TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974
   Ngày 19/1/1974, sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi, hải quân Trung Cộng đã chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracells), khi ấy đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.
   Ông Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề đốc hải quân VNCH, nguyên Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, là một trong các chỉ huy tham dự trận đánh, đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 15/12/2007:
   “Chúng tôi thấy xuất hiện những sinh hoạt bất thường trên đảo. Trong các đảo thuộc chủ quyền VN thì đảo Hoàng Sa (Pattle) có người ở. Trên đảo có đài khí tượng và một đại đội lính đồn trú. Những đảo kia thuộc quyền kiểm soát của VNCH, và không có quân. Khi thấy xuất hiện một số sinh hoạt khác thường trên đảo, chúng tôi cử người nhái và biệt hải lên thăm dò thì thấy quân nhân lạ và những chiếc tàu đánh cá có võ trang xuất hiện xung quanh. Chúng tôi cư xử ôn hòa mời họ ra khỏi đảo. Tuy nhiên tàu lạ có hành động khiêu khích. Được sự đồng ý của Tổng thống, chúng tôi dùng vũ lực để mời họ ra”.
   Trận hải chiến xảy ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/1/1974. Theo ông Thoại, sự thiệt hại của hai bên coi như bằng nhau. Phía VNCH có tất cả 58 sĩ quan và thủy thủ đã bỏ mình trên các chiến hạm, kể cả hai người nhái trên đất liền. Tuy số quân hai bên không khác nhau nhiều nhưng chiến hạm của Trung Cộng tối tân hơn của VNCH.
   Trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Thoại cho biết: “Chúng tôi quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của TQ đang trên đường tới khu vực và khả năng sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam. Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở gần đó đã không trợ giúp, ngay cả khi chúng tôi cầu cứu”.
   Theo cuốn hồi ký Can trường trong chiến bại của phó đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh vùng I duyên hải, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bằng giấy trắng mực đen với tư lệnh hải quân vùng I của miền Nam Việt Nam “bằng mọi cách” không để một tấc đất của tổ tiên mất vào tay giặc.
Phó đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại,
nguyên Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải
   Diễn biến cuộc chiến, theo Wikipedia, xảy ra như sau: Ngày 16/1/1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) sau khi đưa một phái đoàn công binh Quân đoàn I do Thiếu tá Hồng dẫn đầu (trong đó có một người Mỹ tên Kosh thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng) thăm dò một số đảo Hoàng Sa để thiết lập một phi đạo ngắn đã phát hiện hai ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407 của Hải quân Trung Cộng gần đảo Hữu Nhật (còn được gọi không chính xác là “đảo Cam Tuyền” – Robert), đồng thời phát hiện quân Trung Cộng chiếm đóng đảo Quang Hòa (Duncan) và cắm cờ Trung Cộng tại các đảo Duy Mộng (Drummond), Quang Ảnh (còn được gọi không chính xác là “đảo Vĩnh Lạc” – Money).
   Sau khi cấp báo về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Cộng rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Cộng không rời và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía VNCH rời lãnh hải Trung Cộng.
   Ngày 17/1/1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Cộng , cắm cờ VNCH. Theo hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, toán biệt hải rời
HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ-16. Cùng trong ngày hai Liệp tiềm đĩnh loại Kronstad số 274 và 271 của Trung Cộng xuất hiện.
Khu trục hạm Trần Khánh Dư, HQ-4
   Ngày 18/1/1974, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân VNCH bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Cũng trong sáng ngày 18, lực lượng tăng cường cho Hoàng Sa bao gồm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) có mặt tại trận địa.
Đề đốc Lâm Ngươn Tánh
   Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy không dùng được, chỉ còn một máy hoạt động. HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy là soái hạm của Hải đoàn đặc nhiệm bao gồm 4 chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc ở trên HQ-5 là người trực tiếp chỉ huy Hải đoàn.
   Khoảng xế trưa ngày 18 tháng 1, Đại tá Ngạc quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật để tiến về phía đảo Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ chiếm lại đảo một cách hoà bình như đã làm trước đây.
   Bốn chiến hạm theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ-4, theo sau là tuần dương hạm HQ-5 trương hiệu kỳ hải đội, thứ ba là tuần dương hạm HQ-16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ-10, khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, tốc độ chừng 6 gút.
Đại tá Hà Văn Ngạc
 
   Khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (1000 yard). Trên đường đến đảo Quang Hòa, Hải đoàn bị 2 chiến hạm Kronstad của Trung Cộng mang số hiệu 271 và 274 chặn đường. Hai chiến hạm Trung Cộng khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 vẫn ở sát bờ bắc đảo Quang Hòa. Chiến hạm 271 của Trung Cộng và soái hạm HQ-5 trao đổi với nhau bằng quang hiệu. Cả hai đều khẳng định đây là lãnh thổ của mình và yêu cầu đối phương rút lui. Để tránh đụng tàu, đại tá Ngạc đưa Hải đoàn trở về phía nam đảo Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung Cộng khi đó quay về đóng tại phía bắc và tây bắc đảo Quang Hòa.
   Theo hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, khoảng 10 giờ sáng ngày 18/1, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho ông đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa sau đó cho toán biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hoà và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, HQ-16 tiến đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán biệt hải lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho HQ-16 tiến gần đến đảo. Hai tàu cọ vào nhau làm tàu Trung Cộng hư hại nhẹ.
Trung tá Lê Văn Thự
Hạm trưởng HQ-16
   Theo Trung tá Thự, tàu Trung Cộng mang số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của HQ-16. HQ-16 chuyển hướng sau đó cho biệt hải dùng xuồng cao su tấn công từ mặt Nam của đảo Quang Hoà từ khoảng cách 1-2 hải lý. Cuộc đổ bộ thất bại. Một thiếu úy biệt hải bị bắn chết. Toán biệt hải trở về HQ-16.
 
   Chiều ngày 18/1, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho Trung tá Lê Văn Thự và ra lệnh cho ông chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán biệt hải lên đảo Quang Hoà. Sau khi nhận lệnh này, HQ-16 không còn liên lạc được với đại tá Ngạc trên soái hạm HQ-5, tàu HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá sóng. HQ-16 chỉ còn liên lạc được với HQ-10. Những ngày sau đó do bị thương khi hải chiến với tàu Trung Cộng, HQ-16 không thể chấp hành lệnh đổ bộ của đại tá Ngạc.
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, HQ-16
   Vào khoảng 23 giờ ngày 18, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ban hành Lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại một cách hòa bình các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. Đại tá Hà Văn Ngạc chia lực lượng tham chiến thành hai phân đoàn đặc nhiệm:
    Phân đoàn I là chủ lực gồm khu trục hạm HQ-4 do Trung tá Vũ Hữu San (khoá 11) chỉ huy và tuần dương hạm HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh (khoá 11) chỉ huy;
    Phân đoàn II có nhiệm vụ yểm trợ gồm tuần dương hạm HQ-16 do Trung tá Lê Văn Thự (khoá 10) chỉ huy và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) do Thiếu tá Ngụy Văn Thà (khoá 12) chỉ huy.
   Theo tài liệu của Tổng cục Chiến tranh Chính trị và tường thuật của Đại tá Hà Văn Ngạc, 8 giờ 30 ngày 19/1, hai nhóm Biệt hải của VNCH gồm 74 người do Ðại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy tiếp tục đổ quân vào đảo Quang Hòa. Đại tá Ngạc chỉ thị lực lượng này không được nổ súng trước và có nhiệm vụ yên cầu toán quân Trung Cộng rời đảo. Trên đảo đang có một đại đội của Hải quân Trung Cộng trấn giữ.
   Theo báo cáo của Biệt đội trưởng, chiến sĩ Ðỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển. Sau đó Trung úy Lê Văn Ðơn cũng tử thương. Việc đổ bộ thất bại. Hai toán Biệt hải được lệnh rút về HQ-5. Tổng số thương vong của Hải quân VNCH gồm 2 người chết và 2 bị thương.
   Việc đổ bộ thất bại được báo cáo ngay về Bộ tư lệnh Hải quân vùng I duyên hải. Chừng ít phút sau đó (vào khoảng 9 giờ 30 sáng) phó đô đốc Hải quân Hồ Văn Kỳ Thoại, theo chỉ thị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ra khẩu lệnh vắn tắt “khai hỏa” cho Đại tá Ngạc trên băng siêu tần số SSB (single side band) và không có chi tiết gì khác hơn.
   Ban đầu đại tá Ngạc dự định cho hạm đội bắn pháo lên đảo để dọn đường cho lính thủy đổ bộ. Sau đó, do các hạm trưởng khác phản đối, đại tá Ngạc quyết định tiêu diệt các tàu địch trước. Lúc 10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía VNCH là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung Cộng đang neo đậu trong khu vực này.
   Các tàu địch tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của VNCH là HQ-4 và HQ-5 cũng tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam. Vì tầm quan sát rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ-5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10. Do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá sóng nên Soái hạm chỉ có thể liên lạc với các chiến hạm còn lại bằng máy PRC 25.
Tương quan lực lượng VNCH và Trung Cộng
   Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bốc cháy tại chỗ rồi chìm, HQ-16 trúng đạn pháo bị nghiêng trên 10 độ phải rút lui về phía tây. Sau vài phút hải chiến HQ-4 chỉ bị thiệt hại nhẹ nhưng do trở ngại tác xạ nên không phát huy được hoả lực buộc phải lùi ra xa. Theo trưởng khối hành quân HQ-5, Bùi Ngọc Nở, HQ-5 sau 15 phút chiến đấu bị trúng đạn đại bác của địch khiến các khẩu pháo 127 ly và 40 ly bị vô hiệu hoá.
   Khoảng 11 giờ 25, sau khi nhận được tin HQ-16 trúng đạn và mất liên lạc với HQ-10, đồng thời phát hiện một chiến hạm của Trung Cộng loại có trang bị mỗi bên một dàn phóng hỏa tiễn kép loại hải hải cách xa chừng 8 đến 10 hải lý đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao, Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ-4 và HQ-5, rút lui về phía đông nam, hướng về vịnh Subic, Philippines, vì ông nghĩ rằng Hải đội không thể để bị thiệt hại một khu trục hạm trong khi Hải quân VNCH chỉ có tổng cộng 2 chiếc.
   Trong bài viết Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa trên báo Thời Luận tại Los Angeles tháng 3/2004, trung tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ-16, cho rằng đại tá Ngạc ra lệnh rút lui vì “lo sợ phản lực cơ và tiềm thủy đĩnh Trung Cộng… nên không còn tinh thần để chiến đấu nữa”.
   Ông cũng cho rằng chuyện phía đông xuất hiện một chiến hạm Trung Cộng có trang bị hỏa tiễn chỉ là tưởng tượng vì “cách xa chừng 8 đến 10 hải lý khó mà thấy được mỗi bên một giàn phóng hỏa tiễn”. Các tàu phía Trung Cộng cũng bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo.
   Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân VNCH nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung Cộng vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam.
   Bộ tư lệnh Hải quân VNCH sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Sau khi Bộ tư lệnh cân nhắc tương quan lực lượng, các chiến hạm VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa. Khoảng 14 giờ 30 ngày 19/01/1974 khi ngang qua đảo Tri Tôn thì HQ-5 được lệnh của Tư lệnh hải quân từ Ðà Nẵng: “HQ-4 và HQ-5 phải quay trở lại Hoàng Sa, nếu cần thì ủi bãi”. Nhưng không lâu sau đó có một lệnh tiếp theo từ Ðà Nẳng, cho phép HQ-4 và HQ-5 trở về lại Ðà Nẳng.
   Đêm hôm đó, 3 chiến hạm VNCH bị hư hại được lệnh rút về căn cứ. Về đến Đà Nẵng, khi kiểm tra thì mới biết HQ-16 trúng một viên đạn bắn cầu vồng từ HQ-5 rơi xuống nước gặp sức cản của nước bị lệch hướng rồi đâm vào lườn tầu HQ-16 dưới mặt nước.
   Theo tường thuật của Trung tá Lê Văn Thự: “Viên đạn xước qua một góc máy điện, xuyên đứt cánh tay Trung sĩ Điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó”. Còn hộ tống hạm HQ-10 trong ngày 19 đã bị trúng đạn và chìm trong khi HQ-4 rút lui ngay từ đầu do trở ngại tác xạ nên chỉ bị thiệt hại nhẹ.
   Theo sĩ quan Bùi Ngọc Nở, HQ-5 thiệt hại rất nặng: “Đếm được tất cả là 102 lỗ đạn đại bác 100 ly, còn đạn đại bác 37 ly lỗ nhỏ hơn và nhiều không đếm được, riêng đài chỉ huy trúng mười mấy trái đại bác 100 ly nhưng may mắn là nhờ hai lớp thép bảo vệ nên khi xuyên qua hai lớp thép này thì hết tầm”.
   Hôm sau, 20/1, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Cộng oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Cộng đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của VNCH trên các đảo bị mất liên lạc.
   Theo tài liệu của VNCH thì tàu Trung Cộng 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 và 389 bị chìm tại trận hoặc hư hại nặng, 396 bị hư hại nặng. Phía VNCH tàu HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp và bị chìm sau đó, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng trên 10 độ, HQ-4 bị hư nhẹ. Có nhân chứng khẳng định HQ-5 hư nhẹ còn nhân chứng khác khẳng định HQ-5 hư nặng.
   Hải quân VNCH có 74 binh sĩ tử vong trong đó HQ-10 có 62 người chết bao gồm hạm trưởng Ngụy Văn Thà, HQ-4 có 3 người chết, HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương, HQ-16 có 2 người chết.
Thiếu tá Ngụy Văn Thà
Hạm trưởng HQ-10
   Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20/1, tàu chở dầu Hòa Lan Kopionella vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29/1, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân VNCH gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.
   Theo tài liệu của Trung Cộng thì các tàu 274, 271, 389, 396 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình. Trung Cộng bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ và sau đó trao trả tù binh tại Hồng Kông qua Hội hồng thập tự. Trung Cộng chiếm đóng toàn phần quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm 1974.
Một đảo trong quần đảo Hoàng Sa
   Phóng viên Nguyễn Minh Sơn, báo Pháp Luật TP. HCM, năm 2007 đã gặp gỡ một số người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhưng bài viết này không được đăng... “vì lý do nhạy cảm”.
 
   Ông Tạ Hồng Tâm, nhân viên quan trắc Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh, kể lại với phóng viên:
   “Sáng đó (19.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp.  Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo. Mọi người vội vàng chạy vào lấy ống nhòm ra nhìn và biết đó là tàu của Trung Quốc… Thấy tàu chiến nhiều quá chúng tôi rất lo âu. Nhân viên vô tuyến của trạm liên lạc về Đài khí tượng Đà Nẵng cầu cứu. Kêu thì kêu vậy nhưng biết không làm gì được vì lực lượng bên đó quá đông!”.
   Khi đó, trên đảo có một trung đội Địa phương quân thuộc Đại đội 157, địa phương quân Đà Nẵng và 6 nhân viên thuộc Trạm khí tượng Hoàng Sa. Từ sáng sớm đến hết cả ngày 19/1/1974, tàu chiến Trung Quốc án binh bất động. Lúc đó, đã xảy ra hải chiến ngoài khơi, ở các đảo xung quanh, nhưng những nhân viên khí tượng này không biết.
   Khoảng 5 giờ chiều, sau một đợt pháo kích, Trung Quốc cho quân đổ bộ vào đảo bắt sống toàn bộ trung đội Địa phương quân và 6 nhân viên khí tượng, trong đó có ông Tạ Hồng Tân: “Họ đưa chúng tôi lên tàu về đảo Hải Nam ngày hôm sau. Chúng tôi được chuyển lên xe bịt bùng về giam ở đâu không biết!”.
   Khoảng gần 3 tuần sau, ông Tân cho biết có một cán bộ Trung Quốc tới trại, đem theo người phiên dịch nói với chúng tôi: “Hoàng Sa là đảo của Trung Quốc nhưng Việt Nam chiếm làm đài Khí tượng. Nay Trung Quốc lấy lại và các anh sẽ được trả tự do trong vài ngày tới”.
   Khoảng gần 1 tuần sau, ông Tân cùng toàn bộ tù binh bị Trung Quốc bắt đưa qua Hồng Kông. Chính quyền VNCH điều một chiếc máy bay C130 sang Hồng Kông nhận trao trả tù binh. Phần lớn số tù binh sau đó về lại nơi làm việc ở Đà Nẵng.
 
   Nhân vật thứ hai được phỏng vấn là ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn biệt phái làm việc tại Hoàng Sa. Ông Phát là một trong những người từng làm việc lâu đời nhất ở Hoàng Sa và hiện còn sống tại Đà Nẵng. Đầu năm 1958, ông được điều động theo dạng luân phiên ra Đà Nẵng rồi đi Hoàng Sa. Ông cho biết:
   “Mỗi nhân viên chỉ đi Hoàng Sa luân phiên 3 tháng, mỗi lần đi có 6 người gồm 4 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến và 1 nhân viên phục vụ lo thổi bóng hơi quan trắc cao không đo gió kiêm hậu cần. Tôi lúc đó mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, thấy cảnh sắc thần tiên của Hoàng Sa nên mê và xin ở lại luôn cả nửa năm”.
   Trong ký ức của ông Phát, nửa năm sống trên đảo “chẳng khác nào nửa năm làm Từ Thức lạc vào cõi tiên”. Công việc quan trắc cũng khá nhẹ nhàng, chỉ làm việc vào một vài thời điểm trong ngày. Thời gian còn lại ông cùng những đồng nghiệp ngao du khắp đảo Hoàng Sa.
   Thỉnh thoảng ông theo xuồng máy của đơn vị Thủy quân lục chiến đi thăm các đảo có chim sinh sống. Đó là những bãi cát vàng rực trong ánh chiều tà. Chim nhiều vô kể, chúng không hề sợ hãi khi thấy người tới gần. Bình Minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc rực rỡ nhất trong ngày.
   Nhân vật thứ ba được phỏng vấn là ông Võ Như Dân, người ở Hoàng Sa nhiều nhất nay vẫn còn sống. Ông Dân làm nhân viên tiếp liệu cho Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1956. Đội hậu cần thời đó chỉ có 3 người luân phiên nhau ra Hoàng Sa. Chính vì vậy, cho đến ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974, ông Dân có 14 chuyến ra Hoàng Sa, mỗi chuyến 3 tháng, tổng cộng là 3 năm rưỡi sinh sống trên đảo.
   Ông Dân nhớ lại: “Khoảng năm 1958, có lần một đoàn tàu Trung Quốc đến gần nhưng bị Thủy quân lục chiến bắn dọa đuổi đi. Tàu cá của Nhật cũng có tới xin nước ngọt. Họ không biết tiếng Việt nhưng ra dấu xin lên đảo lấy nước rồi cúi đầu cảm tạ…”.
   Bao kỷ niệm còn sống mãi trong lòng người Việt đã từng ở Hoàng Sa, và hàng nghìn năm nay, quần đảo này đã trở thành quen thuộc đối với hàng triệu người dân nước Việt. Không những thế, Hoàng Sa cũng đã đi vào trái tim của người nước ngoài, cụ thể là ông Andre Marcel Menras, một trong hai người Pháp đã treo lá cờ MTGPMN trên tượng đài Thủy quân lục chiến, trước Quốc hội VNCH, vào giữa trưa ngày 25/7/1970
 
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính Blogspot
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/tran-hai-chien-hoang-sa-nam-1974.html
ĐH sưu tầm

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC