TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

(Ở nhà,ở trường, ở ngoài đường, giao tế ứng xử)

Mẹ kể con nghe hai câu chuyện mới xảy ra đây trong nhà trường. Một chuyện xảy ra tại một trường trung học cơ sở của một xã trong tỉnh nhà, một chuyện xảy ra cũng tại một lớp cấp hai tại thành phố lớn nhứt nước.

Chuyện đầu, đại để như sau

Trong giờ học, một nam sinh lấy điện thoại di động ra chơi. Cô giáo đang giảng bài nhìn thấy, lại lấy điện thoại đó. Cậu học sinh “ trường làng”phản đối:

- Cô là con gái chớ phải con trai, em bạt tai cô rồi!!!

Chuyện thứ hai:

Một nam sinh nằm dài trên bàn trong giờ học. Cô giáo nhắc nhở. Em phát biểu:

- Để hôm nào em ăn thôi nôi con em, em mời cô; cô đi hông (không)?

Đó là những câu nói hết sức vô lễ, chỉ có thể thấy ở những trò ngỗ nghịch!

Hơn bao giờ hết, để lập lại kỹ cương trong gia đình, học đường và xã hội, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến nguyên lý “tiên học lễ”. Bởi lẽ mục tiêu quan trọng nhứt của cái học là “học để sống tốt đẹp với người“. Ta giỏi giang thế mấy đi nữa mà vô đạo đức thì cũng chẳng ích lợi gì cho ai và lắm trường hợp còn trở thành tai họa cho xã hội nữa.

Thế nên đạo đức quan trọng vô cùng, nhưng đạo đức luôn bắt đầu từ lễ. Đạo đức và lễ được coi là một. Từ thời thượng cổ, sách  Lễ ký gồm ba bộ Nghi lễ, Chu lễ và Lễ ký đã được biên sọan để giáo dục quốc dân và Lễ bộ là “một trong lục bộ của Nam triều, chủ việc cúng tế” (Đào Duy Anh).

Lễ hết sức phức tạp. Nhưng căn bản của nó là lễ pháp tức “lễ nghi và pháp độ politesse” (Đào Duy Anh ) mà người ta thường đọc trại ra là “ lễ phép”, riết rồi thành quen.

Theo nhà nghiên cứu đạo đức hiện tại, lễ phép có thể suy diễn ra thành nhiều trường hợp cụ thể tùy hoàn cảnh như lễ phép ở nhà, lễ phép ở trường, ở ngoài đường, trong bữa tiệc, v v…

1- Ở nhà: Tuổi trẻ như con cần dậy sớm, dầu đêm trước có thức khuya thế mấy. Con cần xếp quần áo, mùng mền, chiếu gối cho gọn gàng, ngăn nắp trước khi rời chỗ ngủ. Kế, con chuẩn bị cho bữa điểm tâm. Nếu con được cha mẹ lo sẵn cho con, con không nên chê khen ngon dở. Con nên hiểu rằng ăn chủ yếu là để sống. Chê khen là vô phép và chứng tỏ mình là háu ăn xấu xa. Đối với cha mẹ, ông bà già yếu lúc nào cũng tôn kính gọi dạ-, bảo-vâng, tận tình giúp đỡ trong điều kiện cho phép; đi –thưa, về-trình. Việc nầy, con phải tập từ nhỏ; nếu không, lớn lên, con không sao làm được. Có nhiều thanh niên trí thức, do giáo dục gia đình, không quen với việc đi thưa về trình, đến khi lập gia đình, sanh con đẻ cái, muốn làm gương cho con cái, phải ráng lắm mới thưa trình ông bà, cha mẹ được.

2- Ở trường: Xưa có trường, học sinh bước qua khỏi cổng là phải bỏ nón và chào kính bất kể công nhân viên nào trong trường khi đối mặt. Tại lớp, học sinh như con luôn luôn phải có mặt trước thầy cô.  Đứng ngồi ngay thẳng, chăm chỉ nghe giảng, làm bài, không nói chuyện hay đùa giỡn, chọc phá… Tất cả điều đó được coi là lễ phép.

3- Ở ngoài đường: Bước ra đường, con cần ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ nhưng đơn giản. Con cần tránh xa các hình thức chải chuốt, hoa hòe, sặc sỡ. Ăn mặc cũng cũng là một dạng của văn hóa: văn hóa ăn mặc. Ngoài ra,  chỉ nhìn quần áo, cử chỉ của con cũng đoán biết con thuộc hạng người nào. Trên xe buýt hay ở những nơi công cộng, con phải từ tốn, nhường nhịn và sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt là người già cả, tật nguyền. Con không nên giỡn hớt bừa bãi, ăn nói lung tung, khoác lác, khoe khoang vì như vậy là thiếu lễ độ.

Triệt để tôn trọng luật giao thông cũng là một biểu hiện cao độ của lễ phép, hơn thế nữa, của lòng tự trọng, của nét đẹp văn hóa nơi người có giáo dục. Những động thái như nẹt pô, lạng lách, đánh võng… khi tham gia giao thông rõ ràng là hành động phạm pháp cần được xử lý nghiêm minh. Mặt khác, những động thái đó còn hùng hồn chứng minh đối tượng gây ra hoàn toàn thiếu lễ nghĩa đến độ mất dạy.

Thật ra, thái độ, cử chỉ của một người ngoài đường phố phần nào biểu thị trình độ văn minh của một dân tộc. Trên xe buýt, khi một thanh niên tự động đứng dậy, nhường chỗ cho một cụ già bệnh hoạn, anh ta không chỉ làm một động tác lễ phép mà còn thể hiện một cử chỉ văn minh, lịch sự, biết phép ứng xử.

4- Giao tế, ứng xử: Theo mẹ, điều tối kỵ trong giao tế, ứng xử là tỏ ra mình hơn người, dầu có thể đó là sự thật. Trong thâm tâm mỗi người, không ai chịu thua ai. Thật ra, vấn đề hơn thua rất khó phân định. Con có thể hơn một người về mặt nầy, nhưng nhứt định con sẽ thua anh ta về mặt khác. Vã lại, về một điểm nào đó, con hơn người ta hôm nay, nhưng biết đâu mai mốt con lại thua. Điều nầy lại rất thường xảy ra chứ không phải là hiếm. Một nhà hiền triết Đông phương thời xưa khuyên chúng ta phải biết từ chối cái gọi là “nhứt”, là “đầu”như hạng nhứt, ghế đầu vì nó không bền chắc, kể cũng có lý!. Trong ứng xử, tuyệt đối con không nên nói điều bất lợi cho ai dầu đó có thể là sự thật trăm phần. Chân giả, thiện ác, ranh giới chỉ là sợi tóc. Con càng không bao giờ nói xấu người vắng mặt hoặc nói tốt về mình. Phải can đảm lắm mới làm được điều đó con ạ!  Mẹ hy vọng là con sẽ làm được.

Lời nói hết sức quan trọng; khi nói trật rồi, ta không biết làm sao mà xóa sạch. Có đính chánh thì cũng chỉ đỡ một phần thôi.  Cho nên con phải hết sức cẩn thận trong nói năng giao tế. Họa từ miệng mà ra vậy. Phải chăng chúng ta cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói như tổ tiên đã dạy?

Cuộc trao đổi giữa mẹ và con về chữ lễ cũng đã khá dài. Mẹ hẹn lại con kỳ tới vẫn là đề mục nầy trong việc dự tiệc, thăm viếng, tiếp khách, du lịch… những điều mà ai cũng gặp trong đời,,,

Ngày 24-7-2012

Cô Ty

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.