TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Vinh

alt

      Nói đến Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người ta thường nghĩ đến những đóng góp của ông vào chương trình Không Gian của Hoa Kỳ, và khi nói đến những sáng tác văn chương của ông thì lại  hay nhắc đến tác phẩm Đời Phi Công ông viết khi đang là Tư Lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Nhưng trải qua nhiều năm tháng, khi còn ở trong nước cũng như khi đang sống xa quê hương, ông luôn viết không ngừng nghỉ bằng nhiều thứ tiếng, Việt, Anh và Pháp. Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan qua những buổi mạn đàm với nhà văn và giáo sư khoa học không gian Nguyễn Xuân Vinh về những sáng tác của ông từ khi rời quê hương cách đây hơn nửa thế kỷ đã biết thêm được nhiều điều lý thú và xin viết lại thành một bài Tản Mạn Văn Học cho độc giả ở khắp nơi.

Nguyễn Mạnh Trinh:

Chân dung tác giả  Nguyễn Xuân Vinh là một chân dung đa diện với nhiều phương diện nổi bật. Là một người chiến sĩ đã làm Tư lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa và là người tạo rường cột cho sự phát triển Không lực VNCH ở những thời kỳ sau. Là nhà văn, có tác phẩm đoạt giải văn chương toàn quốc với Đời Phi Công, một cuốn sách đã lôi cuốn  giới thanh niên tuổi trẻ Việt nam  trong ước vọng bay bổng và nô nức gia nhập không lực.Với tấm lòng yêu đất nước biểu lộ trong những cuốn sách và những bài báo được phổ biến, chân dung lãng mạn của một chiến sĩ và một văn thi sĩ đã kết tinh từ những nét nghệ thuật cao độ. Giữa thực tế và mộng tưởng, giữa tri và hành đã có những liên quan mật thiết và tạo thành những biểu tượng cho một thế hệ Việt Nam.

Nhã Lan :

Bên cạnh chân dung Nguyễn Xuân Vinh nhà văn còn có chân dung một khoa học gia và một nhà giáo dục có những thành tựu to lớn trên bình diện thế giới. Là khoa học gia, tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng trên thế giới như ở Hoa Kỳ và Pháp, đã có nhiều công trình khoa học về kỹ nghệ hàng không và không gian cũng như toán học áp dụng. Là một nhà giáo dục nổi tiếng có cả ngàn học trò thành đạt, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trên thế giới và hiện nay  là Professor Emeritus of Aerospace  Engineering của  Đại học nổi tiếng Michigan.

Nguyễn mạnh Trinh: 

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, về khí động lực học, về quỹ đạo không gian và đã in  nhiều cuốn sách vừa nghiên cứu vừa giáo khoa về các lãnh vực trên. Về văn chương, ông đã in Gương Danh Tướng, Đời Phi Công, Theo Ánh Tinh Cầu, Tìm Nhau Từ Thuở, và mới đây là Vui Đời Toán Học. Tác phẩm Đời Phi Công đã đoạt giải Văn chương toàn quốc năm 1961. Với một nhân vật đặc biệt như thế, chúng tôi, Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan rất vui mừng được nói chuyện với nhà văn, nhà chiến sĩ, nhà giáo dục và  khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh và tin tưởng rằng quý khán thính giả cũng chia sẻ tâm cảm ấy.

1-  Nhã Lan : là nhà văn, nhà giáo dục,  khoa học gia và một  chiến sĩ từng là cựu Tư lệnh Không quân VNCH, danh xưng nào tiêu biểu nhất cho chân dung Nguyễn Xuân Vinh?

GS Vinh:

Xin cám ơn Nhã Lan và Nguyễn Mạnh Trinh về những lời giới thiệu đầy nhiệt tình. Những người Việt ở thế hệ tôi đã trải qua nhiều biến chuyển của đất nước, nên ai cũng có nhiều thay đổi trong đời sống. Với tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ mình xuất thân là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vì tôi đã có mười bốn năm trong quân ngũ. Tính theo thâm niên nhập ngũ, các chiến hữu thường gọi tôi là niên trưởng, đôi khi trong lúc giới thiệu họ nói thêm tôi là cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH, vì đó là chức vụ cuối cùng của tôi trong quân đội. Với những người ngoại quốc mà tôi thường tiếp súc ở khắp năm châu, họ biết tôi là một giáo sư môn khoa học hàng không và không gian tại đại học Michigan. Đó cũng là chức vĩnh viễn tôi được đại học phong tặng khi mãn nhiệm giáo dục vào năm 1999.    

2-  Nhã Lan : Thời thế chiến tranh đầy biến chuyển như ở  Việt nam có ảnh hưởng  như thế nào với đời sống  của giáo sư?

GS Vinh:

Tuy là một giáo sư ở Hoa Kỳ, tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam cho đến năm 1973. Hàng năm Toà Đại sứ VNCH ở Hoa Thịnh Đốn vẫn gia hạn chiếu khán trên thẻ thông hành cho tôi để đi tham dự các hội nghị hay thuyết trình ở những đại học các nước khác. Ở nơi nào tôi cũng được giới thiệu như là một cựu Tư Lệnh Không Quân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Những sách giáo khoa về khoa học không gian tôi đã viết và được lưu trữ trên gần hai trăm thư viện  trên toàn thế giới, trong phần mở đầu tôi cũng đã được giới thiệu như là một cựu phi công quân sự. Trong những năm tình thế sôi động và có nhiều phong trào phản chiến tại các đại học, với cương vị là một người Việt Nam tôi vẫn đi nói chuyện về chính nghĩa quốc gia tại các nhà thờ khi được mời và đã viết nhiều bài đăng trên nhật báo Denver Post là tờ báo lớn nhất tại tiểu bang Colorado. Kèm theo đây là hình bìa trên tuần san Empire Magazine số đặc biệt Giáng Sinh năm 1965 có quảng cáo bài viết của tôi nói về mối giao tình giữa Không Quân Việt Nam và Không Quân Hoa Kỳ. Ngoài ra trong suốt thời gian tôi ở nước ngoài, tôi vẫn cập nhật tài liệu để Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam liên tục in những sách giáo khoa về Toán của tôi, sách được các giáo sư chọn lựa, và giá bán hạ cho học sinh tiện dụng. Đó là những việc vô vụ lợi tối thiểu tôi có thể làm cho đất nước trong khi xa xứ sở.

 3- Nguyễn Mạnh Trinh: Giáo sư đã chọn nghiệp bay bổng như thế nào trong giai đoạn đầu tiên của đời mình?

GS Vinh:

Tôi là lớp thanh niên - sinh viên đầu tiên được gọi nhập ngũ vào năm 1951. Lúc đó tôi đã học  xong một phần của văn bằng cử nhân toán học, nên nghĩ là sau khi làm xong nghĩa vụ quân sự tôi sẽ trở về dân sự như là một giáo sư toán bậc trung học. Nhưng sau tôi được nghe chính Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh, lúc đó là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, đến Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nói với các sinh viên sĩ quan là chúng tôi sẽ ở trong quân đội vô thời hạn. Vì ông Nguyễn Văn Hinh trước là sĩ quan từ Không Quân Pháp chuyển sang, và ông cũng từng theo học ở Trường Sĩ Quan Không Quân ở Salon de Provence nên khi tôi thấy có khoá thi vào trường này, tôi nộp đơn thi ngay và được nhận vào đứng đầu trong một danh sách có 5 người được tuyển sang Pháp học. Khoá này có hai người không đủ điều kiện sức khỏe làm nhân viên phi hành nên theo học lớp sĩ quan kỹ sư cơ khí thời hạn học là 2 năm. Còn ba người  theo học khoá sĩ quan phi hành thời hạn ba năm thì chỉ có tôi và anh Hà Xuân Vịnh theo học suốt chương trình và tốt nghiêp sĩ quan phi công như các sĩ quan Pháp cùng khoá. Còn một người bị loại về bay, anh trở về nước và học thành bác sĩ y khoa. Những bạn Pháp đồng khoá với tôi đều trở nên cấp tướng, và sau này khi tôi tới thăm đều được họ tiếp đón ân cần trong tình đồng môn.

Hình với bạn đồng khoá, Đại tướng Gueguen, Tư Lệnh phòng không Pháp Quôc

4-         Nguyễn Mạnh Trinh: Khi viết Đời Phi Công, giáo sư có nghĩ mình suốt đời sẽ theo con đường binh nghiệp và theo những hoài bão từ thưở thiếu niên?

GS Vinh:

Khi viết xong cuốn truyện này, vào thời khoảng 1960, gồm có nhiều bức thư kể đời sống của một chiến sĩ Không Quân, từ lúc bắt đầu là một sinh viên sĩ quan cho đến lúc thi hành nhửng phi vụ hành quân ở đơn vị, thì tôi đã là người chịu trách nhiệm tổ chức và bành trướng Không Quân Việt Nam, và nghĩ rằng mình đã theo binh nghiệp thì sẽ đi suốt chặng đường.

5- Nhã Lan : Giáo sư có chịu ảnh hưởng của những nhân vật lịch sử nào hoặc tác giả hay tác phẩm văn chương nào khi viết Đời Phi Công?

GS Vinh:

Về văn học, thời niên thiếu tôi học theo chương trình Pháp. Vốn liếng nho học, tôi chịu ảnh hưởng của ông ngoại, và ngoài ra tôi chịu khó đọc sách tiếng Việt và tìm hiểu về lịch sử nước nhà nên dĩ nhiên là được thấm nhuần cả hai nền văn hoá Đông và Tây. Tôi đã đọc hầu hết những tác phẩm nổi tiếng viết bằng tiếng Việt.  Về sách tiếng Pháp tôi thường tìm đọc những tác phẩm của Alphonse Daudet, Emile Zola và Victor Hugo. Tuy vậy tôi không nghĩ rằng văn phong của tôi chịu ảnh hưởng của một tác giả nào vì tôi chỉ viết khi có hứng khởi theo ý nghĩ của riêng mình. Có người đã phê bình rằng cuốn Đời Phi Công tôi viết chịu ảnh hưởng của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Điều này đã bị nhà văn Việt Hải phản bác lại là cuốn sách của tôi không có gì giống với những tác phẩm của nhà văn người Pháp ngoài chuyện là hai người cùng nặng nghiệp bay. Nhà văn Việt Hải còn nói thêm là ông Saint-Exupéry viết chuyện người phi công phải vật lộn với mưa gió bão bùng trên trời và tôi nói chuyện về tình người ở trên quê hương Việt Nam, thì như vậy có gì liên hệ tới nhau. Vả chăng có sự việc không mấy người biết là tuy sách tôi viết bằng tiếng Việt nhưng vào năm 1961 đã được giới thiệu trên nhật báo Pháp văn “Le Journal d’Extrême-Orient”. Tôi cũng đã dịch một chương của cuốn truyện sang Anh ngữ và đăng trên Empire Magazine là tuần báo ra ngày chủ nhật của Denver Post là tờ báo lớn nhất ở miền Trung Hoa Kỳ. Bài dịch này, đề là “The Eagle’s Wings” đã được họa sĩ Patrick Oliphant, vẽ hình trình bầy. Ông là người nổi tiếng thường có hình biếm họa đăng trên The Washington Post và sau đó được giải Pullitzer vào năm 1967. Năm 1984 tôi đã là người gốc Á châu đầu tiên được bầu vào Académie Nationale de l’Air et de l’Espace của Pháp. Hàn Lâm Viện này không phải chỉ gồm toàn những kỹ sư và khoa học gia về hàng không và không gian mà còn có nhửng danh nhân về văn học như Pierre Closterman, phi công anh hùng Đệ Nhị Thế Chiến và là tác giả những cuốn sách nổi tiếng như Le Grand Cirque, Flames in The Sky, …, hay ông Michel Debré, giáo sư Luật khoa, nhà văn và cũng là cựu thủ tướng Pháp , …. Những người này khi bỏ phiếu bầu cho tôi tất nhiên đã đọc những tài liệu tôi viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp mà ủy ban tuyển chọn đã thâu thập được và họ là những người xứng đáng nhất để có thẩm quyền nhận xét về giá trị văn học và khoa học và hiểu biết kỹ thuật về hàng không của tôi. Tất nhiên những người này không ai nghĩ là tôi đã dựa vào một tác phẩm nào để viết cuốn sách đầu tay của mình.

5- 6 -Nhã Lan: Nhân vật Phượng của Đời Phi Công  có trong thực tế không?

GS Vinh:

Trong nền văn học thế giới, kể cả Việt Nam, có những tác phẩm mà người đọc, sau khi bỏ sách xuống đã bâng khuâng tự hỏi phải chăng đây là sự việc thật, xẩy ra với những người thật. Đọc Les Misérables của Victor Hugo người ta như sống với những nhân vật trong truyện. Trong những tác phẩm thật chọn lọc của Tự Lực Văn Đoàn, khi đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng ta cũng có thể nghĩ chú tiểu Lan là mẫu người có thật. Theo tôi nghĩ thì nhà văn, khi tạo dựng một tác phẩm, nếu tả đúng tâm lý của những nhân vật trong truyện và trong một khung cảnh hiện thực thì đó là bí quyết để thành công khi viết sách để cho người đọc như đang theo dõi một câu chuyện đời có thực. Trường hợp tôi viết  Đời Phi Công cũng như vậy, tôi cố tạo ra những hình ảnh đẹp là mẫu mực của thanh niên ở thế hệ tôi. Nhiều thanh niên học sinh đọc cuốn sách đã thầm ước mình là người trong truyện.

7- Nguyễn mạnh Trinh : Giáo sư có nghĩ những nhân vật trong tác phẩm Đời Phi Công là những mẫu người lý tưởng của thanh niên tuổi trẻ Việt Nam, và có ảnh hưởng rất lớn với thanh niên sinh viên thời ấy ?

GS Vinh:

Như tôi vừa trả lời Nhã Lan, khi tạo ra những bức thư của một chàng thanh niên vừa xếp bút nghiên theo việc đao cung, gửi cho một người bạn gái, tôi nghĩ tác giả những bức thư phải là một mẫu người thanh niên lý tưởng của thời đại. Theo tôi biết thì cuốn sách rất được đón nhận vì đã được tái bản nhiều lần. Cùng một lúc, với sự phát triển của Không Quân Việt Nam vào những năm 60, rất nhiều thanh niên đã theo tiếng gọi của Tổ Quốc và Không Gian để gia nhập quân chủng. Về sau này trong kế hoạch bành trướng Không Lực Việt Nam Cộng Hoà, nhiều sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia ở Đà Lạt đã xin chuyển sang Không Quân.

     8-      Nguyễn Mạnh Trinh: Hai lãnh vực toán học và văn chương có gì đối nghịch theo suy nghĩ của giáo sư?

GS Vinh:

Đã có nhiều người hỏi tôi câu này vì thấy tôi là giáo sư Toán mà lại viết văn và làm thơ. Đã có một lần để trả lời một câu hỏi tương tự của Phiến Đan là một nữ phóng viên ở Úc châu, tôi đã nói là thực ra những việc tôi làm không có gì mâu thuẫn nhau và phương cách thực hiện cũng không có gì nghịch lý cả. Đọc trong văn học sử thế giới chúng ta thấy có nhiều nhà bác học lừng danh, họ chơi nhạc để giải trí, như trong thế kỷ vừa qua ta thấy toán gia Jean Dieudonné chơi dương cầm, còn thủy tổ của thuyết tương đối là ông Albert Einstein thì kéo vĩ cầm để thư dãn. Riêng tôi thì viết văn hay làm thơ cũng là một cách giải toả cho tinh thần bớt bị căng thẳng bởi những áp lực trong công việc thường ngày. Vả chăng, trong ngành chuyên môn của tôi, bí quyết để tìm ra những qũy đạo tối ưu là biết cách dung hoà những điều kiện đối nghịch nhau để tìm ra lời giải thích nghi nhất. Có một chân lý mà ít người nhận thấy là từ những gì tương phản nhau mà có thể nẩy sinh ra hương sắc tuyệt vời. Tôi lấy một thí dụ là  mấy câu  thơ cụ Nguyễn Du viết để tả tiếng đàn của Thúy Kiều, nhà thơ đã dùng những câu đối nghịch nhau để người đọc tự tìm ra vẻ đẹp trong nhạc tính

                                                “Trong như tiếng hạc bay qua,
                                                Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
                                                Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
                                                Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Cụ Nguyễn Du  dùng những chử trong và đục, khoan và mau thật đối nghịch nhau mà tả ra tiếng đàn thật là tuyệt vời. Tôi nghĩ tả như thế này nhà thơ cũng dựa vào một bài thơ chữ Hán có những hình ảnh tương tự,

9- Nhã Lan : Có sự hài hòa và hỗ tương của hai lãnh vực trên trong cuộc đời thực và đời văn  chương của giáo sư?

GS Vinh:

Tôi phải thú thực với qúy khán thính giả đang theo dõi câu chuyện là đời sống trước đây của tôi trong quân ngũ, và sau này là một giáo sư ở đại học Hoa Kỳ đã đòi hỏi tôi phải để hết tâm trí vào công việc. Người phi công khu trục hay trực thăng, khi bay trong vùng trời lửa đạn trong một phi vụ hành quân, cũng như người phi công vận tải khi bay trong trời mù giũa khu rừng núi để tìm ra phi trường hạ cánh, phải triệt để chú trọng vào nhiệm vụ của mình. Một nhà khoa học cũng như vậy, khi nghiên cứu một vấn đề gì, hay muốn giải một bài toán hóc hiểm, thường tận dụng khả năng và thì giờ của mình. Chỉ khi nào làm xong nhiệm vụ mới có thể nghĩ đến phần giải trí cho trí não bớt căng thẳng, và với tôi là đọc sách hay làm thơ. Trong tôi, phần văn chương thật ra không cân bằng với địa hạt chuyên môn. Tôi chỉ có thể nói là tôi có những thú vui tao nhã như viết văn, làm thơ và nghe nhạc để giúp cho tôi giải toả những áp lực trong công việc hàng ngày.

10-    Nhã Lan:  Nếu nói  một toán gia hay một khoa học gia  thường khắc khổ khô khan và một nhà văn thì phóng khoáng lãng mạn có đúng không theo giáo sư?

GS Vinh:

Nói chung thì tôi thấy nhận xét của Nhã Lan rất đúng. Tôi thấy những bạn đồng nghiệp của tôi rất hạn chế trong ngôn từ. Vả chăng những bài viết về toán học bao giờ cũng ngắn gọn. Tôi không quen biết nhiều trong giới văn học, nhưng đọc văn chương thì ai cũng thấy trí nảo được cởi mở hơn, và có lẽ vì vậy mà Nhã Lan thấy tư tưởng của nhà văn thì thường là phóng khoáng và lãng mạn.

 

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Tiếp Phần 2

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.