TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Lệ Thủy đang nằm sấp xem tập ảnh của cha nàng hồi còn niên thiếu. Chiếc giường nệm có lò xo bật lên xuống theo nhịp chân của nàng. Bỗng Thủy trố mắt nhìn ảnh, rồi réo gọi cha:

- Ba ơi! Ba ơi! Mau vào đây! Mau vào đây!

Ông Văn đang ngồi ngả người trên ghế bành trong phòng khách đọc sách, nghe con gái gọi liền hối hả chạy vào phòng con, hỏi giọng lo lắng:

- Việc gì mà con gọi ba ơi ới như gặp bọn xã hội đen hay bọn khủng bố vậy?

Thủy cười hích hích:

- Không phải bọn xã hội đen, hay bọn khủng bố, mà là cao bồi! Nhìn đi! Hãy xem bức ảnh này nè…

Ông Văn nguýt yêu con gái:

- Xem ảnh thì có gì quan trọng mà kêu réo lúc ba đang đọc sách?

Một tay Thủy chỉ chỏ vào ảnh, một tay ôm bụng cười:

- Chỉ vì bức ảnh này quá tức cười nên con muốn hỏi ba cho ra lẽ.

À thì ra con gái cưng của ông đã lục soát ngăn tủ ở tư phòng ông, rồi lấy ra tập ảnh xưa của ông thời còn đi học ở Việt Nam.

Ông không thấy thế làm phiền, chiều ý con gái chạy tới bên nàng, chụm đầu nhìn vào ảnh… Hai cha con vụt cười vang.

Thủy nheo mắt nói với cha:

- Giống cao bồi Texas quá cỡ há?

Thật thế! Bức ảnh ông chụp năm 17 tuổi, vừa thi xong tú tài, mấy thằng bạn cùng lớp ranh mảnh rủ nhau đi chụp ảnh để ăn mừng. Cả bọn chia nhau hoá trang. Có đứa giả làm cao bồi, có đứa giả kiếm sĩ thời xưa... Bản chất anh hùng của ông và bạn bè lúc nhỏ không khác với bọn trẻ ngày nay.

Ông lật trang kế tiếp của tập ảnh vụt bật cười to. Đó là bức ảnh ông giả gái đứng chung với đám bạn hồi còn đi học.

Thủy cũng trố mắt nhìn vào ảnh, rồi ôm cha hôn lên «má» kêu nghe cái «chốc», cười cười nói:

- Chao ôi! Ảnh này người giả gái có phải là ba không? Tức cười quá đi thôi! Ba biết ba giả gái giống người đẹp nào mà thiên hạ thường hay nhắc đến không?

Ông Văn cười ha hả:

- Con nói ba giống ai?

- Nghe nói người đẹp họ Chung gì gì… đó, của cái xứ quỉ quái gì gì đó…

- Nói tôi giống Chung Vô Diệm hé?

Rồi ông chợt ngưng cười, nhíu mày hỏi:

- Ủa, con lớn lên xứ này mà cũng biết Chung vô Diệm của xứ Tàu là sao vậy?

- Ờ… thì con thường nghe mấy bà cô bà thím người Việt lúc tụm lại với nhau thì bàn tán… hễ ai đẹp thì nói giống nàng Tây Tây gì đó…, ai xấu thì nói nàng Chung Chung gì đó... Thật tình con chẳng biết nàng Tây nàng Chung là ai? Ở đâu? Họ đẹp xấu ra sao? Có lần con nghe bà Mai nói bà Ngạn mặt mày như họ Chung thì mấy bà thím ngồi quanh đó đều che miệng cười nhỏ, trong khi bà Ngạn hầm hầm tức giận nhào tới tát vào mặt bà Mai. Sau đó hai bên nắm tóc lôi kéo đấm đá loạn xạ với nhau...

Ông Văn bật cười lớn, ngắt ngang lời con gái:

- À thì ra là vậy! Tôi cũng muốn nắm đầu kéo tóc cô lắm đó, cô Thủy à!

Ông vừa cười, vừa nói, tay cú nhẹ trên đầu Lệ Thủy, khiến nàng phóng xuống giường, thở hổn hển nói trong tiếng cười:

Ông ngóc đầu dậy, mắng yêu con gái:

- Con gái mười bảy tuổi rồi mà y như con nít! Coi chừng ế chồng đó tiểu thư à.

Thủy phụng phịu đôi má, nũng nịu nói:

- Con chưa muốn lấy chồng đâu! Con sẽ sống bên cạnh ba, chăm sóc ba thay cho mẹ.

Câu nói của con gái khiến ông Văn nhớ đến vợ, sắc mặt đang vui vụt đổi sắc buồn.

Ông goá vợ cách đây ba năm. Từ cái ngày vợ ông về Việt Nam thăm gia đình nhà vợ. Hôm đó vợ ông cùng với cô em họ đi phố Saigon bị xe đụng chết. Kẻ lái xe là một chàng thanh niên trẻ, con của tên cán bộ Cướp Sản[1] chóp bu, nên dù là kẻ sát nhân lái xe cán chết người, luật pháp bọn Cướp Sản cũng lấp liếm che giấu lỗi lầm tội lỗi con cháu đám cầm quyền.

Phố phường Saigon ngày nay đổi thay nhiều với những toà nhà cao ốc, với những khu phố sang trọng, những khách sạn tân kỳ… Người du lịch nhìn thấy tưởng rằng Saigon thay đổi, Saigon phồn thịnh, dân chúng giàu có. Sự thật những toà nhà ấy… những phố sá ấy… nếu chủ nhân không phải ngoại quốc, thì cũng là tài sản của những tên Cướp Sản chóp bu.

Trong khi dân chúng sống cảnh nghèo đói, nhưng bọn họ giàu có, nhờ vào việc đoạt nhà cướp của dân miền Nam thuở trước, nhờ vào việc buôn bán tài sản quốc gia, như nhượng đất ở biên thùy Hoa-Việt, bán khu khai thác dầu hoả ở các hải đảo và miền duyên hải thuộc địa phận Việt cho bọn Tàu Cướp Sản (tức là Tàu Cộng Sản) đưa công nhân làm thuê qua các nước Á Rập v.v… và v.v.

Tóm lại bọn Cướp Sản Việt Nam dùng quyền lực thao túng mọi ngành để làm giàu bất chính. Ngày nay chúng trở thành tỉ phú nhứt nhì thế giới, y như bọn Cướp Sản Trung Hoa vậy!

Bởi thế con cháu chúng ngày nay mặc sức ăn chơi, sa hoa phung phí, cờ bạc, rượu chè, bao gái… mua xe trị giá hàng triệu mỹ kim, phóng xe trên đường với tốc độ khủng khiếp, bất kể luật lệ giao thông… Vì chúng có cán chết người không sợ bị tội, bởi luật pháp nằm trong tay cha ông chúng nó.

Từ ngày vợ ông và cô em họ bị xe cán chết bởi con trai của tên Cướp Sản chóp bu, ông vừa đau thương vừa hận, nên khuyên bà con và bạn bè thay vì trở về quê hương làm giàu cho bọn Cướp Sản, thì nên hô hào dân chúng trong nước và hải ngoại lên án bọn Cướp Sản Việt Nam, đưa chúng ra toà án Quốc Tế trị tội.

Thấy cha dàu dàu sắc mặt, lặng im không nói, Thủy nhận ra mình vô ý nhắc đến mẹ khiến cha ưu sầu, nên cười lớn để phá tan nỗi buồn của cha:

- Sao ba im ru vậy? Nói đi chớ! Chuyện vui ba kể là gì? Ba không nói con giận đó nha.

Ông Văn đưa mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ… Thủy nằm dài trên giường, ngửa mặt chờ nghe cha nói.

Tiếng ngọt ngào của ông Văn vang lên:

- Con biết không, năm vui nhất là năm chót đệ nhị cấp. Sau khi thi xong nhà trường tổ chức buổi lễ mãn khóa cho học trò trước khi chia tay vào các phân khoa đại học, hoặc có đứa rời xứ du học. Cho nên có thể nói là buổi đó là lần gặp mặt sau cùng của học trò từ giã nhà trường và giáo sư. Lớp học của ba có nhiều nhóm. Có nhóm chơi nhạc, nhóm đóng kịch.

Ông Văn chợt ngưng nói, cười ngất một lúc mới tiếp:

- Ba trong nhóm diễn kịch. Ba và đám bạn diễn một vở kịch tựa là «Anh hùng nước Việt». Trong kịch có vai nữ, là vợ một vị tướng trong truyện. Vì là lớp nam sinh, không có học trò gái, mà bọn ba không ai chịu đóng vai con gái nên cuối cùng phải «oẳn tù tì» để lãnh vai.

Thủy tước lời cha với tiếng cười giòn tan:

- Và đương nhiên ba của con «oẳn tù tì» bị thua nên phải lãnh vai trò làm vị phu nhân chớ gì?

- Phải chi ba bị thua và phải giả gái thì đâu có gì đáng tức cười. Đàng này ba thắng…

Thủy cười hích hích cù vào nách cha, ngắt lời:

- Ba làm gì thắng à? Xạo hoài! Nhìn ảnh thì rõ ràng ba bị thua mới mặc xiêm y phu nhân mà?

Ông Văn lắc đầu kể tiếp:

- Không phải như thế đâu! Ba thắng trò «oẳn tù tì» nên được đóng vai vị tướng. Thằng bạn thân của ba bị thua, nên nó phải đóng vai phu nhân của vị tướng đó.

Nói đến đấy ông nhìn vào ảnh cười một tràng dài.

Thủy cũng chú mắt nhìn ảnh lần nữa, rồi trề môi nói:

- Xí! Rõ ràng trong hình ba cải trang là vị phu nhân đứng chung với số học trò nam.

- Đúng vậy! Bức ảnh đó là chụp sau khi ba và bạn ba đổi vai nhau. Chớ thật ra mới đầu ba đóng vai vị tướng, bạn ba đóng vai phu nhân. Đến khi ra sân khấu thử vai, thầy cô và bạn bè vừa thấy đều ôm bụng cười lăn. Ngày ấy vui không thể tả!

Dứt lời ông cười lớn, tiếng cười rung động cả trần nhà. Thủy thấy cha cười vui như vậy càng tò mò, hỏi tới tấp:

- Thật vui lắm sao hả ba? Vì sao mọi người cười vậy? Mau mau kể cho con nghe đi!

Ông Văn nói trong tiếng cười:

- Cũng vì hồi đó ba ốm yếu nhỏ thó, chớ đâu bụng phệ mập mạp như bây giờ? Vậy mà đóng vai vị tướng lẫm liệt oai phong. Còn thằng Tuấn bạn ba, hình hài cao lớn tuấn tú, phải đóng vai phu nhân yểu điệu… khiến cho mọi người vừa trông thấy cặp vợ chồng bước ra sân khấu đều cười nghiêng ngửa, cười thiếu đều bể bụng luôn! Thật là một ngày vui nhộn nhất của thuở học trò!

Ông chợt ngưng nói, ngưng cười, mắt mơ màng hồi nhớ cảnh tượng ngày xưa…

Thủy lặng im quan sát thần thái của cha, miệng chúm chím cười. Một lúc nàng lên tiếng hỏi:

- À, ba hãy chỉ cho con coi coi… anh chàng Tuấn đổi vai làm chồng ba là chàng nào trong số bạn bè đứng lố nhố trong ảnh vậy?

- Thì là thằng Tuấn mặc áo giáp đứng bên trái ba đó, chớ còn ai nữa? Thằng Nhẫn đứng bên phải cũng vai tướng, nhưng chưa có vợ. Cũng may trong câu chuyện kịch chỉ có duy nhất một vai nữ. Chớ nếu có nhiều vai nữ thì chắc rắc rối lắm! Vì bọn ba, chẳng thằng nào chịu đóng vai nữ!

Nghe cha nói, Thủy mở mắt to nhìn kỹ lại bức ảnh và người trong ảnh, rồi kêu nhỏ:

- Chao ôi! Anh chàng Tuấn đứng bên trái ba quả nhiên là quá đẹp trai! Trong bộ áo giáp thời xưa hình hài uy nghi lẫm liệt, không khác gì hoàng tử ra trận trong ciné. Dễ mê quá!

Bỗng nhiên Thủy muốn biết về người đàn ông này nên hỏi:

- Hồi ấy ba bao nhiêu tuổi? Ông Tuấn bao nhiêu tuổi?

- Ờ thì… lúc ấy ba mười bảy tuổi. Tuấn nhỏ hơn ba một tuổi.

- Ba còn ảnh nào của ông Tuấn sau này không?

Nghe con gái hỏi, ông Văn nhăn mặt:

- Con tò mò như vậy để làm gì?

Thủy cười khúc khích:

- Chỉ vì nhìn ảnh thời ấy ổng đẹp trai dễ mê quá, nên con muốn biết hiện giờ dung mạo ổng ra sao vậy mà.

Ông Văn lừ mắt nhìn con gái, mắng yêu:

- Con này hư quá!

Tuy ngoài miệng nói vậy, song ông vẫn chìu con, lật từng trang album tìm kiếm… Bỗng ông chỉ bức ảnh người đàn ông trung niên trong ảnh kêu nhỏ:

- Đây rồi! Ảnh này thằng Tuấn gửi tặng ba cách đây vài năm.

Thủy chủ mắt nhìn người đàn ông trong vào ảnh, rồi nói với giọng ngây thơ:

- Chao ôi, người đàn ông trong ảnh bây giờ trông càng quyến rũ hơn chàng thanh niên trẻ đẹp ngày xưa nữa là! Chắc ông ta có nhiều bà nhiều cô mê lắm, phải không ba?

Ông Văn tát yêu vào má con gái, nói:

- Con bé này nói lạ! Ba con không đẹp còn có người mê, huống hồ là Tuấn?

Thủy bĩu môi:

- Ai mê ba chứ?

- Thì má con, chớ còn ai?

Mỗi lần nhắc đến vợ, gương mặt đang vui của ông Văn lại thoáng buồn. Thủy không lưu ý sắc diện thay đổi của cha, đôi mắt chăm chăm nhìn người trong ảnh… thần trí mê man như sống trong mộng, miệng lí nhí:

- Trên đời này sao có thể có người vào tuổi trung niên mà tuấn tú quyến rũ hơn thời còn trẻ như vậy? Thật là kỳ!

Rồi nàng bỗng thở ra, than thầm:

- Ta chỉ mới nhìn ảnh mà đã bị thu hút mê hoặc, nếu gặp mặt chắc tâm thần điên đảo ngất ngư luôn!

Ông Văn không nghe rõ mấy lời Thủy nói, châu mày hỏi:

- Con nói gì? Ai mê ai?

Thủy giật mình, nói trớ:

- Thì… thì con nói ba mê má, chớ má làm gì mê ba?

Ông Văn cười hề hề:

- Thì cả hai phải mê qua mê lại mới có con được chớ?

Thủy nhõng nhẽo:

- Không thèm nói chuyện với ba nữa!

Ông Văn hôn lên tóc con gái, nói giọng thương yêu:

- Con gái mười bảy tuổi rồi mà tính khí như trẻ con. Thôi hãy đi học bài đi công chúa của ba. Cuối năm nay con phải thi vào đại học rồi. Mau ôn bài lại đi!

- Ba không nhớ bữa nay là ngày gì à?

- À phải ha! Bữa nay Chúa Nhật là ngày nghỉ. Đương nhiên người làm việc như ba được nghỉ, học trò như con cũng được nghỉ! Được thôi! Vậy chúng ta ra phòng khách coi TV.

- Con chán coi TV lắm!

- Vậy Thủy muốn gì?

- Muốn ba kể chuyện đời xưa.

- Thì ba vừa kể chuyện xưa rồi còn gì?

- Còn nhiều chuyện xưa khác mà?

- Chuyện xưa gì? Chẳng lẽ con muốn ba kể chuyện «Bạch Tuyết với bảy chú lùn?»

Thủy nguýt cha với đuôi mắt thật dài:

- Ai bảo ba kể chuyện con nít hồi nào đâu? Con muốn ba kể thêm chuyện xưa, kể về người bạn của ba…

- Con này thật lạ đời! Sao cứ muốn nghe mãi chuyện xưa của Ba?

Tuy ngoài miệng nói vậy, song trong lòng ông rất vui hồi nhớ dĩ vãng, tuổi học trò… Thuở ấy cuộc sống rất vô tư. Ngày hai buổi cắp sách đến trường, cơm no áo ấm, mọi việc đều được cha mẹ lo. Thứ bảy Chúa Nhật ngày nghỉ, bạn bè rủ nhau đi câu cá ở sông Biên Hoà, tối tối thường đi ăn ở các nhà hàng nhỏ quanh chợ Bến Thành… Saigon năm xưa tuy không sánh được văn minh và phồn thịnh như các thị trấn trên thế giới, nhưng cuộc sống đầy thú vị.

Nhìn con, ông bỗng ngậm ngùi thương cho đời bọn trẻ lớn lên ở hải ngoại, sống ở xứ người, quên dần những cái hay cái đẹp của quê hương.

Ông nói với con gái, bằng giọng thê lương:

- Con sống ở xứ này tuy an bình và văn minh tuyệt đỉnh, nhưng không thể nào thấy được cảnh tượng thi vị của một đêm trăng, trai gái trong làng vừa giã gạo, vừa hò hát. Làm sao con có được cái thú vị tắm sông, bắt ốc như ba thuở ấy? Con biết không? Biết bao cái vui, cái đẹp nơi quê hương, nhất là thuở bé, ba theo cha mẹ về Vĩnh Long, Sa Đéc thăm quê nội, quê ngoại. Ngày nghỉ hè cùng gia đình đi tắm biển ở Vũng Tàu, đi nghỉ mát ở Dalat, Nha Trang...

Thủy ngắt lời cha:

- Chỉ tại ba không muốn về Việt Nam. Nếu ba muốn, chúng ta cùng về đó tìm lại kỷ niệm ấu thơ của ba.

Ông Văn hất mặt, hỏi con:

- Về ViệtNam để bị đám con cái bọn Cướp Sản lái xe cán chết oan uổng như mẹ con à? Hay nếu không bị xe cán chết thì cũng chết ngộ độc như vợ chồng bác Nhã, như cô Lan, cô Huệ hàng xóm à? Và còn trăm trăm ngàn ngàn người Việt từ hải ngoại về Việt Nam bị tai họa chết một cách oan uổng. Con thật muốn bị nạn như họ sao? Không chờ nghe con trả lời, ông nói như nói với mình. Thảm thay đất trời còn đó… quê hương còn đó… núi sông còn đó… Nhưng tất cả đều đổi thay! Tất cả… tất cả… chừng như đã mất sau tháng tư năm 75. Năm mà Saigon không còn tên, năm mà tập đoàn Cướp Sản Việt Nam thống trị quê hương, năm đã biến con người Việt Nam vốn dĩ hiền lành vô tư đầy tình nghĩa và đạo đức, trở thành giống dân xấu xa băng hoại nhất trên thế giới. Ngày nay tình nghĩa giữa người và người không còn ! Cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu đấu đá xâu xé nhau… Họ dùng mọi thủ đoạn để chiếm nhà đoạt của, dù phải lường gạt hãm hại người thân! Ông chợt ngưng nói, nhìn con gái với ánh mắt dàu dàu. Một lúc ông lên tiếng nói với con bằng giọng chắc chắn:

- Không bao giờ ba về Viet Nam! Ngoại trừ bọn Cướp Sản bị diệt. Một khi chúng còn đó, ba thề không về Việt Nam, cũng không cho con về Việt Nam, vì ba không muốn con gặp nạn, hay nhìn thấy những điều xấu xa ghê tởm ở đó…

Ông nắm tay con gái ve vuốt, nói giọng từ ái:

- Con à! Khung trời thi vị ngày xưa trên quê hương không còn nữa! Saigon đáng yêu thuở nào không còn nữa! Cái thành phố mang tên Hồ Chí Minh hiện nay nhan nhản kẻ móc túi, kẻ lường gạt, kẻ trộm cắp, kẻ bán dâm… Ngay cả trai quê cũng bỏ ruộng đồng lên phố Hồ làm điếm đực! Ôi thôi! Biết bao chuyện thối tha xảy ra trên quê hương từ khi đảng Cướp Sản Việt Nam thống trị đất nước, đã biến dân tộc Việt thành giống dân vô sĩ, vô đạo đức, chỉ biết háu dollars! Chỉ vì tập đoàn Cướp Sản Việt Nam giàu có quá, con cháu họ sống phung phí sa hoa quá, khiến dân chúng nhìn thấy thèm khát, rồi ai ai cũng muốn kiếm tiền thật nhiều thật nhanh, dù họ có phải buôn bán thứ độc hại làm chết người vô tội.

Thủy bỗng nhíu mày hỏi:

- Con nghe ba miệng luôn nói về bọn Cướp Sản Việt Nam hoành hành nơi quê nhà. Chúng là bọn mafia ở Việt Nam phải không ba? Vậy chính phủ Cộng Sản cai trị Viet Nam sao không chế ngự chúng?

Ông Văn bật cười, giải thích:

- Thật ra danh gọi «Cộng Sản Việt nam» là «Cướp Sản Việt Nam» là do Trương anh Tuấn, bạn ba, đặt ra kể từ sau 30 tháng tư năm 75. Từ ấy đến nay nhóm bạn của ba đều gọi tập đoàn Cộng Sản thống trị Việt Nam là tập đoàn Cướp Sản. Vậy chính phủ cộng sản là chính phủ cướp sản, cũng chính là bọn Mafia đang hoành hành trong nước.

Thủy cười nhỏ:

- À thì ra là vậy! Hoá ra ông Tuấn đổi danh xưng «tập đoàn Cộng Sản Việt Nam» thành «tập đoàn Cướp Sản Việt Nam». Ông Tuấn quả có ý tưởng độc đáo! Ông Văn gật đầu, nói tiếp:

- Tuấn đẹp trai, thông minh, tính tình hiền lương, con nhà giàu có quí phái, lại không kiêu căng. Bạn bè ai nấy đếu thân thiết với Tuấn, nhất là ba. Thời còn ở Việt Nam đám nữ sinh trường nữ kế bên đều si tình chàng ta. Tuấn rời Việt Nam đi du học ở Pháp cùng lúc với ba. Khi đó nó đã có vị hôn thê ở Việt Nam. Họ hẹn một năm sau, khi cô ấy xong tú tài sẽ qua Paris cùng nó làm lễ kết hôn. Nhưng thảm thay, vị hôn thê của Tuấn chưa kịp ra đi thì Saigon thất thủ. Cha mẹ giàu có của Tuấn bị bọn Cướp Sản giết hại. Vị hôn thê của nó cũng gặp nạn chết. Từ đó đến nay Tuấn vẫn sống một mình, không cưới vợ và hình như cũng không có người tình. Chắc là nó cô đơn lắm!

Thủy thở dài:

- Thì ra ông ấy còn là một người đàn ông chung tình nhất thế gian nữa!

- Phải! Một anh chàng rất rất chung tình!

Thủy nói giọng mơ màng:

- Thật quá xót xa cho cuộc đời một con người hoàn mỹ!

Nàng bỗng đổi giọng, hỏi cha:

- Ba à! Nếu ông ấy cùng du học với ba ở Paris, hai người vốn là bạn thân, cùng sống một thành phố, sao con không hề thấy ba và ông ấy liên lạc hay gặp nhau vậy?

- Đương nhiên là tụi ba vẫn liên lạc qua điện thoại, qua thư từ, và sau này qua E-mail. Nhưng nhiều năm rồi Tuấn và ba không có dịp gặp mặt. Vì ba học ngành luật, sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm ở Bộ Tư Pháp thì bù đầu với việc. Kế đó ba lập gia đình có vợ, có con. Còn Tuấn học ngành kinh tế. Khi tốt nghiệp nó rời Paris qua làm cho ngân hàng ở Thụy Sĩ một thời gian. Sau đó Tuấn làm cho ngân hàng quốc tế ở Washington với chức vụ khá cao. Việc làm của nó bận bịu và đi đây đi đó khắp nơi trên thế giới. Chính nhờ chức vụ này mà Tuấn có dịp đi diễn thuyết khắp nơi, kêu gọi người Việt hải ngoại đoàn kết với nhau và vận động với toà án quốc tế đưa tập đoàn «Cướp Sản Việt Nam» ra toà quốc tế về tội cướp đoạt nhà cửa tài sản và sát hại hơn triệu người miền Nam sau ngày 30/4/75.

- Ba nói, ông Tuấn đi diễn thuyết khắp nơi à? Bộ ổng cũng là chính trị gia à?

- Cũng có thể nói Tuấn là chính trị gia! Tuy nó là một kinh tế gia, nhưng chính trường thế giới cũng tùy thuộc tài chính. Vì thế địa vị một chuyên gia cao cấp trong ngân hàng Quốc Tế rất có thế lực. Tuấn đi công tác khắp nơi, thường xuyên giáp mặt những nhân vật quan trọng các nước. Điều đáng nói là Tuấn hoạt động về mặt chính trị và xã hội không riêng cho dân Việt bị chính quyền Cướp Sản VN áp chế, mà còn giúp đỡ cho các quốc gia nghèo trên thế giới.

Thủy nói bằng giọng xúc động:

- Vậy ra ông ấy không những là một chuyên viên kinh tế, một chính trị gia, một nhà ái quốc của dân tộc Việt Nam, một ái nhân của người nghèo trên thế giới và… còn là một người đàn ông nhất dạ thủy chung với người tình đã chết! Thật là một nhân vật phi thường, đáng kính, đáng ngưỡng mộ, đáng yêu quá, ba à!

- Ờ…! Đúng vậy! Con nói đúng lắm!

Thủy bỗng nhắm mắt lại, nhủ thầm:

- Chàng đúng là «thần tượng» của ta! Là người tình trong mộng ước của ta!

Kể từ buổi được nghe cha kể câu chuyện về người bạn Trương AnhTuấn của cha thời còn đi học, Thủy sống trong mộng mơ… cả ngày nhốt mình trong phòng riêng, có lúc đi thơ thẩn ngoài vườn hoa, có lúc đứng im lìm hàng giờ bên cửa sổ bâng quơ nhìn trời…

Hôm đó như thường ngày, ông Văn ngồi đối diện với con gái nơi bàn ăn bỗng giựt mình, vì ông chợt nhìn thấy cô con gái cưng của ông mặt mày xanh xao, hình vóc gầy sút… Rồi ông chợt nhớ ra thời gian gần đây hình như Thủy ăn rất ít, nói rất ít, không còn bản tính liếng thoát vui cười như trước kia.

Việc gì đã xảy ra cho con ông? Ông suy nghĩ một lúc nhưng không tìm ra nguyên do, nên lo lắng hỏi:

- Thủy à, sao mặt mày con bơ phờ vậy? Con không khoẻ trong người chăng? Con có đau bệnh gì không?

Thủy không nhìn cha, đáp giọng yếu ớt:

- Con không đau bệnh gì đâu!

- Thật sao? Không bệnh mà sao mặt mày con bơ phờ xanh xao quá vậy?

Thủy mỉm cười, đáp nhỏ:

- Vậy à? Chắc là tại con… ngủ ít! Bị mất ngủ nên hơi mệt chút xíu thôi mà. Con không bệnh hoạn gì đâu! Ba đừng lo!

Ông Văn vẫn không an tâm, nghiêm giọng bảo:

- Không được! Trông con không khoẻ lắm. Ba hẹn bác sĩ cho con nhé?

Thủy cười nhẹ:

- Không bệnh mà đi bác sĩ làm gì hỡ ba? Ba đừng hẹn bác sĩ! Con không đi bác sĩ đâu!

Nghe con quyết liệt từ chối, ông Văn ngồi lặng một lúc, chợt nghĩ:

«Thủy năm nay sắp 18 tuổi rồi, là tuổi yêu đương. Có lẽ con gái ông không đau bệnh gì, mà đang si tình chàng trai nào đó… nên cả ngày mới thẫn thơ thơ thẫn, ít nói, biếng cười.

«Phải rồi! Hai chàng sinh viên thường hay đến nhà tìm Thủy là Mẫn và Hoà. Vậy chắc Thủy đã yêu một trong hai anh chàng đó chăng?

«Hoá ra nó ít nói biếng cười, mất ăn mất ngủ …là bệnh của tuổi trẻ, bệnh mộng mơ của kẻ đang yêu!

Nghĩ con gái mình đang yêu, trên miệng ông Văn điểm nhẹ nụ cười hạnh phúc.

Thình lình nét rạng rỡ trên gương mặt ông vụt biến mất, mày ông nhíu lại, vì ông chợt nhớ cả tháng nay, ngoài giờ đến trường học thì Thủy không đi ra ngoài hội họp với bạn bè. Còn Thủy về nhà sau giờ ăn thì nhốt mình trong tư phòng. Điều đáng nói là đã nhiều lần hai chàng trai si tình Mẫn và Hoà đến nhà thăm, Thủy đều viện cớ nhức đầu, từ chối gặp mặt.

Như thế nghĩa là sao? Nếu Thủy không yêu Mẫn hay Hòa, vậy nó đang yêu ai?

Bất thần ông Văn ngẩn người ra, khi nhớ lại tâm trạng bất thường của Thủy không phải chỉ mới vài ngày, mà đã một tháng, kể từ hôm Thủy xem tập ảnh của ông thời còn đi học và nghe ông kể về Trương Anh Tuấn, bạn ông.

Từ ngày đó thì Thủy cứ trốn mãi trong phòng riêng và thường cố y lánh mặt trò chuyện với cha.

Chỉ vì ông nghĩ con gái chăm lo học thi nên không lưu ý lắm. Bữa nay mới nhận ra tâm trạng của Thủy hiện giờ đúng là kẻ mắc bệnh tương tư, hồn xác thẫn thờ, tâm tư ngớ ngẩn…

Ông tự hỏi:

«- Lẽ nào người nó đang si tình là… Tuấn?

Rồi những ý nghĩ trong đầu ông cứ vang vang lên, chống đối lẫn nhau:

«- Không đâu! Không thể nào! Nó không thể nào yêu bạn của cha! Nhưng… Nhưng rõ ràng là nó đang yêu mà? Và nếu không phải Mẫn hay Hoà thì chắc là Tuấn rồi!»

Nghĩ đến đó ông ngồi chết lặng, tay xuội ra như không còn sức để tiếp tục bữa ăn.

Thủy cũng ngồi lặng im nơi bàn ăn. Tay uể oải cho thức ăn vào miệng từng miếng… từng miếng nhỏ! Hình như nàng ngồi đó mà tâm trí nghĩ ngợi đâu?

Không thể nín lặng, ông Văn lên tiếng:

- Con không đau bệnh. Vậy là con đang yêu, phải không?

Thủy ngưng ăn, nhìn cha với ánh mắt long lanh lệ, đáp nhỏ:

- Phải!

Ông Văn ngần ngại một giây, rồi nhẹ hỏi:

- Con yêu Tuấn, phải không?

Thủy gật đầu thay cho câu trả lời. Rồi nhìn cha với đôi mắt ướt, hỏi nhỏ:

- Ba không trách Thủy?

- Không!

- Thật à? Ba không giận không ghét Thủy à?

- Không đâu! Tuấn đáng yêu lắm! Tuấn là thần tượng trong lòng mọi người, kể cả ba!

Ông nhìn con gái với ánh mắt dịu dàng khi nói câu đó. Rồi mỉm cười với con, chẫm rãi nói tiếp:

- Tình yêu đẹp lắm Thủy à! Con không có lỗi gì khi yêu một người trong tâm hồn, trong lý tưởng. Thứ tình này không biên giới, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt sang hèn… Là thứ tình yêu thánh khiết, trong sạch! Vốn dĩ con người có trái tim biết rung động thì ai cũng có thể yêu. Bởi vì không ai có thể ngăn cấm một trái tim xúc động trước một thần tượng. Cho nên con yêu Tuấn không có gì sái quấy cả Thủy à!

Thủy trân trối nhìn cha…

Nàng thật không ngờ cha có ý nghĩ cao cả như vậy! Nàng những tưởng sẽ bị cha la mắng, không ngờ còn được cha cảm thông!

Nàng vui sướng đứng lên, nhào tới ôm cha hôn lên «má» cha chốc chốc như trẻ con vừa nhận được quà.

Ông Văn thấy con gái trở lại bản chất vui nhộn thuở nào, trong lòng vô cùng hoan hỉ. Ông nghĩ nhanh trong đầu:

«Phải rồi! Cả tháng qua nó mang tâm bệnh vì ấp ủ trong lòng một tình yêu không được giải toả. Ta không thể trách Thủy đã yêu Tuấn! Đấy là lỗi của ta! Lỗi ta đã gieo vào tâm trí con một thần tượng khiến nó si mê thương tưởng.

Bây giờ muốn giải toả cuộc tình sôi nổi trong lòng con gái, ông cần phải cho con đối diện với Tuấn. Chạm mặt với Tuấn rồi con gái ông sẽ nhận thức rõ ràng yêu một thần tượng, không nhất thiết phải là tình yêu trai gái. Lúc đó Thủy sẽ thức tỉnh, không sống trong mộng mơ nữa!

Đã tìm được lối thoát để giải quyết tâm sự của con, Ông Văn cười cười, bảo Thủy:

- Tuần tới ba muốn mời khách đến nhà ăn một bữa ăn ngon. Con đồng ý làm đầu bếp cho ba chứ?

- Lúc nào con chả là bà bếp của ba chớ? Ờ… mà ba muốn đãi ai vậy?

- Một người khách quen.

- Mà là ai chứ?

- Bí mật!

Thủy nheo mắt hỏi:

- Bộ ba có ai ai đó… phải không?

Ông Văn nhăn mặt:

- Ai… ai gì chứ? Thật là!

Ông lắc lắc đầu cười, tỏ vẻ chịu thua ý nghĩ láu lỉnh của con gái, rồi bất thần nắm tay con đi ra lan can, chỉ cụm mây trên trời, nói:

- Con nhìn thấy mây đẹp không? Mây đẹp rồi mây sẽ tan đi. Trong vũ trụ không có gì vĩnh cửu cả!

- Chỉ có tình yêu là vĩnh cửu!

- Tình yêu đẹp như làn mây bạc, như làn hương quí… rồi cũng sẽ bay mất!

Thủy như không nghe cha nói gì, ánh mắt mơ màng…

* *

Ngày ấy vị khách ông Văn mời đến nhà, không ai khác hơn là Tuấn, người bạn thân nhất của ông, cũng là thần tượng trong lòng của Thủy, con gái ông.

Bấy lâu ông không mời bạn về nhà, vì thấy bất tiện trong việc tiếp đãi khách quí như Tuấn ở tư gia. Bởi thế mà trước nay mỗi lần Tuấn có công tác ghé qua Paris cả hai đều hẹn gặp nhau hoặc ở quán cà phê, hoặc ở nhà hàng khách sạn, nơi Tuấn ghé qua đêm.

Lần này ông Văn quyết định mời Tuấn về nhà. Cũng may Tuấn vừa Mail cho ông biết sẽ ghé qua Paris tuần lễ này. Ông Văn liền điện thoại nói với bạn:

- Tuấn à, con gái «moi» nghe biết về «toi» nên ngưỡng mộ lắm. Cho nên lần này chúng ta gặp nhau tại nhà «moi» nhé? Con bé tình nguyện làm bếp đãi chú Tuấn đó!

Tuấn cười vui vẻ, hỏi:

- Thật sao? Là Thủy phải không? Cô bé đã biết nấu ăn đãi khách rồi sao?

- Thủy đã mười tám tuổi rồi đó. Không còn bé đâu!

- Vậy à? – OK, tuần sau hẹn gặp ở nhà «toi» vào chiều ngày thứ bảy được chứ??

- Được lắm! Khoảng 6 giờ chiều ngày thứ bảy «moi» sẽ lái xe tới khách sạn đón «toi».

* *

Chiều đó Thủy nấu bữa ăn thịnh soạn theo lời căn dặn của cha. Nàng đinh ninh khách quí là «bà» nào đó… cha muốn giới thiệu với con gái.

Nàng đang loay hoay trong bếp thì nghe tiếng xe dừng trước ngõ. Biết cha lái xe đón khách về đến nhà rồi, Thủy mừng rỡ chạy ra mở cửa.

Người khách bước vào nhà cùng lúc với cha nàng là một người đàn ông, nhìn nàng với nụ cười thật tươi. Thủy còn đang ngơ ngác, đã nghe cha giới thiệu:

- Đây là chú Tuấn, bạn ba! Chào chú đi con.

Thủy sửng sờ nhìn khách, miệng đớ ra chưa nói được lời nào, thì khách đã lên tiếng:

- Là Thủy đây à? Đã lớn đến như vậy rồi à?

Rồi khách cười cười, nói với Thủy:

- Lần đầu tiên chú biết mặt Thủy chỉ là bé ba tuổi. Giờ là một giai nhân rồi!

Vài phút im lặng trôi qua…

Hình như Thủy đã lấy được bình tĩnh, nàng cúi đầu chào khách, nhỏ nhẹ nói:

- Thủy rất vui gặp chú.

Rồi nàng nói với cha:

- Ba mời chú vào phòng ăn ngay đi. Thức ăn con đã làm xong cả rồi.

Nàng dứt lời bươn bả đi vào nhà bếp.

Ông Văn biết con gái vừa bị chấn động tinh thần vì sự xuất hiện bất chợt của thần tượng. Nhưng xem ra ít phút sau Thủy đã chế ngự được tâm tình sôi nổi trong lòng rồi!

Ông thở ra nhè nhẹ… rồi cười cười mời bạn vào phòng ăn, vừa nói:

- Bị kẹt xe nên chúng ta về nhà hơi trễ, con bé đã nấu nướng xong rồi. Chúng ta vào bàn ăn thôi.

Một thoáng sau Thủy mang thức ăn ra…

Ông Văn ngồi đầu bàn, Tuấn và Thủy ngồi bên phải và bên trái, đối mặt nhau.

Bữa ăn theo thực đơn Pháp. Có soup, có salade, có món chính trừu nướng ăn với khoai tây và món cuối cùng tráng miệng.

Sau khi khen tài làm bếp của Thủy, Tuấn nói:

- Chú nghe ba kể, Thủy đã ghi tên vào đại học rồi phải không? Học ngành gì?

Thủy đáp nhỏ:

- Dạ, môn «xã hội học» và «văn học» Pháp-Việt. Ngoài ra Thủy cũng rất thích hội họa.

- Thế à? Thủy yêu thích văn chương và hội họa nữa sao? Thủy có tâm hồn nghệ sĩ đáng quí lắm!

Ông Văn xen vào:

- Thủy có ý muốn sau này làm việc giúp người nghèo trên thế giới. Chắc nó theo con đường của chú Tuấn đó.

Thủy bỗng hỏi Tuấn một câu gần như lạc đề:

- Vì sao danh xưng «Cộng Sản ViệtNam», chú đổi thành «Cướp Sản Việt Nam», hả chú?

Tuấn bật cười:

- À, thì ra Thủy cũng lưu ý về mặt chính trị! Thủy muốn biết tại sao chú đổi danh xưng bọn chúng như vậy không?

Thủy mỉm cười gật đầu, thay cho câu trả lời. Tuấn nói:

- Từ communisme lấy từ chữ commun có nghĩa là «cộng hữu», là «gom chung lại». Họ Marx vào thế kỷ 19 đề xướng chủ nghĩa communisme vì tình trạng Âu Châu thời ấy có chiến sự đệ I xảy ra, nhân dân khắp nơi nghèo đói…trong khi có một số thì quá giàu. Cho nên Marx mới có ý nghĩ: «chỉ cần gom tài sản và lợi tức của mọi người dân đem chia đều với nhau, thì xã hội bình đẳng, không có người giàu hay kẻ nghèo». Chủ nghĩa này nghe thoáng qua rất khoái tai. Nhưng thực tế không thực hiện được, vì trong xã hội có người thông minh, có kẻ ngu… Có người lười biếng, có người siêng năng… Vậy nên không thể gom lợi tức và tài sản của mọi người ở hoàn cảnh khác nhau, mà chia đều. Bởi vì như vậy sẽ rất bất công cho người cả đời cần cù cố gắng làm việc.

Thủy tiếp lời:

- Thật là một ý tưởng hoang đường! Nếu gom chung lợi tức của mọi người đem chia đều, thì đâu có ai điên dại gì mà tận dụng hết khả năng, cố hết sức làm việc, để rồi lợi tức thu được phải chia cho người khác? Rồi mọi người cùng làm biếng, cùng buông xuôi… Không ai tha thiết làm việc, không ai tha thiết tranh đấu hay trổ tài, ra sức gì nữa ! Như thế quốc gia sẽ không vượt tiến, cả nước bần cùn. Như vậy chẳng phải đề xướng của Marx dẫn đến một xã hội bại hoại tàn lụn đó sao?

Tuấn gục gật đầu:

- Đúng lắm! Chú không ngờ Thủy có nhận xét đúng như vậy! Một xã hội mà không có sự cố gắng, không có sự cạnh tranh thì sẽ không có tiến bộ. Đề xướng của Marx không hợp tình hợp lý chút nào! Đó là lý do tại sao các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản của Marx nghèo nàn, chậm tiến. Trong khi các nước trong thế giới tự do giàu có và tiến bộ vượt bực.

Tuấn nói tiếp với giọng vừa buồn vừa tức giận:

- Hồ Chí Minh chọn đề xướng «cộng sản» của Marx là cố ý lường gạc dân chúng Việt Nam để làm giặc trên 30 năm. Hồ chết, con cháu bè phái Hồ tiếp tục thống trị Việt Nam gần 40 năm. Tất nhiên giờ chúng đã biết theo Marx là sai lầm, nên đổi chủ nghĩa «cộng sản» thành «cướp sản». Với chủ nghĩa mới này chúng đã dùng quyền lực «cướp tài sản của quốc gia», «cướp tài sản của dân»… thu vào túi riêng của họ, chớ không phải «chia» đều cho mọi tầng lớp dân chúng như đề xướng của Marx. Cho nên quốc gia Việt Nam luôn chậm tiến, luôn nghèo nàn, chỉ riêng bọn cầm đầu giàu có.

Ông Văn chen vào:

- Bởi thế chú Tuấn của con mới nói chủ nghĩa «cộng sản» của Marx, Hồ và thủ hạ ông ta biến thành chủ nghĩa «cướp sản» là vậy!

Thủy cười khúc khích nói:

- Giờ Thủy đã hiểu tại sao chú đổi hai từ «cộng sản» là «cướp sản»! Thật quá đúng với hành động và việc làm của nhóm người đang cai trị Việt Nam hiện nay. Hoan hô ý tưởng độc đáo của chú! Nhưng mà…Thấy Thủy ngập ngừng không nói tiếp. Tuấn hỏi:

- Thủy còn điều gì muốn nói sao?

- Thủy còn điều thắc mắc, nhưng không biết có nên hỏi chú không, vì nhằm vào nghề nghiệp của chú. Không biết chú có thể trả lời không?

Ông Văn chen vào:

- Thì con cứ hỏi đi! Ba cũng đang tò mò câu hỏi của con.

- Ngân hàng Quốc Tế thành lập chủ ý giúp đỡ các quốc gia nghèo trên thế giới. Vậy Việt Nam có thuộc thành phần quốc gia nghèo, được ngân hàng cho mượn tiền không?

- Có! Việt Nam nằm trong số quốc gia nghèo nhất trên thế giới và đương nhiên chính phủ «Cướp Sản Việt Nam» có hỏi mượn tiền.

- Nhưng chú và Ba đều nói bọn Cướp Sản Việt Nam ngày nay giàu có, nằm trong số tỉ tỉ phú trên thế giới như bọn Cướp Sản Tàu, Bắc Hàn…Vậy ngân hàng quốc tế sao lại chấp nhận giúp đỡ Việt Nam? Tuấn cười nhẹ, giọng chua chát:

- Than ôi! Đó là cả một vấn đề gần như nan giải. Một quốc gia nghèo như vậy, lại có những tên giàu có nhứt nhì trên thế giới. Nhưng mà… chắc Thủy cũng biết, quốc gia Việtnam thuộc quốc gia nghèo, hơn 80 triệu dân chúng từ Bắc đến Nam sống với mức sống thấp nhất. Chỉ riêng «tập đoàn cướp sản Việt Nam», tức bọn cầm đầu Việt Nam mới giàu có. Ngân Hàng Quốc Tế đương nhiên không thể vì bọn cầm đầu kia mà bỏ nhân dân Việt Nam. Đương nhiên ngân hàng Quốc Tế chấp nhận cho Việt Nam mượn tiền với điều kiện chính phủ phải thực thi dân chủ.

- Rồi chúng có thực thi dân chủ không? Việt Nam ngày nay có dân chủ không?

Ông Văn cười lớn chen vào :

- Bọn đó «ký thì ký»…nhưng chúng có bao giờ xem trọng chữ ký hay giao ước gì đâu?

Tuấn gật gật đầu, đồng ý với câu nới của bạn, nói tiếp :

- Nhưng mà Thủy đừng lo! Tiền ăn cướp của bọn chúng gửi trong các ngân hàng trên thế giới vẫn còn đó… Một khi dân chúng Việt Nam trong và ngoài nước chỉ mặt nêu danh bọn chúng, đưa chúng ra toà quốc tế về tội giết dân cướp của… thì chương mục của chúng ở các ngân hàng sẽ bị đóng băng. Và lúc đó số tiền khổng lồ kia sẽ được hoàn trả cho nhân dân Việt Nam.

- Thủy rất mong ngày đó ...

- Đúng vậy! Vận mệnh ViệtNam nằm trong tay nhân dân Việt Nam. Chúng ta chờ đợi với niềm hy vọng…

Ông Văn nghe con gái bàn luận chuyện trò với Tuấn một cách tự nhiên, trong lòng hết sức vui mừng. Tự nhủ:

«- Thủy đã giáp mặt «thần tượng» rồi, con gái ông đã định tĩnh tinh thần rồi, trong lòng nó sẽ không còn rối loạn bởi tình si ảo mộng nữa! Ta không còn lo lắng gì nữa!

Sau bữa ăn Tuấn và Văn còn ngồi lại nơi phòng khách uống trà và hàn huyên. Trong khi Thủy dọn dẹp phòng ăn nhà bếp xong xuôi liền ra phòng khách chào cha và từ giã Tuấn để về tư phòng làm bài vở.

Nàng ngồi chống tay nơi bàn viết, mắt nhắm lại hồi tưởng giây phút đối diện với «thần tượng»… lòng cảm xúc bồi hồi.

Nét mặt đó… nụ cười đó… ánh mắt đó… Thủy không nhìn thấy hình ảnh người đàn ông ngang tuổi cha nàng, mà trái lại phong sương và tuổi đời dù có in vài nét nhăn trên trán, hay khoé mắt… càng làm tăng nét quyến rũ cùng cực của người đàn ông mà nàng hằng suy tôn!

Nàng lấy bút vẻ tranh, phác họa vài đường lên giấy… Phút chốc hiện ra hình ảnh người đàn ông nàng vừa đối mặt…

«Thần tượng» trong lòng nàng là thế đó… Một người đàn ông hoàn mỹ mọi mặt!

Chàng sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm trí nàng… Chỉ cần nàng nhắm mắt lại thì «thần tượng» sẽ hiện ra…

* *

Bên ngoài đôi bạn đã ngưng trò chuyện. Tuấn đứng lên ý muốn từ giã, rồi vỗ vai bạn nói:

- Để «moi» đón taxi về khách sạn. Trời khuya rồi, «toi» không cần phải lái xe đưa «moi» đâu!

Không chờ bạn đồng ý hay không, Tuấn quày quả đi ra ngõ… Cùng lúc ấy ngoài đường có một taxi chạy trờ tới…

Tuấn đón taxi, ngồi vào trong xe, sau khi phất tay chào bạn lần chót. Người tài xế rồ máy chạy đi… Văn trông theo taxi cho đến khi không còn trông thấy bạn mới quay trở vào nhà. Nhìn thấy tư phòng Thủy không còn đèn, Văn nghĩ con gái đã ngủ. Ông nhẹ bước về phòng riêng, trên môi điểm nụ cười, nói một mình:

«- Giáp mặt Tuấn rồi, tâm tư Thủy chắc đã giải toả rồi! Vậy nên dù con gái ta có yêu Tuấn, cũng chỉ là yêu một thần tượng mà thôi!

 

Huỳnh Dung

 

[1] Danh gọi «CộngSản» là «CướpSản» do tiến sĩ TrươngAnhTuấn, nhân vật thần tượng trong câu chuyện này, đặt ra. Độc giả sẽ nghe tiến sĩ Tuấn giải thích rõ ràng khi đọc ở đoạn sau.

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC