TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Vài nhận xét về bài viềt của tác giả Hai Rạch Dừa

                     --------------

     Dưới đây là một loạt bài sưu tầm về nếp sống Đồng Quê trước năm 1975 của người dân miền Sông Nước Cửu Long, tức là phần hạ lưu sông Mekong thuộc địa phận Việt Nam. Nơi đây là một vùng sông ngòi chằng chịt, với đồng ruộng bao la, tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng cho nhiều loại cá tôm và cũng là vùng được thiên nhiên ưu đãi với một nguồn thực phẩm (Cá nước ngọt) phong phú, thiết yếu trong đời sống hằng ngày đã tồn tại từ bao đời nay.

     “Bắt Cá Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” là một câu chuyện đồng quê gồm 8 phần do tác giả Hai Rạch Dừa mô tả bằng một văn phong giản dị, đơn sơ nhưng thực tế đã đưa người đọc Thế Hệ Trước  trở về với bao k niệm khó quên.

     Tác giả đã mô tả một cách sinh động về kỹ thuật làm dụng cụ bắt cá tôm của dân quê một cách đa dạng, đơn sơ nhưng rất hữu hiệu, thật là thú vị biết bao! Bên cạnh đó là nghệ thuật làm món ăn đồng quê rất đa dạng và phong phú mà trong đó có món cá “nướng trui”, mới nghe qua ta tưởng chừng như rất đơn giản và dễ làm, nhưng là cả một nghệ thuật, và chỉ dân miệt vườn mới biết mà thôi!

     Cuộc sống đồng quê đôi khi vất vả, nặng nhọc, nhưng cũng lắm lúc nhẹ nhàng, thảnh thơi! Dù nặng hay nhẹ, dân quê lúc nào cũng sống với tâm hồn thanh thản, trăng nước hữu tình, một cuộc sống thanh bình, hồn nhiên, thanh đạm chan chứa tình yêu quê hương và tình người.

     Tóm lại câu chuyện đồng quê mà tác giả mô tả đã gợi cho Thế Hệ Đi Trước biết bao k niệm của thời thơ ấu khó quên! Và nói cho Thế Hệ Đi Sau, con cháu chúng ta đang sống ở nước ngoại hay trong nước nhưng chưa biết gì về nếp sống của Ông Cha mình trong quá khứ trên mảnh đất quê hương, và tại sao Ông Cha mình gắn bó với đồng ruộng, với sông nước quê mình, thể hiện một đời sống giản dị cả một trời quê hương mà trong đó tiềm ẩn một tấm lòng yêu nước nồng nàn, một tinh thần hy sinh sn sàng bảo vệ từng tất đất của Tiền Nhân để lại. Thế Hệ Đi Sau cần phải hiểu và thực hiện điều đó để khỏi phụ lòng kỳ vọng của Người Đi Trước.

VA 17/07/12

NHC

Phần 1


Ruộng lúa miền Tây


Chận Ụ


Trưa nắng gắt, nước lớn được nửa sông. Nước Rạch Dừa đổi từ màu đục ngầu phù sa sang màu trong xanh. Tiếng chim bìm bịp kêu trầm trầm: bịp.. bịp.. bịp... Văng vẳng từ bên sông có tiếng mẹ hát ru con:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê...


Tôi đang thơ thẩn dưới gốc cây ổi tìm trái chín, thì chú tôi lớn tiếng kêu:
- Thằng cu Tèo đâu, chuẩn bị đi chận ụ.
Tôi, thằng cu Tèo, lúc đó 4 tuổi, chạy lăng xăng đi chuẩn bị. Tôi hì hục lấy cho chú tôi một cái rổ xúc lớn, cho tôi một cái rổ nhỏ, một cái thùng thiếc đặt sẵn gần bờ ụ. Trong khi đó chú tôi lấy một cái nồi đất đi rang vài nắm cám.
Cám rang thơm phức, chú tôi đem ra thảy từng nắm xuống cái ụ tròn mà chú đào được mấy tháng nay. Ụ là một cái hồ nhỏ đường kính khoảng 4 mét, sâu 1.5 mét sát bờ sông và ăn thông ra sông Rạch Dừa bằng một cửa rộng 1.5 mét. Cửa ụ làm bằng tre đan có thể hạ xuống bất thình lình, chận không cho cá chạy ra sông.
Ngày ngày chú tôi rải cám xuống ụ nhử cá ngòai sông vào ăn cho quen. Mỗi tuần một lần, khi thấy cá ăn nhiều, chú tôi chận ụ. Tức là khi thấy cá đã vào nhiều chú hạ cửa ụ xuống, dùng một rổ xúc lớn lội vòng vòng trong ụ. Cái rổ to tướng đặt trước ngực xúc cá. Chú vừa đi vừa xúc một hồi làm nước trong ụ đục lên và quay vòng vòng theo bước đi của chú. Những con cá lòng tong, cá he, cá mại bị nước đục ngộp thở nổi đầu lên bị chú dùng rổ xúc chuyền cho tôi đổ vào thùng. Phần tôi cũng cầm cái rổ nhỏ trong tay vừa chạy tới lui vừa la hét:
- Xúc con nầy đi chú.
- Xúc con kia đi chú.
Có một lần tôi với tay hớt một con cá he, trật chân cắm đầu xuống tận đáy. Chú tôi đang xúc cá nghe tiếng động nhìn lại không thấy tôi chỉ thấy hai bàn chân nhỏ ngo ngoe trên mặt nước, vội vã kéo tôi lên. Tôi khóc thút thít vì bị uống nước no bụng.
Tôi lớn lên trong một làng nhỏ gần Đồng Tháp Mười, ven bờ sông Cửu Long. Làng Mỹ Long không giàu nhưng lúa gạo, cá tôm đủ nuôi dân làng no ấm. Câu nói “ăn cơm với cá” là một câu nói quen thuộc hàng ngày của chúng tôi vì lâu lắm chúng tôi mới được ăn cơm với thịt một lần. Lúc nhỏ, gia đình tôi sống với bà nội và cô chú tôi. Trong thời gian nầy tôi hay đi bắt cá với chú tôi. Khi tôi lớn lên gia đình ba má tôi ra riêng, tôi đi bắt cá với ba tôi hay các em tôi.

 

ơ ô ngê n sớ i trơ Thăm lưới trên sông


Xúc Cá Trên Đồng

Chỉ vài tháng sau lần tôi té xuống ụ là mùa nước nổi. Nước ngập ruộng, nước mênh mông nhìn ra ruộng như một cái biển. Cơm nước xong chú gọi tôi:
- Thằng Tèo đâu, đi gom cỏ với tao.
Tôi chẳng biết ất giáp gì, cũng chạy đi lấy nón đội. Chú tôi bỏ tôi lên chiếc xuồng, chèo xuyên qua những con rạch và nhiều thửa ruộng đến miếng đất trong sâu, xa nhà. Vấn một điếu thuốc phì phèo xong, chú lấy cái bàn cào Trư Bát Giới gom nhiều đống cỏ lớn nổi lều bều trên ruộng nước.
Mỗi lần chú vung bàn cào lên, cả đám cào cào, châu chấu đậu trên cỏ hoảng hốt nhảy toán loạn, nhiều con hụt chân rớt xuống nước búng tanh tách. Một con cá lóc nhỏ lao tới đớp mồi, mấy con cá rô rượt theo một con dế chạy loăng quăng trên mặt nước. Chú tôi cười:
- Chà, coi bộ năm nay có cá nghe cu Tèo.
Lòng tôi rộn ràng như hội giữa vùng trời nước mênh mông. Vài cuộn mây trắng trôi trên nền trời trong xanh. Những con chuồn chuồn bay lượn xung quanh, có con cả gan bay đậu trên nón của chú tôi. Coi chuồn chuồn chán, tôi hồi hộp theo dõi mấy con cò trắng không biết từ đâu bay đến đang đậu trên một đống cỏ của chú tôi. Con thì đứng rỉa lông, con thì co một chân lim dim ngủ, con khác thì đang lom khom mổ cá.
Chú tôi giải thích những đám cỏ nầy sẽ làm chỗ trú ngụ cho các loại côn trùng như cào cào, châu chấu, cóc nhái...,những con cua sẽ chui vào đó đẻ con. Rồi thì những con lươn, con cá và rắn sẽ vào đó ăn côn trùng, nhưng nhiều nhất là lươn.
Đợi ba bốn ngày sau, chú cháu tôi chèo xuồng trở lại. Chú nhẹ nhàng lội xuống dùng rổ xúc dưới đám cỏ. Sau khi bỏ hết cỏ ra, chú tôi trút rổ vào xuồng. Tôi thì vui mừng la ơi ới:
- Có lươn, có lươn chú ơi! Có rắn nữa chú ơi! Ái, hu hu, ái, ái.... cua.
Tôi bị một con cua kẹp ngón chân. Chú tôi nhẹ nhàng bẻ càng và gỡ con cua ra dùm tôi. Lòng xuồng lổn ngổn những con lươn vàng nghế, những con cá chạch, vài ba con rắn và hàng đống cua đồng. Chú tôi cẩn thận tóm cổ các con rắn râu, rắn trung liệng đi, các con rắn ri cá, ri voi, rắn nước thì bỏ vào một cái giỏ tre riêng. Mỗi lần xúc xong một đám cỏ, chú tôi trèo lên xuồng, bứt từ chân chú ra một hai con đỉa ném ra xa.

 


Lươn bán ngoài chợ


Vài giờ sau, chú cháu tôi mang về nhà một thùng lươn, cá và một mớ rắn ăn cả tuần mới hết. Cá chạch cặp gắp nướng ăn vừa dai vừa thơm ngon. Lươn thì làm món lươn um với nước cốt dừa, lá cách, thôi thì ngon hết chỗ nói. Rắn nước, rắn ri cá, ri voi bằm ra nấu cháo đậu xanh ăn vô mát cả ruột gan. Cua đồng nhiều vô số, chúng tôi đập ra cho vịt và heo ăn cho mau lớn.

Khu vực châu thổ sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịt, với đồng ruộng rộng lớn là một môi trường sinh thái tốt cho nhiều loài tôm cá. Hàng năm sau mùa mưa lũ vào tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, một lượng nước mưa lớn từ thượng nguồn tận bên Miến Điện, bên Lào, bên Miên đổ ra sông Cửu Long chảy ra biển Đông. Trên đường ra đại dương, khối nước khổng lồ đó làm ngập lụt đồng bằng sông Cửu Long trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10.

Vào mùa nước lụt, số lượng cá tôm lớn tràn lên đồng kiếm ăn và sanh sản mạnh. Nguồn thực phẩm trời cho dồi dào trong tháng nầy là hàng bao nhiêu tấn trùng, dế, cào cào, châu chấu, sâu bọ và lúa trên những cánh đồng ngập nước. Cá tôm ăn nhiều, lớn mạnh, để những tháng nước rút sau đó chúng đổ xuống sông rạch hay tụ tập vào những mương đìa, cung cấp thực phẩm cho con người. Bắt cá được nhiều nhất là vào những tháng nước nổi và những tháng nước rút trong dịp Tết.

 


Xuồng chèo miền Tây .
Người chèo dùng 2 chèo và đứng thẳng, tay chân nhịp nhàng

Xúc Cá Chạch


Năm tôi mười tuổi, tôi biết chập chững chèo xuồng. Xuồng chèo miền Tây dùng hai cây chèo dài. Người chèo đứng thẳng bước lui ra sau lấy thế xong bước tới và đẩy mạnh hai mái chèo, động tác nhịp nhàng, dẻo dai, đẹp mắt. Nhìn thấy dễ dàng nhưng mới tập chèo thì khó lắm, dùng sức nhiều mà thuyền không chịu đi, hay đi không thẳng. Một hôm, ba tôi sai tôi chèo về thăm bà nội và chú tôi. Tôi thích lắm, ra sức chèo, mồ hôi ra ướt cả áo.

Chèo được vài cây số, rẽ vào vàm sông Rạch Dừa nước đã cạn, tôi thấy lác đác có người mò cá. Chỉ còn ba trăm thước nữa là đến nhà nội tôi, tôi thật là hồi hộp, vui mừng. Lòng sông cạn nước nhỏ lại, hai bên bờ là hai bãi sình. Tôi tập trung tinh thần, bặm môi chèo mà chiếc xuồng nhỏ vẫn lủi hết bên nầy qua bên kia. Khi chèo ngang qua một ông đang đội nón lá xùm xụp mò cá bên bờ, ông quay lại cười:
- Thằng cu Tèo, mầy mới lên hả. Xuống bắt cá chạch với tao, mau !


 


Những con sông rạch như vầy thường hay có nhiều cá chạch và hến


Ôi, đó là chú tôi. Lâu quá chú cháu không có dịp bắt cá với nhau. Tôi vui mừng cặm một cây dầm xuống sình, cột xuồng vào, cởi áo phóng ngay xuống sông. Thì ra đang mùa cá chạch, chú tôi dùng rổ xúc, múc từng mảng sình lớn, rồi dùng tay xắn sình bỏ ra từ từ. Cuối cùng lộ ra những con cá chạch đang giẫy lăng xăng, đành đạch trong rổ tìm đường tẩu thóat.

Cá chạch là loại cá ngon sống ở đáy sông. Cá có mình dẹp, vảy nhỏ, thân có hình dáng như một lá tre dài, lớn hơn hai ngón tay, dài độ 25cm. Khi nước cạn, chúng chui vào sình chỉ ló một cái mỏ nhỏ như cây tăm lên để thở. Cũng như lươn, cá chạch trơn trợt nên chỉ hớt bằng rổ, rất khó bắt bằng tay. Hôm đó chú cháu tôi bắt được gần 50 con cá chạch đem về cho nội tôi.

 


Những con cá chạch đang bày bán ngoài chợ


Bữa cơm chiều, chúng tôi ăn cơm với cá chạch kho nghệ và cá chạch nướng . Thịt cá chạch dai, ngọt mà thơm. Người không quen ăn cá chạch thì rất sợ làm cá vì họ nghĩ là phải cạo vẩy, phải mài xuống xi măng cho ra vảy, thật khó khăn. Chính ra là dễ hơn nhiều: Cá nướng thì không cần làm gì cả, chỉ rửa sạch rồi cặp gắp nướng trên than hồng. Cái gắp cá thì chặt một nhánh tre hay một cọng tàu dừa là xong.

Cá kho thì lấy một chút tro nắm vào 2 ngón tay rồi cầm lấy đuôi, lấy dao cạo ngược một cái cho ra vảy. Cạo 2-3 cái rồi đổi bên cạo tiếp bên kia. Cá chạch kho nghệ vàng lườm, thơm ngon vô cùng. Lại thêm gỏi cá chạch nướng vàng, xé trộn với xoài tượng bằm và rau răm, chấm với nước mắm chanh tỏi thì không còn gì bằng. Cá chạch là loại cá ăn luôn ruột, mật, không cần mổ bụng.

Chú cháu tôi lựa một con cá kho mập nhất gắp cho bà nội tôi và gắp thêm cho bà mấy khúc cá nướng nhiều thịt, ngon nhất. Xong chú cháu tôi bắt đầu ăn uống cười nói vui vẻ. Tôi kể lại cho nội tôi nghe những pha hào hứng, lúc tôi bắt cá với chú tôi. Bà nội tôi lúc đó tuổi khoảng 60, người còn khỏe mạnh, ăn uống trông rất ngon miệng. Tuy ở vườn, bà rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ . Nhìn thằng cháu đang ba hoa, chích chòe … bà mỉm cười.

Hai Rạch Dừa

Xem tiếp phần 2
    
 Nguyễn Hữu Chánh sưu tầm
 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC