TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Ông Toàn bước vào nhà giữa lúc ba chị em Mai Chinh đang xúm xít bên bàn ăn chuyện trò rôm rã.

- Không ngờ con của bố toàn là Việt cộng.

Mai Chinh nhìn bố ngập ngừng hỏi:

- Sao... bố... lại nói…

Đôi mắt ông Toàn trợn trừng trên khuôn mặt nghiêm trang:

- Không phải à? Người ta bảo, nói láo như vẹm, mà chúng mày còn giỏi hơn vẹm nữa. Đấy! thằng Thới phải làm overtime đến mười hai giờ khuya, thằng Tôn phải xong cái “rồ dzách” (project) cho hãng ngay đêm nay. Bố tin, nhưng đâu ngờ chúng mày đang làm việc với mấy chai bia.

Tôn gãi đầu:

- Bố thông cảm cho tụi con.

- Bố đừng giận tụi con. Bố biết cả rồi mà.

Mai Chinh đẩy nhẹ chiếc ghế, đứng lên:

- Bố về sao không gọi con vào thay? Mẹ tỉnh dậy mà không thấy ai bên cạnh thì chết cả đám.

Ông Toàn cầm lấy chai bia Thới vừa mở nắp, cười dễ dãi:

- Không sao! Có má chồng của con vào thăm. Bà ấy tình nguyện ở lại với mẹ con cho đến tối để bố về nghỉ ngơi. Đấy! Chúng mày xem, bà ấy là người dưng mà tình nghĩa như thế, còn chúng mày... tệ quá. Thật vô phúc cho mẹ mày, sinh toàn một lũ con bất hiếu.

Khuôn mặt nhăn nhúm thảm não của ông Toàn làm chị em Mai Chinh không nhịn cười được. Thới xoa vai bố:

- Lâu lâu bố mới về một lần thì tụi con cũng nên biết điều mà nhường chỗ cho bố để bố còn lấy điểm với mẹ nữa chứ!

- Đừng có xạo! Bố đi guốc trong bụng chúng mày.

Đặt chai bia xuống bàn, ông Toàn nói tiếp bằng giọng trầm ấm, đầy ắp tình cảm:

- Bố biết mẹ con đổi tính khó khăn, nhưng lúc mẹ đau ốm thì chúng con cũng phải…

Thới nôn nóng cướp lời:

- Bố ạ! Ngày mẹ vào phòng mổ chúng con đã đến bệnh viện ở suốt đêm. Những ngày kế tiếp thì thay phiên nhau ngủ trong đó với mẹ. Có điều, vừa mới phục hồi, mẹ lại ca cẩm, than vãn, trách móc, mắng nhiếc chúng con về những chuyện từ xửa, từ xưa được mẹ suy diễn theo óc tưởng tượng. Mẹ cứ gán cho chúng con những điều mà chúng con không làm và không nghĩ như thế bao giờ.

Tôn cười rúc rích:

- Bố nhớ không? Có lần cãi nhau với mẹ, bố nói mẹ chuyên chụp mũ người khác. Từ ngày mẹ về ở chung, con mới thấy câu nói của bố đúng một trăm phần trăm.

Ông Toàn thở dài:

- Mẹ con cứ như thế nên chẳng con cháu nào muốn đến gần. Nhưng bà lại không hiểu điều đó mà cứ mang trong đầu cái ý nghĩ con cái hất hủi, lạnh nhạt.

Tôn che miệng nói khẽ, cứ như là sợ mẹ đang quanh quẩn đâu đây và bà sẽ nghe được.

- Đâu phải chỉ nghĩ trong đầu mà mẹ còn gọi điện thoại loan báo cho khắp làng trên xóm dưới biết rằng, con tôi là một lũ bất hiếu, nuôi cho nó lưng dài, vai rộng bây giờ nó xúi con nó đuổi tôi ra khỏi nhà.

Ông Toàn nhíu mày:

- Chuyện này là sao?

Tôn thở dài:

- Bố nhớ không, ngày trước, mỗi lần giận bố là mẹ cứ gào lên, chúng mày mướn nhà khác cho tao ở, tao không muốn ở chung với ông ấy nữa. Bây giờ ở với con cũng vậy, không vừa ý điều gì mẹ lại gào lên y như thế. Thằng Tommy nghe thì cứ nghĩ là bà muốn ở chỗ khác thật. Lại đúng lúc cu cậu không muốn ở chung phòng với thằng em phá phách nên nó dại dột hỏi, bà ơi! bao giờ thì bà dọn đi nhà khác. Thế là mẹ tát cho thằng bé một cái nháng lửa, rồi lăn ra khóc rống lên, vợ chồng mày muốn tống khứ tao đi nên bảo thằng con nói thế. Bố xem có oan ức cho con không? Cách đây một tuần, con đang đi làm, mẹ gọi bảo về nhà gấp, có chuyện quan trọng. Tưởng gì, con ba chân bốn chẳng chạy về thì thấy mẹ bê nguyên cái thùng rác để ngay cửa, chống nạnh chỉ vào mặt con, nhìn mà xem thằng con mất dạy của anh nó hỗn láo với tôi. Hỏi ra mới biết thằng Jimmy vất quần áo vào trong đấy vì bà bảo, không cất vào tủ thì vất vào thùng rác. Nghe xong, con hiểu ngay cái kiểu nói lẫy của mẹ. Nhưng thằng bé không rành tiếng Việt thì làm sao nó biết được thế nào là nói thật, thế nào là nói lẫy. Có vậy mà mẹ tẩn cho thằng bé một trận. Bởi thế, hai ngày trước, vợ con bảo thế nào hai thằng cũng nhất định không vào thăm bà. Con còn biết làm sao!

- Thì ra vậy! Giờ bố mới hiểu tại sao mẹ con đòi lần này ra viện sẽ về ở với anh Thới.

Thới trợn mắt, hai tay ôm đầu:

- Đúng là tin sét đánh ngang mày. Bố! Bố nói thật hay chỉ dọa con cho vui.

Ông Toàn ngửa đầu tu hết chai bia, vừa liếc mắt, vừa gật gù ra chiều thích thú:

- Sao lại không thật! Anh là trưởng nam cơ mà.

Mặc cho Thới đang diễn trò đau khổ, Mai Chinh lo lắng hỏi bố:

- Mẹ nói với bố hồi nào?

- Hồi trưa này, ngay trước mặt má chồng của con. Bà nói thằng Thới có hiếu, vợ thằng Thới vui vẻ, cởi mở.

Thới nhăn mặt:

- Đúng! Vợ con không những cởi mở mà còn cởi mở quá đáng đến độ không biết tế nhị là gì. Tính vợ con hay nói thẳng, nói không e dè, không sợ sệt. Bố ơi! Cái kiểu này còn đụng nhanh, đụng mạnh. Thằng con của bố ở giữa thì chỉ có nước banh xác. Bố cứu con với.

Ông Toàn cười ha hả:

- Cứu gì mà cứu, má vợ anh ủng hộ nguyện vọng của mẹ anh năm trên năm mà. Ừ! Chị sui về bển đi cho thằng Thới với con Đào chăm sóc chị, lúc này con Đào thất nghiệp, nó có giờ lo cho chị chu đáo hơn.

Ông Toàn giả giọng miền Nam làm hai đứa em của Mai Chinh cười vang thích thú trong lúc Chinh càng nghĩ lại càng lo. Vợ của Thới là em gái của chồng Mai Chinh, nên má vợ của Thới cũng là má chồng của Mai Chinh. Thật lòng mà nói Mai Chinh thương má chồng hơn mẹ ruột của mình. Bởi vì bà là một người đàn bà đơn sơ, thật thà, vui tính và rất dễ dãi. Mười tám năm làm dâu, biết bao lần Mai Chinh nói năng lỡ lời, hoặc làm nhiều điều trái ý bà, nhưng chưa lần nào bà để bụng giận hờn, trách móc hay bêu riếu con dâu với bạn bè, thân quyến. Không bằng lòng chuyện gì thì bà rày la ngay tại chỗ rồi bỏ qua, không lẫy hờn, không xiên xỏ, không mỉa mai, chua chát như mẹ Chinh. Bởi thế, cứ cuối tuần, nào con, nào dâu, rể, kéo về đầy nhà để được ăn ngon, để được chọc ghẹo, vui đùa với bà một cách thoải mái.

Trái hẳn với mẹ Mai Chinh, cứ gặp mặt là phải tìm chuyện rày la, càm ràm, trách móc để rồi con cái tránh xa thì bà giận dỗi, ta thán con cái hững hờ. Có lần Mai Chinh nhẹ nhàng phân tích nhưng bà nhất định không chịu lắng nghe, cục tự ái nổi lên bà mắng Mai Chinh như tát nước vào mặt. Nghe mẹ Mai Chinh khóc lóc, than thở, bác Liên – chị của mẹ – gọi điện thoại bảo Mai Chinh, thôi đừng nói gì nữa, đó là cái nghiệp của mẹ con. Mai Chinh không hiểu ý của bác, nhưng không dám hỏi, chỉ phân trần: “Đâu phải chị em con không biết hiếu thảo, mẹ muốn có cái gì là chị em con đều lo đầy đủ. Nhưng tính mẹ làm sao ấy... con không thể nói được”. Bác Liên thở dài, “Bác còn lạ gì mẹ mày, muốn chồng con đến gần mà hành động và lời nói cứ như đẩy người ta tránh xa ra rồi lại giở giọng than thân trách phận. Lại thêm cái tật nhiều lời, chuyện gì trong gia đình thì cứ tung hê lên cho cả làng, cả xóm biết, cộng thêm cái bệnh phóng đại, có ít xích ra cho nhiều, bụng đau tí tí thì la toáng lên là thủng ruột cho mọi người xanh mặt, nhưng đâu biết, lần sau ruột có thủng thật người ta cũng phớt lờ vì tưởng là giã vờ. Bác khuyên mãi mà có nghe đâu, cứ thế thì càng già càng cô độc. Bác còn biết bố mày đi xa tìm việc làm cũng là vì chịu không nổi mẹ mày. Con ạ! Thôi thì chị em bảo nhau, ráng chiều mẹ và cầu nguyện cho mẹ thay tâm, đổi tính để mẹ con gần gũi nhau hơn”.

Thật ra, chị em Mai Chinh rất thương và lo lắng cho mẹ đủ điều, nhưng chẳng đứa nào chịu được khi bị mẹ mắng mỏ và gán ghép tội tình bằng những lời chua cay, độc địa. Bây giờ, điều Mai Chinh sợ nhất là, nếu thật sự mẹ về sống với vợ chồng Thới mà bà đối xử không tốt với con dâu thì Mai Chinh không biết làm sao nhìn mặt chồng. Mai Chinh bối rối không biết phải làm sao. Chắc chỉ có bố mới có thể giải quyết được vấn đề nan giải này mà thôi. Mai Chinh không muốn chuyện không hay sẽ xảy ra giữa mẹ mình và cô con dâu trưởng, cũng là con gái của má chồng Mai Chinh – người má chồng đã xem Mai Chinh như con ruột của bà, trong khi mẹ của Mai Chinh thì đối xử với con ruột chẳng khác nào con dâu.

 * * *

 Bà Toàn ngồi thu mình trong chiếc ghế đặt ở góc nhà, đưa mắt nhìn đám con đang vui vẻ trò chuyện với bà sui gia. Hôm nay, bà sui có nhã ý làm bữa tiệc mừng bà được bình phục sau cơn giải phẫu tim khá nguy hiểm. Khách tham dự chỉ gồm con, dâu, rể trong gia đình nhưng sao bà lại cảm thấy lạc lỏng quá. Con của bà đứa nào cũng xúm xít bên bà sui, bác bác, con con, vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ, thân mật. “Bà sui quê mùa” – chữ bà thường dùng để gọi bà sui khi kể chuyện với người khác bằng giọng điệu bỡn cợt, thiếu nể trọng vì sự kém học thức và không có dáng vẻ đẹp đẽ, sang trọng như bà – có gì đặc biệt mà thu hút được bọn trẻ như thế, trong khi đối với bà, là mẹ ruột, thì chúng dường như ngày một xa.

Chiều hôm qua ông Toàn đưa bà đi ăn ở một nhà hàng nổi tiếng nằm sát bờ hồ – một nơi mà ông nghĩ rằng, với phong cảnh hữu tình, thơ mộng và chung quanh lại có nhiều thực khách, nếu cơn giận có nổi dậy thì ít ra vợ mình cũng có thể kềm chế được phần nào. Bằng lời nhỏ nhẹ ông nắm tay bà ân cần phân tích cho bà nghe tại sao lại có một khoảng cách giữa bà và các con – có những điều bà không nghĩ ra, nhưng cũng có những điều bà đã nhìn thấy nhưng không muốn sửa đổi, vì bà không muốn hạ mình với lũ con bướng bỉnh. Thật ra, chuyện làm bà giận nhất là lần bà nghe Mai Uyên nói chuyện điện thoại với Mai Chinh.

- Mẹ nói thế chứ thật sự mẹ đâu có ngã trượt chân. Bàn chân bình thường, không sưng, không bầm thì đi bác sĩ làm gì.

Bà không biết Mai Chinh nói thế nào, nhưng câu vạch trần của Mai Uyên làm bà vừa ngượng ngịu, vừa giận tím mặt.

- Chị biết cũng là nhà em có đặt máy thu hình ở bốn góc nhà để theo dõi người giữ bé Apple mà. Em xem trong máy, thấy suốt ngày đó mẹ ngồi xem TV chứ không bước lên lầu thì làm sao có chuyện ngã. Mẹ cứ kêu la, rên siết em chịu không nổi nên gọi người bạn bác sĩ. Chị ấy đến khám và ra hiệu cho em là không có gì hết, nhưng vẫn nói “ngày mai Uyên đưa bác tới phòng mạch, tôi sẽ khám lại lần nữa, nếu vẫn đau như bác nói, có lẽ phải mổ”. Chị biết mẹ sợ mổ mà, nên sáng hôm sau mẹ đi bình thường không còn cà nhắc nữa. Em hỏi thì mẹ nói tối qua bóp dầu nên hết đau rồi. Chị tin không? Công việc ở hãng cộng thêm công việc nhà với chồng, với con, gây cho em bao nhiêu áp lực, mẹ không giúp thì thôi lại còn làm cho em rối trí. Nếu chị không tin mà còn trách em thì chị mời mẹ về ở với chị đi.

Bà công nhận những điều Mai Uyên nói là đúng. Thật ra, bà giã vờ đau đớn là muốn con gái chú ý đến bà hơn nhưng nó vẫn chú tâm vào con cái chứ chẳng nghĩ gì đến bà. Đã vậy, sau lần đó, mỗi khi bà than vãn bệnh hoạn nó lại hỏi một câu khiến bà muốn nổi điên: “Mẹ có đau thật không?”. Bà nổi giận mắng nhiếc: “Thứ con bất hiếu, mẹ nó thì coi như rơm như rác, còn chồng con thì quý như ngọc như vàng, uổng công tao nuôi nấng mày cực khổ”. Và bà đùng đùng thu góp đồ đạc dọn đến ở với Tôn. Nhưng rồi... trong căn nhà đó bà cũng gặp toàn những điều không vừa ý.

- Mẹ ơi! Bố mời mẹ vào trong đây để bố “thưa chuyện” với mẹ.

Bốn đứa con, hai dâu, hai rể đồng loạt phát thanh khiến dòng tư tưởng của bà bị cắt ngang. Bà đứng dậy bước ra phòng khách. Ông Toàn nắm lấy tay bà bằng cử chỉ trìu mến, dõng dạc tuyên bố:

- Tuần sau bố sẽ nghỉ việc để trở về đây săn sóc cho mẹ. Bố đã mướn một căn nhà hai phòng và đón mẹ về ở với bố.

- Hoan hô, hoan hô bố.

Một tràng pháo tay vang lên inh ỏi, bà Toàn đứng sững sờ trước một tin vui bất ngờ. Bởi đó là mơ ước bà ấp ủ bấy lâu nay nhưng quyết không hé môi nói với ông nửa lời, vì lúc ông cho biết ý định sẽ đi Georgia làm việc, bà lạnh lùng đáp: “Chuyện ông đi hay ở đối với tôi chẳng có gì quan trọng”. Rồi khi ở với con cái, những điều mong muốn của bà không được đáp ứng, bà lại thầm ước phải chi ông trở về để bà có một căn nhà riêng hầu hưởng trọn vẹn cái không khí thoải mái tự do.

Tiếng hoan hô cùng với tiếng cười ròn rã lại tiếp tục vang lên. Không biết con bà mừng là vì bố mẹ sum họp sau hai năm mỗi người ở mỗi nơi, hay vì chúng sắp trút được một gánh nặng. Nhưng vì lý do gì bà cũng cảm thấy vui, vì từ bây giờ bà sẽ có một nơi chốn riêng cho mình. Bà nhớ câu nói của chồng tối hôm qua: “Con cái giờ đây mỗi đứa đều có đời sống riêng của nó. Cuối cùng rồi cũng chỉ còn lại tôi với bà, nên từ bây giờ mình phải hết lòng yêu thương nhau, đừng cãi vã, tranh chấp hơn thua làm gì nữa. Quãng đời còn lại chẳng còn bao lâu nữa, điều tôi mong muốn là hai vợ chồng mình được sống hòa thuận, hạnh phúc bên nhau cho đến ngày cuối cùng”. Bà ngoan ngoãn gật đầu trong niềm cảm xúc dạt dào. Những giọt lệ ấm nồng len ra khóe mắt khi ông âu yếm đặt một nụ hôn lên tóc bà. Lâu lắm rồi, cũng phải gần bốn năm vợ chồng bà mới có được những phút nồng nàn như thế này.

Phần chị em Chinh, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, bởi không có người con nào muốn mang tiếng bất hiếu mà chỉ vì bố mẹ đã làm cho khoảng cách giữa mình và con cái ngày càng xa vì những suy nghĩ khắt khe, thiếu thông cảm.

- Chà! Vậy là anh chị bây giờ đủ đôi, đủ cặp rồi hén. Chỉ có mình tui là chèo queo một mình cho tới chết.

Bà Toàn cười sung sướng. Lần đầu tiên bà cảm thấy cái giọng Nam đặc sệt của bà sui sao mà dễ thương quá.

(Viết theo chuyện kể của PC)

Ngân Bình

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.