TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

                                                           Tìm Nhau Từ Thuở : Chương 11

                                                                           Mây Hồng 

                                                                           Xuân Vinh

 

  Sau bữa ăn trưa ở câu lạc bộ giáo sư, Phong đi vội vã về văn phòng ở Etcheverry Hall. Chàng đã tới Đại Học California ở Berkeley được 6 tháng và dậy trọn một khóa học kéo dài mười lăm tuần lễ. Những ngày vừa qua, Phong đã thu xếp lớp dậy mỗi tuần ba lần vào buổi sáng để có thì giờ rảnh rang đọc những tài liệu khoa học và viết bài khảo cứu vào buổi chiều. Trước khi trở về văn phòng, Phong bao giờ cũng muốn cho trí não thật thoải mái và vì vậy thường nhật vào buổi trưa, trên đường lên dốc tới tòa nhà lầu có phân khoa Cơ Học Kỹ Thuật chàng đi thật ung dung nhàn tản qua Sproul Plaza, nhiều khi phải len qua những đám sinh viên thuộc đủ mọi thành phần đang reo hò để ủng hộ hay đả kích đủ mọi vấn đề và theo đủ mọi chiều hướng.

 Nhưng hôm nay chàng không còn tâm trí nào để đi dạo bộ như mọi ngày. Bức thư của Phương Vân mà Phong mới nhận được chiều hôm qua vẫn còn để trên bàn học, và chàng chưa nghĩ được cách trả lời cho êm đẹp. Cô bé học trò mà chàng kèm toán và Việt văn khi còn ở nhà, và thường thân mật gọi là em Mây, đã gửi cho Phong một bức thư thật quyết liệt, chất vấn đủ điều. Mây đã đi thẳng vào vấn đề mà từ hai năm nay chàng né tránh. Giờ đây Mây không còn là cô bé năm xưa nấp sau cái cột để nhìn chàng như là một người khách lạ khi lần đầu tiên chàng đến thăm nhà. Đọc kỹ lại bức thư với những lời nhận xét thật tinh tế, chàng chợt thấy rằng cô bé nay đã lớn khôn. Phong nhớ lại hồi mới ở Pháp về sau gần mười năm cách biệt, khi tới nhà Vũ để thăm gia đình người bạn thân thiết từ xưa, khi nhìn thấy Mây đi phố vừa về và cô đứng dừng ở cửa ngỡ ngàng nhìn chàng rồi bẽn lẽn cúi đầu chào và đi thẳng vào nhà trong, Phong đã phải sững sờ trước sắc đẹp vào tuổi dậy thì của cô em gái ngưòi bạn. Phải ít lâu sau, khi đã làm quen lại với Mây, Phong mới bớt dần được trong ý nghĩ hình ảnh một cô bé khi xưa, vì sợ bị gửi vào nội trú phải xa nhà, đã khóc sướt mướt để chàng phải ôm vào lòng dỗ dành. Giờ đây Phong có cảm tưởng rằng nếu trở về nhà gặp lại Mây, chàng cũng sẽ có một sự ngạc nhiên mới nếu thấy khi qua mấy năm cách biệt cô lại hiện ra với một vẻ đẹp lộng lẫy của một thiếu nữ đang buổi xuân thì.

 Từ hai năm nay, không hiểu là do vô tình hay cố ý mà Phong không nhận được một tấm hình mới nào của Mây ở bên nhà gửi sang. Chàng vẫn chỉ có tấm hình của cô bé với đôi mắt tròn và to, trông thật ngây thơ, mà Mây đã tặng chàng hôm lên đường du học ở Hoa Kỳ. Tấm hình  trong chiếc khung trắng nhỏ bé đặt trên bàn học của Phong, vẫn hàng ngày làm chàng vương vấn nghĩ đến cô học trò khi xưa hay giận dỗi để bắt chàng chiều chuộng. Qua những bức thư tâm sự trao đổi hàng tuần, tình cảm của Phong đối với Mây ngày một sâu đậm, nhưng với chàng hình ảnh của Mây vẫn trọn vẹn là hình ảnh của thuở ban đầu, của một cô bé với đôi mắt trong sáng như những vì sao.

 Thuở còn theo kháng chiến chống Pháp, Phong có một cuốn sổ ghi cảm tưởng của mình mỗi khi đơn vị di chuyển tới một thôn xóm lạ, và đôi khi gặp hứng khởi chàng viết trong đó một bài thơ. Giờ đây chàng không còn viết nhật ký nữa nhưng vẫn còn giữ cuốn sổ để thỉnh thoảng chép thêm vào trong đó một bài thơ mới làm. Phong vốn dĩ là một con người giầu tình cảm nhưng ít khi để lộ ra ngoài. Chỉ những ai đọc được những bài thơ chàng viết mới biết rằng sau dáng điệu của một chuyên gia kỹ thuật cao cấp, chịu trách nhiệm một guồng máy hành chánh rộng lớn trên toàn quốc, lại có một con người đôi khi cũng có chút mơ mộng. Và bây giờ trở lại với sự nghiên cứu khoa học và công tác giáo dục thuần túy, tâm hồn của chàng chỉ còn nghĩ đến một người. Giờ đây, trên những trang giấy trong tập nhật ký của Phong những bài thơ viết khi nghĩ tới Phương Vân đã khá  nhiều, nhưng không bao giờ chàng gửi cho cô bé đọc vì Phong không muốn cho Mây bận tâm vì mình. Đôi khi chàng trích ra một vài đoạn ngắn, để gửi cho cô bé và những đoản thi này chỉ là những nét chấm phá nhẹ nhàng, như gió thoảng mây bay bên trời mà thôi.

 Phong đọc lại bức thư của Phương Vân có một đoạn chàng băn khoăn muốn tìm câu trả lời mà không sao viết được nên lời:

“Từ lâu nay tuy anh không nói ra nhưng anh vẫn để cho Mây hiểu là anh đối với Mây tình cảm cũng sâu đậm như là trái tim của Mây đã  trọn vẹn dành cho anh. Khi Mây viết  cho anh và nói rằng: “Em sẽ chờ anh”như thế tất nhiên anh phải hiểu là Mây chờ anh trọn đời. Cũng như khi anh viết những câu: “Anh thường ngày nghĩ đến em và nhớ em trong tình thánh thiện mà không có một chút tà niệm…” như thế đủ cho em hiểu rằng anh qúy trọng em hơn hết và em tin tưởng rằng có ngày anh về và sẽ nói với em những câu em chờ đợi được nghe anh nói, những câu tâm sự thông thường của hai người có lòng luyến ái nhau, và câu em trả lời anh ra sao anh cũng dư biết được. Nhưng bây giờ Mây mới biết là mình chỉ là một con bé ngu ngốc không hiểu được rằng những câu viết văn hoa của anh chỉ như là những đám mây trôi ở cuối chân trời hay bọt bể soải trên bãi cát vàng, một thoáng đi không còn để vết tích gì cho người đứng trông chờ.”

 Sự thực thì lòng Phong tha thiết nghĩ đến Phương Vân nhưng chàng đã không thể nào nói gì hơn với cô em của người bạn thân lại kém chàng nhiều tuổi. Chàng đọc lại mấy bài thơ tâm tình đã viết trên giấy và chợt thoáng có ý nghĩ là chỉ gửi về cho Mây đọc là cô bé sẽ hiểu được tâm tư của chàng. Tấm hình của Mây, lúc còn là một cô bé vẫn để trên bàn và luôn luôn đôi mắt đẹp đen huyền có sức thu hút mãnh liệt làm chàng không sao quên được. Đã có lần Phong viết về đôi mắt thơ ngây của Mây:

 

                                                                 Trời Sao

                                                    Hình em ta giữ vẹn toàn,

                                                    Phong tư còn đó ngỡ ngàng chiêm bao .

                                                    Mắt em là cả trời sao,

                                                    Gói hồn ta trọn đưa vào thiên thu.

Trong một bài thơ khác Phong đã tả đôi mắt của Mây êm dịu như mặt nước phẳng lặng của một hồ thu :

 

                                                            Mắt Biếc Hồ Thu

                                                Mắt em là cả hồ thu,

                                                Tiếng em thánh thót như ru men tình.

                                                Ước sao chỉ có đôi mình.

                                                Nhưng đâu chỉ có chúng mình ước ao!

 

                                                Đêm nào ngước mắt trông sao,

                                                Cùng em, mơ ước nơi nào viễn du.

                                                Nhìn em, đáy mắt hồ thu,

                                                Anh quên giấc mộng viễn du nơi nào.

 

                                                Bâng khuâng gió lọt song đào,

                                                Nhớ đôi mắt biếc, hôm nào tương tư.

                                                Đường trần một cõi hoang vu,

                                                Đi hoài mới biết thiên thu nhớ người.

 

                                                Nơi đây có núi cùng đồi,

                                                Có con suối nhỏ, da trời mầu xanh.

                                                Em ngồi sõa tóc bên mành,

                                                Bài thơ anh mới viết thành tặng em.

 Bài thơ này Phong viết khi còn ở Colorado và chàng nghĩ tới một ngày trở về sẽ viết lại và đưa tặng Mây. Ở đoạn tiếp của bức thư, Mây đã viết:

 “Chiếc nhẫn bằng hồng thạch anh mua tặng em nhân dịp sinh nhật tuổi mười lăm, em vẫn đeo từ ngày ấy tới giờ và vẫn còn nguyên vẹn. Bây giờ cùng với tuổi đời em dần dần nhận ra, một khi đã nhận kỷ vật này em phải đợi chờ một lời nói của anh, nhưng dù anh không bao giờ nói ra, em cũng tự nghĩ rằng em sẽ đợi anh suốt cuộc đời. Hôm nọ Bích Vân lại chơi nó  thấy chiếc nhẫn đẹp muốn coi để cũng mua một chiếc, nhưng giờ ngón tay em to ra, tháo ra không được. Anh thấy không, em làm sao thoát ra khỏi định mệnh này là suốt đời phải nghĩ đến anh, dù rằng nay anh đã phụ lòng chờ đợi của em vì trong trái tim của anh đã có người khác. Số phận em như đã buộc em rồi đây phải sống một cuộc đời cô độc thiếu thốn tình yêu thương.”

 Phong ôm trán suy nghĩ và thấy quả là định mệnh giữa hai người. Lần ấy, vì Phương Vân còn ở tuổi ngây thơ nên thật ra Phong không có ý niệm gì khác hơn là mua cho cô bé một món quà đang ao ước. Dạo đó các cô nữ sinh Gia Long ai cũng kiếm cho mình một chiếc nhẫn vào tháng sinh nhật, mỗi tháng có một mặt đá qúy, như tháng Giêng là Garnet, tháng Hai là Amethyst, …. Cô bé sinh vào tháng Giêng nên nói với Mẹ tìm cho mình một chiếc nhẫn có mặt đá Garnet, mầu đỏ, nhưng Mẹ đã tìm đủ mọi nơi mà chỉ có hồng ngọc tức là Ruby, cũng có mầu đỏ, nhưng là đá qúy vào tháng Bẩy và vào dịp này cô bé đã lộ vẻ âu sầu vì thua kém bè bạn, không có được chiếc nhẫn hợp với tháng sinh.

 

      

Tháng Giêng Garnet                  Tháng Hai Amethyst            Tháng Bẩy Ruby      

 

 Một chiều chủ Nhật, Phong đến nhà Vũ chơi như thường lệ nên biết câu chuyện, chàng nhanh nhẩu nói với người bạn là sẽ mua hộ cho cô bé chiếc nhẫn mặt Garnet. Ngay hôm sau chàng đã điện thoại sang Hàng Không Việt Nam qua ông Giám Đốc để nhờ một phi hành đoàn bay đường HongKong mua hộ một chiếc nhẫn vừa số tay cô bé có mặt đá Garnet với một mầu đỏ tươi thật óng ánh. Chàng muốn trả tiền nhưng không ai muốn nhận vì thật ra Phong đã giúp rất nhiều cho Hãng Hàng Không được đứng vững trong những năm qua. Riêng việc Phong dành cho Air Vietnam được độc quyền bay những tuyến đường Saigon-Hongkong và Saigon-Bankok đã giúp cho công ty này được ổn định tài chính. Phong đành mang lại nhà cô bé nói chiếc nhẫn là quà tặng sinh nhật, và Phương Vân đã xiết nỗi vui mừng. Suốt tuần lễ đầu cô ngắm chiếc nhẫn đeo trên ngón tay trái mà không biết chán. Giờ đây Phong không ngờ rằng Mây đã coi như quà tặng ấy là một cách anh ngỏ tâm tình với cô. Theo trong những sách về đá qúy thì từ mấy ngàn năm trước công nguyên, những người Ai Cập đã bắt đầu chú ý đến garnet và cẩn vào những đồ nữ trang của những nhà qúy phái. Ngọc đỏ này được coi như tượng trưng cho tình bạn chung thủy và trung thực, và thường dùng để tặng bè bạn. Sự thực thì ngay từ buổi ban đầu Phong đã có cảm tình nhiều với Phương Vân, và sau hôm tặng cô bé chiếc nhẫn, lúc về nhớ tới dáng người với đôi vai thon nhỏ và làn tóc để dài, cúi đầu ngắm nghía chiếc nhẫn đeo trên tay, chàng đã viết thêm một bài thơ ghi lại chút tâm tình.

 

                                                                 Suối Tóc

                                                Tóc mây nửa sõa nửa cài,

                                                Ôm bông hoa tím, bờ vai mịn màng.

                                                Dáng em thanh nhã, dịu dàng,

                                                Chờ anh viết nốt cung đàn thăng hoa.

 

                                                Giờ đây vừa mới năm qua,

                                                Tháng Giêng  sinh nhật, nhớ quà cho em.

                                                Cung đàn viết dở, chưa xem,

                                                Chờ ai lên phím, mới thêm lời vào.

 

                                                Từ xưa lòng những ước ao,

                                                Mười năm vắng mặt, biết bao muộn sầu.

                                                Thơ làm không gửi từ lâu,

                                                Tiếng thơ chồng chất, biết đâu gửi về?

 

                                                Hát lên, cho tới bờ mê,

                                                Cung đàn một nhịp, hai bè nhớ thương.

                                                Vang lên điệp khúc nghê thường,

                                                Tóc em  anh đặt chiếc vương miện vàng.

 

                                                Đợi em, có chút muộn màng,

                                                Mười năm viết trọn cung đàn thăng hoa.

                                                Ước nguyền như mới hôm qua,

                                                Giờ đây giáp mặt chăng là cố nhân.

 Bài thơ này, khi Phong viết đã nhớ lại sau mười năm xa cách, chàng ở Pháp về gặp lại Phương Vân  lúc đó đã là một cô gái dậy thì. Ngay lần hội ngộ sau những năm xa quê hương Phong đã như cảm thấy rằng câu viết khi xưa chàng đọc trong sách là chỉ có quê hương ta là đẹp hơn cả đã đúng với chàng. Lần này Phong đã thấy là phong cảnh quê hương đã đẹp mà cả ngưòi cũng đẹp trong lòng chàng.

 Đọc lá thư của Phuơng Vân thêm một lần nữa, Phong thấy rằng có gửi hết những bài thơ chàng đã làm cho cô bé đọc cũng không thể nào xoa dịu hết nỗi giận hờn vì Mây đã nhất quyết không thể nào tha tội cho anh lần này.

“Từ ngày anh rời nước ra đi thỉnh thoảng em lại đến phòng Thông Tin Hoa Kỳ ở đường Catinat để đọc những sách báo nói về xứ sở anh đang ở. Ở đây hàng tháng có một tạp chí tên là “Thế Giới Tự Do” em hay đọc vì những tin tức đưa ra đều xác thực, lại có nhiều bài viết về lịch sử và điạ dư của nhiều nước trên thế giới. Em thường nghĩ đến những lời anh nói, hoặc viết cho em, khi  xưa cũng như gần đây là có ngày em được theo anh đi đến những chân trời mới lạ này. Thì nay em được chính mắt nhìn thấy anh đã thực hiện điều đó nhưng với một cô nào khác chứ không phải là với em. Số báo tháng Năm vừa qua có đăng tin sinh viên ở Berkeley biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam và có đăng hình anh đang tranh luận với đám sinh viên biểu tình và đứng bên cạnh anh có một cô trông dáng thật xinh  đẹp ăn mặc đúng thời trang. Cô ấy mặc bộ áo mầu đỏ  thật trang trọng và đứng cạnh anh trông hai người có vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Em muốn oà lên khóc và nếu không có nhiều người cùng đọc sách trong phòng thì em đã vứt tờ Tạp chí ấy xuống đất rồi…Thì ra em chỉ là con bé kém cỏi, học hành dốt nát, đâu có xứng để đứng bên cạnh anh”.

                                                                                   ******           

 Phong ngồi ôm đầu ở bàn học và ôn lại những chuyện gì đã xẩy ra trong những ngày vừa qua. Dĩ nhiên đây chỉ là một chuyện hiểu nhầm nhưng vì đại dương xa xôi cách trở chàng không biết cách nào để giải thích cho Phương Vân, trong khi sự suy nghĩ của cô bé chỉ hoàn toàn dựa lên một tấm hình của chàng ở sân trường Đại học Berkeley. Trong những tháng qua có nhiều đêm Phong thao thức không ngủ được vì nhiều chuyện đã dồn dập xảy đến với chàng. Và cũng có nhiều chuyện làm cho chàng bận trí não và không sao giải quyết được trọn vẹn. Công việc học hành thi cử của chàng đã qua, giờ đây Phong không còn bị những áp lực khoa kỳ, nhưng vấn đề tương lai chàng vẫn chưa tìm được một hướng đi. Những chuyện thay đổi về chính trị ở bên nhà xẩy ra dồn dập, trong khi tình hình quân sự trong trận chiến chống cộng sản VN thì gần như mỗi ngày lại một thu hẹp phòng tuyến. Phong không có phương tiện nào khác hơn để biết tin tức ngoài việc theo dõi trên báo chí và các đài truyền hình. Tin mới nhất cho biết là Quân lực VNCH đã rút khỏi miền cao nguyên và ở miền Bắc tại Quân Khu I, phòng tuyến đã thu hẹp về trấn giữ Đà Nẵng. Tuy không phải là một cựu quân nhân, nhưng Phong có mặc cảm là không thể nào  ngồi yên lành ở đây để nhìn sự việc diễn tiến không thuận với lòng người dân Việt, và như cổ nhân đã nói, giờ phút này dù cho là ngưòi thất phu cũng cảm thấy có trách nhiệm. Tuy chàng đã có chương trình ở lại Hoa Kỳ thêm một năm nữa nhưng sự việc chàng nhận lời tới dậy và làm khảo cứu ở Đại Học California ở Berkeley không phải theo một khế ước dài hạn hay là một sự bổ nhiệm có sự chấp thuận của Hội Đồng Nhiếp Chính, thường thường là có hạn định 3 năm cho lần đầu tiên, mà chỉ do sự thoả thuận giữa chàng với vị giáo sư Trưởng phân khoa từng năm một mà thôi.

 Như vậy chàng có thể xin nghỉ bất kỳ lúc nào, miễn là sau mỗi khoá học. Khi chiến cuộc chưa sôi động, nhiều lúc Phong thấy tâm trạng thôi thúc của kẻ xa quê hương lâu ngày những muốn về cố hương. Cách đây ba năm, Phong rời nước ra đi, hành trang chỉ có một chiếc va-ly, và một tay sách, bây giờ nếu trở về nước, gia tài của chàng cũng chỉ có ngần ấy, có chăng thì thêm một hay hai thùng sách qúy chàng muốn đưa về. Nhưng Phong đã thu nhập được một số kiến thức khoa học đáng kể và nhất là chàng đã học được lối làm việc rất hữu hiệu trong đời sống văn minh tối tân của Hoa Kỳ. Nhưng chàng vẫn còn cô độc chưa kiếm được những bạn đồng hành để  cùng về chung sức xây dựng quê hương như chàng mong muốn và đã viết như thế cho Phương Vân biết. Giờ đây chắc trong trí não ngây thơ của cô bé, Mây đã nghĩ là Phong ở lại vì một hình bóng nào mới tới trong đời chàng, và với cô bằng chứng là tấm hình có cô gái mặc áo đỏ đã đứng sát Phong khi chàng đang trực diện đối chất với đám sinh viên đang hô hào cổ võ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam như trong bài viết của số báo tháng Năm của nguyệt san Thế Giới Tự Do.

 Khi còn ở Việt Nam, Phong quen biết khá thân với ông Giám đốc của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, vì hai người thường hẹn nhau đánh quần vợt ở câu lạc bộ thể thao, và hàng tháng chàng vẫn nhận được báo biếu của cơ quan USIS bằng tiếng Việt. Tuy chàng cũng vẫn đọc những báo bằng tiếng Pháp và tiếng Anh do công việc của chàng đòi hỏi nhưng đọc tin tức bằng tiếng Việt cùa Toà Đại Sứ Hoa Kỳ gửi cho Phong vẫn thấy thích thú khi thấy những tin tức trung thực không có những luận điệu tuyên truyền. Với người Việt thì tên cơ sở USIS nghe quen thuộc vì là bộ phận thông tin của Sứ quán Mỹ mà nhiều người lui tới, và biết là chữ viết tắt của United States Information Service, nhưng ít ai biết lối viết tắt này không được coi là chính thức ở Hoa Kỳ vì được để dành cho Sở Di Trú có tên là United States Immigration Service. Nhưng hiện nay thì đầu óc của Phong đang rối bời và ở trên bàn giấy của chàng vừa có mẫu đơn của USIS di trú mà Đại Học muốn chàng điền vào để lấy thẻ thường trú vì chàng đang lĩnh lương của một Đại Học công lập, và mặt khác trên lá thư của Mây gửi cho Phong cũng có một USIS khác đã đăng tấm hình của chàng đứng cạnh Hồng Vân, một người Phong không quen biết trước và chỉ mới tình cờ gặp cách đây hai tuần. Tâm trạng của Phong bây giờ như bị giằng co giữa hai ý định là ở hay về.

 Vì Phong đang có một chương trình nghiên cứu chung theo giao kèo với vị giáo sư cố vấn ở Đại Học Colorado nên vài tháng một lần chàng lại có việc phải về trường cũ. Hôm đó chàng vừa lên phi cơ United Airlines ở phi trường quốc tế Stapleton ở Denver, trong chuyến bay trở về San Francisco, mới buộc giây cài ghế và lấy sách ra đọc, đợi cho phi cơ cất cánh thì nghe thấy một giọng nói trong trẻo:

- Ông Phong, ông ngồi nhầm vào ghế của tôi rồi!

 Phong giật mình ngửng lên vì nghe thấy lời nói bằng tiếng Việt và gọi đích danh mình thì thấy một thiếu nữ người dong dỏng cao, trông khá xinh đẹp vừa nói vừa đưa tay chỉ vào chiếc ngăn sau lưng ghế trước mặt chàng có để tờ tuần báo Paris Match tuy đã gấp vào nhưng trông dễ nhận, để Phong biết ngay là chiếc ghế chàng ngồi đã có chủ. Ở lâu năm trong ngành hàng không nên Phong hiểu ngay là chiếc phi cơ này bay từ Washington DC, ghé Denver là trục đổi máy bay của United Airlines để đón thêm những hành khách như chàng và trong khi cô hành khách ra ngoài để thư dãn sau mấy giờ bay, cùng một lúc lên phi cơ, tuy vé của chàng  đã có số ghế, chàng đã chọn ghế ngồi cạnh cửa sổ vì tưởng phi cơ còn trống. Phong ấp úng nói mấy câu sorry, nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, để xin lỗi và đứng lên cho cô gái vào chỗ ngồi cũ. Tuy là người tháo vác và quen giao thiệp, nhưng vì bị bắt chợt bất ngờ nên cho đến khi máy bay đã cất cánh lên tới cao độ bình phi, Phong vẫn chưa nói một lời nào với cô gái ngồi bên cạnh dù rằng chàng rất muốn biết tại sao cô thiếu nữ lạ mặt lại biết tên chàng như vậy. Như để làm tan sự băng giá giữa hai người, cô hành khách mới lên, cất tiếng trước:

- Tên tôi là Hồng Vân, Trương Hồng Vân, không có chữ “thị” vì ba má tôi chờ đợi sinh con trai.

