TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Động  Hoa  Vàng (Chương 8 – NXV)

                                                        Rằng xưa có gã từ quan
                                                        Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

                                                                      Phạm Thiên Thư

  Mây cầm bức thư của Phong mà cô bé vừa nhận được, đưa ngang tầm mắt và hướng về phía cửa sổ để soi cho rõ và thấy rằng lần này cũng như những lần trước trong chiếc phong bì sẽ chỉ có một mảnh giấy con viết lèo tèo mấy dòng chữ ngắn củn nói là anh rất bận, phải viết cho xong luận án. Cô bé hừ một tiếng, rồi mím môi, đặt lá thư màu xanh xuống bàn, tự nhủ rằng lần này sẽ không thèm bóc ra để xem nữa. Thà rằng anh viết là anh chán đời, là anh muốn lên non tìm động hoa vàng ngủ một giấc say cho quên nỗi sầu thiên cổ, hay là viết gì chăng nữa, chỉ cần lộ ra một tí síu thôi thì Mây còn đoán được tâm sự của anh. Đằng này anh chỉ nói là bận, mà bận cái gì mới được cơ chứ. Nếu nói là bận học thì anh đã nói dối, và cố tình lòi đuôi ra, vì với bộ óc thông minh của anh, con người xưa nay học một biết mười, Mây có thấy anh kêu bận học bao giờ đâu. Mây nhớ có lần nghe anh nói chuyện về vua Tự Đức, đời nhà Nguyễn là một ông vua thông minh, ham đọc sách, và có tài “nhất mục thập hàng” nghĩa là chỉ liếc mắt nhìn một cái là đọc được mười hàng chữ, Mây hỏi ngay là anh có cái tài ấy không thì Phong chỉ lắc đầu cười mà bảo rằng:“cái tài ấy chỉ dùng để học văn chương mà thôi chứ những câu lý giải về toán đọc ngắc ngư, khó hiểu lắm. Đọc sách toán phải suy nghĩ từng hàng. Người thông minh đến đâu, khi đọc một chương sách về lý thuyết mới cũng phải mất một tuần lễ mới thấu triệt.” Nghe anh nói thế, Mây thè lưỡi và lắc đầu, cô bé bye...bye...luôn cái môn này, xin nhường lại cho những vị đáng mặt sư huynh, sư tỷ hay sư phụ. Mây chỉ cần học cho xong Tú tài Ban C, có tí ti Lý, tí ti Hóa và một chút về Đại số và Hình học, đủ để sau này vào những trường y hay dược khoa như những bà chị của mấy con bạn là được rồi. Mấy ông theo khoa học sau này chỉ đi dậy học, tâm hồn sao thấy khô khan như củi.

  Nghĩ lại câu chuyện nói với anh hôm ấy, Mây nhớ là anh chỉ cười và bảo: “Dù có khô đến đâu mà gặp Mây thì cũng trở thành mềm mại như tơ lụa ngay”. Mây nghĩ anh nhận xét thật đúng, nhưng lại chỉ đúng với những anh khác vẫn thường hay săn sóc Mây, như anh Chu, anh Tú... , và mới đây là anh Tụy. Các anh vẫn thường bảo là vì Mây mà dù theo khoa học, kỹ thuật, y khoa hay dược khoa mà giờ đây các anh ấy cũng viết văn làm thơ, đôi khi cũng ra ngẩn vào ngơ, cũng trồng cây si, cũng dệt mộng vàng. Cũng là vì Mây mà ra cả. Anh Tụy còn nói là anh xưa nay không phải là thi sĩ mà giờ đây anh làm thơ là chỉ để tặng Mây mà thôi. Vậy mà với anh Phong thì Mây thấy trời ơi, khó sao mà khó, lúc nào mà anh xuống nước thì anh thật chiều chuộng Mây, bảo sao anh cũng nghe theo. Còn lúc nào anh cứng rắn thì không phải anh là củi gỗ mà anh lại cứng hơn sắt nguội. Con người anh như kết hợp bởi những mâu thuẫn. Cô nào mà sau này vớ phải anh thì thật là... là... Nghĩ đến đây thì cô bé khựng lại, vì không thể mường tượng ra được một cô nào lại có thể đứng cạnh anh mà hợp đôi được.

