TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
 
Mấy trăng cũng khuyết nửa vành
Mấy Thu lá cũng lìa cành bay xa
Hắt hiu bóng xế nguyệt tà
Chập chờn hư ảnh Hằng Nga nhuốm sầu
 
 
Tha hương Không chỗ gối đầu
Vời trông đất mẹ lòng đau quặn lòng
Từ trong sâu thẳm mênh mông
Âm vang tiếng vọng non sông gọi mời
 
 
Vết trăng trên cỏ chơi vơi
Hàng cây rũ lá đan lời gió ru
Mây giăng nẻo cũ mịt mù
Mấy trăng cũng khuyết, mấy thu cũng tàn...*
 
 
Những câu lục bát nhẹ nhàng, da diết mà cũng mang đầy đủ ý nghĩa, được người điều hợp chương trình đọc lên, như lời khai mạc cho buổi lễ ra mắt sách chiều Chủ Nhật 06 tháng 12 năm 2015, tại nhà Quê Hương thành phố Houston, Texas.
Đó là một buổi chiều đẹp trời, nắng ấm và khô ráo. Dù phía đối diện, bên kia đường có một buổi trình diễn âm nhạc, với các ca sĩ tiếng tăm. Và giờ khai mạc là 2 giờ 45, nhưng vào lúc hai giờ thì quý vị quan khách cùng đồng hương đã ngồi kín hơn một nửa số bàn trong nhà hàng.
Sân khấu được trang hoàng giản dị và thanh lịch với "gam" màu vàng nhạt, khiến không gian như sáng hơn lên bởi những chiếc ô cùng màu của Ban hợp ca Anh Thư thiện nguyện.
Sinh hoạt mang sắc thái văn hóa thế này ở những thành phố lớn như Houston, đôi lúc có tần suất khá cao, khiến nhiều người nghĩ rằng đã bị bão hòa.
Nhưng hôm nay, với sự hiện diện rất đông đảo của quan khách trước giờ khai mạc, khiến mọi người cảm thấy tự tin hơn.
Có thể họ đến vì cảm tình với các tác giả, hoặc vì còn nặng lòng với ngôn ngữ mẹ để trên xứ người.
Nhưng bất cứ vì lý do gì, quý mến tác giả hay yêu thương tiếng Việt đều đáng trân trọng cả.
Nhất là hôm nay có đến ba người cầm bút cùng chung tay tạo nên sự kiện này, với sự bảo trợ của VBNHK và Hội nhà văn Lưu Vong:
-Nhà văn nữ Thu Nga và tác phẩm Mấy Trăng Cũng Khuyết.
-Nhà thơ Túy Hà với thi tập Không Chỗ Gối Đầu.
-Thi sĩ Phạm Tương Như và tập thơ Vết Trăng Trên Cỏ.
Đúng 2 giờ 45 phút. Hơn 200 đồng hương và thân hữu đã ổn định chỗ ngồi
Tiếng cười nói râm ran đang vang như pháo tết, bỗng nhiên im bặt, lúc nhà thơ Yên Sơn bước lên sân khấu, mời quan khách chuẩn bị thực hiện nghi thức chào quốc kỳ. Và rồi tất cả các thủ tục ban đầu đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, mau chóng. Đây là một việc làm rất đáng xiển dương của Ban Tổ Chức. Không sử dụng giờ giây thun.
Thành phần quan khách tham dự được trang trọng giới thiệu bởi hai điều hợp viên: MC. Anh Trinh và Dương thượng Trúc.
Các thân hào nhân sĩ hiện diện khá đông đủ, cùng đại diện các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ sở thương mại và bằng hữu của các tác giả. 
 
 
Trưởng ban Tổ Chức, nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, cựu chủ tịch VBNHK đã rất xúc động khi nói sơ lược về ba tác giả, cùng những đóng góp của họ trong việc quảng bá, gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ trên xứ người.
Những tràng pháo tay rộn rã vang lên khi ông vừa dứt lời, và  Ban hợp ca Anh Thư Thiện Nguyện tiếp nối bằng ca khúc đấu tranh của cố nhạc sĩ Anh Bằng Phải Lên Tiếng. Những tà áo dài vàng nhạt, che những chiếc dù cùng màu của các nữ nghệ sĩ làm sân khấu rực rỡ vẻ trang nghiêm mà cũng rất thân thương quen thuộc.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Triết, tức nhà thơ Lưu Nguyễn Từ Thức được xướng ngôn viên Anh Trinh trịnh trọng mời lên để nói về nhà văn nữ Thu Nga - Đương kim Giám Đốc đài truyền hình SBTN thành phố Dallas - và tác phẩm Mấy Trăng Cũng Khuyết.
Với một giọng nói trầm trầm đầy cảm xúc, nhà thơ Lưu Nguyễn Từ Thức đã đưa ra những nhận xét tinh tế và xác đáng về một tác phẩm mà bất cứ ai còn quan tâm đến nền văn hóa của dân tộc trên xứ người, sẽ không thể thiếu trong tủ sách gia đình.
Tiếng đàn Tây ban cầm réo rắt vang lên từ những ngón tay điêu luyện của guitarist Bình Minh phụ họa cho giọng hát sâu lắng Bạch Hạc trong ca khúc Đêm Thánh Vô Cùng khiến tâm hồn mọi người cảm thấy nhẹ nhàng và an bình hơn.
Giáo Sư Đặng Phùng Quân là diễn giả nói về thi tập Không Chỗ Gối Đầu của thi sĩ Biệt Cách Nhảy Dù Túy Hà - đương kim chủ tịch Văn Bút Nam Hoa Kỳ - Ông Giáo Sư đã say sưa đưa người nghe từ những chi tiết hào hùng của một thời chia lửa, đến những nỗi đau quặn lòng khi buông gươm gẫy súng, được tác giả ghi lại bằng những vần thơ rất Túy.
 
 
Đôi song ca Kim Phượng - Nguyễn Quỳnh tiếp nối trong nhạc phẩm Mùa Thu Paris, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Túy Hà, được đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng ấm của quý đồng hương.
Bằng một giọng hát nhẹ nhàng du duơng, nữ ca sĩ Kim Phượng trình bày thêm liên khúc: Anh Còn Nợ Em và Hai Mùa Mưa, tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Bằng, vừa rời khỏi khung trời nghệ thuật, đã để lại trong lòng người nghe nỗi bâng khuâng dạt dào.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một người trí thức đầy tâm huyết trong các sinh hoạt văn hóa và môi trường, được mời lên để nói về thi tập Vết Trăng Trên Cỏ của nhà thơ Phạm Tương Như - Đương kim Tổng Thơ Ký Văn Bút Nam Hoa Kỳ - Diễn giả gây cho mọi người nỗi xúc động khá sâu khi nói đến những đóng góp của nhà thơ Không Quân này với công cuộc bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng.
Ca nhạc sĩ Vũ Khoa trình bày một ca khúc do chính anh phổ nhạc từ bài thơ Sợi Buồn Gửi Mây của Phạm Tương Như, đã được đồng hương đón nhận khá hào hứng với tiết tấu nhanh và mạnh của bản nhạc. Do chính anh tự đệm đàn.
Giọng ngâm điêu luyện đầy cảm xúc của Vĩnh Tuấn tiếp nối với bài thơ Còn Mãi Ngàn Năm Những Cánh Bay của Phạm Tương Như, đã gợi lại hình ảnh oai hùng một thời tung mây lướt gió của những chàng phi công hào hoa trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thi phẩm này cũng được Dương thượng Trúc phổ nhạc và trình bày tiếp theo đó, với sự sự phụ họa của hai nữ ca sĩ Xuân Diệp và Thư Hiền.
 
 
Mỗi diễn giả, sau khi chấm dứt phần trình bày của mình, đều được các tác giả trịnh trọng trao gửi đến những món quà tinh thần. Và ngược lại, các văn thi nhân của chúng ta cũng nhận được những tấm plaque ghi nhận sự đóng góp của họ đối với nền văn hóa dân tộc trên bước đường lưu vong.
Nhà thơ Vô Tình, dù tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng hiện diện và trao tặng ba tác giả những khung thơ tranh mang đầy ý nghĩa.
Tiếp theo là chương trình văn nghệ được cống hiến bởi các giọng hát quen thuộc trong cộng đồng.
Ca sĩ Xuân Diệp với ca khúc Mai Tôi Về là một sáng tác của chính phu quân chị
Thi hữu Đào Khải đưa mọi người trở về với Còn Chút gì Để Nhớ thơ Vũ hữu Định - Nhạc Phạm Duy.
Nữ Ca sĩ Thư Hiền bằng một gịọng hát thật nồng nàn, ray rứt như ru người vào trong cõi mộng bằng nhạc phẩm Anh Còn Nợ Em của nhạc sĩ Anh bằng - Phổ thơ Phan Thành Tài.
Sau đó là sự đóng góp của một số thân hữu để buổi ra mắt sách thêm phần phong phú và kéo dài cho đến hơn 7 giờ tối.
Quan khách đã lưu luyến chia tay sau lời cám ơn trịnh trọng của ban tổ chức gởi đến các mạnh thường quân, các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ sở thương mại đã bảo trợ và nhất là quý đồng hương đã nhiệt tình tham dự
Mọi người ra về với những tập sách nhỏ trên tay, nhưng chất chứa một niềm vui lớn trong lòng.
Bởi vẫn còn có những người quan tâm đến nền văn hóa dân tộc dù trong khó khăn, gian nan của thời đại internet.
Chắc chắn đêm nay trong cơn mộng, quý đồng hương sẽ thấy lại đầy ắp hình ảnh quê nhà qua những vần thơ, áng văn mà các tác giả đả đã gửi gấm trong những đứa con tinh thần ấy.
Như đã nói ở phần trên, dù quý đồng hương cùng các thân hào nhân sĩ hiện diện đông đảo trong buổi ra mắt sách hôm ấy là vì cảm tình với các tác giả, hay vì yêu thương tiếng Việt đều đáng trân trọng. Bởi như một nhà thơ đã viết:
...Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...
Và có lẽ ai cũng biết, để có một đứa con tinh thần ra mắt bạn đọc, người viết đã phải trải qua rất nhiều gian khổ: Vắt tim nặn óc để hoàn thành tác phẩm, chau chuốt từng câu từng chữ cho đến khi ưng ý nhất. Thậm chí phải tham khảo ý kiến bạn bè...
Sau đó xoay sở tiền bạc đem đi in, dùng từ ngữ xoay sở để nói lên cái khó khăn của thị trường sách báo thời đại internet. Vì
Chữ nghĩa như áng phù vân
Mười lần in sách, chín lần trắng tay...*
Đầu thế kỷ 20 trong buổi giao thời giữa Nho học và Tây học,
Nhà thơ Tú Xương,  một người mà:
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy
Đã rên rỉ:
Còn có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm bánh sáng sữa bò
Trong bài bát cú tựa đề: Cái học nhà Nho, ông viết:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi...
Đó là buổi giao thời cách nay hàng trăm năm. Còn bây giờ, mạng lưới thông tin toàn cầu đã thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta rất sâu đậm. Ảnh hưởng đến mọi thứ, và môi trường sách báo cũng không ngoại lệ.
Bởi vậy, trong lúc trà dư tửu hậu, có người đã cải biên thơ của Tú Xương như sau:
Sách báo ngày nay đã hỏng rồi
Mười người đọc sách chín người thôi
Họ chỉ thích vào Internet
Một cái nhấp tay, đọc đã đời...*
Chỉ cần một cái nhấp chuột,  thì thượng vàng hạ cám đều có cả.
Sách vở, âm nhạc, chữa bệnh, hốt thuốc, ẩm thực.v.v...không thiếu thứ gì.
Nên càng ngày số người đọc sách càng giảm thiểu theo cấp số nhân.
 
 
Ca dao dân gian chúng ta có câu:
Đi buôn đi bán không lỗ thì lời
Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng...
Trên thị trường chữ nghĩa sách báo, người đi buôn chẳng thấy mặt trời mặt trăng, mà chỉ thấy lời ít lỗ nhiều.
Thế tại sao các văn nhân, thi sĩ vẫn tiếp tục ra mắt sách, ở các thành phố lớn với một tần suất rất cao.
Phải chăng họ là những người không bình thường, như một nhà thơ đã tự vịnh:
Thi nhân là kẻ đùa cùng gió
Đi trên mây, uống rượu với trăng...*
Hoặc như nhà thơ Songthy đã viết:
Rượu với thơ tuy hai mà một
Thơ với rượu tuy một mà hai
Rượu vào thơ nhả lai rai
Chấm thơ chuốc rượu...uống hoài hổng say...**
Không, không phải vậy, hoàn toàn không phải vậy.
Họ, những người làm thơ viết văn soạn nhạc là những người rất bình thường, trên tất cả, họ còn quá nặng lòng với nền văn học dân tộc.
Và quý đồng hương là nguồn sức mạnh cổ vũ, khích lệ để họ tiếp tục bước đường đầy chông gai và cũng vô cùng cao quý ấy.
Hỡi các văn nhân thi sĩ!
Hỡi những người còn lưu tâm đến việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ nơi đất khách!
Trên bước đường lưu vong viễn xứ, chúng ta đừng bao giờ để bị dằn vặt bởi câu hỏi:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?***
 
 
Huy Tâm
8/12/2015
* Thơ Dương thượng Trúc (Internet)
** Thơ Songthy (Face book)
** *Thơ Cao Tần (Internet)

Comments  

#1 Trăng Khuyết......Vết Cỏ MơSơn Nguyễn 2015-12-11 20:28
Đọc đoản văn của Huy Tâm tôi ghi lại ít dòng nói lên lòng thán phục đối với các nhà văn,. nhà thơ cũng như ban tổ chức buổi ra mắt sách
Huy Tâm cho biết quan khách rất đúng giờ nên không sử dụng giờ dây thun. Đây là một ưu điểm có lẽ quan khách đến vì mến yêu tác giả hay là năng lòng với tiếng Mẹ. Trong số quan khách tôi nghe tên nhiều nhưng không may mắn gặp. Nhà văn Thu Nga luôn xuất hiện trên SBTN mỗi ngày, Nguyễn Mạnh An Dân có nhiều tác phẫm tôi ưa thích...Nữ Sĩ Song Thy có những Bài Thơ hay xuất hiện trên Trang Web Tống Phước Hiêp. Hôm nay đọc mấy câu thơ: Rượu với thơ tuy hai mà một
Thơ với rượu tuy một mà hai
Rượu vào thơ nhả lai rai
Chấm thơ chuốc rượu uống hoài không say.
Nữ sĩ nầy hà tiện quá, đến nhà đem thơ ra cho khách "Chấm thơ" để uống rượu ngòai ra không có gì cả. Thi sĩ Phạm Tương Như tôi biết từ hồi anh học Trung học, vắng nhau không bao lâu anh đã là phi công thỏa chí tang bồng, tung mây lướt gió.Qua Mỹ anh đã là nhà thơ nỗi tiếng với nhưng dòng thơ mượt mà. Mươn những câu thơ trong Lục Vân Tiên diễn tả thơ của Tương Như: "Đã mau mà lại thêm hay"Nhiều người khen anh Có tài dệt thơ bất cứ ở đâu: quán cà phê,đi ..dạo. Tập thơ Vết TRăng Trên Cỏ gồm nhiều bài thơ chọn lọc in trên giấy đẹp.
Cám ơn Huy Tâm cho đọc đỏan văn "Trăng Khuyết Gối Đầu Vết Cỏ Mơ". Nguyễn Thành Sơn
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.