TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Hằng năm cứ mỗi lần Tết đến, Hội Đồng Hương Vĩnh Long đều có tổ chức buổi Họp Mặt những anh em bạn bè chí cốt, những bà con thân thuộc, những người đã sinh trưởng hoặc có một thời gian làm việc tại Vĩnh Long…Nói chung là những ai đã đến đất Vĩnh long dù thời gian ít hay nhiều đều được mời tham dự.

   Chú thích: Bà Nguyễn Thanh Tước (Hoa Khôi trưòng College Vĩnh Long, ngồi giữa mang kiếng) và Ban Tiếp Tân đang đón chào Quan Khách.

   Mục đích là tìm gặp lại những người thân thương sau bao năm xa cách. Hôm nay trên quê hương thứ hai, Đất Nước Tự Do Hoa Kỳ, anh em bạn bè, đồng bào ruột thịt được nhìn thấy nhau, thăm hỏi nhau, cùng nhau nâng ly rượu Mừng Xuân thật là một diễm phúc vô biên.

 Chú thích: (Từ phải sang trái) MC Ngọc Long, Lê Châu Trí, Trương Đại Nghĩa…, Phạm Văn Long (Hội Trưởng, đứng giữa, áo khoác không cài nút), Lưu Vĩnh Khương, Lê Thành Thưởng……

  Mở đầu chương trình, anh Hội trưởng Phạm Văn Long đọc diễn văn chào mừng quan khách. Anh Long là người sinh trưởng tại Vĩnh Long, gia đình ở cầu Cái Sơn Bé trên đường từ cầu Thiềng Đức xuống Bắc Cổ chiên. Anh là một sinh viên du học từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, rồi định cư ở Mỹ. Hiện nay anh là Kỹ Sư Xây Dựng xây cất những công trình qui mô vùng Nam Cali. Quê hương sông nước Cửu long nói chung, vùng đất Long Hồ nói riêng hãnh diện có người con đáng quý.     

  Tiếp theo, Luật sư Lưu Vĩnh Khương trình bày lịch sử vùng đất Long Hồ: Vùng đất nầy trước kia là Thủy Chân Lạp thuộc Vương Quốc Phù Nam. Khi Nhà Thanh đánh đuổi Nhà Minh bên Trung Quốc. Mạc Cữu, tướng của Nhà Minh lưu vong, dẫn đoàn quân dùng thuyền đi về phương Nam tá túc cùng Chúa Nguyễn.

          Chú thích: Bên trái là Luật sư Lưu Vĩnh Khương, bên phải là Giáo sư Tống Thành Đương.

   Lúc bấy giờ đất của Chúa Nguyễn chỉ tới vùng Bà Rịa-Biên Hòa. Lợi dụng vùng đất phía Nam còn hoang vu, Chúa Nguyễn cho Mặc Cửu đến ở vùng đất Hà Tiên. Mặc Cửu là dân tị nạn, khi gặp được vùng đất màu mở, ít ngưòi ở, nên dốc toàn lực ra khai thác. Ngoài ra, Hà Tiên còn nằm trên bờ biển nên rất thuận tiện cho việc buôn bán. Từ đó, Hà Tiên trở thành một thương cảng sầm uất, tàu thuyền tới lui tấp nập. Khi Mạc Cữu mất, con là Mạc Thiên Tứ lên kế nghiệp. Vì muốn đền ơn lại Chúa Nguyễn, nên ông đem phần đất Hà Tiên sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, nước ta có thêm phần đất phía Nam, chạy dài từ Biên Hòa đến Hà Tiên. Sau khi phần đất Thủy Chân Lạp được sáp nhập vào Lãnh thổ Việt nam, ngưòi Khờ-me còn ở lại, sốngtập trung vào những Sóc: Vĩnh Long có Sóc Rừng ở huyện Tam Bình.

          Chú thích: Giáo sư Đào Hữu Ngạn đang thuyết trình Văn hoá Ẩm thực của tỉnh Vĩnh Long,

   Khi vua Gia Long thống nhất Nam Bắc, đặt Kinh Đô ở Phú Xuân (Huế), phong Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia định trông coi đất Nam kỳ. Đến đời vua Tự Đức, dưới áp lực của người Pháp, Phan Thanh Giản được cử làm Kinh Lược sứ Nam kỳ đóng quân tại Long Hồ. Đất nước Vĩnh Long được biết đến nhiều kể từ đó.

  Người đứng cạnh Luật sư Lưu Vĩmh Khương là Giáo sư Tống Thành Đương, người bạn chí thân lúc còn tuổi học trò. Mỗi lần gặp nhau, bạn Đương thường đề cập đến những câu chuyện Tiếu lâm khó quên, mà anh em thường kể nhau nghe trong những giờ ra chơi, ngồi trên bãi cỏ trong sân trường.

 

  Chú thích: Dân Biểu Bùi Văn Nhân (mang cà-vạt đỏ), hai bên là hai vị Cao Niên (tuổi quá tám mươi mà sức khỏe vẫn tốt), đứng sau là Giáo sư Phan Văn Tứ.

  Trước khi tiệc liên hoan tất niên bắt đầu, Giáo sư Đào Hữu Ngạn trình bày Văn hóa Ẩm thực của tỉnh Vĩnh Long; ông đề cập đến những  thức ăn đặc sản như: ốc gạo ở Cù lao Tân Phong, cá chấy ở Trà ôn.Trái cây thì có chôm chôm tróc của Hai Rẩy ở Đồng Phú, nhãn hạt tiêu của Sáu Giáo ở An Bình, bưởi năm roi ở Bình Minh. Ngoài ra, còn có nghề nuôi ong lấy mật do ông Ba Ngạn khởi xướng ở xã Vĩnh Bình.

  Buổi Họp Mặt hôm nay rất là đông. Số lượng quan khách về tham dự gần ba trăm người. Hầu hết là ngưòi Vĩnh Long ở khắp nơi trên thế giới qui tựu về. Tình cờ, tôi gặp một học trò cũ, lúc còn làm nghề giáo dạy học tại Vĩnh Long. Đó là em Châu Thành Tài. Thấy tôi, Tài chạy đến hỏi: Thầy còn nhớ em không? Tôi nhìn em, rồi cố tìm trong trí nhớ giây lâu… đáp: Xin lỗi, Thầy không nhớ rõ!

  Chú thích: Giáo sư Đào Khánh Thọ và Giáo sư Võ Ngọc Dung (Cựu Hiệu trưởng trường Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long) đang tiến vào Nhà hàng.

  Tài liền đáp: Em là Tài, học với Thầy năm 1972,  lớp 11 tại trường Long Hồ  Vĩnh Long. À…à…thì ra cái lớp quậy phá nhất của trường Long Hồ đó phải không?   Đúng vậy!  Tôi liền nghĩ ngay đến cái lớp mà Học trò đuổi Thầy. (Năm 1972, tôi dạy trường Sư Phạm Vĩnh Long, dạy thêm ở trường tư Long Hồ).

  Mỗi khi có Giáo Sư mới (Tôi) đến dạy, sau khi ông Tổng Giám Thị là Thầy Hai Giác dẫn vào lớp giới thiệu xong. Thầy Hai bước ra khỏi lớp, còn một mình ông Thầy đứng trên bục giảng, nhìn xuống chỉ thấy mấy em nữ sinh và khoảng chừng ba bốn cậu trai trong lớp, còn bao nhiêu đứng ngoài hành lang, hoặc núp ở cửa sổ nhìn vào. Tôi say sưa giảng bài và viết đầy trên bảng. Khoảng nửa giờ, tôi lấy tấm giẻ lau bảng, vừa lau vừa quay đầu nhìn xuống, thấy trong lớp bây giờ có trên 40 chục học sinh. Khi tiếng chuông reo hết giờ, vừa xách cập bước ra khỏi lớp, thì đồng loạt khoảng trên 60 học sinh đứng dậy, kính chào Thầy.

  Lên gặp Thầy Hai thì Thầy cho biết là: Giáo sư dạy được, các em chịu học. Nếu tiếng chuông kết thúc giờ học, nhìn xuống mà chẳng thấy bóng dáng một em học sinh nào cả, thì ông Thầy tự động rút lui. Học trò đuổi Thầy là thế!  

Chú thích: Nhà hàng Seafood Paracel, một nhà hàng sang trọng vùng Little Saigon, đang tưng bừng đón tiếp khách đồng hương Vĩnh Long.

  Lên Văn phòng gặp Tổng Giám Thị, ông ta xin lỗi là bầy trẻ không thích Thầy. Rồi ông Thầy lủi thủi ra về, không được lãnh tiền giờ dạy, nét mặt buồn hiu!

  Buổi tiệc liên hoan chấm dứt trong bầu không khí đầm ấm của ngày Tết Nhâm Thìn. Những cái bắt tay tạm biệt còn lưu luyến, hẹn gặp lại nhau vào mùa Xuân năm tới.               

 

Phan Văn Tứ

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC