TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
 
      Trong mười hai con giáp, chuột đứng hang đầu. Miêu tả đặc tính của nó người xưa tóm tắt như sau: Tuổi Tí con chuột cống xù, tha gạo, tha lúa chạy vù xuống hang. Người cầm tinh con chuột trước tiên phải là người mau mắn, lẹ làng, nếu chậm lụt thì chắc là cầm tinh con rùa; một đặc tính khác là tính háu ăn của chuôt. Đối với họ hang nhà chuột thì “ dĩ thực vi tiên”.
 
 
Chuột có nhiều loại: nhỏ con, mỏ nhọn có giống chuột lắt. Loại chuột này thường làm ổ và đẻ trong các học tủ, chúng chuyên cắn phá áo quần. Tội nghiệp các ông bà miền quê, sắm được vài bộ đồ “kẻng”, không dám mặc, để dành đi, đám cưới, đám hỏi của con cháu, thường cất kỹ trong tủ. Lâu lâu trực nhớ lấy ra đem phơi cho bớt mùi mốc, hởi ơi khi lấy ra thì một vài chỗ bị chuột cắn rách. Bây giờ chỉ còn nước vá,mạng lại mặc đỡ. Những nhà ẩm thấp, đồ đạc bề bộn là nơi sinh sống của loại chuột lắt nầy.
 
Giống chuột kế cũng nhỏ con như chuột lắt là chuột xạ. Hôm nào nhà có chuột xa cắn đuôi nhau chạy vòng vòng, miệng kêu chen chét thì sáng hôm sau có khách tù phương xa tới thăm. Hồi trẻ tôi không tin, nhưng qua nhiều lần kiểm chứng  tôi hoàn toàn tin là đúng nhưng không làm sao giải thích được.
 
Chuột cống lang hay còn gọi là chuột cống éc, đặc điểm của chuột này là con to, lông có chỗ màu trắng nên gọi là chuột cống lang,tiếng kêu của nó giống như tiếng heo kêu. Chuột này thường sống gần nhà, dưới cống, rãnh vì vậy nó hôi hám khó chịu khi ta đến gần. Ba loại chuột vừa kể không ai ăn. Không ăn thịt, không có nghĩa là người ta tha cho chúng. Trái lại chuột lắt, bị loài người tìm giết vì nó cắn phá đồ đạc,quần áo,chuột cống lang, cống éc chúng có thể gây bịnh truyền nhiễm, hại cho người và súc vật, cũng cần diệt.
 
Ngoài các giống chuột kể trên,dân chúng thích nhất là chuột cơm cũng gọi là chuột đồng. Loại nầy chuyên ăn lúa ngoài đồng, con to cỡ nắm tay,thịt ngon như thịt gà giò. Một loại chuột khác vừa lớn con thịt nhiều đó lá chuột cống nhum,lông màu xanh nâu,ở trong các hang sâu ở các bụi rậm. Chuột cống nhum sống từng đàn cả hai ,ba chục con trong môt hang..
 
Người dân bắt chuột lúc nào và làm sao để bắt . Có thể nói người dân bắt chuột quanh năm. Thuở xa xưa khi còn làm một vụ mùa, vào ,các tháng mười một, chạp ,giêng người dân không săn bắt chuột vì đó là mùa sanh sản của chuột, nên chúng ốm, đói,thịt không ngon. Dân Việt thường bắt chuột làm thực phẩm vì thịt ngon dễ chế biến, nhứt là các món nhậu. Nuôi gà hay vịt phải cần có thức ăn, tốn lúa thóc, trái lại chuột chỉ ăn lúa rơi rụng ngoài đồng sau khi làm mùa,ta chỉ cần tốn công sẽ có bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
 
Dung cụ cần cho việc bắt chuột rất giản dị, một cái xà di ( hình thức giống như cái lọp dài chừng một thước, miệng tròn cỡ tấc rưỡi có hai hom ), lựa chỗ đường mòn chuột, đặt nó rồi đi cách đó chừng vài chục thước đuổi cho chuột vào xà di. Thường mỗi lần đuổi như vậy được một hoặc hai con. Người ta đuổi chuột vào buổi chiều khi tắt nắng, lúc chuột ra khỏi hang kiếm ăn cho tới chạng vạng tối.
Những lúc sau nầy, người dân làm hai ba vụ mùa mỗi năm, chuột có đầy đủ thức ăn, nên tháng nào cũng bắt chuột được. Tháng hai, tháng ba, người ta dùng bẩy bắt chuột sống. Bẩy bắt chuột sống làm bằng lưới kẽm, giống như các bẩy bán ở safe way, nhưng to hơn. Bắt được chuột sống, người ta bẻ răng, rộng chúng trong giỏ đan bằng tre. Chuột sống bán được giá. Người mua vững tin khi đem về làm thức ăn vì chắc chắn không bị kẻ gian ham tiền trộn lẫn với chuột nhà.
 

Bẩy nhẹp là loại bẩy làm bằng miếng ván ngang chừng hai tấc, dài ba tấc, người ta áp dụng hệ thống đòn bẩy trong loại bẩy nầy. Ta lựa chỗ chuột thường di chuyển kiếm ăn đặt bẩy, trên miếng ván ta đắp đất cho nặng đủ đè chết chuột khi lọt vô bẩy, xung quanh rào bằng cây nhỏ,chừa đường dẫn dụ chuột vào, rải lúa làm mồi đến chỗ có hệ thống làm bẩy sập. Ở quê mỗi người săn bắt chuột làm độ hai ba chục cái bẩy. mỗi, đêm họ thăm bẩy ba lần. Có nơi họ dùng rơm để thui chuột, lột da, bỏ đồ lòng, chân, đầu, đuôi chỉ chừa mình chuột. Cũng có nơi người ta nấu nước sôi để nhổ lông chuột  thay vì lột da.. Trời vừa sáng người ta mang chuột làm sẵn và chuột sống ra chợ bán. Ở vùng quê có nơi cả xóm chuyên sống bằng nghề bẩy chuột. Mỗi lần đi thăm bẩy họ  gọi nhau ơi ới thật vui.
 
 
Sau năm 1979, năm lụt lớn ,tôi tham dự hai lần săn bắt chuột đáng ghi nhớ. Tháng hai hàng năm dạo còn làm lúa mùa thì các cánh đồng trong Nam đều cắt gặt xong. Bà con nông dân chuẩn bị đạp lúa phơi,giê đem vô bồ.. Năm nay vì bị lụt nặng, vụ mùa coi như mất trắng, bà con chăm nom vụ thần nông làm thêm để cứu đói. Do đó những chỗ lung, đám mạ, chỗ đất trũng thường bỏ hoang vào những năm trước, bây giờ bà con tận dụng trồng lúa ngắn ngày. Cũng chính vì chỗ nào cũng có lúa, chuột cũng lan tràn khắp nơi để kiếm ăn. Chú em tôi cũng có ba công thần nông sắp chin bị chuột cắn phá tả tơi.  Nhìn những gié lúa rơi vươn  vải thấy  đau lòng nên chú quyết định xuống xóm dưới mượn cái bóng đuổi chim của ông Mười Ngọ mang về nhà xài đỡ.. Trời vừa tắt nắng,chú cùng vài người trong xóm kể cả tôi quảy đăng , bóng ra cánh đồng lúa thần nông bị chuột cắn Đặt bóng đâu đó xong xuôi trời vừa chen lặn. Chúng tôi bốn người cùng nhau đuổi.  Hơn hai chục phút chúng tôi đã tới miệng bóng. Chú em tôi la lớn:
 
- Nhiều chuột quá, đầy cả bóng.
 
Lập tức chúng tôi cuốn đăng, một chú em chạy về xóm mang đèn ra vì sợ trời tối không thấy đường. Trong khi chờ đợi đèn chúng tôi từ từ bắt và vật chết từng con một. Đèn đã có, thêm một cái giỏ lớn nữa,chú em tôi bắt từng con trong bóng ra bẻ răng. Phải mất gần hai tiếng mới bắt xong. Lượng chuột bắt được trong một bóng quá sức tưởng tượng của mọi người.Nếu không săn đuổi tối nay số chuột này sẽ căn phá lúa ở đây chỉ trong vài hôm thì coi như không còn gì để cắt, gặt Chiến lợi phẩm hôm nay quá nhiều. Phần chuột sống rộng lại cho vợ chú em mang bán vào buổi chợ sang mai. Chuột bị bóp chết, cũng mấy chục con, chú em đem thui, lột da,làm sạch để  các bà đem rô ti. Cả đoàn đuổi chuột , các bà các cháu ăn một bữa no nê. Riêng tôi dù suốt quãng đời thơ ấu, sống với đồng ruộng nhưng chưa bao giờ tôi tham dự buổi đuổi chuột nhiều như hôm nay, bửa ăn bù lại những ngày đói, khát trong các trại học tập.  Được thưởng thức bữa nhậu vừa ngon do chính tay mình góp sức thì còn gì thích hơn. Tiệc kéo dài đên hai giờ sáng trong tiếng bàn tán râm ran,thỉnh thoảng lại xen vào những tiếng “dô, dô “ thường có của bất cứ đám nhậu nào. Lần thành công này của chú em tôi, họ hàng nhà chuột chắc sẽ còn khốn đốn hơn nữa khi bác Mười sau khi “dô “ vài cốc  rượu chợt lên tiếng:
 
- Ngoài sân lúa, mỗi đêm đi thăm bẩy, tao thấy lố nhố chuột chạy khi thấy ánh sáng của đèn_Đêm mai tao đem chài quăng thử xem sao.
 
Tôi tự nghĩ mình dốt nhứt về bắt chuột bọ so với những người hiện diện hôm nay, nhưng rượu nóng người nên cũng phụ họa với bác Mười cho vui:
 
-Quăng chài bất ngờ chắc túm gọn bầy chuột trước nay vẫn tưởng là nơi an toàn
 
Nói là làm, ngày hôm sau bác Mười ôm rơm mới tuốt ra rải đều chỗ chuột thường ngày ra kiếm ăn. Mẻ chài bất ngờ vào chin giờ tối của bác Mười cũng túm gọn mấy chục chuột mập ú. Cảnh tượng vật đầu thui, lột da, chiên mỡ, và năm bảy người đêm trước với đủ thứ chuyện trên đời lại tái diễn trên bàn nhậu.. Một điều đặc biệt là dân quê khi họp mặt nhậu nhẹt họ thật tình không so hơn tính thiệt gì cả, nhứt là tận tâm chỉ dẫn những hiểu biết của mình về cách trừ những con vật có hại cho mùa màng hay phương cách  cải tiến trồng trọt.
 
Hết tháng ba, khi những cơn nắng như thiêu, như đốt dịu dần, trên bầu trời có nơi bắt đầu có những đám mây trắng đục, báo hiệu những đám mưa đầu mùa sắp tới, người dân quê miền Nam lo đốt đồng nhằm hai mục đích: diệt bớt cỏ và cung cấp phân tro do gốc rạ bị đốt  cho đồng ruộng. Những chú chuột vào lúc nầy cố thoát chết và đào hang trốn chạy. Tới tháng tư mưa lai rai, cỏ non bắt đầu mọc, họ hàng chuột không còn lúa để ăn, nhưng được trời cung cấp cho chúng cỏ non xanh mướt, vào thời gian này, dân chúng thường đuổi chuột bằng xà di,hay làm rập.
 
Đây cũng là lúc dân quê rổi rảnh, họ thường rũ nhau đào hang bắt chuột. Muốn đào hang bắt chuột thường phải có chó. Chó đánh hơi chuột chính xác giúp người đào hang ít thất bại và gặp rủi ro. Nếu không có chó đánh hơi, bạ hang nào cũng đào,vừa mất công, đôi khi không có chuột mà còn gặp rắn nữa. Thật nguy hiểm! ! . Trước 1975 ở miền quê nhà nào cũng nuôi một hoặc hai con chó nó giữ nhà và giúp ich trong việc săn chuột.
 
Đào hang bắt chuột tôi thường tham dự hồi còn trẻ, khi đã lớn thú thật chưa một lần tôi trở lại công việc  bắt chuột theo lối này. Các bạn thắc mắc hỏi tại sao lúc nhỏ tôi lại đào hang được, đến khi khôn lớn thì không? Lúc tôi còn học tiểu học nhà tôi lúc nào cũng nuôi hai con chó rất khôn và bắt chuột giỏi. Trong xóm mỗi khi các anh lớn muốn đi đào hang bắt chuột bao giờ cũng rũ tôi theo. Tôi đi theo chỉ hụ hợ, nhưng hai con chó của tôi chính là nhân tố quyết định hang nào có chuột, hang nào không. Mỗi lần dẫn chúng theo, chúng chỉ lùng sục một lát, thấy chúng vừa hửi, vừa bươi không ngừng nghỉ, đào hang đó chắc sẽ có chuột. Tới bây giờ trải qua mấy mươi năm tôi vẫn còn nhớ hai con vật trung thành đáng yêu đó. Con Vện dào, bươi hang chánh, con Mực lùng tìm các hang ngách ( hang phụ để chuột thoát thân ) . Toán đi đào chuột chỉ nhìn cử động của hai con chó là bắt đầu công việc của mình. Vì vậy tôi nói : lúc trẻ tôi thường đi đào chuột là vậy. Có một lần vì không tin tưởng hai con chó suýt nữa hai anh trong xóm bị rắn hổ cắn. Hôm đó đang đi tìm chuột , lẽ dĩ nhiên có tôi theo và hai chó cưng, thình lình một chú chuột chạy phía trước và lủi xuống hang. Thường thì gặp cảnh ấy hai con chó của tôi xông xáo đào bới dữ tợn lắm, dàng nầy chó Vện chỉ bươi ít lần rồi thôi, chó Mực cũng không tìm được ngách. Không ai để ý đến hiện tượng bất thường của hai con chó. Anh Ba Phát cuốc một chút thì chuột phóng lên. Tóm được con chuột đầu tiên anh Ba cười và nói:
 
- Hai đứa bây hôm nay hết linh rồi( ám chỉ hai con chó )
 
Anh tiếp tục đào nữa, hang càng lúc càng láng, kêu con Vện tới đánh hơi. Chú Vện ngửi đôi lần lại khịt, bỏ đi chỗ khác Vện bỏ đi thì trong hang một con rắn hổ đất đen thui phóng ra. May mắn anh Ba tránh kịp,hai anh khác xúm lại đập rắn vừa phóng ra, đồng thời tiếp tục bắt con còn lại trong hang. Sau lần đi đào hang đó gần như ai trong xóm hơn một lần đi bắt chuột với tôi đều thương mến hai chú chó Vện, Mực. Mỗi lần mấy anh bắt được chuột Mực Vện đều có phần thưởng như đầu, da, đồ lòng chuột.
 
 
Một lần khác gặp hang chuột cống trên bờ kinh, xung quanh hang là bui vừng rậm rạp. Anh Ba phát giác cái hang chuột mấy hôm rồi, muốn đào lại thiếu người, kêu thêm sợ lỗ công. Tôi thì chắc được ưu tiên vì nhờ vào hai con Vện và Mực, chứ sức vóc của tôi cuốc không lâu đã ngồi thở rồi Không thêm người mới nhưng hai anh Diệp,anh Bảy Điếc thì vẫn có mặt.. Lần nầy chúng tôi mang theo cuốc, vá, xà di, thùng múc nước nhứt định ăn thua đủ với các chú chuột. Trước khi lên đường anh Ba nói vơi hai con chó của tôi như tâm sự với người thân
 
-Hai đứa bây rán đi, khi về tao thưởng cho hai đứa ăn mệt nghỉ
 
Tới địa điểm hai chú chó bắt đầu, bươi, quào đất chỗ hang lia lịa. Tôi biết ý nên nói cho mọi người cùng vui
 
-Kỳ nầy trúng lớn rồi anh Ba.  Hai con chó nầy như chắc chắn lắm. Chạy lăng xăng một hồi con Mực tìm được hai hang ngách, mỗi hang ngách cách nhau năm bảy thước. Chúng tôi tìm cách tram bớt một ngách trong hóc cây, chừa ngách dễ đặt xà di và bắt đầu cuốc. Các anh thay phiên cuốc, tôi ở không nên cùng hai chú chó quần xung quanh. Cách xa hang chính gần chục thước hai chú chó cũng đào bới một hang nữa dưới mé rạch sát gốc vừng. Tôi cho mọi người biết. Một anh cho là hang khác chứ chả lẻ ngách lại xa như vậy sao? Đang khi chúng tôi bàn tán, một chú chuột cống phóng ra và lặn xuống rạch. Hai con chó nào chịu thua,một con lội theo, con kia chận đầu, chuột vừa nổi lên lập tức bị cắn chết. Nhờ vậy, một anh đem cuốc bới chỗ ngách cho nó rộng hơn và đặt ở đó một xà di nữa. Các anh cuốc cũng hăng hơn lúc đầu vì biết chắc sẽ có nhiều chuột dưới hang. Phần hai con chó dường như cũng nôn nóng không kém: chạy hết chỗ nầy đến chỗ khác canh chừng , chắc chúng sợ sơ sót suýt mất một con mồi béo mập. Hang chuột cống thường khó đào, chúng chọn địa điểm hiểm hóc, rễ cây chằn chịt, bao nhiêu đó cũng làm nãn lòng một số người, vì vậy đào bắt được chuột cống là một kỳ công.. Trong toán đào chuột hôm nay chỉ mình tôi là khỏe re. Ba người anh ai cũng phải đào, cuốc đổ mồ hôi, kể cả hai con chó cũng tới lui không ngừng nghĩ.. Anh Diệp đề nghị:
 
- Anh Ba dừng cuốc để hai con chó đánh hơi lại.
 
Anh Ba buông cuốc và lấy bình tu một ngụm nước cho đỡ mệt, con Vện đến chỗ, nó bươi, cào dữ tợn. Thái độ của nó khiến ai cũng cảm thấy tin tưởng. Một con chuột to nhảy thẳng chỗ con Vện đang trấn thủ. Lẽ dĩ nhiên không làm sao thoát khỏi con chó nhà nghề, nếu thoát trạm Vện, thì còn ba tay bắt chuột thiện nghệ chực sẵn, ngoài ra thì chú Mực ít khi nào bỏ qua cho kẻ thù chạy khơi khơi như thế.. Đồng thời với con chuột vừa chạy ra, hai ba con nữa nột quá vì tiếng la ỡm tỏi của tụi tôi cũng nhào ra theo các ngách đã đặt sẵn xà di. Trong vòng nửa giờ, tổng kết thu được hai con do chó vật, bốn con vào xà di. Với sáu con chuột mập, ú na, ú nần, tụi tôi biết chắc bữa cơm chiều nay sẽ có những món ngon bất ngờ do các chị đợi sẵn ở nhà
 
 
Anh Bảy Điếc vừa thay phiên cuốc năm bảy nhát , tại hang chánh ba bốn con chuột nữa chen nhau phóng ra.Các anh Ba, Diêp thi nhau chụp, tôi xớ rớ không bắt được con nào, vã lại mấy con chuột nầy so với lòng tay của tôi chúng lớn quá khổ. Mấy con chó quýnh quáng chạy lăng xăng. Ở hai xà di đều có chuột vào. Tôi lại thủ một cái sợ nó ngã, chuột ra ngoài uổng lắm. Anh Bảy Điếc có sang kiến là nên lắp miêng hang chính laị, đặt xà di vào đó. .Giữa miệng hang và hai ngách, ta đào một lỗ nhỏ múc nước đổ vào cho ngập. Nước ngập ngộp thở, chuột chui lên theo chỗ mình đặt xà di. Bắt như vậy thì không con nào thoát được. Mấy anh thay nhau xách nước đổ vô hang. Tôi canh chừng các xà di,khi thấy nhiều chuột thì báo cho các anh lại bắt. Hì hục hơn một giờ đồng hồ nữa chúng tôi đã bắt tron hang chuột cống nhum. Đếm sơ thấy ba mươi bảy con trong đó có bốn con chuột còn nhỏ.  Giữ lời hứa ban sang với Vện và Mực,anh Ba kêu hai con chó lại thưởng cho tụi nó. Hai con chó ăn xong liếm mép , vẫy đuôi làm những cử chỉ thân thiện với mọi người có mặt.
 
Xong việc bắt chuột tụi tôi còn phải lấp hang cho bằng phẳng, sau đó tom góp mọi vật ra về . Dù vác nặng nhưng ai nấy lòng phơi phới. Buổi cơm chiều nay chắc chắn sẽ ngon hơn mọi ngày. Ba ông anh và các chú bác ở nhà chắc sẽ hoắc cần câu tối nay.
 
 
Viết xong June 15,2012
 Nguyễn Thành Sơn
 
 
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.