TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Có người cho rằng chúng ta khám phá ra tận đáy lòng mình, một lề luật đột biến phát sinh nào đó, không do chúng ta hoàn toàn chủ động mà vẫn phải tuân thủ dầu muốn hay không...Đó là khuynh hướng làm thiện lánh ác. Chúng ta gọi đó là lương tâm.

     Lương tâm, kỳ thật là một mảnh vụng của tâm, đeo đẳng và giám sát chúng ta suốt đời, rỉ rả giọng kèn tiếng quyển trong ta,cắn rứt, giầy vò ta mãi không thôi, buộc ta phải lắng nghe giọng nói khi thì âm thầm, khi thì thiết tha khi ta làm ác;hả hê,thỏa mãn, tràn đầy hoan lạc lúc ta làm điều thiện lành.

     Có quan điểm còn cho lương tâm là quá trình áp dụng một lượng kinh nghiệm và kiến thức tổng quát về TỐT-XẤU vào từng tình huống cụ thể trong đời sống.

     Có người bảorằng lương tâm là trách nhiệm của cá nhân đối với cá nhân, cá nhân đối với gia đình, cá nhân đối với cộng đồng xã hội.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì cho là “cái thiện tâm của người ta sẵn có (conscience)”.

     Riêng Từ điển bách khoa VN định nghĩa lương tâm là “năng lực của cá nhân tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình, biểu hiện sự tự ý thức của cá nhân về mặt đạo đức. Lương tâmkhông chỉ biểu hiện dưới hình thức lý tính (nhận thức ý nghĩa đạo đức của hành động) mà còn biểu hiện dưới hinh thức cảm xúc(lương tâm thanh thản hay lương tâm cắn rứt)...”. Như vậy, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.

     Lương tâm phần lớn do điều kiện hoạt động và lập trường tư tưởng-xã hội của con người quyết định. Mâu thuẫn giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, giữa tính tất yếu xã hội – lịch sử với mức độ hiểu biết riêng của cá nhân đặt ra cho cá nhân vấn đề lựa chọn phương án hành vi cụ thể. Lương tâm có vai trò quan trọng trong hoạt động của con người, vai trò ấy ngày càng lớn, tùy theo trình độ phát triển của nhân cách cá nhân và của nhân tố tự giác trong lịch sử xã hội.

     Con người là con đẻ của hoàn cảnh xã hội. Nói như thế là đúng nhưng chưa đủ. Hình như tuyệt đại đa số động vật dầu hạ đẳng như con ong cái kiến đều có “tự tánh”, tức là bản thể riêng biệt, giúp ta phân biệt loài nầy với loài khác. Là động vật cao cấp nhứt trong muôn loài (nhân linh ư vạn vật), con người nhứt định phải có “tự tánh”, tức là “yếu tố tự nhiên”. Bản  thân tự tánh đó là thiện (nhân chi sơ tánh bổn thiện). Đó là cốt lõi của lương tâm. Như đã nói,cốt lõi nầy chịu ảnh hưởng nặng nề của môi trường sống.

     II. Tại sao lương tâm chúng ta lắm lúc bị nhạt mờ?

     Theo mẹ, trước hết là do ta lười suy nghĩ. Ta ít quan tâm tìm kiếm sự thật. Cái gì cũng “xa va”, thây kệ, sao cũng được. Nắm bắt được sự thật là tốt, nhưng nếu không nắm bắt được thì cũng chẳng sao. Tánh xí xóa, không ghim chấm, tỵ hiềm là tốt nhưng đồng thời cũng làm cùn nhụt khuynh hướngkhám phá chân lý trong ta.

     Chạy đua trong cuộc sống, nhiều lúc ta không có thì giờ quan tâm đến vấn đề làm việc thiện. Làm việc thiện là để rèn luyện lòng nhân hậu, là để nhắc ta lúc nào cũng phải làm điều tốt lành cho đồng loại một cách vô vị lợi.

     Ít lo lắng làm việc thiện, lâu ngày, khiến ta đánh mất khả năng phân biệt tốt- xấu, coi điều tốt, lẽ xấu cũng gần như nhau, tựa như một anh đồ tể thâm niên coi thường việc thọc huyết heo.

     Một lý do khác  là ta rất dễ hoang mang trước lượng thông tin ngày càng dầy đặc và nhanh như chớp. Ta như bị quay cuồng trong cơn lốc thông tin đa chiều, khiến ta không còn đủ tỉnh táo để nhận định đâu là đúng, đâu là sai.

     Thêm nữa, từ trong đáy lòng sâu thẳm của mỗi người, hình như ai cũng có xu hương tự biện minh mình, tha thứ cho mình, tức là tự lừa dối mình. Ta rất dễ tự lừa dối ta bằng những ảo tưởng. Tòa án lương tâm trong ta sẵn sàng khoan hồng và tha bổng ta về những lỗi lầm do ta gây ra. Có bao giờ ta  chịu “xử lý nghiêm” ta đâu. Bởi vì lúc nào cũng có quá nhiều “tại, bị” để được tha thứ.

     Thế nên, lương tâm cần được trau dồi,  lau rửa để luôn trong sáng, làm đuốc soi đường cho mọi suy nghĩ và hành động của ta.

     Muốn được vậy, con phải làm sao?

     Theo mẹ, trước hết, con cần rèn luyện óc phán đoán càng chính xác càng tốt. Ta đang sống trong thời đại truyền thông bùng nổ khủng khiếp. Không thể có một vấn đề to nhỏ nào giữ được bí mật lâu dài. Tất cả biến cố trên khắp thế giới đều sớm được phát hiện, loan truyền rộng rãi và nhanh chóng. Chiếc Boeing MH17 của hảng hàng không Malaysia Airlines vừa bị bắn rớt ở độ cao 10.000m, làm toàn bộ 298 người trên đó chết oan thì vài giờ sau, cả thế giới đều hay tin.Nhưng cũng đồng thời, cả ba phe Nga, Ukraina và phe nổi dậy thân Nga đều chối và đẩy lỗi cho nhau. Không bên nào dám nhận là mình đã gây ra.

     Chánh trịtrên thế giớilà vậy đó.

     Khoa học, kỹ thuật càng tiến bao nhiêu thì loài người càng trí trá bấy nhiêu. Chân giả, vàng thau lẫn lộn, khiến chúng ta quay cuồng trong cơn lốc tối tăm, không biết đâu là bến bờ .

   Hơn bao giờ hết, con cần rèn luyện một bộ óc phán đoán chính xác, giúp con phân định rạch ròi giả-chân, hư-thực. Theo mẹ,điều ích lợi nhứt mà giáo dục đem lại cho con người là rèn luyện cho ta có được bộ óc phán đoán biết chính xác đâu là phải, đâu là trái;đâu là đúng, đâu là sai.

     Thứ đến,con cần tập suy tư.Con người vĩnh viển vượt khỏi muôn loài vì con người biết suy tư và phán xét. Muốn suy tư có kết quả,con cần phải biết sống một mình trong môi trường yên tịnh. Sống ồn ào giữa cộng đồng là ta sống cho người; sống cô độc một mình là ta sống cho ta.Con cần xây dựng cho con một không gian tĩnh lặng. Nếu không, con sẽ bị tha hóa hoàn toàn. Bấy giờ, con không còn là con nữa vì con đã đánh mất hết đặc sắc tính của một con người. Con đừng sợ cô đơn. Trong cô đơn, con sẽ có dịp nghiền ngẫm, tra vấn về ý nghĩ dẫn đường cho hành động của mình, thấy được lẽ đúng sai để phát huy hay khăc phục.

     III. Để sở hữu một lương tâm trong sáng, con cần quan tâm chấp hành ba nguyên tắc giúp con chọn lựa và quyết định. Đó là:

a.)    Không bao giờ làm một điều xấu để mong đạt một kết quả tốt;

b.)    Điều gì con muốn người khác làm cho mình, chính là điều con nên làm cho kẻ khác (Kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân);

c.)    Tôn trọng lương tâm của kẻ khác.

Con cũng cần không ngừng bồi dưỡng lương tâm để nó không biến chất hay phai mờ.

Trước khi đưa ra một quyết định nào, con tự tìm hiểu do động cơ gì  thúc đẩy con sắp sửa đưa ra quyết định đó. Động cơ có thật sự trong sáng và ngay thẳng không? Sự tìm hiểu nầy phải hết sức công bằng và vô tư, không cố chấp, không thiên vị,cả nể.Điều quan trọng là con xem xét coi quyết định của con có lương thiện không, có làm hại ai một cách vô lý không? Con nên vận dụng kiến thức loài người và kinh nghiệm các bực thiện tri thức để tránh trường hợp do hiểu biết nông cạn mà quyết định sai lầm gây hậu quả tai hại. Điều nầy rất thường xảy ra và kéo theo bao nhiêu là hậu quả đau thương. Cho nên, trước khi quyết định một vấn đề gì, con cần tìm hiểu tường tận đến cốt lõi của vấn đề đó, soi rọi vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau dựa trên ba nguyên tắc nêu trên. Sự cố chấp hẹp hòi, óc thiên kiến, bảo thủ, không chịu mở lòng đón nhận rộng rãi dư luận cũng rất tai hại. Sự vội vã, hời hợt trong suy luận và phán đoán cũng dễ bóp méo hay làm lệch lạc lương tâm. Những người tài ba lỗi lạc bao giờ cũng quyết định nhanh chóng, kịp thời và sáng suốt.Dó la những trường hợp hiếm có. Còn chúng ta: phải cần đến thời gian để suy tư, nghiền ngẫm.

     Theo một cách lý luận khác, lương tâm chính là tâm rút gọn. Đã là tâm thì cần “phải cho lớn để dung nạp những người trong nhân loại, phải cho rộng để chịu đựng cái hay trong thiên hạ, phải công bằng để bàn việc trong thiên hạ, phải vững vàng để chống lại biến cố trong thiên hạ” (Lã Khôn).

Tháng 08.2014

CÔ TY

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.