TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

     Tối lên giường nằm, thấy ngoài trời sáng như ban ngày, tôi thấy lạ, nghĩ thầm: “Hôm nay trời lâu tối hay đèn đường sáng hơn?”
Nhỏm dậy nhìn, mắt tôi hoa lên : Tuyết mênh mông trắng xóa. Tuyết phủ trên mái nhà, trên mui những chiếc xe, trải kín mặt đường, thảm cỏ. Tuyết kết từng cụm hoa trên lá cây thông, trên cành cây khô, đẹp thanh khiết, trắng tinh. Dù đã được truyền hình thông báo, tôi vẫn ngỡ ngàng khi thấy cảnh vật thay đổi đột ngột như vậy.
      Mới hơn 8 giờ sáng đã thấy Trâm từ trên lầu xuống, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao con dậy sớm thế?.
- Con đi làm.
Tôi băn khoăn lo lắng.
- Hôm nay tuyết đầy đường, trơn trượt, hãng xưởng, trường học nghỉ hết, con không nghỉ được sao ?
Trâm nói tỉnh bơ.
- Họ nghỉ kệ họ, mình có việc thì phải đi.
Tôi cố nằn nì, cản trở con:
- Nhưng đường trơn, nguy hiểm lắm, con nghỉ một bữa được mà.
Trâm khăng khăng không chịu, lái xe đi....
Tôi thở dài, lòng nặng trĩu lo âu. Tính khí nó vẫn vậy, ngang bướng, không bao giờ chịu nghe lời, rất tham công tiếc việc, siêng làm.

  Trâm ra trường với tấm bằng cử nhân tài chính, kế toán. Thời kinh tế suy thoái, các ông chủ khôn ngoan biết tận dụng cơ hội này, trả lương cho công việc chuyên môn của người có bằng cấp, rẻ bèo như lương của nhân viên quét dọn vệ sinh, vì biết vẫn có người sẵn sàng chấp nhận làm việc với đồng lương khiêm tốn, còn hơn bị thất nghiệp. Bất mãn, Trâm theo nghề khác, không dính dáng gì đến tấm bằng đã dày công học hành bấy lâu nay mới có được. Nó đi làm thông dịch cho bịnh nhân và dạy kèm.

  Dạy kèm có lịch cố định hằng tuần, còn thông dịch thì bất cứ lúc nào văn phòng điều phối mới đi, việc này không có thường xuyên vì phải phân chia  cho nhiều người; thời buổi khó khăn, việc ít người nhiều.
Ngày nào có hẹn thông dịch, 8 giờ Trâm đã ra khỏi nhà, dù nó rất mê ngủ, nếu không cần đi sớm, 11giờ sáng nó mới xuống lầu.

 

  Trâm là con út của tôi, chắc là út nên nó rất đèo đẹt nhỏ con, không cao lớn phổng phao như các anh chi, nhưng khôn ngoan rắn rỏi, cộng thêm cái tính chặt chẽ tiết kiệm. Hồi còn nhỏ, tuy chưa biết đếm và nhận diện được con số, nhưng mỗi lần đến tết có tiền lì xì, nó cất giữ cẩn thận, anh chị dụ dỗ, tráo đổi tiền nhỏ lấy tiền lớn của nó không được, lấy trộm cũng không xong, vì tuy không biết đếm, nhưng nó biết thiếu khi bị mất. Có khi Trâm cất kỹ đến nỗi chính nó cũng tìm không ra, mấy đứa lớn trêu đùa, nói em khôn như con...chí mén. Ngày qua đây du học, Trâm đem theo cả triệu đồng tiền lì xì mới tinh, mấy năm sau tôi mới ''phát hiện'', bắt nó gởi về VN xài, thì những đồng tiền đó không còn lưu hành nữa.

   Khi còn ở VN, năm 15 tuổi, mới học lớp 9, có lần vào ngày Valentine, Trâm rủ nhóm bạn trong lớp đi bán hoa hồng vào dịp lễ. Theo  tính toán, bán hoa vào ngày này có thể một lời năm, những đứa học sinh như nó tập tành ''tự lập'', kiếm ít tiền bỏ ống heo, khi cần mua đồ dùng cho việc học, không phải xin cha mẹ.


  Trâm nhận nhiệm vụ đi ''lấy hàng'' cho cả nhóm. Chiều con, 3 giờ sáng tôi chở nó từ nhà ở Thủ Đức lên chợ hoa Hồ văn Huê Saigòn. Ngày Valentine là ngày hút hoa hồng nhất, mọi người đổ xô đi mua về bán, giá nhích lên từng giờ, lưỡng lự kỳ kèo một lúc là người khác mua mất. Trâm kéo tôi đi từ đầu chợ đến cuối chợ, sạp hàng nào nó cũng hỏi giá, tẩn mẩn xem xét từng đóa hoa, coi  còn tươi hay đã thâm cánh, so sánh giá cả của sạp này với sạp kia. Sau mấy tiếng đồng hồ đi mỏi chân, kỳ kèo mỏi miệng, nó mới ''bấm bụng'' mua ''đại'' 50 đóa hoa hồng.


  Từ lúc 2 giờ trưa, Trâm hối hả đến chỗ hẹn với nhóm bạn để phân chia hoa và khu vực đi bán, xem ra ''tập đoàn'' này cũng có kế hoạch tổ chức lắm. Tất cả mọi đứa trong nhóm dù bán ít hay nhiều, được giá hay không, sau khi tổng kết, đều có phần lời bằng nhau.
Tôi ở nhà yên tâm, cho rằng với chỉ 50 đóa hoa, tụi nhỏ sẽ bán hết vèo trong vài tiếng. Ở VN bây giờ đã qua cái thời khoai sắn, bo bo độn cơm, gạo mốc hẩm hiu. Đời sống dễ thở hơn, còn có nhiều thành phần phất lên giàu sụ bất ngờ; cho nên, ''phú quí sinh lễ nghĩa'', mọi người theo trào lưu xã hội, ngày ''tình yêu'' trở thành ngày trọng đại, các anh chàng không thể từ chối đóa hồng tặng người yêu khi một em nhỏ đến chào mời.

 

  Gần 7 giờ tối, cơm đã dọn ra bàn vẫn chưa thấy Trâm về. Tôi sốt ruột lo lắng, dù là thành phố, 7 giờ trời đã tối sẩm, không biết con tôi lần mò ở hang cùng ngõ hẻm nào ? Xã hội bây giờ có rất nhiều kẻ bất lương, sẵn sàng gây hại đến người khác. Tôi hối hận quá, vì đã để con đi ''buôn bán'' như vậy, lỡ có chuyện gì không may xảy ra....
Tôi phái hai thằng con trai đi truy tìm con ''chí mén''. Đi một lúc, hai thằng anh ''điệu'' được em về. Tôi chưa kịp lên tiếng mắng mỏ vài câu cho bõ nỗi lo lắng đang nặng trong lòng, Trâm đã hớn hở tíu tít khoe thành tích ''làm ăn'' của mình:
- Má biết không ? Bán sướng lắm, mời là người ta mua liền, không phải năn nỉ gì hết.
Chưa hết cảm giác lo âu, giọng tôi hơi gắt.
- Con làm má lo quá, các anh chưa đi tìm thì chưa về hả ?
Trâm cười khì khì.
- Má lo làm gì, con phân công mỗi nhóm đều có con trai đi theo bảo vệ, an toàn lắm.
- Nhưng sao về trễ vậy ?
Trâm liến thoắng.
- Bán xong phải tụ họp lại, chờ đông đủ, tính toán chia lời, nhiều đứa bán chậm nên phải chờ.
Thì ra con tôi cũng ''có tài'', biết cách tổ chức một công việc.

  Rút kinh nghiệm ''xương máu'' của mùa năm ngoái, phải mua đắt mà không có hoa để mua nhiều. Năm nay, tới lễ Valentine Trâm nhờ tôi chở đi mua hoa sớm một ngày. Mua trước, giá đỡ căng và không bị hạn chế số lượng muốn mua, có điều phải biết cách bảo quản để hoa tươi lâu. Năm nay, Trâm phấn khích muốn đi bán từ buổi sáng, chứ không đợi đến chiều mới đi, ''doanh thu'' và số lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn.
 Sáng, mới 7 giờ, bọn trẻ bạn Trâm đã tụ tập đủ ''quân số'' ở nhà tôi, háo hức lãnh hoa đi bán. Trâm và đứa bạn leo xe bus đi Suối Tiên, tụi nó nghĩ, Suối Tiên vào ngày lễ hội rất đông người, bán sẽ hết mau...
Xế trưa Trâm về, mặt đỏ gay, trán đẫm mồ hôi, áo xốc xếch, quần ống thấp ống cao, trên tay ôm bó hoa hồng còn...nguyên. Tôi xót xa, hỏi:
- Sao vậy con ? Bán không được à.
Trâm ngượng ngùng.
- Con tính sai, ở Suối Tiên, toàn người lớn dắt con nít đi chơi thôi, đâu có ai mua hoa làm gì.
Tôi an ủi.
- Không sao đâu, từ giờ đến tối, bán...chắc cũng hết.
Trâm lùa vội vã chén cơm rồi tất tả ôm bó hoa đi. Trưa nắng chang chang, không biết nó đem hoa đi đâu bán ? Những quán cafê nhạc buổi trưa còn vắng khách . Số phận đám bạn chắc cũng không hơn gì!!!
Trâm ''tranh thủ'' đem hoa ra chợ. Không còn chỗ trống, nó đến bên hàng....cá ngồi đỡ. Hoa bị trời nắng nóng làm khô héo, dù nó đã ì ạch xách theo xô nước để ngâm và vảy. Tội nghiệp những đóa hoa hồng kiêu sa phải ''chung đụng'' với mấy con cá tanh hôi và tội nghiệp con ''chí mén'' của tôi với cái đầu ''kinh doanh'' quá sớm.
Thằng anh Tư tình cờ chạy ngang qua chợ, thấy em ngồi ủ rũ bên mớ hoa hồng cũng...rũ không kém, xót xa.
- Hoa để anh mua hết cho, em về đi.
Trâm kiên cường.
- Bán cho anh cũng như...không, để em bán người khác.
Thằng anh lắc đầu chịu thua, bỏ đi. Bà bán cá ngạc nhiên hỏi:
- Sao ''trúng mánh'' có người mua hết, con không bán?
Trâm cười méo xệch.
- Người đó là ...anh con, ảnh mua về rồi...dzục đi, uổng.
Bà bán cá càng ngạc nhiên cao độ.
- Anh con chạy xe tay ga, ...nhà mày giàu như vậy còn đi bán làm chi cho cực khổ?
Trâm lại cười, không biết nói thế nào cho bà ấy hiểu.

  Trời tối sẩm, tôi lại phải sai thằng anh đi ''triệu tập'' em về. Thấy con mặt mũi bơ phờ, cái dáng bé nhỏ lùn xịt, sắn quần ''móng lợn'' để đi cho nhanh đỡ vấp, nhìn rất...con nhà nghèo, tôi xót ruột quá. Đỡ mấy bông hồng còn lại trên tay nó, ngập ngừng hỏi:
- Sao con, có ...lỗ không ?
Trâm cười gượng.
- May quá, bán rẻ, bán tháo nhưng không lỗ.
Tôi thắc mắc.
- Sao bán rẻ bán tháo, hoa còn ế mà không .... lỗ ? Nó kể :
- Có một anh gọi lại mua, đưa giấy 100 ngàn, nhưng không lấy tiền thối cũng không lấy hoa, ảnh nói :- Em nhỏ xíu thấy thương quá, lại có hai lúm đồng tiền giống người ...xưa của anh, anh tặng cho em nguyên bó hoa này - bởi vậy, có 100 ngàn đó là đủ vốn rồi. Tôi lại thắc mắc chuyện khác.
- Sao năm ngoái bán đắt, năm nay lại ế... quá vậy ?
Trâm nhăn nhó.
- Suy nghĩ lại con mới biết, năm ngoái ngày 14 tháng 2 trùng vào Tết, sinh viên ở tỉnh lên Saigòn học về quê hết. Năm nay không trùng, số lượng ''quân dân'' đi bán quá đông nên...ế.
Thương út đẹt quá, nhưng nhờ ''sự cố'' trong việc ''kinh doanh'' này, nó có thêm kinh nghiệm cho ngày sau.

  Ngoài đường vắng vẻ, thỉnh thoảng có một chiếc xe chậm chạp ''bò'' qua. Tuyết đông lại thành đá, trơn trợt. Atlanta không phải là  tiểu bang thường có tuyết, nên người ta không có biện pháp tích cực để giải quyết. Có tuyết là mọi sinh hoạt đều...ngưng, từ hãng xưởng đến trường học, chờ tuyết tan...
  Tuyết đông cứng, trơn láng như lớp kem trên mặt chiếc bánh sinh nhật. Đã có những chiếc xe dù chạy rất chậm, khi thắng vẫn quay vòng như chiếc cối xay rồi lủi vô lề, hoặc chổng bốn bánh lên trời.
  Từ trong nhà đi ra parking đậu xe, Trâm té oành oạch vì lớp đá dày trơn dưới chân. Ngoài trời 30 độ F lạnh buốt, út mén vẫn ''bò'' đi làm. Sống trên đất Mỹ, không biết nó có nghĩ ra được cách nào để đi bán hoa hồng ngày 14 tháng 2 kiếm thêm tiền bỏ ống heo không
??
 

 HT. Thanh Nga

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.