 Phong vừa định cất miệng để xưng danh trả lời thì ngừng ngay lại được vì chàng thấy mình thật là quê mùa vì cô hành khách đã biết tên chàng và có lẽ còn biết nhiều căn cước khác nữa nên chàng không cần tự giới thiệu. Nhưng cô gái vừa xưng tên là Hồng Vân đã ân cần xin lỗi:

- Tôi chắc đã làm ông khó chịu vì quá đường đột. Chắc ông nghĩ vì sao tôi biết ngay ông là người Việt Nam. Và ông củng có thể nghĩ tôi là một chiêu đãi viên hàng không, có thể làm ở hãng này và quen mấy cô kia nên coi được danh sách hành khách, và ông là người Á Đông duy nhất trên chuyến bay này. Dĩ nhiên là ngoài tôi ra.

Phong lắc đầu trả lời:

- Không! Tôi không nghĩ như vậy. Có thể cô đã biết tôi trước đây ở Sàigòn.

Hồng Vân cười khúc khích:

- Ông có vẻ tự tin quá nhỉ! Nếu tôi nói thêm là tôi biết ông trước đây là Tổng Giám Đốc Kế Hoạch của Bộ Giao Thông Công Chánh thì ông lại càng tin là tên tuổi và địa vị của ông ở Việt Nam trước đây thật vang lừng và ai cũng phải biết, nhất là từ khi ông từ nhiệm để ra đi…

 Phong nín lặng không trả lời vì những lời nói thật đáo để của cô gái lạ mặt đã làm cho chàng ngượng ngùng; bản tính của Phong xưa nay không muốn nghe những lời phô trương mình một cách quá đáng, đôi khi người nói ra chửa chắc đã thực tâm. Ngừng một chút Hồng Vân lại nói tiếp:

- Thật ra, hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp ông. Những gì tôi biết về ông cũng là từ bản khai lý lịch do chính ông điền vào mà thôi. Tôi là nhân viên của Sứ Quán VNCH ở Hoa Thịnh Đốn, và hàng năm vẫn làm lại chiếu khán thông hành cho ông mỗi khi ông gửi đến. Tôi cũng biết ông vừa chuyển cư từ Boulder về Berkeley nên vừa nhìn thấy ông tôi nhận ra ngay.

- Cám ơn cô. Thật ra tôi cũng không hiểu tại sao tại sao Sứ quán lại đặt ra cái lệ là thông hành của Việt kiều chỉ được gia hạn từng năm một mà thôi. Và lần nào cũng bắt khai lại tờ lý lịch.

- Ông nói cũng có lý. Nhưng đây là lệnh của Bộ Nội Vụ bên nhà. Họ làm như thế để dễ dàng kiểm soát Việt kiều, nhưng tôi nghĩ như vậy lại thất nhân tâm. Các toà Lãnh sự của những Sứ quán khác, họ không đối xử với kiều dân họ như vậy! Nước nào cũng có một ngày Quốc Khánh, mà hàng năm vào những ngày này, Sứ quán họ đều có Tiệc Mừng, mỗi lần tôi được mời tham dự đều thấy dân chúng của họ tới nơi dự tiệc náo nhiệt tưng bừng. Còn ngày Quốc khánh của mình thì chỉ có nhân viên Sứ quán đưa gia đình tới tham dự, thêm vào một số sinh viên du học bắt buộc phải đến, để nghe thông điệp của Tổng Thống mà thôi.

 Nghe Hồng Vân nói Phong không khỏi ngạc nhiên, dù chàng biết những lời phê bình ấy là đúng sự thực. Hình như cô nhân viên Sứ quán này không sợ bị sa thải bất thường nếu những lời phê phán của mình lọt tới tai Ông Đại sứ đương nhiệm.

 Lúc đó cô chiêu đãi viên vừa đẩy xe nước uống và đồ ăn nhẹ tới nên hai người dừng lại câu chuyện và Phong cũng lịch sự chuyển khay đồ ăn và ly nước ngọt sang bên cạnh cho cô khách đồng hành. Câu chuyện trao đổi về sau cũng thân mật hơn lúc đầu. Hồng Vân cũng kể về hoàn cảnh của mình:

- Tôi tốt nghiệp Luật khoa ở Đại Học Montpellier, và vì sống ở Pháp lâu năm với cha mẹ nuôi nên tôi hoàn toàn không biết gì nhiều về quê hương xưa và trừ ông ra, tôi ít biết về  những nhân tài người Việt. À mà tôi cũng được nghe danh của luật sư Nguyễn Mạnh Tường vì ông ấy trước đây cũng học ở Montpellier. Từ ngày ông ấy học, đã trải qua mấy chục năm rồi mà ở trường đôi khi người ta còn nhắc đến ông ấy, mới có 22 tuổi mà đã đậu hai bằng tiến sĩ Luật khoa và Văn chương. Đó là một hiện tượng chưa từng xẩy ra ở trong nền giáo dục bậc đại học ở Pháp quốc.

Phong gật đầu đồng ý:

- Phải ngay cả những người Pháp cũng phải công nhận ông ấy là một thiên tài. Chỉ tiếc là hiện nay ông ấy vẫn còn bị kẹt lại ỏ ngoài Bắc và không được phép hoạt động gì.

 Phong định nói tiếp là trước kia ở khu kháng chiến chàng cũng đã gặp LS Nguyễn Mạnh Tường  một lần và coi ông như là thần tượng của giới trẻ, nhưng thật tình chàng không muốn phê bình về tư tưởng chính trị của những người mà thực tâm chàng biết là không phải là người cộng sản dù có chân trong Đảng, nên dừng lại. Hồng Vân dường như cũng hiểu ý chàng nên cũng chuyển hướng câu chuyện. Nàng lấy ở trong sách tay một cuốn sổ nhỏ, mở ra và nói:

- Lần này đi San Francisco, thực tình là  tôi muốn được gặp ông, và có mang theo địa chỉ và số điện thoại của ông. Thật là số tôi gặp may, vừa vào phi cơ nhìn ở mấy hàng ghế đầu trông thấy ông tôi mừng quá muốn reo lên. Ông trông không khác gì trong hình chụp trên giấy thông hành. Tôi vẫn nghĩ ông đã dọn đi Cali, không ngờ ông còn quay trở lại đây, và nếu vì cớ gì mà ông ở lại Colorado thêm một ngày là nhiệm vụ của tôi do ông Đại sứ giao cho không thể nào hoàn thành.

 Nghe câu nói của Hồng Vân, Phong thật ngỡ ngàng. Chàng nghĩ lại cũng vào khoảng chừng 6 năm trước đây, một ông Đặc sứ cũng từ ở Việt Nam sang Paris để gặp những kỹ thuật gia như chàng để chiêu dụ về nước giúp việc. Nhưng Hồng Vân không phải là mẫu người để lãnh những nhiệm vụ quan trọng như vậy. Tuy nghĩ như vậy nhưng nghe lời giải thích tiếp theo của Hồng Vân thì chàng hiểu ngay.

- Ông đã tới dậy ở Đại học California ỏ Berkeley có lẽ cũng gần một năm rồi nên ông hiểu rõ tình hình sinh viên biểu tình chống chiến tranh ở đấy. Điều này làm chính phủ bên nhà vô cùng lo ngại vì có những nguồn tin do những người bạn Mỹ cho biết là nếu những sự chống đối bên này lan tràn ra các nơi khác thì sẽ có ảnh hưởng tới các vị dân biểu và Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cắt giảm ngân sách viện trợ binh bị. Từ ngày Tổng Thống Richard Nixon đưa ra chương trình Việt Nam hoá chiến tranh, cái mà họ gọi là “Vietnamization” thì vấn đề viện trợ quân sự là mối lo ngại chính của chúng tôi. Toà Đại sứ đánh giá những phong trào chống chiến tranh đang lan tràn ở khắp các khuôn viên đại học thì ở Berkeley đáng quan ngại nhất và sẽ là kiểu mẫu cho các nơi khác bắt chước.

Phong gật đầu đồng ý:

- Phải, đúng như vậy. Khởi đầu, tôi nhớ lại thì vào năm 1965, có phong trào ở các đại học gọi là  “teach-in”, lần đầu tiên  là vào ngày 24 tháng Ba ở Đại Học Michigan có mấy giáo sư chống chiến tranh ở Việt Nam đứng lên tổ chức những buổi hội thảo này và nhóm sinh viên phản chiến có tên là “Students for a Democratic Society” gọi tắt là  (SDS) vận động bạn bè và kéo được 2500 người tham gia lần đầu tiên và sau đó phong trào teach-in này đã lan ra được 35 khuôn viên đại học trên toàn quốc. Mãnh liệt nhất và có tiếng vang khắp nơi là teach-in ở Berkeley.

Hồng Vân phụ hoạ thêm:

- Tôi cũng theo dõi nhưng chỉ qua báo chí mà thôi. Ông ở ngay tại đây chắc biết rõ hơn.

Phong lắc đầu và trả lời:

- Không phải đâu, những năm mà họ biểu tình rầm rộ nhất thì tôi cũng như cô còn ở bên Pháp, và chỉ biết tin qua báo chí và Télé mà thôi. Dạo ấy phong trào chống chiến tranh như ngọn lửa cháy rừng lan ra rất nhanh chóng. Sinh viên ở Hoa Kỳ họ theo nhau lập thêm ra những nhóm phản chiến. Sau này lại có nhóm “Student Nonviolent Coordinating Committee” gọi tắt là (SNCC), cùng với nhóm (SDS) tổ chức nhiều buổi diễn hành chống chiến tranh ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn lôi kéo được hơn hai mươi ngàn người. Rồi tới khi bắt đầu ở Đại học California ở Berkeley thì có một nhóm sinh viên phản chiến mới được lập ra, gọi là “Vietnam Day Committee” hô hào sinh viên xé thẻ động viên và khiêng một chiếc quan tài tới trụ sở tuyển mộ. Hôm teach-in ở đây, theo báo chí thì có vào khoảng ba mươi ngàn người và, tuy không có gì gọi là bạo động, sinh viên có làm hình nộm của Tổng Thống Lyndon Johnson và treo lên để đốt.

Ngừng một chút như để nhớ lại sự việc rồi Phong nói tiếp:

- Dạo đó Tổng Thống Johnson đã đổ thêm quân Mỹ vào Việt Nam. Ông ấy tin ở lý thuyết Domino và nghĩ rằng nếu Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì sẽ kéo theo nhiều nước khác ở Á châu. Khi Johnson thay Tổng Thống Kennedy thì chỉ có 16 ngàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tới năm 1968 thì con số đã tăng lên nửa triệu quân nhân rồi và số thương vong hàng tháng vào khoảng 1 ngàn người. Cũng vì Tổng Thống Johnson không có một chiến lược rõ ràng, nửa muốn đánh thắng, nửa muốn cầm chân địch mà ông không có được đa số ủng hộ và ngày 31 tháng Ba năm ấy ông tuyên bố không ra tái tranh cử chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ nữa.

Tới đây thì Hồng Vân đặt tay lên bàn tay của Phong để trên tay dựa và nói thật tha thiết:

- Đó là chyện cũ mà ông thông thạo tỏ tường đến như vậy. Bây giờ là đến thời đại Tổng Thống Nixon phải giải quyết, và cũng vì vụ Watergate mà ông ấy đã phải từ chức, mà bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng 8 năm ngoái, với ông Tổng Thống mới là Gerald Ford thì ai cũng biết là ông ấy sẽ để cho Henry Kissinger giải quyết mà ông Do Thái này thì chúng tôi biết là đã bán đứt VNCH cho họ Mao rồi để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam trong danh dự. Cũng vì thế mà ông Đại sứ cho tôi tới đây để gặp ông vì có lẽ ông là người Việt Nam độc nhất có thể hoá giải chuyện này. Chúng tôi được tin là có một số giáo sư trưóc đây phản đối và không chịu tham gia những buổi “teach-in”, họ cũng là người đã chỉ trích đường lối chính trị đi đêm của Kissinger. Nếu ông quen được những vị ấy và gây được một phong trào những nhà trí thức bênh vực cho chính nghĩa của cuộc chiến bảo vệ cho tự do và dân chủ ở Việt Nam, đồng thời chống lại sự lan tràn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á  thì thực là một điều vạn hạnh cho dân tộc ta.

Phong không rút tay ra nhưng chàng xoay bàn tay lại để  nắm tay Hồng Vân, làm như là một lời hứa trong tình người đồng hương:

- Chuyện này thật là khó cô ạ, tôi không làm nổi đâu. Những giáo sư theo phong trào phản chiến phần lớn là chuyên về khoa học nhân văn, không có những chương trình khảo cứu theo khế ước với những cơ quan thuộc chính phủ. Vì thế khó lòng làm áp lực với họ. Những người chống đối lại thì lại sợ nhóm sinh viên phản chiến có những cử chỉ bạo hành, đến đập phá những phòng thí nghiệm của mình vì cho là có những chương trình nghiên cứu liên hệ tới chiến tranh. Tôi chỉ là một giáo sư thăm viếng đâu có ảnh hưởng gì với họ.

Thấy Hồng Vân yên lặng như chiều thất vọng, Phong nói tiếp theo giọng an ủi:

- Cô đã có số điện thoại của tôi. Nếu cô không bận chuyện gì khác thì chúng ta có thể hẹn gặp nhau một buổi cuối tuần lễ này để coi lại tình hình.

À mà tôi có nhờ một sinh viên tới đón ở phi trường San Francisco để đưa về Berkeley. Nếu cô muốn đi đâu mà tiện đường thì tôi cũng nhờ anh ấy đưa đi hộ.

 Hồng Vân nhẹ nhàng cám ơn và nói là có toà Đại sứ lo hộ mọi việc rồi. Sau khi máy bay hạ cánh, hai người cùng lấy hành lý ra ngoài đường thì trong khi Phong còn đang đứng đợi người học trò đến đón thì Hồng Vân đã có một xe limousine với tài xế đội mũ cát kết và mặc đồng phục đen đợi sẵn để đón. Nhìn chiếc xe đi và Hồng Vân còn ngoái cổ lại đưa tay vẫy, Phong nghĩ thầm là rồi đây, muốn cho được việc, chàng sẽ phải giải quyết công việc theo lối dã chiến, ở nơi công viên ghế đá mà trong cùng một lúc Toà Đại sứ lại thảo kế hoạch trong phòng kín ngồi trên nệm ghế ấm êm.  Hai phương thức làm việc như vậy đến bao giờ mới có thể hội tụ để đưa lại chút kết quả?!

o-0-o

 Theo lời mời của Hồng Vân, Phong đã đến gặp nàng ở khách sạn Durant ở gần trường Đại học Berkeley. Đây là một khách sạn cổ nhưng được tân trang theo những tiện nghi của thời đại và được dùng cho những khách có địa vị, có việc đến liên lạc với đại học. Chàng vừa tới lobby ngồi đợi chừng 10 phút thì Hồng Vân ở trên thang gác đi xuống. Hôm nay nàng mặc một bộ quần áo mầu trắng, không trang điểm gì nhiều, cổ chỉ đeo một chuỗi hạt trai nhỏ. Phong ngỏ lời nếu Hồng Vân muốn ăn cơm Tàu thì chàng có thể đưa đến hiệu Peking Express gần nhà hay nếu muốn xem phố Tàu ở San Francisco thì, sẵn có xe của Phong, hai người có thể sang đấy có tiệm House of Nanking  rất nổi tiếng và được nhiều báo khen ngợi. Hồng Vân vui vẻ nhận lời nhưng xin để cho một dịp khác. Lần này nàng đã giữ bàn ở tiệm ăn ngay trong khách sạn để có nhiều thì giờ nói chuyện hơn.

 Trong bữa ăn ở Henry’s Restaurant trong khách sạn, Hồng Vân cũng kể cho Phong nghe thân thế cuả cô, thân phụ trước làm quản lý trông coi một đồn điền cao xu cho một công ty Pháp, nhưng trong một cuộc tấn công của Việt Minh, ba má cô đều bị sát hại chỉ cô may mắn được người vú nuôi ôm chạy ra nấp sau nhà. Cô được hai vợ chồng một kỹ sư người Pháp nhận làm con nuôi và đưa cả người vú về sống ở Dordogne, ở miền Nam nước Pháp. Hồng Vân khi theo học Luật ở Đại học Montpellier, cũng có văn bằng về Science Politique, chuyên về Relations internationales, và theo giấy khai sinh, cô xin được giữ quốc tịch Việt Nam và được nhận vào làm ở sứ quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn với chức vụ là Đệ Nhị Tham Vụ. Cô cũng xin được gọi Phong là anh vì chàng lớn tuổi hơn và khi Phong nhận lời, Hồng Vân vui vẻ nói tiếp:

- Bây giờ thì em không nói chuyện với anh như là một nhân viên sứ quán nữa vì thật ra em có chức vụ ngoại giao, những chuyện gia hạn giấy thông hành cho anh là do mấy cô thư ký Mỹ làm, nếu anh nhớ rằng mấy phiếu khai lý lịch gửi cho anh đều bằng hai thứ tiếng Mỹ và Việt. Lúc ông đại sứ gọi em đến và bảo em đi gặp anh nhờ giúp cho việc này vì sứ quán có đọc những bài anh viết trên tờ Denver Post bên vực cho sự chiến đấu anh dũng của Quân Đội Quốc Gia chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt thì em mới tới phòng kiều vụ để xem lý lịch của anh. Thật là quả đất tròn, vì em nhận ra ngay là đã được biết tin tức về anh khi anh còn ở Pháp và đến học bay làm “pilote d’essai”, ở phi trường Istres, gần Marseille, lúc đó nhật báo “Midi Libre” của thành phố Montpelliercó đăng tin về anh, họ nói anh là trường hợp đặc biệt vì xưa nay dân cựu học sinh Polytechnique chỉ học toán thì giỏi thôi chứ học lái máy bay thì bết bác lắm.

 Nói xong thì Hồng Vân cười hích hích, như có vẻ thú vị về câu nói của mình, nhưng cô cũng không có  thể tưởng tượng ra được là nếu lái phi cơ mà bết bác thì nó sẽ chao đảo ra sao. Phong như không để ý đến những sự nghịch ngợm của Hồng Vân. Chàng chỉ trả lời về những nhận xét của cô tham vụ sứ quán:

- Tôi viết mấy bài cho tờ Denver Post thực ra là do yêu cầu của toà báo vì họ thấy độc giả không biết gì nhiều về chiến tranh ở Việt Nam. Cũng may là ở miền Trung Tây Hoa Kỳ nơi có những tiểu bang  Colorado và Wyoming, dân tình hiền hậu và bảo thủ nên mỗi lần tôi được mời tới các nhà thờ và những trường trung học để nói chuyện, thay vì nghĩ là mình đi giải độc hay tuyên truyền họ lại nồng nhiệt cám ơn mình đã cho họ biết tình hình chiến tranh quốc cộng ở nơi xa họ trên mười ngàn dậm. Nhưng tôi không hiểu tại sao sứ quán của mình lại không cho người  đi làm những việc đó.

Hồng Vân lắc đầu như không đồng ý và phân trần:

- Thật ra thì không có người anh ạ. Ông đại sứ hiện thời, tuy còn trẻ nhưng rất có thiện chí và muốn làm một cái gì cho việc này nên mới giao cho em được toàn quyền để thương nghị với anh.

Phong hỏi lại:

- Hiện giờ ở toà đại sứ có những ai và làm những công việc gì?

- Những người cao cấp thì ngoài ông đại sứ còn có một ông cố vấn, là công chức già của bộ Ngoại Giao. Ngoài ra có ba người là tham vụ ngoại giao. Bên quân đội thì có một đại tá là Tùy viên Quân Lực và ba đại úy là sĩ quan phụ tá của ba ngành Hải, Lục và Không quân. Những người còn lại đều vào hàng thư ký để làm giấy tờ và mình thuê người bản xứ làm. Còn sinh viên ngưòi Việt thì họ chỉ muốn làm bán thời gian và vào dịp hè để kiếm thêm tiền mà thôi.

Hai ngưòi bàn thảo trao đổi thêm ít điều nữa thì Phong thấy câu chuyện này thật nan giải.

 Hồng Vân tuy mới nhận công việc trong ngành ngoại giao nhưng sau hơn một năm sống ở thủ đô của Hoa Kỳ cô đã biết được tất cả những gì mà những sứ quán khác đã làm để vận động cho chính giới Hoa Thịnh Đốn đi đến những quyết định có lợi cho đất nước của họ. Về phần Việt Nam, sứ quán của mình chỉ thiết lập được một danh sách những nghị viên và thượng nghị sĩ Quốc hội thường bỏ phiếu ủng hộ cho những chương trình viện trợ cho Việt Nam mà thôi. Những người này thật ra phần lớn là những người ở Đảng Cộng Hòa và họ ủng hộ đường lối của Tổng Thống Richard Nixon, và bây giờ là theo Tổng Thống Gerald Ford, với bàn tay phù thủy của Kissinger chứ không phải là họ thân thiện với Việt Nam. Trong khi ấy, sứ quán hoàn toàn không có một chương trình gì để gây cảm tình thuận lợi cho Việt Nam ở Quốc Hội. Về phần Phong thì chàng cũng cho Hồng Vân biết tình hình ở Đại Học Berkeley.

- Theo tôi nhận xét thì hoạt động của sinh viên sau lúc sôi nổi ban đầu cũng lắng dịu lại một phần nào. Về phong trào teach-in thì dù có một phần lớn các giáo sư ở những môn khoa học nhân văn tham gia, những giáo sư về kỹ thuật, có lẽ vì có những chuơng trình khảo cứu cho Bộ Quốc Phòng nên hầu hết đều giữ yên lặng. Chống đối phong trào phản chiến mãnh liệt nhất là giáo sư Robert A Scalapino nguyên là Trưởng Phân Khoa Chính Trị Học và ông đã viết một bài báo cho rằng những người tổ chức teach-in đã đưa ra một trò diễn xuất phản lại trí thức và giáo dục. Họ đưa đến vài diễn giả không có kinh nghiệm gì với cuộc chiến ở Việt Nam rồi kèm thêm vào đó vài ca sĩ hát những bài dân ca để lôi kéo sinh viên tham gia. Tôi nhớ là ông ta đã viết : “Only a handful of the performers have ever been to Vietnam or made any serious study of its problems. The objective is propaganda, not knowledge”.

 Vả chăng kể từ đầu năm 1973 khi Hiệp Định về Chấm Dứt Chiến Tranh được ký kết ở Paris thì đối vói người Mỹ, họ cho như là đã rút quân trong danh dự, và từ 2 năm nay họ chú trọng tới vụ Watergate nhiều hơn, và ông Nixon cũng đã phải từ chức rồi nên dân chúng không còn ai đẻ quy trách nhiệm về chiến tranh ở Việt Nam nữa. Ngay cả ông Scalapino, giờ đây ông ấy chú trọng nhiều đến sự bang giao giữa Mỹ và Đại Hàn.

Hồng Vân cũng đồng tình với nhận xét của Phong:

- Phải, bài viết của ông này cũng đã đăng trên báo San Francisco Examiner và em cũng có đọc. Ông Scalapino viết thật chí lý khi nói chung những diễn giả và những ca sĩ thực sự đều là những người trình diễn, với luận điệu tuyên truyền, dựa trên luân lý chống bạo động và chiến tranh chứ họ đôi khi không cần tìm hiểu những gì đã đưa đến cuộc chiến đấu chống cộng sản của những người Việt ở miền Nam.

 Nhưng sau đó thì hình như phe bên kia cũng đã viết trả lời và gây nên môt cuộc tranh luận kịch liệt.

- Đúng như vậy, nhưng đó lại là điều may cho chúng ta vì họ đưa sự tranh luận từ Sproul Plaza lên mặt báo. Chứ như trước kia thì ngày nào vào giờ ăn cơm trưa, sinh viên cũng tụ tập ở khu Plaza này để biểu tình và hô hào chống chiến tranh. Giờ đây đám sinh viên biểu tình lại chú trọng đến những điều mà họ cho là tội ác chiến tranh, và cho là tự phe Đồng Minh gây ra. 

Buổi tối hôm đó trước khi Phong ra về, Hồng Vân xin với chàng để làm hướng dẫn cho cô đi thăm Sproul Plaza vào buổi trưa ngày hôm sau để xem không khí biểu tình và tranh luận của sinh viên ra sao.  Phong đã vui vẻ nhận lời và cũng mời cô tham vụ sứ quán sau đó đến ăn tại câu lạc bộ giáo sư cũng ở trong khuôn viên đại học.

                                                                                o-0-o

 Câu chuyện thực sự chỉ dản dị như vậy. Phong chỉ làm bổn phận của một cựu công chức giờ đây thấy cần phải giúp đỡ một nhân viên của tòa đại sứ đến để thâu thập tin tức và dữ kiện cần thiết cho vận mạng quốc gia. Nếu toà đại sứ cử một tham vụ ngoại giao khác thì đã không thành câu chuyện. Nhưng có lẽ ông đại sứ đã lựa chọn Hồng Vân và có lẽ cũng căn dặn cô thêm nhiều điều vì chính ông đã nhận được điện thoại của ông bộ trưởng ngoại giao gọi từ bên nhà truyền lệnh từ thượng cấp tối cao là phải mời cho bằng được sự cộng tác của Phong.

 Phong cố nhớ lại những gì đã xẩy ra cách đây gần hai tuần lễ. Sau bữa ăn tối ở Henry’s Restaurant, Phong và Hồng Vân còn sang phòng uống rượu bên cạnh và cô sứ giả còn nói là những người bạn của Phong khi xưa ở Việt Nam nay là những người đang nắm giữ vận mệnh của quốc gia và họ vẫn còn nhớ đến những công trình chàng thực hiện khi xưa để cải tiến sự giao thông cả thủy bộ lẫn hàng không cho đất nước. Phần khác ông bộ trưởng ngoại giao lại biết được rằng sứ quán Hoa Kỳ đã có lần làm một bảng nhận xét  về giới chức lãnh đạo ở Việt Nam và Phong là người được đánh giá cao về nhiều phương diện. Ông đã đề nghị lên chính phủ để mời Phong làm một chức Quốc Vụ Khanh, hàng bộ trưởng, và ủy cho chảng hướng dẫn một phái đoàn sang Hoa Kỳ để vận động với với Chính Phủ và Quốc Hội, giới thiệu Việt Nam như là mấu chốt quan trọng trong Liên Minh các nước chống sự lan tràn cuả cộng sản ở Đông Nam Á Châu. Trước khi Hồng Vân đi, ông đại sứ như đoán trước được rằng Phong sẽ ngần ngại không muốn nhận trách vụ này nên có đề nghị là chàng nên nhận lời mời về nước một cách hết sức kín đáo để trình bầy những hiểu biết của chàng về đường lối của chính phủ Hoa Kỳ vì ông biết Phong có quen biết một số những sĩ quan làm trong bộ tham mưu cao cấp ở Ngũ Giác Đài. Nếu biết được những dự trù về loại vũ khí quân đội dùng trong tương lai thì cũng có thể đoán được nơi nào là chiến trường họ định xử dụng.

 Tuy việc chính của chuyến đi của Hồng Vân là làm trung gian giữa toà đại sứ và Phong, nhưng cô cũng muốn đến thăm Sproul Plaza, mà cô thường nghe là đã xẩy ra nhiều vụ biểu tình khổng lồ chống chiến tranh Việt Nam.

 Vì đã mãn khoá học nên buổi sáng Phong đến chỗ hẹn đúng giờ và thấy Hồng Vân đã đợi sẵn. Hôm nay cô tham vụ mặc bộ đồ mầu hồng nhạt nhưng dưới ánh nắng đầu hè trông óng ánh và như có mầu đỏ thẫm, trông càng thêm rực rõ. Trông thấy Phong tới cô mừng rỡ và hỏi ngay:

- Hôm nay anh trông Hồng Vân ra sao?

Phong đứng lùi lại, làm bộ ngắm nghía rồi mới trả lời:

- Trông Hồng Vân quá đẹp nên không có vẻ nào là sinh viên ở đây được. 

Cô gái sịu mặt lại, và hờn dỗi:

- Như thế là em già quá rồi phải không?!

 Phong thật không ngờ một con ngưòi sắc sảo như cô tham vụ sứ quán lại dễ giận hờn như vậy, mà chỉ vì một câu nói đùa vô tình. Sự thực ý chàng chỉ muốn nói cách ăn mặc của sinh viên thời nay, bị ảnh hưởng của nhóm hippies, chống lại nền văn hoá cổ điển, nhóm này tăng cường cho những tổ chức sinh viên chống chiến tranh ở Việt Nam, bây giờ trông lẫn lộn không rõ ai là sinh viên trong trường, ai là những kẻ ở những vùng trù mật từ San Francisco đã từng nhóm ào ạt kéo sang để chiếm đóng thành phố đại học này. Trông Hồng Vân, với bộ áo quần mầu hồng đi giữa đám sinh vìên từng nhóm một tụ tập trên khoảng sân trống trước toà nhà Sproul lại càng lộng lẫy. Cô tham vụ hình như cũng nhận ra điều ấy nên đi sát vào Phong để như muốn được chàng che chở tránh những con mắt nhòm ngó. Phong cũng biết như vậy nên thấy cũng đến giờ ăn trưa, chàng vội quàng tay Hồng Vân để đi về phía câu lạc bộ giáo sư nhưng chưa kịp ra khỏi quảng trường Sproul hai người đã gặp một nhóm người biểu tình khoác tay nhau thành một chuỗi dài để thâu tóm những người qua lại để nghe họ thuyết giảng về những tội ác của chiến tranh. Trong nhóm người này có một tên râu tóc để bờm sờm cầm một tấm biển có hình ảnh thảm cảnh chiến tranh và hàng chữ máu: “Hey hey Gooks!! How many kids did you kill today?”. Thấy vậy, Phong tiến lên một bước để che Hồng Vân không muốn để nàng trông thấy những lời lẽ tục tằn này, và nhất là có những hình ảnh sác trẻ thơ nằm trên đồng ruộng. Vì tên cầm biển, trông không có vẻ là một sinh viên đưa hẳn tấm hình vào mặt chàng nên tiện tay Phong giằng lấy để quẳng xuống đất. Một nhóm phóng viên truyền hình đang quay phim ở gần đấy kịp thời đến can thiệp nên tránh được sự sô sát. Lúc đó cũng đã có thêm mấy sinh viên ngưòi Á châu đến đứng cạnh Phong như muốn trợ lực nếu có bạo hành xẩy ra. Phong vẫn giữ thái độ bình tĩnh, chàng giơ tay như để cám ơn nhóm sinh viên Á châu và cùng với  Hồng Vân rời khỏi  khuôn viên Sproul.

Vào tới phòng ăn, khi đã ngồi xuống bàn riêng, trông Hồng Vân vẫn còn có vẻ hồi hộp, nên Phong phải an ủi:

- Lần đầu tiên cô nhìn thấy những cảnh này phải không? Thường ngày thì bọn hippies chúng đều là người hiền lành, chỉ có đám sinh viên là quậy phá nhiều.

Hồng Vân gật đầu cám ơn:

- Chắc anh nghĩ là công việc làm ở sứ quán suốt ngày chỉ có dự tiệc tùng phải không? Em thấy bọn chúng đông nên sợ cho anh mà thôi. Chúng dùng chữ gooks có phải là để chỉ Việt cộng hay không? Chứ làm gì có người quốc gia mà đi tàn sát nhi đồng bao giờ?

Phong lắc đầu trả lời:

- Những dân bỏ học đi biểu tình như thế này, chúng có hiểu biết gì đâu. Đúng là chuyện râu ông nọ cắm cầm bà kia. Tấm hình này là hình tàn sát ở Mỹ Lai, vụ trung úy William Calley ra lệnh bắn giết một số thường dân vô tội, ngày 16 tháng Ba năm 1968. Chuyện này báo chí Mỹ cũng đã nói đến nhiều, là thảm cảnh chiến tranh do quân đội Mỹ gây ra.

Ngừng một lát, Phong giải thích tiếp:

- Còn chữ “Gook”  thì nói chung là một tiếng kỳ thị hay dùng để gọi và hạ thấp giá trị của người gốc Á châu. Mà thực ra khởi đầu tiếng này bắt nguồn từ khi Mỹ gia nhập chiến tranh Đại Hàn, và nguyên do lại từ một chuyện thân thiện giữa người Mỹ và người bản xứ.

- Thật vậy sao anh? Sao lại có chuyện kỳ như vậy, từ thân thiện lại trở thành dèm pha khích bác lẫn nhau.

Phong gật đầu trả lời:

- Thật ra tôi cũng chỉ biết theo trong sách mà thôi. Dạo còn học ở bên Pháp, tôi thấy sinh viên mình cứ gọi nhau là “Mít”, tôi hiểu theo chữ Annamite là người An Nam mà ra. Những người theo Tây học cũng thấy danh xưng này có vẻ xúc phạm và muốn dùng chữ Vietnamien thay thế nhưng tôi không hiểu sao sinh viên mình vẫn tiếp tục dùng chử này để gọi nhau. Nghĩ cũng thật lạ, là cùng một danh từ mà người chủng tộc khác dùng để gọi thì mình chạm tự ái giống nòi mà giữa những người đồng hương dùng để giới thiệu lẫn nhau thì mình lại để tự nhiên. Sau đó tôi đã đi tra cứu những từ điển danh xưng có tính cách kỳ thị và biết nguyên ủy của chữ Gook. Ngay cả cuốn Oxford English Dictionary cũng chỉ có thể xác nhận rằng do binh sĩ Hoa Kỳ dùng với ngụ ý chê bai, kể từ lúc đầu với người Phi rồi được phổ thông với chiến tranh ở Đại Hàn và sau này dùng ở chiến tranh Việt Nam. Lúc quân đội Mỹ bắt đầu tham chiến ở Hàn Quốc, vào khoảng giữa năm 1950, dân chúng đã vui mừng đón chào những người lính đồng minh. Khi gặp người lính Mỹ, đôi khi người ta chào bằng câu  “Mee Hap Joon Gook”  là tiếng chỉ người ở Mỹ Quốc và họ thường nói ngắn gọn là  “Mee Gook”. Người nghe được tưởng rằng người Đại Hàn tự giới thiệu mình và nói “Me” là  “Gook” và cứ theo thế mà gọi rồi dần dà dùng thiếu nét kính trọng. Từ đó tiếng này được dùng chung cho người Á châu và ở Việt Nam lính Mỹ đã dùng đe chỉ bất kể là Việt cộng hay là người lính cộng hoà.

 Buổi trưa hôm ấy, ngồi cùng ăn với Phong, Hồng Vân đã chăm chú nghe chàng nói chuyện, phân tách tình hình chung trên thế giới và sự bang giao giữa Mỹ và Việt Nam nay đã gần như đến hồi chung cuộc. Nhiều điều chàng nói ra mà cô không hề hay biết. Là người có bằng cao học về chính trị, và đã là tham vụ ngoại giao được gần hai năm, cô thật không ngờ một kỹ thuật gia như Phong lại am tường vấn đề bang giao quốc tế hơn là một người như cô mà một trong những công việc chính là hàng ngày phải đọc những tin tức chính trị liên hệ tới vùng Đông Nam Á và làm bản tóm tắt thời sự cho ông Đại sứ. Tuy Phong không trả lời thẳng đề nghị của chính phủ mời chàng về nhưng Hồng Vân cũng hiểu là Phong đã nhận xét trong giờ phút này một phái đoàn từ Việt Nam tới xin cầu viện thẳng với Quốc Hội Hoa Kỳ không những đã không đúng thể thức ngoại giao giữa hai nước đồng minh mà chắc chắn sẽ mua lấy thất bại. Nhưng nhìn nét mặt trầm tư của Phong khi chàng nhìn những tia bọt sủi trong ly rượu bia cầm trong tay, cô tham vụ như đoán đuợc ý nghĩ của người đối diện là con người thật đặc biệt này đang nghĩ đến chuyện trở lại quê hương. Và lấy tâm lý cũa phụ nữ để suy ra sự việc, Hồng Vân cảm nhận được ngay rằng Phong sẽ về vì một hình bóng nào đó còn ở bên quê nhà.

o-0-o

 Hồng Vân tới và đi như là một cơn gió thoảng qua nhanh, và đối với Phong cô gái cũng chỉ như bao nhiêu người khác chàng gặp gỡ hàng ngày. Những lời nói của Hồng Vân dù tha thiết khẩn cầu đến đâu củng không đủ thuyết phục Phong để chàng nhận lời về gặp những nhà lãnh đạo đất nước đang ở trong một tình thế vô cùng khẩn trương. Nhưng những giòng chữ của Phương Vân  thật đã làm cho Phong bối rối. Trang cuối của bức thư, tuy viết không dài lắm nhưng đã là những lời trách chàng trai thế hệ đã quên bổn phận của mình.

 “Có lần em nghe Mẹ nói là anh có phúc tướng, mỗi lần có gì khó khăn anh đều tránh được. Nếu anh còn nhớ thì sau vụ Tết Mậu Thân thì anh  ở Pháp về nhận chức nên anh đã không được chứng  kiến  những thảm cảnh mà tội ác diệt chủng của CSVN đã gây ra cho dân chúng. Riêng ở ngoài Huế đã có hơn 7000 người dân vô tội bị thảm sát. Sau trận chiến Mậu Thân, em thấy Bố nói Việt cộng bị thiệt hại nặng nên chúng đã phải lặng yên một thời gian để phục hồi lực lượng. Vì vậy trong những ngày anh ở nhà, chúng ta hưởng được chút thanh bình và anh cũng đã đóng góp được nhiều công trình xây dựng cho non sông.  Rồi từ ngày anh sang Hoa Kỳ đất nước lại đã trải qua những Mùa Hè Đỏ Lửa, những trận chiến sinh tử với cộng quân để chiếm lại từng mảnh đất dù chỉ còn là hoang tàn như Cổ thành Quảng Trị. Nhiều lần em nhớ anh và cầu  mong anh về nhà, với chút hy vọng mong manh rằng nhờ phúc tướng  mà anh đem lại chút mùa Xuân vinh quang cho đất nước, nhưng nay em thấy Bố và các anh nói là từ ngày Hoa Kỳ  rút quân ra khỏi Việt Nam, họ đã để mặc dân mình cho bọn sói lang từ phương Bắc tràn vào mặc sức tấn công không phải vào những tiền đồn lẻ tẻ như xưa kia mà vào những đô thị đông người, chúng dùng đại pháo do Trung Cộng tiếp tế, bắn hàng loạt vào không nương tay. Mới đây em còn nghe thấy nói là mình đã rút khỏi cao nguyên xe pháo thiệt hại không biết cơ man nào kể. Vậy mà nay anh viết thư về nói là sẽ còn ở lại bên ấy thêm một năm nữa. Bây giờ thì em đã hiểu là hình bóng nào đã giữ anh lại.

 Có lần em nói vói anh là em làm một bài thơ nhớ anh và sẽ trao tận tay anh khi anh về. Nhưng bây giờ bài thơ ấy không còn ý nghĩa nữa, và chắc anh cũng không muốn đọc. Nhưng để anh yên lòng là em sẽ không làm anh bận tâm trí về em nữa, em đã viết ra và giờ đây gửi cho anh bài thơ cuối, bài này thực sự là bài thơ cuối  em viết trong cuộc đời mình.

                                                

                                                 Một Thời Để Nhớ

 

                                    Mây có còn là niềm vui buổi sáng,

                                    Khi thu về, anh thấy lá vàng rơi.

                                    Mây có tới khi buổi chiều vắng lặng.

                                    Anh bâng khuâng, nhìn theo cánh chim trời.

 

                                    Nhưng tất cả, giờ đây là dĩ vãng,

                                    Cô bé buồn, chỉ có thế mà thôi.

                                    Bao mơ ước, không gian và biển cả,

                                    Soi bóng mình, chỉ như đám mây trôi.

 

Gửi anh với lời vĩnh biệt.

Một cô Bé đã không biết phận mình.

 Trời đã tối hẳn mà Phong vẫn còn ngồi ở phòng học. Chàng thu xếp nốt những hồ sơ và viết những gi có thể làm được rồi cho tất cả vào một hộp giấy niêm phong lại. Công việc khảo cứu khoa học của Phong giờ đây phải tạm xếp lại. Chàng đã nhất quyết là ngày mai sẽ lên đưòng trở về quê hương và làm những gì có thể đóng góp được cho đất nước.

 

(Xin xem tiếp chương 12)

Trích trong “Tìm Nhau Từ Thuờ”  của  Xuân Vinh

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC