TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Viết chuyện này tôi muốn nhắc lại thời gian cùng khổ của gia đình chúng tôi vào thời chiến tranh Việt Pháp sắp kết thúc. Năm đó là 1952, Tây đồn Phú Quới mở cuộc bố ráp lớn. Nhà cửa cư dân trong vùng xôi đậu có v bề thế đều bị phá sập hoặc dỡ lấy cột kèo đem về đồn, cũng có một số người hôi của lợi dụng nước đục tom góp những thứ Tây không chở hết, về làm của riêng. Gia đình tôi chạy loạn đến khi trở về thì đã sạch sành sanh: gạo không còn, lu mắm cũng bị đập phá tanh banh. May mà ba tôi và em kế lùa được bầy trâu bốn con sang làng bên trước. Má tôi các em và tôi chèo ghe về nương náo với ngoại . Ít tháng sau bầy trâu bị dịch chết hết ba, còn một con đi thất thểu trông  tội nghiệp. Trước cảnh nhà tan cửa nát ai cũng ủ ê. Ba tôi cất tạm nhà bên quê ngoại để chúng tôi ở. Ông vay mượn cộng với chút ít vốn sẵn có mua một con trâu nữa cho đủ đôi mới có thể cày, trục cho bà con lấy tiền sinh sống.. Tại Cái Muồng, Tây đóng đồn mới như thế thì ruộng của gia đình tôi đành bỏ hoang không cày cấy được. Chuyện học hành của anh em chúng tôi tạm thời bị gián đoạn. Ba tôi quyết định gầy lại sự nghiệp trong thời gian ngắn: vay tiền bà con mua hai trăm vịt đẻ, hy vọng xoay sở được vấn đề cơm áo cho gia đình. Số vịt tôi lãnh phần chăn với chiếc xuồng. Hàng ngày tôi lùa vịt đi ăn, tối lùa về, ban đêm phải ngủ với bầy vịt trong cái chòi ngoài ruộng. Ba tôi từ chỗ trục mướn khi rảnh về xem tôi có đảm đang nổi bầy vịt hay không? Khi biết chắc bầy vịt ổn định, nghĩa là tôi biết cách chăn ông rất yên tâm; má tôi cứ độ tuần lễ chở hột vịt ra Vĩnh Long bán, dùng tiền đó mua lúa cho vịt, mua gạo cho gia đình.

        Thắm thoát gần tới tháng mười Âm lịch, trâu đi cầm cỏ vì hết mùa cày, trục. Một tối ba về nhà với mẹ con chúng tôi và cho biết ông sẽ mua một ngàn con vịt cổ lùn (vịt trắng) để vừa nuôi thịt số còn lại sẽ nuôi tới đẻ. Cuối tháng sẽ hốt vịt ở các lò ở Sa Đéc ba đã đặt sẵn. Ba đã nhờ chú Ba Nhuận người cùng xóm làm tài công, chú ba đã làm tài công lúc ba nuôi vịt mấy năm trước. Theo dự tính của ba tôi thì bầy vịt đẻ sẽ giao lại cho em tôi. Hai con trâu thời gian cầm cỏ ba nhờ  người khác trông giúp giá cũng rẻ. Tôi phải phụ ba trong giai đoạn đầu. Rời khỏi bầy vịt, tôi như quá lưu luyến, tháng mười Âm lịch nuôi vịt đẻ lời nhiều. Lúa mọi nơi đều đứng cái nhưng cua lại cắn lúa dữ tợn, khiến các chủ ruộng âu sầu. Nạn cua chỉ có vịt mới trừ được, thành thử thả vịt bất cứ cánh đồng nào cũng được chủ ruộng niềm n. Vịt ăn ít lúa vì đầy đủ cua ốc, tháng trước mỗi ngày hai trăm con ăn hết một giạ rưởi lúa. Bây giờ mỗi ngày chỉ đổ lúa cho chúng ăn giặm vào buổi tối chừng mười mấy lít, đã thế vịt đẻ tối đa. Mỗi đêm vịt đẻ vào khoảng một trăm sáu, trăm bảy chục trứng là chuyện thường. Trứng lớn, dày, trồng đỏ to, mấy tiệm hột vịt rất mê. Chăn vịt mùa nầy sướng lắm, sáng bảy giờ mở cửa chuồng cho chúng  đi ăn. Chúng tha hồ lội đó đây vì là vùng quen thuộc. Gặp chỗ nào nhiều mồi chúng cứ bám lấy không chịu đi. Tôi chọn cây cao nhứt ở bờ ranh, leo lên đưa mắt nhìn thỉnh thoảng lên tiếng hú huýt xem vịt ở nơi nào. Tôi đặt những thùng đựng lúa gần chuồng để khi đói chúng lội về ăn thêm. Tôi tha hồ đọc sách, truyện, tiểu thuyết, nhà ngoại có sách nào tôi đọc hết sách đó. Chiều lối năm giờ vịt gom về gần chuồng tắm rửa, có con mệt tự động vào chuồng. Khi biết chắc vịt đã về hết thì đóng cửa chuồng đem những thùng vô châm nước để chúng uống ban đêm. Mới trông nom bầy vịt hơn tháng tôi thấy quyến luyến với chúng. Cứ hai ba hôm tôi lại đếm vịt một lần xem đủ thiếu. Việc đếm vịt nhiều người cho là khó, nhưng với bầy vịt nầy tôi đếm quá dễ. Muốn đếm vịt phải có ít nhất hai người. Đầu tiên gom bầy vịt vào một phía của chuồng, người phụ đúng trong chuồng chống cây roi dài không cho vịt qua chỗ đứng. Vịt bây giờ bắt buộc chạy qua chỗ người đếm chỉ định. Vịt đẻ tính rất thuần đi chầm chậm qua mặt, người đếm từng ba con gọi là một tay, đếm xong thì biết thiếu hay đủ (vịt sống đếm mỗi lần ba con hay một tay, hột vịt một tay là sáu hột).

        Thời gian qua nhanh, mới đây mà đã mùng chín tháng mười, thằng em tôi về nhà để nhận bàn giao bầy vịt, tôi huấn luyện cho nó một ngày. Nó ngạc nhiên thấy giữ vịt lại nhàn quá. Ngày 12 tháng mười âm lịch từ ba giờ khuya tôi và ba tôi đã chèo ghe lên chợ Sa Đéc để bắt vịt con. Chín giờ sáng ghe ba tôi tới chợ. Tiệm ấp vịt nằm sát bờ sông. Sau  khi trà nước do chủ tiệm đãi, cha con tôi bắt đầu lựa vịt. Vịt mới nở lông còn ướt, cứ nhìn con nào cục cựa, rún tốt thì tính, còn một việc nữa cần nhớ vì ba tôi đặt mua vịt cổ lùn tức vịt màu trắng cho nên chúng tôi lựa con màu vàng mà thôi (lúc nhỏ màu vàng, lớn lên màu vàng sẽ thành trắng). Sau khi hai bên đếm kỹ tổng số được chín trăm sáu chục con thay vì một ngàn. Thôi thì đành vậy. Chủ tim cho người phụ với ba tôi đem những chiếc nia đặc biệt đựng vịt xuống ghe, Ba tôi chèo lẹ để đến Kinh Xáng Vịnh Tre, trên đó gần nhà Bác Tư Hích, bác Hai Niên bạn với ba tôi. Chú Ba Nhuận đã chèo một ghe khác đi trước chúng tôi hai ngày, chở cây, lá, mành mành và chín mười giạ gạo lứt lẫn tấm cho vịt ăn trong những ngày đầu. Chú Ba cất trại xong vào xóm xin rơm về ri sơ trong chuồng. Chú cũng trải hai chiếc đệm chuẩn bị thả vịt con xuống cho khỏi lạnh chân vào ban đêm. Từ Sa Đéc tới Lấp Vò nhờ xuôi gió nên ghe đi rất mau. Khỏi huyện Lấp Vò may mắn lại có tàu đò, ba tôi nhờ tàu dòng ghe vừa khỏi mắc công chèo lại mau đến khiến vịt con không bị nắng lâu. Lối năm giờ chiều ghe ba tôi tới nơi trước sự ngạc nhiên của bác Tư lẫn Chú Ba. Ai cũng cho là cha con tôi gặp may có quới nhơn phò hộ nên từ bắt vịt con tới vận chuyển mọi sự đều thuận lợi.

        Đám vịt con ở trong những chiếc nia chật cứng suốt tám chín tiếng nên mệt lã, chúng nằm mẹp khiến lúc dỡ nia ra tôi giật mình đánh thót, tôi tưởng đâu chúng chết hết phân na chứ, chừng chú Ba phun nước lên trên mình cho có hơi mát các con vịt con lần hồi ngốc dậy, tôi mừng vô hạn, một giờ sau khi đã sang từ nia ra đệm, đốt đèn bão lên cho có hơi ấm. Kiểm điểm thấy vịt chết sáu bảy con. Chú Ba và Ba tôi cho biết vịt hao hớt như thế thì quá may mắn, mấy năm trước lúc ba tôi và chú nuôi chạy đồng dưới Rạch Giá nội chuyên chở đã hao gần trăm con. Chú  Ba treo những tấm bố tời may giống như màn che gió vì mùa nầy sắp tới gió bấc, dưỡng đám vịt khỏi hao hớt nhiều coi như thành công một nửa. Nhờ có kinh nghiêm làm tài công nên chú Ba chuẩn bị đâu đó có thứ tự lớp lang khiến ba tôi rất an tâm.

Suốt đêm tôi không ngủ được, đây là lần đầu tiên tôi trông mau sáng để xem mấy con vịt ra sao? Tôi nghĩ dại, nếu lỡ sáng ra đám vịt con không đứng nổi hay số chết quá nhiều thì ba tôi có can đảm tiếp tục nuôi không? Tôi dậy sớm, chú Ba và ba tôi cũng không ngủ được. Tôi nấu nước để pha trà. Hai ông già khề khà trà buổi sáng trong cái chòi nhỏ trống trước trống sau, tôi cũng tự rót cho mình một ly trà cho ấm bụng. Từ lâu rồi tôi quên ăn sáng, nói đúng ra gần sáu bảy tháng nay gia đình tôi không bánh trái. Thức dậy nếu đói thì tự động vào bếp lục cơm nguội ăn với nước cá kho từ chiều qua hâm lên cho nóng. Cơm nguội chan nước cá nóng ăn đỡ cũng xong buổi sáng. Mới bảy giờ, trời thật quang đãng khiến tôi có cảm tưởng là đã trưa rồi. Chú Ba và ba tôi tắt đèn bão, giỡ rèm lên. Bầy vịt lao xao dường như chúng đói và đang đòi ăn. Chú Ba lấy cái thau lớn ngâm một mớ tm (gạo xay nát không còn nguyên hột), ba tôi và tôi kiểm soát xem vịt ra sao. Tôi lấy tay gạt nhẹ đám vịt qua một bên coi có chú nào nằm lì không chịu dậy không, chỉ hai con vịt chết ai nấy mừng rỡ khôn  xiết.

      Đám vịt đói rỉa lông của nhau, chú Ba và ba tôi dùng tay vớt tấm rải lên mình của đám vịt con, những con vịt thấy thức ăn bắt đầu ăn thử, lúc đầu những hột tấm dính trên lông đồng loại, một chốc chúng quen dần và tìm những hột tấm vương vãi dưới đệm. Cho vịt ăn chừng mười lăm phút chú Ba mở cửa chuồng từ từ và để những máng đựng nước phía sát chỗ cửa vừa mở. Một số uống nước, số khác lần hồi cũng bắt chước. Đây được xem như là bước đầu trong nghệ thuật nuôi vịt con: tập cho chúng ăn, tập cho chúng uống. Tôi cứ lo sợ mấy con vịt lù khù không biết tìm ăn tìm uống. Độ hai tiếng sau bầy vịt con như mạnh hẳn lên nhờ ăn, uống. Ngày đầu chỉ tập cho chúng ăn có giờ, chứ chưa cho chúng lội xuống rạch.

            Ngày nhì, sáng vịt đói nên lao xao, hôm nay chú Ba chỉ lấy cây gõ vào thùng tạo tiếng kế đó rải tấm xuống đệm, đàn vịt bắt đầu biết tìm thức ăn, có con không tìm được phần chúng cũng nhào, cũng chen thấy cũng vui vui, máng nước thêm nhiều hơn, con nào cũng biết chỗ uống nước. Chúng chạy tới chạy lui hết ăn lại uống, con nầy rỉa mỏ con kia như nói chuyện. Có con nhào đại vô máng tắm, con khác lại bắt chước. Đặc biệt chúng biết đòi ăn, chúng kêu chét chét đinh tai như nói lên:

            - Ông chủ ơi tụi tôi đói rồi!

            Ngày thứ ba, trong đám vịt có v khác thường chưa bảy giờ chúng lao nhao như đòi ăn, tôi nóng ruột định cho chúng thỏa mãn nhưng ba tôi lẫn chú Ba, ngăn lại để đúng giờ cho chúng quen. Vén màn lên, ánh sáng lùa vào chuồng, chúng lăng xăng tới lui, chú Ba và tôi vừa mang thau vào, chúng ùa tới chân, khiến tôi không dám bước thêm sợ đạp chết chúng, ri tấm xuống chúng ào tới giành giựt vui quá. Mười giờ sáng chú Ba làm vòng mành mành phủ xuống lung nước một phần, tức là giới hạn chỉ cho chúng xuống nước tắm rửa chừng đó thôi. Đàn vịt cũng thông minh lắm, chúng đi tìm nước uống, có con mạo hiểm đi xa hơn nhào thử xuống nước bắt đầu uống, tắm rửa mấy anh chị khác lần lượt làm theo, tốp này xuống, tốp khác lên. Chú nào còn đói lên đệm tìm ăn mót, xuống lên, lên xuống không ngừng nghỉ.

            Ngày thứ tư, thứ năm, đàn vịt linh hoạt hơn thấy rõ, tới giờ ăn chúng kêu rối rít, thấy dáng người ở đâu chúng bu theo tới đó. Trại vịt có ba người, chúng biết là những người đem thức ăn, nên hễ thấy ai là chúng rối rít đòi ăn. Phạm vi hoạt động của chúng được nới rộng. Vừa mở cửa chuồng chúng ào xuống nước tắm rửa và kiếm thức ăn. Chỗ đàn vịt xuống tắm là cái lung dài, nước cạn tôi lội tới gối, rong dầy đặc. Rong là nơi nương thân của tép chấu, cá hủn hn, tuy còn nhỏ nhưng cả ngàn con cùng ra, tới lui khiến cho cá tép bắt đầu nổi lên, chúng tha hồ ăn. Một số con yếu ớt chỉ loay hoay sát cửa chuồng, nếu cứ ép chúng theo bầy tôi sợ chúng chết mất nên lấy tấm lưới nhỏ còn dư quấn tròn làm chuồng riêng cho đám thương bịnh binh, chăm sóc và cho ăn uống riêng rẻ, ba bốn hôm sau một số mạnh lên đòi theo bầy..

            Đúng tuần lễ, bầy vịt con kêu thành tiếng, màu vàng của chúng lợt dần. Phạm vi tìm mồi của chúng rộng thêm theo thời gian. Chú Ba làm những cây cờ bằng vải cắm vào những nơi không muốn đàn vịt đi tới, ngoài ra chú cũng dùng hai cây dài buộc vải ở đầu để lùa chúng về. Càng ngày vịt ăn càng mạnh, ba tôi phải mua gạo thêm. Đàn vịt dạo nầy tham ăn dễ sợ, không  hạn chế bớt chúng  ăn đến diều xệ xuống vẫn còn ra, nuốt rồi lúc la lúc lắc giống như bầy vịt xiêm má tôi nuôi thủa trước. Quá nửa tháng, vịt bắt đầu mọc lông cánh, mình dài ra, chuồng phải nới rộng thêm. Mỗi sáng mở cửa chuồng chúng ào chạy ra, hối hả như sợ chậm trễ sẽ không còn mồi cho chúng. Người nuôi vịt cảm thấy an ủi nhiều nếu mỗi sáng không có con vịt nào nằm vạ hoặc chết. Gió bấc rong ngọn, trong trại vịt xập xệ ban đêm tôi cảm thấy lạnh nên đắp mền thêm cho ấm còn đám vịt thì sao?. Ba tôi vừa mừng vì bầy vịt chịu được cái lạnh, khỏe mạnh ăn nhiều, nhưng ông lại lo,vì chưa thấy cắt gặt. Vịt càng ngày càng lớn, nếu không chạy đồng kịp, cầm chắc là lỗ lã. Nuôi vịt con chạy đồng chủ chỉ mong tới ngày vịt mình ăn lúa được có đng  gặt hái xong, lùa vào  cho chúng lượm lúa rơi, khỏi phải xuất tiền mua thức ăn cho chúng..

      Khi chọn địa điểm nầy để cầm vịt chắc ba tôi đã dọ hỏi tình hình cắt gặt ở xứ nầy rồi. Hơn nữa còn có hai người bạn của ba chả lẽ tất cả cùng tính toán sai ?!. Ba tôi mua  năm gi gạo và chín mười gi lúa, bắt đầu từ ngày mai phần ăn của vịt từ hai phần gạo một phần lúa, đến nửa gạo trộn nửa lúa, cứ tập cho vịt ăn dần lúa hột.

       Những ưu tư của ba tôi được giảm bớt khi sáng hôm sau hàng chục thợ gặt bắt đầu gặt dây đất cạnh chuồng vịt của chúng tôi. Ở đây bà con làm ruộng khác với vùng tôi. Trong lúc các con gặt cắt, gặt chủ nhà cũng chở vào đám lúa vừa gặt những bồ đập. Ba tôi đến chủ ruộng làm quen, họ cho biết vì nước lên xuống bất thường, gặt xong phải đập liền và chở lúa về nhà phơi  khô, giê quạt ở sân nhà. Vạt đất đang gặt, ước chừng ba mươi công, người chủ cho ba tôi biết trong năm ngày nữa chắc xong. Đây quả là điều may mắn của chúng tôi có sẵn đồng lúa gặt xong khi bầy vịt tới lúc ăn lúa. Tất cả nhờ sự am tường của bác Hai và Bác Tư những ông bạn chí thân của ba tôi  ở vùng nầy. Nhìn cánh đồng bát ngát lúa sắp tới kỳ gặt, tôi biết chắc những ngày sắp tới tôi khỏi phải lùa vịt đi ăn xa.

       Bầy vịt mấy hôm nay trông khác lạ, lông cánh bắt đầu mọc, một số mọc lông đuôi nhìn kỹ có thể phân biệt được trống mái. Đàn vịt bắt đầu ăn lúa, đa số không trở ngại, một số nhỏ dường như chưa quen lắm, nhưng ba tôi và chú Ba quyết định hôm sau lùa chúng đến đám ruộng đã thu hoạch xong. Vừa tới nơi chúng bu quanh chỗ đặt bồ đập lúa mấy ngày trước, lúa đ xung quanh nhiều lắm vịt tha hồ lượm thóc, thức ăn dư dã khiến con nào cũng no nê, dù tới giờ chúng tiếp tục ăn khộng buồn đòi về như hôm qua. Tôi hỏi chú Ba nên lùa về như hàng ngày hay cứ để nó tại chỗ nầy. Chú cho biết đường về chuồng gần, nên lùa về để mỗi lần ăn no là chúng nhớ đường về.

      Cuối ngày thứ nhì từ khi vịt lên đồng ăn lúa, chiều đó ba tôi và tôi vào nhà bác Tư rồi đến bác Hai để tôi chào hỏi  vì ngày mai ba tôi phải về nhà xem bầy vịt đẻ ra sao. Hai bác căn dặn nếu có trở ngại thì cho bác hay liền. Nếu hai người làm không xuể thì bác sẽ kiếm người giúp. Lúa chưa chín rộ nên ở xóm nầy thừa nhân công. Nghe vậy chắc ba tôi yên tâm khi giao bầy vịt cho tôi.

     Những ngày vắng ba, tôi làm việc nhiều hơn, sáng sớm phải nấu nồi cơm khi thì ăn với thịt kho, mấy bữa trước ba tôi nhờ bác Hai mua thịt giùm rồi kho một nồi lớn ăn hết lại mua tiếp. Trong chòi cũng dự trữ một số tương chao, kẹt thì ăn đỡ. Chú Ba than ăn khô khan chú chịu không ni nên bảo tôi coi chừng vịt chú đi tìm thức ăn. Chú lội vô các lung cách chòi khá xa nhổ bông súng mang về cả ôm, chú vào nhà hai bác xin me về nấu chua với ít con ốc chú bắt được.

      Ba tôi về hơn nửa tháng vẫn chưa lên khiến tôi trông đứng trông ngồi, tôi nghĩ chắc có chuyện gì hệ trọng ở nhà. Đến ngày thứ mười tám ba tôi đến, ông mua  bánh mì và cá mòi cho tôi và chú Ba. Ba cho biết phải dời bầy vịt dưới nhà vì lúa xung quanh trại đã tr lác đác người ta chưa đuổi nhưng tự mình phải lo để khỏi hại lúa của bà con. Ba và em tôi đã di chuyển đàn vịt tới chỗ cũng gần đó. Lạ chỗ phải tập vài ngày chúng mới quen.  Vừa lên tới, ông ra thăm để thấy bầy vịt lớn như thổi ngoài sự mong đợi.. Ông dự địmh đúng hai tháng rưởi sẽ tẻ cồ (lựa vịt trống bán thịt, còn vịt mái để nuôi nếu thấy có lời). Ba có mặt hai ngày kế đến chú Ba cũng muốn về thăm nhà dăm hôm.  Tôi trở thành tài công bất đắc dĩ cho bầy vịt nầy, vì tôi có mặt từ đầu đến cuối và cũng góp phần cho việc chăm lo cho chúng.

     Thời gian hai tháng rưởi rồi cũng đến, trước đó ít hôm ba tôi đưa ý kiến, nuôi thêm hai tuần nữa cho vịt lớn hơn bán sẽ cao giá, v li đồng lúa gặt xong còn bạt ngàn, mình chỉ tốn công chăn để vịt lượm lúa đổ của bà con rồi bán lấy tiền thử hỏi có gì sung sướng bằng?  Đúng ba tháng,  ngày nay chắc bầy vịt kinh hoàng, thay vì nhốt một chuồng như mọi khi, từ bốn giờ tôi đã lùa vịt về  chia làm ba chuồng, lựa vịt trống bán cho lái họ mua tại chỗ, phần vịt mái ba tôi đã thuê những cái bội chở về quê nhà tiếp tục nuôi để đẻ lấy trứng. Ngay trong đêm chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ, vào xóm chào bà con, cũng như đền ơn đáp nghĩa những ân nhân tận tình giúp chúng tôi ba tháng qua. Bán vịt xong, hôm nay trong bữa cơm gia đình ai ai cũng cảm thấy nhẹ nhỏm. Những  từ "giũ mành mành” không còn ám ảnh chúng tôi khi trong làng cũng có vài chủ vịt hồi ra đi ồn ào khoe mẻ, chừng về lặng lẽ, buồn hiu.!

CHÚ THÍCH

- trâu cầm cỏ: Vào tháng chin, tháng mười âm lịch, hết mùa cày trục, chủ trâu tìm những đồng cỏ để cho  trâu nghỉ ngơi, dưỡng sức chờ mùa kéo lúa, đạp lúa sắp tới. Hai ba ông chủ trâu chỉ mướn một người  chăn thôi.

- Dây đất,vạt đất: dãy đất khá rộng nhưng không biết chính xác diện tích là bao nhiêu công, hay bao nhiêu mẫu

- Mành mành: dùng để bao xung quanh như cái chuồng để nhốt vịt. Mành mành có thể làm bằng lưới kẽm hay đóng bằng tre chẻ

- Giũ mành mành:những người nuôi vịt mà vịt chết gần hết (vì bịnh dịch). Giũ mành mành ý nói lỗ nặng, hết vốn.

 

Viết xong tháng 8-22-2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.