnh Phú Sổ (Wikipedia).  
- Phật Giáo Hòa Hảo (Wikipedia).