TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Mùa đông lại trở về với Cornwall, một làng quê hẻo lánh nơi Duyên cư ngụ.  Liên tiếp mấy ngày nay, mưa tuyết rơi tầm tã; những bông tuyết vờn bay theo ngọn gió đông se sắt lạnh.  Từng con đường, từng mái nhà, từng hàng cây trơ cành ..., vạn vật được bao phủ bởi một màn tuyết trắng dầy đặc.  Rặng thông trên con đường Country Club dẫn đến nhà Duyên được viền bằng những mảnh tuyết trắng  nổi bật trên những cành thông xanh lá.  Cái lạnh tê buốt ở xứ ngườI làm nàng nhớ nhiều về những con đường quê hương nắng ấm chan hòa và thắm thía nỗi buồn cô đơn của kẻ tha hương.  Vậy mà hôm nay,  Duyên phải đi tham dự lớp tu nghiệp ở trường UConn.  Mỗi năm Duyên phải lấy 15 tín chỉ trước cuối năm để được Hội Đồng Dược Khoa tiểu bang cấp giấy hành nghề cho năm tới.  Năm nay, còn thiếu 2 tín chỉ nên dù không muốn Duyên cũng phải cố gắng tham dự.

         

  Trời lại tiếp tục mưa tuyết, những bông tuyết chao lượn trong không gian làm Duyên không thấy rõ hướng đi, chiếc xe nàng lái, chầm chậm lăn bánh trên con đường trơn trợt, trắng xóa vì nhiều lớp tuyết.  Ra khỏi xa lộ 84, nhìn đồng hồ thấy vẫn còn đủ giờ, Duyên thấy an tâm hơn, bấm nút cho chiếc ghế hơi ngả về phía sau, nàng sửa lại dáng ngồi cho thoải mái và cất tiếng hát theo người ca sĩ trong CD, ‘’Tháng sáu trời mưa, mưa ướt mềm vai em.  Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan ...’’  (1) .  Để hồn hoà vào bản nhạc tình lãng mạn Duyên quên bẵng thời gian.  Đến khi thấy thư viện trường, cao ốc sáu tầng lầu sừng sững hiện ra trước mắt nàng  mới sực tỉnh, và biết mình đang lái xe ngang qua trường Dược.  UConn là trường Duyên theo học ròng rã năm năm trời nên nàng rành rẽ từng con đường nhỏ.  Lái vòng quanh campus một lúc mới tìm được chỗ trống để đậu xe.  Sau khi khóa xe cẩn thận, Duyên đi vội qua trạm xe để đón shuttle bus tới nơi họp.  Dọc theo hai bên đường có nhiều sinh viên co ro trong chiếc áo chòang mùa đông dày cộm, khăn quàng, giầy cao  ống, túi đeo trên vai nặng trĩu sách vở, đang vội vã đến lớp.  Duyên chợt mỉm cười vu vơ khi nhớ đến hai hình ảnh mà chính mình đã sống qua, một sinh viên Việt Nam áo dài tha thướt, khoan thai từng bước đi; môt sinh viên Hoa Kỳ với trang phục nhiều lớp, dầy cộm, nặng nề.

  Đến được phòng họp, Duyên tưởng đã trễ nhưng tất cả vẫn còn đang nhộn nhịp. Thấy Duyên bước vào, người hướng dẫn viên vui vẻ chào, đưa cho nàng bảng tên để gắn vào áo, một cặp giấy với những tài liệu cho buổi học.  Tự rót cho mình ly cà-phê nóng,  Duyên định đi một vòng tìm người quen thì đã thấy Kathy bước tới.  Với bản tính ồn ào, Kathy la lớn:   ‘’Ê Duyên, cuối cùng rồi mày cũng bò được đến đây,  tao tưởng mày ngủ quên rồi chứ .’’  Vừa nói vừa kéo tay Duyên, Kathy tiếp:   ‘’Lại đây, bọn mình gồm 6 đứa, chiếm trọn một bàn, có cả thằng Tom Poison Ivy nữa.’’  Duyên chưa đến nơi thì đã nghe các bạn nhao nhao:  ‘’Hi Duyên, morning Duyên, Hello Duyên ...’’   Tất cả đều làm chung trong bệnh viện Charllotte Hungerford với Duyên.  Nhờ tiếng cười dòn ran và những lời diễu cợt của Kathy và Lisa  mà cả bọn có những giờ học thật vui và 6 giờ đồng hồ qua đi dễ dàng. Thoáng chốc đã 5 giờ chiều,  mọi người hân hoan nhận tín chỉ, và nhóm Charllotte Hungerford Hospital hẹn gặp nhau ở quán Kathy Jones.  Duyên không đi với nhóm, vì trời đã sụp tối mà nàng còn muốn ghé Hartford mua cái CD mới ra của Ngô thụy Miên, và ít thực phẩm cho ba ngày tết.  Tết cũng gần đến rồi, mà sao nàng thấy lòng  dửng dưng.   Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết, những tiệm thực phẩm á đông đều bày la liệt những bánh chưng gói trong lá chuối xanh, câu đối đỏ, bánh mứt đủ lọai ... Nhưng lòng Duyên không xôn xao hớn hở như ngày xưa nơi quê nhà.  Phụ Má chuẩn bị làm bánh, kẹo, và mứt.  Mứt kim quất vàng óng mật ngọt, mứt xoài đặc biệt cho Ba, mứt me để biếu ngoại, mứt mảng cầu để biếu Nội ..., gói những đòn bánh tét thật tròn, băng chưng thật vuông.  Tất cả các tài khéo léo được mang ra để chuẩn bị cho ba ngày tết.  Rồi còn phụ Ba chăm sóc hàng mẫu đơn ngoài ngõ, tuốt lá bụi  mai trước  sân nhà;  mấy khóm thược dược, hoàng cúc, vạn thọ cũng được Duyên tưới nước, chăm sóc kỹ lưỡng ...  Đêm ba mươi hái lộc với ba má, mùng một đi chúc tết họ hàng, mùng hai theo bạn bè xuống chùa Vĩnh Tràng xin xăm, mừng vui nếu được xăm thượng, lo âu nếu bị quẻ hạ  ...  Còn đâu những ngày xuân chan chứa tình tự dân tộc !  Phải chăng Tết chỉ có đầy đủ  hương vị và ý nghĩa trên quê hương Việt Nam.

                  

  Trời sẩm tối, nhiệt độ xuống thấp, Duyên cố gắng bước tới nhưng cơn gió như đẩy nàng ngược trở lại.  Duyên co ro trong chiếc áo choàng dài, vòng tay trước ngực, đầu cúi thấp để tránh ngọn gió làm rát mặt, nàng bước thật nhanh trên con đường vắng.  Phải mất khoảng 10 phút cuốc bộ Duyên mới đến được chỗ đậu xe ban sáng.  Nhưng ô kìa !  Cái đầu xe của Duyên bị ai đụng bẹp nát, đèn bên phải cũng bị bể tung.  Nàng đứng bất động, bàng hòang nhìn chiếc xe.  Ai đã đụng vào xe của mình ?  Đụng bao giờ ?  Duyên tự hỏi và lính quýnh lục bóp tìm chìa khóa xe, gió cứ vô tình thổi mạnh làm Duyên muốn ngã qụy.  Tay run rẩy, phải khó khăn lắm Duyên mới mở được cửa xe, và cho nổ máy.  Tiếng máy chạy đều đặn làm Duyên cảm thấy an tâm đôi chút.  Không biết xe có an toàn để mình lái về đến nhà không?  Không biết mình có nên gọi cảnh sát không ?  ... Bao câu hỏi cứ ập tới, tự nhiên Duyên cảm thấy thật cô đơn và ước gì có một người bạn đồng hành.  Bây giờ Duyên mới chợt nhìn thấy mảnh giấy kẹp nơi cần quạt nước trên khung kiếng.  Mảnh giấy đã ướt sũng và nhầu nát, có lẽ ban chiều trời đã mưa.  Duyên vói tay mở đèn trên trần xe, cẩn thận mở tờ giấy được gấp làm tư, nàng vội vã đọc nhanh những hàng chữ.

          Dear owner,

          I accidentally backed into your car.  I called and reported the incident to the Campus Sercurity Office.  The officer came and wrote up the report.  I also waited for you here for a while but you didn’t show up.

Please contact Campus Sercurity Office to obtain information about me and my insurance.  You can also call me at: 860-496-1234.

          Sorry to cause you so much inconvenience

          Nhan Tran.

         

          ‘’ Nhan Tran hay Nhân Trần?  Trong một khuôn viên rộng lớn thế này, sinh viên Á Đông đâu có là bao.  Sao lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một người Việt Nam đụng xe một người Việt Nam trong bãi đậu.  Có thể nào đây là Nhân ? —không.  Không thể nào có một phép lạ như thế.  Đừng mơ mộng hão huyền, đã gần 25 năm rồi còn gì ! ‘’  Duyên miên man suy nghĩ, nàng lấy cái điện thọai trong bóp ra, lưỡng lự nửa muốn gọi nửa không muốn.  Dù sao thì Duyên cũng muốn biết ai là người đụng xe mình.   Cuối cùng nàng đã quyết định bấm 10 con số trên mảnh giấy vào điện thoại.  Chỉ sau một tiếng reng, Duyên đã nghe giọng nói bên kia đầu giây: ‘’Hello’’  Giọng nói rất trầm của một người đàn ông đứng tuổi.  Dường như ông ta đang nóng lòng, Duyên chưa trả lời thì người đàn ông lại lập lại: ‘’Hello’’. Duyên vội vàng đáp:

- Xin vui lòng cho tôi nói chuyện với ông Nhan Trần.

- Tôi tên Nhân.  Xin lỗi cô là ai ?  Giọng cô nghe rất quen, quen lắm.

Duyên cảm thấy thật hồi hộp và bối rối, nàng đã quên hết tất cả những điều

muốn nói và những câu hỏi cần phải hỏi, tim nàng đập nhanh hơn.  Đang lúng túng thì người đàn ông lại tiếp:

- Hello, cô còn đó không?

- Dạ, dạ ... Chào ông Nhân, tôi là người ..., tôi là chủ chiếc xe bị ông đụng.

- Xe của người Việt Nam!  Người đồng hương!  — ! Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Càng nghe người đàn ông nói, Duyên càng nhận ra những âm hưởng quen

thuộc, nhưng cùng lúc Duyên lại nghi ngờ thính giác và ký ức của mình, nàng mong ông ta cứ tiếp tục nói để nàng có đủ thời gian phân tách và phản ứng.  Người đàn ông nói tiếp, có vẻ ân cần hơn, như phân trần:

- Cô đừng lo, tôi đã báo cho bảo hiểm của tôi rồi.  Họ cần biết tên và số điện thoại của cô để dễ bề liên lạc. Cũng may cô đã gọi ngay, vì ngày mai tôi phải trở về tiểu bang của tôi, nếu không liên lạc được với chủ chiếc xe thì  tôi áy náy lắm.  Tôi qua Connecticut để sửa chữa hệ thống computer của trường UConn.  Công tác của tôi đã hoàn tất.  Lẽ ra tôi đã rời chiều nay, nhưng tôi trễ chuyến bay.  Tôi tên Trần Trung Nhân, xin cho tôi được biết qúy danh của cô.

Tai Duyên lùng bùng, nắm chặt chiếc điện thọai, nàng lẩm bẩm: Trần Trung

Nhân !  Nàng hỏi như thể xác định với chính mình:

- Ông tên Trần Trung Nhân ?

- Vâng, còn cô ? Mà cô có giấy bút đó không?  Tôi đọc cho cô số bảo hiểm của tôi.

- Tôi tên Vương Mỹ Duyên.  Khi còn ở quê nhà, có khi nào ông sống ở Mỹ Tho không?  Ông có học trường Nguyễn ...

Không đợi Duyên dứt lời, người đàn ông cắt ngang,  giọng đầy vẻ kinh

ngạc, ông nói nhanh:

- Đúng, đúng, Nhân bên Nguyễn Đình Chiểu, ở nhà trọ bên khu Nhà Đèn với Quy Ba, Tủng và Tài.  Vương Mỹ Duyên!  Vương Mỹ Duyên bên Lê Ngọc Hân phải không?  Ở trọ nhà dì Hai Ngọt đúng không?  Đúng rồi!  Thảo nào giọng nói nghe quen thuộc quá.

Vọng lại từ bên kia đầu giây, dường như có tiếng nấc nhỏ.  Nhân bàng hoàng, xúc động. Trong khoảnh khắc, cả hai như chết lặng trong sự ngạc nhiên.  Không che dấu được cảm xúc, Duyên nghẹn ngào đáp:

- Duyên Lê Ngọc Hân đây anh Nhân.  Gặp lại anh, Duyên mừng qúa, Duyên tưởng  sẽ không bao giờ còn gặp lại anh.

- Duyên đang ở đâu?  Anh có ...

Một ý tưởng thoáng qua làm Nhân lưỡng lự đôi giây, anh ngần ngại

tiếp:

- Anh có thể gặp Duyên được không? 

Duyên đáp nhanh gần như reo mừng.

- Duyên vẫn còn ở Visitor Parking Lot của trường.

- Anh sẽ đến ngay, anh đang ở khách sạn Marriott, không xa lắm.  Duyên lái xe đến thư viện và đợi anh ở bên trong thư viện cho an toàn.

  Duyên mỉm cười, lòng hân hoan như ngày hội, nàng nhủ thầm:  ‘’Vẫn

bảntính cẩn thận ngày nào của anh!  25 năm qua đi với bao thay đổi,  anh chắc già hơn trước nhiều!.  Duyên cũng thế, vầng trán nặng thêm nỗi u hoài.  Bao cam go, bao thử thách chất chồng, để rồi Duyên cũng mất tất cả.  Còn đâu Quê Hương yêu dấu với những chiều vàng nhạt nắng,  dạo phố trên đường Trưng Trắc, gió mơn man thổi từ sông Cửu Long vi vu qua mấy ngọn thùy dương .   Cùng bè bạn vào quán Mây Chiều ăn kem, nghe Khánh Ly hát nhạc  Trịnh Công Sơn.  Thành phố của Duyên và Nhân.  Tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một thời thanh xuân cũ.  Những kỷ niệm đó đã giúp cho Duyên tạm khuây khỏa những tháng năm cô đơn, phiền muộn nơi đất khách quê người. ‘’ Duyên đáp nhỏ :

- Dạ, Duyên sẽ đợi anh.

Giọng nói quen thuộc ngọt ngào, hình bóng Duyên đã  in đậm nét trong tâm tư Nhân.  Làm sao chàng có thể quên được suối tóc mây đen huyền, đôi mắt buồn mơ mộng với sóng mũi thanh tú, đôi môi chúm chím dễ thương trên gương mặt thon nhỏ có đôi má lún đồng tiền, vóc dáng mảnh khảnh gói ghém trong tà áo trắng học trò.   Hình dáng ấy đã mang đến cho Nhân một quãng đời êm đềm chan chứa những giây phút thần tiên.  Kỷ niệm chừng như đã ngủ yên trong quá khứ nay chợt bừng sống dậy

***

Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn ốc, về đồng ăn cua.(2)

         

Chợ Gạo là một quận nhỏ, nằm bên bờ kinh Chợ Gạo, bắt nguồn từ sông Cửu Long. Nơi đây có ruộng lúa xanh ngát tận cuối chân trời, hàng dừa cao rũ bóng bên giòng sông hiền hòa, vườn mía với những cây mía vàng óng, những vạt bắp đầy trái bọc lá xanh non, vườn trái cây sai quằn những trái mận Hồng Đào đỏ au,  những trái vú sữa tròn triạ vỏ tím sáng bóng dưới ánh nắng ban mai, nước dừa xiêm uống ngọt và mát lịm ... Hoa đồng cỏ nội, nét đặc thù thổ sản điạ phương, và người dân quê thực thà chất phát. Đó cũng là nơi mà Nhân được sanh ra.  Gần bên Chợ Gạo là Gò Công, quê hương của đức bà Từ Dũ, Hoàng Hậu vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, và đó cũng là quê của Vương Mỹ Duyên. Cả Nhân và Duyên đã lớn lên bên giòng sông nước lợ, thấm nhuần tinh thần quê hương dân tộc trong tiếng ru ầu ơ ngọt ngào của người mẹ quê và những câu hò điệu hát của trai gái làng giã gạo trong đêm trăng. 

Nhân sanh trưởng trong một gia đình nho giáo, trọng nhân nghĩa và qúy sự học.  Sau khi xong bậc tiểu học tại trường làng, Nhân thi đậu vào trường công, học bốn năm đầu tại  Trung Học Công Lập Chợ Gạo. Sau năm đệ tứ Nhân phải chuyển trường, gia nhập trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu tại thị xã Mỹ Tho.  Đây là lần đầu Nhân phải sống xa nhà; chàng cảm thấy âu lo nhưng lại thấy mình như lớn hẳn ra.  Chiếc rương lớn đựng vài bộ quần áo đồng phục, quần xanh áo chemise  trắng, còn lại phần lớn là sách vở.  Nhân xách chiếc rương theo sau ba má.  Bà Năm, má của Nhân xách chiếc túi trong đựng đồ ăn và trái cây, ông Năm dắt chiếc xe đạp theo sau.  Đưa Nhân xuống đò ra tỉnh học, bà mẹ quê lập lại những điều mà bà đã ân cần căn dặn cậu con trai trong suốt tuần qua:  ‘’Cố gắng học hành nghe con, đừng la cà lêu lổng, có ngày nghỉ lễ nhớ về thăm ba má ...’’  Bà dúi vào tay Nhân chai dầu Nhị Thiên Đường bà lại căn dặn:  ‘’Má lo cho con qúa Nhân à, khi nào bị đau bụng nhức đầu con nhớ lấy dầu ra xài nghe.’’   Sau khi bỏ chiếc xe xuống đò cho con trai, bằng giọng nghiêm nghị ông Năm nói:  ‘’Tổ quốc đang mong chờ bàn tay đóng góp của những thanh niên như con, con phải sống cho nên người, con hãy cố gắng dồi mài kiến thức để sau này giúp ích cho nhân quần và làm rạng danh nòi giống.’’  Nhân cảm động rơm rớm nước mắt, lòng thương cha mẹ rạt rào.

Trong căn gác trọ nhỏ trên đường Học Lạc gần khu Nhà Đèn, ba cậu học trò lớp Đệ Tam: Nhân, Quy Ba và Tủng tới từ những quận nhỏ miệt ruộng, miệt vườn đã chăm chỉ sách đèn và sống rất đơn sơ, giản dị.  Những ngày trời mưa rả rích, là những ngày ‘’hên’’ của các cậu.  Họ lo học bài sớm, để rồi còn xách đèn khí đá đi soi ếch.  Bắt đầy một giỏ ếch rồi vẫn chưa xong, các cậu còn qua vườn rau hàng xóm cắt trộm vài tép xả, vài lọn bạc hà, một ít cà chua, một nắm hành hương ... Các cậu thức thật khuya để nấu những món ăn tự chế ra, nào là ếch xào xả ớt, ếch nấu canh chua me, cháo ếch hành hương ...  đủ thứ món ăn nấu bằng thịt ếch.  Thế là có thức ăn cho vài ngày, có dư tiền để vào quán Năm  Minh gần Cầu Quay, ngã tư Quốc Tế nhâm nhi tách cà phê tập tành làm người lớn, hay chui vào rạp Định Tường để coi film tình cảm Pháp do tài tử Alain Delon và Brigitte Bardot thủ diễn.  Các cậu tập tành hưởng thụ ánh sáng văn minh của dân tỉnh thành,  cuối tuần trở về nhà bằng đò máy thăm ba má và xin ‘’tiếp viện’’

 Nhân đã bắt đầu biết mơ mộng, và thích đọc thơ tình lãng mạn.  Chàng yêu bài thơ Le Laccủa Lamartine, hay bài Sonnet d’Avers - bài Tình Tuyệt Vọng -   do Khái Hưng phiên dịch.  Có lần Nhân bâng khuâng đọc vài câu: 

‘’... Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay ...’’

Tình cờ nghe được, Tủng phá:  ‘’Há há há ... Ba Tòi, mày có nghe thằng Nhân Ma Điên không? Nó thất tình em nào mà lên cơn điên, than thở nghe rầu ruột.  Em Ổi hay em Xoài? Em Mận hay em Cóc ? ... ’’  Nhân nổi nóng nạt ngang;  ‘’Im ngay thằng Tủng Đụng Tường, mày còn nói nữa tao đấm mày bể mắt kiếng cho mày đụng thêm vài bức tường nữa chơi. Hà hà hà ...’’  Quy Ba, có biệt hiệu là ‘’Ba Tòi’’ khập khễnh đi lại gần bàn học của Nhân, với tay lấy trái ổi Nhân mới mang từ quê lên, đưa ngang tầm mắt ngắm nghía, ra vẻ ngây thơ hỏi: ‘’Thằng Nhân Ma Điên mê em Ổi nào vậy cà? Hèn chi thằng Nhân mê ăn ổi   ...’’  cả ba ôm bụng cười sặc sụa.  Cuộc sống của bộ ba qua đi trong những tiếng cãi vã, tranh luận xen lẫn tiếng cười nắc nẻ, những đêm đốt đèn dầu thức thật khuya để học bài thi, những thoải mái vui nhộn của những ngày cuối tuần rong chơi không đèn sách.  Kết qủa cuộc thi tú tài I được dán trước cổng trường.  Nam sinh,  nữ sinh chen chúc nhau coi kết qủa.  Quy Ba chân cà thọt mà lại lọt vào vòng trong trước Tủng và Nhân.  Quy Ba mừng rỡ hét lớn cho Tủng và Nhân đứng vòng ngoài nghe:  ‘’Ê tụi bay, tao đậu thứ.’’  Tủng và Nhân cố chen vào, vừa chen vừa hỏi lớn:  ‘’Còn tao?’’  Tiếng Quy Ba lại hét lớn:  ‘’Thằng Tủng, số ký danh 511 đậu thứ. ... Thằng Nhân số ký danh 315 đậu bình.  Ê thằng Ma điên số ký danh chín nút may mắn nên đậu cao, ha ha ha ...’’  Ba cậu tú hân hoan khăn gói về quê để báo tin mừng với Ba Má.   Những ngày hè vội vã đi qua.

***

         

Đầu năm Đệ Nhất!

Căn gác của dì Hai Ngọt, nằm đối diện với gác trọ của bộ ba, mới xuất hiện hai bóng hồng.  Ngày đầu niên học, đứng trên balcony bộ ba đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bốn tà áo trắng dắt xe đạp mini từ trong nhà dì Hai đi ra.  Tủng cố mở lớn cặp mắt cận sau lớp kiếng trắng dầy cộm đọc phù hiệu trường trên cổ áo nhưng vẫn không đọc được.  Quy Ba sáng mắt nên nhận ngay ra, quay lại nói với bạn:  ‘’Lê Ngọc Hân công chúa đó tụi bay.’’  Kể từ hôm ấy bộ ba có thêm đề tài cãi vã và có thêm thói quen mới.  Quy Ba chiều chiều mang đờn ngồi trước balcony dạo những tình khúc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy ..., miệng nghêu ngao: ‘’Em tan trường về đường mưa nho nhỏ ...’’ (3).   Mỗi sáng trước khi rời căn gác trọ, bộ ba không quên vóc nước vuốt lại mái tóc, sửa lại chiếc áo đã ủi thẳng nếp bằng chiếc bàn ủi than mượn được của bà chủ nhà.  Ngày qua ngày ba chiếc xe đạp đòn gánh tà tà theo sau hai chiếc xe mini. 

Đứng bên trong khung cửa sổ, Tủng chu môi hát: ‘’Anh sẽ yêu em trọn một đời, yêu như ngày nào đôi ta chung lối ...’’ (4) hy vọng các nàng sẽ kéo nhau ra balcony để nghe người nghệ sĩ si tình kể lể.  Nhưng đợi mãi cũng chẳng thấy động tĩnh từ căn gác đối diện, Tủng vớ lấy Quy Ba phân trần:  ‘’Chắc các công chúa đang mắc học bài!  Tao thích nàng tóc dài, nhường mày em tóc demi garVon.  Đồng ý?’’  Đang cân bằng một phản ứng hóa học, Quy Ba bực mình quay lại gắt:  ‘’Lo học đi thằng bốn mắt.  Ở đó mà tóc dài tóc ngắn.  Mày có người yêu rồi, Ngọc Lan đó chi.  Thôi đừng phá người ta nữa mày.’’  Tủng cụt hứng trở lại bàn học  miệng lẩm bẩm: ‘’Giỡn chơi chút xiú, chết chóc gì đâu ?’’.   Nhân vẫn ngồi nơi bàn của mình, mắt chăm chú nhìn vào quyển triết học của giáo sư Vĩnh Đễ, lặng yên như không mấy quan tâm. 

Hôm nay Tủng có hẹn với Lan nên không ăn cơm chiều ở nhà.  Mãi đến tối mịt Tủng mới về đến.  Vừa bước vào cửa Tủng đã bi bô:

- Ê tụi bay, có tin sốt dẻo, Lan cho tao biết lý lịch của hai cô nàng hàng xóm.

Đã nằm yên trên giường, cả hai đều nhỏm dậy.  Tủng nói tiếp:

- Em tóc demi đang học đệ nhị A1, tên Huyền Thi.  Em tóc dài tên Mỹ Duyên, lớp đệ tam C1.  Cả hai đều đến từ  nơi phát xuất những con nhạn trắng.

Nhân buột miệng:

- Vương Mỹ Duyên!  Cô bé là con một của một gia đình khá giả ở Gò

Công.  Đang học bên Gò Công  nhưng muốn theo Thi, bà chị họ lên Mỹ Tho học.  Thím Hai là Cô của Thi đó.

Tủng và Kim Ba mở to mắt tỏ vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú, lắng

nghe Nhân nói.  Cả hai đều không ngờ; ‘’Thằng Ma Điên tẩm ngẩm tầm ngầm mà làm những chuyện động trời không ai biết.  Thằng Ma Điên đang trồng cây si !’’

***

- Chị Thi à, mấy anh bên kia hát hay ghê hén.

- Ừa !  Mấy ổng học Đệ Nhất C bên Nguyễn Đình Chiểu đó,  Thi nghe

nói mấy ổng ưa giả làm ma bên dãy lầu dơi nhát bọn nữ sinh sợ chạy đứt quai guốc đó Duyên.

- Chị biết mấy ổng kỹ qúa há.  Chị biết tên mấy ổng không?

- Cà thọt tên Quy Ba, bốn mắt tên Tủng.  Người gầy có tóc đen dợn sóng, mặt mụn giống Hàn Mạc Tử tên Nhân.

- Trần Trung Nhân đó chị,  bạn em có anh học chung lớp nói cho em biết.  Anh Nhân hiền ghê há chị,  không lém như mấy anh kia.

- Á!  Thì ra Duyên cũng theo dõi ba ông kẹ kỹ qúa hén.  Có cảm tình đặc biệt với anh Nhân hả.   Để Thi nối nhịp cầu giao cảm cho nha.

- Ý, đừng nói bậy, cô Hai nghe được là chị em mình bị ‘’dũa’’  thảm

thiết đó.

                  

Thực ra, từ ngày đến ở trọ căn gác của dì Hai Ngọt,  Duyên đã thấy vui vui vì  những phá phách nghịch ngợm nho nhỏ của các cậu học trò hàng xóm. Có lần mới đạp xe ngang nhà các cậu thì một chùm phượng vỹ rớt gọn trong giỏ xe, Duyên nhìn lên, tuy chẳng thấy ai trên balcony nhưng nàng cũng biết đây là một trong những trò chơi tinh nghịch của môt trong ba anh chàng hàng xóm.  Đã nhiều lần Duyên bắt gặp ánh mắt thiết tha của Nhân đang trộm nhìn Duyên, mỗi lần chạm mắt Duyên  cảm thấy lòng xao xuyến.  Một thứ tình cảm rất lạ đang nhen nhúm trong tim Duyên.  Có lần Duyên đánh bạo nhìn trở lại, mỉm cười và đưa tay chào Nhân.  Nhân cười  đáp lại.  Nụ cười trên môi Nhân biểu lộ niềm vui mừng pha lẫn một chút ngơ ngẩn.  Một lần khác Duyên lại thu hết can đảm hỏi: 

- Sao anh Nhân không hát ?

- Tôi hát không hay.  Tôi thích nghe Duyên hát.

- Duyên hát dở lắm, nhưng nếu anh muốn Duyên sẽ cố gắng.  Chiều nay anh ra Balcony nghe nhé.  Duyên sẽ hát từ bàn học của Duyên, kê sát cửa sổ.

- Tôi sẽ đợi mỗi chiều ở balcony.

- Anh khùng qúa, nhưng anh lại dễ mến.

- Bạn bè gọi tôi là Ma Điên.

- Tại sao?

- Tại tôi thích thơ mà lại hay thơ thẩn.

 - Anh thích thơ?  Duyên cũng thích thơ.

- Thích làm thơ hay thích đọc thơ người khác?

- Cả hai.  Duyên thích đọc những bài thơ của anh

- Thơ tôi không đa tình như thơ Đinh Hùng , không lãng mạng như Xuân Diệu.  Chỉ là những lời chân thật.

- Duyên yêu những lời chân thật.

Câu chuyện bâng quơ, ngắn ngủi không qúa 10 phút, nhưng đó là một

kỷ niệm tuyệt vời nhất của Duyên và Nhân,  đó là chìa khóa mở cửa cho hai người bước vào thiên đường tình yêu. Từ đó, hai người thường gặp gỡ và hát cho nhau nghe những bài về tình ca quê hương:  ‘’Quê hương tôi, có con sông Đào xinh xắn ...’’ (5) Có Khi: ‘’Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời ...’’ (6).  Rồi lại:  ‘’Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu ...’’(7).  Giọng hát ngọt ngào, hình dáng diễm kiều của Duyên đã gợi cho Nhân biết bao là thi tứ, và Nhân tập tành làm thi sĩ viết thơ tình.

  Ngày tháng êm đềm trôi qua.  Họ nhìn đời qua lăng kính mầu hồng hạnh phúc, màu đỏ nồng nàn, màu tím nhớ nhung.  Tất cả đã phong phú hóa tình yêu ngây thơ, trong sáng của Nhân dành cho Duyên.  Những ngày vui bên nhau là bao kỷ niệm.  Sánh bước dạo chơi dưới hàng điệp có hoa nở rộ đỏ một góc trời.  Những chiều dạo phố qua đường Trưng Trắc, ‘’Con đường tình sử.’’  Những trưa hè dưới bóng mát  cây mận, gốc xoài  là bao tiếng cười vui, lời âu yếm đậm đà.  Dừng chân quán Mây Chiều nghe nhạc và thưởng thức ly kem ngọt lịm đầu môi.

  Mùa hè năm ấy, Nhân thi đậu tú tài đôi.  Niềm vui đăng khoa chưa trọn thì nỗi buồn chia ly đã đến.  Nhân lên Sài Gòn học ngành Báo Chí tại Đại Học Vạn Hạnh.  Duyên ở lại tỉnh nhỏ bắt đầu lớp đệ nhị trong nỗi buồn xa cách, Duyên đã không còn thói quen để hồn lãng đãng cùng  những bản nhạc tiền chiến khi hoàng hôn xuống.  Những cánh thư qua lại cũng không giúp họ vơi buồn bớt nhớ. Thỉnh thoảng người thành phố về thăm người tỉnh lẻ,  những buổi hẹn hò đẹp như một giấc mơ.  Con gái Sài Thành đẹp kiêu sa, thông minh và không kém phần duyên dáng, nhưng nào sánh được với Duyên, người đã đem đến cho Nhân những chuỗi ngày hoa niên đầy hạnh phúc.

Hai năm trôi qua, cuối cùng rồi Duyên cũng xong phần trung học.  Ngày Duyên thi đậu tú tài đôi cũng là ngày Duyên và Nhân rất vui mừng vì sắp được gần nhau.  Duyên ghi danh vào Đại Học Văn Khoa ban Pháp Văn.  Mùa hè năm ấy Duyên và Nhân đã có những ngày thần tiên tại quê nhà.  Họ gặp nhau thường hơn,  cả hai đã khôn lớn và hai bên gia đình đều qúi mến ‘’con dâu’’, ‘’con rể’’ tương lai.  Bên ly trà thơm mùi bông lài, ông Năm nhìn Nhân và Duyên đang trò chuyện bên giàn mướp,  ông mỉm cười gật gù nói với ông Bảy Lạc, ba của Duyên:  ‘’Chờ sấp nhỏ học xong mình tính tới nghe anh Bảy.’’ Ông Bảy Lạc gõ nhẹ nhẹ điếu thuốc rê vừa vấn xuống mặt chiếc bàn cẩn xà cừ, rồi chậm rãi đáp:  ‘’Hổng biết anh sao chớ tôi mong có cháu bồng sớm sớm.  Mình cũng già rồi anh.’’  Hai ông bạn già cùng nâng tách trà, hớp một ngụm nhỏ rồi cùng cười thoải mái.  Nắng chiều đã tắt, hương thơm hoa cau, hoa bưởi vương vấn theo ngọn gió chiều.

         

  Năm 1968, khi những đóa mai vàng hé nụ trên cành, trời bắt đầu vào Xuân thì chiến tranh bùng nổ nhiều nơi.  Lệnh tổng động viên ban hành.  Sinh viên, học sinh từ thành thị đến thôn quê phải thụ huấn những lớp Quân Sự Học Đường, Nhân Dân Tự Vệ.  Nhân đã đặt ‘’nợ nước trước tình nhà’’,   tình nguyện gia nhập quân đội, và theo học khoá Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức , từ giã trường học và người yêu để dấn thân vào cuộc chiến sôi bỏng.  Duyên rơi nhiều nước mắt trước quyết định của Nhân, nhưng nàng hiểu bản tính trọng trách nhiệm của Nhân, và Duyên hiểu hơn nữa khi nghe ông Năm nói với Ba nàng:  ‘’ ... Quốc gia hư vong, thất phu hữu trách ... Tôi đau lòng vì phải xa con, nhưng tôi hãnh diện vì thằng Nhân không phải là thằng con trai hèn nhát ... Cầu trời khẩn Phật cho nó trở về bằng an ...’’

  Sau ngày ra trường, Nhân được biệt phái qua binh chủng Hải Quân,  chàng đi du học hải nghiệp tại quân trường OCS.  Sau ngày tốt nghiệp từ Hoa Kỳ trở về, Nhân được bổ nhậm phục vụ Tuần Duyên Hạm Song Tử HQ 614. Từ đó, Nhân luôn bận bịu với những chuyến công tác dài lê thê.  Nhưng cuộc đời quân ngũ cũng cho chàng nhiều thú vị.  Nhân thực sự yêu biển,  biển bình minh thật đẹp, cả một vùng trời mênh mông, phẳng lặng, mặt trời to và đỏ như một quả cầu, lừng lững lên cao từ phương đông.  Hoàng hôn đến, sóng nước bập bềnh loang loáng, ráng chiều vàng rực những tia nắng cuối cùng rồi chìm tắt sau rặng núi.  Gió biển mơn man trên da thịt, thoảng mùi muối mặn, trong lành và dễ chịu.  Vào những đêm trăng sao sáng tỏ,  ánh đèn lấp lánh vùng duyên hải, thành phố Vũng Tàu trong màn sương hư ảo đẹp diệu kỳ.   Nhân có dịp đi qua những hải cảng sầm uất: Cam Ranh, Qui Nhơn, Nha Trang ... Những thành phố tráng lệ:  Sài Gòn, Đà Nẵng ...  Những hải đảo xa xôi: Phú Quốc, Thổ Châu ...  Nhiều lần, đứng trên boong tàu, nhìn về phía tây  miền đất liền nơi có hoả châu soi sáng, Nhân tự nghĩ:  Đất nứơc  mình có biển, hồ, sông, núi, cao nguyên, bình nguyên, quặng mỏ, phi trường, hải cảng ..., người dân thông minh, cần cù siêng năng; đủ điều kiện để phát triển thế mà vẫn yếu nghèo vì chinh chiến triền miên!  Càng suy nghĩ, chàng càng cảm thấy thương  vô cùng quê hương, bạn bè, và đồng bào ruột thịt. 

Hạnh phúc nhất là những lần về phép, Nhân vội vã về quê thăm Ba Má, trấn an người mẹ đã già nhiều hơn ngày con ra đi vì những nỗi lo lắng chất chồng.  Ăn với Ba bữa cơm Má nấu đặc biệt cho ‘’thằng Nhân’’  rồi lại vội vã ra đi không quên lau giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy của Má.   Vội vã đến Đại Học Xá, hay khuôn viên Văn Khoa tìm Duyên.  Tay đan tay, Nhân sung sướng bước chậm bên người yêu, lòng tràn ngập niềm vui.  Ghé chợ hoa Nguyễn Huệ tìm mua cành hồng tím tặng nàng.  Vào phở Tàu Bay, Nhân kêu hai tô xe lửa cho hai đứa, vào La Pagode nhâm nhi ly kem để hồn chìm vào những giòng nhạc du dương.  Sấp tiền lương còn dầy cộm trong túi, Nhân đưa Duyên vào tiệm nữ trang mua tặng Duyên sợi dây chuyền có hình trái tim; đeo vào cổ Duyên, Nhân nói:  ‘’Trái tim của anh đó, giữ hộ anh đi, anh muốn nó theo em suốt đời.’’  Xúc động vì lời nói chân tình của Nhân, Duyên khép nhẹ hàng mi để giọt nước mắt hạnh phúc rớt nhanh xuống tay Nhân.  Hai đứa vào Rex, không phải để xem ciné mà để nghe Duyên kể lể nỗi buồn vắng người yêu, để thấy Duyên môi cười rạng rỡ khi nghe Nhân kể chuyện hải đảo, chuyện biển khơi, thành phố duyên hải, hải cảng, và mơ ước.  Rồi Nhân lại vội vã ra đi!

Ngày tháng thầm lặng trôi qua, Nhân và Duyên trải dài thương yêu, nhớ nhung trên những cánh thư tình xanh mầu hy vọng. Duyên đã tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa ban Pháp Văn.  Một ngã rẽ quan trọng đã bắt đầu trong cuộc đời của Duyên.  Duyên không còn là cô sinh viên Văn Khoa e ấp trong tà áo dài trắng học trò nữa, mà Duyên bây giờ là nữ Giáo Sư dạy Pháp Văn ở Trưng Vương.  Cô giáo mới ra trường còn tiếc nuối tà áo dài trắng nên đi dạy cũng mặc áo dài trắng.  Dù làm ra vẻ người lớn, chững chạc  nhưng đôi lúc cũng bị lầm lẫn với nhóm nữ sinh Đệ Nhất.  Cô giáo Duyên đầy nhiệt huyết bị lôi cuốn vào những quyến rũ của nghề giáo.  Nàng yêu nghề, yêu đám học trò dễ thương, yêu những mộng mơ, những tình cảm đơn sơ của nhóm nữ sinh.  Ai bảo nghề dạy học là nghề ‘’bạc trắng như vôi’’ ?  Với Duyên, dạy học là một thiên chức rất đáng yêu.  Duyên đã nhận được những tình cảm thân thương  đôn hậu của những cô học trò nhỏ, và Duyên cũng đã tìm thấy Duyên của tuổi hoa niên.

Chiến tranh lại bùng nổ với cường độ khốc liệt. Tin miền Trung thất thủ, từng tỉnh, từng quận bị Cộng Sản chiếm đóng.  Người dân Việt Nam hoang mang, sợ hãi.  Từng đòan người gạt nước mắt lũ lượt bỏ nước ra đi.  Ai cũng sợ phải sống dưới chế độ phi nhân vô thần Cộng Sản, người ta chen nhau để tìm một chỗ trống trên chiếc tàu, chiếc ghe hay phi cơ với hy vọng được tới một bến bờ bình an. Giao thông nhiều nơi bị gián đoạn.  Duyên bị kẹt lại Sài Gòn, tá túc ở nhà người bạn gái đồng nghiệp. Ngày 26 tháng Tư năm 75, trong một hoàn cảnh bất khả kháng, Duyên bị đẩy vào một chiếc trực thăng cùng gia đình người bạn để đi ‘’lánh nạn’’ .  Ông Bố của người bạn gái hứa: ‘’Chỉ vài bữa sẽ trở về.’’  Ngồi trên sàn chiếc trực thăng, mọi người ôm chặt lấy nhau để khỏi bị xô ngã khi trực thăng trồi lên trụt xuống.  Linh cảm đây là cuộc chia ly lâu dài, hối hận vì mình đã đặt chân lên chiếc trực thăng, lo lắng cho Ba Má và người yêu, Duyên chợt bật khóc.

           

Sau ngày 30 tháng tư năm 1975.  Chánh Phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.  Quân đội tan rã hàng ngũ một cách nhanh chóng, tang thương.  Nhân trở lại Sài Gòn tìm Duyên nơi nhà trọ, bạn bè, thân quyến, không ai biết tin tức của Duyên.  Sau cùng một người bạn gái của Duyên ở gần phi trường Tân Sơn Nhất cho biết Duyên đã ra đi.  Đường xá bị gián đoạn, Nhân không trở về quê nhà được.  Tinh thần bấm loạn, cô đơn pha lẫn lo âu, Nhân như một người điên.  Lang thang ngoài đường phố, Nhân gặp được Đạo, người bạn cùng khóa từ quân trường Thủ Đức.  Đạo đưa Nhân về nhà cha mẹ anh tạm trú.  Được vài ngày, cán bộ Cộng Sản loan báo, sĩ quan, binh sĩ thuộc chế độ cũ phải trình diện học tập trong vòng mười ngày.  Dù sao thì cũng đã bị loại vào hàng ngũ của kẻ  chiến bại, thôi thì  ‘’ Cũng liều nhắm mắt đưa chân.  Thử xem con tạo xoay vần về đâu.’’ (8) Nhân và Đạo,  trình diện tại trường Trung Học Pétrus Ký.  Nào ngờ, đó chỉ là một âm mưu thâm độc  mà Nhân phải trả bằng một giá rất đắt.  Bảy năm tù tội qua các trại giam: Trảng Lớn, Cà Tum, Long Thành, Long Khánh , Giá Rai, Long Giao, Hóc  Môn, Gia Trung, Suối Máu, Biên Hòa, Hoàng Liên Sơn, Ấm Thượng, Tam Đảo, Hà Nam Ninh...   Bao gian nan, khốn khổ:  Đập đá, làm cầu, đốt than, chém tre, đốn gỗ...,

                   Đám tù vào tận rừng sâu
                   Đốn cây, lội nước, bắc cầu qua sông
                   Cơm chiều không đủ no lòng
                   Đêm nằm thao thức, thương thân đọa đày. (9)

         

 Bao đầy đọa thể xác, hình phạt dã man,  Nhân và các bạn đồng đội trở nên èo uột, gầy còm, suy dinh dưỡng.  Nhưng những đọa đầy thể xác không thấm thía, không chua chát, cay đắng bằng những chà đạp nhân phẩm của công sản dành cho những quân nhân Việt Nam Cộng Hoà.  Càng khốn khổ, Nhân và các bạn càng thương nhau hơn.  Họ không còn là Hải Quân, Không Quân, Bộ Binh, Nhảy Dù ...  Mà họ là ‘’Ngụy’’ .  ‘’Ngụy’’ văn minh, có tâm hồn và nhất là ''Ngụy'' có tình người.  Họ chia sẻ với nhau từng hạt muối, thỏi đường, từng ngụm cà phê nấu trong lon sắt, từng miếng bao bố đắp cho đỡ lạnh.   Tại những trại tù cải tạo, Nhân đã bị mất, Nhân đã bị cướp đi những tự do tối thiểu nhất của con người, những hy vọng bình thường nhất, danh dự nhân phẩm hầu như  hoàn toàn bị tước đoạt.  Nhưng cũng tại nơi này, Nhân có thêm rất nhiều bạn ‘’Ngụy’’.   Những người bạn cùng chung chí hướng, đầy lòng bác ái và tình đồng đội.  Có những lúc Nhân nghĩ đến Duyên và tự an ủi:  ‘’ Ít nhất người mình yêu cũng còn được thở không khí tự do ở phương trời xa xăm nào đó.  Mình nên mừng cho nàng, chuyện xưa chỉ còn là một kỷ niệm đẹp.’’   Có lúc Nhân thất vọng, chàng cầu nguyện cùng Thượng Đế:  ‘’... Nếu ngài cho con gặp lại Duyên của con và Ba Má con, con hứa sẽ trọn đời ăn chay’’.

Cuối cùng rồi Nhân cũng được phóng thích.  Nhưng thực sự cũng chỉ là đi từ trại giam nhỏ để đến trại giam lớn vì cả nước Việt Nam đã biến thành trại giam những  quân nhân ‘’Ngụy’’.  Nhân được trả tự do trở về với tấm thân èo uột mỏi mòn, không việc làm, không hộ khẩu,  thường xuyên bị gọi đi trình diện, học tập.  Mái nhà xưa nay xiêu đổ, mái phủ rêu xanh.

''Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời.'' (10)

  Ruộng vườn đã bị trưng dụng.  Song thân già nua mừng con trở về, nước mắt đoanh tròng.  Trong bữa cơm thanh đạm ông bà khuyên con nên tìm đường ‘’ra đi’’ thì mới hy vọng có tương lai.  Nấn ná ở nhà thấy gây phiên lụy cho gia đình bị công an xóm dòm ngó, Nhân trở lên Sài Gòn, với ý định tìm một nơi dạy học.  Một lần nữa Nhân gặp lại Đạo và Ngọc, em gái của Đạo.  Ngọc là người đã theo chị dâu - Lý vợ của Đạo -  đi thăm nuôi chồng từ trại tù này đến trại tù khác và Nhân đã nhiều lần nhận được quà thăm nuôi của Ngọc .  Ngọc giới thiệu cho Nhân đi dạy Anh Văn ở vài tư gia, và đạp xe xích lô;  lúc rảnh rỗi giúp anh em Đạo trong việc buôn bán thuốc tây ở chợ trời.  Tạm sống lây lất qua ngày, ít nhất cũng tự nuôi sống bản thân. 

Nhân trở thành lầm lì ít nói, sống  âm thầm như một chiếc bóng, thỉnh thoảng Nhân trở về quê thăm cha mẹ.  Một buổi tối mùa hè,  Đạo mời Nhân đi uống cà phê để tìm lại ‘’phút huy hoàng’’.  Hớp một ngụm cà phê, trầm tư một lúc, Đạo bảo:  ‘’Con Ngọc, nó thương mày từ lâu, từ ngày mày còn ở trong tù.  Tao bảo với nó, mày đã có người yêu và bị người yêu bỏ.  Ai ngờ con nhỏ càng thương mày hơn.  Tao nghĩ  chuyện xưa của mày đã trở thành dĩ vãng, chẳng hy vọng gì gặp lại Duyên.  Thôi, mày lấy con Ngọc cũng được, nó hiền lành chăm chỉ, lại không se sua.  ....  Thấy mày buồn thảm vợ chồng tao thật áy náy .... Nó sẽ là người vợ tốt ...’’  Nghe Đạo nói Nhân cảm thấy như có một luồng điện đang chảy nhanh trong người làm chàng thức tỉnh,  ‘’ Ngọc đã lo giặt cho mình từng cái áo, lo cho mình từng miếng cơm nóng, chén canh ngọt.  Những khi đau yếu cũng chính tay Ngọc mang đến cho mình những viên thuốc cảm, những tô cháo hành hương ... Còn bao nhiêu điều Ngọc đã làm để chứng tỏ tình yêu của nàng.  Sao mình lại có thể vô tình với Ngọc như thế.  Phải chăng Duyên đã chiếm trọn trái tim mình nên mình trở thành mù loà trước tấm chân tình của Ngọc.  Nhưng Duyên đã xa rồi tầm tay ...’’   Một nỗi hối hận dâng ngập hồn Nhân.  Chàng cảm thấy tội nghiệp cho Ngọc.  Chỉ vài tuần sau đó Nhân ngỏ lời xin cưới Ngọc, nàng rất xúc động và nhận lời cầu hôn.

Sau đám cưới vợ chồng Nhân sống rất đạm bạc.  Từ  ngày bé Quân chào đời, gia đình Nhân vui hẳn lên, đứa con như sợi giây thiêng liêng ràng buộc cho tình nghĩa vợ chồng thêm khắng khít.  Ngọc tiết kiệm từng đồng, nàng  chăm chỉ ôn lại vốn liếng anh ngữ khi được biết Nhân và gia đình có thể được xuất ngọai theo diện HO.  Ngọc khuyên chồng nên làm đơn xin‘’đi’’ để bé Quân có tương lai hơn.  Nhân còn chần chờ thì đứa con thứ hai ra đời, bé Nghĩa.  Nhìn hai con, Nhân thấy lòng thương con vô bờ, chàng không thể nấn ná được nữa, con chàng phải có một tương lai tốt đẹp như những đứa trẻ khác.

Cuối cùng rồi gia đình Nhân cũng đến được Hoa Kỳ theo diện HO.  Là một phụ nữ thông minh và thức thời, Ngọc hội nhập một cách nhanh chóng, nàng tận lực làm việc, lo lắng cho hai con, quán xuyến mọi việc trong gia đình.  Ngọc một mực khuyến khích chồng trở lại đại học.  Ngọc nói:  ‘’Một trong hai chúng ta phải có đủ kiến thức để sau này hướng dẫn con cái ...’’  Càng ngày Nhân càng tìm thấy nhiều đức tính tốt nơi Ngọc, chàng không những yêu mà còn phục vợ, Nhân tự cảm thấy mình thật diễm phúc cưới được Ngọc.  Hình bóng Duyên chỉ còn là dĩ vãng của tuổi thanh xuân.   Nhân tận tâm học tập, chàng làm việc part-time ban đêm và đi học ban ngày. Nhân tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ Sư Điện Toán khi tuổi đã ngòai bốn mươi.   Ngày ra trường của Nhân, Ngọc hãnh diện, vui mừng; nhìn chồng oai nghiêm trong chiếc áo choàng và mũ màu đen, nước mắt rưng rưng nàng bảo hai con:  ‘’ Quân, Nghĩa lại đứng cạnh ba để mẹ chụp tấm hình gửi về tặng ông bà nội.’’

***

  Nghe Nhân kể lể những thăng trầm, khốn khổ của chàng, Duyên cảm thấy lòng quặn đau, nàng thầm cảm ơn Ngọc đã mang hạnh phúc đến cho Nhân.  Nhưng cùng lúc Duyên chơi vơi trong sự mất mát bất ngờ qúa lớn lao, nàng muốn òa khóc thật nhiều cho vơi bớt buồn đau, nàng muốn rơi trọn trong vòng tay của Nhân để tìm lại những thương yêu của những ngày tháng xa xưa.  ‘’Không, không thể được ! ‘’ Duyên dặn lòng, phải cố gắng phấn đấu, Nhân bây giờ không phải là Nhân của 25 năm trước.  Nhân bây giờ đã là chồng của Ngọc, là cha của hai đứa trẻ dễ thương trong tấm hình kia.  Phải trả Nhân về với vợ con, không vướng mắc, không bận bịu.  Giữa hai người đã có hai lối rẻ khác nhau, đã có hàng rào luân lý và bức tường đạo đức cản ngăn.  Duyên gượng cười, ngắm nghía tấm hình hai đứa trẻ, nàng buột miệng:

- Cháu Trung nhìn giống như ba hồi còn trẻ, nhất là nụ cười nửa miệng.  Cháu Nghĩa có cặp chân mày rậm giống ba. Anh cho Duyên tấm hính này nhé.

- Được chứ Duyên.  Nhân lấy bút hí hoáy viết:  ‘’Tặng Duyên tấm hình hai cháu Trần Trung Quân và Trần Trung Nghĩa’’

Duyên cúi mặt nhìn xuống mặt bàn để tránh ánh mắt tha thiết nhuốm muộn phiền của Nhân.  Nhân lên tiếng:

- Duyên nhìn vẫn trẻ như dạo nào, vẫn mái tóc dài và ánh mắt buồn diệu vợi.  Kể cho anh nghe về quãng đời ly hương của Duyên.

Im lặng một lúc lâu Duyên mới ngẩng lên, vẻ mặt bớt căng thẳng nàng kể:

- Đời Duyên phẳng lặng như một buổi chiều buồn, không nhiều biến chuyển, sóng gió như anh.  Sau khi qua Mỹ, Duyên đi làm một thời gian, sau đó Duyên đi học và làm việc trong trường.  Duyên theo học ngành Dược, ra trường năm 85.  Sau khi ra trường Duyên đi làm ở bệnh viện và giúp đỡ Ba Má bên Quê Nhà.  Đơn giản chỉ có thế.

 Nhìn tay Duyên.  Nhân hỏi:

- Duyên vẫn chưa lập gia đình?

Ngần ngại một lúc Duyên trả lời:

- Chưa, nhưng có thể sẽ anh ạ

- Người ta không xứng đáng với Duyên?

- Không ..., không phải vậy, chỉ vì Duyên muốn hỏi lại lòng nên không nhận lời cầu hôn. ...  Nhưng bây giờ Duyên đã quyết định.  Duyên sẽ nhận lời cầu hôn của anh ấy.

- Anh chúc Duyên suốt đời hạnh phúc.  Đám cưới nhớ mời anh.

- Vâng !  Anh chị và các cháu sẽ là những người khách qúy nhất của Duyên.

- Anh đợi.

Im lặng bao trùm hai người thật lâu, khi Duyên dợm đứng lên cáo từ,

Nhân vội đặt nhẹ tay trên vai Duyên ra dấu bảo Duyên ngồi xuống, chàng bảo:

- Duyên, anh sẽ nói trước những điều cả hai chúng ta đã cố tránh né.  Khi ra khỏi tù, ba má có khuyên anh nên đi qua bên này tìm gặp em, nhưng lúc đó anh không có điều kiện.  Nhiều lần ra đi, và nhiều lần lần lại trở về chốn cũ, nghèo túng hơn, chua xót hơn và bị theo dõi gắt gao hơn.   Chán nản và tuyệt vọng đã làm anh nhụt chí.  Tất cả đã lỡ làng!.   Vâng ! Anh biết, anh bây giờ là một người đàn ông với trách nhiệm và bổn phận.  Anh thương con anh và anh mang ơn vợ anh.  Em lại là một thiếu nữ nhân từ đức hạnh.  Chúng ta nhận thức rõ được hướng đi của mỗi người.  Thôi thì hãy xem kỷ niệm của thời niên thiếu như  là những hoài niệm đẹp. 

Duyên nhẹ gật đầu, hai tay nàng đan chặt vào nhau, đầu cúi thấp.

- Mỹ Duyên!  Anh thực có lỗi!  Anh đã bội ước!  Nửa đời còn lại anh sẽ là kẻ ăn năn sám hối. 

-  Không!  Anh Nhân!  Anh không có lỗi gì cả.  Hòan cảnh đã đưa anh đến con đường cùng.  Hoàn cảnh đã xui khiến chúng mình phải xa nhau và lạc mất nhau trong cuộc đời.  Anh đã khổ nhiều thì anh phải được đền bù bằng mái ấm gia đình.   Hãy vui với hạnh phúc trong tầm tay.  Chúng ta vẫn là đôi bạn thân.

Nói rồi, Duyên đứng dậy và bước nhanh ra khỏi quán cà-phê như chạy trốn. Nàng không quay lại nhưng biết Nhân đang dõi mắt trông theo.

***

                  

  Chùa Vĩnh Tràng hôm nay giăng đèn kết hoa rầm rộ, những tràng pháo đỏ dài treo trên cây điệp.  Cổng chùa cũng được giăng hoa, những đóa hoa hồng tím.  Cô dâu Duyên xúng xính trong bộ áo cưới trắng tinh.  Trên cổ áo có mang phù hiệu trường Lê Ngọc Hân.  Tất cả các bạn học cùng trường ngày xưa với Duyên cũng đã đến đủ, đa số mặc áo dài như hồi còn đi học, vài cô mặc áo dạ hội tây phương.  Có cả chị Thi, dì hai Ngọt và Ba Má.  Má mặc áo dài trịnh trọng, cổ đeo xâu chuỗi cẩm thạch.  Nhìn Má hôm nay sao đẹp lạ lùng.  Ba mặc âu phục, miệng cười tươi tỏ vẻ mãn nguyện.

                  

Song thân của Nhân cũng quần áo chỉnh tề, rạng rỡ tươi cười.  Có cả các anh: Quy Ba, Tủng, Tài, Hiền, Nguyên, Hồng, Khải; các chị:  Trung, Phú Quí, Vân Khanh, Tường Vân, Phương Quế, Kim Chi, Xuân Mai, và các bạn khác.  Các thầy cô cũng hiện diện trong lễ cưới của Nhân và Duyên.  Thầy Thanh, thầy Minh, thầy Long trang nghiêm trong những bộ vest; cô Hường, cô Chi diễm kiều trong hai chiếc áo dài màu thiên thanh. Tất cả mọi người đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu Nhân.  Kẻ ra người vào tỏ vẻ nôn nóng chờ đợi Nhân.  Cuối cùng rồi Nhân cũng đến.  Chàng đến trong vội vã!  Nhân trẻ trung trong bộ tuxido đen.  Chàng chạy đến ôm chầm lấy Duyên, trao nàng một cành hồng tím và nói:  ‘’Duyên, tha lỗi cho anh.  Đã qúa trễ rồi Duyên ơi.  Chúng ta có duyên nhưng không nợ.  Anh đành hẹn em kiếp sau.’’   Khi lễ cưới vừa bắt đầu thì một làn khói trắng phong tỏa và cuốn trọn Nhân bay mất hút.  Duyên chạy theo, chơi vơi trong làn sương khói, và nàng òa khóc.

  Tiếng khóc của chính mình đã đánh thức Duyên tỉnh dậy, nước mắt chan hòa mặt gối.  Biết mình vừa trải qua một giấc mộng, Duyên tiếc nuối giấc mộng quá ngắn ngủi.  Nàng úp mặt xuống gối thổn thức:  ‘’Nhân ơi! Chỉ là giấc chiêm bao.’’

 

Lê Phạm Kim Phượng

1/12/2001

 

Ghi Chú:

1/ Nhạc Ngô thụy Miên.

2/ Đồng dao.

3/ Thơ Phạm Thiên Thư. Phạm Duy phổ nhạc.

4/ Nhạc Trần Thiện Thanh.

5 & 6/ Nhạc Phạm Duy.

7/ Nhạc Anh Việt Thu.

8 & 10/ Thơ Truyện Kiều  Nguyễn Du.

9/ Thơ Nguyễn Vĩnh Châu.

              

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC