TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 Đã hơn một lần tôi được các bạn văn nhắn nhủ nên viết tiếp cho cuốn "Đời Phi Công", khi xưa bỏ dở dang như tình người chưa trọn. Thì giờ đây tôi đã viết xong cuốn "Theo Ánh Tinh Cầu" nói tâm tư về cuộc đời trong một phần tư thế kỷ nối tiếp sau để gửi tới bạn đọc. Nhờ văn chương Việt phong phú của nước mình, tôi đã ghi lại chút kỷ niệm vui buồn trong quãng đời qua. Giá trị văn chương của cuốn sách, tôi tự biết không thể đạt được tới mức độ làm rung cảm người đọc vì những lời văn chỉ là phơi bầy tâm sự lòng mình. Lời văn, như tiếng tơ đàn truyền cảm, dù từ độc huyền với mấy cung ai oán như tiếng ngân trong đêm vắng khi xưa ở quê nhà, hay do nhiều dây tơ dồn dập như tiếng đàn Ngũ Thập Huyền trong lời thơ của Lý Thương Ẩn là thi gia nước người, phải là người đồng điệu, đồng tình mới thật hiểu cho nhau. Vì vậy, khi viết và chọn lựa những bài cho tập sách này tôi hướng về hai thế hệ.
 

Hình trên net


 Tôi nghĩ tới những người bạn cùng lớp tuổi mình ra đời cách đây trên dưới vào khoảng nửa thế kỷ. Vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời chúng tôi đã thấy cảnh chiến tranh khốc liệt của đất nước. Tuy mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh nhưng nói chung thì hầu như ai cũng gặp phải những điều ngang trái. Vậy mà chúng tôi vẫn làm tươi đẹp được cho quê hương.

 Tôi xin phép được gọi những người cùng lứa tuổi là bạn, theo nghĩa là bạn đồng hương, kể cả những người tôi chưa từng được gặp. Nhiều bạn đã bỏ mình cho đất nước. Có những người bạn nổi bật lên trong quân vụ. Có cả một lớp nhà văn đã có những đóng góp qúi báu cho lâu đài văn hóa Việt Nam, đã sáng tác thơ văn trong khói lửa. Những người này, theo nghiệp dĩ chung của những người cầm bút ở nước ta, phần lớn đều sống trọn đời là những hàn sĩ. Nhưng họ đều có thể thấy kiêu hãnh là đã lưu lại được chút thi văn cho đời sau. Tôi cảm thấy hãnh diện nếu được họ nghĩ đến như là một bạn cùng cầm văn bút. Một số người ở lứa tuổi tôi đã được nhắc nhở đến trong thương trường cũng như ở chính trường.

 Thành công của họ là điều đáng khen ngợi, nhưng tôi chỉ thực sự mến phục những người trong công việc đã đặt quyền lợi của dân, của nước trên quyền lợi cá nhân mình. Viết tập sách này, trước hết, cho những người bạn cùng lớp tuổi đọc, tôi không viết như một hồi ký vì thực ra công nghiệp của tôi đâu có ảnh hưởng gì nhiều đến lịch sử của đất nước mà kể lại. Tôi chỉ viết lại như một câu chuyện thường, kể lại cuộc đời của một thư sinh sống trong thời loạn, như mọi người cùng lứa tuổi đã thi hành quân vụ, và nhờ theo truyền thống của dân tộc, dù gặp làn nước sâu cũng không nản chân bon của vó ngựa, bị làn sóng vỗ mưa dồn cũng quyết vững tay chèo để cho trọn chí làm trai giúp nước, làm đẹp cho đời trong cái phận sự bé nhỏ của mình.

 Cuộc đời tôi đã không gặp được nhiều may mắn. Tôi sinh ra vào tháng Giêng năm 1930 ở Yên Bái vì dạo đó thân phụ làm công chức bưu điện ở tình miền trung du Bắc Việt này. Khi tôi được một tháng thì tiếng súng cách mạng bùng nổ vang rền tỉnh thành. Tôi được nghe kể lại là đã thức suốt đêm nằm trong lòng mẹ nhưng không khóc. Phải chăng tiếng súng chống cuộc đời nô lệ để dành tự do đã khơi dậy một phần nào tiềm thức của tôi? Bốn tháng sau thì thực dân Pháp bắt tất cả các gia đình công chức đi dự kiến cảnh mười ba liệt sĩ Quốc Dân Đảng đền nợ nước. Giờ đây chắc không còn mấy người Việt Nam như tôi, đã có mặt ngày lịch sử ấy mà nay đang lưu vong ở xứ người. Cũng vì vậy mà ngày nào đất nước còn lầm than, chưa được thanh bình tự do, còn bị tư tưởng ngoại lai kiềm chế thì lòng tôi vẫn chưa toại nguyện.

 Như mọi người quốc gia, tôi mong mỏi thế hệ mình có ngày được thấy đất nước thoát được ách cộng sản, quê hương mở hội, tiếng sáo diều lại nghe êm dịu trên thôn xóm như độ nào. Nhưng nếu mộng không thành thì ý nguyện quang phục quê hương phải được thế hệ trẻ nối tiếp. Tôi tin rằng sẽ có ngày thanh niên và sinh viên ở quê nhà sẽ vùng dậy chống bạo quyền ức bách. Cách mạng ở Pháp khi xưa đã cho biết như vậy. Mới đây, hàng triệu sinh viên ở khắp tỉnh thành Trung Hoa lục địa cũng đã vùng lên.

 Ở nước ta, từ thời còn thực dân Pháp cai trị cho đến thời nay đã nhiều lần các bạn trẻ xuống đường. Viết tập sách này với ý chí quốc gia sôi động, tôi hy vọng có ngày lời văn được truyền qua các làn sóng điện truyền thanh để đạt tới tâm hồn các bạn trẻ ở quê hương. Trong khi chờ đợi, tôi thành khẩn viết những lời này với ý nguyện chính là gửi đến các bạn trẻ Việt Nam của chúng ta hiện đang sống ở nước người. Trong các bạn, có người tới xứ lạ lúc tuổi còn ấu thơ. Các em nhỏ hơn đã sinh đẻ và lớn lên ở xứ người. Nếu có cuộc sống gia đình với cha mẹ, ông bà là người Việt Nam thì phần lớn các bạn đều nói được tiếng Việt. Nhưng cũng có nhiều bạn không viết và đọc được chữ nước nhà. Thật là điều đáng buồn vì tiếng nước ta nào đâu phải khó đọc, khó viết. Nhưng không vì thế mà những người cầm bút viết văn như tôi lại nản lòng. Gần hai ngàn năm sống lưu vong, người dân Do Thái vẫn giữ được tiếng nói, chữ viết của họ. Sống rải rác khắp nơi ở trên địa cầu, người Trung Hoa hải ngoại vẫn tiếp tục học để nói và viết ngôn ngữ truyền đời của Hán tộc. Người Việt Nam mình cũng phải được như thế. Tiếng Việt mình sẽ được lưu truyền ngàn đời trên xứ người, đất lạ.

 Mới đây, trên đặc san mùa hè 89 của Hội Cựu Hoc Sinh Chu văn An miền Bắc Cali, cụ Đinh Bá Hoàn là bậc niên trưởng nay đã ngoài tám mươi tuổi và cư ngụ ở Canada, đã viết một bài kêu gọi các cựu học sinh trên toàn thế giới lập ra một hội bảo toàn tiếng nói, chữ viết và văn hoá Việt Nam. Cụ đã đề cử tôi ra để đứng lên khởi xướng phong trào vận động. Tôi nghĩ rằng cụ đã có mười hai người con đều thành đạt, có năm ngưòi là cựu học sinh Chu văn An, có người lớn tuổi hơn tôi, có người học thành danh lẫy lừng, với người nào khác thì đã tự cho mình ở "Đệ nhất danh gia" mà nay cụ vời đến người ngoài gia đình, như thế là tỏ sự chí tình của bậc trưởng thượng, nghĩ đến việc chung công ích hơn là sự liên hệ họ hàng. Dù không làm được theo như lời cụ nhắn nhủ, tôi cũng thấy cảm kích, trong hè này viết cho xong tập sách để đóng góp phần vụ của mình vào sự vun trồng văn hoá Việt nơi quê người.

 Tập tùy bút tâm tư này tôi viết tặng các bạn trẻ, lòng những mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường, sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ xây thành một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người quốc gia cùng tiến bước, cho non sông được nở mặt với đời. Tôi chỉ mong mỏi ở các bạn được giải thưởng Nobel về khoa học, hay một giải văn chương quốc tế, hay giải Oscar về điện ảnh, khi nhận giải, bạn nên nói cho thế giới biết rằng mình là con cháu dòng dõi Lạc Hồng, cho mọi người Việt Nam đều cùng được chia sẻ niềm hãnh diện. Khi nhận tấm bảng danh dự hay nắm trong tay bức tượng vàng, giờ phút đó là giờ phút vẻ vang đáng ghi nhớ trong đời bạn. Lời nói của bạn sẽ đi vào lịch sử.

 Mới đây, trong một buổi họp báo kỷ niệm hai mươi năm loài người đặt chân lên mặt trăng có người hỏi phi hành gia Neil Armstrong tại sao câu nói đầu tiên của ông trên Cung Quảng lại là:"Một bước chân nhỏ bé cho người, là một bước nhẩy vọt của nhân loại". Chuyến bay lên trăng của ông, là một sứ giả của địa cầu nên ông đã nói như vậy. Các bạn trẻ Việt Nam thân yêu của tôi, rồi đây các bạn sẽ đi vào đủ mọi ngành, có những người trong các bạn sẽ đạt được những thành công đặc sắc, người Việt mình chưa ai đạt được. Như Neil Armstrong đã là sứ giả của nhân loại, các bạn là sứ giả của dân Việt. Nay các bạn đã làm được một điều lợi ích cho đời nhưng đã phải có một truyền thống lịch sử, văn hóa tươi đẹp của đất nước mới tạo được một thế hệ người Việt như lớp tuổi các bạn. Tôi mong được nghe một lời của bạn cám ơn quê hương.

 Tuy viết xong tập sách nhỏ nhưng tôi không yên lòng gác văn bút, chỉ viết mấy lời tạ từ như người tạm nghỉ khi đã đi trọn một cung đường. Vì đã nói tâm tư của mình nên trong toàn tập sách tôi đã dùng chủ từ là người viết. Mấy trang cuối tôi dành lời cho một số bằng hữu. Có người đã gặp tôi trong quân ngũ, đối với nhau trong tình huynh đệ chi binh. Có người là bạn đồng nghiệp với tôi trong ngành giáo dục, đã từng cùng giảng dạy dưới một mái trường. Và cũng có những người chỉ phê bình sách tôi chưa từng được gặp. Tôi để quyền chọn lựa này cho nhà xuất bản. Như thế vì tôi mong nhận được những lời phẩm bình trung thực. Cũng như trong ngành khoa học, tôi đã viết mấy cuốn sách và gần một trăm bài khảo cứu. Sách và tài liệu in ra, đề ra những lý thuyết, những công thức gạn lọc chắt chiu được sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, sau nhiều đêm suy tư, những điều đó đúng hay sai, một khi đã công bố trên giấy trắng mực đen sẽ được tất cả mọi người thẩm định.

 Tôi đã nhận được nhiều thư từ khắp bốn phương trời. Dù cho là mấy lời khuyến khích của một bạn khoa học viết từ Pháp, hay là lời khen ngợi của một giáo sư Do Thái hay Đức hay Nga, hay thư mời tới diễn giảng của người Trung Hoa, từ cả hai vùng Đài Loan và Lục Địa, hay chỉ là thư hỏi vài nghi vấn của một sinh viên từ Bỉ hay Ba Tây hay một nước nào khác, lần nào đọc lời phê bình tôi cũng tự kiểm thảo lại bài viết của mình để cầu tiến. Quan niệm của tôi khi viết văn cũng vậy. Khi viết tôi cứ thành thực phô bầy ý nghĩ của mình. Lúc diễn đạt tâm sự, có khi gặp niềm băn khoăn, tay viết trở nên ngập ngừng. Những lời tâm tư của tôi nay đã được trải trên những trang giấy mỏng. Với cả chân tình, tôi xin gửi tới các bạn đọc ở ngàn phương.

 Từ thuở còn xanh mái đầu, tôi đã nặng tình dân tộc. Tuy nửa cuộc đời sống xa quê hương mà lúc nào tôi cũng thấy như gắn bó liền với đất nước. Tuy trong công việc hàng ngày phải nói và viết bằng nhiều thứ tiếng nước người mà tiếng mẹ đẻ lúc nào tôi cũng trân trọng. Làm sao tôi có thể quên được những câu ca dao đã được nghe mẹ ru từ thuở ấu thơ. Làm sao tôi có thể quên được những lời nói đầm ấm nhẹ nhàng lúc nào nghe cũng có nhạc điệu của tiếng Việt mến yêu. Mỗi người trong chúng ta có một cuộc đời, mỗi người có riêng phần mạng. Ở vào thế kỷ này, vòm trời mở rộng ra ngoài không gian, những chuyến bay liên hành tinh đã thành sự thực. Tôi đã được may mắn nhập vào khối người hoạt động trong lãnh vực khoa học không gian và vũ trụ. Tôi đã được gặp những người phi hành rời được hấp trường địa cầu, có cả những người được đặt chân lên Cung Quảng. Nơi đây, họ đã được nhìn về trái đất, thấy xa vời, nhỏ bé. Tôi không biết họ đã nghĩ gì? Tôi chắc là trong lúc khẩn trương về công vụ khoa học, họ đã lo sao cho tròn sứ mạng để tới giờ trở về, lọt vào bầu khí quyển bừng bừng lửa xẹt, rồi thấy ba vòm dù mở rộng, mầu đỏ và trắng chói lọi, đỡ cho phi thuyền được đặt xuống an bình trên mặt đại dương. Rồi sau đó họ sẽ được đặt chân lên hàng không mẫu hạm lúc đó trở thành quê hương của những người đã viễn du trong vũ trụ. Đó là quê hương của người.

 Tuy được đi nhiều nhưng tôi đã chỉ luẩn quẩn trên mặt địa cầu. Không được nhìn thấy quê hương, tôi chỉ hướng vọng qua đại dương. Không được hàng ngày nói tiếng Việt, tôi chỉ trải tâm sự lòng mình trên trang giấy. Khi xưa, khi còn tuổi thanh niên, tôi đã viết chuyện mình với những ước mơ hồ hải. Tới nay, giấc mộng lành chưa trọn, vì quê hương chưa được thanh bình, tôi không thể theo như người trước, mãn nguyện với cuộc đời, tìm thú thanh nhàn và nói rằng: "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo". Vì tâm tư còn nặng nhiều u uẩn nên giờ đây tôi lại viết tiếp chuyện lòng mình. Mới đây, một đêm ngồi cùng bằng hữu, tôi đọc lại mấy câu thơ mà không còn nhớ tên người viết:

"Đêm nay sương lạnh mái đầu,
Dãi trang giấy nhỏ đôi câu tâm tình.
Luống cầy rộn gót chiến binh,
Người ơi tiếng sáo thanh bình sao im?"


 Rồi mọi ngưòi nhìn nhau. Có mái đầu còn xanh, có người tóc đã phất phơ điểm bạc. Nhưng đều cùng một tâm sự. Ngày mai lại chia tay, hẹn tới một chu kỳ hội ngộ. Nợ tang bồng của người dân Việt chưa trả trọn vẹn, nợ non sông chưa đền đáp như lời thề xưa kia hùng tráng của sĩ quân, như lời tự nguyện nghẹn ngào của sĩ dân, chỉ vì tiếng sáo thanh bình chưa được trở lại trên thôn xóm của quê hương. Có những người bạn tôi đã quyết dấn thân. Tất cả các bạn khác đều quyết tâm tham gia làm ích lợi chung cho cộng đồng hải ngoại. Tuy không nắm tay nhau thề thốt, nhưng ý tình thông cảm. Riêng tôi, tôi tự nguyện làm một trong những vòng nối giữa những người trẻ và những người đã qua kỷ nguyên chu kỳ, vì tôi tự xét trong đời mình đã không làm điều gì sái quấy để mang tiếng cho người Việt nên đã được những bậc lớn tuổi hơn có lòng tín nhiệm. Giờ chỉ mong sao lời nói của mình thấm nhuần tới tâm tư các bạn trẻ.

  Một lần tôi về Florida nói chuyện, nhà thơ Nguyễn Lập Đông từ Louisiana đã gửi tới mấy câu thơ, nhờ một bạn trẻ chuyển giao:

"Đây là ly tiễn quan san,
Uống cho những bước dọc ngang sơn hà.
Này là ly giữa phong ba,
Người về rung chuyển trong ta một trời."


 Cái giới hạn của sức mình đã không cho tôi luôn luôn đi được từ đông sang tây, từ nam chí bắc, nghĩa là ngang dọc sơn hà như lời thơ ao ước của Nguyễn Lập Đông, để tôi được tiếp xúc nhiều với lớp thanh niên Việt đang sống xa quê hương. Để bù đắp lại, tôi mong mỏi tập sách này tới được tay các bạn. Để rồi qua các bạn, hoa đất nước được nở rộ trên xứ người, với muôn vẻ đẹp. Qua lời viết tôi muốn các bạn biết được rằng, dù khó khăn trở ngại, với kiên trì, ước nguyện của mình cũng có thể đạt thành. Sự thành công của cá nhân mình là điều đáng qúy, nhưng giữ được cội nguồn để văn hoá dân tộc được truyền đời mới là điều đáng làm ta hãnh diện. Vòng giây giữa các thế hệ phải được nối tiếp. Khối người Việt ly hương phải là một tập thể quốc gia. Ý nguyện làm đẹp cho đất nước, quang phục quê hương phải luôn luôn sôi động trong tâm hồn mọi người. Có như vậy chúng ta mới chóng thấy ngày tiếng sáo thanh bình trở lại với non sông. Và để kết luận tập tùy bút này với đôi lời hy vọng, tôi xin viết lại mấy câu thơ:

"Đêm nay theo ánh tinh cầu,
Ước sao đất nước tươi mầu quang vinh.
Quyết tâm hiến trọn thân mình,
Để cho tiếng sáo thanh bình quê hương".

Nguyễn Xuân Vinh

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.