TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Hồi trước, có lần tôi hỏi anh tôi:
- Anh Hai ơi! Tại sao người ta nói lính nào cũng đa tình hết vậy?
Anh tôi cười, nheo mắt:
- Ừ! Phải đa tình mới đúng là lính chứ!
      Câu trả lời nghe vui vui làm tôi nhớ mãi. Gần đây, khi đọc Viên Sỏi Ngà của nhà thơ Tôn Thất Phú Sĩ , tôi mới thực sự thấy hết những lĩnh vực đa tình của người lính. Anh là Sĩ Quan Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
 
 
      Thơ anh trữ tình, sôi nổi nhưng cũng rất nhẹ nhàng và sâu lắng những đam mê. Thơ thật thơ, như chính con người của anh. Đa tình nhưng không quá nhiều lãng mạn. Anh viết những vần thơ trong sáng đầy ắp tình quê hương, tình Mẹ, tình yêu, tình thơ ngây rất đẹp của thời đi học… với tâm hồn giản dị.
Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất của một cuộc đời. Có ai nhìn tà áo trắng bay bay mà không thấy lòng rung động? Để rồi từng đêm bên đèn chong, sách vở chợt nghe xao xuyến nhớ thương:
 
Những cô con gái trước hiên trường,
Mắt biếc, môi hồng thật dễ thương,
Nhìn hình ta nhớ ơi là nhớ,
Áo trắng thơ ngây đẹp lạ thường.

(Hình Xưa Nỗi Nhớ)
 
      Tình tuổi mới lớn của nhà thơ cũng thật hồn nhiên:
 
Buổi trưa trèo lên cây trứng cá
Chọn quả chớm hồng hái tặng em.
 
      Quà tặng cho cô bạn nhỏ rất đơn sơ và cứ thế đi vào kỷ niệm. Kỷ niệm theo vào trong giấc mơ.
Đọc Giấc Mơ Dài – Bài thơ 8 câu, 7 chữ. Kể lại một chuyện tình đơn phương làm cho thi sĩ thơ thẩn mất hồn khi người thương đi biệt. Và giây phút chợt nhìn nhau sao quá ngỡ ngàng:
 
Một chiều thu lang thang bến sông,
Chợt thấy em tay bồng tay bế ,
Suối lệ lòng anh nước vỡ tràn.
 
       Đẹp! Và rất hay!
      Những lao xao đầu đời của anh từ khung cửa lớp. Lúc bất chợt thả hồn theo bóng cô bạn gái vừa qua. Tuy nhiên, không chỉ toàn là mơ với mộng, Cũng không phải khuôn viên học đường giam kín mãi đời anh. Tôn Thất Phú Sĩ trân quí tình thương và công ơn của Mẹ:
 
Sữa Mẹ ngọt ngào nuôi con lớn,
Tiếng nói đầu đời gọi Mẹ ơi!
Mẹ ơi tiếng gọi thời thơ ấu,
Ấm áp tim con suốt một đời.
 
      Anh cũng không quên phận làm trai, lại là trai thời loạn nên chọn cho mình một hướng đi vui mộng hải hồ:
 
Vào biển lòng ta phơi phới,
Tuổi Xuân dâng trọn cho đời,
Vỗ về sóng nuôi ta lớn,
Miệt mài theo sóng biển ơi.
 
      Ra khơi để Trăm Năm Theo Biển, anh nhắn nhủ với người tình:
 
Quê hương thời chinh chiến,
Đi gìn giữ bến bờ,
Tàu anh xa, xa mãi,
Em …Bến chờ hoang sơ.
 
Anh yêu ngàn khơi rộng,
Có tấm lòng bao dung,
Em yêu người chung thuỷ,
Có tim hồng sắt son.
 
      Thêm một lần nữa, nhà thơ khẳng định cho người ở lại yên lòng:
 
Em và biển tình yêu anh rộng mở,
Biển trong hồn và em ở trong tim.
…………………………………..

Anh vẫn biết tình em và tình biển,
Trong như gương và tha thiết rất nhiều,
Anh đi giữa hai mối tình tuyệt diệu,
Tuổi Xuân mình trời đất cũng xôn xao.
 
      Anh vốn rất đa tình và giàu cảm luỵ. Chỉ cần một vạt nắng chiều cũng đủ buồn nhớ vu vơ:
 
Kỷ niệm xưa,
Đã xa rồi,
Nắng đổi màu,
Chiều xuống thấp,
Buồn vu vơ trên lối đi về.
 
      Thi nhân bảo tình yêu không có tuổi. Phải! Tất cả những ai thấy lòng rung động trước thiên nhiên, trước phong cảnh hữu tình đều công nhận:
 
Từ thuở xa xưa đã biết là
Tình yêu không có tuổi phôi pha,
Vừa mười sáu tình đầu thổn thức,
Đến sáu mươi tim vẫn thiết tha….
 
      Nét đẹp tâm hồn của một thi nhân là THƠ có từ trong tim óc,thơ có từ trong con người. Thơ cũng có từ trong hoa cỏ nữa:
 
Gió heo may hiu hắt đời viễn xứ,
Thương nhớ về người thân thiết phương xa,
Mùa thu Paris đứng nhìn lá rụng,
Hoa cỏ bay bay theo nỗi nhớ nhà.
 
 
      Dù xa quê hương, lòng Tôn Thất Phú Sĩ luôn hướng về Tổ Quốc Việt Nam. Ước mong một ngày đẹp trời anh sẽ đi trong nắng Sài gòn mà thương Nhà Bè nước chia hai ngã. Rồi anh thăm Huế- Cố đô yêu dấu cả đời. Về Phố cổ Hội An với cao lầu, mì Quảng. Làm sao và biết bao giờ anh quên? Xuôi về phương Nam thăm viếng Tây Đô, anh lại ra Bắc, thăm Hà Nội để ngồi bên Hồ Tây soi bóng nước. Một lần nhìn Sa Pa chập chùng sương phủ. Về lại Nha Trang bên biển cát trắng mênh mông. Anh không quên vùng đất mũi Cà Mau có món ăn dân dã mà thắm đượm nghĩa tình. Nơi đó, hình bóng cô gái quê rất đỗi nên thơ trong lòng thi sĩ :
 
Rồi ta về tuốt tận Cà Mau,
Bắt con cá lóc nấu canh bầu,
Thương em từ lúc chiều chưa xuống,
Anh đứng thẩn thờ trên bãi dâu.
 
      Nỗi nhớ thương Mẹ quay quắt, lòng anh ao ước gặp người thân cách chân tình, tôi đọc với tất cả sự đồng cảm, xót xa :
 
Ước ao gặp một bàn tay ấm áp,
Chạm nhẹ thôi đủ vơi bớt ngại ngần,
Mong vài phút xin cho tôi sống lại,
Ôm Mẹ già, ôm hết những người thân.
 
       Những năm tháng sống giữa kinh thành ánh sáng Paris, lòng anh thương nhớ khôn nguôi :
Vì có những bâng khuâng, những nỗi buồn không tên, xa vắng, đi nhẹ vào hồn thi sĩ. Cho dù ở tuổi nào, tình yêu vẫn là mạch sống. Dù trong hoàn cảnh nào, trong giây phút quạnh hiu nào đó tuổi thơ ngây vẫn được hồi tưởng và cao dâng, cao dâng cho đến khi dòng thơ dàn trải lên trang giấy trắng:
 
Nắng Paris mùa Hè rưng rưng lệ,
Dòng sông Seine mát rượi gió ban mai,
Và cứ thế thả hồn theo tuổi dại,
Ngày qua ngày thương nhớ quá người ơi!
 
      Lòng anh cũng hằng khát khao một ngày quê hương Việt Nam mở rộng hướng tương phùng. Anh sẽ về:
 
Ôm hôn dòng sông Cu,
Uống nước sông Hương
Và tắm nước sông Hồng…
 
       Thiết nghĩ : Đây cũng chính là nỗi lòng của mỗi người dân Việt Nam trong suốt tháng ngày luân lạc nơi xứ lạ quê người….
 
 
Hoàng Yến . WA
 
 
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.