TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

       Cô em gái nhân một dịp mới đây đi du lịch một vòng vài tiểu bang nước Úc, ghé thăm được viện bảo tàng quân đội và nơi trưng bày những máy bay quân sự tại tiểu bang Queenland. Nỗi xúc động dâng tràn khi nhìn thấy bản đồ quân sự ghi lại hình ảnh nước Việt Nam với những ký hiệu quân sự, những huy chương để tưởng thưởng chiến công, để tri ân người đã vị quốc vong thân; rồi nhớ đến người cha khả kính đã qua đời; nhớ đến lá quốc kỳ -  được hội cựu quân nhân trao lại sau khi làm lễ quấn cờ vào ngày đưa Ba về với cát bụi - nằm bên cạnh những tấm huy chương của Ba trên bàn thờ; nhớ lại ngày xưa còn bé sống ở cao nguyên…. Do đó em đã gởi  hình ảnh chụp được trong chuyến đi, chia sẻ trên facebook với những lời nhắc nhở những kỷ niệm thời chiến và ngày di tản vào Sài Gòn năm 1972 được chở trên chiếc máy bay tải thương, cũng tương tự như máy bay em chụp được nơi triển lãm này, nhưng lớn hơn nhiều. Mấy cô em khác còn nhỏ, khoảng năm, bảy tuổi vào thời đó hầu như chẳng nhớ gì, ngạc nhiên hỏi tới tấp nên bài viết này được viết ra theo chủ quan của những gì còn đọng lại trong tâm trí, không dám lạm bàn về chiến tranh, chỉ với niềm mong mỏi các em mình có thể hình dung ít nhiều cuộc sống của người dân thời chiến, nhất là với lứa tuổi còn vô tư chỉ biết cắp sách đến trường.

       Có thể nói trong  thập niên 60 - 70,  chỉ có người dân Sài gòn là còn có một cuộc sống an bình, ít người  nghe hay biết đến tiếng súng đạn, và có lẽ chỉ có những người quan tâm đến thời cuộc mới biết được qua báo chí, truyền hình; bởi thế những người lính trận khi được nghỉ phép về chơi ở Sài Gòn đã nóng mặt, bất bình, tạo ra những xô xát khi gặp những cảnh ăn chơi  của người dân thành thị, nhất là nếu như họ vừa phải tiễn đưa những anh em đồng đội  mới chết trận thì không lạ gì khi có những hành động bày tỏ như thế, mà báo chí thời đó thường đăng tải. Chắc những người ở lứa tuổi năm mươi trở lên, hẳn còn nhớ đến bức tượng “Thương Tiếc” do nhà điêu khắc Nguyễn Thiên Thu khắc và đặt tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Ngoài tính cách nghệ thuật, đó là bức tượng mang tính lịch sử, là nỗi niềm của người lính trận và cũng là để nói lên lòng tri ân những chiến sĩ đã nằm xuống cho hòa bình của đất nước. Tiếc là bức tượng đã bị phá sập sau khi cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc chấm dứt, bây giờ chỉ còn lại trong ký ức của người dân miền Nam mà thôi.

       Quay ngược thời gian vào những năm đó, gia đình chúng tôi theo Ba vì lý do công vụ phải chuyển về vùng cao nguyên đất đỏ Pleiku (một nơi chỉ cách xa Saigon có một giờ bay, có thể gọi là một thành phố lính, bởi Quân đoàn 2 trú đóng tại đây, tướng Tư lệnh vùng cũng có biệt điện ngay thành phố, xe lính chạy trên đường, người mặc quân phục của nhiều loại binh chủng đi trên phố, hẳn là chẳng xa lạ gì với người dân Pleiku)  là nơi chúng tôi có những kỷ niệm vui buồn đời học sinh trong thời chiến.

       Tết Mậu Thân 1968, khu nhà tôi ở đường Hoàng Diệu, là ngay trung tâm cuộc chiến, thay vì được hưởng niềm vui ngày Tết thì tiếng súng nổ ngay đêm giao thừa, đánh thức người dân trong thành phố tỉnh dậy, ngơ ngác, lo âu…. Tiếng nổ càng lúc càng lớn…  chiến tranh đã vào đến thành phố!  Ba tôi đã kêu mọi người trong nhà núp dưới gầm giường ở tận phía sau nhà để tạm thời tránh đạn. Nhà ở Việt Nam thường sát vách nhau, có chiều dài hơn là chiều rộng, nên tiếng chân chạy, tiếng la hốt hoảng ở nhà bên cạnh nghe rất rõ. Rồi tiếng đạn nổ bay léo chéo, tiếng gạch rơi, tiếng kiếng bể loảng xoảng… quả là điều lạ lẫm cho lũ con nít thời ấy, nhưng có lẽ chưa biết sợ là gì vì nào biết đến từ “chiến tranh”, đến cảnh máu đổ, đạn rơi, đổ nát, tang thương… và cũng chẳng hiểu tại sao lại có cảnh sinh ly, tử biệt vì nội chiến. Cũng may là sau đó cả nhà đều yên lành, chỉ có căn nhà là đầy lỗ chỗ vết đạn, trong khi nhà bên cạnh, cô bạn cùng tuổi tôi đã bị thương nơi cánh tay, và những nhà lân cận có kẻ bị thương, người chết… (Tôi còn nhớ trong một cuốn băng video của trung tâm Asia chiếu về một khúc phim tài liệu thời loạn lạc năm đó, trên đường một cậu bé khóc mếu máo  khi nhìn thấy máu chảy đỏ thẫm nơi cánh tay mình: “máu chảy như vầy thì chết làm sao?” Nghe mà thảm lòng!)

       Nét ưu tư lo lắng đã bắt đầu xuất hiện trên gương mặt của người lớn, để rồi sau đó, tự nhiên hầu hết các gia đình ở Pleiku đều đổ xô đi mua bao cát để làm hầm trú đạn. Đó là những túi đựng cát, cỡ bao đựng gạo mười kg được chất lên chung quanh căn hầm trú ẩn. Có hai loại hầm nổi và chìm: hầm nổi được che bao cát chung quanh và nằm trên mặt đất cạnh nhà mình trú ngụ, còn hầm chìm là đào hầm ngay ở trong nhà cũng có bao cát chặn chung quanh. Chẳng mấy chốc, nhà nào cũng đều có hầm ở ngoài hay trong nhà hoặc là có cả hai hầm tùy theo khả năng tài chánh của mình. Thời đó, ai cũng tin rằng hầm chìm trong nhà an toàn hơn, nên giá để thuê người đào hầm dưới nhà đắt hơn nhiều so với hầm nổi, nhưng trộm nghĩ nếu đạn pháo kích rớt trúng nhà thì hầm nào chống nổi?

       Tuy đã bắt đầu biết đến cảnh súng nổ đạn rơi và hậu quả của nó nhưng thời đó lũ trẻ con chúng tôi  vô tư lắm. Mặc kệ những lo nghĩ tính toán của cha mẹ cho việc đối phó với đạn bom, căn hầm là nơi lý tưởng để chơi trốn tìm. Khi ánh đèn đường bắt đầu sáng lên thì lũ nhỏ gọi nhau ơi ới để bắt đầu cho cuộc chơi trốn tìm; những căn hầm nổi là nơi để đám trẻ con núp an toàn mà người kiếm khó lòng tìm ra. Dù biết rằng phải chịu trận trong căn hầm tối đen và ngộp thở vì thiếu dưỡng khí, đôi khi phải giật mình nín… hét vì những chú chuột khôn lỏi cũng bò vào đó kiếm ăn (hầu hết trong hầm chứa những loại thực phẩm khô như gạo, mì gói v.v.. để đề phòng trường hợp không thể ra ngoài để nhóm chợ) nhưng không hề chi, vì trốn mà không ai tìm ra là tuyệt quá rồi!…Tối về nhà chắc chắn sẽ ngủ ngon!

       Đến nửa đêm, khi mọi người đang an giấc thì tiếng súng xa xa bắt đầu vọng về rồi gần hơn… “ầm, ầm” tiếng nổ làm rung chuyển cả nhà, tiếng la hét, tiếng chân rầm rập…  đó là đạn pháo kích đã vào thành phố! Nếu đạn pháo kích không trúng nhà mình thì đây là lúc phải chồm dậy, quơ những gì cần thiết đã sắp sẵn đâu đó từ trước, để chạy nhanh vào hầm trú ẩn, dù còn mắt nhắm mắt mở! Nhớ có lần, đạn pháo kích gần nhà, ba má tôi kêu các con chạy xuống hầm trú ẩn, là chị lớn trong nhà nên công tác của tôi là ẵm em bé út vào hầm trong khi ba má lo những sắp xếp khác và các em nhỏ kia tự lục tục xuống hầm. Sau khi mọi người yên ổn trong hầm, ba bắt đầu điểm danh (nhà có tám người con) ai cũng “dạ có” đến khi má hỏi em út đâu rồi để má ẵm, vẫn còn ngái ngủ, tôi dõng dạc trả lời con đang ẵm em nè. Nhìn lại, té ra là cái gối ôm! Cả đám anh em tôi cười ầm, vậy là tỉnh ngủ luôn! Thế đó, con nít nào có băn khoăn lo lắng chi đến hiểm nguy! Dù suốt đêm mất ngủ, nhưng sáng hôm sau vẫn chỉnh tề quần áo để sẵn sàng đến trường, nếu như tiếng súng đã yên! Chúng tôi cũng được thầy cô nhắc nhở, chỉ dạy tư thế chuẩn bị phải làm gì nếu như chiến tranh “chạy đến” trường trong giờ học. Riết rồi chúng tôi cũng quen đi.

       Tôi còn nhớ ông anh họ đi lính ở chung nhà, sau vụ tết Mậu Thân, chúng tôi lén đọc thơ tình anh gởi cho bạn gái ở Đà Nẵng, anh tả cảnh ôm súng, bò trong thành phố để giúp người dân di tản, nã đạn để bảo vệ đồng đội mà chúng tôi bò lăn ra cười vì phóng đại quá xá, nhưng đọc thư trả lời của nàng gởi lại thì chàng đang là anh hùng trong mắt giai nhân. Thế mới biết người lính trong thời chiến cũng xứng đáng lắm chứ!

       Mùa hè năm 1972, cuộc chiến bắt đầu leo thang, lo sợ cho sự an toàn của gia đình đông con và cũng để rảnh tay lo điều động việc hành quân trong quân ngũ, Ba quyết định cho gia đình di tản về Saigon bằng chuyến bay tải thương của Mỹ. Năm đó ngoài gia đình chúng tôi, còn có rất nhiều gia đình của các quân nhân khác đi trong chuyến này. Tất cả đều ngồi trên sàn máy bay, tiếng khóc la của trẻ em khi ngồi chật chội chen chúc nhau, tiếng thì thầm cầu nguyện, tiếng thì thào bàn tính… làm lũ trẻ chúng tôi ngồi im thin thít. Vân vê cái ruột tượng đeo theo (ba má tôi đã chu đáo may cho mỗi đứa con một túi bằng vải, tương tự như money belt hiện nay, nhưng lớn hơn) nghĩ đến viễn ảnh phải xa thầy cô, bạn bè mà buồn nẫu ruột, dù biết rằng ở Saigon sẽ an ninh hơn, cảnh Saigon sẽ xa hoa, tân tiến hơn, rồi bạn mới, trường mới… nhưng sao không chút  nao nức nào. Lúc xuống máy bay, hội Hồng thập tự đã chờ đón sẵn với những dụng cụ y tế sẵn sàng cho việc cứu cấp, nhìn ánh mắt thương xót và lo lắng của họ, mới thấy tình người dành cho tha nhân thật bao la, đầy ắp!

       Dù được sống thật an bình ở Saigon những tháng ngày sau đó, nhưng lòng vẫn gợn lên nỗi buồn khi chạnh nhớ về vùng cao nguyên, nơi mà tôi đã lớn lên với bao kỷ niệm đẹp trong đời học sinh,  nhớ đến bạn bè mình vẫn còn nơi chốn ấy, không biết họ đang làm gì khi mức độ chiến tranh ngày càng tăng; những  người láng giềng quen thân còn ở lại, ai còn, ai mất... và nhất là người cha thương yêu đã hy sinh tình cảm gia đình, đặt nặng nhiệm vụ trên vai để chu toàn công việc của một người lính thời chiến. Nhớ biết bao lần tiếng chuông điện thoại réo gọi trong đêm, tiếng Ba sang sảng ra lệnh điều động người, rồi nhanh nhẹn khoác bộ quân phục lái xe đi ngay vào tiểu khu, bóng Má quì trước bàn thờ Đức Mẹ tay lần hạt đọc kinh xin bình an cho Ba… vẫn còn lảng vảng trong tâm tưởng tôi đến giờ vẫn chưa quên! Đời sống của những gia đình sống trong vùng chiến tranh là thế, lứa tuổi học trò cũng ưu tư hơn, trưởng thành hơn các bạn cùng lứa ở Saigon, bởi thế không lạ gì những học sinh vùng lửa đạn nếu may mắn được vào Saigon đi học hoặc đi làm thì hầu như ai cũng cố gắng hết sức để có thể tạo một thành công nào đó cho khỏi phụ lòng hy sinh của gia đình dành cho, hoặc may mắn hơn thì có thể đưa được gia đình ra khỏi vùng giao chiến để sống yên ổn, an lành hơn.

       Giờ đây được an lành nơi xứ người, trước hết xin cảm tạ ân sủng Chúa ban và xin chân thành thắp nén hương cho người ông, người cha, người anh... những chiến sĩ VNCH đã nằm xuống để bảo vệ đất nước, để dành lấy hòa bình cho người dân, chính nhờ sự hy sinh của các vị mà chúng tôi vẫn còn đây! Mong rằng những đóng góp hữu dụng - dù là rất nhỏ nhoi - của chúng tôi nơi xứ người là một phần nào tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đến các vị!

 

Hồ Diệu Thảo

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.