  Mây nhớ lại khi xưa, khi anh mới ở Pháp về, Mẹ thương anh làm việc nhiều, mỗi lần anh tới nhà chơi, thường là vào chiều Chủ Nhật, khi anh lên xe ra về đi một mình trông thật cô đơn, Mẹ thường bảo chị Trinh có quen ai xứng đáng thì làm mối cho anh một người, cho có bạn. Cô bé ngây thơ ngồi bên cạnh theo dõi câu chuyện của người lớn thì thấy trời ơi kiếm được người xứng đôi với anh khó ơi là khó. Này nhé, anh hay được mời dự những buổi tiếp tân, nhiều khi ở các tòa đại sứ ngoại quốc. Đi bên cạnh anh cho xứng đáng, phải là một người ăn mặc thật lộng lẫy, ăn nói bặt thiệp. Đấy là lúc ra ngoài xã hội. Nhưng theo anh nói, và điều này cô bé cũng nhận là đúng, thì anh lại là người có cuộc sống rất dản dị. Người bạn đường của anh tất nhiên cũng phải hợp với nếp sống của anh. Có lần Vũ, là anh lớn của cô bé, kể cho cả nhà nghe trong một bữa cơm chiều là Phong có dự định sau này xây một căn nhà ở Thủ Đức, bên bờ một con sông nhỏ, tìm chỗ thật tĩnh mịch để mỗi khi có thì giờ rảnh, tới đó viết sách và trồng hoa là hai thú vui của chàng. Nếu như vậy thì người bạn đời của chàng cũng phải là người ưa những khung cảnh yên lặng, dưới mái nhà tranh có đôi trái tim vàng. Cô bé ngồi nghe Mẹ và chị Trinh nói chuyện tới đó thì thầm nghĩ có lẽ vì thế mà anh chưa gặp được người nào vừa ý, cho đến giờ vẫn còn sống độc thân. Đôi khi Mẹ gạn hỏi thêm chị về một vài người bạn của chị mà Mẹ đã gặp ở nhà thì chị lắc đầu không muốn bàn thêm nữa. Có lần Mây bắt gặp chị chăm chú nhìn mình làm cô bé đỏ mặt, phát ngượng phải quay đầu nhìn về phía khác. 

******

  Sau bữa ăn chiều, lúc trở về buồng, Mây vẫn mở thư anh ra đọc, xem lần này anh có viết gì khác không. Mới nhìn thấy hàng chữ đầu, anh viết: “Phương Vân thân mến”, cô bé đã nhăn mặt. Con người sao dễ ghét chi lạ, lúc thì viết là “thương mến”, lúc muốn giữ xa cách thì lại viết nhạt nhẽo là “thân mến”. Lại thêm nữa, lần này anh viết tên cô bé một cách trịnh trọng là Phương Vân, chứ không mở đầu bằng ba chữ “Mây thương mến” như mọi khi nữa.  Trong thư trước, Mây có gửi ám hiệu tới anh. Trước đây cũng đã có vài lần anh than buồn, có lần anh nói là thấy âu sầu, không thiết làm việc gì. Những tâm bệnh này của anh thì thật là dễ chữa. Mây chỉ cần viết trong lá thư tới là “Mây rất *** anh” thì có kiến hiệu ngay. Ba cái dấu hoa thị Mây dùng để ngỏ ý rằng anh là một người rất đặc biệt với mình. Cô bé có nói thêm là chỉ có anh mới là người nhận được chữ đó viết theo mật mã. Ngoài ra cô bé để anh muốn hiểu sao cũng được. Thư sau anh viết thật vui tươi với giọng văn của một người đang yêu đời, sống trong hạnh phúc. Giữa hai người đã có một cảm thông đặc biệt. Mây đã biết cảm tình của anh dành cho mình tuy chưa bao giờ anh nói hết, nhưng với linh tính của một phụ nữ, dù chỉ là một cô bé, Mây cũng biết được tâm sự của anh, có lẽ đúng được đến chín phần mười. Còn anh, theo Mây nghĩ thì trời sinh ra anh để làm Lốc Cốc Tử mới phải vì những những gì mà cô bé muốn, hay chỉ mới là ao ước trong tâm tưởng, mà anh đã như đoán biết được truớc để chiều theo. Vậy mà dạo này tuy anh thừa thông minh để biết là Mây muốn gì, nhưng anh đã cố tình làm lơ. Mà cô bé đâu có đòi hỏi gì nhiều ở anh.

  Tuy anh vẫn viết thư đều đặn gửi về, tuần nào Mây cũng nhận được một lá thư với phong bì mầu xanh quen thuộc, nhưng ở bên trong Mây không còn đọc được những lời thân thương anh viết thật tế nhị, chen giữa những câu hỏi ân cần, nhưng cũng tọc mạch, đã làm cho cô phải tủm tỉm cười khi đọc vì cảm thấy bối rối không biết sẽ phải trả lời anh ra sao. Hôm nào nhận được thư anh thì buổi tối hôm đó, Mây cũng đọc đi đọc lại nhiều lần rồi sau đó ra bàn ngồi hý hoáy viết thư trả lời. Nhiều câu anh hỏi đã làm Mây phải cắn bút nghĩ ngợi như khi làm một bài toán khó vì anh có những câu hỏi nước đôi, cô bé có định trả lời anh là "Yes" hay "No" cũng không được. Nhưng cũng có những bức thư trong đó anh chỉ khen Mây từ đầu đến cuối. Anh có biệt tài viết thư làm cho người đọc vui thích vì những lời khen anh viết thật khéo léo và nhẹ nhàng làm thấm lòng người.

  Mây nhớ khi xưa có lần được anh khen là tài giỏi hơn Hạ Tử Vi là một công chúa con vua Càn Long đời nhà Thanh bên Tầu, một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, ngoài đức tính đoan trang hiếu hạnh, các môn cầm kỳ thi họa, môn nào công nương cũng xuất sắc. Nếu một người nào khác mà khen Mây một cách quá tâng bốc như vậy thì cô bé biết ngay là dân nịnh đầm, vậy mà lời anh nói ra thì lại thấm vào trí não Mây một cách êm dịu ngọt ngào làm cô tin rằng mình quả có tài hơn Hạ Tử Vi thật, dù rằng chỉ hơn một chút síu mà thôi. Khi cô bé ngồi kiểm điểm lại những cái tài đã có của mình thì về tài đánh đàn cô mới chỉ học chơi dương cầm được vài năm, không thể nào có thể gọi là tuyệt kỹ được, môn vẽ thì quả là Mây có hoa tay, bạn bè ai cũng thán phục, còn môn đánh cờ thì có lần đứng bên cạnh coi bố với bác ngồi chơi cờ tướng, thì được bố chỉ cho cách chơi, cô bé thông minh học được ngay,  nhưng cô chưa có dịp thực tập. Riêng về tài làm thơ thì Mây chỉ nhận được thơ tặng chứ xưa nay chưa từng viết ra bài thơ nào để tặng bất cứ một ai. Giờ nghĩ lại, cô bé thấy là mình đã quá khờ khạo, để anh nói phỉnh như vậy mà không biết. Cô nghĩ thầm rằng sẽ chọn một nhân vật thật phi phàm mà anh với không tới được rồi sẽ mang anh ra so sánh xem Phong nghĩ sao. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, cô lại thấy không có hình ảnh nào mà hơn được anh cả. Buổi tối hôm Mây nghĩ cách trả thù lại anh mà không tìm được đối tượng, cô bé viết vào cuốn nhật ký dòng chữ thật là mâu thuẫn và khó hiểu: “Nghĩ mãi không ra.... Ghét!”

******

  Mây nghĩ mãi mà không hiểu sự tình những gì đã tới với Phong từ khi bỗng nhiên anh đang hoàn tất luận án tiến sĩ ở đại học Colorado lại thấy anh nói vì công việc nghiên cứu anh phải tới đại học California ở Berkeley. Anh chuyển cư đã được sáu tháng rồi và trong những ngày qua, anh làm gì, đi những đâu và gặp những ai, Mây không thấy anh kể tỷ mỷ cho nghe như những năm trước. Cô bé có ý nghĩ là anh nay là gã đã từ quan, không còn vương vấn sự đời, anh lên non để kiếm một Động Hoa Vàng và ngủ say trong đó. Nhưng Mây không biết làm cách nào cho anh tỉnh mộng. Cô bé đã nhiều lần viết những bức thư thật dài, có nhiều câu chất vấn hỏi anh đi đâu mà vắng tin, và cũng dọa rằng nếu anh không trả lời được gẫy gọn thì sẽ cho anh biết tay ..... Những lá thư này Mây viết để cho bõ ghét nhưng không bao giờ cô bé gửi đi vì vừa viết xong cô lại tìm được lý do để bào chữa cho Phong. Cô luôn luôn thấy ở anh một con người toàn mỹ. Mây nghĩ anh không thể nào làm gì để cho cô buồn, cô đã nghi oan cho anh và vì thế cô xé luôn bức thư vừa viết. Ngày hôm ấy, trong cuốn nhật ký, cô bé biên vẻn vẹn mấy chữ "Thật đáng ghét". Mây cũng không cần nghĩ đến đối tượng ai là người bị ghét, hay là người thật đáng ghét.

  Trong thời gian này Tụy là người hay lui tới nhà, thoạt đầu thì vào những buổi cuối tuần, và sau vì có mấy đồ án xây cất cho quân đội Hoa Kỳ chàng làm chung với anh Hồng, mà Tụy có khi đến cả vào những ngày trong tuần vào những giờ mà chàng biết chắc rằng Mây có ở nhà. Một hôm Tụy mang tới một bó hoa hồng vàng tặng Mây và nói với cô bé:

- Anh biết mầu vàng là mầu Mây thích. Phải chọn mãi mới được.

Nhận bó hoa từ tay Tụy, cô bé ngần ngại nói:

- Hôm nay có gì đặc biệt với Mây đâu mà anh lại tặng bó hoa rực rỡ trông thật đắt tiền như vầy.

Tụy lắc đầu:

- Anh biết. Nhưng đối với anh thì ngày nào được gặp Mây cũng là ngày đặc biệt, đáng ghi nhớ trong đời anh. Tặng bó hoa này cũng chỉ để biết công cho Mây đã dùng bút thiếp thư họa cho anh những bài thơ thật tuyệt mỹ. Nhờ hoa tay của Mây  mà những bài thơ anh viết trở thành những tuyệt bút. Anh đã đưa cho nhiều người đọc mà ai cũng khen là những bài thơ thật là trữ tình. Đã có hai bài được phổ nhạc bởi những nhạc sĩ bạn của anh. Nghe Tụy nói vậy, Mây cũng thấy vui vui mà tạm quên nỗi buồn bực mà sự vắng tin của Phong đã gây ra cho cô.

  Tụy càng vui vẻ săn đón, càng thổ lộ tâm sự, Mây lại càng thấy bực mình vì sự kín đáo đến lơ là mới đây của Phong. Từ hai tháng nay, Mây đã thấy Phong có môt thái độ khác lạ, như không còn muốn bộc lộ ra tình cảm thân thiết của mình đối với cô. Cô bé tự hỏi hay là anh đã gặp được một người nào chiếm trọn tình cảm của anh. Nhưng cô lại nhớ rằng khi xưa, có lần say sưa ngắm tấm hình Mây để ở trên bàn anh đã viết trong thư gửi về: "Hình ảnh của em sẽ mãi mãi ở trong tâm khảm của anh, không có gì thay thế được". Mây rất tin ở anh, và chỉ qua lời viết này cô có thể gạt bỏ hình bóng của bất cứ một người nào trong anh, nơi đó chỉ có hình ảnh của Mây ngự trị. Nếu gạt bỏ yếu tố tình cảm ra ngoài thì có thể hiện nay anh buồn về tình hình chiến sự bên nhà, vì sự rối loạn chính trị đang tiếp diễn xẩy ra. Anh là người có lòng với tương lai của đất nước, và rất có thể là anh buồn vì nghĩ rằng trong lúc này anh không làm được gì cho quốc gia và dân tộc. Nếu quả thực như vậy thì Phong đã phải viết thư về để giãi bầy tâm sự với Vũ là người bạn thiết của chàng. Nhưng đã có một đôi lần Mây hỏi Vũ, là anh của cô, về Phong thì anh lại tỏ vẻ ngạc nhiên vì không thấy có tín hiệu gì khác lạ từ Phong gửi về. Theo anh Vũ nghĩ thì nay Phong sắp hoàn tất luận án và có thể về nhà bất kỳ lúc nào. Nếu Phong có còn nấn ná ở lại thì chắc muốn lấy thêm ít kinh nghiệm, hay cũng có thể vì muốn chờ đợi một cơ hội thuận tiện nào đó mới về để bắt tay vào việc. Thấy ông anh trả lời như vậy cô bé không hỏi thêm gì vì biết xưa nay bao giờ Vũ cũng về phe với Phong và Mây cũng sợ rằng anh lại nghi ngờ rằng mình với anh Phong lại có chuyện gì giận nhau và cũng như những lần trước, anh lại cho rằng mọi sự đều do sự hiểu lầm của Mây mà ra cả. Ngày hôm ấy trong nhật ký của Mây lại có mấy chữ "Thật đáng ghét", nhưng lần này có lẽ cô bé gồm luôn cả ông anh của mình vào trong những người đáng ghét.

******

     Giữa Phương Vân và Phong từ trước tới nay đã có một sự cảm thông đặc biệt, quấn quyện với nhau, thật như tên có duyên kiếp tiền định của hai người, là mây và gió. Ngay cả trong những thời gian có chiến tranh lạnh giữa chàng và nàng, lúc đang ở gần nhau thì không bao giờ Mây giận anh được quá một ngày, và lúc ở xa nhau thì không bao giờ cơn giận kéo dài quá một hay hai tuần, vì hình như giữa hai người thì "War" hay là "Peace", đi về cùng có một nghĩa như nhau. Nhưng lần này cô bé tự hứa với mình là nhất định không thể nào nhường anh được, Mây phải hỏi cho ra nhẽ chứ. Cái lần mà anh đã đại ngôn mà phong cho Mây là có đủ mọi tài Cầm, Kỳ, Thi và Họa trong khi cô bé tự xét ra là mình chỉ biết đánh đàn tàm tạm cho bè bạn nghe, và cái tài thư họa tuy là nét thiên phú nhưng ngoài mấy bức tranh tĩnh vật Mây vẽ sơn dầu để treo trong nhà, và mấy hình vẽ cho báo Xuân của Gia Long, cùng một đôi khi cô bé dùng tài thư bút của mình để phóng trên giấy lụa mấy bài thơ mà các ông bạn của các anh đem lại năn nỉ nhờ viết, còn ngoài ra cô bé chưa hề phô trương ra ngoài, vậy mà Phong đã tô điểm và phóng đại thêm như vậy, tức là anh đã không thành thực và cố tình thách thức Mây đạt được những tài năng đó.

  Cô tưởng như hiện nay đang đấu trí với anh, so tài cao thấp trong một ván cờ, và lần này nhất định cô phải thắng, không phải để được tiếng là danh kỳ, nhưng để đưa Phong trở lại cái thuở ban đầu, khi Mây mới biết anh và được anh cưng chiều hết mực. Mây nhớ khi xưa có lần nghe anh giảng cho bài "Les Étoiles" của Alphonse Daudet, thật là hay. Một đêm trong lành trên triền giẫy núi Alpes, một chàng chăn chiên có diễm phúc được ngồi ngắm trời sao cùng cô Stéphanette xinh tươi là con gái yêu của ông bà chủ trại, hôm đó tải lương thực lên tiếp tế cho chàng nhưng trên đường về gặp mưa lũ làm chặn lối đi nên phải trở lại ở qua đêm trong lều vải. Cùng ngồi sánh vai bên nhau, trong một đêm thanh tịnh, gã chăn chiên đã chỉ cho cô gái và đã giải thích cho cô nghe từng chùm sao trên trời. Hôm đó, nghe anh nói câu chuyện, Mây đã mê say chăm chú như một cô học trò ngoan ngoãn và trong một lúc thả hồn mơ màng cô tưởng tượng có một đêm trời đầy sao cô ngồi cùng anh trên một bãi biển và bắt anh tìm cho được ngôi sao mệnh tinh của mình, chắc phải nhỏ xíu, nếu so với ngôi sao mệnh tinh sáng lấp lánh của anh.

  Dạo ấy Mây đã ước ao mãi mãi được là học trò của anh. Cô bé đã mỉm cuời thầm nghĩ: nếu được làm học trò của anh thì nhờ đó mà ngôi sao mệnh tinh của mình sẽ sáng hơn, không lu mờ, nhỏ xíu như ngôi sao bố chỉ cho ngày xưa. Ờ mà mãi ngôi sao chả biết lớn! Hi hi. Cùng một lúc cô bé đã thật mâu thuẫn với chính mình vì đã vừa muốn làm học trò của anh, vừa muốn không! Lý do làm học trò thì sẽ bị anh bắt nạt, rủi không bình đuợc bài văn nào cho rành rẽ sẽ bị anh mắng là dốt, rủi không giải nổi bài toán khó sẽ bị anh nhăn, rồi lại phải sợ anh một phép, lười học là bị cốc đầu, bị mắng, bị dọa này dọa kia! Hứ! Ai mà dại thế chứ!  Bây giờ cô bé đang được bắt nạt anh, chỉ cần cô bé giả vờ giận dỗi tý ti là anh đã quýnh lên rồi, đã kéo cờ trắng đầu hàng, đã năn nỉ cô bé gẫy lưỡi, vậy thì dại gì làm học trò anh nhỉ? Nhiều lúc cô bé đã tự hỏi là không biết bây giờ anh đã hối hận khi quen cô bé chưa nhỉ. Anh có hối hận là quý mến, cưng chiều một con bé chỉ ưa nhõng nhẽo, hay giận hờn, hay vòi vĩnh đủ thứ, và cô bé đã từng làm anh mất ngủ, đã làm anh nhức đầu, cô bé đã khiến anh ngày đêm mơ mộng vẩn vơ từ mấy năm nay? Chắc không đâu, anh chả đã từng nói với cô bé là bây giờ ngày nào vắng thư cô bé thì anh thấy ngày đó không có trong thế kỷ hiện hữu này nữa. Nghĩ đến đây thì một tia sáng loé lên trong trí não của cô bé ngây thơ. Chắc anh có một tâm sự nào làm anh ngần ngại, không muốn giữ tình thân mật với Mây như xưa. Giờ chỉ có cách là Mây biến đi một khoảng thời gian thì cái thế kỷ hiện hữu của anh cũng tan biến, theo lời anh đã thú nhận trước đây. Và anh sẽ phải trở lại cái thế kỷ xa xưa khi anh chiều cô bé hết mức. Nghĩ như vậy rồi Mây lấy giấy bút ra và cô bé lấy hết can đảm để viết gửi cho anh một lá thư thật quyết liệt. 

Anh,

  Những thư anh viết mới đây, anh đã không thành thực với Mây. Anh lấy lý do bận học để không viết thư dài. Nhưng dù viết ngắn, anh cũng có thể viết được mấy lời ngọt ngào như xưa anh vẫn viết về cho em. Mây không bao giờ bắt anh viết là anh *** em, như Mây đã từng viết cho anh như thế. Mây biết xưa nay anh là người rất thẳng thắn, và anh luôn luôn đánh thẳng mục tiêu, anh không vòng vo, vì anh đã từng nói:"phi công không bao giờ đánh sai mục tiêu”. Vậy mà đối với Mây, anh bây giờ lại đi vòng vo tam quốc, như anh có gì muốn nói mà không nói lên lời. Nếu anh thấy cái bút hiệu TM mà anh từng ký dưới những bài thơ gửi cho Mây, mà Mây hiểu là ý anh muốn nói là "Thương Mây", giờ không còn ý nghĩa nữa thì anh hãy nói thẳng ra.

  Cách đây mấy hôm, khi Mây nói với anh Vũ rằng anh bận học, anh đang viết luận án, và Mây sợ anh đau ốm nên bắt anh Vũ phải nói thật cái gì đã xẩy ra ở bên ấy thì anh Vũ lại cười lớn, nói là Mây mê ngủ, hay Mây mới từ cung trăng xuống, vì theo anh Vũ thì anh đã đậu tiến sĩ rồi mà. Anh Vũ không nói chuyện này với ai ở nhà vì muốn để anh là ngưòi chính thức báo tin cho Mây biết vì xưa nay Mây là người luôn luôn mong mỏi cho anh thành đạt ở nước người, và anh cũng đã biết như vậy. Vì cớ gì mà anh không báo ngay tin này cho Mây?

  Anh có biết không, từ cái ngày mà anh nói là Mây đẹp và tài giỏi hơn Hạ Tử Vi, Mây đã cố gắng học hỏi thêm để cho lời nói của anh, tuy không hẳn được cân bằng, nhưng cũng không phải làm anh mang tiếng là nói xạo. Anh đã nói là Mây  giống như Hạ Tử Vi là thông thạo đủ cả bốn môn Cầm, Kỳ, Thi và Họa, nhưng như anh đã dư biết, Mây chỉ biết chơi đàn dương cầm và về môn họa thì vẫn còn là sơ đẳng, còn môn đánh cờ thật siêu việt và làm thơ tuyệt vời thì thật là chưa có trong hành trang của Mây. Dạo đó, Mây còn nhỏ tuổi và là con gái nên dù biết nhưng chưa đánh cờ với ai bao giờ, và nay nếu coi hai người đánh cờ với nhau là một cuộc đấu trí thì từ hai tháng nay, Mây ngồi nghĩ mãi mà cũng không hiểu được nước cờ anh đang đi để đáp lại ý tình của anh vì anh cứ đứng dậm  chân tại chỗ. Bức thư nào của anh cũng chỉ có từng ấy hàng chữ, anh viết cho Mây như trả bài cho có lệ. Nếu anh thấy không có ý tưởng nào mới lạ để viết tiếp thì Mây sẽ không giữ bất cứ một thư nào của anh, một bài thơ nào của anh nữa, tất cả còn chưa trễ, anh hãy lấy về đi.

  Cô bé viết một mạch kín đầy một trang giấy và lần này Mây nhất quyết sẽ gửi lá thư đi chứ không xé đi mỗi khi viết xong một lá thư tàn nhẫn như những lần trước nữa. Và sau đó, nếu anh có viết thư trả lời và làm hòa thì cô bé dự tính nhất định không thèm đọc để nghe anh giải thích. Nhưng trong tận cùng của trái tim, Mây biết mình đang giận dỗi, và cũng có thể anh bị nghi oan. Mây đọc lại bức thư và thấy còn thiếu một chút. Khi cầm bút viết với cơn giận nổi lên phừng phừng, Mây định tỏ cho anh biết rằng sau mấy năm xa cách, giờ cô bé đã lớn khôn, không còn khờ dại để anh coi thường như khi còn bé tí teo. Và giờ đây Mây cũng có đủ tài cầm, kỳ thi, và họa, không cần phải nhờ anh tô điểm cho hoa hoè hoa sói nữa. Mây lấy thêm một trang giấy để viết tiếp cho Phong. Những giọt nước mắt ứa ra vì tức giận còn đọng trên hai hàng mi, giờ lại là những nguồn thương cảm và khi viết tiếp bức thư Mây cũng hơi thấy ân hận vì đã hành anh quá nhiều.

  Từ xưa đến nay anh chỉ viết tặng Mây có vài bài thơ ngắn, chắc vì nguồn cảm xúc của anh cũng chỉ có ngần ấy thôi. Trái lại, thơ của anh Tụy viết tặng Mây thì lại như nước chẩy hoa trôi, mà bài nào cũng hay và có ý nghĩa cả. Anh Tụy còn nói là vì Mây mà anh có nguồn cảm xúc mà viết được nhiều bài thơ hay, và gọi Mây là nàng thơ của anh ấy. Chỉ tội cho nàng thơ bé bỏng này của anh ấy, là mỗi lần anh Tụy mang thơ đến nhờ thư họa, thì lại phải viết chữ bằng bút lông, có khi uốn nét trẹo cả tay. Có lần Mây viết nhầm một chữ, anh Tụy lại khen là Mây đổi chữ ấy lại làm câu thơ nghe hay hẳn lên. Anh ấy nói như thế là Mây cũng biết làm thơ và, khi biết là Mây cũng đã viết được mấy bài, cứ đòi xem thơ của Mây. Chả bù với anh, còn nhớ khi xưa Mây thư họa môt bài thơ anh vừa viết, có hai chữ "trao gửi", Mây viết thành "chao đảo", lúc đưa anh đọc thấy mặt anh nhăn sao dễ ghét lạ. Bài thơ đầu tiên Mây làm ra là để tặng anh đấy, chưa ai được coi. Khi nào anh về thì Mây sẽ trao tận tay anh. Còn anh cứ ở mãi xa thì....

  Anh có nhớ mới đây Mây kể cho anh nghe một buổi tối Mây lên thăm bác Giáo và được ngắm hoa quỳnh nở ở trên Đà Lạt hay không? Đêm hôm đó thật là thần tiên nếu có anh ở bên cạnh. Mây nhìn thấy một bầu trời đầy sao, và không có người chỉ dẫn, Mây chỉ thấy một bầu trời mung lung vô tận. Trong giấc ngủ, Mây lại thấy anh mặc áo gấm về làng, khi thấy anh cưỡi ngựa đi qua, Mây cất tiếng gọi thì cũng vừa tỉnh dậy. Giấc mộng của Mây nay cũng là hiện thực. Từ ngày anh thành quan trạng, anh đâu còn nhớ gì cô bé ngày xưa.

******

  Cuộc đình công của Bưu Điện Hoa Kỳ kéo dài đúng một tuần lễ, làm cho cô bé phải chờ đợi thêm từng ấy ngày mới nhận được thư hồi âm của Phong. Tội nghiệp cho Mây chờ đỏ cả cặp mắt đen huyền ngày thường trông thật ngây thơ, mà mấy tuần lễ qua lúc nào cũng ngơ ngác. Chị Trinh cũng nhận thấy là cô em bé bỏng có chuyện gì buồn phiền, nhưng khi thấy các bạn của Mây vẫn ríu rít lại nhà rủ cô bé đi chơi nên đoán được ngay là nếu có gì xẩy ra thì cũng là từ nửa vòng bên kia của quả địa cầu nên chị cũng không cần phải quan tâm tới. Chị biết là Mây thừa tài sức để khuất phục ông anh còn "gió mây lưu lạc" ở phương xa. Cho tới nay, mọi tranh chấp gì giữa hai người, cũng đều dẫn đến phe bên kia phải kéo cờ trắng xin đầu hàng vô điều kiện. Tuy vậy chị Trinh vẫn thương xót cô em bé của mình nên ngày nào tan lớp ở đại học về nhà sớm, chị cũng để ý đến chồng thư lấy vào xem có thấy gì của Phong gửi về cho Mây hay không.

  Hôm nhìn thấy bức thư của Phong, chị Trinh mừng quýnh lên như chính là mình nhận được thư đang mong đợi của ai gửi đến, và đưa ngay lên buồng để sẵn trên bàn cho cô bé. Hôm đó khi đi học về, Mây lên buồng cất sách vở như thường lệ, nhưng rồi ở lỳ trên đó chứ không xuống dưới nhà uống ly nước cam hay sữa bột như mọi ngày. Lúc xuống nhà buổi tối để ăn cơm với gia đình, cô bé trông thật tươi tỉnh nhưng lại có cặp mắt đỏ hoe, nên chị Trinh đã tới ngay tủ thuốc lấy lọ Visine để rỏ mắt cho cô em. Chị thì thầm hỏi cô bé: Anh Phong xin lỗi Mây rồi phải không? Cô bé chỉ mỉm cười và không trả lời câu hỏi sắc mắc của chị. Vì thật ra anh có lỗi gì đâu. Mới bầy ra thế cờ và đi nước tiên khởi, anh đã thấy mình sai đường và đã chuẩn bị đầu hàng rồi. Lá thư thú nhận của anh tuy ngắn nhưng có giá trị hơn hàng trăm bài thơ của những anh chàng khác mà Mây đã nhận được. Từ trong Động Hoa Vàng mà anh đã tìm vào để quy ẩn vì anh sợ bị lọt vào trong qũy đạo của Mây, anh đã gửi ra tờ lạc thư như một luồng gió mát rợi tới cô bé, và khi đọc xong Mây đã quên hết những gì đã làm cho mình buồn phiền. Bức thư, có kèm theo một bài thơ ngắn của anh, giờ đây cô bé đã thuộc nằm lòng

Em thương yêu

  Đọc thư của Mây, anh thấy em giận hờn nhiều vì sao lâu nay anh viết thư về cho em như một người xa lạ. Anh viết như vậy vì nghĩ rằng sẽ có một ngày, vì tuổi đời chênh lệch, đối với anh, em sẽ chỉ như một cơn gió vô tình thoảng qua, như một ánh dương chợt đến rồi lại tan đi, và như vậy thà rằng anh làm cho tâm hồn mình sớm cằn cỗi, chai đá lại, còn hơn là để sau này có lúc bị xúc động một cách phũ phàng. Như thế chắc anh không chịu đựng nổi, dù rằng anh là con người đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời. Nếu em biết được rằng khi viết mà nghĩ rằng rồi đây Mây với anh, mỗi người một phương trời xa cách, đôi khi em nghĩ đến anh như là một ngưòi đã có thời kèm toán, giảng bài cho em, rồi chỉ thế thôi, anh thấy thật chua xót trong lòng. Anh muốn dần xa em vì anh nghĩ em sẽ vui vẻ hơn giữa những bạn cùng lứa tuổi, những người vẫn thường đến bên em. Theo chiều hướng này, anh viết được một bức thư đầu gửi em, cố coi em như một cô học trò nhỏ, hay dù thân hơn nữa cũng chỉ như một cô em gái ít tuổi của một người bạn. Anh thấy đau buồn vô hạn khi gửi bức thư đi, và cảm thấy vừa mất đi một vật qúy giá vô ngần. Nhưng thư em trả lời vẫn tình nghĩa nồng nàn. Anh đã dự định là bức thư tiếp theo anh sẽ viết lạnh lùng hơn nữa, để cho tình luyến ái giữa anh và em ngày một phai nhạt theo với tháng ngày, nhưng kỳ lạ thay anh không sao viết nổi, lời mực tuôn ra giấy cũng chỉ như lá thư đầu. Em đã phê bình là hình như anh dậm chân tại chỗ. Em nói thật đúng. Anh muốn xa em mà anh đi không nổi. Anh thật đã ngu ngốc khi nghĩ rằng có thể xếp đặt được chuyện tình cảm. Anh đã bầy ra một ván cờ nhưng vừa đi được một nước tiên khởi anh đã thấy luống cuống không còn biết đường tiến hay thoái. Em là Hạ Tử Vi chắc em biết nước đi tiếp theo.

T.B.: Em nhắc lại đêm ngắm sao mà không có anh ở bên để chỉ cho em những chòm tinh đẩu. Anh cũng mơ ước có một đêm cùng với em ngắm bầu trời đầy sao. Chắc em thế nào cũng bảo anh chỉ cho em ngôi sao mệnh tinh của mình. Anh sẽ chỉ cho em một ngôi sao nhỏ nhưng thật sáng rực rỡ. Và anh chắc em cũng sẽ bắt anh chỉ cho em ngôi sao mệnh tinh của anh ở đâu để xem có đứng cạnh em hay không. Anh sẽ nói là không ngôi sao nào xứng đáng đứng bên em.

 Tuy thơ của anh làm không thắm thiết, nhưng chỉ nghĩ đến cái đêm thần tiên đó anh cũng viết ra được mấy vần như sau gửi tới em

                                                     Ngắm Sao

                                     Biển xưa cùng ngắm  trời sao,
                                     Tiếng em thầm hỏi ngôi nào biến đi?
                                     Giáng trần gặp Hạ Tử Vi,
                                     Trong cơn si dại, quên đi đường về.

                                                             TM                                                      

  Cô bé đọc bức thư của anh thêm một lần nữa và thấy vui thích là bây giờ anh đã thành thực công nhận Mây là người cao cờ và nhờ cô chỉ cho nước đi kế tiếp. Mây nghĩ là điều này cũng dễ thôi là anh cứ quanh quẩn ở bên cô bé, đừng có lưu lạc đi đâu, là cuộc đời hai người đều có hạnh phúc. Mây sẽ viết thư trả lời anh như thế. Và đồng thời cũng sẽ khen là bài thơ của anh hay tuyệt vời. Mây cho là A+. Xưa nay với cô bé chưa ai được điểm cao như vậy. Anh là đặc biệt mà. À còn quên một điều. Trong bốn môn Cầm, Kỳ, Thi và Họa xưa nay anh vẫn ca tụng là Mây có tài hơn người, cô bé phải gửi cho anh một bài thơ đã viết từ xưa mà chưa gửi, bài thơ viết đầu đời, thật tha thiết vì nhiều cảm xúc trong tâm hồn

                                                 Gửi Anh

                              *** Anh từ thuở xanh mơ,
                                    Giận anh cho đến bây giờ chưa nguôi.
                                    Sao anh không nói lên lời,
                                    Sao anh không nói:"trọn đời *** em?"
 
                                    Bây giờ gặp buổi chiều êm,
                                    Anh về mới nói:"*** em trọn đời"

  Mây viết gửi anh một bức thư ngắn, nhưng chắc khi nhận được anh sẽ rất thích. Lại còn bài thơ được cô viết thư họa rất mượt mà. Chắc anh sẽ ăn mừng. Nhưng biết tính anh là con ngưòi khó chiều, anh sẽ giả bộ là không biết đọc mật mã. Cô bé đành phải viết rõ ràng là.... là..... Mây xấp giấy lại và nói nhỏ "thôi không thèm nói nữa".

 

(Còn tiếp chương 9)

 Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC