TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

      Ông Bảy Cậy người cùng xóm, cách nhà tôi chừng vài trăm thước. Tôi cũng không rõ ông là dân cố cựu hay từ đâu tới. Lúc tôi bảy tám tuổi, một hôm ba tôi sai tôi đến nhà ông nhờ ông phụ tát đìa chuẩn bị ăn Tết. Nhân đó tôi mới để ý đến cái hầm nuôi cá chốt của ông. Ông bắt cây cầu nhủi xuống hầm cá để làm sàn nước, rửa chén bát, vo cơm. Thấy cá chốt ăn mống quá nhiều tôi hỏi:

- Sao mương ông nhiều cá chốt quá ông Bảy?  Đằng cháu không nhiều như của ông

Ông cho biết, cá chốt đó do ông nuôi. Tôi lại thắc mắc:

         - Người ta thường nuôi cá vồ, hoặc cá mè vinh, ông nuôi chi cá quỷ nầy, con có chút xíu!

Ông cười hiền, giảng cho tôi biết, cá chốt dễ câu, khỏi tốn thức ăn. Hơn nữa ông có cái mương nhỏ nầy, chỉ nuôi được cá chốt thôi.

Thật vậy nhà ông hay đúng hơn là cái chòi, trống trước, hở sau. Trong nhà chỉ có bộ vạt tre bện bằng dây choại. Một khạp da bò đựng nước, dưới bếp tôi thấy hai bộ táo bằng đất sét, một nồi đất để nấu cơm, cái chảo chắc dùng để kho, hay nấu canh. Xung quanh nhà dừng bằng loại lá dừa nước, lâu ngày tóp lại nên cũng trống rỗng. Cửa chỉ còn  cái khung bằng tre. Thấy tôi cứ nhìn chầm chập vào cửa, ông cho biết, làm cửa để cho có như người ta chứ nhà ông có thứ gì đáng giá đâu mà sợ cướp, sợ trộm. Từ giã ông ra về tôi lại nảy ra ý định: tôi sẽ bắt cá cho ông Bảy nuôi vì mỗi lần rửa chén, cá chốt bâu lại tìm mồi. Tôi nhớ hôm làm gà tôi lấy ruột để trong rổ xúc, nhấn chìm một phần rổ, cá chốt tham mồi vô ăn, tôi giở rổ lên, bắt ít nhứt là chín mười con. Má tôi chê cá chốt làm lâu lắc, toàn là xương ít thịt, nên bà chuộng lòng tong hơn.

 Tôi quyết định sẽ vớt cá chốt bỏ vào giỏ đem cho ông Bảy. Nuôi cá chốt dễ ợt, chỉ cần có mương, làm ống bộng cho nước vô ra, đừng bao giờ để nước trong mương cạn. Cá chốt ăn tạp, bất cứ thứ gì quăng xuống chúng cũng bu ăn. Hôm nào rảnh ông đến nhà nào xay lúa, ông xin phần ngọn giê ra còn chút ít cám, tấm lẫn trấu, ông hốt chừng một thúng, mỗi bữa ông rải một ít. Đôi khi tôi lén xúc một lon cám ở nhà đem đến cho cá chốt của ông ăn. Chúng chen, lắc, nhảy tưng lên, dùng mọi cách để đớp được miếng mồi. Tôi nhìn chúng ăn một cách say mê.

Hầm cá chốt của ông ngày càng nhiều, cho ăn đầy đủ, nước vô ra, cá mau lớn. Ông cho biết hôm nào không có đồ ăn ông bắt một mớ. Người ta thường chê lòng tong lột chốt, nhưng vào tháng tư tháng năm âm lịch được hầm cá chốt như của ông cũng đỡ lắm

Ngoài làm mướn, mỗi đêm ông còn cắm câu, giăng câu nếu là mùa nước nổi. Thấy ông lội nước giăng câu, bác Sáu, ông chủ trong làng, cho ông một chiếc xuồng cũ, ông mừng lắm. Tội nghiệp cắm câu có cá ông không dám ăn để dành bán lấy tiền mua mắm muối, gạo thóc. Ông không đi chợ, làm mướn hay bán cá có tiền ông thường hay nhờ má tôi mua giùm ông những thứ cần thiêt.

Việc mua bán của ông cũng đặc biệt. Hôm nào được cá ông mang đến những nhà gần bán. Mua cá của ông ai muốn trả bao nhiêu cũng được, nhưng theo ông cho biết bà con vừa mua vừa cho ông nên ông khỏi phải ra giá. Thực tình ông nào biết giá cả gì đâu?!

            Kể đến sự nghèo khó, ông Bảy đứng số một trong xóm. Lúc nào cũng thấy ông ở trần phơi lưng mốc thít. Nếu mặc áo, thì cái áo cũng vá chằng vá đụp chỉ thấy ông mặc vào mùa đông, quần của ông dài không ra dài, chỉ quá gối một chút. Hôm nào giúp việc cho ba tôi dường như ông vui lắm, ông nói huyên thuyên, ông kể chuyện hồi ông gặp  bà. Ông cho biết nhà bà không giàu đủ ăn đủ mặc, trái lại ông nhớ lờ mờ về nguồn gốc của mình, ông mồ côi từ sớm, ở với chú. Thiếm khó khăn quá nên đúng mười hai tuổi ông đã đi ở đợ chăn trâu cho vị chủ điền gần nhà chú ông. Tiền ở đợ hàng năm chú ông lấy, ăn mặc về phần chủ nhà cung cấp. Ở lâu chủ thương nên cấp cho ông hai công đất để ông làm dành tiền cưới vợ. Ông gặp bà và thương bà nhưng cha mẹ bà không đồng ý chê ông không có một cục đất chọi chim làm sao nuôi nổi vợ. Ông thất tình bỏ đi làng khác, bà cũng bỏ nhà theo ông luôn. Hai ông bà làm mướn làm thuê độ nhựt nhưng vui vẻ, không lâu hai người cũng có đứa con. Lên năm tuổi, con ông bịnh nặng chạy thuốc thang vẫn không khỏi. Con chết hai ông bà bỏ xứ đi chỗ khác cho nguôi ngoai buồn.

Tay trắng rồi lại trắng tay, ông bà lưu lạc nhiều nơi. Sau cùng ông đến xóm tôi ở. Ông cho biết tình người  xóm nầy quá tốt, vợ ông đã nằm xuống ở đây thì ông cũng nguyền chôn thân ở đây nếu một mai ông lìa trần.

            Cuộc đời gian truân của ông khiến ai nghe cũng thương cảm. Trong xóm ông chưa hề mất lòng một ai. Nhắc tên ông, bà con trong xóm dành cho ông những tình cảm tốt đẹp vì tính chất phác, lương thiện của ông. Ông hiền lành vậy mà vẫn gặp nhiều hoạn nạn:

Một lần Tây mở trận bố ráp, dân trong xóm nhứt là đàn ông, trai tráng đều chạy trốn hết. Ông nghĩ mình đã già nên không thèm chạy, Tây đến nhà và bắt ông trói thúc ké, chắc Tây thấy tướng mạo của ông có vẻ “ngầu” lắm: tráng kiện, thêm vào đó là bộ râu quai nón thiếu cạo, hớt, nó mọc vô trật tự khiến nhìn ông hơi dữ dằn. Thời nầy không biết ai phổ biến mà Tây đồn Phú Quới rành mấy câu sau đây:
    - Tóc ngắn Cao Đài, tóc dài Hòa Hảo, mặc áo Việt Minh, ở trần du kích..

Tướng mạo hơi “gồ ghề” thêm vào đó ông lại ở trần (chắc là du kích) nên Tây bắt ông dẫn về đồn, cũng may là làng xã đều biết ông nên  ông bị “hú hồn” vài tiếng rồi lại lót tót lội về. Cả xóm ai cũng mừng cho ông. Sau tai nạn ấy, tự nhiên ông không xuất hiện, bà con nghĩ ông bị bịnh, nhiều người tới nhà ông cũng không gặp, họ tưởng ông đi thăm bà con ở xa nên không để ý. Năm bảy hôm sau ông trở về, mặt mày hốc hác. Ông đến thăm ba tôi rồi kể lể:

     _ Thằng Tư biết không, qua đương ngủ, hai ba người áo đen, vào nhà chẳng nói chẳng rằng dùng dây trói qua, bịt mắt dẫn đi. Đi một đoạn khá xa họ kéo xuống ghe. Chèo ghe khoảng vài giờ đến một nơi qua cũng không biết ở đâu. Họ hỏi tên tuổi, tôn giáo qua trả lời là đạo thờ cúng ông bà. Họ hỏi sao không cạo râu, có phải tôn giáo cấm cạo râu? Qua trả lời tối ngày đi làm mướn làm thuê đâu có thì giờ cạo râu. Họ giam năm hôm, bữa nào cũng hỏi mấy câu đó, mình tình thiệt cứ khai y như trước.  Tối đêm thứ sáu họ cho người chở về một đoạn, rồi thả lên bộ bảo về đi. Mừng quá, qua đi một hơi về tới nhà lúc gà gáy. Ông chép miệng thở dài: mình chí thú làm ăn cũng bị lôi thôi. Ông Bảy than thở như tự an ủi mình: Chắc tại năm vận, tháng hạn, nên mới gặp xui xẻo liên tu, bất tận (dạo đó người theo đạo Hòa Hảo thường bị V.M bắt, có khi bị thủ tiêu).

            Xóm nhỏ của chúng tôi sống hiền hòa, thân thiết từ trước đến giờ dù trải qua nhiều tàn phá của chiến tranh. Sau những tang thương, người người tứ tán, có cơ hội gặp lại tình nghĩa vẫn mặn nồng. Một kỷ niệm khiến tôi và gia đình còn ghi mãi trong lòng: năm đó dường như năm 1953, chạy Tây một thời gian, khi hồi cư gia đình không còn gì để ăn, lu mắm cũng bị đập phá tan tành, má tôi đang ngồi than không có cách nào bắt cá vì tháng tư khô hạn. Bà toan lấy cái oánh kho khô quẹt, luộc rau cải trời ăn đỡ.  Ông Bảy đến thăm gia đình, ông đem cho vài chục con cá chốt cờ (cá chốt loại lớn) đã làm sạch sẽ, hai trái xoài sống loại xoài muộn để gia đình nấu canh chua ăn. Ông nói thêm đây là cá tôi nuôi ở hầm bên hông nhà. Hầm cá nầy có công của cháu Sơn góp phần. Bữa cơm canh chua đơn sơ nhưng ngon làm sao. Tình nghĩa đượm nồng của bà con bao giờ mới báo đáp được.

Viết xong September 29, 2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.