TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Tay bưng ly cà phê còn ngút khói. Lòng hân hoan,  Minh húyt sáo :
''Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh
Cho ta chút hồn nhiên...'' (1)
 
Chàng chợt nhớ lại buổi chiều hôm qua, bạn bè cùng sở đã tổ chức một tiệc trà nhỏ để tiễn chàng đi nghỉ phép hay đúng hơn, tiễn chàng đi cưới vợ! ‘’Congratulation Minh’’, ‘’Hey Minh, many years of  happiness to you and your sweet-heart.  You are the lucky guy, ...’’.  Những cái bắt tay thân tình kèm theo những lời chúc mừng nồng nhiệt của các bạn làm Minh cảm thấy lòng rộn ràng, vui sướng.  Anh bạn đồng hương làm việc bên phòng đối diện cũng chạy qua vồn vã: ‘’Anh Minh, chúc anh trăm năm hạnh phúc. Chị ấy nhìn rất đẹp và khả ái.’’ Minh ngạc nhiên tại sao người bạn lại biết cô vợ sắp cưới của mình ‘’rất đẹp và khả ái’’. Nhìn theo hướng mắt của bạn, Minh chợt hiểu, tấm hình bán thân của ‘’cô bé’’ mà chàng chưng trên bàn làm việc đã trình làng tất cả. Minh liên tưởng đến người yêu và mường tượng đến một mái ấm gia đình, có vợ chàng, người thiếu nữ  hiền hậu, mẫu mực, đảm đang, một lòng chung thủy; có chàng, người đàn ông thâm trầm, hết mực thương yêu vợ.  Nụ cười trở lại trên khuôn mặt tươi sáng, hiền hậu của Minh. Đêm hôm qua chàng thức thật khuya, kiểm soát thêm lần nữa những hành lý và đồ dùng cần thiết phải mang theo. Chàng thao thức, trăn trở đến quá nửa đêm mới tìm được giấc ngủ.
 
Nhìn ba chiếc va-li mà chính mình đã tốn bao ngày xắp xếp cẩn thận, nay đã hoàn tất, Minh mỉm cười, xoa tay ra vẻ đắc ý. Bất giác chàng xách chiếc ‘’va-li của cô dâu’’ để lên bàn và dùng chìa khóa mở nắp.  Minh đã kiểm soát tất cả hành lý tối qua rồi mà, chàng đâu cần phải xem thêm lần nữa!  Thực ra Minh chỉ muốn mở va-li để ngắm chiếc áo cưới kiểu tây phương, bằng satin trắng mà chàng và bà chị đã bỏ nhiều công tìm kiếm.  Kiểu áo tuy đơn sơ nhưng nhìn đẹp và qúy phái, cô bán hàng đã tấm tắc khen: ‘’Very elegant!  You have an excellent taste! '.’  Chiếc veil trắng dài, mỏng và nhẹ, có đính những cánh hoa trắng nhỏ li ti, ‘’rất thích hợp với vóc dáng mảnh mai của cô dâu. Nàng sẽ mặc áo dài đỏ, áo choàng kim tuyến trắng viền chỉ vàng và đội khăn đóng cùng mầu áo khi làm lễ Từ Đường, lạy trước bàn thờ tổ tiên. Nàng sẽ diễm kiều và trang trọng trong chiếc áo dài Việt Nam thuần túy.’’  Nhìn sang bộ tuxido màu đen trịnh trọng, nằm nổi bật bên cạnh áo cô dâu, Minh thấy mình như trẻ hẳn ra. 
Chàng tiếp tục mơ mộng và lẩn thẩn nói với chính mình:  ‘’Mình đâu đã già!’’ Minh thò tay vào túi áo, lấy ra hộp nữ trang, ngắm nghía cặp nhẫn cưới một hồi lâu rồi cất trở lại, lần này chàng cẩn thận cài chiếc nút trên miệng túi. Minh kiểm điểm lại vé may bay, chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam của hãng hàng không Northwest Airline sẽ rời phi trường International Kennedy vào lúc 8:00 sáng, và chỉ 30 tiếng đồng hồ sau Minh sẽ gặp lại người yêu.  Chàng cảm thấy lòng mình rộn lên một niềm vui. Nhìn đồng hồ mới 5:30 sáng, còn 30 phút nữa bà chị của Minh, chị Lan và anh Tú chồng chị, sẽ đến đón.  Chị Lan và anh Tú cũng về Việt Nam để chủ hôn cho Minh. Ngước nhìn bóng mình trong tấm gương lớn treo giữa phòng ăn, Minh bằng lòng với chính mình. Tuy đã xấp xỉ năm mươi, nhưng Minh nhìn chỉ trạc độ bốn mươi, Minh lại không hút thuốc, uống rượu nên chàng rất khỏe mạnh.  Nhờ bơi lội và tập thể dục hàng ngày, thân hình cao ráo, đôi vai rộng, nước da nâu hồng trông Minh có nét đẹp rất thể thao như  pho tượng Hy Lạp. Minh xem lại từng phòng trong căn nhà, mỗi phòng đều rất ngăn nắp, trang hoàng nhẹ nhàng và mỹ thuật. Trong  phòng ngủ, ngọn đèn nhỏ trên bàn trang điểm tỏa ánh sáng mờ ảo, chậu hoa hoàng lan trong góc phòng in bóng lung linh trên bức tường sơn màu tím hoa cà nhìn như một bức hoạ kỳ công.  ''Với bản tính thuần thục và nhạy cảm của nàng, mầu sắc dịu dàng trong căn phòng này sẽ rất thích hợp.’’  Minh vui vẻ nói chuyện với chính mình.
                                  
Hồi tưởng lại ...  Ba năm về trước, Minh về thăm nhà lần đầu sau 20 năm xa cách quê hương. Lần ấy, tâm trạng Minh hoang mang, buồn vui lẫn lộn, khi ngồi trên chuyến bay đưa chàng về với quê cha đất mẹ. Hai mươi năm trời biết bao là thay đổi. Từ thuở còn là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, say mộng hải hồ, Minh đã hiên ngang gia nhập quân đội với trách nhiệm bảo vệ lãnh hải Việt Nam,  với ước vọng mang thanh bình, tự do, no ấm cho đồng bào. Mộng ước chưa trọn vẹn thì cuộc đổi đời ‘’tháng tư đen’’ đã đưa đẩy Minh lưu lạc xứ người.  Suốt hai mươi năm dài dù sống trên đất khách quê người, nhưng Minh luôn quan tâm đến sự nghèo khó, lầm than của đồng bào bất hạnh.  Minh đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp công sức, tranh đấu cho nhân quyền của đồng bào nơi quê nhà.  Thời gian vội vã trôi qua, giờ đây chàng đã trở thành người đàn ông đứng tuổI, chững chạc, thâm trầm; chàng trở về thăm lại quê hương.
Sau khi đã an vị vào ghế, tiếp tục chuyến bay chuyển tiếp, Minh quay sang chào cụ già ngồi cạnh chàng, tóc cụ đã rụng gần hết, chỉ còn lưa thưa vài sợi bạc trắng, người gầy còm, miệng hóm hém cụ hỏi:
- Cậu về thăm nhà được mấy lần rồi?
- Thưa bác lần đầu ạ.
Ông cụ như tìm được người tâm sự nên vội vã tiếp:
- Tôi về đã ba lần rồi đó, cứ cách một năm tôi lại bảo con gái mua vé máy
bay cho tôi về thăm nhà. Nhớ nhà, nhớ con, nhớ cháu cậu à. Tôi còn mấy đứa con và đám cháu bên Việt Nam đó cậu. 
Ông thở dài rồi tiếp:
- Đi đâu cũng chẳng bằng quê hương mình.  Ở bên Mỹ tôi buồn thiu, chẳng nói chuyện được với ai, đám con tôi đi làm cả ngày.  Kỳ  này về tôi kêu mấy ông bạn già lại nói chuyện cho hả hê.  Dù gì thì cũng là người mình, tiếng nói của mình, phong tục tập quán cũng là của mình, dễ hơn cậu à.  Chắc chuyến này tôi ở lại luôn qúa. ....
Người nữ tiếp viên đột nhiên xuất hiện trước cửa phòng lái. Cô mặc chiếc áo dài mầu thiên thanh trang nhã, dáng người mảnh mai, mái tóc ngắn ôm gọn khuôn mặt.  Cô có một nét đẹp kín đáo,
                                   
Minh nhìn người thiếu nữ không chớp mắt, cô chào mừng hành khách, giới thiệu tên mình và giải thích cách mang giây an toàn, sau khi nói bằng Viêt ngữ, cô lập lại bằng Anh ngữ rất trôi chảy, giọng cô trong trẻo, nhẹ nhàng Minh chăm chú nghe và biết cô gái đứng trước mặt tên Thúy Vi. Cụ già vẫn tiếp tục kể chuyện bên tai chàng, chàng cứ  ‘’vâng, dạ’’ nhưng mắt vẫn không rời người nữ tiếp viên. Chàng nhìn người  thiếu nữ không hẳn vì nét đẹp đông phương đầy quyến rũ của cô, nhưng vì những nét quen thuộc trên gương mặt. Minh cố nhớ, lục lọi trong ký ức với hy vọng tìm được lời giải thích. Đôi mắt to tròn đen lay láy, chiếc mũi dọc dừa thanh tú, miệng cười xinh tươi  duyên dáng.‘’ Gương mặt quá quen thuộc, mình đã gặp người thiếu nữ này ở đâu?’’ Tuy tự hỏi, nhưng Minh cũng lý giải được câu trả lời. Cô này nhìn khoảng ngoài hai mươi tuổi. Minh rời Việt Nam khi chàng hai mươi sáu tuổi, đã 20 năm xa nhà, đây là lần đầu tiên chàng trở về thăm quê hương. Không! Minh chưa bao giờ quen người thiếu nữ này. Còn cái tên Thuý Vi ! Minh nghe cũng rất quen. Người nữ tiếp viên đã đi vào trong, bỏ lại Minh với bao thắc mắc. Minh tiếp tục tìm tòi, lục soát ký ức. Cô gái như có sức thu hút làm Minh phải dõi mắt mong chờ , nhìn cô trân trối mỗi khi cô xuất hiện. Không bỏ lỡ cơ hội khi Thúy Vi mang nước giải khát cho hành khách, Minh vội hỏi:
- Xin lỗi cô Thúy Vi, cô nhìn rất quen.
Thúy Vi mỉm cười, nhẹ nhàng đáp:
- Có lẽ người giống người đó ông, tôi đã nghe nhiều người nói với tôi câu này.
- Ô..., mong  cô tha lỗi, tôi không có ý bất nhã, chỉ là một câu hỏi thành thật.
- Tôi cũng trả lời thành thật, làm việc trên đường bay này đã lâu, tôi hiểu được phần nào tâm trạng người Việt hồi hương. Nếu ông không cần gì thêm thì tôi...,tôi mong ông cảm phiền, tôi không tiếp chuyện ông lâu hơn được.
Không đợi Minh đáp ứng, Thúy Vi đã bỏ đi nơi khác, Minh bực bội với ý nghĩ người thiếu nữ hiểu lầm mình có ý chọc ghẹo, chàng trở nên cau có, trong suốt đọan đường còn lại, Minh không nói chuyện nhiều với cụ già và cũng không nhìn Thúy Vi, dù cô xuất hiện nhiều lần. Chàng vờ như đang chăm chú đọc sách, không nhìn và cũng không nghe Thúy Vi nói.
                                  
Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, mọi người dù đang mệt mỏi vì cuộc hành trình dài, nhưng cũng hớn hở vui mừng vì sắp gặp được người thân.
Nhìn qua khung cửa nhỏ, Minh nhìn thấy phần đất quê hương thân thương đang trải dài trước mắt, nơi chàng sinh trưởng, chất chứa bao kỷ niệm của thời thơ ấu mà chàng đã xa lìa trong suốt 20 năm qua. Trong phút chốc, Minh đã quên hết những  mệt nhọc. Chàng vói tay lấy chiếc cặp táp rồi vội vã tiến ra cửa máy bay. Các cô tiếp viên đứng nơi cửa để chào hành khách. Vẫn với nụ cười xinh tươi trên môi,  Thúy Vi nói với Minh:
- Chào ông, chúc ông có những ngày vui và ... tìm được người quen.
Minh lạnh lùng đáp lại:
- Cảm ơn cô, Chào cô.
Anh chị Hai đã đứng sẵn nơi cổng đợi, chàng chưa kịp nhận ra anh chị thì hai người đã nhìn thấy Minh, họ chạy lại. Anh Hai mừng rỡ ôm chầm lấy Minh, vỗ vai chàng, giọng cảm động nói:
- Em vẫn đẹp trai như dạo nào, gặp lại em anh mừng quá. Đã hai chục năm anh em mình xa nhau rồi còn gì !
Xiết chặt tay Minh Anh Hai nói tiếp:
- Anh cứ lo mãi, không biết ngày nào anh em mình mới được gặp nhau. Kỳ trước, con Lan về, không có em đi theo, anh rầu ghê dù anh biết lúc đó không thuận tiện cho em.
Nhìn anh chị, Minh cảm thấy xót xa, hai người thay đổi nhiều quá.  Người anh to lớn, vạm vỡ, quắc thước năm nào, nay đã già và gầy. Chị Hai tuy có già hơn trước, vầng trán và khóe mắt có nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp thùy mị. Chị nhỏ nhẹ nói:
- Chú về thăm nhà, anh chị mừng lắm, anh Hai đã chuẩn bị mọi thứ cả tháng trước để chờ chú về.  Có ba anh em mà mỗi người một phương, nghĩ cũng buồn.
Minh hỏi thăm về hai người con của anh chị.  Qua thư anh Hai, Minh được biết cả hai cháu, con Thanh, thằng Bạch đều lập gia đình, có con và đã ra riêng.  Anh Hai khoe:
- Con gái con Thanh giống má nó lắm Minh à. Hồi đó con Thanh lấy chồng sớm qúa, làm anh chị lo xốn xao, nhưng rồi mọi chuyện cũng xong. Cũng nhờ tụi em bên đó giúp đỡ, nếu không vợ chồng nó cũng khó sống.
Nghe Minh thắc mắc tại sao Thanh không học hành đến nơi đến chốn rồi hãy lập gia đình, Anh Hai chặc lưỡi rồi chậm rãi nói:
- Tuổi trẻ bên này kết hôn sớm lắm, có đâu như em, bốn mươi sáu tuổi rồi còn gì ! Lấy vợ đi Minh ơi, kén chọn quá coi chừng ở giá suốt đời đó em à. Thôi mình lên xe về nhà rồi sẽ tính.  Hôm nay em ở nhà nghỉ cho khỏe, chị Hai có nấu nhiều món em thích. Ngày mai các cháu xin nghỉ làm ở nhà đưa em đi chơi.
Mở cửa xe định bước vào, bỗng Minh thấy thấp thoáng những tà áo dài xanh. Minh ngoảnh mặt nhìn lại, trong thoáng chốc chàng ước mong tìm lại được người  nữ tiếp viên, nhưng những người thiếu nữ kia không phải là Thúy Vi. Minh chợt thấy lòng bâng khuâng, một nỗi buồn vu vơ len nhẹ vào hồn.
 
Bốn ngày trôi qua thật nhanh trong niềm vui đoàn tụ, anh Hai đưa Minh đi viếng mộ phần của Ba Mẹ chàng, và đi thăm bà con thân quyến. Các cháu đưa chàng thăm vòng quanh Sài Gòn. Phong cảnh, tên đường, trừơng học, nhà cửa.. ., tất cả đều thay đổi. Bạn bè đã ‘’đi’’ hết!  Đôi khi Minh cảm thấy lạc lõng trên quê hương mình!  Nhưng lòng hiếu khách và sự thân thiện của đồng bào đã làm chàng nhanh chóng tìm được cảm giác thân thuộc.  Minh đến thăm trường Gia Long, nay đổi thành trường Nguyễn Thị Minh Khai. Đứng trước ngôi trường mà ngày xưa chị Lan và bạn thân của chị, chị Nhi, đã dạy học nhiều năm. Nhắc đến chị Nhi, Minh chợt nhớ đến gói qùa mà chị Lan gữi tặng chị Nhi vẫn còn nằm trong đáy va li của chàng. Minh hỏi thăm anh Hai đường đến nhà của chị Nhi, tên đường bây giờ không còn là Công Lý  mà đã đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Minh thấy lòng bùi ngùi nhớ về kỷ niệm. Tiếng hát của Huyền Châu với bản nhạc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Nguyễn Đình Toàn từ tiềm thức  chợt vọng về:
Saì Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên. Như giòng sông nước cuộn quanh nguồn. Như người đi cách mặt xa lòng. Ta nhủ thầm em có nhớ không ? Sài gòn ơi, trong những ngày khi thành phố xôn xao. Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào. Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu. Nay còn gì đâu! Ai ra đi nhớ hàng me già. Thu công viên hoa vàng tượng đá. Thôi hết rồi mộng ước phôi pha, theo giòng đời qua.
Sài gòn ơi, con đường cũ em đi. Sân trường xưa áo lụa hoa vàng , mưa chiều rơi cuối hành lang buồn, bên giảng đường em có lắng nghe ?  Sài gòn ơi, con đường ướt mưa đêm.  Ta dìu nhau dưới trờ mưa buồn , con tàu xưa đã bỏ đất liền.  Ôi, còn gì đâu !
Saì Gòn ơi, ta mất rồi những ngày tháng yên vui, mất trường xưa mất tuổi thiên thần.  Hy vọng xa, hay mộng ước gần.  Ôi, còn gì đâu ! 
Ai ra đi nhớ hoài câu thề.  Nơi quê hương, muôn người chờ ngóng.  Ta tiếc thời âu yếm xa xưa.  Thôi rồi tình ơi ! ... Sài Gòn ơi!
 
Nhớ ngày còn ở quê nhà, mỗi lần trường Gia Long có bích báo, hai bà chị, Nhi, Lan thường nhờ Minh phụ giúp các cô bé trang hòang tờ báo.  Nhờ đó mà Minh có dịp làm quen với nhiều cô học trò xinh xắn, đó cũng là ý định của hai bà chị.  Nhưng rồi chuyện cũng chẳng đi đến đâu!  Chị Lan than thở:  ‘’Thằng Minh tướng mạo cũng không đến đổi bết bát, vậy mà vô duyên tệ; chẳng thấy giai nhân nào chiếu cố’’.  Minh tìm cách bào chửa:  ‘’  Đám nữ sinh Gia Long, học trò của chị dữ như bà chằng, ăn hàng không ráo mép, em dại gì nhào dzô để lãnh đủ?
Hai chị chỉ nhìn nhau cười lắc đầu, ngán ngẩm cho cậu em ‘’vô duyên’’.
Đến đựơc nhà chị Nhi thì trời đã xế bóng,  sau khi nghe Minh tự giới thiệu, chị khựng lại vài giây rồi mừng rỡ nói:
- Trời đất!  Em đó hả Minh?  Em trẻ trung quá làm chị nhìn không ra.   Chị Lan có e-mail cho chị biết em sắp về thăm nhà, nhưng không cho biết ngày.  Chèng ơi !  Trời nóng hừng hực chắc em chịu không nỗi hả?
Thấy Minh mồ hôi thấm ướt lưng áo, chị hối hả chạy lại bật công tắc cho chiếc quạt trần làm việc, chị vồn vã tiếp:
- Ngồi nghỉ đi Minh, chị mở thêm chiếc quạt bàn nữa cho mát.  Để chị làm cho em ly đá chanh nghe.  Chiều nay em phải ở lại dùng bữa với anh chị.  Anh Dân cũng sắp đi làm về tới rồi.  Còn chị Lan với ông xã hồi nầy ra sao?  Bữa hổm chị Lan gửi tấm hình gia đình tặng chị.  ‘’Bả’’ nhìn còn trẻ ghê vậy đó Minh.
Chị Nhi hỏi han đủ điều, chuyện bên Mỹ, chuyện chị Lan, chuyện Minh. 
Chị đưa cho Minh xem quyển album cũ, rồi ngồi bên cạnh, vừa lặt rau vừa giải thích:  ‘’ Đó em coi, hình bọn chị, Thúy  Nhi và Ngọc Lan thời xa xưa đó em, đẹp ghê hả Minh?  Minh mở to mắt nhìn tấm ảnh.  Thúy Nhi! Thúy Vi! cái tên nghe quen quen của cô tiếp viên!  Tấm hình chị Thúy Nhi !  Ừ, ...  đúng rồi, chị Thúy Nhi có con gái tên Thúy Vi.  Con bé Vi hay đi theo mẹ đến chơi nhà Minh, vẫn thường vòi chàng mua cà rem cho ăn!   Cô tiếp viên hàng không tên Thúy Vi!  Đúng rồi..., thảo nào cô ấy nhìn quen thuộc.  Thúy Vi lớn lên giống y như chị Thúy Nhi ngày xưa.  Minh ngần ngại hỏi:
- Còn Thúy Vi và cậu em trai bây giờ ra sao chị?
- Thằng Dũng vượt biển năm 80, đang ở bên Úc, có vợ, con rồi đó Minh.  Nó muốn rước anh chị và con Vi qua Úc, nhưng anh Dân và con Vi không chịu đi.  Chị đâu có đi một mình được!  Hai cha-con con Vi ngang bướng, can hết nổi Minh ơii.  Con Vi đang làm tiếp viên hàng không đường bay quốc ngoại đó em.  Con nhỏ cũng cao số, 28 tuổi rồi mà nơi nào hỏi cũng lắc đầu lia liạ.  Chị cũng phát rầu!
Chị Nhi chỉ tấm hình Thúy Vi hồi còn nhỏ, vừa cười vừa nói: 
- Nè, tấm hình này chụp trước cửa nhà em nè.  Lúc đó nó khoảng 5, 6 tuổi gì đó.  Ừa đúng rồi!  Ngày mai Vi được nghỉ, vậy là chút xiú nó về tới, em ở lại chơi trễ một chút, hổng chừng gặp nó.  Chà, chú cháu lâu ngày gặp nhau chắc nhận hổng ra.
Minh định kể cho chị Nhi nghe chuyện chàng đã gặp Vi và ‘’chú cháu đã không nhận ra nhau,’’  nhưng chàng ngần ngại mãi rồi lại thôi.  Trong  lúc chị Nhi nấu cơm dưới bếp, Minh lật coi những tấm hình còn lại trong quyển album.  Cuộn phim dĩ vãng được chiếu lại trong tâm trí Minh:  Hôm ấy, một buổi chiều hè oi ả, hai chị Lan, Nhi ra phố mua sắm, để bé Vi ở nhà, nhờ ‘’bà ngoại’’ (má của Minh) coi chừng giùm.  Minh nghỉ phép về thăm nhà, đang lên giây chiếc đàn guitar bỗng chàng nghe tiếng khóc thét của Vi ở ngoài sân.  Chạy vội ra, Minh đã thấy Vi đang lồm cồm ngồi dậy, lòng bàn tay bị cắt một đường dài, máu rịn đỏ ướt cả bàn tay.  Thì ra Vi trèo lên cây trứng cá để hái trái và bị té.
                                  
Thấy có chú Minh, Vi mếu máo khóc lớn hơn.  Minh bồng Vi vào nhà.  ‘’Bà Ngoại’’ rửa mặt cho Vi, Minh băng bó vết thương, Vi vẫn khóc thút thít.  Minh leo lên cây hái cho Vi một tô đầy trái trứng cá.  Bé Vi vừa ăn trứng cá, vừa nghe chú Minh đàn và ngủ quên lúc nào không hay.  ‘’Bé Vi bây giờđã trưởng thành, và chú Minh bây giờ cũng đã già!’’  Ý tưởng làm Minh cảm thấy vui vui.  Dân cũng vừa đi làm về đến nhà, chị Nhi nhanh nhẩu giới thiệu:
’’ Chú Minh Hải Quân, em trai của Quỳnh Lan từ Mỹ mới về thăm nhà đó anh.  Anh còn nhớ chú Minh chứ?  Gần năm mươi rồi mà trông còn trẻ măng hà, anh xem có cô em họ nào làm mai cho chú ấy anh.  Ừa, để em biểu con Vi, nó có cả tá bạn gái độc thân, xem đứa nào đàng hoàng thì giới thiệu cho chú.
Minh biết ông Dân từ thưở thiếu thời, lúc nào ông cũng vui vẻ và cởi mở.   Gặp lại Minh, ông tươi cười, vỗ vai Minh ông nói: 
‘’Bà nhà tôi lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng thích làm bà mai.  Chuyện vợ chồng mà bả cứ làm như bài tóan, 1 cộng 1 là 2, phải có duyên số, phải không chú ?... Chú về có đi thăm nơi nào chưa? Nếu không, tôi xin nghỉ vài ba bữa đưa chú đi thăm đó đây.’’  Ông Dân kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra từ ngày chàng xa quê hương, về hiện tình đất nước.  Ông luôn luôn nhìn mọi vấn đề bằng tấm lòng bao dung độ lượng.  Ông mong sao cho quê hương được tự do, thanh bình, cho ngườI dân có một mức sống khả quan hơn, nhất là cho giớI trẻ có cơ hội học hỏi những tiến bộ của nhân loại.    Càng nói chuyện, Minh càng thấy quí mến ông.
Bữa cơm được chị Nhi dọn lên bàn.  Món ăn tuy đơn sơ nhưng chị Nhi khéo bày biện nên trông thịnh sọan, thơm ngon.  Ba người vừa ngồi vào bàn thì Vi cũng về đến.  Thấy có khách lạ, nàng khựng lại, ngạc nhiên nhìn Minh, Vi nói: 
- Ông..., ông là người đàn ông...
Vi chưa kịp hết lời, chị Nhi đã lên tiếng:
- Ông gì!  Chú Minh đó!  Chú Minh em bác Lan, thường mua cà rem cho con ăn lúc  con còn nhỏ, nhớ không?
- Ơ... Chú Minh, Chú Minh!  Vi nhớ ra rồi, nhưng sao Vi không nhận ra chú ?
Ông Dân đỡ lời:
- Chú Minh rời Việt Nam đã 20 năm rồi, lúc đó con mới sáu, bảy tuổi thì làm sao nhớ được. Thôi lên thay đồ rồi xuống ăn cơm con.
Từ lúc trông thấy Thúy Vi bước vào nhà, mặc dù cố trấn tĩnh, nhưng Minh
vẫn hồi hộp, tim đập nhanh.  Chàng vui mừng vì gặp lại Thúy Vi, nhưng cũng cảm thấy ái ngại, không biết nói gì với cô cháu.  Vi dợm bước lên lầu, nhưng nàng quay lại nói nhỏ :
- Cháu thực có lỗi với chú.
- Không, Thúy Vi, chú mới là người có lỗi.
Chị Nhi mở to mắt, nhìn Vi rồi nhìn Minh, chị lắc đầu nói:
- Chú cháu bay nói gì chị không hiểu, vừa gặp nhau đã lỗi phải lung tung.  Ngồi vào bàn ăn, Vi kể lại câu chuyện trêm chuyến bay.  Nàng kết luận:
‘’Sau khi người đàn ông đi rồi, con mới cảm thấy mình có cử chỉ khiếm nhã đối với ông ấy, và mong gặp lại ông ta để xin lỗi, nhưng không ngờ ông ấy lại là chú Minh.’’  Chị Nhi được dịp chọc ghẹo con gái:  ‘’ Cho bỏ tánh khó ưa, con gái gì mà khó đăm đăm.’’
Minh đã ăn một bữa cơm thật ngon trong không khí gia đình đầm ấm.
                                   
 
 Tô canh rau ngót nấu với tôm khô sao ngọt ngào.  Miếng đậu hũ chiên sốt cà chua ông Dân tiếp, Minh ăn ngon lành.  Nhất là miếng trứng chiên cháu Vi mời chú sao ngon chi lạ, đậm đà hơn cả cao lương mỹ vị ở nhà hàng.  Sau bữa ăn, Minh ngồi nói chuyện thêm một lúc rồi kiếu từ vì chàng ngại và cũng sợ anh chị Hai ở nhà mong.
Chị Nhi hỏi Minh còn ở lại Việt Nam bao lâu, chị có Ỷ định mời anh chị Hai và Minh Đến dùng cơm khách.  Vì hôm nay Minh đến bất ngờ nên chỉ có bữa cơm gia đình.  Minh cho chị Nhi biết ba ngày nữa chàng phải trở về nước Mỹ, và hứa sẽ trở lại thăm anh chị và Thúy Vi trước khi trở về Mỹ.  Tiễn Minh ra trước cửa, Thúy Vi chợt có Ỷ kiến:
- Chú Minh à, Vi được nghỉ hai ngày, Vi tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa chú Minh đi du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh, những nơi mà chú chưa được tới.  Coi như là cháu tạ lỗi với chú vậy.  Chẳng biết chú có chịu không?
Trước đề nghị quá bất ngờ của Vi,  Minh vừa sung sướng vừa lúng túng,
không biết trả lời sao cho phải, chàng ngượng ngập:
- Cảm ơn Vi, nếu anh chị cho phép thì chú xin làm phiền Vi.
 Quay  lại ôngbà Dân, chàng tiếp:
- Hay anh chị cùng đi chơi cho vui ? 
Ông Dân lắc đầu, xua tay cười, ông nói:
- Thôi thôi, đi chơi với  Vi anh chị không ham, nó thích cảnh đồng quê lội ruộng, lội mương, anh chị già rồi theo sao nổi.
Vi cười vẻ tinh nghịch nàng nói:
- Ba má biết ý Vi, Vi muốn mời chú đến thăm quê ngọai của Vi ở Mỹ Tho.  cảnh ở đó đẹp và thơ mộng, người dân hiền lành, chân chất, Vi thích lắm.  Mỗi lần có dịp nghỉ phép Vi đều rủ mấy cô bạn xuống đó chơi.  Các dì, dượng của Vi rất hiếu khách, chú đừng ngại.
Chị Nhi gật gù tán đồng:
- Con Vi có Ỷ kiến hay à Minh, đồng quê bây giờ thay đổi nhiều, em về chơi cho biết.  Bây giờ là mùa trái cây, em xuống đó ăn xoài chín cây, thanh long, măng cụt, sầu riêng, ... Ôi đủ thứ trái cây, thấy bắt mê luôn.  Bên Mỹ chắc hổng có hả Minh?  Khi về nhớ xách theo mấy trái mít Tố Nữ biếu anh chị Hai nghe.
 
                          
Minh cảm động khi thấy ông bà Dân vẫn qúy mến chàng như thuở xưa.  Nhất là cô cháu Thúy Vi, trên khuôn mặt hiền lành, thông minh phảng phất một chút tinh nghịch dễ mến.  Trước khi Minh bước ra cửa, Vi nhắc:
- Tám giờ sáng mai nghe chú Minh.  Vi sẽ đến nhà bác Hai đón chú.  Chú nhớ mang theo vài bộ đồ, trước cửa nhà dì Bảy có nhánh sông nhỏ bắt nguồn từ sông Cửu Long.  Dượng Bảy thế nào cũng bắt chú lội đua.
- Chú sẽ đợi Vi!
Minh ra về, lòng lâng lâng một niềm vui.
Đúng tám giờ sáng, Vi lái chiếc xe Honda Dame đến.  Cô cháu Vi tha thướt trong tà áo dài hôm qua đã thay bằng một Thúy Vi rất thể thao với chiếc áo thung trắng ngắn tay và quần jean Levis.  Minh cũng đã chuẩn bị xong và đang đợi Vi. Vừa thấy Vi, Minh đã reo:
- Chà, nếu ở đây có sân tennis chú sẽ mời Vi ra sân chơi với chú.
- Có chứ chú Minh, Vi cũng biết chơi tennis nữa, chỉ không khá thôi.  Để Vi vào chào bác Hai rồi mình đi cho sớm.
 
Vi để Minh lái xe, Vi còn nhớ ngày xưa ‘’chú Minh vẫn lái xe Vespa’’ mà.  Chiếc xe chạy nhanh trên còn đường ngọai ô, gió mát lồng lộng, cháu Vi chú Minh trao đổi những mẫu chuyện thời sự, văn học, nghệ thuật... Hai chú cháu đều cảm thấy họ có nhiều điểm tương đồng nhất là trên lãnh vực thể thao và văn hóa, họ cùng yêu thích lọai nhạc êm dịu và giọng hát của một số ca sĩ thời xưa.  Khi đến Mỹ Tho thì mặt trời đã đứng bóng.  Vi đưa Minh vào chợ ăn hủ tiếu thím Ba Lừa.  Đúng như lời quảng cáo: ’’ Hủ tiếu ở quán nầy ngon nổi tiếng, bảo đảm khi về Mỹ chú Minh sẽ tương tư tô hủ tiếu,’’ Minh ăn rất ngon, chàng liên tưởng đến những ngày còn trong quân ngũ cùng bạn bè đi ăn ở những hàng quán dọc bờ sông tiếp giáp con đường Trưng Trắc  mỗi khi tàu cập bến.  Vi đưa Minh đi thăm những nơi mà khi xưa chàng đã có lần đi qua, nhưng sao hôm nay mọi chỗ đều đẹp và hữu tình.  Vườn hoa Lạc Hồng có cây gừa cổ thụ với những chùm rễ mọc trên cành đong đưa rũ xuống mặt đất.  Hàng thùy dương thẳng tắp, rũ bóng bên đường.  Ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu thâm nghiêm cổ kính, cũng là trường trung học đầu tiên vùng châu thổ sông Cửu Long, hiện hữu từ năm 1879, trường xây theo kiểu La Mã; mặt tiền quay về phía đại lộ Hùng Vương.  Đối diện là trường nữ trung học Lê Ngọc Hân với lối kiến trúc tân kỳ, có hàng rào sắt kiên cố, kín đáo bao quanh.  Chùa Vĩnh Tràng thuộc xã Mỹ Phong, được xây cất từ năm 1849, mô phỏng theo đền Angkor Wat của Kampuchia, và kiến trúc Âu Châu.

                                               


Chùa có hai cổng tả và hữu để ra vào, cổng xây bằng xi măng cẩn sứ tráng men trắng xanh rất mỹ thuật.  Kế bên hông chùa là hàng mộ tháp, xây bằng đá hoa cương, chạm trổ công phu.  Thỉnh thoảng tiếng chuông ngân vang, hòa điệu cùng tiếng gió rì rào qua mấy hàng cây xanh lau lách làm Minh cảm thấy tâm hồn lâng lâng thoát tục.  Trời đã tắt nắng khi Minh và Vi về đến nhà dì Bảy ở Tân Mỹ Chánh.  Mọi người chạy ra mừng rỡ vì sự viếng thăm bất ngờ.   Họ lầm tưởng Minh là bạn của Vi, nhưng Vi đã vội giới thiệu:  ‘’ Chú Minh’’  ở Mỹ mới về.  Dì Bảy hối con gái ra vườn hái bông sua đũa để dì nấu canh cho Vi ăn.  Dì nói dì sẽ làm cá bông lau kho tộ bỏ tép mỡ cho Minh thưởng thức món ăn ‘’quốc hồn quốc túy’’ này.   Dượng Bảy kêu thêm dì, dượng Năm sang làm mấy con cá lóc nướng trui trộn gỏi rau răm củ cải để bắt chú Minh nhậu say ‘’ngoắc cần câu’’.  Bản tánh người miệt vườn hiếu khách, thật thà, chất phát làm Minh có cảm tưởng như mình là người trong gia đình.  Bên ly rựu đế, họ vừa ăn, vừa trò chuyện đến gần hai giờ sáng.  Dì Bảy bưng cho Vi chén chè bắp, nước dừa thơm mùi lá dứa còn nóng hổi.  Dì cẩn thận dọn mùng, đốt muỗi cho Minh ngủ.  Riêng dì và Vi ngủ bên chiếc phản cạnh bồ lúa.  Dì bảo Minh:  ‘’Chúng tôi coi chú như người trong gia đình, chú đừng có ngại.’’  Lời nói chân tình làm Minh thật cảm động.
Sáng hôm sau, Minh, Vi và bốn đứa cháu:  Con Sơn, con Phấn, thằng Tô, thằng Điểm và Minh ra vườn hái trái cây.  Minh và hai cháu trai trèo lên cây hái xoài, ổi, nhãn ..., ném xuống cho Vi và hai cháu gái. Vi đưa tay phải lên cao cho Minh thấy, nàng đùa: 
- Vi thích leo cây hái trái, nhưng Vi sợ té chú Minh sẽ giận và không băng bó cho Vi nữa.  Chú thấy vết thẹo trên tay Vi không?
 
Dưới ánh nắng ban mai, những trái xoài trĩu nặng, chín vàng óng ánh, hương gió thoảng đưa, Minh hít đầy lồng ngực không khí trong lành, hương thơm đồng nội.  Từ trên ngọn cây nhìn xuống, Minh thầm nghĩ:  Vi nhìn thật kiều diễm,  nhưng  đồng thời chàng cũng cảm thấy hổ thẹn vì ý nghĩ  thiếu đứng đắn của mình.  Chàng hờ hững trả lời:  ‘’ Vi lớn rồi, đâu còn bé như ngày xưa mà đòi leo trèo.  Lỡ té, chú không lo cho đâu !
Nghe Minh nói, Vi thất vọng, mắt buồn xa vắng.  Minh tự giận mình sao quá vụng về, nhưng rồi lại hài lòng vì đã có can đảm nói điều đúng với lương tâm.  Hai rổ đã đầy trái cây, bốn đứa trẻ khiêng vào nhà.  Minh cũng tuột xuống khỏi cây ổi, trao cho Vi trái ổi chàng nói:
- Đặc biệt cho Vi đó.
Vi nhận ổi, vẫn giữ thái độ im lặng, nàng ngồi xuống gốc cây.  Minh ái ngại ngồi xuống gốc ổi đối diện.  Bỗng Vi hỏi:
- Chú Minh đã có người yêu chưa?
- Chưa, chú chưa tìm được đối tượng.
- Chú nói thật?
- Nói thật.  Còn Vi?
- Chưa, Vi vẫn chưa tìm được đối tuợng.
- Vi nói thật?
- Vi nói thật.  Vi sẽ không bao giờ nói dối với chú.  Có lần Vi tưởng đã tìm được ý trung nhân, nhưng đó chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ.  Bạn bè bảo: Vi khó tánh, Vi già trước tuổi, Vi mơ mộng hoá.  Riêng Vi, Vi chẳng thà thờ chủ nghĩa độc thân còn hơn lấy người không đồng cung điệu.  Quan niệm hôn nhân của Vi khác với bạn bè.  Với Vi, Vi chỉ lập gia đình khi Vi tìm được đúng đối tượng để Vi suốt đời thương yêu, phục tùng.
Những lời tâm sự của Vi, Minh nghe sao quen thuộc mặc dù đây là lần đầu
Vi tâm sự với Minh.  ‘’Phải chăng đây là dấu hiệu của hai tâm hồn đồng điệu?’’ Minh nghĩ và cảm thấy tội lỗi với chính mình, chàng đáp:
- Chú mong Vi tìm được người chồng lý tưởng.  Người ấy sẽ là người đàn ông diễm phúc nhất trần gian
- Cảm ơn chú, Vi chỉ mong mang hạnh phúc đến cho người chia sẻ cuộc đời với Vi.  Đơn giản qúa phải không chú?  Nhưng sao ..., mà thôi, bây giờ Vi muốn chú Minh nói cho Vi biết mẫu người lý tưởng của chú.  Người ấy chắc hẳn phải rất hòan hảo?
- Chính chú cũng không biết thì làm sao diễn tả cho Vi biết, hình như chú chỉ mong tìm được người có cùng quan điểm với chú, không nhất thiết trên mọi chiều hướng, nhưng ít nhất cũng tương ứng trong cuộc sống. Nhưng ...
- Nhưng không đơn giản như chú nghĩ phải không?
- Đúng đó Vi, hồi còn trẻ chú có kết thân với một thiếu nữ ngườ Mỹ, học cùng trường Uconn tên Lisa, Lisa học về nursing.  Sau một một thời gian khá dài, chú mới biết chú đã lạc hướng, chú đã cố gắng tìm một tâm hồn á đông trong người con gái tây phương, văn hoá tập tục hoàn toàn dị biệt.  Sau này chú cũng quen  một thiếu nữ Việt Nam làm cùng sở, cô ấy hiền, dễ mến.  Nhưng chú chỉ coi cô ấy như người em gái, hay người bạn đồng hương thì đúng hơn.  Sau hơn hai năm làm chung cô ấy xin đổi đi tiểu bang khác và đã lập gia đình.  Chú vẫn chưa tìm được người bạn lý tưởng!
Thấy đã nói nhiều về mình và cũng ngạc nhiên sao hôm nay mình lại tâm sự về chính bản thân một cách dễ dàng, Minh cười khỏa lấp.  Vi có vẻ buồn, mắt nhìn xa xôi, thở nhẹ Vi nói:
- Vi không thích tin vào định mệnh, nhưng Vi tin có Thượng Đế và ngài an bài cho mỗi người một số phần.  Vi mong ngài an bài cho chú một người bạn đời như ý.
- Chú cũng mong Vi tìm được đức lang quân thật xứng đáng, đám cưới đừng quên mời chú nghe.
 
Trong lúc Minh và Vi đi thăm ruộng cấy lúa ba trăng với dượng Bảy, dì Bảy đã chuẩn bị hai giỏ xách đầy trái cây, những chùm mận Hồng Đào đỏ au, những trái xoài cát chín vàng, mít Tố Nữ, nhãn hạt tiêu ... , để Minh và Vi mang về Sài Gòn làm qùa.  Dì, dượng Năm cũng muốn lấy đò máy chở Vi và Minh xuống Gò Công thăm bà con bên dượng, nhưng Vi từ chối, nàng ngỏ ý  muốn về sớm vì Minh phải chuẩn bị trở về Mỹ hôm sau.  Trên đường về họ ghé lại quán cơm bình dân gần Bến Lức, nơi này Vi và các bạn đã ghé nhiều lần.  Vi quảng cáo quán này có cơm sườn nướng rất ngon, đặc biệt nhất là những món cá:  Canh chua cá bông lau, cá trê vàng chiên dòn dầm nước mắm gừng, cá bống dừa kho tộ.  Chủ quán đon đả mời: ‘’Chào thầy cô, thầy cô uống nước dừa tươi nghe?  Dừa mới hái, cùi non, ngọt như đường cát hà.’’  Cả Minh và Vi đều không đính chính sự hiểu lầm của bà chủ quán.  Vi tự động gọi món ăn, nàng săn sóc cho Minh từng chút.  Minh cảm động trước sự ân cần của Vi, chàng ăn từng miếng thật chậm như tận hưởng những hạnh phúc Vi mang đến, chàng thầm ước có được người vợ như Vi.  ‘’Nàng không những thông minh, nhạy cảm, nàng còn đảm đang khéo léo,’’   Ỷ nghĩ thoáng qua trong trí làm Minh đỏ mặt và tự trách mình ích kỷ, ‘’Vi chỉ là cô cháu nhỏ, mình phải là ông chú đứng đắn.’’  Minh tự nhủ.  Như đọc được Ỷ của Minh, Vi cười tinh nghịch, nàng hỏi:
- Chú đang nghĩ gì đó?
- Ngày mai chú trở về Mỹ.
- Vi cũng đang nghĩ đến điều đó.  Phải chi chú đừng đến thăm ba má thì Vi đã quên chú rồi.  Thở dài Vi nói tiếp:
- Ngày mai chú trở về Mỹ, Vi sẽ mất công nhớ chú.  Còn chú?  Chú ... chú có nhớ Vi không?
- Đang ngồi ở đây với Vi mà chú đã bắt đầu nhớ Vi rồi!  Chú đã sống hai ngày ở đồng quê thật hạnh phúc, thật trọn vẹn.  Chú sẽ nhớ từng giây từng phút
những ngày vừa qua.  Chợt nhớ lại vai trò của mình, Minh vội chữa:  Chú muốn nói, chú vẫn qúy mến Vi như cô cháu nhỏ này nào.
  Từ chiếc cassette ở góc phòng, giọng người ca sĩ âm vang tiếng hát ngọt ngào:
            ‘’...Tình đẹp tựa mùa thu vàng.
            Tình mình nhiều mộng ước miên man.
            Tình là một chuyện huy hoàng.
            Tình mình là thành nhớ hoang mang. ...’’(2)
             Vi cúi mặt không đáp, tiếng thở dài của Vi làm Minh thấy lòng se thắt.
                                                                        o0o
 
Tiễn Minh ra phi trường trở về Mỹ có đủ  mặt người thân, anh chị Hai, ông bà Dân, các cháu của Minh.  Nhưng sao không thấy Thúy Vi!  Minh gượng cười để anh chị Hai không bận lòng.  Ôm vai Minh, nước mắt rưng rưng, ông Hai nhắn nhủ:
- Anh chị không qua bển thăm em được, em cố gắng về thăm anh chị thường hơn.  Nhớ kêu cả Quỳnh Lan nữa.  Gặp em kỳ này anh cũng thỏa lòng mong nhớ.  Về bển em coi lo chuyện gia thất cho xong.  Lớn tuổi rồi, có người kề cận sớm hôm trò chuyện cũng đỡ cô đơn Minh à.  Em có vợ rồi anh mới đỡ lo phần nào.
Minh nắm tay ông Hai hứa hẹn, chào từ giã mọi người rồi bước nhanh vào cổng.  Ngồi vào chiếc ghế trên chuyến bay Việt Nam - Tân Gia Ba, lòng Minh buồn vời vợi.  Chàng có cảm tưởng như vừa đánh mất một cái gì thật qúy báu.  Nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, Minh thấy có nhiều cánh tay vẫy từ giã, lòng âu sầu se thắt Minh ngả đầu vào thành ghế mắt nhắm hờ hững để hồn tìm về với những hình ảnh thân thương của những ngày vừa qua.  Nhưng lạ qúa, sao không phải là hình ảnh anh chị Hai hay những người thân khác mà lại là Thúy Vi, hình ảnh Vi đẹp diụ hiền in đậm nét trong trí Minh.  Bỗng Minh có cảm giác như có người đang đứng cạnh, chàng mở choàng mắt và thấy Vi đang nhìn mình, miệng tủm tỉm cười.  Minh mừng rỡ kêu:
                                   
- Thúy Vi!  Vi cũng bay chuyến này?
- Vi đổi với người bạn để được bay với chú.  Vi quên cho chú địa chỉ e-mail của Vi.  Chú viết địa chỉ e-mail của chú vào quyển sổ tay nhỏ này, chút xíu Vi trở lại lấy.
Vi đưa cho Minh quyển sổ tay bìa tím, nhỏ bằng nửa bàn tay rồi nhẹ nhàng bước nhanh về phía phòng máy.  Trong quyển sổ tay có kẹp tấm hình Minh chụp cho Vi trước cửa nhà Minh lúc Vi còn nhỏ.  ‘’Tấm hình trong quyển album! ‘’  Minh lẩm bẩm.  Đằng sau tấm hình có dòng chữ rất đẹp viết bằng mực tím:  ‘’Thân tặng chú Minh hình cháu Vi.  Nhớ viết điện thơ cho cháu theo địa chỉ ở dưới ...’’  Những tia nắng chiếu nghiêng qua khung cửa sổ tự nhiên trở thành rực rỡ đáng yêu.
Vi trở lại với nhiệm vụ của nàng, lần này Minh có thể ngồi thoải mái để nghe Vi nói, giọng nàng thật ngọt ngào.  Tuy không nhìn Vi trân trối như lần trước, nhưng Minh không khỏi chiêm ngưỡng người thiếu nữ trẻ dễ yêu kia.  Khi tiếp thức ăn cho hành khách, Vi nán lại lâu hơn để nói chuyện với Minh.
Đường bay hầu như qúa ngắn đối với Minh, thoáng chốc đã đến Tân Gia Ba. Minh và Vi phải chia tay, mỗi người mỗi ngả. Vi trở về Việt Nam, Minh đổi qua chuyến bay chuyển tiếp để về Mỹ.  Chú cháu bịn rịn từ giã nhau.  Đường bay từ Tân Gia Ba về Mỹ sao dài như vô tận.  Minh miên man nghĩ đến những ngày vừa qua trên quê mẹ dấu yêu.
Về đến nhà đã gần 11 giờ đêm, Minh cảm thấy thoải mái hơn sau khi tắm và thay bộ đồ pajamas. 
                                   
 
Minh mở computer và vào internet định viết thư cho Vi.  Nhưng kìa, ‘’Vi gửi e-mail cho mình!’’  Minh vội vàng click vào khung chữ và thư của Vi hiện nhanh trên màn ảnh.
Chú Minh qúy mến.
Chuyến bay trở về, vắng chú sao buồn hiu.  Vi cứ nhìn vào hàng ghế chú ngồi mà lòng buồn vời vợi, đầu nhức nhối.  Hàng ghế không có ông chú ngồ ngộ tên Minh!  Người bạn đồng nghiệp thấy Vi đăm chiêu ít nói tưởng Vi bị bệnh nên cho viên thuốc Tylenol.  Mặc dù không bệnh Vi cũng uống thuốc với hy vọng thần kinh sẽ bớt căng thẳng và sẽ bớt nhức đầu.  Cơn nhức đầu theo Vi về đến nhà.  Bây giờ đang ở nhà, cháu đang viết thư cho chú và đầu đã bớt nhức.  Giờ này chắc chú còn đang bay trên khoảng không gian xa tít mù.  Chú ở nhà một mình chắc buồn ghê chú hả?  Vi sẽ viết thư thường cho chú, có thư Vi đọc chú sẽ bớt cô đơn.  Chú thích không?
Chú Minh!  Không biết tại sao Vi lại thích viết thư cho chú, lại thích nói chuyện với chú.  Ngồi đây viết thư này, Vi đã hỏi lòng những câu hỏi tương tự nhưng không tìm được câu trả lời chính xác.  Có lẽ đó là hành động và tư tưởng có liên quan đến tiềm thức.  Vi nhớ khi xưa, Vi thích theo má đến nhà dì Lan để được chú Minh bồng ra ngoài đường mua ‘’cà rem’’ cho ăn.  Bây giờ mỗi lần nhìn vào lòng bàn tay phải, thấy cái thẹo là Vi nhớ chú.  Ô kìa!  Chắc bụi rớt vào mắt làm Vi chảy nước mắt.  Hạt bụi làm Vi khóc chứ không phải Vi khóc vì nhớ chú đâu!
Thôi Vi không viết nữa.  Vi chúc chú ngủ ngon và đừng nằm mộng thấy tô hủ tiếu Mỹ Tho.
Kính mến,
Cháu Thúy Vi
Đọc nhiều lần bức điện thư của Vi, Minh thật cảm xúc, hồn vương vấn những tình cảm lạ lùng, hạnh phúc lan rộng trong hồn.  Chàng vui vẻ hát một khúc nhạc :
''Yêu nhau khi xuân tươi thắm
Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn
Yêu nhau trong muôn tia nắng
Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng ...'' (3)
Vừa hát Minh vừa viết thư cho Vi:   
 
Thúy Vi qúy mến,
Chuyến bay chuyển tiếp thật dài và buồn chán.  Chú mong sao sớm về đến nhà để viết thư cho Vi.  Lúc đó chú ước có cái laptop chú sẽ viết ngay cho Vi.  Về nhà, mở computer định viết cho Vi thì nhận được thư Vi, chú mừng qúa.  Đọc thư Vi chú đã quên hết tất cả mệt nhọc, buồn phiền.  Vi có biết là thư của Vi đã mang hạnh phúc đến cho chú, và cũng là những tia nắng nồng nàn, sưởi ấm cuộc đời đơn lạnh của chú không?  Chú nói rất thật, hòan toàn không tiểu thuyết hóa.  Vi tin không?  Vậy Vihãy cố gắng tiếp tục viết thư cho chú nhé.  Từ nay nếu không có thư Vi chú sẽ buồn lắm!
Chú nhớ có lần Vi bảo: ‘’Khi về Mỹ, chú sẽ tương tư tô hủ tiếu Mỹ Tho.’’  Viơi!  Chú Minh không những tương tư tô hủ tiếu mà còn nhung nhớ, luyến tiếc những ngày về thăm quê hương, nhất là hai ngày ở quê ngọai của Vi, những điều Vi tâm sự trong vườn xoài còn vang vọng trong tâm trí chú.  Chú cảm ơn Vi đã dành hai ngày làm hướng dẫn viên, hai ngày thật tuyệt vời!  Chú sẽ không bao giờ quên!  ‘’Cô bé Vi nhỏ xiú hay đòi chú ẵm nay đã là một thiếu nữ thông minh xinh đẹp!’’  Chú đã nhiều lần nghĩ như thế nhưng cùng lúc chú lại cảm thấy thật tội lỗi,vì chú không muốn trở thành người ích kỷ.  Chú phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là một người chú thật đúng nghĩa.  Phải không Vi?
Vi  ơi!  Tự nhiên chú cảm thấy thật đói bụng, ước gì có Vi ở đây, chắc chắn chú sẽ được thưởng thức một bữa cơm thât ngon.  Bây giờ đã gần hai giờ sáng rồi đó, chú không viết nữa đâu.  Hẹn Vi ngày mai, sau khi chú đi làm về nhé.  Nhớ không được khóc, chú chỉ thích nhìn chiếc răng khểnh của Vi mỗi khi Vi cười thôi.
Chúc Vi một ngày thật vui, và không bị ai nhận là ‘’người quen’’.
Qúy mến.
Chú Minh.
Mỗi ngày sau khi tan sở, Minh đều vội vã trở về nhà để đọc điện thư của Vi, mặc dù trong sở, Minh cũng có thể vào ‘’net’’ để đọc thư Vi, nhưng Minh chỉ muốn đọc thư Vi khi ở nhà, vì chàng có thì giờ thưởng thức từng lời văn nhẹ nhàng trong sáng của Vi.  Thói quen mới này đã trở thành một phần trong đời sống của Minh, và một ngày như mọi ngày, không thể thiếu sót!  Minh vui vẻ và yêu đời hơn trước, những người quen biết đều nhận ra điều này.
 
Thời gian âm thầm trôi qua, thấm thoát đã gần mười hai tháng Minh và Vi trao đổi tư tưởng, tình cảm qua những bức điện thư, có những bức thư chỉ kể những chuyện xảy ra trong ngày, nhưng Minh vẫn say sưa đọc, chàng in ra từng bức và đóng tập cẩn thận, và Vi cũng làm như thế.  Thỉnh thỏang vì bận  công tác, Vi hay Minh không viết được thì cả hai đều cảm thấy ngày ấy hạnh phúc  không tròn vẹn.
Đã một tuần Vi không viết cho MInh, Minh chờ đợi và vẫn viết cho Vi hàng ngày.  ''Có lẽ Vi bận công tác xa, hay Vi đang bị bệnh, hay computer của Vi bị trở ngại ...’,’ chàng viện đủ lý do để xoa dịu những nhớ nhung, những thất vọng đang chồng chất trong lòng.  Rồi hai tuần vắng thư Vi, Minh bắt đầu lo lắng.  ‘’Có lẽ Vi bị bệnh nặng,’’ Ỷ tưởng này làm Minh lo lắng đứng ngồi không yên.  Minh muốn nhờ chị Lan liên lạc với má Vi để biết tin tức về Vi, ngần ngại mãi Minh lại thôi vì sợ liên lụy đến Vi.   Tuần thứ ba trôi qua trong khắc khoải, lo âu.  Đã có lúc Minh nghĩ: ‘’Vi đã quên người chú già này mất rồi, hay Vi đã có người yêu nên không còn thì giờ viết thư cho ông chú lẩm cẩm?’. Ý nghĩ này làm Minh đau đớn đến lịm người.  Đến lúc này Minh không muốn tự dối lòng nữa, chàng biết chàng đã yêu Vi thắm thiết và chàng đang đau khổ vì ghen, vì nhớ thương Vi.  Từng tuổi này, đây là lần đầu tiên Minh mới biết đau khổ vì yêu và đây cũng là lần đầu tiên Minh thực sự  tha thiết yêu một người con gái.   Sang tuần thứ tư, Minh không viết cho Vi nữa, đọc lại những bức thư chàng viết trong những ngày vừa qua, từ những lo lắng cho Vi đã chuyển sang những lời trách cứ, giận hờn.  Minh tự cảm thấy hổ thẹn cùng lúc với nhớ nhung không nguôi.  Minh cố gắng kềm chế những tình cảm chàng dành cho VI, chàng tự nhủ: '' Vi còn qúa trẻ, nàng phải có một ngườI chồng thật xứng đáng để tạo dựng hạnh phúc gia đình.  Chàng phải yêu Vi vớI tấm lòng cao thượng và phải biết hy sinh ...''  Chàng vùi đầu vào công việc trong sở vớI hy vọng hình bóng Vi sẽ phai dần trong tâm tư.  Nhưng càng cố quên thì lại càng nhớ nhiều!  Đau khổ đến tột cùng, và Minh quyết định xin hai tuần nghỉ phép để về Việt Nam gặp Vi, mặc dù chàng đã hứa với Vi và anh chị Hai là chàng sẽ về Việt Nam ăn tết với họ năn nay.  Chàng cần được nhìn thấy Vi !  Chàng không thể chiụ đựng được sự im lặng gần như tàn nhẫn của Vi!
 
Chiều thứ sáu đi làm về, Minh không vội vã mở computer, dù trời đã sụp tối Minh lười biếng không mở đèn, cổ họng khô đắng.  Chàng nằm vật xuống giường buồn rầu, mắt mở to nhìn lên trần nhà suy nghĩ mông lung.  Đột nhiên Minh ngồi bật dậy, với tay nhấn nút mở computer.  Trước khi về Việt Nam, chàng muốn viết cho Vi một bức thư thật dài, bày tỏ cảm tình của chàng mà từ bấy lâu nay vẫn chôn kín trong lòng, vẫn bị kềm chế vì đạo lý.  Minh sẽ cho Vi biết: ‘’Chú Minh đã tha thiết yêu cô cháu Vi mất rồi ! ’'  Nhưng Minh chưa viết cho Vi thì lại nhận được thư Vi.  Tim đập nhanh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.  Minh hồi hộp đọc:
Chú Minh yêu qúi,
Đã hai mươi bảy ngày qua Vi phải cố gắng thật nhiều để không đọc thư chú và cũng không viết cho chú, đây là một hành động đầy thử thách và khổ đau, ngoài sự tưởng tượng của Vi,  vì khi cố quên thì lại nhớ nhiều!  Nhưng Vi phải làm như thế chú ạ.  Chắc chú đang thắc mắc hỏi:  ‘’Tại sao Vi phải làm như thế?’, và chắc chú cũng đang tưởng tượng ra những câu trả lời, như những ý  tưởng chú đã viết trong thư:  ‘’Chắc Vi đã quên chú? Chắc Vi đã có người yêu? ...’’ Ông chú đạo mạo, thâm trầm của Vi cũng ‘’trẻ con’’ ghê, lại kém thông minh và không nhậy cảm.  Tất cả những điều chú tưởng tưởng đều hoàn toàn sai, hoàn toàn trái ngược với sự thật.  Vi làm như thế là Vi muốn thử lại lòng Vi và muốn đo lường tình cảm của Chú đối với VI.  Chắc chú đang cườI và cho là Vi ''vụng về'', Vi '' khờ khạo'' ... Chú muốn cười  Vi thế nào cũng được, nhưng có một điều Vi biết rất rõ là Vi đã tìm được câu trả lời cho chính mình.
Chú Minh yêu qúi.  Vi muốn nói với chú, Vi đã biết yêu!  Vi đã tìm được đối tượng!  Và người ấy ... chính là ‘’Chú Minh’’, người chú mà cháu hằng kính mến. Vi đã thử lòng bằng cách không đọc thư Chú, chú có biết Vi đã đau khổ thế nào không?  Hôm qua đọc thư chú, Vi biết chú cũng khổ đau không kém.  Vi thực có lỗi  đã làm khổ chú, chú cho Vi xin lỗi,  Vi sẽ làm bất cứ điều gì chú muốn để chuộc lỗi, chú chiụ không?  Chú Minh của Vi,  thực ra Vi đã đọc được những tư tưởng thầm kín của chú ngay từ ngày đầu ở quê ngọai, con gái có giác quan thứ sáu rất nhậy bén. Riêng Vi cũng có cảm tình rất đặc biệt vớI chú.  Nhưng chú cũng như Vi, chúng ta đã tự kềm hãm tình cảm vì đại danh từ ''chú, cháu'' đã là hàng rào luôn lý ngăn cản chúng ta.  Nhưng chú Minh ạ, thực ra Vi và chú không có một liên hệ máu mủ với  nhau, vậy có lý gì chúng ta phải tự dối lòng, chúng ta phải trốn tránh.  ‘’Tình yêu’’ tự nó là một sự dâng hiến, tình nguyện, không bó buộc, không ranh giới.  Có chăng là những luật lệ do con người đặt ra!  Nếu bảo rằng giữa chú và Vi, chúng ta có cách biệt về tuổi tác, Vi không chấp nhận luận cứ này.  Trong những tháng qua, Vi đã thử và thấy lý luận về bất đồng tuổi tác không đúng với Vi.
Hồi còn ở trung học, Vi tìm được quyển tiểu thuyết ‘’Yêu’’ của Chu Tử, trong thùng sách của Ba. Vi đã đọc và lúc đó Vi phục nhân vật Diễm có bản lãnh, có lý trí; tác giả xây dựng nhân vật Đạt rất tài tình, Vi thích ngay bản chất rất đàn ông của Đạt, thời gian và tuổi tác đã không làm Đạt nhụt chí.  Nhưng ở thời điểm này, nếu Vi đọc lại tác phẩm ấy có lẽ Vi sẽ có một tư tưởng hoàn toàn khác về Diễm.  Chú có muốn biết theo Vi, Diễm phải hành động thế nào không?
 
Cũng trong thời gian này, Vi có nói cho Má biết tình cảm của Vi đối với chú, ban đầu má phản đối kịch liệt.  Má kể lại cho ba nghe và hỏi ý kiến ba, Chú cũng biết ba là mẫu người rộng lượng và dễ thông cảm, ba chỉ cười nói với má: ‘’Con tim có lý lẽ riêng của nó, lúc mình yêu nhau không ai cấm cản, sao mình lại khó khăn với con cái, vả lại Minh cũng là người đàn ông tốt, nó sẽ mang lại hạnh phúc chocon Vi. ...’’  Đó chú coi, ba binh chú ghê, nghe ba nói má có vẻ xiêu lòng.  Tối qua Vi vô tình nghe má hỏi ba:  ‘’... Cứ tưởng tượng thằng Minh gọi mình bằng ba má em thấy ngượng làm sao.’’  Ba dễ dãi trả lời:  ‘’Riết rồi cũng quen, em đừng để ý  nhiều qúa, chuyện gì đến sẽ đến.’’
Đổi cách xưng hô có khó lắm không chú, nhưng Vi sẽ bắt chước ba, không lo nhiều, chuyên gì đến sẽ đến!  Nhận được thư này nhớ hồi âm cho Vi ngay.  Mấy tuần lễ qua Vi biết Vi đã làm chú buồn nhiều.  Vi hứa sẽ đền lại cho chú!  Vì Vi không muốn muôn đời nợ chú.
Anh Minh! Chúc anh ngủ ngon và nhiều mộng đẹp. (Anh thấy không, Vi đã bắt đầu rồi đó, riết rồi cũng quen mà! )
Nhớ thương.   
Thúy Vi.
Minh đã đọc cả chục lần bức điện thư, nhưng vẫn không tin những điều đã đọc, chàng in bức thư và nằm lăn ra giường đọc, mang xuống bếp đọc trong lúc nấu mì gói.  Minh sung sướng nói cười với chính mình, chàng hát những liên khúc  lang mang từ bản này sang bản kia.  Ân hận vì đã nghĩ sai cho Vi, Minh lẩm bẩm:  ‘’Vi, em Vi, anh hứa sẽ đền bù cho em bằng tất cả đời anh.’’  Đói đã nhiều ngày nên tô mì gói Minh ăn thật ngon, chàng ăn vội vã rồi ngồi vào bàn viết thư cho Vi.
Chỉ 14 ngày sau, đám hỏi được tổ chức tại nhà ông bà Dân trong vòng gia đình, rất thân mật và ấm cúng.  Nhìn Vi xinh đẹp trong chiếc áo dài cổ truyền, Minh biết mình rất diễm phúc, chàng nói khẽ với Vi:  ‘’Sang năm mình cưới nhau, sau đám cưới em sẽ về Mỹ với anh.  Anh có người bạn luật sư rất thân, anh ấy sẽ lo tất cả mọi thủ tục, em yên tâm.’’  Vi đùa: ‘’Sính lễ cưới em, không phải là xôi mườ mâm, cau mườ  buồng mà là một khay trái trứng cá thật ngọt’’.  Nàng ngứơc mắt dịu dàng nhìn Minh.  Tiếng người ca sĩ vẫn ngọt ngào hát:
                        Yêu nhau khi xuân thu rơi
                        Yêu nhau khi hoa lá xinh tươi
                        Yêu nhau khi mưa đông rơi
                        Yêu nhau, yêu nhau mãi suốt đờì. (4)
                                                                                            oOo
 
Họ hàng đôi bên đã hiện diện đông đủ, Chị Lan và anh Tú trịnh trọng đốt cặp hồng lạp có khắc đôi chim Loan-Phụng.  DướI ánh nến lung linh trên bàn thờ, cô dâu, chú rể xúng xính trong bộ quốc phục cúi lạy tổ tiên.  Lễ Từ Đường cũng được cử hành, nhưng chỉ sau một lạy đầu, ông Dân đã vội đỡ Minh và Vi đứng dậy, ông nói:
- Lạy đầu để tỏ lòng hiếu thảo là đủ rồi, ba má miễn cho hai con.  Ba má tác hợp cho hai con và chúc hai con luôn yêu thương nhau.  Xin thượng đế chúc phúc cho hai con.
Quay sang Minh, ông ôm vai Minh, xúc động nói:
- Ba không những có một người con rể mà còn có người  bạn rất hợp với ba. Ba rất cảm động trước tình yêu của hai con, con đã gợI lại cho ba những hình ảnh của thờI xa xưa.
Âu yếm nhìn Vi, rồi nhìn sang ông bà Dân,  Minh cảm động nói:
- Con cảm ơn ba má đã thông cảm ..., cảm ơn ba má đã tác hợp cho chúng con.
Tiếng vỗ tay, tiếng chúc mừng, tiếng pháo nổ, Minh và Vi lồng vào ngón tay áp út của nhauchiếc nhẫn cưới.  Minh thì thầm bên tai Vi:  ''Cảm ơn em đã yêu anh.''  Nhìn Minhvới ánh mắt tha thiết Vi nói:  ''Cảm ơn anh đã mang hạnh phúc đến cho em, em muôn đờI sẽ là của anh.''
Bà Dân nhắc nhở con gái:
- Sắp đến gìờ lành, đàng trai xin rước dâu, hai con lên thay đồ kẻo trễ.
Các bạn Vi xúm lại chúc mừng và giúp Vi thay chiếc áo cướI bằng satin trắng mà Minh sắm cho Vi.
 
                                  
Tiếng pháo lại dòn dã nổ, mọi người trầm trồ khi thấy Vi bước ra: ''Cô dâu đẹp qúa, cô dâu xinh qúa ...'' Minh hãnh diện nhìn Vi,  chàng cảm ơn thượng đế đã cho chàng được diễm phúc kết hôn cùng Vi.  Chàng đã dành hết gần nửa đời người để tìm người vợ lý tưởng, và nàng đã đến.  Chàng thì thầm:  ‘’Yêu em khi mùa thu vàng.’’            
Ghi Chú:  (1)Ru ta Ngậm ngùi.  Nhạc của Trịnh Công Sơn.
                 (2), (3), (4),  Tình.  Nhạc của Văn Phụng.
 
 
Lê Phạm Kim Phượng 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC