TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 Hắn tên Đặng Trần Lê Nguyên là bạn với tôi từ thời Trung học nhưng vì thái độ chính trị mập mờ của Nguyên khiến tôi không coi hắn như là bạn thân mặc dù Nguyên từng giúp đỡ tôi hơn cả anh em và bà con ruột thịt.  Cái tính thù dai và cố chấp của tôi sau thời gianViệt Nam Cộng Hòa bị bán rẻ khiến tôi gọi Nguyên là “Hắn” thay vì tiếng bạn có vẽ êm dịu và thân thiện hơn

 Nguyên và tôi ở cách nhau một làng, nhưng khi thi đậu vào Đệ thất hai đứa học cùng trường nhưng khác lớp. Năm Đệ lục ( lớp sáu ngày nay) hai đứa cùng mướn một phần cái chái của một nhà giàu ở Thiềng Đức, hai đứa cùng nấu ăn và đi học. Nhà Nguyên nghèo, tôi chẳng hơn gì Nguyên, cha mất sớm Nguyên là con một, mẹ Nguyên tần tão nuôi Nguyên ăn học, chẳng may mẹ mất khi Nguyên đang học Đệ ngũ, một người cô tiếp tục nuôi Nguyên. Có lẽ cô ấy cũng không dư dã gì nên tháng giúp chút ít, tháng không. Nguyên không ngại cực khổ và sĩ diện, anh lãnh bán bánh mì mỗi buổi sáng trước khi đi học. Tính chịu khó và hiền lành của Nguyên ai cũng yêu mến.

 Vào năm Đệ ngũ Nguyên nhổ giò, cao lớn, nước da trắng như Tây, gương mặt chữ điền, thêm vào đó, tóc hơi dợn sóng, khiến Nguyên đẹp trai và nỗi bật giữa đám đông, Không biết Nguyên học coi chỉ tay tự bao giờ, năm nầy Nguyên bắt đầu coi tay giùm bạn bè. Hắn coi cho tôi khá trúng. Tôi không mấy tin vì nghĩ Nguyên sống chung với tôi nên đóan mò. Một vài nữ sinh cùng trường đến tận chỗ chúng tôi trọ nhờ coi tay. Dường như ai cũng khen tài coi chỉ tay của Nguyên. Chính cái nghề nghiệp dư nầy làm khổ Nguyên dài dài. Nhiều lúc hai ba cô đụng nhau ở nhà chúng tôi, những cú hứ nguýt của các cô khiến Nguyên luôn bị xáo trộn, học hành xao lãng. 

 Ngòai ra Nguyên còn có tài cạo gió. Bịnh nhức đầu nóng lạnh Nguyên ra tay chừng mười phút là người bịnh khỏe hẳn. Cái tài nầy tôi nghiêng mình bái phục. Hỏi ai dạy hắn cạo gió, hắn cho biết, bà cắt giác hơi lối xóm lúc cạo gió cho mẹ hắn, luôn tiện chỉ những huyệt quan trọng để khi mẹ cần Nguyên tự cạo cho mẹ mà khỏi phải nhờ bà thầy hoặc khi bà thầy đi vắng.

 Một hôm bà chủ nhà đang ngồi tự nhiên chân tay co quắp, mặt nhợt nhạt, chị Xuân con bà chủ hô hóan lên,  Nguyên chạy đến xem, hắn hỏi mượn chai dầu và lấy miếng bạc năm cắc bằng nhôm mạ bạc cạo gió cho bà chủ. Chừng hơn năm phút mặt mày bà hồng hào trở lại, bà co dũi tay và đứng dậy dễ dàng. Gia đình bà chủ cám ơn Nguyên rối rít.

 Nghề coi tay gây phiền tóai cho Nguyên, nhưng dường như hắn thích, các cô luôn làm phiền hắn nhưng lúc nào hắn cũng cười vui vẻ như không chuyện gì xảy ra. Tôi quên nói là cái chái của bà chủ nhà được ngăn đôi bằng vách lá, trước đó chắc có một gia đình nào mướn, khi tụi tôi dọn vào độ nửa năm có hai cô gái cũng dọn đến.  Hai cô chiếm phía trước, ngó ra lộ giá ba trăm. Hai đứa tôi chọn phía sau giá hai trăm. Hai cô lớn tuổi hơn chúng tôi. Cô Thơm dáng người hơi quê kệch, cô ở miệt Cái Ngang lên tạm trú học nghề may bên chợ, sáng đi học nghề, chiều về cũng tự lo cơm nước. Cô Nhậm người Trà ôn cũng cùng học nghề như Thơm.

  Lúc đầu Thơm Nhậm ít nói, về nhà hai cô nấu nướng ăn uống không hề nghe tiếng động. Nguyên có máu ga lăng, lu nước nấu ăn cho hai phòng Nguyên đều xách lên đổ đầy, nước ở nhà tắm cũng một tay Nguyên, tôi chỉ thỉnh thỏang làm việc đó. Thơm và Nhậm có hôm về sớm thấy Nguyên xách nước giúp ra chiều cảm động. Hai cô bắt đầu thăm hỏi hai đứa tôi về quê quán và nhiều chuyện khác, đặc biệt câu chuyện luôn ưu tiên dành cho Nguyên. Tôi biết phận mình nên luôn im lặng. Bắt đầu hôm đó hai cô thường mang cho chúng tôi khi tô canh, lúc thì dĩa thịt xào, những món mà Nguyên và tôi ít khi làm được. Chúng tôi chỉ làm độc món hột vịt dầm nước tương, siêng lắm thì ghé chợ mua mớ salad hay dưa leo. sang hơn nữa thì mua xá xíu về ăn, đó là vào dịp đầu tháng, ngòai ra thì hột vịt làm chuẩn. Dân mình có câu ví von: Bà con xa không bằng xóm giềng gần, tối lửa tắt đèn nhờ hột quẹt. Việc ấy đã xảy ra trong hai gia đình ở trọ như chúng tôi. Thơm một chiều về sớm, cô làm cá ngòai sàn nước xong, trên đường vô nhà cô đi như người say rượu, tới cửa nhà cô quị xuống. Chị Xuân (con bà chủ) đi làm về thấy vậy la lớn lên gọi Nguyên. Nguyên chạy ra cửa và thấy Thơm mặt mày tái mét không nói được tiếng nào. Nguyên gọi tôi cùng dìu Thơm vào giừờng, không tị hiềm nam nữ, Nguyên lấy dầu cạo gió cho Thơm, bịnh tình có giảm nhưng Thơm vẫn chưa cử động. Chị Xuân định gọi xe lôi đưa Thơm đến bịnh viện, Nguyên không nói gì ra sau nhà tìm mảnh chén kiểu, anh đập lấy vài miếng có cạnh bén, đồt đèn hơ lửa để khử trùng rồi cắt sau lưng, hai  bên cổ, cắt tới đâu đều nặn máu ra, máu bầm đen. Xong phía lưng, tới phía trước, hai bên thái dương, chỗ hóp ở cổ, hai bên bã vai. Thơm bắt đầu nói được, tụi tôi vô cùng mừng rỡ, chị Xuân vỗ vai Nguyên khen

- Ông thầy Nguyên hay quá.

Nhân đó chị đưa tiền nhờ tôi chạy xe qua chợ mua giùm chai dầu Cù là hoặc Nhị thiên đường về phòng khi hữu sự.

Tôi về tới nhà đưa dầu cho Thơm và bảo cô ấy thoa cho ấm. Nguyên đang nấu cháo thương hàn cho nàng. Sáng hôm sau Thơm sang nói lời cám ơn tụi tôi đặc biệt với Nguyên. Thơm nhìn Nguyên vừa e ngại lẫn âu yếm. Cô lí nhí:

- Không có anh Nguyên chắc Thơm chết mất rồi

Nguyên cười nhìn Thơm lên tiếng

- Nguyên chỉ làm những gì phải làm. Nguyên rất mừng khi Thơm khỏe lại

Sau lần cạo gió,  hai cô Thơm và Nhậm đề nghị:

- Mỗi chiều hai anh chỉ nấu cơm thôi, đồ ăn chúng tôi nấu giúp.

 Lời đề nghị quá hay, chúng tôi hoan nghinh hết mình. Ngày học, tôi và Nguyên ăn căng tin buổi trưa ở trường, chiều nếu hai cô tình nguyện nấu giùm thức ăn, tụi tôi sẽ rảnh rang hơn. Nhiều lần tôi khuyên Nguyên nên bỏ việc coi tay, để thì giờ lo học hành. Nguyên ừ hử nhưng rồi đâu lại vào đó. Một chiều tôi có giờ trống về sớm, vừa vô nhà tôi thấy một người đàn bà đứng sát Nguyên thiếu điều ôm hôn hắn. Người đàn bà khỏang hơn hai mươi tuổi, nước da trắng nõn, cặp mắt lả lơi. Tôi vào làm chị ta ngượng lí nhí với Nguyên một chốc rồi ra về. Tôi hỏi Nguyên chị ta là ai, Nguyên cho biết đó là dì một cô bạn quen đến nhờ Nguyên xem chỉ tay. Coi xong chị trả Nguyên 100 đồng và hẹn hôm khác sẽ đến xem tiếp. Chồng chị ấy người Tàu dân buôn bán. Nguyên nói nhờ tôi về đúng lúc, chị ấy tấn công Nguyên tới tấp, hắn suýt xiêu lòng.

 Câu chuyện tưởng chấm dứt và Nguyên không còn xem chỉ tay nữa, nhưng chứng nào tật nấy. Một trưa nọ ba tôi đến thăm tôi và tại nhà trọ cũng có hai cô đang rù rì với Nguyên. Tuần sau ông kêu tôi về và bảo tôi phải tìm nhà khác, năm nầy thi cử, cứ mèo mỡ mãi sẽ thi rớt. Ba tôi vẫn thương Nguyên nhưng tình trạng lăng nhăng của hắn khiến ông cương quyết tách tôi ra khỏi Nguyên. Hôm tôi dọn đi Nguyên buồn hiu, cả tôi cũng vậy. Mấy tháng hè qua nhanh, tôi quyết chí phải thi đậu nên tôi học chăm chỉ, một hôm tôi đến thăm Nguyên, hắn cho biết dạo nầy hắn bán bánh mì đắt lắm, hắn tìm được nhiều mối chỉ chạy xe đến giao bánh, chạy hơi xa nhưng khỏi phải bán lẻ, tiền bạc không còn thiếu hụt như trước. Hai nàng Thơm và Nhậm dạo nầy “ cưng “ hắn lắm. Tôi ra về vẫn lưu luyến chỗ trọ cũ.

 Mới đó mà đã hơn nửa năm kể từ lúc tôi dọn đi. Nguyên rủ tôi đi uống cà phê, trông Nguyên có vẽ buồn tôi hỏi tại sao? Nguyên bây giờ mới thú thật, hắn thầm yêu cô bạn cùng trường hồi tiểu học, gặp nhau cô vẫn chuyện trò vui vẻ, mới đây Nguyên bày tỏ lòng mình, cô cho biết là cô đã có người yêu rồi. Tôi đùa:

- Sao mày không chọn Thơm, cô ấy hơi quê mùa nhưng yêu mày thật tình

- Thơm về quê lấy chồng rồi.

Rồi hắn kể:  một đêm vào tháng trước, Nhậm về quê, nhà chỉ còn Thơm, tới chin giờ hơn, Thơm qua nhà kêu tao cạo gió giùm, tưởng thiệt, tao vừa rờ trán xem, bất thình lình Thơm ôm tao cứng ngắt, cô hổn hểnh bảo tao hãy yêu cô đi. Thơm để ngực trần không soutien, áo chỉ gài nút tạm bợ, nàng hôn tới tấp, tao xiêu lòng, hưởng ứng lời mời gọi của nàng, ham muốn nhiều nhưng làm ăn chẳng tới đâu, nàng chẳng những không giận hờn trái lại còn âu yếm hơn nữa. Tao ngủ luôn bên đó và đã sống như vợ chồng với nàng. Sáng ra nàng mở rương lấy hai bộ đồ ngủ nàng may cho tao và hỏi tao nếu yêu nàng thì tao hứa đi nàng sẽ trốn ở luôn trên này, cố đi làm và nuôi tao đi học, nếu không tuần sau tới đám hỏi Thơm không sao trốn tránh được. Bên chồng tương lai dường như có quyền thế khiến gia đình nàng bắt buộc phải ưng chịu. Do vậy nàng quyết đem những gì quý báu nhứt trao cho tao

- Câu chuyện có vẻ lâm ly, hôm cô bịnh mày cạo gió tao thấy Thơm âu yếm nhìn mày, chẳng những mày cạo gió mà còn “ bắt gió “ nữa. Còn bà Nhậm mày cạo gió chưa.

-Tao vừa cự lộn với Nhậm .

- Lại chuyện cạo gió chứ gì ?

- Gần như vậy. Sau khi Thơm về quê, Nhậm ở nhà một mình, có đêm nàng giả bộ sợ ma, nửa đêm qua kêu cửa, tao đã biết tẩy của Nhậm nên không bỏ lỡ cơ hội, tao kéo nàng lên giường và … Bắt đầu từ đêm đó, khi nào cần nàng sang tìm tao, nào dè tuần vừa rồi nàng dắt về một chàng trai coi bộ dân nhà giàu, nàng sang nhờ tao đi mua giùm nước uống. Tưởng là bà con với Nhậm tao đi mua đến khi về tao còn đứng ngòai cửa nghe Nhậm nói với gã nọ

- Anh đừng hiểu lầm, nó là bạn với thằng em tôi. Em lại yêu thằng con nít ấy sao?

Tao đem nước mua về và lịch sự nói với bọn họ

- Mời anh chị dùng nước.

Tao làm như không nghe thấy gì hết, nhưng cương quyết không chung chạ với cô ấy nữa. Bây giờ nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn.

Tôi khuyên Nguyên

- Ngày thi gần kề, bỏ tất cả lo học thi

- Tao cũng biết vậy nhưng số tao theo thầy bói phán, tao khổ nhiều với đàn bà, nhưng tao trở nên giàu có cũng nhờ đàn bà.

Tôi không đồng ý:

- Tại ai mầy cũng yêu, phải chọn người đàng hòang rồi yêu mới tốt

Nguyên biện hộ:

- Đời tao chỉ yêu H. nàng từ chối, nên sau đó ai yêu, tao yêu lại, tuyệt đối tao không chọc ghẹo tán tỉnh ai cả.

Quả nhiên Nguyên rớt kỳ thi Trung Học năm đó, kỳ nhì cũng hỏng luôn. Nguyên tình nguyện đi Thủ Đức, sau chin tháng tôi luyện ở Quân Trường, Nguyên ra trường với cấp bực thiếu úy Địa Phương Quân. Mấy năm đầu Nguyên đi đóng đồn, trong các xã thuộc quận T.B, Sáu năm sau Nguyên mang cấp bậc Đại úy và là Chi khu phó đặc trách Quân Sự. Giữa Nguyên và Thiếu tả Quận trưởng xích mích sao đó nên ông muốn tống khứ Nguyên ra khỏi quận. Không tìm được lỗi lầm nào ở Nguyên nên ông quận không vui. Cơ hội đến: có khóa học về Tham Mưu của Hoa Kỳ dành cho các Sĩ quan Việt Nam, ông quận đề nghị Nguyên, hy vọng bứng Nguyên ra khỏi quận. Vòng tuyển nầy khá gay go, sau cùng Nguyên là một trong số các sĩ quan được chọn cho đi du học. Chín tháng học ở Mỹ về, Nguyên vẫn cà nhõng ở tỉnh, nay giữ tạm chức nầy, mai tạm chức khác, sau cùng là thanh tra. Chín năm kể từ ngày ra trường Nguyên vẫn là Đại úy, muốn lên Thiếu tá phải có bằng Tú Tài, Nguyên không có được nên cứ cà lơ phất phơ.

 Một tình cờ Nguyên gặp Lan khi Nguyên về quê thăm gia đình người cô nhân ngày giỗ của mẹ. Cô giáo Lan bạn với Linh em họ chàng.  Trong đám giỗ Nguyên Lan được sắp ngồi gần nhau. Tâm tình tương đắc, hai người ở vào lứa tuổi sắp ế tơi nơi nên họ có khuynh hướng kết hợp. Tuy gần ba mươi nhưng trong Nguyên vẫn phong độ. Bốn tháng sau họ làm đám cưới. Hai vợ chồng Nguyên mua nhà trả góp hàng tháng của chánh phủ  dành cho Quân Nhân Công chức. Lúc Lan mang thai, Nguyên lại được đi Mỹ tu nghiệp nữa. Đúng là số đỏ, có người chạy chọt để đi mà không được,  riêng Nguyên vì ông quận ghét mà Nguyên được đi Mỹ tới hai lần tính ra cả năm rưởi. Lần này Nguyên trở về nhờ vào tiền đổi chác theo hối suất chợ đen và các món đồ chàng mang về  đem bán gom lại cũng khá nhiều, bảo đảm cuộc sống cho gia đình họ được vài năm.  Tình hình chiến sự ngày càng nguy ngập, Việt Cộng tấn công vào những chỗ xưa nay vẫn cho là an ninh. Ra khỏi tỉnh độ năm bảy cây số phải đề phòng kẻo Việt Cộng bắt cho đi mò tôm như hồi năm 1945. Nguyên bây giờ là Tiểu đòan trưởng Địa Phương quân, đi hành quân liên miên. Có lúc Nguyên muốn xin qua Sư đòan hy vọng có thể lên lon được, nhưng nhìn lại vợ con Nguyên bỏ ý định. Từ Tiểu đòan, Nguyên lên chức Liên Đòan Trưởng Địa phương quân, Nguyên đánh giặc không thua đơn vị nào, huy chương mang đỏ ngực vậy mà vẫn cứ mang cấp đại úy.

Đi tu nghiệp lần hai, Nguyên tìm một chút hy vọng có thể thăng cấp bậc được. Một trong số giảng viên người Mỹ thấy trình độ Anh Văn của  Nguyên lưu lóat, trong khóa học luôn có sang kiến. Ông  tìm hiểu và biết Nguyên mang cấp đại úy quá lâu mặc dù ở đơn vị tác chiến, hỏi lý do, Nguyên cho biết là Bộ Quốc Phòng Việt Nam đòi hỏi phải có Tú Tài I mới có thể thăng cấp tá được, Nguyên quên hết chữ nghĩa khó lòng thi đậu được. Vị giảng viên ấy nói có một cách may  có thể giúp Nguyên được. Một hôm ông xin nhà trường cho Nguyên nghỉ một buổi và chở Nguyên đên Ty giáo dục ở vùng đó xin cho Nguyên thi chứng chỉ tương đương Văn Bằng Tú Tài II của Việt Nam. Nguyện dự thi khỏang hai giờ, chỉ hai giám khảo vừa gác thi lẫn chấm bài, kết quả Nguyên đậu. Tại đó họ cấp cho Nguyên chứng chỉ đậu kỳ thi như đã nói. Vị giảng viên chở Nguyên đến Học Khu nhờ thị thực chữ ký của vị giám khảo đã ký tên trên chứng chỉ đã cấp. Trao cho Nguyên chứng chỉ ông còn dặn thêm là có thể lúc đầu họ không cứu xét nhưng hy vọng năm sau. Cầm chứng chỉ trong tay Nguyên cũng không hy vọng mấy. Một năm trôi qua, một hôm ban quân số cho biết Nguyên có tên trong đợt thăng thưởng kỳ nầy. Nguyên thăng cấp thiếu tá trong lúc tình hình Việt Nam rất bi đát, tât cả quân nhân vẫn giữ vững tay súng,  nhưng đạn dược, các tiếp liệu khác, cạn dần mà không thay thế được. Ngày 30-4-75, mang tủi nhục cho tòan thể Quân Cán Chính Viêt Nam Cộng Hòa, ngày tang thương của dân miền Nam vì chúng ta bị phản bội, bị bán đứng.

 Từ giả chiến hữu Nguyên về nhà với gia đình, hai ngày sau tóan võ trang đến nhà bắt Nguyên . Con gái thứ ba của Nguyên vừa tròn tháng tuổi. Vợ Nguyên bị cho nghỉ việc, họ lấy luôn nhà. Vợ con Nguyên nương náu tạm nhà người cô của Nguyên. Nguyên bị đưa ra Bắc, năm đầu Nguyên nhận được hai ký lô quà tiếp tế do Lan gởi, từ đó về sau không ai thăm nuôi nữa, Nguyên trở thành con bà phước. Nguyên tự an ủi là vợ chàng phải lo cho con cái, lại bị nghỉ việc nên không thể trách được. Nguyên xuất thân từ nghèo khó nên chàng chịu đựng được cảnh này, có điều chàng không an tâm khi cả thư từ cũng không là tại sao? Năm năm liền không ai thăm, bất thần vào ngày chúa nhựt Nguyên đươc gọi tên nhận quà. Mừng khôn tả chàng mau lẹ chạy ra khu thăm nuôi, không phải Lan mà Linh con của cô chàng. Linh kể, Lan dã vượt biên thành công với cả gia đình bên vợ chàng. Mừng cho các con đến bờ bến Tự Do, nhưng duyên tình của chàng và Lan dường như khó lòng tồn tại. Tâm trạng mất mát khiến chàng không hỏi được gì hơn nữa, Linh thông cảm tâm trạng anh mình, nàng ân cần khuyên anh cố giữ gìn sức khỏe để sống và về với gia đình. Nàng cũng cho biết chắc nàng không thể đi thăm được nữa, mỗi lần xin nghỉ họ bắt nhăt bắt khoan đủ đều. Nguyên an ủi em:

- Em khỏi lo cho anh nữa anh sẽ cố gắng tự lo cho mình.

Buổi thăm nuôi chấm dứt, Nguyên mang đồ thăm nuôi vào trại. Nhìn anh thất thểu xa dần, tự nhiên Linh bật khóc thành tiếng. Thương anh đã cực khổ, nhọc nhằn từ bé, nay tù đày, vợ con bỏ bê…

Nguyên được thả đúng vào dịp Noel năm 1983, tính ra chàng ở tù gần 8 năm, Nguyên luôn tự hỏi tại sao Lan tệ bạc như vậy, trong thời gian chung sống, Lan tỏ ra nết na hiền thục. Tại sao? Túng quẫn khiến nàng thay lòng đổi dạ. Vô lý,  đến ngày mất nước nhà chàng còn một số tiền tàm tạm, Lan đã cho mẹ nàng mượn một số tiền khi chàng đi học làn thứ nhì trở về, ngồi trên xe lửa với các bạn tù được phóng thích một đợt với chàng ai cũng mừng vui, cười nói râm rang. Riêng chàng vẫn đâm chiêu suy nghĩ. Tới trạm Bình Triệu Nguyên lên xe ôm về nhà má vợ chàng. Nhà đổi chủ, dường như nhà của cán bộ, hồi còn trong trại các bạn tù thường tiếu lâm dặn chung anh em : nếu được thả ra tới nhà khoan vô, phải đứng ngòai quan sát xem có nón cối, dép râu không, nếu có thì lập tức tránh xa nếu không muốn ở tù tiếp. Nhìn thấy có dáng cán bộ trong nhà mẹ vợ, tư nhiên Nguyên phì cười nhớ lại câu chuyện với các bạn cách nay mấy năm và được lập đi lập lại nhiều lần khi các bạn hết đề tài.

Đang ngơ ngác thì Tân, người em chú bác với vợ chàng ra nhìn và kéo Nguyên vào nhà. Hai anh em mừng rỡ khi gặp lại, Nguyên chưa hỏi, Tân bắt đầu kể:  chị Lan và anh Tôn đã yêu nhau khi còn là học sinh, chưa cưới hỏi mà họ đã có con. Bất đắc dĩ bác Hai tôi tạm chấp nhận cuộc hôn nhơn. Năm 1958 Quốc Gia bố ráp bắt bọn V. C nằm vùng. Tôn là một trong số đó. Anh bỏ thành phố vô bưng, chị Lan tới ngày sanh nở, bác Hai tôi nhứt định đem đứa nhỏ cho người ta chứ không nuôi,. má anh Tôn lãnh  đem về. Lúc đó con bé mới ba tháng.  Phần chị Lan gia đình bắt buộc rời con, chị đi thăm con bé vài lần thì bên nội nó dọn nhà đi mất. Chị Lan rất đau khổ nhưng thời gian cũng phôi pha, chị học và thi Sư phạm kế gặp anh. Tới năm 1977 anh Tôn xuất hiện tại nhà Bác Hai,  lúc nầy anh là Trưởng Ty thuế vụ tỉnh Biên Hòa, họ nói và bàn gì không ai biết; nhà Bác Hai đóng cửa đi vắng, tôi tưởng bác về quê miệt Bình Thủy. Độ gần hai tuần công an bao nhà bác, mời tổ trưởng đến chứng kiến cho họ mở khóa vào nhà. Bốn  tháng sau chị Lan gởi cho tôi một lá thư từ Ga lăng, chị cho biết gia đình anh Tôn, gia đình chị và con cái đều đến đảo bình yên. Nghe rõ tự sự, Nguyên cáo từ. Tân lấy xe đưa Nguyên đến bến xe miền Tây để về nhà Linh. Ngồi trên xe đò Nguyên lẩm nhẩm, đầu tiên mình lầm nên lấy nhầm vợ cán bộ Cộng sản, nay họ về bắt lại vợ thì huề, nhưng còn ba đứa con mình sẽ ra sao? !

Nguyên về tới nhà mọi người mừng rỡ, vợ chồng linh vẫn còn đi dạy học, hai em trai Linh đã vượt biên và định cư ở Mỹ hai năm rồi. Một chú em đã tìm đến nhà Lan và cho biết Lan tái hôn với chồng cũ, Lan cũng nhờ nhắn giùm Nguyên là Lan sẽ nuôi dạy ba đứa con học hành tử tế. Ở nhà chơi với vợ chồng Linh vài ngày Nguyên bàn với họ là anh phải đi xa, vùng nầy anh tới lui hành quân nhiều lần chắc có hiềm khích không nhiều thì ít. Anh dự định đem di vật của người bạn tù ở vùng Tắc Cậu thuộc tỉnh Rạch Giá giao cho vợ con họ, nếu thuận lợi anh định cư luôn. Nguyên đem giao cho chị Hảo, vợ thiếu tá Đạm cái bóp có 50 đồng, tấm ảnh chụp trước ngày mất nước. Anh Đạm đau nặng không thuốc thang, biết sẽ chết nên nhờ Nguyên nếu ra tù mà anh không còn nữa thì đem về cho vợ con anh và nhắn với chị Hảo bằng mọi giá phải cho mấy con vượt biên. Nguyên tìm tới nơi thì chị Hảo và các con đã ra đi và hiện định cư ở Mỹ. Chị tới trại hai năm trước khi hay tin chồng mất và khi về nhà chị đem hai con ra đi. Nguyên thở phào nhẹ nhõm, đã làm xong lời trối trăn của bạn. Nguyên nêu ý định muốn ở lại xứ nầy thì song thân chị Hảo rất hoan nghinh, ông bà cho biết ở đây dân chúng ra đi gần hết, đa số là người gốc Tàu, vùng này lúc trước cán bộ họ trốn ở mấy đảo hoang nay họ ra làm lớn hết, nên chánh quyền tương đối dễ chịu. Bác gái bảo Nguyên ở nhà nghỉ ngơi, mai bác đi đến hỏi ông Trưởng ấp giùm. Nguyên không ngờ ở đây việc cư trú lại dễ dàng quá. Bác trai dẫn chàng đến gặp ông trưởng ấp. Ông chấp thuận và hỏi Nguyên  có gia đình con cái gì không? Bác trai ra phía trước hút thuốc. Ông Trưởng ấp đề nghị thẳng thừng

- Nếu anh muốn có nhà cửa sẵn thì anh cho tôi một chỉ vàng, nếu không có thì tôi chỉ chỗ rồi anh tự túc xây cất. Anh suy nghỉ đi rồi cho tôi biết.

Nguyên ngần ngừ một chốc và lên tiếng

-Thưa nếu một chỉ, tôi lo được. Lúc ra đi tôi cũng dự định nếu che chòi cũng tốn kém, nên đã chuẩn bị.  Chỗ nầy rất vừa ý, tôi biết ơn và sẽ không quên lòng tốt của ông trưởng ấp.

Nguyên trình giấy tờ và đưa cho ông ta một chỉ vàng một cách kín đáo. Ông ta cùng Nguyên và ba chị Hảo đi chừng năm trăm thước đến một ngôi nhà một căn lợp lá có cửa đàng hòang. Ông ta hỏi

- Anh đồng ý nhà nầy không? Chỗ này gồm hai công vườn một công ruộng. Một mình anh chắc đủ sống.

Chàng cám ơn và nhận nhà, ông hẹn hôm sau đến làm sổ hộ khẩu.

Nguyên cùng bác trai về nhà. Bác cho biết ở đây nhà bỏ trống vì chủ vượt biên rất nhiều. Kỳ rồi trong buổi họp ông trưởng ấp than:

-Tôi có làm khó ai đâu sao bà con cứ ra đi mãi. Nước nhà độc lập rồi không lo làm ăn đi làm gì ! !

Câu chuyện về ông thầy “ cạo gió, bắt gió” tôi thêm một tên nữa, ông thầy “ bắt cua biển “ Nguyên tới đây coi như khá đầy đủ, còn tại sao tôi cho hắn có thái độ mập mờ?  Vì những lý do sau: Nghe tin Nguyên ra trại tôi gởi về hai trăm đô, qua Linh nhờ chuyển cho hắn. Hai tháng sau tôi nhận thơ Nguyên từ địa chỉ ở Rạch Giá, Nguyên cám ơn tôi và cho biết hắn đã sống vững rồi. Vài người bạn thân cho biết nhờ Nguyên họ đã có tiền đi Hà nội nộp đơn ra đi theo diện H.O. Cũng một số bạn của Nguyên và tôi lại nói Nguyên lúc nầy giàu rồi, hắn ở với vợ một cán bộ chồng đền nợ nước hồi chiến tranh. Bà nầy có vườn tược nhà cửa xênh xang, vì vậy lúc nầy Nguyên nói chuyện rặt khuôn mấy anh răng hô, mã tấu và cương quyết không nộp đơn đi Mỹ.  Nghe thế tôi rất giận, bạn bè chí cốt sao lại mau chống xoay chiều, tôi bất mãn nên gọi Nguyên là hắn để tách ra khỏi nhóm bạn bè thân thiết. Thiệt hư chưa biết ra sao, có lẽ tôi phải hỏi Linh để rõ hơn về hắn.

 

Viết xong August 8-2014

Nguyễn Thành Sơn

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.