TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 


Vừa nhẹ tay khép cánh cửa, ông Tân bước vội vô phòng tắm. Sau khi cả ngày làm việc ngoài trời với sức nóng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại, đứng dưới làn nước mát tuôn ra từ bông sen, không có cảm giác nào sinh thú hơn. Không có vị bác sĩ nào phát minh được những phương cách giữ gìn sức khỏe tuyệt vời như sự làm việc. Đa số người ta muốn có thân thể cường tráng nhưng ngại ngùng làm những công việc hoạt động chân tay ngoài trời, ông nghĩ, nhất là vào những khi thời tiết nóng cháy. Có lẽ người ta đã vô tình không nhận biết sự làm việc chân tay là hồng ân để con  người có được sức khỏe bền bỉ. Dân Việt có câu nói, "Mồ hôi nước mắt." Nhờ sự làm việc ngoài trời nhân lúc đang bận tay vướng chân mà mồ hôi thấm nhòa cả mắt, ông Tân cảm nghiệm được không phải phi lý mà nơi ngôn ngữ mình có câu nói nghe bộ thông thường nhưng muốn cảm nhận được thực thể câu nói phải cần có cơ hội đối diện nghiệm chứng.

Có lần, vì đã mấy tháng trời không ghé qua miếng đất, mới chỉ làm việc mười lăm phút ngoài trời giữa khí hậu oi ả, ông cảm thấy mệt phờ người. Ghé vô bóng mát một tàn cây rậm, ông ngả người nằm dài trên đám cỏ mới cắt tính toán những công việc phải làm cho xong, ông chợt hiểu câu nói, "Nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn." Thế ra người xưa để lại những câu nói thâm trầm nghe vậy nhưng không phải vậy. Cũng có thể, "Hay làm thì giàu, có chí thì nên," dẫu chưa chắc hay làm đã là người giàu có, nhưng chắc chắn "Tay làm hàm nhai, tay quai, miệng trễ." Người thấy việc quá nhiều làm hoài không xuể tất nhiên không có giờ lo nghĩ sẽ ăn uống gì, lại bị cho rằng tham việc; trong khi kẻ chẳng có việc gì làm, túng bấn, lo lắng không biết lấy gì để sống lại bị gọi tham ăn. Đã không có đủ ăn vì thất nghiệp sao có thể gọi là tham. Thêm vào đó, kể từ sau cơn bão Katrina, mỗi khi ngẫm nghĩ về giá trị cuộc sống, ông Tân cảm thấy cuộc đời mình khá may mắn dẫu đã bao lần cố suy tư tìm hiểu tại sao mình được sinh ra là người Việt Nam, có cơ hội sống trên đất Mỹ. Cố dùng mọi lý do hoặc suy luận thì kết cuộc vẫn không lập luận nào đứng vững có thể minh chứng một cách xác đáng, và lần nào cũng thế, câu kết luận vẫn chỉ là phận số.

Nhưng nói rằng phận số thì nó tự đâu ra? Đối với những người có cuộc sống chẳng may, lầm than vất vả, dẫu chắt bóp đến mấy cũng vẫn không đủ ăn đủ mặc, phỏng câu trả lời phận số chỉ là lối giải đáp cho qua hầu con người yên lòng chấp nhận thay vì đay nghiến tâm tư do nỗi bất bình thân phận không phương giải thoát. Nói theo cụ Nguyễn Công Trứ, "Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc," thì, "Người quân tử ăn chẳng cầu no... Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch" phỏng có thể tri túc trong mùa đông tháng giá nơi "khách sạn ngàn sao" hoặc đôi khi mưa rơi trong nhà nặng hạt hơn ngoài trời! Quân tử hay tiểu nhân khi rơi vào hoàn cảnh đã đói lại gặp thêm lúc trời đất giá rét, có tri túc thế nào chăng nữa cũng chẳng thể chi ngăn cản cảm giác khốn khổ đói rét áp đặt nơi thân xác con người. Dĩ nhiên, "Trói lại mà đánh khen hay chịu đòn," chẳng gồng mình chịu đựng, đâu ai có thể thay thế. Nói hay, khuyên giỏi, nào cầu thần, khấn thánh chắc chắn thua chén cơm nguội và chiếc áo lạnh. Dẫu các thày lý số cũng đành chấp nhận, "Số khó làm chẳng nên giầu" thì cho dù học hành, nghiên cứu đến mấy, thày, bà nào ăn nói có thiêng đến đâu đều không thoát, "Số cô, cô để cho ruồi nó bâu." Và điều được gọi là phận số, chẳng chứa  đựng lý lẽ nào thực tiễn dẫu bao công lao nghiên cứu của các bậc thức giả tạo dựng nên môn lý số, vẫn luôn ngự trị nơi đầu môi chót lưỡi con người. Không ai hiểu được phận số của mình thế nào; chẳng ai giải thích căn nguyên, lý lẽ để có thể tìm hoặc đề nghị phương sách giải quyết số khó trở nên giầu có, thế mà nó vẫn ngang nhiên tồn tại từ thời đại này qua thời đại khác, và có thể nói ai cũng mang phần nào tính chất môn đồ của nó mặc dầu bao nhiêu người hy vọng, "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" (Kiều).

Sách tướng diện dạy, "Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt," có thể phù hợp và phát sinh lời khuyên nơi câu Ca Dao, "Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon." Nơi sách Tử Vi có câu, "Đức năng thắng số," hoặc Kiều, "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" trong khi Ca Dao nhắc nhở, "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần." Đa số người ta thường cho rằng chữ "Tai" ở đây là tai họa hay tai nạn nhưng những người có tài chưa chắc đã gặp lắm tai họa bởi chỉ, "Bần cùng sinh đạo tặc" mới gặp lắm phiền hà chứ những người có tài thường được trọng dụng, ngoại trừ những ai tưởng rằng mình có tài nhưng sinh bất phùng thời. Xét thế, phận số may ra mang ẩn ý chuyện trời đất chất chứa lắm thứ nghịch thường, không thuận theo ý muốn con người, và nếu muốn giải quyết những chuyện được gọi là tai họa xảy đến cho mình thì phương cách đúng đắn nhất lại là "Đức," con đẻ của cái "Tâm." Nghĩ thêm, được gọi là đức, tâm ý ngay lành, thì đã là ý tất nhiên vẫn là dục nếu nói theo nhà Phật và đã là dục vẫn là ý nghĩ loài người nên bị mệnh danh là quỷ vương, Satan. "Xéo đi sau ta, hỡi Satan, vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người" (Mc. 8:33). Vậy thì "Đức năng thắng số" và "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" lấy lý do gì để đứng vững? May mắn, nơi Kinh Thánh có câu, "Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho  người ta như thế. Lề luật và các tiên tri là thế" (Mt. 7:12). Theo từ chương, thực hiện những điều tốt lành thường hay bị mang vạ chứ những quân ma giáo, mưu đồ, nào ai biết đấy là đâu nên họ sung sướng an hưởng những gì đạt được (Satan). Đàng khác, giả sử mời khách đến dự tiệc, mọi món đều bỏ ớt cay xé cả lưỡi thì chỉ ngồi đó mà khóc vì khách không thể ăn cay như mình. Cho nên chỉ còn cách hiểu, "Làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình" mang nghĩa, "Ước muốn cho người khác những gì thì chuyện đó sẽ xảy đến nơi chính mình," mới hợp tình hợp lý và hợp với thực thể quyền lực tối thượng đang hoạt động nơi mình, nơi mọi loài mọi vật. Khi xử dụng ý nghĩ, ước muốn ước mơ, tất nhiên xử dụng quyền lực tối thượng hiện diện nơi mình.

Thế thì "Cái đức" là ước muốn, ý nghĩ tốt lành cho người khác trong khi ước muốn cho mình thì lại chính là lòng ham muốn, "Cái dục." Ông Tân thầm nghĩ khi nâng ly rượu nhấp ngụm nhỏ, mông lung nhìn cây pecan sau nhà đã xum xuê cành lá, chín tháng sau cơn bão. Sau thời gian hoạt động ngoài trời, làn nước mát tẩy sạch những cặn bã tích tụ nơi cơ thể được thải ra qua mồ hôi, nhâm nhi ly rượu thuốc khiến lòng ông dâng niềm khoái cảm.

Cây pecan cao lớn bị gẫy mất mấy cành. Hôm bão thổi tới, ông Tân ngồi  nhìn cảnh biến chuyển của cây cối sau nhà. Mưa liên tiếp rơi, khi lất phất, lúc nặng hạt trong khi những luồng gió ồ ạt, vũ bão quật ngã cây cối. Những cây thông đâu có bao nhiêu cành lá nhưng bị cái tội cao lênh khênh, chót vót nên lớp thì gãy ngang, lớp trốc gốc. Người ta nói, "Trèo cao ngã đau" nhưng trong cơn bão thì càng cao càng bị gió quất bạo. Có cây thông đứng riêng một mình, vươn lên giữa đám tạp nhạp thấp lè tè nên không bị rống, gốc to cả quầng vì có lần ông Tân đo thử, nên không cao lắm, tha hồ vươn cành lá. Chợt nghe có tiếng đập lớn vô nhà kèm theo luồng gió thổi qua phòng ngủ vang lên tiếng dập cửa dữ tợn, ông vội rời ghế quan sát. Cành cây sồi gần góc nhà bị gió quật gãy, đập bể miếng kiếng. Kiếm miếng dán ép chận vô lỗ trống và trở ra phía sau nhìn cảnh trời đất quằn quại trong cơn giông, đang dợm ngồi xuống ghế, ông chợt thấy cây thông xum xuê từ từ ngã theo làn gió, đè bẹp nhà kho chứa đồ làm vườn. Coi bộ nó ngã nhẹ nhàng nhưng vì quá nặng nề, chiếc nhà kho tí hon không đủ sức gồng mình chống trả, đành chịu trận với phận số thấp cổ bé miệng. Tanh bành!

Những cành pecan vươn dài xiên lên trời, xum xuê một màu xanh mát trông rất đẹp mắt. Có điều mấy cành mọc ngược với chiều gió đều bị quật gãy. Gió tàn bạo xoay, xoay theo chiều cơn bão chẳng khác chi dòng đời quật ngã những gì bị coi không phù hợp với dòng sống nhân loại. Chẳng lạ gì, những chi cổ hủ hoặc bất cứ nhận thức nào đi trước thời đại đều bị những quan niệm hoặc chiều hướng nhất thời dập vùi, "Chúng khẩu đồng từ, sư ông cũng khốn." Thế mới hay, con người ai không muốn tự do nhưng lại dùng quyền tự do nhận thức hùa theo ý thích nhất thời bởi hoặc không nhận biết thực thể chính mình, hoặc muốn trở nên những gì không phải là mình, do đó a dua cho có vẻ ta đây hợp thời, hợp cảnh, kết quả của sự lười biếng suy tư nên đã tự khép mình vào tròng nô lệ mặc cảm tự ty. Không suy tư, chỉ sống sao cho giống người chung quanh tất nhiên trở nên tôi mọi cho những trào lưu đương thời. Có căn nhà đồ sộ, đẹp đẽ là chuyện dễ nhưng sắm sửa đồ đạc cho xứng với nét kiêu sa, lộng lẫy của căn nhà đành chấp nhận đau lưng trả nợ. Mà nào ai thấu cho nỗi khổ được che dấu phía sau vẻ hào nhoáng, thanh lịch.

Chấp nhận rằng cuộc đời là thế và con người là thế thì lại chẳng khác gì nhắm mắt bước đại, than rằng mặt trời không chịu chiếu sáng để mình bước xuống hố, và nếu chỉ lo sao đạt được những chi mình ước muốn vì ai có phận người nấy thì đâu cần biết tại sao mình được sinh ra, đâu cần tự hỏi giá trị cuộc đời là chi, mình sống để làm gì. Xưa nay, nay xưa, cứ như một thông lệ, đời ông cố ông kỉnh than vãn, nghi ngờ thế hệ ông cố nội, bà cố ngoại. Thời ông bà cố nội ngoại kêu ca thế hệ tiếp nối. Và thế hệ ông bà lo lắng, ưu tư về thế hệ các con, các cháu, nhưng thử nhìn lại cuộc sống ra sao! Ít nhất mỗi ngày nó một khá hơn ngoại trừ những trường hợp riêng lẻ đặc biệt. Những gì ngày xưa được ca tụng giờ đi về đâu và coi chừng điều bị kết án hoặc cho rằng viễn tưởng thời trước lại là sự thường tình hôm nay. Dòng đời thay đổi tất nhiên con người thay đổi bởi thế nhận thức cũng cần được đặt lại vấn đề. Yên ngủ, bám víu những gì đang được thụ hưởng có lẽ là phương pháp tuyệt vời nhất để giới hạn chính mình, biến mình thành nô lệ thói quen, quan niệm hay ý thích.

Nhớ lại mấy ngày sau khi cơn bão mới xảy ra, những chiếc xe nối đuôi nhau cả dặm để lần lượt mua được hai chục bạc xăng. Có những người phải xếp hàng hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ. Mỗi ngày, một chiếc xe tải mười tám bánh chở đồ tiếp tế không biết từ đâu tới, người ta thi đua khuân vác, nghe đâu có những gia đình chứa đồ tiếp tế có thể dùng đến ba năm sau mới hết. Rồi lắm kẻ hằng ngày lo kiếm nước đá. Đến khổ, tốn giờ đợi chờ dưới trời nắng chang chang để mua xăng chở những bịch nước đá về hầu có nước ngọt mát lạnh uống, bởi đã quen thói uống đồ lạnh. Nhìn những cảnh đợi chờ mua xăng, những thân xác mồ hôi nhễ nhại bê từng bịch nước đá chất vô thùng xe, ông Tân thầm nghĩ, dù nước đá mát lạnh đến đâu cũng không thể so sánh với năng lực tiêu pha dưới sức nóng lại tốn thêm tiền xăng và thời giờ chầu chực. Thà rằng không uống lạnh đỡ phiền hà hơn.

Lòng ông dâng lên niềm cảm mến cảnh khốn khó thời xưa. Bao nhiêu năm tháng, từ ngày lọt lòng mẹ tới lúc lớn khôn, gia đình ông đâu cần điện đóm để nấu cơm, thế sao vẫn không bị ăn gạo sống. Thì cứ coi như mình có cơ hội sống lại thời xưa, ngày cũ, ông thầm nghĩ. Đất đai, khí hậu thuận tiện trồng cấy cà phê, và có cà phê xuất cảng, trong khi uống cà phê lại là xa xỉ. Ngày ngày thả chiếc gầu xuống giếng cạn múc nước tắm, giặt, nấu ăn, chẳng cần điện đóm mà có bao giờ thiếu nước đâu. Sống nơi một đất nước văn minh, vừa mới cúp điện, tất cả đều ngừng trệ. Ah! Thì ra văn minh hàm chứa ý nghĩa lệ thuộc, chẳng khác gì ngôn từ "Credit" đã biết bao người bị lừa, còng lưng trả tiền lời cho người khác hưởng, cũng chỉ vì muốn trở nên văn minh giống bao kẻ chung quanh. Mua bộ salon bọc da mới sang; chưa có tiền thì mua bằng credit card. Nghĩ đến đó, ông Tân mỉm cười ngộ nghĩnh đặt vấn đề, không hiểu con khỉ ngồi nơi bộ salon bọc da có thể có tư cách của con người ngồi nơi bậc hè chăng!

Ông lấy mấy tấm thiếc bão thổi bay từ đâu đó rơi vô mảnh vườn phía sau lợp chiếc giại ông dùng mấy thanh gỗ nối vô vách, đặt chiếc kiềng luộc crawfish bên tấm tôn chắn cách tường, và vơ mấy cành cây khô gãy, nhóm bếp đun nước pha cà phê, lòng thầm nghĩ, không có điện thì ta dùng cành cây khô nấu ăn hồi tưởng lại thời xưa cũ. Nghĩ đến thời ngày xa xưa, lòng ông mang nỗi nhung nhớ, cảm kích, và xót thương lẫn lộn. Hai mươi lăm năm, mới đó mà đã một phần tư thế kỷ; những hình ảnh ngược dòng quá khứ khơi lại nơi tâm hồn khiến ông bùi ngùi thương cảm. Những sáng cắp sách đến trường, thày giáo, bạn bè con nít, những trò chơi đánh khếch, đánh quay, đẽo quay vết thẹo còn mờ mờ nơi ngón trỏ phải, rồi thả diều, chia phe oánh lộn, sợ thày giáo dữ không dám nhảy lớp ở nửa năm cuối lớp tư được chuyển lên lớp ba, những khi tắm suối về nhà bị đòn, những lần mò cua, bắt ốc, vác củi về nấu bếp, bạn bè thơ ấu nay ra sao.

Hai mươi lăm năm ông chưa một lần về thăm lại quê xưa, chốn cũ. Nhiều lần ông đã phải tự nhủ, về thăm phỏng được ích gì, thì cứ coi như đã về và tốn một số tiền di chuyển, để tiền này giúp những em nhỏ không có cơ hội tới trường có  sách để đọc. Và điều mơ ước đã thành hiện thực đã hơn mười năm. Cứ mỗi năm, một nơi cho mượn sách có được năm mươi em tới mượn, mỗi em nhỏ đọc được mười cuốn truyện, hơn kém hai trăm chỗ cho mượn sách trong mười năm. Mười năm, mười ngàn em có thói quen đọc sách và khi các em lớn lên đã quen thói đọc sách sẽ tự kiếm sách để đọc, không ai có thể lừa dối, tuyên truyền bậy bạ hầu ngu dân để trị như những thời đã qua. Con người thay đổi, xã hội phải thay đổi. Thì cứ tính mỗi năm về thăm quê hương một chuyến và quên nó đi, chuyện đến sẽ phải đến. Ngọn lửa đun bằng cành cây khô hình như cố ghi lại khoảng mầu đen tràn quanh thành ấm nước, nhắc nhở tâm trí ông nhớ lại hình ảnh những nồi cơm nóng hổi ngào ngạt mùi gạo mới của những mùa gặt, những tô canh chua cá nấu với dấm mẻ, những đĩa rau diếp hay rau muống thái nhỏ, hoặc canh rau đay riêu cua rốc. Ông Tân khép nhẹ đôi mắt thầm tưởng nhớ. Một năm, giỏi lắm được bốn hay năm lần ăn thịt gà, một hoặc hai lần thịt thỏ, thịt heo luộc may ra một tháng một lần và thường thì kho mặn. Mấy chục năm hình như có được hai hoặc ba lần ăn thịt bò "steak," và có thể cũng vì lẽ ấy mà ông nghiệm ra được câu ca dao, "Đầu ngòi có con ba ba, kẻ gọi con trạnh, người la con rùa," đã không nói gì về thứ bốn chân lội nước mang mu trên mu dưới mà nói về sự hợm hĩnh, xảo trá của những kẻ mị dân. Có thể nói, ông nghĩ, cuộc sống khổ cực là kết quả của sự thiếu hiểu biết, thiếu nhận định, kém thức thời mà ra.

Tai nghe tiếng nước reo; mắt nhìn ngọn lửa liếm quanh chiếc ấm như cố in đậm màu đen càng nhiều càng tốt, ông Tân nghĩ, mình nên biết ơn cuộc sống khó khăn khổ cực trong quá khứ vì nhờ nó mình không phải đi bác sĩ hút mỡ bụng, không phải kiêng cữ. Khổ nỗi, sống ở nơi hằng ngày cơm canh, rau, cá kho mặn thì ước mơ thịt thà, đến lúc bị ăn thịt thay cơm mới hiểu được lời thâm trầm cổ nhân để lại nơi tục ngữ, "Già được bát canh, trẻ được manh áo mới." Sống ở chốn mà canh, rau, miếng cá mắc hơn thịt gà, thịt heo mới thấy nỗi thảnh thơi tâm hồn của cuộc đời khó nghèo. Nhớ lại có lần nghe ai đó nói, "Khó mà nghèo," ông Tân mới chợt nhận ra điều ẩn ý của câu nói nghịch thường. Thế mới biết, không trải qua, không có cơ hội thực nghiệm hay nghiệm chứng để rồi chỉ quen thói nghe sao biết vậy và cho rằng sự khôn ngoan nơi cuộc sống chỉ là những gì mình biết quả là quá thiển cận. Ý nghĩ này dẫn tâm trí ông liên tưởng đến câu nói, "Người tuyệt đối thông minh giống như ngu đần; kẻ ăn nói giỏi dang giống lắp bắp; và người tuyệt khéo giống như vụng." Ông giật mình; câu nói quá ư thâm trầm chẳng khác gì "Khó mà nghèo." Đã bao lâu nay ông cứ tự thắc mắc tại sao người tuyệt khéo phải tỏ ra giống như vụng, và đã tuyệt khéo sao có thể tỏ ra vụng và tại sao phải tỏ ra vụng. Nói rằng thái độ con người nên biết khiêm nhượng thì chẳng lẽ khiêm nhượng là sự trá hình hoặc cố ý lừa thiên hạ. Đặt vấn đề như thế, lòng ông ấm ức mãi. Nhờ có cơ hội nhận biết hoàn cảnh sống khác biệt nơi cuộc đời, nơi trường hợp muốn có cũng không được món canh rau đay cua rốc, hoặc cá lẹp nấu mẻ, hay bông chuối xào ốc ao, ông nghiệm được câu nói, "Khó mà nghèo," dẫn nhận thức của ông nghiệm được lời nói thực tế nhưng vì không để ý trở thành quá ư nghịch thường, "Người tuyệt đối thông minh giống như ngu đần; kẻ tuyệt khéo giống như vụng." Thế ra, vì không hiểu người ta nói gì nên cho rằng họ ngu đần. Ôi! Ông Tân thở dài, như vậy cuộc đời mình đã bao lần bỏ lỡ cơ hội. Âu cũng là cái tội ếch ngồi đáy giếng. Ông lẩm bẩm, vậy tại sao lại có câu, "Ông bẩy mươi học ông bẩy mươi mốt." "Chữ tài liền với chữ tai một vần," có tài tất nhiên bị ghen tị hoặc không được nhận biết cũng sinh lắm phần đàm tiếu. Có tài lại cần có chiếc tai biết chấp nhận nghe phê bình lung tung. Ông bảy mươi học ông bảy mốt coi chừng lại mang nghĩa "Ôn cố nhi tri tân,"  nhận biết sự thể đã qua để nghiệm chứng sự việc sắp tới. Ông 71 có lẽ mang ý không cần học gì thêm. Người khôn học kẻ dại vì đã dại, kẻ tự cho mình là cái rốn của vũ trụ thì đâu cần học ai. Ý nghĩ này khiến ông nhớ lại thời năm mươi của những ngày di cư từ Bắc vào Nam, ông cảm thấy hơi ngượng ngùng.

Từ ngày di cư, sống dưới mái những chiếc "tằng kaki" cho tới vài năm sau, các vùng dân di cư được cấp phát những hộp sữa bột, "cheese," gạo. Dân ta đem sữa, cheese nuôi heo hoặc bán rẻ cho người nuôi heo. Ông Tân còn nhớ, ngày ấy cầm miếng cheese màu vàng đậm ăn mà ngao ngán, không thể nuốt được. Qua những lần tham dự tiệc tùng của người Mỹ sau này, ông mới nhận ra chính do thiếu kinh nghiệm và không nhận xét, người dân di cư thời năm tư đã chẳng thể nào sử dụng thiết thực lợi ích được dành sẵn. Những đĩa cheese được cắt sẵn thành từng miếng vuông cỡ đầu ngón tay hoặc thái thành lát mỏng, ăn một đôi miếng thì ngon, nhưng ngày ấy vì không hiểu cách xử dụng, ăn nhiều một lúc nên chỉ đôi lần, trông thấy cheese đã sợ, sợ vì ngán tới cổ do quá nhiều chất béo. Sữa bột pha nước sôi uống, bụng dạ chưa quen khiến khó chịu, sinh phiền hà, và thế là chỉ béo đám heo. Trong lúc thiếu thốn từ miếng ăn, quần áo mặc, và cũng chỉ vì không nhận biết cách thức xử dụng, người ta đã phải khốn khổ tìm kiếm thực phẩm quen ăn. Cổ nhân nói chẳng sai, "Vô tri bất mộ." Có trường hợp cũng chỉ vì hiểu lầm thế nào đó cộng thêm tự ái vặt cá nhân, mấy trăm bao gạo để phát cho dân đã bị để mốc meo, bán rẻ cho heo ăn trong khi mọi người thiếu thốn lo chạy ăn từng bữa. Nhìn cây cối tan hoang nơi vườn lúc lòng dạ tưởng nhớ những sự thể mấy chục năm trước, ông Tân tự hỏi có cách nào giúp con người khỏi phải trả giá những lỗi lầm, thiệt hại do thiếu hiểu biết, nhận thức. Dĩ nhiên, kinh nghiệm nào không phải trả giá và không kinh nghiệm nào nơi cuộc đời lại xảy đến gìống bất cứ trường hợp nào đã qua do khác môi trường, hoàn cảnh, hoặc điều kiện cá biệt. Tuy nhiên, ông nghĩ, chẳng lẽ con người được sinh ra để bị đày ải. Lời thơ của cụ Nguyễn Công Trứ trở về nhắc nhở, "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì."

Nhớ tới ngày xưa gợi lòng ông suy nghĩ về bối cảnh hiện thực. Biết bao người chết vì con nước dâng cao tràn vào đất liền. Ông Tân thầm nghĩ, người ta chết nhiều nơi cơn bão Katrina nhưng nguyên nhân lại chính là coi thường, thiếu nhận định, đem rượu mới đổ bì cũ. Cơn bão Denis đi qua Texas gió mạnh cấp bốn và di chuyển khá nhanh nên sự tàn phá gây thiệt hại không chi đáng nói nếu so với những cơn bão khác. Chỉ ít bữa sau, cơn bão Katrina ập tới cũng với luồng gió cấp bốn nhưng đường kính chuyển vận 150 hải lý đồng thời sự di chuyển khá chậm, đôi khi không di chuyển một đôi giờ, và thế là nước dồn lại đẩy vào bờ có những nơi sóng nước cao tới hơn kém mười một mét (32 feet). Những vùng dọc theo duyên hải bị sức nước quét thành bình địa, những khách sạn, khu buôn bán, nhà cửa, cao ốc chỉ trong một vài giờ theo chân thần sóng Katrina biến mất khỏi mặt đất, trôi đi đâu không biết; phần còn lại chỉ là đống gạch vụn, đến nỗi chân bê tông cũng bị lột ngược lên. Tất nhiên, những gì không di chuyển được đành phải chịu trận, tanh bành, không viên gạch nào chồng lên viên gạch nào. Dùng kinh nghiệm về bão tố của những lần xảy ra nơi quá khứ và đặc biệt về cơn bão Denis để rồi không tưởng tượng nổi sự tàn phá ngàn năm một thuở của Katrina, nhiều người đã chết đuối, mất cơ hội nghiệm chứng câu nói, "Người ta không lấy rượu mới đổ bì cũ," hoặc, "Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ" (Mc. 2:21-22), hay, "Kẻ nào tra tay cầm cày mà quay trở lại thì bất kham với Nước Thiên Chúa" (Lc. 9:62).

Mấy hôm trước ghé qua miếng đất hai chục mẫu mà lòng ông cảm thấy chán ngán. Bao công lao xây dựng, chắt bóp cố công chuẩn bị cho những ngày sau này, lỡ phải sống lâu, may ra có được chút ít đủ chi dụng nơi hoàn cảnh già yếu. Bùn xình sền sệt ngập bên trên mắt cá chân. Hai căn nhà tiền chế (trailer) tan tành, chiếc ao mười mẫu, cá mú đi sạch, và nay trở thành nước mặn. Mười năm gom góp, ba ngàn sáu trăm năm chục ngày ký cóp chuẩn bị, nay tiêu tán đường. Chắt bóp từng xu để mất bạc ngàn, ông lẩm bẩm, lòng chùng xuống vì phận số. Nhưng không sao, ông tự an ủi, hãy còn có để mà mất. Bao nhiêu dân bản xứ, sinh trưởng nơi đất này với đầy đủ nếu không muốn nói là thừa thãi cơ may để thăng tiến nhưng cả đời vẫn ở nhà thuê, chỉ một đôi tháng thất nghiệp là đã trở thành tay trắng; xe bị kéo, nhà cửa bị tịch thâu. Chẳng những thế, đâu phải vô tình đã có câu, "No money no honey." Thất nghiệp, nhà cửa, tài sản ra đi, và bà xã cũng không thèm trở lại. Mình hãy còn may chán, ông tự nhủ.

Bài học nào không phải trả giá, và giá cả nào không làm người ta đau xót theo bản tính bình thường nhân sinh. Thiếu để ý, chiếc máy cày của ông Tân đã bị ngập nước mặn. Đem đến tiệm sửa, người ta đã cố tình kéo dài thời gian khiến không thể sửa được. Của mất ruột xót, thêm một bài học thua lỗ về chấp nhận cuộc đời. Và một chiếc máy cày cũ được kéo về đất. Một buổi sáng ghé qua, chiếc máy cày đã không cánh mà bay. Lời khôn ngoan nào giải quyết cho tâm tình bị mất trộm. Người này hỏi đã trình báo cảnh sát chưa; kẻ khác nói nên cho cảnh sát biết. Có lần trộm vô nhà vơ vét, gọi tới, gọi lui, ông cảnh sát lừng khừng mò tới, quệt quệt, bôi bôi, chùi tới chùi lui lấy dấu tay, và kết quả cũng chẳng biết gì. Lời Phúc Âm nhắc nhở, "Khi người ta kiện tụng con vì chiếc áo khoác ngoài thì hãy tặng luôn cho họ chiếc áo trong." Xảy ra sự kiện tụng, nhất định đã có chuyện tranh chấp, đôi chối, mà Phúc Âm dạy nên chấp nhận thua thiệt. Đàng khác, "Nếu kẻ nào vả má phải của con thì hãy để họ vả thêm má trái." Nói rằng chịu thua thiệt để những thứ người chẳng ra gì quen thói  làm bậy sẽ bị rơi vào trường hợp khốn khổ gấp trăm ngàn lần, quả là quá độc hại. Hơn nữa, nếu có ý nghĩ cho người ta như thế, tâm mình đã động, đã tạo dục và như thế tất nhiên điều chẳng ra gì sẽ xảy đến với mình vì chính mình đã kiến tạo nên vọng tưởng đó. Ông Tân lặng người. Nghĩ cũng khốn, ước muốn thỏa mãn ý thích của mình lại càng phiền. Sự việc đã như thế, thôi thì đành cấp nhận như vậy bởi, "Chạy trời không khỏi nắng." Sự việc đã xảy ra ngoài ước muốn, ý định của mình tất cũng có lý do mà mình không hiểu hoặc chưa đủ kinh nghiệm, nghiệm chứng để hiểu. Nói rằng cái hại nhỏ xảy đến để ngăn ngừa điều thiệt hại lớn lao hơn đang trờ tới. Lấy gì minh chứng vì chuyện chưa đến ai có thể nói. Vấn đề được đặt ra lại là những người ăn cắp đó nghĩ gì; hoàn cảnh nào đã kiến tạo nên những con người như thế, và cuộc đời họ sẽ đi về đâu! Ông Tân nhớ đến chuyện một người bạn bị mất con chó. Đôi lần ông ta tỏ ra ưu tư vì thương hại cho người ăn cắp chó. Mới tháng trước ông ta đưa chó đi chích ngừa, vô tình không biết ăn thịt nó sẽ sinh bệnh. Điều nguy hại xảy đến như kết quả của sự thiếu hiểu biết. Con người kể cũng đáng thương.

Nơi một đất nước trù phú, đầy đủ phương tiện và cơ hội cho con người thăng tiến, vẫn có những người không muốn vươn lên hoặc cố tình làm những điều xằng bậy. Nói rằng phận số định cho họ như thế thì căn cơ nào nơi một người tạo nên phận số của họ. Lại có những lý thuyết nhai đi nhai lại, con người chỉ là tổng hợp của những thành phần ngũ đại, kim, thủy, mộc, hỏa, thổ, vậy những ước muốn, ý nghĩ, tham vọng ở đâu ra. Con mắt sao có thể nhìn; tai sao có thể nghe vì biết bao người mắt sáng, tai thính, sau khi được gọi là chết, cặp mắt hết nhìn; tai chẳng thể nghe. Con người quả là huyền nhiệm nhưng đã biết bao người, trải qua bao thế hệ đã vẫn còn ngang nhiên chấp nhận mắt nhìn, tai nghe!

Những thành phần nơi một người chỉ là phương tiện cho sự thể nào đó hoạt động, tạm gọi là hồn, ông Tân trầm ngâm. Vậy thì cuộc đời là môi trường hay phương tiện hoặc tạm gọi là cơ may cho hồn con người học hỏi những bài học cần phải học. Bài học nào mình cần học và làm sao có thể biết, ông Tân đặt vấn đề. Có câu nói, cuộc đời sẽ dẫn dắt con người với lòng chân thành muốn thăng tiến đi đúng con đường họ phải đi. Vậy phỏng cuộc đời là phương tiện tạo dựng phận số! Ông lơ đãng nhìn bầu trời. Hôm nay trời trong xanh; mai u ám. Ngày nào đó cả vũ trụ này rồi cũng qua đi, mình còn lại gì, nhưng chắc chắn mình qua đi trước. Cổ nhân để lại, "Tam thập như lập, ngũ thập tri thiên mệnh." Nói rằng biết việc trời thì cũng chẳng thoát khỏi án tử đã kè kè ngay từ khi một người được sinh ra. Thế thì tri thiên mệnh phải là biết chấp nhận thân phận con người còn nhiều điều chẳng bao giờ có thể biết mà an vui với hiện tại. Với cuộc sống khó nghèo quá khứ, nay mình không phải ưu tư về thân xác mập mạp, áp huyết cao hay bệnh tiểu đường thì hãy còn hạnh phúc chán. Hoặc là mình không biết nên cảm thấy hạnh phúc. Ông Tân cảm thấy mình lẩm cẩm lặp lại câu nói, "Người tuyệt khéo giống như vụng."

LMT

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC