Đường Vào NÔNG SƠN (Tr.Đọc & Tr. Ngắn )
*****
1- Truyện Đọc : Đường Vào NÔNG SƠN (Huy Văn)
- Tác giả : Huy Văn
- Giọng đọc : Nguyễn dom Tai
- Hồi Ký Miền Nam
~ooOoo~
2- Truyện Viết : Đường Vào NÔNG SƠN (Huy Văn)
Xin chân thành cảm ơn:
Đại Tá Trần Kim Đại, Liên Đoàn Trưởng LĐ12 BĐQ
Trung Tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ12 BĐQ
Đại úy Nguyễn Trung Tín, Y Sĩ Trưởng LĐ12 BĐQ
đã giúp xác định vị trí của Liên Đoàn 12 BĐQ trên đường vào Nông Sơn, từ 24-07 đến 09-08-1974 )
24-07-1974
Rồi cũng xong mấy ngày mưa Hiếu Đức. Rồi cũng qua những sáng loi ngoi, những chiều ướt sũng để lùng sục các giàn hỏa tiễn, hay các toán du kích quấy rối trong tuần lễ kỷ niệm Ngày Quốc Hận 20 tháng 7 vừa qua. Hôm nay nắng tuyệt đẹp, nhưng không ai có thì giờ thưởng thức cảnh trí của núi đồi phía tây quận lỵ sau mấy ngày âm u mưa; vì Tiểu Đoàn vừa có lệnh rời khỏi vùng hoạt động, để về ngay khu vực gần Chi Khu nhận thêm tiếp tế kèm hai ngày lương khô. Sau đó là thời gian dài cổ để chờ phương tiện.
- Sao lại là Duy Xuyên? Đang đụng nặng ở Đức Dục mà!?
Người bạn Trung Đội Trưởng vừa đốt thuốc, vừa hỏi bâng quơ. Không ai lên tiếng trả lời. Các “Quan nhí “ còn lại chỉ ngồi trong quán, trầm ngâm nhìn ra bên ngoài, nơi đơn vị đang rải dài hai bên Tỉnh lộ 4. Anh em binh sĩ cũng đang đứng, ngồi tán chuyện với nhau. Có lẽ lính cũng như quan đều có cùng một thắc mắc vì tin tức về sự thất thủ Nông Sơn, đã được loan báo từ 18 tháng 7, lúc Liên Đoàn còn đang công tác bình định an dân tại Quảng Ngãi.
Tướng Trưởng đã tung Sư Đoàn 3 Bộ Binh vào quận Đức Dục, nhưng Trung Đoàn 2 nhập trận không bao lâu; đã có một tiểu đoàn bị kẹt cứng tại khúc sông Tịnh Yên và viền núi ngay vòng đai phía tây nam của An Hòa. Nghĩa là còn cách Nông Sơn đến cả hơn 10 km đường bộ. Việc làm của cấp trên nhiều khi khó hiểu, và câu hỏi có lúc chỉ là lời cho có gì để nói mà thôi. “Mình là con ghẻ. Ai sai đâu, thì đi đó. Họ muốn xài mình ra sao thì xài.” Câu này của ai không biết, nhưng đã trở thành chân lý của dân tăng phái, và “phe ta” đã chấp nhận nó với tinh thần...sao cũng được!
Rồi cũng đến lúc lên xe. Lại con đường quen thuộc xuôi nam qua Hòa Vang, Miếu Bông, Vĩnh Điện. Vẫn những khu vực trù phú dọc theo Quốc Lộ 1, con đường huyết mạch của những vùng đông đúc dân cư. Vẫn những sinh hoạt bình thường về mọi mặt. Ánh mắt nhìn theo đoàn xe gần như vô cảm mặc dù người dân không hờ hững với Lính.
Không hờ hững với Lính là vì có thể người thân của họ đang có mặt trong chuyến công voa. Đa số Mũ Nâu trong Liên Đoàn 12 BĐQ là thanh niên Đà Nẵng và những vùng lân cận. Không có biểu lộ bên ngoài, nhưng trong lòng họ chắc chắn đã có câu chúc lành, hay những lời khấn nguyện dành cho đàn con của xứ Quảng. Tia nhìn như dán theo đoàn quân đang di chuyển trên quốc lộ đã nói lên điều đó!
Đoàn GMC quẹo phải tại ngã 3 Nam Phước. Tỉnh lộ nối vào Duy Xuyên là con đường từ thời Pháp đến giờ không được tu sửa đúng mức nên lớp nhựa đã nứt nẻ và ổ gà như mặt rỗ. Xe không dừng ở chợ quận như mấy tháng trước - khi đón Tiểu Đoàn 37 BĐQ về hậu cứ ăn Tết - mà vượt Cầu Chìm để vào tận Trà Kiệu. Đoạn đường quen thuộc mới hôm nào thật sinh động dưới màu nắng xuân, nay trông đìu hiu và lặng lẽ làm sao! Khu làng định cư, ngay phía nam tỉnh lộ, ở khoảng giữa Cầu Chìm và Trà Kiệu, đã vắng bóng người. Tiếng đạn cối rót vào nơi vườn trống, nhà không một cách vu vơ, chẳng làm nao núng một ai trên chuyến xe đang vào vùng đổ quân.
Nhưng chiến tranh đã về gần như vậy sau?! Mới hôm nào hai quan “nhí “ - khi dẫn đệ tử ruột lén thẩm quyền Vương Vũ, vượt mấy bờ đê của ruộng đồng Duy Sơn để mò về Trà Kiệu xem cảnh xuân - đã tình cờ dừng lại đây trò chuyện với một cô giáo từ Đà Nẵng về thăm cha mẹ.
Vui quá nên hai chàng bỏ luôn mục đích và phải vội vã lội về tuyến đóng quân sau bữa ăn đạm bạc với gia đình nàng. Kỷ niệm còn đó, nhân ảnh bây giờ nơi đâu?! Cách hai xe phía sau, chắc chắn Nguyễn Thanh Vân cũng có cùng tâm trạng. Chút nữa phải nói chuyện này với hắn mới được!
Trà Kiệu cháy bỏng dưới nắng hè đang đổ lửa. Kinh đô khởi thủy của Chiêm Quốc ngày xưa có lẽ đã đi vào quên lãng theo quy luật tự nhiên của thời gian, nếu không có phép lạ của Đức Mẹ hiện ra năm 1885 để cứu tín hữu ngôi làng công giáo Trà Kiệu khỏi bị quân đội Văn Thân tận diệt. Từ đó, khoảng đất trên dưới 2 cây số vuông với chừng 1000 giáo dân của ngày nay, đã trở thành trung tâm hành hương nổi tiếng và cũng là thành trì chống cộng hữu hiệu nhứt của quận Duy Xuyên.
Trà Kiệu hôm nay cũng đang khiêm nhường hy vọng vào sự che chở của Mẹ Thiên Chúa khi tiếng súng lớn, nhỏ vang vọng đâu đó thật gần. Thỉnh thoảng có đạn súng cối của địch từ hướng thung lũng Quế Sơn rót vào khu vực đông nam của Trà Kiệu. Địch pháo kích hú họa hay đang tìm cơ hội chặn đường tiếp viện?
Tiểu Đoàn xuống xe ngay tại tượng đài Đức Mẹ. Mọi người lập tức băng qua xóm chợ dưới chân đồi Trà Kiệu, rải đều ra phía sau mấy dãy phố dọc theo đường lộ; thả về hướng tây bắc chừng vài trăm thước, rồi nằm tại chỗ chờ lệnh. Vài lời kinh khấn vội, thêm vài câu nguyện thầm, xin ơn an bình cho đơn vị và cho người dân Trà Kiệu, là vừa vặn có lệnh đến gặp Đại Đội Trưởng để nhận kế hoạch hành quân.
Thì ra trận chiến đang diễn ra phía Chiêm Sơn. Đồn nghĩa quân tại phía tây bắc của Duy Xuyên bị vây hãm đã mấy hôm. Lính không được tiếp tế, còn dân thì kẹt đường giao thông vì đường lộ bị chặn và đặt mìn. Vì vậy, Liên Đoàn 12 BĐQ, dù đang trên đường vào Nông Sơn, cũng được lệnh chuyển hướng đến giải tỏa áp lực địch tại Duy Xuyên, để củng cố lại an ninh và tái lập sinh hoạt cho Trà Kiệu.
- Thằng 4 theo hướng núi. Đại Đội 2 làm nỗ lực chính, ủi ngay trên đường để gỡ chốt. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Đại Đội 1 theo sau nó. Còn mình cặp hông tiến theo hướng ruộng. Tất cả các Đại Đội sẽ xuất phát một lượt.
Sau đó, Đại úy Vương trải bản đồ, ban lệnh thật ngắn gọn:
- Trung Đội 1 và 3 theo Đại Đội Phó tùng thiết từ đây bọc lên tỉnh lộ. Trung Đội súng nặng và thằng 2 lo mặt bên này. Đại Đội 3 chúng mình cặp hông, giữ sườn và sẽ qua mặt Đại Đội 2 sau khi nó thanh toán xong mục tiêu. Sau đó mình sẽ dừng lại đây qua đêm. Lần này đụng với du kích xã có tăng cường một thành phần của chủ lực tỉnh. Chỉ là đám chuột nhắt, nhưng là sân chơi của tụi nó. Phải hết sức cẩn thận. Nhớ dặn con cái coi chừng mìn bẫy, nhất là trên mấy con đê dẫn vào làng. Có ai cần hỏi gì không? ...Tốt! Tất cả về chuẩn bị...
Hai chiếc M113 lừ đừ lao xuống ruộng khô. Lính hàng ngang lúp xúp chạy theo. Đất nứt nẻ. Nhiều mảng cháy khét, xám xịt. Pháo thủ trên hai con "cua sắt" bắt đầu siết cò. Mọi hỏa lực đều dồn vào những bóng người ẩn hiện phía bên kia con đê dẫn vào ngôi làng đang ngún khói. Tiếng đại liên 50 dòn dã khạc đạn từng hồi, át hẳn tiếng súng cá nhân và cả M60. Hòa trong tấu khúc liên thanh là vài “dấu nhấn“ của M79 . Tiếng “xập xình” của quả đạn rời nòng cắm vào mục tiêu, nghe không khác gì nhịp chõi trong một bản nhạc không có tiết tấu.
"Cua sắt" tăng tốc độ rồi dừng lại nơi bờ đê. Khinh binh đồng loạt xung phong vào bìa làng. Địch tốc hố lách nhanh qua các bờ dậu. Lính vừa bắn vừa truy kích, nhưng nhịp tiến công chậm dần vì phải bung ra lục soát. Cách một bờ đê, Nguyễn Thanh Vân ra dấu chỉ về bên trái, rồi cho trung đội của hắn lạng nhanh qua một ngôi nhà có căn hầm nổi ngay phía trước sân. Đám em út bên này cũng hăng hái lùng sục khá ồn ào. Nhưng chỉ là làng trống, vườn không. Người dân đã tản cư từ lâu, chỉ có hầm hố chiến đấu thì còn mới nguyên. Đám chuột nhắt đã nương theo mấy hàng dậu chém vè thật ngọt. Nút chặn đã bị bứng nhưng địch có lẽ vẫn còn đâu đó trong các khóm nhà lân cận.
- Bỏ đê. Bung đội hình!
Sau khẩu lệnh của tôi, trung đội mở cánh quạt, băng ruộng khô, tạt qua làng bên cạnh. Chỉ vài công đất và mấy con đê là đã qua một khóm xanh cây lá với vài nóc gia khác. Những thôn xóm khoanh tròn như ốc đảo có thể đã trở thành nơi ẩn mình lý tưởng của đám du kích. Bọn chúng trà trộn trong đám dân xôi đậu quanh đây thôi. Nhưng đã xục xạo mấy khóm nhà rồi mà không thấy gì khả nghi. Không lẽ phải gom đám dân này để thanh lọc và điều tra!?
- Chuẩn úy tính sao? Có cần khai thác không?
Trung Sĩ Xuân, Trung Đội Phó của tôi vừa nói, vừa chỉ vào đám người đang bị lính gom lại trên một khu đất. Tôi nhìn họ, im lặng.
Khai thác!? Không phải là nghề của dân bóp cò. Đang hành quân giải tỏa chứ không phải tảo thanh hay bình định. Cũng không thể bắt họ làm con tin. Đụng tới đám dân xôi đậu này là rắc rối chứ không vừa. Đám du kích không chừng đã cao bay xa chạy lâu rồi. Có khai thác mấy người đàn bà và trẻ con này cũng vô ích thôi. Tốt nhứt là di chuyển về phía tỉnh lộ để tới điểm hẹn với Đại Đội cho ấm thân.
Nhưng làng nào mới là mấy cái chấm đen Vương Vũ khoanh trên bản đồ!? Chết mẹ! Hăng máu quá nên đã đi lố rồi chăng? Không thấy "cua sắt". Cũng không có bóng dáng của Trung Đội 3 đâu hết. Lên máy hỏi thì quê quá! Thây kệ! Cứ bẻ góc, tạt qua khóm nhà bên này cái đã! Dù sao cũng từng là Kha sinh của Hướng Đạo mà! Nhắm hướng là nghề của chàng.
- Chuẩn úy! Vương Vũ muốn gặp.
Thằng em hiệu thính viên nói xong là chuyển ống liên hợp qua ngay.
- Tôi đây thẩm quyền.
- Đang ở đâu thế?! Cho tôi địa chỉ ngay.
- Đã tới 3 cái mụn cám thẩm quyền chỉ ban nãy trên bản đồ.
- ĐM! Tôi đang ở ngay chỗ đó rồi. Còn cậu thì chắc là lấn qua phía tụi “Đi Phát Qùa” từ nãy giờ cho nên không thấy đâu cả. Cho ngay ba cú để định hướng. Nhanh lên!
Ba phát đạn chỉ thiên vừa dứt là đã nghe tiếng “xì nẹc“ và giọng gầm gừ của “Bố già“ vang lên:
- Biết ngay mà! Cả nhà đang ở hướng 8 giờ của cậu. Khi đến sợi dây đỏ sẽ có đám em của thằng “Ti Vi“ đón. Mau lên để còn kịp lót ổ.
“Bố Gìa“ chỉ cằn nhằn cho có lệ rồi thôi. Mọi người vô sự. Nghe nói Đại Đội 2 vớt đẹp mấy con và gom vài "khúc củi" làm quà tiễn chân Liên Đoàn Trưởng sẽ đi học Chỉ Huy Tham Mưu nay mai. Cuộc chạm súng hôm nay chỉ là màn hâm nóng của tiểu đoàn sau thời gian nghỉ ngơi lấy sức trước khi thử lửa với chính quy.
Sau khi phân vị trí cho các trung đội, Đại Úy Vương họp thông báo và phân nhiệm vụ cho chuyến di hành vào Đức Dục ngày mai. Cuộc họp ngắn, gọn. Đại khái là Đại Đội sẽ dẫn đầu Tiểu Đoàn khai thông con đường vốn đã bị bỏ hoang từ khi Mỹ rút quân, khoảng cách trên dưới 10 cây số, để tới cầu Giao Thủy. Thiết Kỵ sẽ chờ ở đó để chuyển quân vào quận Đức Dục. Vương Vũ chỉ đích danh Trung Đội 1 đi tiên phong. Là hành động phạt vạ cái tội đi lạc hôm nay, hay Bố Gìa gián tiếp "trao vinh dự mở đường" cho chàng Hướng Đạo?! Sao cũng được. Lính mà Em!
- Mấy ông qua chỗ tui lai rai không?
Nguyễn Thanh Vân hỏi mấy "Quan nhí" khi chúng tôi rời chỗ Vương Vũ.
- Tôi cần ngủ sớm. Ông đưa cay với hắn đi.
Lê Văn Hữu vừa quay lưng vừa nói, nhưng bất chợt quay lại, ngạc nhiên.
- Mà nhậu cái gì mới được!? Ông tìm rượu đâu ra hay vậy?
"Tivi" Nguyễn Thanh Vân làm bộ nhăn nhó.
- …Mẹ! Có mồi nhậu là được rồi. Còn bày đặt thắc mắc. Bách Nhật với thịt hộp được không? Làm sớm, nghỉ sớm.
Cuộc nhậu không suôn sẻ như mong muốn! Vì mới đầu hôm đã có tiếng phát thanh của địch đâu đó thật gần. Âm thanh vang lên mồn một, phá tan sự tĩnh lặng của màn tối thôn quê. Giọng the thé, chói tai của một em du kích hay dân quân nào đó nghe chua hơn giấm và làm mọi người mất hứng. Không rõ đây là băng thâu sẵn rồi khuếch đại bằng loa cầm tay, hay chính là giọng người thật đang nói trực tiếp. Lời kêu gọi "…Các anh lính Cộng Hòa hãy buông súng trở về với hàng ngũ của nhân dân, hợp tác với cách mạng…" cùng với những luận điệu tuyên truyền nghe ngứa tai tới mức muốn cho lính lục soát khoảng tối trước mặt, hay gõ vài trái M79 cho chúng nó câm họng.
- Không thể được! Kệ mẹ tụi nó!
Vương Vũ đến tận tuyến đóng quân để định hướng nơi phát xuất lời phát thanh, đồng thời xem xét vị trí và cách bố phòng qua đêm của Trung Đội.
- Thảy lính vào là bị phục ngay. Còn bắn chúng nó thì ngộ nhỡ rơi vào nhà dân là mình ở tù như chơi. Nhớ canh gác đàng hoàng. Có thể là dương đông kích tây không chừng.
25-07-1974
Nhưng rồi đêm trôi qua trong an bình. Có lẽ địch chỉ muốn quấy rối cho lính xuống tinh thần, hay ít nhứt là mất ngủ mà thôi. Buổi sáng phủ màn sương mỏng, đủ để nhìn trực diện vừng đông đang dần vươn trên khóm lá mà không sợ bị chói mắt. Sau lời dặn dò của Đại Úy Vương là cuộc di hành bắt đầu.
Từ đoạn này trở đi là không còn bạn bè giữ cho ấm sườn. Trung đội chia khoảng cách từng người rồi thận trọng tiến bước. Sợi chỉ đỏ trên bản đồ - dấu hiệu của đường xe lưu thông - trên thực tế chỉ khá hơn đường mòn một chút nhờ vẫn còn vết xe để lại hai lằn bánh. Đường liên tỉnh 537 bắt đầu từ Quốc Lộ 1, tại ngã ba Nam Phước, chạy vào tận vùng núi nơi có mỏ than Nông Sơn, chia hai nhánh, một qua đèo Le để vào thung lũng Quế Sơn, còn nhánh kia biến vào vùng núi phía cực bắc Đức Dục, nay đã thành một con đường đất, không hơn, không kém. Mùa khô, đất cứng, dễ di chuyển, nhưng vì cần phải chú tâm vào mìn bẫy và cả bóng dáng khả nghi trong các làng mạc hay ruộng khô hai bên đường, nên tốc độ tiến quân chỉ như rùa bò.
- Mấy năm trước mà đi kiểu này thì trực thăng lượn qua lượn lại đầy trời. Còn bây giờ…
Trung Sĩ Xuân thở dài khi nhìn em út cứ phải liên tục dừng lại, bố trí, thận trọng lục soát những ngôi nhà bỏ hoang hai bên đường, hay những lùm bụi khả nghi, trước khi gom quân tiếp tục di chuyển. Thời đánh giặc nhà giàu đã không còn. Bây giờ là “Tự lực cánh sinh “. Mà thôi! Chuyện gì tới sẽ tới. Hơi đâu lo nghĩ cho mệt xác! Vương Vũ cứ nhắc nhỡ và lên máy hỏi han cầm chừng. Có lẽ "Bố" cũng có cùng một mối lo khi sinh mạng em út cần được tiết kiệm tối đa.
Con đường lại dẫn qua một vùng hiểm trở với một bên là núi đá trơ tróc cây cành vì bom đạn, còn bên kia là đồng khô trống vắng. Tầm nhìn lướt thẳng ra phía sông, nơi đó sừng sững một chiếc cầu gãy, đang nằm phơi khung sắt vặn vẹo và hoang tàn. Cầu xe lửa Chiêm Sơn! Chiếc cầu nối hai quận Điện Bàn và Duy Xuyên bây giờ đang gập mình soi bóng dưới dòng sông lờ đờ, dáng dấp ủ rủ như đang tưởng tiếc thời vàng son đã qua, khi nối kết những chuyến than Nông Sơn vào con đường xe lửa xuyên Việt, và từ đó ra Đà Nẵng để xuống tàu đi khắp bốn phương.
Nơi đường hỏa xa và con lộ liên tỉnh nối vào nhau thành một ngã ba, đã không còn một dấu vết nào cho thấy chỗ này đã từng là một địa điểm quan trọng của hai ngành giao thông và thương mại. Tà vẹt (*) hỏa xa đã được dân và du kích tận tình tháo gỡ để xử dụng vào những công việc cần thiết, đặc biệt nhứt là làm hầm trú ẩn bom đạn. Làng nào cũng có hầm nổi ngoài sân, hầm chìm trong nhà. Tà vẹt và đường ray (**) hoàn toàn biến mất trên địa thế!
Lính cứ từng bước mà đi, dò dẫm, thận trọng, cho dù ngang qua khúc đồng mông hiu quạnh hay những xóm làng xơ xác tranh phơi. Cảnh vật buồn thiu. Người cũng không dấu sự lo lắng. Ai trong số những phụ nữ đang bồng con đứng nhìn theo đoàn quân đã là người phát thanh đêm qua, hay chính họ là giao liên du kích ban đêm, nông dân nội trợ ban ngày?! Ánh mắt và nét mặt của họ vô hồn.
Không đọc được tình cảm đích thực của một ai, kể cả tia nhìn lấm lét của trẻ thơ đang níu lưng người mẹ. Thậm chí có em sợ sệt chạy vọt vào nhà khi một người lính dừng lại định đưa tay vuốt tóc bé. Phản ứng tự nhiên khi gặp kẻ lạ, hay chúng đã được giáo huấn và uốn nắn trong hận thù ngay từ khi có trí khôn?! Làm sao biết được! Vùng xôi đậu nên chỉ gặp đàn bà, trẻ thơ và phụ lão! Thanh niên đâu!? Hỏi tức là đã tìm được câu trả lời!
Sau gần nửa ngày chúng tôi cũng đến làng định cư Phú Lạc. Những ngôi nhà một gian, vách đất, dựng vội ngay bên cạnh tỉnh lộ cũng trống hoắc, mặc dù đây đã là nơi tương đối an ninh. Những người dân tản cư bây giờ đã về đâu? Trở lại vùng hoang tàn đổ nát của nơi chôn nhao cắt rún, hay tản mác nơi các quận lận cận, thậm chí về tận Đà Nẵng để tìm nơi an toàn để lánh nạn? Thật là buồn cho hoàn cảnh của người dân trong thời loạn! Nhiệm vụ mở đường của chúng tôi đã xong.
Cầu Giao Thủy chỉ cách một tầm nhìn. Bạn đã lên máy liên lạc và xác định vị trí. Đại Đội dừng chân tại khu làng tản cư, chuẩn bị ăn trưa, dưỡng sức. Phần còn lại của Tiểu Đoàn qua mặt để gom dài theo con đường cặp sát ngã ba sông và chiếc cầu mới tân trang. Nơi đó đã có Thiết Vận Xa chờ sẵn. Mới đó mà đã quá trưa. Gần 6 tiếng di hành trên đoạn đường chỉ chừng 10Km đủ làm cho Lính thấm mệt. Đánh đấm tính sau. Bây giờ ăn cái đã. Nhưng thầy trò chưa kịp vơ đũa thì tin buồn đã đến.
- Anh Đăng chết rồi!
Giọng của Hạ Sĩ nhứt Kỉnh như lạc hẳn đi khi chỉ có mấy lời thật ngắn. Người bạn lao công đào binh vừa được phục hồi danh dự đã đạp mìn banh xác hôm qua, ngay ngày đầu tiên chính thức làm lính Mũ Nâu. Kỉnh, người em và cũng là bạn trong toán văn nghệ của Tiểu Đoàn chỉ kịp dừng lại nói vài câu, rồi lật đật tiếp tục di chuyển. Sau đó Trung Sĩ Chế Việt rồi Thiếu úy Tích, Sĩ Quan Trợ Y của Tiểu Đoàn xác nhận và kể thêm chi tiết, thì nỗi bàng hoàng biến thành cơn buồn bã. Người bạn gốc Sài Gòn là linh hồn của ban văn nghệ bỏ túi. Đa tài mà cũng rất đa tình. Hồ Huy Đăng đã mang tiếng đàn vào thiên cổ. Ai sẽ là người dạy nhảy đầm cho những gương mặt trẻ, quan cũng như lính sau này?!
Nhưng Lính không có thì giờ để buồn. Nhiệm vụ trước mặt còn đầy cam go. Lại gom quân. Cả Tiểu Đoàn từng đợt leo lên M113, vượt đoạn đường dài hơn 10Km để vào Đức Dục. Đường dằn xóc làm mọi người bám thật chặt vào những gì có thể níu được trên xe. Bụi tung mù mịt. Từ xa, màu chiến y hòa vào khối màu của nắng, khói, bụi, đất và màu ngụy trang của đám "cua sắt" tạo thành một bức tranh thật sống động và hào hùng.
Gần tới sân bay An Hòa thì thiết kỵ không theo đường tỉnh lộ, mà vượt ngang đồi thấp và ruộng khô để tránh mìn bẫy. Chiến xa mở hết tốc độ và giữ khoảng cách khá xa nhau, cùng hăm hở nhắm hướng núi để tiến vào Quận lỵ Đức Dục.
Tịnh Yên, An Hòa, Đức Dục! Chỉ cần nghe tên là "cảm" được lòng người, là "thấy" được phong cảnh. Đức Dục của một thời phồn vinh và An Hòa của những năm khởi sắc trong thịnh vượng đã không còn. Bây giờ Khu Kỹ Nghệ An Hòa là những trụ bê tông sạm màu rêu phong vì nắng gió, lởm chởm vì lửa đạn. Công trình xây cất bị bỏ dở ngay từ khi Đệ Nhứt Cộng Hòa bị cáo chung.
Thay vì là nơi cư ngụ của các kỹ sư chuyên gia về khai thác quặng mỏ, An Hòa đã trở thành nơi trú phòng ngắn hạn của hầu hết các đơn vị nổi tiếng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh, từ những toán Lôi Hổ, Biệt kích 81, cho đến các Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân trong thời gian qua.
Đoàn thiết vận xa lạng, lách tối đa để tránh hỏa lực của địch từ trên sườn dốc của dãy Lôi Giáng đang tha hồ chọn mục tiêu mà tung SA-7. Dùng bụi xe làm màn khói, đám "cua sắt" lủi thật nhanh vào các dãy dân cư ngoài vòng đai quận lỵ. Lính bung người xuống xe, tấp ngay vào những dãy nhà gần đó. Đức Dục lại gồng mình hứng pháo. Địch dò biết có viện quân nên đưa sơn pháo dội thả giàn xuống Chi Khu và phố quận. Lính và dân bây giờ không biết ai đông hơn ai. Lính dồn dập chuyển quân. Dân hớt hải rời vùng. Tiếng súng lớn, nhỏ từ trên vùng núi đồi trước mặt, hòa với tiếng đạn pháo kích liên tục, đang từng hồi làm tăng thêm mức độ trầm trọng của chiến cuộc.
Cùng vào Đức Dục với Tiểu Đoàn 37 BĐQ là Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn 2/ SĐ3 BB. Họ được trực thăng vận cấp tốc vào vùng để cùng với hai Chi Đoàn Thiết Kỵ của Thiết Đoàn 11 tăng cường bảo vệ phía nam Chi Khu, trong khi Trung Đoàn 2 tuần tự rút quân, nhường cho BĐQ nhập trận. Vừa đánh vừa rút không phải là chuyện dễ dàng. Nhứt là khi Trung Đoàn 1 của Bắc Việt đã thay thế Trung Đoàn 36 bám theo các Tiểu Đoàn 1/2 và 3/2 từ tận trong khu vực thung lũng Khê Le ra đến dãy Dương Côi và núi Kỳ Vĩ ở phía tây nam của Đức Dục.
Nói chung, địch vừa cầm chân bộ binh vừa quấy rối hậu phương và quân tăng viện bằng mọi cách, đặc biệt là sơn pháo 122 và 130 ly. Không thể di chuyển khi còn nắng sáng trời dù đã sắp hoàng hôn, nên Tiểu Đoàn 37 BĐQ ếm quân, chịu pháo, để chờ đến tối lên núi thay bạn tiếp chiến. Lại là những lo lắng, ưu tư cố hữu nên cơm chiều chỉ nuốt vội cho có sức. Chút thời gian chờ đợi được dành cho những suy nghĩ vẩn vơ về những năm tháng yên bình của tuổi thơ Sài Gòn.
Thời miên man đứng nhìn không chán mắt bảng quảng cáo than đá Nông Sơn thật lớn tại góc đường Phan Đình Phùng và Công Lý. Mới đó mà đã hơn 10 năm! Tấm panô (***) đã biến mất từ hồi nào không biết, nhưng hình vẽ của khu kỹ nghệ trên đó vẫn hiện hữu và càng thêm đậm nét trong lòng. An Hòa là đây. Nông Sơn cũng không xa. Nhưng tái chiếm Nông Sơn, hay chỉ dàn quân canh phòng Đức Dục?
Hai nơi chỉ cách nhau trên dưới 10Km đường chim bay mà sao như xa tắp mù khơi. Đường vào Nông Sơn đang bị ngăn trở. Địch giăng bẫy, bạn vất vả lui quân. Trong khi chờ đến phiên mình nhập cuộc, xin chân thành nguyện thầm cho những hy sinh, mất mát của vùng đất hiền hòa nay đã rơi vào tay giặc. Hãy chờ đó vì …Ta đã đến đây rồi Nông Sơn ơi!
HUY VĂN
(*) Tà vẹt = Traverse
(**) Đường ray = Rail
(***) Panô = Pannea