TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Luận Về “TAM NGHIỆP” Qua Lời DẶN DÒ Của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PGHH

VĨNH LIÊM

4642 1 LuanVeTamNghiep

Theo Phật Giáo, Tam Nghiệp là 3 Nghiệp Chướng. Có người hỏi: Nghiệp Chướng là cái gì vậy?

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu chữ “Nghiệp” có ý nghĩa gì.

* NGHIỆP (theo Việt Nam Tự Điển): Nói chung về của cải ruộng đất của một người hay một nhà (cơ nghiệp, sản nghiệp); công việc hiển hách của một đời người (sự nghiệp, công nghiệp); nghề chuyên môn làm suốt đời (nghiệp nông); việc đã làm rồi (nghiệp dĩ).

Ngoài ra còn có:

* Nghiệp báo: Sự báo ứng bởi cái nghiệp mà ra (kẻ làm ác thì phải chịu nghiệp báo).

* Nghiệp căn: Cái gốc rễ sinh ra cái nghiệp báo (Tạo ra nghiệp căn thì phải chịu quả báo).

* Nghiệp chướng (theo Đào Duy Anh): Đời trước phạm những nghiệp ác cho nên đời nay thành ra tội chướng.

* Nghiệp hải (theo Đào Duy Anh): Những nguyên nhân các điều tội ác to rộng như biển.

* Nghiệp nhân (theo Đào Duy Anh): Nguyên nhân những điều quả báo thiện ác.

Xuyên qua quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, chúng tôi xin tóm lược các ý chánh về TAM NGHIỆP của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ như sau:

  1. THÂN-NGHIỆP : Tội lỗi do thân xác gây ra. Thân-nghiệp sanh 3 điều ác:

     (1)  Sát-sanh (giết người, giết thú vật)

  1. Người đối với người: giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hiềm, vì háo thắng…
  2. Người đối với thú cầm sinh vật: giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích.

     (2)  Ðạo-tặc (bất lương vô đạo):

            -  không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc.

            -  khoét vách đào tường, cướp giựt (cướp của và đoạt giựt tài sản của lương dân).

            -  sống ngoài vòng pháp luật, trốn chui trốn nhủi.

     (3)  Tà-dâm (hiếp dâm, cưỡng dâm, gian dâm)

          -  giàu ỷ của hiếp dâm kẻ khó.

          -  quan ỷ quyền cưỡng bức dân hèn.

          -  gian phu dâm phụ.

Thân-Nghiệp (nói tóm lại):

    Thân ta chính nó hại ta,

Nghiệp mang vì nó gây ra ba điều:

    Sát-sanh tội lỗi quá nhiều.

Lại còn Ðạo-tặc sanh điều bất lương.

    Tà-dâm phá chuyện luân thường,

Hỡi ơi! Thân-nghiệp khó lường vậy sao?!

VĨNH LIÊM

  1. KHẨU-NGHIỆP : Tội lỗi do miệng lưỡi gây ra. Khẩu-nghiệp sanh 4 điều ác:

     (1)  Lưỡng-thiệt (do miệng lưỡi gây ra)

          -  gây ra sự hiểu lầm nhau, bất hòa, hiềm khích.

          -  gây ra những sự cãi vã, gây gổ sinh oán thù.

           -  tạo ra những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh.

          -  phá tan sự đoàn kết và tình thân yêu giữa nhân loại.

    (2)  Ỷ-ngôn (ỷ quyền, ỷ thế, ỷ tiền, ỷ khôn)

          -  chủ ỷ quyền mắng nhiếc tôi tớ.

          -  quan ỷ thế mắng chửi dân ngu.

          -  kẻ giàu có ỷ tiền xài xể người nghèo.

          -  kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt.

          -  kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát.

     (3)  Ác-khẩu (thề thốt, lỗ mãng, hăm he, chửi mắng tực tằn, trù rủa, kêu réo Phật Trời)

          -  Dùng những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chửi mắng tục tằn.

          -  Con chửi mẹ mắng cha, không kể luân thường hiếu thảo.

          -  Mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn.

          -  Hiếp đáp xóm chòm cô bác.

          -  Chửi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh, kêu réo Phật Trời.

     (4)  Vọng-ngữ (thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có)

          -  gây ra những sự bất công.

          -  giấu giếm sự quấy, thêu thùa sự tốt.

          -  đặt điều nói xấu, che đậy cái điều phải của người khác.

          -  khoe khoan tự đắc, xảo trá đa ngôn.

Khẩu-Nghiệp (nói tóm lại)

Lại thêm Khẩu-nghiệp sa vào,

Cũng do miệng lưỡi! Làm sao không phiền?

Bốn điều độc ác luân phiên,

Là do Lưỡng-thiệt đầu tiên tạo thành.

Ỷ-ngôn làm chuyện chẳng lành,

Còn thêm Ác-khẩu, thanh danh chẳng còn.

Thế rồi Vọng-ngữ tô son,

Nói lời huyễn hoặc, soi mòn người ta.

VĨNH LIÊM

  1. Ý-NGHIỆP: tội lỗi do ý tưởng gây ra. Ý-nghiệp sanh 3 điều ác:

     (1)  Tham-lam (tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế)

          -  gây nên những thảm họa tầy trời: chiến tranh, cướp của giết người, hối lộ…

          -  làm cho nhân loại điêu linh.

          -  làm cho con người đau buồn hận khổ.

          -  cấu xé lẫn nhau, nồi da xáo thịt, tương sát tương tàn.

    (2)  Sân-nộ (tánh nóng nảy)

          -  làm những chuyện bất công sái phép, chém giết oán thù nhau.

          -  cuồng trí, mất tự chủ, dữ dằn bạo tợn.

          -  chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái.

    (3)  Mê-si (do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra)

          -  không phân biệt được lẽ phải trái.

          -  bo bo giữ thiển kiến sai lầm.

          -  chẳng chịu nhìn nhận chân lý.   

          -  cả đời ngu muội.

          -  chỉ biết tin bướng làm càn.

Ý-Nghiệp (nói tóm lại)

    Tội do Ý-nghiệp mà ra,

Ba điều nên tránh để mà giữ thân.

    Tham-lam là tội rất gần,

Tham quyền, tham thế… khiến thân mệt nhừ.

    Lại thêm Sân-nộ tính hư,

Dữ dằn, mất trí, từ từ giết nhau…

    Mê-si thiếu óc tự hào,

Chẳng phân biệt được lẽ nào đúng sai!

(Ðức Phố, 28-01-2005)

VĨNH LIÊM

4642 2 LuanVeTamNghiepVLiem

Nói rộng ra, qua những dòng thơ của Vĩnh Liêm, thì:

Thân-Nghiệp

Thân gây tội lỗi cho ta,

Nếu không tu sửa, tới già còn mang.

                  ***

Sát-sanh là tội giết càn,

Mạng người, cầm thú… vô vàn khổ đau!

Giết nhau vì lợi, tham giàu,

Tị hiềm, háo thắng, thù nhau, vì tiền…

Bất lương Ðạo-tặc rất phiền,

Không làm mà muốn có tiền xài chơi.

Ðào tường, cướp giựt của người,

Ngoài vòng pháp luật, cả đời trốn chui…

Tà-dâm mới thật hổ ngươi,

Cậy quyền, ỷ thế, hiếp người, cưỡng dâm.

Gian phu dâm phụ ăn nằm,

Mặc ai đau khổ, tà-dâm chẳng chừa…

                  ***

Ðó là Thân-nghiệp có thừa,

Hãy nên bắt chước gương xưa mà từ.

(Ðức Phố, 28-01-2005)

VĨNH LIÊM                                                                            

Khẩu-Nghiệp

Lưỡi ta gây khổ cho ta,

Miệng càng nói xấu sanh ra hiểu lầm.

                  ***

Ác do Lưỡng-thiệt nhiều năm,

Gây ra hiềm khích, tình thâm chia lìa.

Oán thù, cãi vã, rẽ chia,

Phá tan đoàn kết, mai kia bất hòa…

Ỷ-ngôn – lời nói điêu ngoa,

Cậy quyền, ỷ thế nói xa nói gần.

Ỷ khôn chửi mắng người dân,

Ỷ giàu xài xể người bần cố nông…

Lại thêm Ác-khẩu nằm lòng,

Chửi cha mắng mẹ, cũng không nể Trời.

Thánh Thần kêu réo đã đời,

Tục tằn, lỗ mãng, dùng lời hăm he…

Rồi còn Vọng-ngữ đậy che,

Ðặt điều nói xấu, tự khoe khoan mình.

Gây ra những sự bất bình,

Thêm thừa, huyễn hoặc, trá hình, đa ngôn…

                  ***

Tạo chi Khẩu-nghiệp xảo ngôn!

Dùng lời chơn thật để còn sống lâu.

(Ðức Phố, 28-01-2005)

VĨNH LIÊM

Ý-Nghiệp

Nghiệp do ý tưởng mà ra,

Nó gây tội lỗi, thân ta mang vào.

                  ***

Tham-lam gây cảnh buồn đau,

Làm cho cấu xé lẫn nhau, tương tàn…

Chiến tranh, khổ hận, lầm than,

Nồi da xáo thịt, vô vàn điêu linh…

Sân-nộ tánh nóng của mình,

Nếu không tu sửa tính tình cuồng say.

Gây ra thù oán hàng ngày,

Bất công, sái phép, đọa đày thân ta…

Mê-si do óc mà ra,

Không phân biệt được điều tà, lẽ ngay.

Cả đời ngu muội, đắng cay,

Bo bo thiển cận, ai ai cũng phiền…

                  ***

Ðó là Ý-nghiệp triền miên,

Phải nên xa lánh, tu hiền sửa thân.

(Ðức Phố, 28-01-2005)

VĨNH LIÊM

       Xét qua 3 cái Nghiệp Chướng kể trên, người Phật tử chân chính nên tự sửa thân mình hàng ngày để sống một cuộc đời an lành, hạnh phúc. Mong lắm thay!

(Avondale, 31-10-2022

VĨNH LIÊM

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.