TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

       Đuổi chim, đuổi chuột không có nghĩa làm cho chúng hoảng sợ chạy xa như kiểu  thằng Bù Nhìn của vua Lê Thánh Tôn, đuổi ở bài nầy phải  hiểu  là tìm bắt, rượt bắt.”
      Với cá ta có nhiều cách bắt như giăng câu,giăng lưới, đặt lờ  v v Vào mùa nước nổi bắt cá làm sao, mùa khô hạn tìm  bắt cá thế nào, người dân đồng ruộng, từ đời nầy sang đời khác đều thuộc nằm lòng phương cách mưu sinh trong việc bắt cá.

alt

      Chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn.
      Làm sao để bắt được chim trời? Lúc năm sáu tuổi mỗi khi thấy đàn chim bay qua,tôi thầm ước ao có cách nào bắt một hai con trong đàn chim về nuôi. Lớn lên tôi mới hiểu có những loại chim rất khó khăn trong việc nuôi dạy như Trích, le le, cúm núm, võ vẽ là những loại chuyên phá hoại mùa màng của nông dân,cần phải tìm bắt để làm thịt.
    Muốn bắt được các loại chim vừa kể,các chú nhóc tì không tự mình làm được, cần sự giúp đỡ của người lớn.Việc quan trọng nhứt làphải có cái Bóng. Bóng giống như cái lọp nhưng dài hơn, đan rất công phu: phải lựa tre già chẻ theo chiều dọc, lấy lớp cật ( lớp gần vỏ của cây tre)vuốt láng , đan thế nào cho chim không chun ra được, Khéo hay vụng chính là cái bóng. Nếu nhìn cái bóng quá ô dề, chim tới gần biết đó là bẩy sẽ chạy ngược lại hay bay lên.Bóng nào cũng làm hai cái hom Hom đầu sát miệng bóng,hom kế ở giũa. Phần sau cùng của bóng có thể mở ra hoặc đóng lại. Ngoài ra cần thêm hai tay đăng, mỗi tay dài chừng năm thước chiều dài, cao độ sáu tấc.

     Các bạn cũng thấy, nội việc chuẩn bị đồ nghề cũng khó khăn rồi khiến cho trẻ nít  không thể nào “mình ênh”đi đuổi chim được. Khi đã vào trung học, học trò miệt vườn như tôi đã bự xộn, vậy mà trong lúc đuổi chim tôi vẫn phải đóng vai quân..Làm quân, tức ai sai đâu làm đó miễn sau buổi đuổi bắt chim mình được chia phần. Thường mỗi lần đuổi chim tùy theo trúng hay thất người chủ chiếc bóng căn cứ vào sự làm việc của mọi người tham dự để chia phần: người siêng năng lãnh nhiều,kẻ kém siêng thì nhận ít.
      Tôi thường nhận nhiều hơn các bạn cùng trang lứa. Các bạn đừng vội kết luận tôi siêng năng,làm việc giỏi. Không phải vậy đâu.để tôi tiết lộ cho các bạn biết chút xíu nhé. Xóm tôi có hai gia đình biết đan bóng bắt chim . Đó là ông Mười Cò, ở xóm  dưới và Bác Sáu Vàng ngụ xóm trên. Cả hai gia đình đều không biết chữ,mọi đơn từ lúc Tây thuộc đến Quốc gia,đều do tôi viết giúp. Mỗi lần nhờ vả,ông Mười hay Bác Sáu cho tiền cho bánh tôi đều không nhận. Lẽ dĩ nhiên thấy tiền trẻ nào lại chẳng ham, nhưng vì sợ bị ba đánh đòn nên từ chối mà cứ tiếc hùi hụi. Nghe ba má giảng về tình tương thân tương ái giữa láng diềng với nhau sao nỡ nhận tiền bạc khi mình chỉ giúp chút ít công sức, nghe nhiều lần rồi cũng thấm  nên tôi có thói quen không nhận tiền bạc, quà cáp của bà con lối xóm. Tính tôi thích đuổi chim, bắt cá nên vào ngày chúa nhựt có dịp thế nào ông Mười hay bác Sáu cũng rủ tôi theo và mỗi lần như thế bao giờ cháu Sơn hay trò Sơn cũng nhận phần hậu hĩ hơn các bạn c ùng trang lứa.
      Mãi mê khoe khoang suýt quên đi phần chánh trong việc đuổi chim. Toán đuổi chim gồm ít nhứt năm người, thực ra đông hơn càng tốt nhưng ai cũng biết “: Đông vui nhưng hao”, do vậy chủ bóng chọn ít người có khả năng  hơn là nhiều người. Đuổi chim thường vào mùa lúa chin, khi một vài cánh đồng đã cắt, gặt xong, cánh đồng nào chưa thu hoạch chính là nơi chim gom lại nhiều, nếu đuổi chim ở đó chắc trúng to.
     Người chủ bóng hay người chỉ huy (nhà binh hóa chút đỉnh), phải thám sát địa hình,tự mình nhè nhẹ tìm đến một vài vũng nước trong cánh đồng sắp săn đuổi xem dấu chân chim ở đó nhiều, ít rồi quyết định nên đánh hay rút đi chỗ khác..

alt

     Chọn vị trí đặt bóng:. Bao giờ cũng đặt bóng phía dưới gió để những con chim tinh khôn như cúm núm khó đánh hơi người được.,
Phân công: chủ bóng cắt đặt ai đi bên phải, ai bên trái, ai cầm cờ. Xin nói thêm  về cờ trong việc đuổi chim. Nó không phải cờ của phía bên nầy hoặc phía bên kia, xin đừng vội tưởng tượng mà hiểu lầm.Đây chỉ là hai cây sào dài như cần câu rê, trên buộc hai cái khăn,trong lúc đuổi chim người cầm cờ quơ qua, quơ lại sát ngọn lúa tạo tiếng phần phật khiến chim hoảng sợ không dám bay lên. Vạn nhất có chú chim nào nhìn rõ âm mưu giăng bẩy của loài người liều chết bay lên cũng khó qua khỏi cửa ải của hai anh cầm cờ.
     Đuổi chim chủ bóng thường chọn phạm vi một trăm thước chiều dài. Nếu cánh đồng lúa chin quá lớn,,người ta chia làm hai hoặc ba lần đặt bóng.
      Đặt bóng phải chọn chỗ lúa trúng, bụi cao,nhiều bông hơn các nơi khác. Vị trí bóng cùng hai tay đăng tạo thành chữ V, ngọn đăng úp vào trong, chân đăng phải làm cho trống để chim chọn đường giữa mà chạy vô bóng.
 Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, giờ bắt đầu đuổi chim.Tất cả đi vòng bên ngoài rồi vào vị trí chỉ định theo đội hình ngang. Anh bên trái kế anh cầm cờ, chủ bóng đi giũa, đến anh cầm cờ thứ hai, rồi anh bên phải. Mỗi thành viên trong đoàn đuổi chim đều thủ sẵn cây roi cau (cây gậy làm bằng thân cây cau già,) để khi có chim lớn như cúm núm, cò bay lên thì phang ngay. Trúng roi cau con thì sứt đầu, gãy cánh, đó là gặp những tay thiện nghệ sử dụng roi. Còn tôi thì sao, tôi cũng hăng lắm,tay roi đàng hoàng, gặp chim bay lên cũng phang như mọi người, nhưng hởi ơi cây roi của tôi thường theo gió bay xa, ít khi trúng con chim nào..!

      Bước khởi đầu, năm hay sáu người hàng ngang, cứ hùi, hùi như đang đuổi gà, đuổi vịt, vừa la,vừa từ từ tiến lên, không được dùng roi đập vào lúa ch
ín.. Nhiều khi chủ bóng có sáng kiến, bắt hai anh đi trái, phải mỗi người mang theo cái thùng nhỏ bằng thiếc, vừa la vừa gõ thùng thiếc tạo thành tiếng inh tai. Bên trên hai anh cầm cờ phất  qua, phất lại chim chắc chắn sợ rồi cắm đầu chui vào bóng.
     Còn chừng năm mươi thước tới chỗ đặt bóng, chỉ hai anh thủ kỳ đứng sổng lưng, quơ cờ phành phạch, tất cả người còn lại, kể cả ông chủ bóng đều thủ bộ triệt, nghĩa là hoặc đi lom khom hay bò, miệng hùi hùi, tay vẹt lúa, mắt láo liên nhìn xem có con nào tinh khôn ẩn mình vào gốc lúa để thoát thân không.. Đây là giai đoạn quan trọng nhất lúc đuổi chim. Có nhiều chim thấy  trong bóng có đồng loại chen chúc để thoát thân biết đang gặp nguy hiểm chúng chạy ngược về phía sau để cầu sanh và chạy như gà con trước mặt mình chứ không chịu vào bóng.Tới miệng bóng coi như cuộc đuổi chim hoàn thành, bây giờ một vài người phụ khiêng bóng ra chỗ trống để dễ bắt chim cho vào từng giỏ: võ vẽ vào một giỏ,  Chàng nghịch,ốc cau, hay đỏ mắt chung giỏ, cúm núm là loại đắt tiền được đặc biệt cho vào giỏ lớn. Trong lúc chủ bóng bắt chim , số người còn lại lo thu dọn chiến trường như:cuốn đăng, vuốt lại những bụi lúa bị ngã nghiêng do đoàn đuổi chim bất cẩn gây ra.

alt

     Sau cùng là màn  hấp dẫn nhứt:chia phần chim cho mỗi người. Nếu được nhiều chim đôi khi chủ bóng cũng rộng  rãi, ngoài chia phần còn mời tất cả về nhà ăn cháo cúm núm. Ai nấy hả hê sau những giờ làm việc cực nhọc.
     Nhìn qua ai cũng tưởng đuổi chim dễ ăn. Sự thật nghề nào cũng có cái nguy hiểm của nó. Người ta thường nói “sanh nghề tử nghiệp”. Nhớ có lần tôi tham dự đuổi chim với ông Mười, gần tới bóng chừng ba mươi thước, đột nhiên chim lớn nhỏ dội ngược lại,nhìn sơ qua cảnh tượng ,ông Mười vốn có nhiều kinh nghiệm thấy vậy  la lớn : Coi chừng dưới chân,Đoàn đuổi chim tiến bước rất thận trọng. Tới chỗ đặt bóng ,nhìn vào thấy các chim ở trong hốt hoảng tìm cách bay ra, miệng la lớn như sợ hãi lắm.Ông Mười nói có rắn trong bóng.Quan sát kỹ mới thấy con hổ ngựa cỡ cườm tay dài thượt,miệng phun khè khè,đang tìm cách thoát thân. Hổ ngựa là loại rắn cực độc, chẳng may bị nó cắn,phải cấp tốc chở đến thầy thuốc rắn, nếu chậm trễ mất mạng như chơi. Những con rắn độc thường chậm chạp như hổ đất, hổ mây v v vTrái  lại hổ ngựa một cái phóng của nó xa khoảng ba thước. Nếu bị hổ ngựa rượt đuổi phải cố chạy phía dưới gió để nó không đánh hơi được.

    Hồi còn nhỏ tôi bị hổ ngựa rượt một lần chạy trối chết, may nhờ anh Bảy người cùng xóm cứu thoát, bằng không chắc đã đi ông yệm rồi. Năm đó vào tháng ba âm lịch ở vùng tôi thường đốt đồng,đây cũng là hình thức bón phân cho ruộng, tôi ra chỗ đốt xong hy vọng bắt một vài con rùa về ăn. Khói mù mịt chịu không nỗi nên lội về nhà, thình lình tôi gặp con rắn ở lối đi,tưởng là loại rắn thường , nào dè nó phùng mang,dương cái đầu hình tam giác chực phóng về phía tôi, hoảng quá tôi cắm cổ chạy. Tưởng  thoát rồi, nào ngờ chỉ một vài cái phóng nó đã theo gần kịp tôi.May  quá có tiếng kêu lớn,chạy xuống phía dưới gió .Trong lúc tôi đổi hướng,rắn cũng xoay đầu về phía tôi,lấy thế sắp phóng tới.Anh Bảy ,người vừa kêu tôi ,lừa thế cho nó môt ngọn roi, rắn gảy cổ. Hú hồn.Từ đó về sau gặp rắn không cần biết loại hiền hay dữ, tôi đều tìm cách diệt chúng,ở xa dùng đất, hoặc đá chọi,nếu cầm roi thì đập hay phang để trả cái thù vì đồng loại nó rượt đuổi tôi suýt chết.

alt

          Đuổi  chim ở quê tôi, vùng đồng bằng sông Cửu Long,tồn tại tới thập niên 1980..Từ đó ruộng một phần vào qui hoạch,phần khác vào hợp tác xã. Đất hợp tác xã vốn không bao nhiêu mà xã viên thì đông ,nên tối ngày có người thay phiên túc trực canh chừng từ lúc gieo mạ đến lúc lúa chin thì làm gì còn chim chốc để đuổi bắt. Kế hoạch hợp tác xã dường như không thích hợp với dân chúng miền Nam nên lần hồi chánh quyền cũng giao trả lại ruộng đất cho nông dân. Nạn nhân mãn gia đình nào cũng có, nên nông đân nghĩ cách vắt đất ra lúa,thay vì làm một hoặc hai vụ như thửa trước, nay họ làm ba,bốn vụ hằng năm. Do vậy phải cần bón phân,diệt sâu. Nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu (do ít học,không ai hướng dẫn)khiến vùng đất canh tác trở thành vùng nước độc, bất cứ dộng vật nào uống nước đó đều có thể chết hay bịnh tật. Đuổi chim là kỷ niệm đẹp của tôi thời niên thiếu, nay như một huyền thoại mỗi khi nhắc đến.


Viết xong ngày 3  October, 2011

Nguyễn Thành Sơn
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.