User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tưởng Niệm Quốc Hận Lần Thứ 6 Giữa Rừng Thái Lào & Một Bài Thơ Kỳ Lạ.
I-Tưởng Niệm Quốc Hận Lần Thứ 6 Giữa Rừng Thái Lào (1981)
VÕ ĐẠI TÔN
3716 1 QuocHanLanThu6VDT
30.4.1981 - Băng rừng trở lại Quê Hương – (Trích hồi ký Tắm Máu Đen, xuất bản tại Úc Châu 1992, tái bản tại Hoa Kỳ 2000).

      Hôm nay là ngày tưởng niệm Quốc Hận lần thứ sáu. Tôi và Lộc thức dậy sớm, nhìn từng vệt nắng xuyên qua lá cây rừng, bâng khuâng. Từng vũng nước mưa còn đọng lại từ tối hôm qua, dường như đang mời đám muỗi rừng, sâu bọ kéo đến điểm tâm uống nước. Tôi nói với Lộc độ 10 giờ thầy trò mình sẽ làm lễ Quốc Hận.
      Cách nay 6 năm về trước, khoảng 10 giờ sáng, tướng Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng cộng sản và ra lệnh cho anh em quân nhân chúng tôi đồng loạt bỏ súng, trở thành những kẻ rã ngũ bơ vơ, không lối thoát, đưa nước Việt Nam vào chốn nghèo khổ tận cùng, bị đày đọa dưới một chế độ đảng trị độc tôn, đi thụt lùi hàng nửa thế kỷ trước sự văn minh phát triển của nhân loại. Và hôm nay, chúng tôi phải lạc loài trong khu rừng xa lạ này để mong góp công vào Cách Mạng Phục Quốc !.
      Ở đây chúng tôi không có cờ để lập bàn thờ, không có nhang đèn, không có gì cả. Chỉ có những tấm lòng yêu thương Tổ Quốc và tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì Lý Tưởng Tự Do. Tôi nói Lộc lục ba lô lấy gói đựng mấy trăm bức Tâm Thư Hải Ngoại, như một loại truyền đơn mà chúng tôi sẽ mang về quê hương, có in hình cờ vàng ba sọc đỏ, do anh Phạm Trúc Việt, ủy viên chính trị của Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc, gửi qua khi tôi còn ở Bangkok. Thầy trò tôi mặc quân phục, cầm tờ truyền đơn, đi vào rừng sâu, treo lên một cành khô. Bàn thờ Tổ Quốc của chúng tôi đó.
      Chúng tôi nghiêm chỉnh làm lễ chào quốc kỳ, mặc niệm, rồi đọc kinh cầu nguyện cho đoạn đường sắp đi và những ngày tháng sắp tới bớt chông gai, gian khổ, để làm tròn nhiệm vụ trở lại quê hương. Sau “buổi lễ” , chúng tôi đứng im lặng, ngậm ngùi. Sáng nay không có gió, lá cây rừng cũng đứng im phăng phắc. Chỉ có tiếng ve kêu như một điệu nhạc buồn, đều đều, u uất. Có lẽ trên toàn thế giới Tự Do hôm nay, đây là lễ tưởng niệm Quốc Hận Việt Nam lạ thường, ngậm ngùi và cô đơn nhất.
      Tôi nhớ lại những năm trước, tôi đã chit khăn tang cùng đoàn tuần hành im lặng đi khắp thành phố Sydney ở Úc, trong những lần tưởng niệm 30 tháng 4. Hôm nay, ở Úc Châu, Hoa Kỳ, khắp nơi tại hải ngoại có tổ chức đúng vào ngày Quốc Hận, hay vì “kẹt” ngày đi làm nên ít người tập họp, phải đợi đến ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, mới đông ? Theo nhịp điệu này thì đối với một số người, Quốc Hận sẽ trở thành một nghi thức “trang hoàng chính trị” thông thường , cho có lệ ?!.
      Sau những phút tưởng niệm Quốc Hận cô đơn giữa khu rừng, chúng tôi quây quần ăn trưa với anh em kháng chiến Lào. Chúng tôi ăn cơm với muối mè, cá khô. Có nhiều thiếu niên du kích kháng chiến Lào chỉ độ 15. 16 tuổi, mang nặng ba lô và trang bị súng đạn đầy người. Có chú kháng chiến Lào được biệt phái giúp cơm nước cho chúng tôi, chỉ mới 17 tuổi, mà đã đi theo du kích kháng chiến Lào 6 năm rồi – 17 tuổi đời, 6 tuổi lính !. Chú tên là Prit-na, lúc nào cũng quanh quẩn bên tôi và gọi tôi là “Pho” (cha). Nghỉ trưa xong, tôi và Prit-na đi tắm, nơi một vũng nước vàng khè đầy muỗi mòng, lăng quăng và lá cây mục thối. Nước uống cũng nơi đó, mỗi lần múc lên nấu sôi vẫn còn thấy xác lăng quăng nát nhừ. Ngủ trên sập làm bằng nẹp tre rừng.

3716 2 QuocHanLanThu6VDT

     Chiều nay, bỗng nhiên tôi nghe đại úy Lào tên là Sisavang bảo lính làm thịt một con gà giò mời chúng tôi ăn, sau khi họp bàn gì đó với anh em trong trung đội dẫn đường. Ăn xong, Sisavang chậm rãi nói bằng tiếng Lào với tôi : - “Prung ní, pay Vietnam” (Ngày mai đi Việt Nam) !.
Nửa khuya, chú bé Prit-na đến chỗ tôi nằm, đòi đi theo. Tôi thương Prit-na như con, lại nghĩ đến vợ con tôi đang sống bơ vơ tại Úc, con trai tôi mới lên 2 tuổi. Vì thấy Prit-na còn nhỏ, tôi lo ngại nhiều gian lao bất trắc sẽ xảy ra, cho nên tôi không cho theo. Chú bé ôm tôi mà khóc. Tôi cũng ứa nước mắt, giữa đêm khuya rừng, Tôi lại nghĩ đến tương lai của thế hệ Trẻ, một trong những mục đích chúng tôi lên đường là để “lót đường” tìm tự do nhân bản cho tuổi trẻ mai sau.
Và… sau ngày Quốc Hận giữa rừng Thái-Lào, chúng tôi lên đường về hướng Hạ Lào (02.5.1981), trở lại quê hương…
Võ Đại Tôn.


***
II-Một Bài Thơ Kỳ Lạ
3709 MotBaiThoKyLaKhuyetDanh

Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời !
      Phải nói là bái phục bài thơ lạ kỳ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu từ Paris đăng trên "Khuôn Mặt Văn Nghệ".
      Không biết tác giả là ai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, càng thêm yêu quý và càng phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà có kẻ bày ra thứ trò cải tiến nhảm nhí và muốn phá hoại chữ nghĩa của bao thế hệ tổ tiên để lại.

**
Bây giờ ta hãy chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bài thơ này
1. Bài thơ gốc :
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
(Sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) :
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta sẽ được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) :
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc :
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc :
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ngược từ dưới lên :
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta ./.
(Khuyết danh)
(From : VĐT Sydney )