TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Cái tựa bài khiến không ít bạn đọc ngạc nhiên, thắc mắc. Thật ra nếu các bạn từng sống ở miền quê Nam Bộ vào những năm trước 1975, các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ nữa. Mồi chạy là con mồi còn sống, còn khả năng bơi lội được. Dân quê sống với nghề giăng câu bắt cá, phải biết rành cách sử dụng con mồi để lôi cuốn tánh háu ăn của cá như mồi trùn, mồi nhái, mồi cua, mồi ốc v.v.. Cá cũng kén thức ăn, chọn mồi phải đúng mùa, đúng lúc, mới hy vọng bắt được nhiều. Chúng ta không ngạc nhiên thấy có người mang câu đi giăng, đi cắm một chốc thì có cá ngay, trái lại nếu không học hỏi, cứ làm theo ý của mình thì thất bại là chuyện thường. Vùng đông bằng sông Cửu Long, vào cuối tháng mười âm lịch, khi gió bấc lành lạnh thổi về, nước trong đồng ruộng bắt đầu chảy ra sông, đây là thời điểm cắm câu mồi chạy thích hợp, nhứt là ban đêm. Hai loại cá he và cá gằm được dân giăng câu dùng làm mồi.
 
       Tìm bắt mồi chạy cũng lắm công phu và kiên nhẫn, người thì đặt lờ, kẻ dùng cần câu câu từng con mồi, hay hơn cả là quậy ụ để bắt. Ụ là cái hầm hình tròn hay vuông sát bờ sông, đường kính chừng ba thước, xung quanh đắp đất chỉ chừa cái miệng chừng một thước rưởi cho cá vô, hầm, sâu cũng khoảng từ thước rưởi chứ không hơn. Ngay miệng hầm người ta làm cái cửa sập bằng ván. Cửa được kéo lên sập xuống bằng hệ thống bẩy nối liền với sợi dây kéo. Quậy ụ thường bắt được các loại cá lòng tong, cá mè vinh, cá éc, cá he, cá gằm, cá chài. tôm v.v.
Đầu tiên, ta rải cám vào trong ụ, bên ngoài cũng bỏ một ít để nhử cá ngoài sông vào. Muốn bắt tôm nướng ăn chơi, ta rang cám cho thơm, để nguội lấy đất sét vò viên c nắm tay, xong lăn vô cám. Đem đất sét dính cám rang bỏ phía ngoài cửa hầm một vài cục, số còn lại quăng vào trong ụ nhử mồi thấy cá vào ụ nhiều thì giựt dây sập cửa hầm lại, mau lẹ chạy đè cửa ụ cho chắc, nếu có lỗ hỏng, cá sẽ theo đó chui ra sông. Trong những phút đầu khi cửa ụ sập xuống,cá thấy bị nguy cố vùng vẫy phóng lung tung hy vọng thoát thân. Vì vậy chủ phải lấy lưới cũ hoặc chặt tàu dừa nước cặm xung quanh để chận cá lại. Bấy giờ người quậy ụ nhào xuống dùng rỗ xúc cào bùn quậy lên cho nước đục, lội xung quanh ụ làm cho nước trong ụ vừa đục vừa xoáy tròn. Cá chóng mặt nổi lên mặt nước. Hai hay ba người lội xuống dùng rỗ xúc hớt cá nổi trong ụ. Cá xúc lên đổ vào một cái thúng lớn, Tôi lựa những con cá gằm cá he nhỏ bỏ vào thùng nước trong để sẵn kế bờ. Việc hớt cá chừng nửa tiếng, tùy bữa trúng  thất có khi được vài ba tô cá trắng, ít con mè vinh, dăm con tôm  thì ngày đó coi như có món ăn ngon rồi. Làm cá là việc của má và em gái tôi.
 

 
     Phần tôi đem mớ cá mồi bỏ vào gọng tìm chỗ nước chảy treo gọng xuống. Loại cá mồi nầy dễ chết nếu nước đứng yên không chảy tới lui. Kiểm điểm cá mồi thấy hơn vài chục, tôi yên tâm chuẩn bị cho buỗi cắm câu tối nay hứa hẹn phải bắt nhiều con lóc. Tôi vốn con người thích ôm đồm,thấy đầu cá nếu đổ đi thì phí quá, tôi gom lại tìm cái ơ đựng nó, cho nước vào nấu chin đến khi có mùi thơm tỏa ra, nhắc xuống đem ra sân và đi ngắt sáu bảy lá môn chia đều đầu cá nấu cho vào lá môn buộc lại, tôi sửa soạn cho việc đặt trúm bắt lươn. Tôi đem những ống trúm đặt xung quanh nhà hy vọng sáng mai có vài con lươn để má tôi nấu canh chua. Cơm chiều xong mặt trời sắp lặn,tôi vác mấy chục cần câu cấm xuống xuồng cùng với gọng đựng mồi.  Địa điểm cắm câu tôi  để ý chọn từ ban sáng,đó là những chỗ tôi thường nghe cá táp bốp bốp mỗi khi tôi đi tới. Tôi lựa toàn nhưng cựa gà (chỗ lõm vô ở bờ sông, nhìn chẳng khác cựa của gà đá) và nhứt là gần nhà, bên kia sông và phía gần miễu Bà có nhiều cá hơn, nhưng tôi cũng hơi sợ ma,nên chọn chỗ gần nhà tốt hơn. Cắm câu móc mồi xong, tôi bơi xuồng về lòng thấy vui vui vì tin chắc rằng chốc nữa đây sẽ đem chiến lợi phẩm về cho cả nhà ngán chơi. Lên nhà, tôi còn phải sửa lại cái đèn bánh ú và cái lồng đèn để tám giờ đi thăm câu  đợt đầu.
     Đêm nay gió hiu hiu mà lạnh, trời tối quá, tôi hơi ”nhợn cơ“ (có v sợ ma), tôi rủ thằng em kế cùng đi thăm câu, nó chẳng những không đi mà còn nhát tôi nữa:
- Tôi chịu thua, đi xuống sông lúc nầy dám gặp anh Đối và chú Nghét lắm
Tôi nạt nó:
                 - Nói bậy hoài, tao chưa bao giờ biết sợ ma.
Thằng em cười hi hi, rồi dông mất. Tôi đốt đèn đặt trong lồng vuông có quai xách, vào bếp tìm cái giỏ đựng cá rồi lặng lẽ ra đi.
            Tôi xuống dưới bến lấy xuồng và chống qua thăm cần câu tôi ưng ý nhứt, vì tôi thường thấy cá lóc giỡn mồi ở cái hói đó. Giơ lồng đèn lên xem, cần câu vẫn đứng yên không thấy nhúc nhích. Thất vọng tràn trề, tôi đưa tay dỡ sợi nhợ lên thử xem còn mồi không. A có dính cá, để xem thế nào, con cá lóc cỡ ngón chân cái mắc câu vẫn im lìm như đang mơ mộng, tôi toan thả nó đi vì quá nhỏ, do dự chốc lát tôi lại đổi ý và tự nhủ: con cá lòng tong bao lớn con nầy ít ra cũng bằng bốn con lòng tong nhập lại, tại sao ta lại phí của chứ, v lại mấy ngày trước mới học câu ngạn ngữ Pháp trong lớp học dịch ra tiếng Việt có nghĩa:
            - Một nắm trong tay bằng hai cái sẽ có (Un tiens vaut mieux que deux tu l.auras) kệ nó, có còn hơn không. Tiếp tục đi thăm những cần câu còn lại, kế cây gừa cắm một cần bay giờ đâu mất sao không thấy, đưa đèn gần chút nữa. Đây rồi.! Đọt câu trồi lên thụt xuống giống người chết đuối, lại bị cá lôi thật mạnh nữa. Lòng vui như mở hội, con cá nầy chắc lớn lắm, bằng tất cả sự thận trọng tôi lấy cái rỗ lựa thế nâng từ từ con cá và cần câu đưa lên xuồng cho chắc ăn  Tôi mở nắp giỏ bỏ con cá cả còn mang lưỡi câu vào rồi luồng tay vào trong gỡ nó ra, xong đậy nắp lại, bây giờ thì yên trí. Đang lui cui móc mồi mới, con cá quẫy mạnh, nước bắn tung tóe làm tắt chiếc đèn, tôi quẹt mãi mà không cháy có lẽ tay ướt, thêm nữa gió quá lớn. Trời tối thui,nhìn sang bên kia sông chỗ Tây từng treo cái đầu anh Đối mấy tháng trước, tôi như thấy rõ mắt anh còn trừng trừng không chịu nhắm lại, tự nhiên tôi cảm thấy lạnh rung, muốn kêu thằng em xuống giúp, nhưng tự ái đành cắn răng chịu đưng, miệng lầm thầm đọc câu khẩu hiệu mà mấy chú Việt Minh xóm dưới dạy tôi khi đi đêm mà sợ ma:
            “Ma dang ra. Đời sống mới không sợ ma”
Đọc nhiều lần thì  không còn sợ hãi nữa, họ nói thế.. Tôi đọc độ vài chục lần mà vẫn run lập cập. Tôi lấy hộp quẹt cố gắng quẹt một lần nữa, lớ quớ thế nào mà bánh xe của hộp quẹt tưng lên rớt xuống lườn xuồng ướt nhẹp. Bây giờ càng run hơn nữa, thôi đành bơi vô bến lên nhà đốt đèn rồi sẽ tính sau. 
 
 
       Cách nay năm tháng, vào buổi trưa bất thình lình, Tây đồn Phú Quới, bố ráp xóm tôi, thường thì Tây sắp đến mấy người gác đánh mõ báo động, thanh niên, đàn ông lội qua sông chạy về miệt vườn Xoài thì an toàn, Tây ít dám tới đó. Lần nầy vì bất ngờ bọn chúng đến và thấy rõ một số đông thanh niên túa ra chạy, bọn chúng rượt theo bắn nhiều phát. Mấy chú du kích hăng máu, thấy dạng Tây xa xa, cũng đáp lễ vài phát, Tây tấn công dữ dội, mấy chú du kích chạy mất, chỉ còn anh Đối giữ trâu cho chú Mười  thả trâu ăn gần đó bị Tây bắn chết, nó cắt đầu anh mang về treo trên bụi cây sát khóm trúc, chưa đã nư thằng Tây Vượn (Chef đồn Phú Quới) có đôi tay dài tới gối, bà con gọi hắn là Tây Vượn vào xét nhà ông Hai Sào kế bên, gặp Chú Nghét đang dưỡng bịnh nó bắn luôn. Đó là buổi chiều kinh hoàng ở xóm, khiến ban đêm tôi không dám ra khỏi nhà, hôm nay vì mê cắm câu nên tôi làm oai một tí, không dè cái hộp quẹt máy hại tôi. Tuy sợ ma túm chân, nhưng tôi làm tỉnh, mang giỏ cá, cái lồng đèn lên nhà và cho biết vì  đèn tắt  không thấy đường phải lên sửa lại. Ba tôi kêu thằng em lấy lá dừa khô làm đuốc đi thăm câu với tôi. Nó mang đuốc cùng tôi tới bến, tôi xuống xuồng, nó cặm cây đuốc cháy sáng và lên nhà mà không dám đi. Thây kệ, tôi không ép, tự mình chống xuồng thăm  nốt số câu còn lại. Ánh đuốc mang đến cho tôi niềm tin, tôi từ từ làm bổn phận của mình. Lần thăm câu này tổng cộng có sáu con cá lóc, bốn con to tướng,hai con nhỏ. Tôi bơi xuồng về tới bến, cây đuốc vẫn còn cháy sáng. Đem cá lên nhà ai cũng mừng rỡ, má tôi khen tôi là tay sát cá. Hễ tôi đi bắt cá chắc chắn sẽ nhiều hơn người khác, tuy nhiên theo má tôi cho biết mấy người có tay sát cá thường yếu bóng vía dễ bị ma nhát. Tôi không biết má tôi nói thiệt hay thử xem tôi có sợ ma không. Chuyện trò một chốc, cả gia đình đi ngủ, riêng tôi vẫn còn nằm đưa võng đợi mười giờ đi thăm câu một lần nữa. Tôi thấy hơi hồi họp, càng khuya đêm càng vắng, tôi nghe cả tiếng thằn lằn chắc lưỡi ở góc cột, tiếng ếch nhái ngoài sân. Ngoài võng muỗi kêu vo ve, tôi muốn vào mùng, nhưng ngại ngủ quên bỏ lỡ chuyến thăm câu lúc mười giờ. Giả sử tôi có ngủ quên chắc ba má tôi sẽ không đánh thức tôi, đây là tự ý tôi vì đam mê mà làm chứ mọi người không ai ép buộc hay khuyến khích.  Thoáng chốc đã tới giờ tôi đốt đèn lồng, xách gi, mở cửa đi ra ngoài, ba tôi vẫn còn thức ông nói:
-  Đợi ba đi với
      Tôi muốn bảo ba tôi cứ ở nhà, nhưng không hiểu sao tôi lại không nói. Có lẽ sự hiện diện của ba tôi đem cho tôi an tâm và ấm áp, nên tôi lặng lẽ chờ ba tôi. Ông vớ chiếc khăn chàng tm quấn vào cổ rồi cùng tôi xuống xuồng. Càng về khuya tiếng cá táp bôm bốp nghe rõ mồn một. Lần nầy lại bốn con cá to nữa mắc câu. Hôm nay dường như tổ đãi.. Kiểm điểm lại chỉ có bảy cần câu còn mồi, thôi thì cầu may vào buổi sáng. Ba tôi giúp tôi rng cá. Bây giờ cho đến sáng chắc tôi ngủ ngon lành không còn sợ bóng sợ gió màn đêm nữa.
       Những tưởng tôi sẽ đánh một giấc đến tám giờ sáng, dè đâu những tiếng ồn ào vọng lên từ những người đi chợ bằng xuồng đánh thức tôi dậy, tôi chạy xuống nhà dưới xách cái giỏ mở cửa đi thăm câu lần chót như một phản xạ, tôi đam mê bắt cá đến đổi trong mơ tôi vẫn thấy mình  quanh quẩn với câu và cá. Trong sách vở cho biết tuổi trẻ biết bao là mộng đẹp, chả lẽ tuổi trẻ của tôi là tôm là cá sao?  Cuộc đời về sau thế nào tôi chưa dám nghĩ tới, hiện tại đam mê trong con người tôi đang thắng thế, bằng chứng là chỉ còn mấy cần câu sau cùng tôi cũng “dớt” thêm vài con cá nữa, nói theo thời buổi bây giờ: ”tôi đã ghi thêm kỷ lục của riêng tôi trong việc cắm câu mồi chạy đêm nay”.
 
Viết xong December 20, 2012
 Nguyễn Thành Sơn
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.