TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Tôi sinh trưởng ở vùng quê, từ nhỏ đã quen với cảnh bắt cá, tôm , chim chóc.. Ngoài ra tôi lại đam mê việc nuôi gà, mà phải là gà nòi, các loại gà khác tôi không ghé mắt tới. Tôi mê gà nòi, chắc lúc nhỏ, thường nghe ông tôi kể về những trận thư hùng của các con Xám Râu, con Điều Bún của ông, những chú gà luôn mang về thắng lợi mỗi khi đụng độ với các con gà khác. Sự thật hai chú gà bất bại của ông ra đời trước tôi, mỗi dịp tết đến hoặc xổ gà, các ông chú, ông bác lối xóm nhắc mãi thành thử tôi nằm lòng. Tôi mê nét gan dạ anh hùng của giống gà nòi, đá nhau, thà nằm tại chỗ chứ không chạy te miệng kêu quác, quác như các chú gà tàu bệ rạc. Muốn nuôi một con gà cho đến khi đá phải tốn nhiều công phu lắm.


      Khi gà con nở vừa khô lông đến ngày thứ bảy điều cần nhứt là phải lột mỏ trấu. Ngoài chót mỏ gà con có một cục u như hột gạo màu ngà, đó là mỏ trấu, ta dùng móng tay khượi nhẹ, hột gạo văng ra. Tại sao phải làm thế?.  Mỏ trấu là mỏ tạm bao ngoài mỏ thiệt của gà; quên không lột bỏ mỏ trấu khi đá độ chẳng may gà đối thủ đá trúng, mỏ bị sút ra, gà không còn cắn mổ gì được, bại trận là cái chắc.  Nhìn xem cả bầy gà vừa mới nở có con nào đặc biệt không? Chẳng hạn cả bầy đều đen lại xen một con màu trắng ta hãy chăm sóc kỹ lưỡng con khác thường đó.  Theo sách coi tướng gà cho biết:

        - Dị kỳ tướng tất hữu kỳ tài.

      Một ổ gà nòi thường từ chín tới mười hai con, đây là điều khác biệt giữa gà nòi và các loại gà chạ. Gà mái nòi, giữ con đến hai tháng. Khi đàn con sắp sửa rã bầy chúng thường đá nhau dữ tợn, một vài giống gà đá nhau đến xuể mặt trầy mày. Trước năm 1975 tôi có nuôi giống gà Bồng Sơn chúng đá nhau đên gãy cánh vẫn chưa thôi. Lúc bầy con đá nhau, bấy giờ gà mẹ mới chịu cặp bồ với trống chuẩn bị cho lứa kế.

      Người nuôi gà nòi mỗi lần muốn thịt một con gà, phải đắn đo lựa chọn kỹ càng trước khi quyết định, khác với người nuôi gà tàu. Con gà nòi để ăn thịt phải là con gà vy vi xấu (sẽ bàn sau) dáng xấu.  Nếu đàn gà không con trống nào như nói trên, chủ nhà chỉ còn cách chọn  một con mái giò thế vào.


         Nuôi gà nòi ta thường chú trọng đến con trống ít ai quan tâm đến con mái. Việc này cũng giống như truyền thống trọng nam khinh nữ của xã hội Việt Nam và Tàu khi xưa. Gà mái chỉ để truyền giống và ăn thịt, nhưng nếu bạn muốn mua một con mái về gầy giống, những tay nuôi gà nòi chuyên nghiệp không bao giờ bán. Họ sợ giống gà của họ sẽ lan truyền ra ngoài, cứ lan truyền mãi có một lúc gà anh em lại tranh hơn thua với nhau. Đó chính là lý do người nuôi gà nòi không cho, không bán, cho người ngoài. Gặp bạn bè thân thích họ có thể mời đến nhà ăn vài bữa thịt gà nhưng xin một cặp gà về để giống, chủ nhà phải đắn đo nhiều trước khi quyết định. Lúc tôi lên mười tuổi, tôi xin một cặp gà từ một bác ở xa, bạn thân của ba tôi, nuôi tới lớn đem đến trường gà. Gà của tôi đụng độ với một con gà khác từ màu lông dáng vóc đều y hệt như gà của tôi. Tài đồng tài, sức đồng sức, đá nhau chưa biết con nào sẽ thắng? Hai bên chủ gà chuốt cựa, đúng lúc đó, bác Tư người cho tôi cặp gà xuất hiện và can không cho đá vì lẽ hai con gà sắp đá nhau cùng một bầy, hai chủ gà đều là bạn thân với bác.

      Độ ba tháng tuổi từ ngày mới nở, gà trống bắt đầu học gáy. Mới đầu tiếng gáy ngắn, khàn, lần hồi tiếng gáy trở nên dài trong hơn. Thông thường những con gà chiến là những con gà có tiếng gáy cao vút. Giai đoạn nầy coi như là giai đoạn tuổi thanh niên của gà. Nếu để ý ta thấy mỗi chú gà mới lớn nầy có những phong thái riêng. Cùng một mẹ sinh ra nhưng đây là lúc tự chúng phân ngôi thứ. Có lẽ khi rã bầy chúng đã định thứ bậc ngầm với nhau rồi. Mỗi con một sinh hoạt riêng: có con luôn tìm cách o bế mấy cô gà mái cùng hay khác bầy. Có con trống dù lúc nào cũng theo bầy, nhưng đôi lúc cũng sừng s với anh sếp, nhưng chỉ sừng sộ làm oai chứ không thực sự đá nhau. Đôi khi con yếu thế những ngày trước nay trở nên đầu đàn không ngờ. Cũng có con trống ăn riêng r, không theo bầy cũng không theo òn mấy cô mái.

      Người chủ theo dõi đàn gà cho đến gà bắt đầu tròn một tuổi. Bấy giờ chủ nhốt riêng từng con, không cho chúng gặp mặt nhau.  Gà bắt đầu trổ mã, lông lá mượt mà hơn. Xa nhau một thời gian chúng hoàn toàn quên nhau. Vào tháng gió bấc thổi về, lông của gà trở nên cứng, chủ gà tìm gà lối xóm bịt cựa cho đá thử, gọi là xổ gà để xem cách đá của gà nhà rồi mới quyết định tiếp tục nuôi đi đá độ hay là làm thịt. Những trận xổ đầu cũng khó quyết định, phải xổ ít lắm năm ba lần.

      Nếu quyết định nuôi để ăn thua với gà khác, người chủ bắt đầu lắt tích (hai tích hai bên mang tai,hai tích lòng thòng dưới hầu ) lắt tích chừng bảy bữa thì lành, chủ bắt đầu hớt lông trên đầu cho hình dáng gà thêm gọn, ưa nhìn, hớt lông đùi, lường cho trống trải để dễ dàng vô nghệ. Mục đích của vô nghệ làm cho da gà trở nên săn chắc, khiến cho gà đá bền bĩ, không biết mêt, thiếu vô nghệ, gà đá chừng mười lăm phút thì thở khò khè hết nhảy nổi. Ta dùng củ nghệ già mài  thành bột trộn chung với muối, chút phèn chua, rượu đế tạo thành hỗn hợp phết vô đầu, trong cánh, lườn, chân gà. Lần đầu vô nghệ gà thấy khó chịu, để như vậy đúng một ngày một đêm nếu lần đầu tiên, những lần sau chỉ một đêm là đủ. Sau khi vô nghệ, ta tắm gà. Lấy thau nhỏ đng nước ấm, nhúng khăn cho ướt kỳ phần đầu nhẹ nhàng cho tróc lớp nghệ, kế đến nách, chân. Điều quan trọng là đừng làm ướt lông gà. Nếu lỡ ướt phải lấy khăn vắt ráo nước lau cho khô. Tắm xong thả gà ra ngoài độ vài giờ. Mỗi sáng, lối năm sáu giờ cho gà quần sương, tức là cho nó tới lui dưới trời mát buổi sáng. Đây được xem như  hình thức bắt gà tập thể dục mỗi bữa cho thêm dẻo dai cứng cáp. Một việc cần nữa là vào chín giờ tối mỗi đêm cho gà uống nước để khi đá không bị hốc, tức là mệt nhọc hả miệng để thở.

      Nuôi như thế chừng hai tháng ta thấy thịt gà đỏ au, đùi nở ra. Con gà lúc nầy đầy nét oai vệ, lông mã mướt rượt dễ nhìn. Xin lưu ý là từ lúc cho gà vào chuồng nuôi để đá tuyệt đối không cho nó đạp mái.

     GÀ TỐT QUÍ

      Trong lúc nuôi gà chuẩn bị đá, ta dễ dàng nhận ra gà tốt hay gà quí. Con gà chọn nuôi để ra “trận” thứ nhứt phải dài đòn đúng như câu:

      Kê trường, cẩu đoản, (gà thân hình phải dài thon, chó thì mình càng ngắn càng hay) 

     Cách đi đứng của gà cho ta nhận ra con gà tốt như sau:

     - Nhứt thời chấm muối quăng ra. Gà loại nầy bước đi của nó khá đặc biệt. Nó bước chậm rãi, khi chân dơ lên mấy ngón  chụm lại đoạn xòe ra khi chấm đất.

    - Lắc mặt. Gà lắc mặt không bao giờ đứng yên dù một phút. Mặt hết lắc bên nầy lại liếc sang bên kia..

    - Né lồng. Ở trong bội hoặc trong chuổng  gà đi rón rén sát bội hay chuồng, ít khi nào vô chính giữa.

      Ba loại gà trên thuộc loại gà tốt, đá trận đầu thường thắng. Nuôi chúng đi đá độ, người chủ rất tin tưởng. Nhưng cái tốt của chúng lộ ra ngoài khiến ai cũng biết, do đó chủ gà đối phương chọn con gà khắc chế được nó người ta mới đá. Gà kể trên nếu thắng trận cũng thương tích đầy mình. Chủ gà không có khả năng để đá có thể bán cho người khác rất được giá.

       Gà quí là gà có tài đặc biệt người ngoài khó thấy. Có mấy loại gà quí xin kể ra

       - Gà có lông tượng hay lông thép. Ở đuôi của gà có một sợi lông thẳng giống như sơi thép  Lông lộ liễu không tốt bằng sợi lông thép cuốn tròn sát phao câu, được phủ kín bởi những cộng lông khác. Gà  loại nầy thuộc dạng rất quí, có thể đá ăn độ suốt đời của nó nếu chủ đừng khoe khoang, đừng cho ai biết. 

        - Gà tử mị. Con gà tử mị ngủ khác thường. Hầu hết gà ngủ, đầu giấu trong cánh nếu ngủ mê. Gà tử mị ngủ giống như gà chết nó nằm sát đất đầu cong thành hình bán nguyệt, thoạt nhìn ta cứ ngỡ gà chết nên đặt tên là Gà Tử Mị.

       - Linh kê thuộc loại hiếm quí, phần của ai người đó hưởng không phải tìm mua mà có được. Linh kê  hay gà Bà Cậu (thần của gà), con gà nầy khó nhận ra chỉ trừ người trong nhà nuôi nó. Đặc biệt nó không bao giờ chung dưới sào phơi quần áo (ở miền quê người ta giăng sợi dây qua hai trụ ngoài trời để phơi quần áo sau khi giặt). Linh kê thấy chỗ phơi áo quần như vừa tả, nó đi vòng chứ không bao giờ chung ngang. Nếu hai ba người ví mục đích để nó chui qua sào quần áo, hết đường chạy, nó đứng lại cho bắt chứ nhứt định không chui qua. Người được con linh kê nhiều khi là một nông dân mộc mạc cả đời không bao giờ đến trường gà. Con linh kê không phải đá độ giỏi, người ngoài quan sát trận đá tưởng rằng nó thắng nhờ may mắn. Linh kê không bao giờ đá chết bất cứ đối thủ nào, nó chỉ đá đến khi đối thủ sợ chạy thì thôi. Linh kê ăn độ suốt đời .

      Trên đây là những con gà tốt hiếm quí mà bất cứ ai nuôi gà nòi đá độ ăn thua đều biết hay nghe đồn đại. Dân chơi gà nòi còn nhiều phương cách chọn gà: chọn theo vy vi, chọn theo mạng.

       - Người xưa chọn gà theo vy vi, tức là coi vy đóng hai chân gà rồi quyết định. Vy gà có nhiều loại chỉ người nuôi mới hiểu ni những thuật ngữ mà giới nuôi gà thường sử dụng.

      - Vấn: thông thường mỗi chân  gà có hai hàng vy phân chia bởi những lằn nứt. Nếu hai vy không có lằn phân chia mà dính liền thì ta gọi là vấn. Vấn có vấn cán, vấn khâu, án thiên, phủ địa. Từ gối của gà, nếu có vấn nhằm vào vy thứ tư, đó là vấn cán. Dân chơi đá gà ai cũng nằm lòng câu thiệu sau đây:

       - Vấn cán ai bán đừng mua,  hay

       - Vấn cán đá ráng thì thua.

      Chủ gà vấn cán, muốn bỏ (bán cho người khác, hay nấu cà ri), nhưng nếu trong xóm có ai rủ đá độ với nó, tiền độ nhỏ, chủ gà nghỉ đá chơi trong xóm nếu lỡ thua thì coi như hai bên cùng nhau làm một chầu nhậu. May thay lần nầy con gà vấn cán lại thắng gà đối phương xuất sắc. Chủ nhà thấy gà hay quá nuôi kỹ lưỡng lần sau ra trường đá ăn thua lớn. Rủi thay nó lại bại trận. Chủ gà chép miệng than: Đúng là đá ráng nên thua! Phải chi tin vào sách vở cho nó đá với chảo nước sôi là êm chuyện.

      - Vấn khâu: phía dưới cựa có ba vấn liền nhau đó gọi là vấn khâu. Vấn khâu rất tốt.Câu thiệu : Vấn khâu ba trâu cũng đổi. Gà mang vấn khâu thường là gà hay.

      - Án thiên; Sát gối gà có vấn nổi cợm lên. Nếu có án thiên mà nó bị phủ lông gối phải xem kỹ mới thấy thì án thiên đó càng quí.

       - Phủ địa là vấn sát phía dưới cùng của chân giáp các ngón. Phủ địa cũng là vãy tốt.

      Ngoài ra còn nhiều câu thiệu về vy gôm các thuật ngữ sau: bể biên khai hậu là cậu các gà, huyền châm đâm con mắt v v v

       Một số dân đá gà lại không tin vào vy vi, họ chú trọng đến mạng của gà. Nhìn vào sắc lông để biết con gà mình nuôi thuộc mạng gì. Ví dụ gà điều màu đỏ thuộc mạng hỏa, gà ô thuộc mạng thủy, gà ó mạng thổ, gà xám mạng mộc, gà chuối, gà nhạn thuộc mạng kim. Những sư kê thuộc hạng nầy ra trường khi nào đúng sách họ mới đá.  Nếu họ mang gà ô, gặp con gà điều khiêu khích thì họ chịu đá liền vì đã đúng sách của họ. Các bạn biết gà ô mạng thủy, gà điều mạng hỏa, như thế thì theo ngũ hành sinh khắc ta thấy thủy khắc hỏa hay hỏa bị nước dập tắt. Các bạn sẽ hỏi con nào thắng? Xin trả lời  đá xong mới biết.  Gà ngũ sắc trên mình nó mang năm sắc lông Đen, trắng, đỏ vàng, xám. Gà ngũ sắc không kỵ mạng nào cả. Nó thuộc loại gà quí và hiếm.

      Một trường phái khác đá gà theo hành. Các bạn giở lịch ngày hôm nay tháng 7 âm lịch, mùng 5 năm Quý Tỵ 2013, bạn đọc ở tờ lịch ghi: ngày k dậu hành thổ; ngày mai mùng 6 là canh tuất  hành kim.

      Nếu ông chủ gà chuối đến trường gà vào ngày lịch ghi hành kim gặp gà xám khiêu khích thử xem chủ gà chuối tính sao? Hai con gà đồng lực, chắc chắn chủ gà chuối chịu đá liền vì kể về mạng gà chuối thuộc kim vậy thì kim khắc mộc, ngày hành kim cũng lại khắc mộc. Con gà chuối có nhiều dịp may hơn để thắng.

      Độc giả thân mến,

      Nghề chơi nào cũng lắm công phu, nuôi gà nòi đá độ, người chủ gà gián tiếp chứng minh tài nghệ của mình trong lúc chọn giống, chăm sóc gà: (vô nghệ,quần sương đổ nước đêm).

      Ai cũng học hỏi không ngừng, ai cũng muốn gà của mình trở thành những con gà bất bại. Nhưng thử hỏi mấy người đạt thành ý nguyện. Gặp năm vận tháng hạn có sư kê đá lớn thua lớn, đá nhỏ thua nhỏ, càng đá càng thua!!

 

      Viết xong August 14,2013

       Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.