TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 

Cuối cùng tôi cũng trở về Dallas, nơi tôi đã một lần ra đi -và nghĩ rằng sẽ là mãi mãi- bỏ lại mẹ và người tình tuổi học trò một thời yêu thương cuồng nhiệt.

Ngày ấy, mẹ tôi trở thành góa phụ ở tuổi ba mươi bốn và tôi vừa lên mười. Ba tôi qua đời trong một tai nạn giao thông và số tiền bảo hiểm năm trăm ngàn đô đã cho mẹ và tôi một cuộc sống vật chất khá đầy đủ, thoải mái. Thương tôi mồ côi cha khi còn bé bỏng, mẹ bỏ nghề nail đang hái ra tiền, ở nhà, lãnh hàng về may với số lượng vừa phải để có đủ thời gian chăm sóc và đưa đón tôi đi học. Tôi trở nên đứa con cưng được chìu chuộng hết mức, muốn gì được nấy. Dì Út thường nói với mẹ:

- Chị có biết chị đang tập cho thằng Du hư không? cái kiểu buông thả của chị, mai mốt lớn lên làm sao bảo được nó.

Mẹ tôi chống chế:

- Chị biết, nhưng chị muốn bù đắp những thiệt thòi mà nó phải hứng chịu vì thiếu tình thương của cha.

Dì Út thở dài:

- Rồi chị sẽ khổ vì nó!

Năm tốt nghiệp trung học tôi quen với Tiểu Mi, một cô gái lai Tàu, không xinh đẹp nhưng khá duyên dáng với đôi mắt một mí to tròn, đen láy. Mẹ không hài lòng cho lắm vì Tiểu Mi không phải là một cô gái hiền lành, ngoan ngoãn mà tính tình có chút ngổ ngáo, nhất là giọng cười nắc nẻ như xé màng nhĩ của người khác, đã vậy còn lớn hơn tôi hai tuổi. Nhưng ý mẹ đâu phải là ý của tôi, nên tình đầu khai phá tôi nhất quyết dành cho người con gái có cái tên rất ư là “phim bộ HồngKông”. Tiểu Mi mất mẹ từ nhỏ, bố là một nhà doanh nghiệp nên ông luôn bận rộn và xa nhà. Ngoài việc cho Tiểu Mi thật nhiều tiền, ông không có chút thời gian nào dành cho đứa con gái độc nhất.

Từ khi hai đứa chính thức yêu nhau, Tiểu Mi thường xuyên lui tới nhà tôi. Mẹ không thích Tiểu Mi, nhưng không muốn tôi buồn lòng nên vẫn đối xử tử tế. Những lúc nhìn thấy điều thiếu sót của Tiểu Mi thì mẹ nhắc nhở bằng giọng nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Rồi như một phép lạ, chẳng bao lâu tính tình Tiểu Mi thay đổi một cách không ngờ. Dịu dàng hơn. Đằm thắm hơn. Duy có giọng cười “bất hủ” thì… đôi khi Tiểu Mi quên lững không kềm chế được. Những lúc đó Tiểu Mi đưa hai bàn tay lên bịt miệng, rồi tát khẽ ” hư quá, xấu quá”. Mẹ bật cười dễ dãi chứ không còn cái nhìn khó chịu như trước nữa.

Ngày tháng trôi theo từng năm học của tôi. Khi tôi học năm thứ ba thì mẹ và Tiểu Mi đã trở nên thân thiết như hai mẹ con. Có lần Tiểu Mi bị sốt nặng trong lúc ông bố đang ở xa, nên tôi phải đưa Tiểu Mi về nhà. Mẹ tận tình chăm sóc cho Tiểu Mi như con gái ruột của mình. Lần đầu tiên tôi thấy những giọt nước mắt rơi xuống từ một cô gái nổi tiếng là cứng đầu, ngang ngược nhất trong nhóm bạn của chúng tôi. Tiểu Mi nói, từ bé đến lớn, chưa bao giờ cô được chăm sóc tận tình như mẹ đã làm. Cái hình ảnh khiến tôi cảm động là lúc mẹ cho Tiểu Mi uống thuốc xong, bà đặt bàn tay lên trán Tiểu Mi để đo chừng nhiệt độ. Tiểu Mi đã nắm lấy bàn tay mẹ, áp lên má, đôi mắt nhắm lại, rồi từng giọt lóng lánh len ra từ khoé mắt, giọng nói nghẹn ngào đầy xúc động:

- Ước gì bác là mẹ cuả con, để mỗi lần bị bệnh, con được mẹ lo lắng cho con. Đó là chuyện rất bình thường đối với mọi người, nhưng với con, đây là lần đầu tiên con mới cảm nhận được thế nào là bàn tay ấm áp của mẹ hiền. Con cám ơn nhiều lắm.

- Thì em cứ gọi mẹ anh là mẹ đi. Anh không có phân bì đâu. Mẹ chịu không?

Mẹ tôi gật đầu, mắt hoe hoe đỏ. Bàn tay thon mềm vuốt nhẹ lên đôi má đỏ au vì cơn sốt của Tiểu Mi.

Năm cuối đại học, một tối mùa hè tôi đi dự sinh nhật của thằng bạn thân cho đến khuya. Trên đường trở về, chiếc motorcycle bị mất thăng bằng lật ngang khi tôi quẹo cua gắt với tốc độ thật nhanh đã vất tôi xuống mặt đường, quay mấy vòng rồi bất tỉnh. Một chiếc xe truck chạy phía sau đã nhìn thấy tất cả diễn biến của tai nạn khủng khiếp. Người tài xế quay ngang chiếc xe và mở đèn cứu cấp để ngăn chận những chiếc xe khác lao tới, rồi chạy đến bên tôi, gọi 911. Mẹ nói, nếu không có bác Nguyễn thì có thể con sẽ bị những chiếc xe khác tông chết, vì trời tối, đèn đường mờ mờ không ai có thể nhìn thấy xa và khi đến gần thì chẳng còn kịp nữa.

Những ngày tôi mê man trên giường bệnh, bác Nguyễn ngày ngày đến thăm viếng và giúp đỡ mẹ, vì khi ấy Tiểu Mi sang Hồng Kông thăm bà nội. Bác Nguyễn sang Mỹ từ năm 1984, vợ con bác đều tử nạn trên đường vượt biên. Những hình ảnh tang thương ấy không ngừng ám ảnh trong từng giấc ngủ khiến bác như điên như dại. Khi qua Mỹ, bác được đưa đến bệnh viện tâm thần và ở đó mất bốn năm để chữa trị. Xuất viện, bác được cơ quan từ thiện giúp đỡ tìm việc làm. Từ đó, bác sống lặng lẽ với vết thương quá khứ sâu hoắm. Bác nói, lúc thấy tôi bị tai nạn, bác như quên hết những sự nguy hiểm có thể xảy đến cho mình, lao ra cứu tôi, vì bác nghĩ đến những người thân của bác đã mất đi, để lại cho bác một sự đau đớn tột cùng và bác không muốn người khác phải rơi vào hoàn cảnh giống mình. Mẹ không ngớt lời cám ơn bác đã cứu mạng của tôi.

Khi tôi rời khỏi bệnh viện trở về nhà thì những ngày cuối tuần, ngoài người khách thường xuyên là Tiểu Mi còn có thêm bác Nguyễn. Căn nhà vắng vẻ ngày nào của hai mẹ con tôi bỗng chốc trở nên vui vẻ, tràn đầy sinh khí với những câu chuyện không dứt của bác Nguyễn và mẹ, tiếng cười đùa hồn nhiên của tôi và Tiểu Mi. Điều khiến tôi ngạc nhiên không ít là sự hiện diện của dì Út. Tuy không đều đặn nhưng thường xuyên hơn ngày chưa có bác Nguyễn, không kể dì còn bỏ công nấu những món ngon, khiến cho những ngày thứ bảy của chúng tôi trở nên một ngày đặc biệt. Có lẽ, dì Út đã “phải lòng” bác Nguyễn. Tôi thầm nghĩ. So ra thì tuổi tác của hai người có phần cách biệt, vì bác Nguyễn hơn dì Út một con giáp, nhưng cũng chẳng sao, bác Nguyễn trông vẫn còn rất phong độ.

Từ nhỏ tôi thường bị dì Út rày la khi thấy tôi vòi vĩnh mẹ đủ điều hoặc đôi lúc vì giận dữ tôi xô đẩy, quăng ném bất cứ thứ gì vào người mẹ. Chính vì thế mà tôi chỉ sợ dì chứ không thương. Bây giờ lại nhìn thấy dì thân mật, vui vẻ với bác Nguyễn tôi càng không thích. Nhất là những hành động như che đậy, như tránh né khi dì luôn xếp mẹ ngồi cạnh bác Nguyễn, còn dì thì ngồi đối diện và thỉnh thoảng lại len lén nhìn bác Nguyễn như dò xét. Có lần tôi kể lại chuyện này, Tiểu Mi che miệng, cười phá lên, anh chỉ giàu tưởng tượng, và nhìn tôi như đang có điều gì vừa bí ẩn, vừa thú vị.

Tôi vẫn vô tư với suy nghĩ đó nếu không có một lần tình cờ nghe được…

- Đã đến lúc chị nên nói cho thằng Du biết.

- Chị sợ… nó không bằng lòng.

- Nó phải bằng lòng. Mười bốn năm qua chị đã sống vì con, cho con thì bây giờ chị có quyền sống cho chị. Một năm nữa nó sẽ tốt nghiệp đại học, có việc làm và có thể sẽ đi xa. Lúc đó chị thui thủi một mình vào ra hiu quạnh, nên cần có một người bên cạnh để an ủi, nương tựa lúc tuổi xế chiều. Và theo sự nhận xét của em thì anh Nguyễn là người rất đáng tin cậy.

- Chị không đoán được phản ứng của Du. Nếu không chấp nhận thì nó sẽ giận dữ và hậu quả rất khó lường. Em cũng biết tính của nó mà.

- Bởi vậy hồi nó còn bé em vẫn thường nhắc nhở chị. Nó được cưng chìu quá mức nên lúc nào cũng nghĩ đến bản thân mình, không cần biết đến ai khác. Nhưng em thấy nó rất mến anh Nguyễn. Có lẽ nó không phản đối chị bước thêm bước nữa đâu. Con Tiểu Mi cũng ủng hộ chuyện của chị và anh Nguyễn, nó hứa sẽ thuyết phục thằng Du.

Thì ra, mọi người đã toa rập nhau để dấu diếm tôi một việc rất trọng đại. Tôi thật sự nổi giận. Tôi thích bác Nguyễn nhưng không có nghĩa là đồng ý cho bác thay thế vị trí của ba tôi trong lòng mẹ. Có thể, đối với mọi người tôi là một đứa bé Việt Nam đã bị Mỹ hóa từ cách suy nghĩ cho đến cách sống. Nhưng thật ra, len lỏi trong ngỏ ngách tâm tư, tôi vẫn còn một điểm rất “lạc hậu”, đó là tôi muốn mẹ phải là một người đàn bà tiết hạnh, suốt đời thờ chồng nuôi con và sống với con cho đến hết cuộc đời như hàng chục bộ phim Tàu tôi đã xem cùng mẹ từ thuở nhỏ.

Tôi bước vào nhà, cúi đầu đi một mạch vào phòng, không chào hỏi ai một câu. Dì Út rất nhạy cảm, chỉ nhìn thoáng qua nét mặt của tôi dì đoán được tôi đã nghe tất cả cuộc đối thoại giữa mẹ và dì. Vốn có tính dứt khoát, nên rất nhanh dì gọi tôi đứng lại:

- Du, con đã nghe mẹ và Út nói chuyện rồi phải không?

Mẹ níu tay dì Út giật nhẹ, nhưng dì vẫn thản nhiên hỏi tiếp:

- Con nghĩ sao nếu mẹ con và bác Nguyễn kết hôn?

Dù tôi đã lớn nhưng “cái uy vô hình” của dì Út vẫn làm tôi nể sợ. Mặc khác, tôi cũng không muốn nghe dì giảng thuyết tràng giang đại hải về sự hy sinh vĩ đại của mẹ, về bổn phận làm con, nên nén sự bực tức, nhìn mẹ lạnh nhạt:

- Nếu mẹ cảm thấy điều đó cho mẹ niềm vui và hạnh phúc thì mẹ cứ làm.

Tôi tin rằng ánh mắt của tôi khi nói “mẹ cứ làm” sẽ làm cho mẹ “không dám làm” điều mẹ muốn. Nhưng tôi đã lầm, tình yêu của mẹ dành cho bác Nguyễn lớn hơn tôi nghĩ, nên mẹ đã nghe lời dì Út “không chìu nó nữa, ngày tháng còn lại của chị không còn dài chị phải sống cho chị”. Thế là buổi lễ ra mắt của bác Nguyễn và mẹ được quyết định cử hành sau đó khoảng một tháng. Dì Út nói, mẹ biết tôi không được vui nên không muốn tổ chức hôn lễ như bác Nguyễn đề nghị. Tiểu Mi một mặt vuốt ve tôi, một mặt ủng hộ mẹ tận tình trong những việc giúp mẹ tổ chức buổi tiệc. Nhìn nét mặt hớn hở của Tiểu Mi tôi giận căm gan. Hình như mọi người cố tình lờ đi trước phản ứng chống đối ngấm ngầm của tôi bằng khuôn mặt lầm lì, không nói, không cười. Tôi nhất định phải có thái độ kịp thời. Tôi nhất định phải giữ mẹ lại cho tôi, vì tôi không thể mất đi tình thương của mẹ, hoặc nếu còn thì cũng chỉ là một nửa.

Cơ hội đến khi bác Nguyễn tới nhà bàn tính với mẹ việc gửi thiệp mời bạn bè tham dự bữa tiệc. Hôm ấy không có mặt dì Út để la rày, cũng không có mặt Tiểu Mi để ngăn cản cơn thịnh nộ của tôi. Tôi gay gắt hỏi bác Nguyễn:

- Bây giờ người ta ào ào về Việt Nam cưới vợ trẻ mà bác nhất quyết cưới mẹ con. Có phải bác nhắm vào số tiền bảo hiểm của ba con để lại?

Câu hỏi như gáo nước sôi tạt vào mặt hai người đang hoan hỉ với niềm vui lớn lao. Mặt bác Nguyễn đỏ au vì tức giận, trong khi mẹ tròn mắt ngỡ ngàng.

- Chưa bao giờ bác nghĩ đến điều này. Bác thừa khả năng để lo cho mẹ con mà không đụng một xu nào trong số tiền đó. Bác sẽ rút tên mẹ con ra khỏi trương mục ngân hàng, chỉ để mình con đứng tên và toàn quyền trên số tiền đang có trong đó.

Tôi cười mỉa mai:

- Biết đâu… số tiền đó không còn nguyên mà đã được chuyển đi trước khi những điều bác vừa nói được thực hiện. Bác chỉ là một kẻ gian xảo, đem cái mã đẹp trai dụ dỗ đàn bà nhẹ dạ.

Bốp!!!!

Tôi bàng hoàng đưa tay vuốt má. Một điều tôi không bao giờ ngờ đã xảy ra. Mẹ tôi, người mẹ đã từng cưng tôi như trứng mỏng, chưa bao giờ mắng nhiếc một tiếng dù tôi lầm lỗi vì sợ tôi tủi thân, chưa bao giờ đánh tôi một cái dù nhẹ hều như phủi bụi. Nhưng ngày hôm nay, lần thứ nhất trong đời, bàn tay mềm mại từng cho tôi những cái vuốt ve trìu mến đã trở thành mảnh gỗ thanh mảnh mà cứng rắn tát vào mặt tôi một cái tát đau điếng. Tình yêu đã làm mẹ mù quáng. Bác Nguyễn và tôi đã được mẹ đặt lên bàn cân và đầu cân phía tôi nhẹ hẫng.

- Tại sao con có thể nói những lời hỗn hào với người đã từng cứu mạng con. Hãy mau xin lỗi bác.

Tôi bẽ bàng nhìn mẹ bằng cái nhìn đầy oán hận.

- Mẹ đừng dựa vào chuyện ân nghĩa để buộc con phải chấp nhận điều con không muốn. Con hoàn toàn phản đối mẹ kết hôn với người đàn ông này. Mẹ hãy chọn lựa đi…. giữa con và ông ta. Nếu mẹ nói rằng tình yêu này là sinh mạng, là cuộc sống của mẹ thì con sẽ bước ra khỏi nhà.

Tiểu Mi đã vào nhà tự lúc nào. Từ phía sau, Tiểu Mi lên tiếng trách móc:

- Du! đáng lẽ anh phải mừng vì mẹ đã tìm thấy hạnh phúc chứ sao lại làm khó mẹ. Bác Nguyễn sẽ là người thay thế anh để chăm sóc mẹ, nếu mai này vì công việc anh phải dời đi nơi khác. Em nghĩ, đáng lẽ anh phải cám ơn bác mới đúng. Nếu là em, em mừng còn không hết….

Tôi hét vào mặt Tiểu Mi:

- Tôi không cần ai lo cho mẹ, tự bản thân tôi sẽ làm được chuyện ấy.

- Anh có chắc là suốt cuộc đời, lúc nào anh cũng kề cận, lo lắng cho mẹ được không? còn công ăn việc làm, còn vợ con. Thú thật là em sẽ không đảm nhận nổi chuyện đó.

Tôi tức giận đến gần nổi điên:

- Ai khiến cô đảm nhận chuyện đó. Tôi có nói là sẽ cưới cô đâu. Tôi còn chưa hỏi tội cô đã toa rập với mọi người để qua mặt tôi. Cô có giỏi thì ở lại đây… tôi sẽ đi khỏi nhà này ngay tức khắc.

- Du! nghe mẹ nói.

Tôi ra cửa bằng những bước chân hậm hực, lên xe rú ga phóng đi.

Cái tự ái cao vời vợi, cái cảm giác bị bỏ rơi của đứa con trai chưa bao giờ bị mẹ làm trái ý khiến tôi trở nên hung hăng, ích kỷ. Tôi giận mẹ, giận Tiểu Mi -hai người thân yêu nhất của tôi- nên quyết định không trở lại nhà và cắt đứt mọi liên lạc. Sau đó, tôi theo thằng bạn thân đến tiểu bang Michigan, hoàn tất chương trình đại học và ba năm sau lập gia đình cùng cô bạn học người bản xứ với đôi mắt xanh lơ và mái tóc vàng óng mà lòng vẫn chưa nguôi sự giận hờn.

***

Tôi không ngừng đưa tay lau nước mắt nhưng trên khuôn mặt vẫn đầm đìa những giọt lệ tương phùng. Một cuộc tương phùng thật oái ăm, đau đớn.

Người đàn bà ngồi trên sofa vẫn xinh đẹp với nụ cười hiền lành, phúc hậu như ngày nào, nhưng những lời nói ra thật ngây ngô như xé nát trái tim đứa con hoang đàng.

- Anh biết thằng Du ở đâu không? đi kiếm nó đi, biểu nó về cho em gặp một chút.

Tôi mếu máo, nói trong tiếng khóc

- Mẹ ơi! con là Du đây.

- Nói láo. Em không có ngu đâu, đừng xí gạt em.

Tôi cầm bàn tay trắng muốt, nổi đầy gân xanh của mẹ, rồi nhìn Tiểu Mi. Tội nghiệp, người con gái tôi yêu ngày xưa vẫn kiên trì ở bên cạnh mẹ từ lúc tôi bỏ đi và bà bị rơi vào căn bệnh mất trí nhớ. Tiểu Mi đã nhờ bạn bè và tìm đủ cách để liên lạc với tôi, nhưng vô ích. Tôi đã quyết tâm quay lưng với quá khứ, mắt nhìn thẳng về phía trước để bước đến tương lai mà không cần biết đến sự đau khổ tuyệt vọng của mẹ, của người tình mà tôi đã từng nghĩ rằng suốt đời chúng tôi sẽ mãi mãi bên nhau. Tại sao tôi có thể lạnh lùng đến vô tâm như vậy? Nếu không có giấc mơ kinh hoàng đêm hôm trước tôi sẽ không bao giờ có ý định trở về. Trong giấc mơ, tôi thấy thân thể mẹ đầm đìa máu, dáo dác, hoảng loạn, ngã xuống hố, tuột xuống đồi, chới với giữa biển khơi với những ngọn sóng cao đen ngòm, miệng hớt hãi gọi tên tôi “Du ơi! con đâu rồi. Chúa ơi! xin giúp con tìm được con của con”. Tôi tỉnh dậy, cả người ướt đẫm mồ hôi. Ý nghĩ “trở về” bỗng thôi thúc một cách kỳ lạ.

Tôi khẽ khàng hỏi Tiểu Mi:

- Mẹ bị bệnh từ lúc nào?

- Hai năm sau khi anh đi… Anh đi rồi mẹ nhờ người thay ổ khóa, khóa chặt cánh cửa, không cho ai lui tới, cĩng không bắt điện thoại. Cái mặc cảm “không xứng đáng làm mẹ” đã không ngừng ám ảnh mẹ. Cho đến một ngày mẹ gọi em và từ đó em thường xuyên đến với mẹ. Nhưng chỉ một mình em thôi. Bác Nguyễn và dì Út đều bị mẹ từ chối, không gặp mặt. Rồi dần dần em nhận ra mẹ bắt đầu nói năng lộn xộn, ngớ ngẩn, chuyện này quàng qua chuyện nọ. Một năm sau, khi bố qua đời, em dọn về đây ở hẳn với mẹ. Nhờ hãng cho em làm việc tại nhà nên em có thể vừa làm, vừa chăm sóc mẹ… Gần đây mẹ hoàn toàn không nhận ra em, nhưng luôn miệng nhắc đến anh. Được cái mẹ vẫn ăn được, ngủ được nên sức khỏe khá tốt.

Tôi cúi đầu lí nhí trong cổ họng:

- Anh mang ơn em suốt đời và cũng ân hận suốt đời vì những nông nổi sai lầm của mình.

- Thôi bỏ đi anh, chuyện đã qua rồi. Anh trở về đây là điều đáng mừng… em mừng lắm. Anh sẽ ở lại đây luôn phải không?

- Anh còn công việc, còn quá nhiều chuyện…

Tôi không dám nói với Tiểu Mi rằng tôi đã có vợ và đứa con trai một tuổi.

Ngày tôi bỏ Tiểu Mi để ra đi khi cuộc tình đang lúc mặn nồng đã là một sự tàn nhẫn. Bây giờ, nếu Tiểu Mi biết rằng trong lúc nàng vất vả, cực nhọc để thay tôi săn sóc người mẹ bệnh hoạn thì tôi hân hoan cặp tay một người con gái khác bước vào tiệc cưới lộng lẫy và vô tư hưởng niềm hạnh phúc mới, thì đó là một sự nhẫn tâm không bao giờ có thể tha thứ được.

Tôi vòng tay ôm cổ mẹ, dúi đầu vào ngực mẹ như thuở bé thơ. Nhớ lại câu nói của dì Út ngày nào “Rồi chị sẽ khổ vì nó!” mà lòng tôi dâng đầy niềm ân hận. Mẹ ơi! tôi thút thít khóc, mẹ vỗ đầu tôi, nói “nín đi con, mẹ thương con, mẹ thương con nhất trên đời”. Câu nói thật dịu dàng, thật ngọt ngào, nhưng đôi mắt mẹ hoàn toàn vô cảm. Trái tim tôi như có ngàn mũi kim châm. Tôi biết rằng, dù có nói ngàn câu xin lỗi mẹ cũng sẽ không bao giờ hiểu được nỗi xót xa, ân hận đang nặng trĩu trong lòng tôi!!!!

Ngân Bình

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.