TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Nhân ngày 20/11, thử tìm hiểu thêm hành tung cuối đời của
Nhà giáo LÝ TRẦN QUÁN, đời Lê mạt
Tam niên chi hiếu dĩ hoàn,  
Thập phần chi trung vị tận.
(Lý Trần Quán)


      Họ Lý là người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất. Ông là người rất giản dị và chân thành, thờ cha mẹ rất có hiếu. Ông thường nói: "Ta sống đến nay chẵn 40 tuổi, chưa làm được việc gì đáng kể, ngoài 3 năm cư tang, ta thấy gần với đạo làm người...".


3031 1 NhaGiaoLyTranQuanChinhHo


      Giữa năm 1786, quân Tây Sơn ra đánh Bắc hà. Rốt cuộc, đại bại, Trịnh Khải bị hầu hết kẻ tay chân bỏ rơi, phải chạy về hướng Tây thì bị tên NOÃN, người làng An Điềm lừa gạt.
      Noãn là con Nguyễn Thưởng, vốn là gia thần của họ Trịnh, nghe  tin Chúa qua địa phận của mình, bèn ra đón, nói là đã mộ được 500 quân, đang chờ ở phía Bắc ngạn phụ lưu sông Nhị chảy qua Phúc Yên. Nghe theo lời hắn, Chúa sang đò. Nhưng khi đến bờ, không thấy một tên quân nào hết, Chúa sinh nghi, liền hỏi:
    - Lính tráng đâu ?
Noãn đáp:
    - Lính hiện đóng trong làng, xin Chúa đổi quần áo thường rồi đi thẳng về phía trước mặt, làng tôi cách đây không xa.
Chúa có ý hối đã đi theo Noãn, lại hỏi:
    - Ở quanh vùng nầy có ông Tiến sĩ nào không ?
    - Ở đây, chẳng có ai là Tiến sĩ, chỉ có một viên Thiêm sai là Lý Trần Quán, trước kia được lệnh đi chiêu dụ nhân dân, còn đóng tạm ở làng Hạ Lôi.
      Rồi Noãn được Chúa sai đi tìm Lý Trần Quán. Noãn gặp được Trần Quán. Lại thêm một vai trò khác xuất hiện: đó là Tuần Trang, vốn là học trò của Trần Quán. Trần Quán bảo Trang:
    - Có quan Tham tụng là Kế Liệt hầu tránh loạn qua đây. Thầy muốn nhờ anh hộ tống ra khỏi địa phận.
      Trang cúi đầu vâng lệnh. Nhưng khi Trần Quán gặp Chúa, hai bên đều lúng túng trong phép chào hỏi vì muốn che giấu sự thật. Họ đã thiếu tự nhiên.
      Trần Quán từ biệt Chúa về nhà còn Đoan Nam Vương Trịnh Khải đi theo bọn Noãn, Trang. Bọn lưu manh mưu áp giải Chúa về Thăng Long, định nộp cho Tây Sơn, mong lãnh thưởng. Nghe có biến, Lý Trần Quán vội chạy đi tìm Trang và Chúa. Gặp Chúa, Trần Quán sụp lạy, nói:
    - Chúa đến nỗi nầy là lỗi ở tôi.
Chúa đáp:
    - Miễn ông không có bụng như vây, có lẽ tại ta không may !
Quán quay lại trách bọn Noãn, Trang:
    - Chúa là Chúa của thiên hạ, ta là thầy của chúng bay, sao chúng bay nỡ thế ?
Trang cãi:
    - ...Nay Chúa để lộ tông tích rồi, nếu nay mai quân Nam biết, tôi có còn toàn mạng không ? Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu Chúa không bằng yêu mình, xin quan lớn rộng xét cho !


3031 1a TrinhTong

(Chúa Trịnh Tông còn có tên là Trịnh Khải)


     Rồi Trang hối thúc thủ hạ dìu Chúa tiến về kinh thành. Trần Quán dẫm chân, kêu trời:
    - Thế là tôi giết Chúa rồi..., trời đất có thấu lòng tôi không !
     Bọn Tuần Trang đi đến nửa đường thì vào một hàng nước nghỉ chân. Chúa Khải, nhân lúc bất ngờ, vớ được con dao của nhà hàng, đưa lên đâm vào cổ, nhưng mũi dao đâm không được sâu nên Chúa không chết ngay được. Chúa thò ngón tay móc thêm vào, kéo ra cho rộng, nhưng Trang giữ lại. Một lát, Chúa vật vã đòi uống nước, uống được vài ngụm thì chết. Trang cho người mang xác Chúa về Thăng Long, lấy thưởng...
     Lúc Chúa đi rồi, Trần Quán quay về nhà trọ, đau khổ vô cùng. Ông nói với chủ trọ:
    - Tôi nhờ ông mua giùm cỗ quan và mười thước vải trắng. Ta muốn chết, ông nên giúp ta. Bề tôi làm lụy cho Chúa thì sống sao đành...
Chủ trọ hết sức khuyên giải, Trần Quán vẫn không nghe...
Lý Trần Quán tự chôn sống sau Chúa Trịnh hai ngày./.


3031 2 NhaGiaoLyTranQuanChinhHo
(Theo bài KẺ SĨ ĐỜI LÊ MẠT của Phạm Văn Sơn, in trong ĐẶC KHẢO VỀ QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ, Nhà XB. Hồng Đức (Hà Nội) - Tạp chí Xưa & Nay, năm 2016).   
     “Gặp Chúa, Lý Trần Quán sụp lạy, nói: - Chúa đến nỗi nầy là lỗi ở tôi.”


     Trần Quán đã nói đúng. Bởi vì cả hai bên đều thiếu tự nhiên, đều lúng túng trong phép chào hỏỉ, khiến tông tích Chúa bị lộ. Họ đều không phải là những nhà chánh trị lão luyện. Tuy vậy, Lịch sử không hề chê trách họ ! Riêng Trần Quán, đúng mức là nhà giáo đích thực, luôn thiệt thà, không xảo quyệt, trí trá, lường gạt như hầu hết các nhà làm chánh trị trên thế gian nầy, từ cổ chí kim.
      Ông tự chôn sống là để đền hai tội: thứ nhứt là thiệt-thà-cha-dại, thứ hai là đã sản sanh ra hai thằng học trò lưu manh, phản phúc, bán Chúa cầu vinh. Chính chức "Tráng Nghĩa hầu, gia chức Trấn thủ Sơn Tây" đã lưu xú vạn niên cho bọn Tuần Trang vô đạo ! Riêng Lý Trần Quán, chính cái chết đầy trung liệt đó đã khiến ông trở thành bất tử !
      Về phần Chúa, Chúa đã ôn tồn đáp Trần Quán: - Miễn ông không có bụng như vậy, có lẽ tại ta không may ! Rồi sau đó, Chúa tự đâm cổ mình, thò tay móc vết đâm, kéo ra cho rộng, quyết chết vinh chớ không chịu sống nhục !
      Đúng là tác phong cao cả và dũng liệt hiếm có của bậc quân vương. Chúa đã rất chân thành: "tại ta không may !". Hèn chi vua Tây Sơn, từng hét ra lửa đã phải kính nể, cho "lấy lễ vua chúa khâm liệm cho kẻ bạc mệnh và đem chôn".
      Bất giác, nhớ tới lời Cao Bá Quát: "Hơn nhau cũng một chữ thời !" và lời than thở đứt ruột của chí sĩ Đặng Dung, đời Hậu Trần: "Sự khứ anh hùng ẩm hận đa" mà không nguôi cảm hoài gương trung liệt người xưa.
14:00, Ngày 21 / 11 / 2018
chính hồ

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC