TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 

Chú Thinh là bà con xa với bố tôi. Xa đến nỗi bố giải thích hoài mà tôi vẫn không hình dung được một cách chính xác. Nói theo cách khôi hài là “họ hàng kiểu bắn súng cà nông hai năm cũng chưa tới”. Tuy vậy, trong thời gian mới vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ với tâm trạng bơ vơ, lạc lõng nên gia đình tôi và chú Thinh rất thân thiết.

Năm tôi lên mười ba tuổi thì chú Thinh cưới cô Lam. Năm ấy, chú Thinh ba mươi tuổi và cô Lam hai mươi hai tuổi. Hình ảnh  cô Lam trong chiếc áo  cưới ôm sát lấy thân hình thon thả,  đầu đội chiếc khăn  voan  trắng tinh, khuôn mặt thật thanh tú, mỹ miều với nụ cười có hai lúm đồng tiền xinh xắn là một ấn tượng khó phai trong trí nhớ của tôi. Tôi đứng núp ở cầu thang, mắt không rời cái dáng thướt tha, uyển chuyển của cô Lam. Cô đẹp quá, đẹp hơn những lần tôi gặp ở nhà chú Thinh nhiều. Cô Lam nhìn tôi nheo mắt cười tinh nghịch rồi kéo tôi  lại gần, vòng tay qua cổ tôi, bảo:

- Chụp với cô Lam một tấm ảnh nhá.

Tấm ảnh đó được tôi dấu kín vào đáy tủ vì không muốn ai nhìn thấy cậu bé thật ngố trong bộ vest rộng thùng thình, trông chẳng giống ai.

Sau đám cưới khoảng một năm thì Chú Thinh dọn về  Philadelphia. Chín năm sau, khi tôi đang theo học năm cuối ở  trường đại học UTD thì  gia đình chú Thinh trở lại Dallas với hai đứa con nhỏ và ba người em của chú từ Việt Nam mới sang khoảng một năm.

Gặp lại cô Lam tôi thật ngỡ ngàng khi thấy cô khác xa với hình ảnh cô Lam xinh đẹp trong trí nhớ của tôi. Cô gầy đi nhiều, nét tươi tắn, ngây thơ của ngày nào không còn nữa mà thay vào đó là khuôn mặt hao gầy với ánh mắt loáng thoáng nét u buồn. Tôi vui mừng được gặp lại cô Lam, phần cô cũng không cầm được nước mắt khi ôm choàng lấy mẹ tôi trong nỗi hân hoan.  Ba cô em của chú Thịnh cùng lứa tuổi với tôi thì có vẻ e dè và xa cách dù biết chúng tôi là họ hàng.

Từ khi có gia đình chú Thinh, cuối tuần tôi hay sang chơi với bé Lynn  và cu Tom. Ba chúng tôi, một người  hai mươi ba tuổi, một cô bé tám tuổi và một cậu bé sáu tuổi đã nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết. Mỗi khi tôi đến, Lynn và Tom thường đòi tôi chở đi ăn ở Mc Donald hay vào Mall  để được tung tăng đùa giỡn một cách thoải mái hồn nhiên. Sau một thời gian tới lui, tôi  nhận biết chú Thinh là một người rất nghiêm khắc với vợ con. Hình như chú chẳng bao giờ quan tâm đến Bé Lynn và Tom, còn đối với cô Lam thì có phần lạnh nhạt. Nhưng với ba cô em của chú thì chú lại chăm sóc, lo lắng rất chu đáo.

Thoạt đầu, tôi cũng không để ý, nhưng một hôm tình cờ nghe lóm được mẩu đối thoại của ba mẹ tôi.

- Tôi không hiểu sao chú Thinh lại không cho cô Lam đi làm. Hai đứa nhỏ lớn rồi, phải để cô ấy ra ngoài, đi đây đi đó với người ta, suốt ngày cứ ru rú ở nhà mãi thì buồn chết.

Bố tôi nói. Mẹ tôi hứ giọng:

- Tôi nghĩ cô ấy cũng chẳng có giờ để buồn, vì suốt ngày có rảnh rỗi được lúc nào đâu. Hết hầu chồng, lại hầu con rồi còn hầu luôn cả ba cô em chồng … Cô nào  cũng lớn tồng ngồng nhưng cứ lấy cớ bận học mà chẳng nhúng tay vào việc bếp núc, quần áo bẩn cứ bừa ra đó cho cô Lam giặt giũ.

Bố thắc mắc:

- Chú Thinh đâu mà chẳng bảo chúng một tiếng?

- Nói gì, chính chú ấy muốn cô Lam phải lo mọi chuyện trong ngoài để cho em chú học mà.

- Hằng khối đứa ở đây vừa đi học vừa đi làm mà vẫn tốt nghiệp ào ào. Thế cô Lam không nói gì à?

- Nói gì? Cô ấy mà hở tiếng nào là chú ấy bênh em chầm chập, lại còn bảo cô Lam giở thói chị dâu em chồng. Tội  nghiệp,  chả bao giờ thấy chú ấy đưa cô Lam đi tiệc tùng ở đâu cả. Nhiều lúc nghe cô ấy than thở mà tôi xót cả ruột.

Cô Lam cùng tuổi với người chị Cả của tôi, nên dù gọi mẹ tôi bằng chị theo vai vế họ hàng, nhưng lúc nào cô cũng kính trọng và nể nang bố mẹ tôi như  bậc trưởng thượng. Mẹ tôi cũng rất thương cô Lam ở nết na dịu dàng và chịu đựng.

Từ khi biết được chuyện nhà chú Thinh, mỗi khi  đến thăm tôi hay giúp cô Lam những việc lặt vặt và để ý xem chú Thinh đối xử với cô thế nào. Một  chiều thứ bảy tôi ghé qua để đưa bé Lynn và Tom đi  chơi thì thấy cô Lam đang loay hoay xếp quần áo, hai mắt đỏ hoe. Cô Lam cúi xuống với nụ cười gượng gạo hỏi tôi:

- Nhân định chở tụi nhỏ đi đâu?

Tôi không trả lời mà nhìn cô Lam chăm chú. Cô bối rối quay đi và vờ đưa tay vuốt tóc để che dấu khuôn mặt còn hằn vết đỏ, tôi hỏi:

- Mặt cô Lam sao vậy?

Cô lắc đầu không nói. Tôi hỏi gặn lại:

- Chú Thinh đánh cô Lam hả?

Cô Lam lại lắc đầu, ôm xấp quần áo đi nhanh vào phòng. Tôi nhìn theo cô, cái dáng dấp tha thướt ngày nào giờ đây tiều tụy đến tội nghiệp. Trên đường đi, tôi hỏi Tom, thằng bé im thin thít. Tôi quay sang bé Lynn, con nhỏ chu môi, nét mặt đanh lại:

- Cô Tú đánh mẹ đấy!

Tôi ngạc nhiên:

- Còn bố đâu, bố không nói gì à?

Con bé giũ mạnh hai tay, giọng hằn hộc kể hết những điều mà nó đã chứng kiến bấy lâu nay. Không ngờ một đứa bé tám tuổi mà có thể kể vanh vách mọi chuyện, kèm theo những lời phê phán mà vừa nghe tôi phải giật mình. Suốt buổi đi chơi, tôi thơ thẩn như người mất hồn vì không ngờ cuộc sống của cô Lam là một chuỗi dài bất hạnh. Chú Thinh có thật sự yêu cô Lam không khi chú đã đặt tình cảm anh em lên quá cao? Chú sợ những cô em mới qua sẽ mặc cảm và tủi thân, nhưng lại quên mất rằng chú đang làm tổn thương người bạn đời, đầu ấp tay gối. Càng xót xa cho cô Lam bao nhiêu tôi càng bất mãn chú Thinh bấy nhiêu.

Một lần tôi đưa mẹ đi  dự tiệc cưới của người bà con, gặp chú Thinh và ba cô em  của chú, tôi hỏi  sao cô Lam không đi, chú bảo cô Lam không thích đến chỗ đông người. Mẹ tôi nửa đùa nửa thật:

- Vậy mà chị cứ tưởng việc nhà chưa xong nên cô ấy chẳng được đi

Chú Thinh mím môi cười nhẹ trong khi  ba cô em chú Thinh sa sầm nét mặt. Tối hôm đó chú Thinh không rời sàn nhảy, khi thì với các cô em của chú, khi thì với những người phụ nữ mà tôi chưa từng được biết. Nhìn chú vui tươi trong những bước chân lả lướt theo điệu nhạc, rồi nghĩ đến cô Lam đang ở nhà vò võ quạnh hiu, tôi cảm thấy bất nhẫn trong lòng. Tôi rời khỏi tiệc cưới trước chú Thinh và khoảng ba giờ sáng thì nghe điện thoại reo. Có tiếng bé Lynn khóc trong máy:

- Anh Nhân mẹ đi mất rồi.

Câu nói của bé Lynn làm tôi tỉnh ngủ ngay. Vừa nhảy xuống giường tôi vừa hỏi dồn dập:

- Chuyện gì ?

- Bố đánh mẹ. Mẹ đi mất… anh Nhân tìm mẹ nhanh lên.

Tôi mặc vội quần áo lái xe đến nhà chú Thinh. Bước đến sát cửa tôi lóng tai nghe ngóng. Tất cả cảnh vật như chìm sâu vào giấc ngủ. Không có một tiếng động. Không có tiếng cãi vã, khóc la. Tôi trở ra xe, chờ đợi bằng sự nôn nóng. Trong lo lắng, tôi không ngừng réo gọi bé Lynn trong ý nghĩ “Bé Lynn, bé Lynn gọi cho anh Nhân đi. Nhanh lên. Nhanh lên!!”. Không biết là do thần giao cách cảm hay một ân sũng đặc biệt  nào đó mà bé Lynn  đã gọi tôi. Con bé tám tuổi khôn lanh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Qua giọng nói thì thầm xen lẫn giữa tiếng khóc thút thít của bé Lynn, tôi biết được là chú Thinh nghi ngờ cô Lam nói xấu em chú với mẹ tôi nên đã hùng hổ vặn hỏi. Thêm vào đó là những câu nói châm dầu vào lửa của mấy cô em chồng đanh đá, nên cô Lam đã bị chú Thinh đánh đập khá nặng tay. Không chịu được, cô Lam đã vùng vẫy thoát ra cửa và bỏ chạy giữa đêm khuya.  Không biết cô Lam có bạn bè nào ở gần nhà không? Cô không có điện thoại, không có tiền trong túi thì làm thế nào để liên lạc với ai. Rồi  một mình, một thân giữa đêm khuya chuyện gì sẽ xảy ra cho cô? Tôi ngồi như thế khoảng hai mươi phút với bao nhiêu câu hỏi dồn dập. Nhiều lần tôi định gọi cảnh sát nhưng lại tự hỏi, liệu câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn không?

Cuối cùng tôi đành trở về nhà. Trên con đường vắng tanh không một bóng người lai vãng, tôi quay kính xe xuống thấp và lái thật chậm. Ngang qua công viên gần nhà chú Thinh, tôi nhìn vào những hàng cây thẳng tắp buồn hiu như đang chờ những cơn gió mát.  Trên băng đá xa xa ẩn mình dưới tàng cây cổ thụ hình như có một dáng người. Tôi ghìm thắng, mắt nhìn trừng trừng vào  vùng tranh tối tranh sáng nhá nhem. Người hay ma? Hay cô Lam?  Ý nghĩ này làm tôi trở nên bạo dạn hơn. Tôi vòng xe lại, lái dọc theo con đường hẹp,  mở mắt nhìn thật kỹ. Mái tóc dài che khuất khuôn mặt, chiếc áo hoa màu tím thẫm, đôi vai gầy run theo từng tiếng khóc. Dáng dấp đó quen thuộc quá. Tim tôi đập mạnh, tôi bước xuống xe gọi to:

- Cô Lam!

Những bước chân vội vã đưa tôi đến bên cô Lam để cô kịp ngã vào lòng tôi  buông tiếng khóc não nề. Tạ ơn trên. Lòng tôi   thật nhẹ nhàng khi đầu óc tôi thoát khỏi hình ảnh cô Lam nằm sóng soãi, bất động ở một góc vắng nào đó. Tôi đưa cô Lam về nhà. Mẹ tôi vừa lau những vết thương bầm tím trên mặt, trên cổ cô Lam, vừa nguyền rủa chú Thinh thậm tệ.

Sau ngày đó cô Lam lại trở về nhà để tiếp tục chịu đựng sự bạc đãi của chú Thịnh và sự hiếp đáp của các cô em chồng. Điều lạ là cô có thể chịu đựng được những điều vô lý. Tất cả tiền bạc một tay chú Thinh nắm giữ. Các cô em của chú có quyền mua sắm quần này áo nọ nhưng cô Lam thì không. “Em có đi đâu mà cần phải mua sắm”. Đó là câu trả lời mà cô Lam vẫn thường nhận được từ chú Thinh khi cô ngỏ ý muốn mua một cái áo hay một đôi giày.

Năm hết, tết sắp đến, chú Thinh cùng ba cô em về Việt Nam thăm bố mẹ. Những ngày đó tôi thường xuyên đến với  ba mẹ con cô Lam. Tôi thu xếp những ngày nghỉ cuối tuần để đưa họ đi chơi một vài nơi. Nhìn thấy nét rạng rỡ trên khuôn mặt, trong nụ cười của cô Lam tôi chợt nghe lòng mình ấm lại. Có lần tôi hỏi:

- Cô Lam sẽ chịu đựng cuộc sống đau khổ này đến bao giờ?

Cô Lam lắc đầu thở dài. Tôi nhìn hai đứa bé đang vô tư đùa giỡn theo sóng nước:

- Nhân thật không hiểu tại sao cô Lam phải chịu đựng những điều vô lý như vậy? Tại vì cô quá yêu chú Thinh hay tại vì cô không muốn bé Lynn và Tom phải đau buồn.

Tôi chờ câu trả lời, nhưng chỉ thấy ánh mắt sầu hun hút  của cô Lam trong ánh nắng vàng hanh. Khi trở ra xe tôi hỏi:

- Những ngày chú Thinh vắng nhà cô Lam có buồn không?

Cô lắc đầu nhìn tôi với nụ cười âu yếm. Nụ cười ẩn chứa hai chữ cám ơn làm tôi cảm thấy lòng mình thơi thới. Cái cảm giác đem niềm vui đến cho một người bất hạnh làm tim tôi rộn rã khác thường. Tuần lễ cuối cùng trước khi chú Thinh trở về,  chiều nào tôi cũng đưa mẹ con cô Lam đi ăn, đi xem phim. Tôi cảm thấy hình như mình đang hối hả trong niềm vui sắp tắt của cô Lam. Khi chú Thinh về, tôi sẽ không còn được cùng Cô Lam ngồi nhìn  nắng chiều lui dần vào bóng tối trên bờ biển mông mênh tiếng sóng vỗ, lắng nghe tiếng cười dòn tan  của bé Lynn và Tom để tưởng tượng như  đây là mái  gia đình  của riêng mình, một gia đình đang tràn đầy hạnh phúc. Và rồi … tôi sẽ không còn được chăm sóc cho ba mẹ con cô Lam từng món ăn trong một  nhà hàng nhỏ bé nhưng thật  ấm cúng, hay lăng xăng giúp cô Lam dọn bữa cơm chiều.

Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy nao nao trong lòng. Tôi nói với bé Lynn:

- Tuần sau bố về rồi hai đứa phải chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn đừng để cho mẹ bị bố mắng nhá.

Hai đứa gật đầu buồn bã. Khi chúng vào phòng ngủ, tôi  nói cô Lam:

- Chắc Nhân phải đi xa để khỏi phải nhìn thấy cô Lam bị chú Thinh hành hạ.

Cô Lam cố làm ra vẻ dưng dửng dưng:

- Có sao đâu Nhân, cô Lam đã quen rồi.

Tôi nhìn cô thật lâu:

- Tại sao cô Lam lại bắt mình phải “quen” với những điều vô lý đó. Tại sao cô Lam không đòi hỏi sự công bình cho mình.  Cô có trình độ, cũng không phải là người rụt rè, nhút nhát, sao cứ  tự trói mình để phải lệ thuộc vào chú Thinh. Cô phải cứng rắn, mạnh dạn để đòi cho được những điều cô muốn. Cô muốn đi làm thì cứ thẳng thắn nói với chú Thinh.  Nhân sẽ tìm việc cho cô. Nhân sẽ dạy cô lái xe…

Nhìn vẻ hùng hổ của tôi, Cô Lam cười chế nhạo:

-Nhân làm gì mà ghê vậy, cứ y như đang biểu tình chống cộng không bằng.

Tôi ngửa mặt cười vang nhưng cũng không quên  tiếp tục nhồi nhét vào đầu cô Lam nhiều điều khiến cô phải suy nghĩ.

Chú Thinh trở về tôi ít có dịp gặp cô Lam, nên cô  thường gọi điện thoại tâm sự cùng tôi những lúc buồn bã. Bao giờ nhấc điện thoại lên tôi cũng nghe giọng cô sũng đầy nước mắt và rồi không biết từ bao giờ những lời an ủi của tôi dịu dàng hơn, nồng ấm hơn, để rồi có một ngày, cả tôi và cô Lam cùng cảm nhận… có một nhịp đập khác thường trong hai trái tim đang hòa cùng một điệu nhạc.  Phải nói rằng cả hai chúng tôi không ai cố tình  tạo ra  nghịch cảnh, nhưng những săn sóc dịu dàng của tôi đã làm cho một trái tim đang mang nhiều thương tích bỗng hồi sinh. Riêng với tôi, hình ảnh một cô Lam hiền lành, bất hạnh với nét  buồn u uẩn đã biến lòng thương hại  của tôi thành một tình yêu tha thiết đậm đà.

Cuối cùng, khi sự chịu đựng của cô Lam đã mỏi mòn, cô ngỏ ý với tôi, cô muốn rời khỏi căn nhà hỏa ngục ấy. Như một chàng hiệp sĩ trong câu chuyện cổ tích thời xa xưa, tôi đứng ra gánh vác, lo toan mọi việc. Tôi đưa cô Lam rời khỏi nhà vào một buổi sáng khi chú Thinh và ba cô em của chú Thinh đi làm, bé Lynn và Tom đi học. Những bước chân của cô Lam như gắn  thêm viên đá nặng ngàn cân. Cô Lam hỏi tôi trong nước mắt:

- Bé Lynn và Tom sẽ nghĩ gì về mẹ nó?

Tôi trấn an:

- Nó sẽ hiểu được lý do, bởi vì nó đã chứng kiến quá nhiều.

Cô Lam nhìn tôi như bám víu một niềm tin:

- Nhân chắc chắn như thế?

Tôi cầm tay cô Lam, giọng chắc nịch:

- Chắc chắn.

Không cần nói hẳn ai cũng biết là sóng gió không dừng lại ở ngưỡng cửa tình yêu của tôi và cô Lam. Cha mẹ tôi chống đối vì cho rằng mối tình này trái với đạo lý. Bạn bè chê trách tôi phá vỡ hạnh phúc (?) gia đình người khác và hỏi  tôi tại sao lại  “chọn người yêu trong hàng cô bác”. Cô Lam vùi đầu trong nước mắt, hối tiếc đã làm hỏng tương lai của tôi. Nhưng với tôi, những điều cỏn con ấy có sá gì so với tình yêu vĩ đại tôi đã dành cho cô Lam. Tôi ngẩng cao đầu bước trên dư luận, bởi tôi nghĩ, nếu ai thật sự hiểu tình yêu là gì, họ sẽ chẳng bao giờ đặt câu hỏi tại sao, cho trường hợp “éo le” này.

Chú Thinh lên án, chửi bới, đe dọa mãi rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận ly dị. Trước toà án, cô Lam là người có lỗi nên  không được quyền giữ con.

Gặp lại bé Lynn và Tom quả thật tôi vô cùng bối rối. Tôi không biết phải giải thích thế nào. Điều tôi lo sợ là chúng sẽ oán hận tôi và cô Lam. Nhưng thật may mắn, hai đứa vẫn gửi cho tôi một nụ cười thân thiết như ngày nào. Bé Lynn lau nước mắt cho cô Lam và nói nhỏ:

- Vài năm nữa con sẽ về với Mẹ.

Cô Lam nhìn con với đôi mắt sáng ngời niềm hy vọng. Cái con số “vài năm” vậy mà qua thật nhanh và bây giờ, mười năm sau ngày chia tay đầy nước mắt ở tòa án, Lynn và Tom đã có mặt trong căn nhà khang trang của tôi và cô Lam… À! không tôi và Lam.

Ngân Bình

Kim Loan - Sưu Tầm

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC