TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Thành Long Hồ

1813 -1867

Ai có về thăm đất Vĩnh Long,
Đi ngang qua Miểu Bảy Bà cũ.
Nhìn lên cái cổng Tam Quan,
Thấy tấm bảng gắn một hàng chữ vàng.
 
Những dòng chữ còn ghi rất rõ,
Di Tích Cửa Hữu Thành Long Hồ.
Nhắc đến tên tuổi Cụ Phan,
Thành mất tuẩn tiết hiên ngang theo thành.

 

        Như vậy, Thành Long Hồ có từ thuở nào? Vị trí nằm ở dâu? Ai là người xây cất? Chúng ta sẽ lần lược tìm hiểu:

       Thành Long Hồ được xây vào năm 1813 và mất vào năm1867 hưởng dương được 54 tuổi. Nếu miền Bắc có Thành Thăng Long, tức là nơi đó Rồng bay lên thì miền Nam có Thành Long Hồ, tức là một Hồ  Rồng, hay nói nôm na: “đất Vĩnh Long là cả một hồ Rồng sinh sống.”

       Bởi thế, nên có nhiều người cho Vĩnh Long là vùng Địa Linh Nhân Kiệt. Lời phê phán đó suy ngẫm có lẽ cũng đúng được phần nào. Ngược dòng thời gian, trải qua các triều đại cận kim, đất Vĩnh Long đã sản sinh nhiều nhân tài, đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong Bộ máy Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam. Rất tiếc là đất Vĩnh Long có cả một Hồ Rồng ( Rồng con), nên chưa có được Rồng Chúa để bay lên làm Vua  cả nước. 

 

Chú thích: Tấm bảng ghi Di tích Cửa Hữu Thành Long Hồ.

        Ngày nay thành phố Vĩnh Long phát triển rất nhanh, thay đổi hẳn cả bộ mặt thành phố cổ xưa, nên thành việc xác định vị trí Thành Long Hồ thật là khó khăn. Rất may mắn là còn một di tích lịch sử đáng tin cậy. Đó là Cây Da Cửa Hữu.

        Đây là một cột mốc quan trọng nhất, còn sót lại đến ngày hôm nay.  Hiện tại, Cây Da Cửa Hữu làm thành một chiếc lộng to lớn che mát bên trên cái Miễu.

        Vào thập niên 50 của thế kỷ 20, Cây Da mẹ già cỗi chết đi, từ thân cây mẹ mọc ra Cây Da con. Cây Da con phát triển tươi tốt đến ngày nay.

        Cây Da Cửa Hữu tọa lạc tại giao lộ đường Mười Chín Tháng Tám và đường Hoàng Thái Hiếu. Cây Da nằm trên một gò đất cao. Từ xa có thể nhìn thấy tàng lá xum xuê của Cây Da to lớn. Cây Da tỏa nhánh bao la, che mát một khoảng đất rộng trước Ủy Ban Nhân Dân Phường Một, Thị xã Vĩnh Long.

Chú thích: Quang cảnh đẹp nên thơ bên bờ sông Cổ Chiên.

        Cây Da Cửa Hữu là dấu vết còn sót lại của Thành Long Hồ xưa.(1) Thành Long Hồ từng là biểu tượng của ý chí sức mạnh dân tộc vùng đất phương nam Tổ quốc Việt Nam. Cây Da Cửa Hữu gợi lên dấu vết của một thời kỳ lịch sử oai hùng – bi tráng của dân tộc Việt

        Xét về Thành Long Hồ ngày xưa: Đây là một vị trí chiến lược quan trọng cho việc đóng quân, lúc còn dùng vũ khí thô sơ; giao thông đường bộ chưa phát triển; thế mạnh quân sự ở chỗ Thủy quân. Phía Bắc có sông Cổ Chiên, phía Nam có rạch Cầu Lầu (Cái Trê), phía Đông có rạch Long Hồ và phía Tây có rạch Cái Cá.

Chú thích: Cây Da phía sau tạo thành chiếc lộng che mát cái Miễu.

        Thành Long Hồ khi xưa Cửa chính quay về hướng Đông Nam, tức là phía rạch Cầu Lầu, cho nên Cây da Miễu Bảy Bà nằm bên Tay Phải -  Cửa Hữu. (Đây là điểm nóng chính xác, có thể từ đó suy ra tìm được vị trí của Thành Long Hồ ngày xưa). Bắc ngang qua rạch Cầu Lầu là một cây cầu gỗ, trên có một Lầu Canh để kiểm soát việc ra vào, cho nên mới có tên Cầu Lầu. Phía Tây từ rạch Cái Cá dài đến rạch Cầu Lầu là con Kinh Cụt (Cầu Kinh Cụt). Trước kia nơi đây là một bức tường kiên cố xây bằng đất sét nung đỏ. Khi đào vét lòng kinh cho dòng nước chảy xuôi, người ta tìm thấy rất nhiều vết tích những viên gạch màu đỏ.

Chú thích: Cây Dừa lão cao khẳng khiu tượng trưng tinh thần bất khuất của người dân xóm Rạch Cái Trê.

        Nhìn vào tấm Văn Bia Thành Long Hồ đặt ngay giữa Miếu được ghi chép như sau:

       “Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: mùa xuân Quí Dậu (1813) Vâng lệnh Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Vua Gia Long thứ 12), Triều đình Huế lệnh cho quan Khâm Mạng Đại Thần Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh Trấn xây dựng thành Long Hồ.

        Thành đắp bằng đất, chu vi dài 750 trượng, lũy cao 1 trượng, hào rộng 6 trượng (2). Thành hình hoa mai có năm cửa  (Ngũ Giác Đài = Pentagon) quay về năm hướng: Đông Nam - Tây Nam - Đông - Tây và Bắc. Cửa Tiền ra hướng Đông Nam, cửa Hữu ra hướng Tây Nam, cửa Tả hướng ra hướng Đông, cửa Hậu thứ nhất hướng ra hướng Tây và cửa Hậu thứ hai hướng ra hướng Bắc. Thành có cổng chắc then cài.

Chú thích: Tấm Văn Bia ghi rõ lược sử Thành Long Hồ.

        Bên trong thành được phân chia làm hai lối dọc, ba lối ngang bao gồm: Công thự, nhà Thừa ty, Kho lương, Doanh trại. Hành cung rộng, trồng rộp Hoa Hướng Dương (thường gọi bông quỳ). Chính giữa uy nghi sừng sững Kỳ Đài (Xem bài viết Di tích lịch sử thời Phan Thanh Giản: Cây Cột Cờ của cùng tác giả). Trung tâm quyền uy cuối trời Tổ quốc”.

        Sách Gia Định Thành Thông Chí ghi nhận về thành Long Hồ như sau: “Thật là một yếu điểm quan trọng, địa hình thuận tiện đầy thắng lợi vậy. Trong suốt quá trình tồn tại lâu dài, thành Long Hồ luôn luôn là thành trì vững chắc chi phối về quân sự - kinh tế - văn hóa cho cả khu vực miền Nam rộng lớn của Tổ quốc”.

        Năm 1867, thực dân Pháp đánh thành Long Hồ, quan Kinh Lược Sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản tự sát. Sau khi chiếm được thành Long Hồ, thực dân Pháp cho đập phá tất cả các đồn lũy, tiêu hủy các công trình văn hóa của nhà Nguyễn để lại, và san bằng thành Long Hồ.

        Tóm lại, người có công xây dựng thành Long Hồ là quan Khâm Mạng Đại thần Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh Trấn (1813) và người tuẫn tiết với thành Long Hồ là quan Kinh Lược Sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản (1867).

        Ôi! Thật đáng tiếc thay, Thành Long Hồ ngày nay chỉ còn nằm trong giấc mộng mà thôi!

 

Phan Văn Tứ

__________________________________________________________

Phụ chú: 1./ Bài viết nầy dựa theo:

        a./ Tấm Văn Bia Thành Long Hồ đặt ngay giữa Miếu.

        b./ Công văn số: 4882/VHTT/BTVL ngày 05/09/2000  (xem phụ bản).

        2./ Trượng (cây gậy) đơn vị dùng để đo chiều dài thuở xưa. So với đơn vị ngày nay dài khoảng chừng 60 inches. Hình phạt nhẹ nhất: (tội tiểu hình) Để xử phạt tội nhân là bắt nằm xuống đất dùng gậy đánh vào mông. Tùy theo tội nặng nhẹ mà đánh từ 20 trượng đến 100 trượng.

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC