TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

    
        Thật ra tựa đề chúng ta bàn bạc hôm nay, người dân quê Nam bộ đã quá quen:  Xổ hay đổ hay ùa chạy vì bất cứ một lý do gì cũng cùng một nghĩa.  Hàng năm cứ vào độ tháng mười một âm lịch, khi gió bấc rong ngọn, cái lạnh mơn man trên má các em nhỏ vào mỗi buổi sáng (gò má các em ửng hồng vì lạnh) cái lạnh làm cho những người lớn tuổi phải khoác thêm áo mỗi khi ra đường. Dân chúng làng tôi nhà nào có kinh, rạch chảy qua  đều chuẩn bị, hoặc đốn sậy, hoặc đốn tre bện đăng, sửa lọp chuẩn bị cho mùa tôm xổ. Công việc không có gì là cực nhọc, ai có tre thì đốn một cây tre già, cắt khúc chừng hai thước, chẻ tre thành những nan cỡ ngón tay, vót láng, phơi nắng độ một hai ngày. Sau cùng là vào rừng tìm dây choại về bện các nan tre lại thành tay đăng rồi cắm chặt nó từ bờ nầy sang bờ kia của con kinh, con, rạch. Thường người ta làm giàn rớ để giữ đăng khỏi bị ngã nghiêng khi nước chảy xiết. Đăng đã vững chắc, giờ chỉ còn khoét một lỗ vừa  miệng  lọp. Chiều xuống người ta đặt lọp, miệng lọp bao quanh chỗ lỗ đã khoét,  phía sau lọp người ta còn cẩn thận cặm cây chịu lại để chắc ý răng cá tôm vào bao nhiêu cũng không làm lọp di chuyển chỗ khác được. Bây giờ chỉ chờ sáng hôm sau xem kết quả.
 
 

    Vào  mùa nầy nước từ ruộng chảy ra sông, tôm cũng theo dòng chảy của nước mong thoát ra vùng rộng lớn và sâu hơn cho an toàn.

     Lý do tôm từ trên đồng ruộng đổ xuống kinh, rồi lần mò tìm ra sông cũng dễ hiểu. Vì gió bấc thổi xuống mang khí hậu lạnh và khô. Nước trên ruộng rút dần chỉ còn trơ bùn và gốc lúa. Thiếu nước nên tôm cá xuống kinh, lần mò ra sông lớn. Chướng ngại đầu tiên là tay đăng giăng ngang, cản đường tiến của chúng. Con tôm nhờ có bộ râu dò đường, nó tìm từ trên xuống dưới tay đăng, rồi từ trái sang phải,  sau cùng nó thấy có lỗ hổng to,chúng yên chí có chỗ đào thoát rồi hàng hàng lớp lớp họ hàng nhà tôm cứ nương theo nước xuôi dòng. Không ngờ lại chuôi vào lọp do người giăng sẵn chờ bắt. Sáng ra người ta dỡ lọp và bắt tôm dễ dàng không mất công sức chỉ phải chịu lạnh nhảy ùm xuống kinh đem lọp lên bờ đổ tôm ra rổ xúc và đặt nó lại vị trí  cũ chờ sáng  hôm sau.  Công đoạn cho là cực nhọc kéo dài tối đa là mươi lăm phút trầm mình dưới làn nước lạnh vào mùa đông.  Mỗi đêm có khi bắt được hai ba ký lô tôm.  Trời càng lạnh tôm xổ càng nhiều.

     Nhìn những con tôm càng xanh, búng tanh tách quanh rổ cũng thấy vui tai. Tôm là món ăn vừa ngon, bổ, dễ nấu nướng, nên chắc chắn má tôi sẽ cho chúng tôi những bữa ăn khoái khẩu trong những ngày tới.  Ba tôi ít khi nào để ý đên thức ăn, thức uống vậy mà hôm nay ông cũng đề nghị má làm món gỏi tôm nướng để vừa ăn cơm, vừa nhậu lai rai.  Mấy em, đứa nào cũng xí phần hoặc một hoặc hai con tôm nướng, riêng cô em gái không đòi tôm nướng chỉ xin càng tôm thôi.  Ngoài các món được làm theo yêu cầu của các thành viên trong gia đình, má tôi thêm một món ăn khá đặc biệt mà ai nghe qua cũng hoan nghinh: Đó là món tôm kho Tàu. Muốn làm món này tôm phải lột vỏ ra chỉ chừa phần vỏ ở phía đuôi con tôm. Gạch tôm được đựng trong một cái tô riêng. Trước tiên cho nước mắm vào nồi đun sôi lên, đoạn cho tôm lột vô,vặn  lửa nhỏ đợi cho tôm chín, đổ gạch tôm lên. Lớp gạch tôm áo bên ngoài con tôm. Món nầy ăn cơm rất ngon miệng. Thức ăn chính bây giờ là tôm vì vậy má tôi hết kho, tới nấu canh mọi thứ đều chế biến từ thịt tôm. Nào là canh chua tôm với bông súng, hoặc  canh chua bông so đũa.  Thử tưởng tượng đang đói bụng, bạn chan canh nóng vào chén, gắp một miếng tôm chấm nước măm cay vừa ăn vừa hít hà thì còn gì thú vị bằng.  Tuy vậy ăn mãi một thứ cả tuần lễ chúng tôi bắt đầu thấy ngán. Ngửi mùi tôm dường như ai cũng uể oải hết đói bụng và ai cũng ao ước có món khác đổi bửa.  Khổ nỗi tôm vẫn còn đầy ắp hai gọng neo trong xẽo.  Phải chi không có lịnh cấm quái quỉ của mấy ông Việt Minh thì chín mười ký tôm chỉ chưa tới buổi chợ là xong ngay. Đàng nầy mình ở vùng xôi đậu, lâu lâu lại bị lịnh ngăn sông cấm chợ cũng phiền hà thật.
 
 
     Buổi cơm hôm đó thật tẻ nhạt. Gần xong bữa ăn, má tôi tuyên bố một câu, khiến tụi tôi mừng quýnh lên. Bà nói:
 
     - Trưa mai ăn cơm với cá lòng tong kho, chiều ăn cơm với thịt heo hầm măng mạnh tông.

     Ba nhìn má ngạc nhiên hỏi:

     -  Bộ bà định  đem số tôm nhảy dù sao?

     -  Không. Má dẫn chứng cho ba biết tại sao, má không buôn lậu.

     - Ông không thấy dạo nầy thằng cha Hai Xù, Sáu Quởn và toán dân quân canh mọi ngõ ngách xuống chợ sao.  Ai mang tôm, cá gà vịt đều bị tụi nó tịch thâu hết.

     Nhảy dù và bị tịch thu gần như là chuyện ăn cơm bữa của những ai sống trong vùng do Việt Minh kiểm soát. Má tôi biết vậy, nên không bao giờ bà có ý định mang đồ cấm lén ra thành bán dù lợi nhuận do lối buôn bán nầy đem đến không phải là nhỏ.

    Mới tháng trước có vụ “ nhảy dù” của hai cô ở Cây Sao, xã nằm cạnh làng tôi, Việt Minh bắt được, chẳng những họ tịch thu cả tang vật mà còn lấy luôn chiếc xuồng.  Ban thông tin xã còn viết nên vở kịch diễn cho mọi người xem nhằm răn đe bà con. Hai cô gái là những thiếu nữ nghèo trong vùng, họ không có tiền mua sắm những thứ cần thiết, nên hai cô nghĩ đến việc mang đồ sẵn có trong thôn làng ra Vĩnh Long bán. Hành động đó Việt Minh gọi là nhảy dù. Nếu suông sẻ hai cô sẽ có một số tiền để mua lượt là và chút ít đồ trang điểm cho phụ nữ. Những tay nhảy dù chuyên nghiệp, họ có thể xuất tiền mua hàng hóa giá rẻ, may mắn thoát lưới kiểm soát thì họ sẽ thu về một số lợi đáng kể và có thể nghỉ nghơi ăn tiêu vài ba tháng.  Hai cô gái trong câu chuyện là hai thôn nữ nghèo, nên họ lấy công làm lời. Việc trước tiên là họ đi cắt lá sen, bó lại, kế đến bắt cá và gom  vài chục trứng gà cho hết xuống chiếc xuông, hai cô bơi ra tỉnh Vĩnh long gọi là nhảy dù. Nhưng số hai cô xui xẻo, vùa ra khỏi xã độ tiếng đồng hồ thì bị dân quân chận xét và đây là câu chuyện

    Túng quá đi thôi
    Không biết toan liệu thế nào
    Mai đi bắt cá ra Vĩnh long
    Nhảy dù thử coi
    Nhảy dù kiếm ăn . . .

    Nhưng  vừa tới Kinh Tư (con kinh khá lớn chia làm bốn ngả trong đó có hai lối đi về thành, hai ngỏ khác về vùng trong. Tại đây có trạm kiểm soát do dân quân canh giữ, xuồng hai cô bị xét kỹ và họ phát hiện đồ cấm:

     -  Hai cô ghé đây chúng tôi xuống xét

     Xét coi có gì ở đây
     Và đây là tang vật…
     Dưới cá, trên sen, chính giữa lại có hột gà.

     Kết quả là tất cả cá, sen, hột gà đều bị tịch thâu, và chiếc xuồng họ cũng lấy luôn. Câu chuyện thực ngoài đời, được ban tuyên truyền thủ diễn để khoe thành tích. Khán giả  ngoài những tiếng vỗ tay tán thưởng thành tích dân quân, chắc ai cũng ngậm ngùi cho tình cảnh đáng thương của hai cô thôn nữ. Hai cô bỏ ra ít nhứt hai ngày công cắt, gói lá sen, tát mương,tát vũng để bắt dăm kí cá đem ra thành gọi là buôn lậu (hay nhảy dù )mong kiếm chút cháo. Dù đã đứt dây thành thử xôi hỏng. bỗng không, mà còn mất luôn chiếc xuồng, biết đến bao giờ mới tạo lại chiếc  xuồng  khác?
 

     Trở lại với gia đình, đúng như má tôi hứa với mọi người, chiều hôm sau chúng tôi ăn cơm với thịt heo hầm măng Trước đó má tôi đem tôm  ở gọng lên cắt đầu, lột võ rồi bà đem kho tàu trong một cái nồi lớn. Sáng đi học tôi chở nồi tôm kho xuống cho Bác Tư Sanh người bạn thân của ba má tôi có nhà ở chợ, chỗ chúng tôi thường gởi xuồng đi học và chiều về đó bơi về nhà. Mấy hôm trước đi chợ xã má tôi cho biết về tình trạng cấm chợ không làm sao bán tôm được trong khi ăn mãi một thứ cả nhà ai cũng ngán.  Bác Tư bày kế cho má tôi kho tàu cho bác và những người bà con lân cận , ngược lại chúng tôi cần gì cho bác biết bác sẽ làm giúp.  Đây là cuộc trao đổi hai bên cùng có lợi,mà phía Việt Minh cũng không viện vẫn được lý do gì để cấm đoán chúng tôi.

     Mùa tôm xổ kéo dài chừng non tháng, lịnh cấm tự động hết hiệu lực khi mùa tôm đã hết. Lịnh nầy vừa xong thì dân lại chuẩn bị đối phó với các lịnh cấm khác. Những từ như: nhảy dù, buôn lậu, tịch thâu, gần như dân thời bấy giờ ai cũng nằm lòng.  Ai sợ, cứ sợ, ai len lỏi được cứ theo cách thế của mình mà làm. Tóm lại càng sông lâu trong vùng bất an, vùng xôi đậu, người ta càng học nhiều cách mưu sinh để tồn tại.

 
 
Viết xong March 25 ,2012
Nguyễn Thành Sơn
 
 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.