TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

                                            

             Cua, ốc là hai con vật thân quen ở miền quê, bất cứ ai kể cả những người cao sang quyền quí cũng hơn một lần gặp qua và thưởng thức thịt của nó. Mò cua bắt ốc dường như dành riêng cho hạng người thật nghèo khó. Con cua, con ốc phổ cập trong những câu hò điệu hát, nó là hiện thân của gian lao, nghiệt ngã mà một số người phải gánh chịu:

            Gió đua, gió đẩy về rẫy ăn còng
            Về sông ăn cá, về đồng ăn cua

Hay

            Má ơi đừng đánh con đau
            Để con bắt ốc, hái rau má nhờ

Cua không bò tới hay bò lui chỉ bò ngang, vì đặc tính này cua được ông bà ta  tạo nên thành ngữ “ngang như cua”.  Người ta dùng cụm từ "ngang như cua" để ám chỉ hạng người gàn bướng, bạ đâu nói đó. Ai bị quy tội ngang như cua, tranh cãi với họ các bạn chỉ chuốc lấy sự bực tức mà thôi.

Đặc tính kế tiếp là sinh sản một  lần nhiều trăm con. Bạn có khi nào thấy cua cái mang trong yếm mấy trăm con cua con cỡ đầu que tăm chưa? Những trận mưa đầu mùa, lối tháng năm, thấy con cua nào bò một mình dưới cơn mưa, bạn bắt xem thử sẽ thấy dưới cái yếm nó lúc nhúc cua con. Cua con lớn lên rất nhanh, tăng nhân số cho họ hàng nhà cua. Cua chính là tác nhân số một trong việc phá hoại mùa màng. Nông dân thù cua nên gặp chúng ở đâu thì  bắt giết không tha. Cách đây ba bốn mươi năm, nông dân dùng phảng phát cỏ, vì chưa có máy cày, cỏ phát xong phơi nắng, ủ mưa một thời gian cho mục rồi mới trục và cấy lúa. Vào buổi sáng trên cánh đồng đó  nếu bạn có dịp lội ruộng cắm câu hay làm bất cứ việc gì, bạn sẽ thấy lúc nhúc cua trên những về cỏ mục,  giống như họ hàng nhà cua đang “chào bình minh”. Lối hai giờ trưa khi trời nắng gắt, nước cũng nóng theo, tốp cua nầy không chịu nổi độ nóng của nước nên phơi mình trên cỏ, giống như chúng đang phản đối ông mặt trời. Cua cắn phá cây mạ, lúa non, nên nhà nông có sáng kiến nuôi vịt cho chúng ăn bớt phần nào hay phần nấy. Tuổi trẻ tôi thường chăn vịt cho nên  tận mắt chứng kiến những điều vừa kể.

            Một đặc tính nữa là khi không cần thiết phải xuất hiện, cua lặn kỹ và sâu. Vào lúc đông sắp sang cua đào hang  và ẩn trong đó tránh lạnh, an tâm dưỡng sức trong thời kỳ lột vỏ.

            Đặc tính chót là những con cua cái rất tàn ác, kém thủy chung. Khi con cái lột vỏ, cua đực chăm sóc từng ly, từng tí; trái lại đến kỳ cua đực lột vỏ, cua cái lơ là bổn phận, đôi khi còn dẫn tình nhân về hang để ân ái, thậm chí còn nổi giận cùng tình nhân giết chồng nếu anh chồng phản đối (điều nầy tôi chỉ nghe kể lại chứ không có tài liệu nào rõ ràng).

            Cua hiện diện khắp mọi nơi trên quê hương Việt Nam, nhưng món bún riêu cua có lẽ phải nhường đặc quyền nêm nếm, nấu nướng cho quí bà người miền Bắc. Từ riêu cua các bà có thể nấu với rau đay, mồng tơi cũng rất độc đáo. Ngoài các món vừa kể, cua rất khó chế thêm thức ăn cho hợp với khẩu vị của mọi người.

Món nước mắm cua nghe đồn cũng tuyệt lắm nhưng tôi chưa có dịp thưởng thức nên không biết thực hư ra sao? 

Sau năm 1975, những gia đình gặp khó khăn về kinh tế cố bươn chải như mò cua bắt ốc làm sao cho con cái có bữa ăn kha khá, món cua rang muối thường xuyên có mặt trong các gia đình nghèo, hoặc gia đình sa cơ thất thế. Đôi khi các bà mẹ, bà vợ nghĩ cách làm món cua rang me hy vọng đem lại cho gia đình khẩu vị mới đỡ nhàm chán, nhưng mùi vị rang me từ cua đồng vẫn kém xa cua biển.

            Cũng sau năm 1975 dân Nam tự nhiên lại chú ý đến cua đồng, các bà nội trợ mỗi lần  không đủ tiền mua cá thịt cho gia đình thì cố gắng mua ít con cua về chế biến cho các con có chất tươi để lây lất sống qua ngày. Trong những năm ấy sau khi cải tạo về, tôi được bà con hướng dẫn mua một mớ lờ cua để làm kế sinh nhai..

Mỗi chiều tôi chống xuồng tìm chỗ đặt các lờ, để cách đêm, sáng giở lờ, thu hoạch phần lớn là cua đôi khi có rùa, cá sặc. Cá sặc thì kho, nấu canh  Cua thì cân ký cho bạn hàng tới chỗ thu gom. Ở miền Nam vào thời điểm nầy mọc lên chợ mua bán cua. Trước đó, người ta bán cua kèm với ốc, số lượng cua mang ra bán rất ít vì không ai mua.  Bây giờ cua là món hàng được đa số bà con để ý vì rẻ, hợp với túi tiền của gia đình còn đang khốn đốn trước cảnh đổi thay của xã hội.

            Bữa canh chua cua đồng

Tôi về làng cũ tá túc tại nhà của chú em để làm ít công ruộng. Đây chính là nơi chôn nhau cắt rún, nhưng bây giờ tôi cảm thấy như hoàn toàn xa lạ, mặc dù tôi biết rõ ràng từng bụi cây, bụi cỏ, ngõ ngách trong xóm. Bà con lối xóm một số còn giữ được tình cảm như trước kia, một số lại tỏ ra thờ ơ nghi kỵ. Vì vậy tôi luôn thủ kỹ giữ mình, ít giao du với bất cứ ai. Tối ngày nếu vào mùa nước nổi tôi sống trên chiếc xuồng nhỏ, giăng câu, bắt ốc, bắt cua, đặt lờ, đặt trúm. Bao nhiêu công việc cũng choán hết cả ngày. Cơm nước xong lại tới giờ ngủ. Thời khắc biểu cứ thế lặp đi, lặp lại hết ngày nầy sang tháng khác

Một buổi tối, tôi đến quán nhỏ ở trường học, trước kia là Miễu Bà, mua thuốc hút, đồng thời cũng nhâm nhi ly cà phê đắng hầu tìm lại chút hương vị thân quen của thời xa xưa. Bàn đối diện các giáo chức của trường tiểu học tân lập có lẽ đang giải lao sau khi họp, thình lình cả bốn thầy cô cùng đứng lên chào tôi;

            -Thưa thầy, thầy ở đây sao?

Bốn giáo viên gồm ba cô, một thầy đều là học trò cũ của tôi.  Hai cô học với tôi hồi Tiểu học, một em học ở trường Nguyễn Thông, một em học ở trường Sư phạm năm 1974. Các em mừng thầy cũ nhiệt tình, trái lại tôi trong mấy năm sau nầy gần như mất đi lòng hiếu khách của thuở trước, trả lời những câu hỏi các em dù vẫn lịch sự nhưng  thiếu mất nồng ấm.

         - Đây là quê hương của thầy, các em dạy trường này từ bao giờ?

Chứng kiến nhiều đổi thay của tình bạn, tình chiến hữu, trong các trại học tập, nay tôi dè dặt  chẳng những với tất cả mọi người mà ngay với các cô cậu học sinh cũ của mình nữa.

            Qua những phút hàn huyên, các em mời tôi dự bữa cơm thân mật do các em tự làm bếp vào ngày hôm sau khi tan học chiều.

            Vừa xong công việc lặt vặt, tôi khoác áo vào mình chuẩn bị rời nhà cũng là lúc Tự, hiệu trưởng, đến nhà đón tôi. Hai thầy trò sánh vai về nhà trọ của các em. Các em đâu đó sẵn sàng đợi tôi tới là vào tiệc. Món ăn đơn giản chỉ có canh, kho và một dĩa ốc luộc. Các em có vẻ ái ngại vì món ăn đạm bạc. Nếu tối qua tôi còn giữ thái độ dè dặt, hôm nay tôi lại tự nhiên như chính tôi là chủ buổi tiệc. Nhờ vậy không khí dần đầm ấm. Tự mời rượu tôi và các đồng nghiệp. Tôi hơi có chút ngạc nhiên khi nhìn các em nữ cũng “dô“ rất ngọt không thua gì nam giới. Màn ốc luộc ấm lòng thực khách, bây giờ các em mới tâm sự: 

            - Tụi em dạy học tiền lương rất khiêm nhường vì vậy phải dè sẻn, cùng nhau nấu cơm ăn, cùng nhau mướn nhà. Gặp lại thầy tụi em mừng lắm, nhưng đãi thầy rất đơn sơ mong thầy thông cảm.Tôi an ủi:

            - Như thế nầy đã thịnh soạn lắm rồi

Món canh chua hôm nay thật hấp dẫn, ít tốn kém gồm cua đồng nấu với lá bứa (đặc sản của vùng tôi ở), rất ngon, nó còn có công dụng chữa lửa sau khi đã uống rượu, món mặn là cá lòng tong  kho. Buổi cơm vui tươi thân mật, tôi quên đi hoàn cảnh hiện tại, có lúc tưởng chừng như mình còn đang dạy học. Chúng tôi lan man nhiều đề tài vô tội vạ, có lúc bàn qua về cá tôm, chuột bọ và sau cùng là bắt ốc, những món ăn ngon với ốc.

Tự dân Bình Hòa Phước, gần Cù lao Tân Phong, em rất quen thuộc về ốc gạo. Theo lời Tự ốc gạo vào tháng Tư đến tháng năm âm lịch là ngon nhất: mập trắng.Vào mùng năm tháng năm người ta thường bắt ốc gạo luộc, lể rồi cuốn bánh tráng thêm dừa khô nạo nhỏ, một ít rau thơm, chấm nước mắm chua cay ăn tuyệt lắm.

            Tuyết nhà ở Ông Me, em chỉ biết ốc đắng. Ốc đắng ở dưới mương, khi tát mương bắt cá, người ta cũng bắt luôn ốc đắng, con tròn dài, gần giống ốc gạo nhưng nó có vẻ xấu xí. Đem ốc rửa sạch bùn đất, ngâm độ ít tiếng đem luộc dùng gai quít lể chấm nước mắm chanh ăn cũng được lắm

            Hiền, Ánh nhà ở Lộc Hòa hai em chưa từng lội ruộng, nhưng thấy người ta bán ốc ở chợ. Khi nào muốn ăn hai cô mua ốc về luộc ăn. Tôi hỏi hai em có phân biệt con nào là ốc bươu, con nào là ốc lác không?

            - Con nào to là ốc bươu

Hầu như mọi người đều lầm tưởng hể con nào to là ốc bươu. Thật ra con ốc bươu đít nhọn, ốc lác đít bằng (ở phía ngoài vỏ)

Tuyết dường như ít khi nào lội ruộng, em hỏi những câu rất ngây thơ;

            - Làm sao bắt được ốc thưa thầy.

Rất dễ, vào tháng tư âm lịch, ngoài ruộng chỗ đất phát, vào buổi sáng ốc bò lên kiếm mồi, em chỉ mang cái giỏ gặp ốc thì lượm bỏ vào giỏ, nó không chạy trốn đâu cả. Những hôm trời mưa, cứ mang giỏ ra đồng nhặt ốc mang về nhà ăn.

            - Bắt ốc dễ thế sao ốc lại bán ngoài chợ rất đắt?

Tôi giải thích: Tháng nầy là tháng chín âm lịch, mùa nước nổi, đâu đâu cũng nước.ngoài ruộng đã cấy lúa, lúc nầy chỉ chống xuồng theo rạch, gặp con nào thì vớt bỏ lên xuồng, vì ốc không tập trung nên bắt khó khăn và ít nên họ bán mắc thì cũng hợp lý.

            - Mùa nầy năm sáu người muốn ăn bữa ốc luộc cho đã thèm chắc phải tốn nhiều tiền lắm?!

Tôi đáp:

            - Nếu chịu khó thức khuya đi bắt thì chẳng những không tốn tiền lại còn có ốc ngon nữa.

            Mấy cô nhao nhao:

            - Chẳng thà nhịn thèm chứ ban đêm lội ra ruộng vừa bị đĩa, vắt cắn, vừa bị ma nhát thà em ở nhà ngủ còn hơn.

Đợi cho các em im lặng, tôi quay sang hỏi Tự

            -Ông Hiệu trưởng có dám đi bắt ốc với tôi vào ban đêm không?

Tự trả lời:

            - Em chưa từng đi, nhưng nếu đi với thầy em đâu có ngán.

            - Ngòai Tự còn cô nào muốn đi nữa không?

Ánh giơ tay và nói;

            - Em cũng xin đi cho biết

Nhìn đồng hồ thấy chưa tới tám giờ tối, tôi nói với các em:

            - Thầy sẽ trở lại trong nửa giờ, em nào đi bắt ốc chuẩn bị sẵn.

Từ giã các em tôi về mượn hai cây vợt vớt ốc, một cái đèn bằng bình accuy nhỏ và bơi  xuồng đến trường học. Ánh, Tự cũng sẵn sàng, mỗi em khoác bên ngoài chiếc áo mưa bằng nylon nhẹ, đầu đội nón, Ánh nói với hai cô bạn một  cách tin tưởng
            - Hai chị don dẹp sẵn khuya tôi sẽ đem ốc về.

Vì quen thuộc với đường đi nên tôi bơi lái, Tự đằng mũi. Ánh ngồi giữa, chừng mười lăm phút chúng tôi đã đến cái lung ngang toàn rong rêu. Tôi quay xuồng ngang, chống xuồng theo kiểu cua bò. Tự cầm vợt Ánh cầm đèn gặp ốc thì dùng vợt vớt lên, phần tôi đã quen với việc săn ốc, tôi mang đèn ngang trán một tay dùng dầm điều khiển cho thuyền tới theo ý muốn của mình, gặp ốc vớt lên. Chúng tôi càn quét độ hơn một giờ đồng hồ, bắt khoảng mấy chục con ốc. Tất cả chống xuồng ra về, Ánh tiếc của ;

           - Còn nhiều quá không bắt nữa uổng quá.

Tôi an ủi

           - Để dành đó hôm khác ta lại bắt ăn lo gì

Tôi ghé nhà chú em xin một mớ cơm mẻ, muối, ít trái ớt hiểm, bẻ một nhánh lá ổi. Ánh, Tự không biết tôi mang những thứ đó làm gì

Tới nhà trọ của các em, Tự bưng ốc, tôi bảo đổ vào thùng ngâm độ nửa giờ cho ốc nhả hết đất cát, rong. Trong lúc ngồi chờ Hiền vót các cây ghim bằng tre. Tôi đâm muối. trộn cơm mẻ và ớt. Luộc ốc là phần của Tuyết và Hiền, hai em bỏ ốc vào nồi thêm vào một mớ lá ổi bắt đầu nấu. Đặc biệt luộc ốc không cần cho nước vào, nấu độ mười phút thăm chừng thấy ốc rớt mày ra là nhắc nồi xuống đổ ra rỗ xốc ít lần cho ráo nước, sắp ốc ra dĩa và bắt đầu ăn. Con ốc mập trắng phau, no nưởng từ từ được kéo ra khỏi vỏ bằng cây ghim. Chấm sơ qua muối ớt cay đưa vào miệng vừa nhai, xong nốc miếng rượu thật là tuyệt . Chúng tôi vùa thưởng thức ốc luộc, vừa nói đủ thứ chuyện vui buồn lẫn lộn. Xong tiệc ốc cũng đã khuya, tôi bơi xuồng về nhà. Giấc ngủ không đến lẹ như mọi hôm. Năm xưa khi ra trường tôi dệt bao là mộng, đời sống vật chất không đến đổi như các em học trò cũ, những giáo chức hiện tại. Tôi cầu mong cho các em đừng vướng vào cảnh mò cua bắt ốc như bây giờ.

 

 Viết xong May 30.2012

  Nguyễn Thành Sơn.

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.