TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Mây Bay

    Chiều nay Phương Vân đi học về không thèm ghé qua phòng khách để coi xem có gì cho bé trong chồng thư mà chị Trinh bao giờ về trước cũng lấy từ hộp thư mang vào cho cả nhà. Đã từ một tuần nay con bé đợi bức thư đầu tiên của anh, mà đợi mòn con mắt. Mỗi lần cầm chồng thư để coi là một lần hụt hẫng, toàn là thư từ và giấy tờ gửi cho bố và các anh chị. Con bé đi thẳng vào bếp, mặt phụng phịu, để cặp sách xuống bàn ăn kê ở trong góc, rồi ngồi phịch xuống ghế. Như thường lệ mỗi ngày, sau khi ở trường Văn Khoa về, chị Trinh đã vào bếp để sửa soạn mọi thứ giúp cho mẹ làm bữa cơm chiều. Chị mang lại cho bé ly nước cam và ân cần hỏi han:

-  Có gì mà hôm nay trông bé không vui thế? Có người gửi thư cho bé chị đã lấy ra để trên phòng cho bé rồi.

Cô bé lắc đầu quầy quậy:

-  Mây không đọc. Thư gì mà chỉ là mấy bài thơ không biết chép ở đâu ra.

  Chị Trinh tủm tỉm cười và cho rằng cô em gái đang nghĩ về những bức thư của anh chàng, là cái đuôi theo từ gần một năm nay, mà không bao giờ dám nói gì hơn là mấy câu thăm hỏi và đôi khi gửi quà vào những dịp đặc biệt.

  Trong gia đình, bố rất nghiêm khắc. Chị Trinh đã có vị hôn phu, nhưng hai người vẫn đối với nhau trong vòng lễ giáo. Ngay cả với Phương Vân, là đứa con được cưng chiều nhất nhà mà chỉ cách đây một năm, khi Mây sang tuổi 16 mới đuợc đọc những giòng chữ đầu tiên gửi qua bưu điện tới. Trước đó thì bất kỳ thư từ nào gửi đến nhà cũng bị trả về. Mà lần đầu tiên nhận thư này cũng là trường hợp thật đặc biệt. Đó chỉ là một tấm bưu thiếp trong một dịp Phong đi công du sang Nhật Bản để đìều đình với một công ty dự trù xây cất một cây cầu qua sông Đồng Nai, đã gửi về cho gia đình.

  Sau khi đã gửi một tấm thiếp chung cho mọi người, Phong thấy có một tấm in bức tranh rất đẹp vẽ một bầy mèo đang đùa rỡn của một họa sĩ Nhật danh tiếng nên đã mua và gửi riêng về cho cô bé. Chàng không biết có cái lệ không nhận thư cho con bé của gia đình Vũ và vô tình chàng đã phá cái lệ đó. Lối gửi bưu thiếp từ đó đã thành một lệ. Lần nào đi ngoại quốc chàng cũng mua một tấm thiệp phong cảnh gửi về, cũng là một cách thông tin của những người bận bịu trong công vụ như chàng. Và lần nào chàng cũng gửi thêm một tấm thiệp trông thật dễ thương cho Mây. Chàng không thể nào quên làm chuyện này vì có một lần  Mây không nhận được một thiếp cho riêng mình, cô bé khi trông thấy chàng đã lộ vẻ giận hờn ra mặt.

******

  Mây cầm ly nước cam chị pha cho, uống cạn một hơi rồi lầm lỳ đặt xuống bàn. Từ hai năm nay Phong đã là một người anh thân quen trong gia đình và từ ngày anh đi, tuy trong nhà vẫn có từng ấy người mà Mây thấy có gì thật thiếu vắng. Cô chờ từng ngày để nhận được tin của Phong gửi về. Cô bé nghĩ đến những bức thư ngắn Phong đã gửi trước đây, cho riêng mình đọc, ngoài những bưu thiếp chung cho cả nhà.

  Đã từ lâu trở thành thói quen là mỗi chiều chủ nhật Phong đến nhà, cô bé lại đưa bài ra hỏi chàng. Mây học rất thông minh, nhưng về môn toán cô chỉ cố gắng vừa đủ để được vào hạng khá, còn riêng về môn luận Việt văn thì cô bé nhất định phải được nhất trong lớp. Văn chương có lẽ thích hợp với tính tình hồn nhiên của cô bé, không bao giờ bị những đắn đo vì lý trí chi phối. Từ trường các bà Mẹ dạy dỗ bằng tiếng Pháp khi còn ở ngoài Bắc, rồi sau khi di cư vào trong Nam, đổi sang trường Gia Long, Mây thật là có khiếu về văn chương khi chỉ sau vài năm học những bài luận Việt văn của cô bé đã được các cô giáo cho điểm ưu hạng.

  Tuy hàng ngày Mây vẫn được các anh và chị chỉ dẫn thêm về văn học nước nhà, nhưng khi chương trình đã chuyển sang Truyện Kiều của Nguyễn Du, với nhiều điển tích lấy trong lịch sử Trung quốc, thì các anh chị của cô bé, vốn toàn là dân xuất thân trường Tây, phải cầu cứu đến Phong để kèm cho cô em học quá giỏi và quá nhanh của mình. Cô bé sung sướng ra mặt, cho là mình đã được lên cấp, và giờ đây cô hoàn toàn là học trò của anh Phong. Nhưng vì Phong bận công chuyện, và mỗi khi tới nhà chàng lại hay có nhiều tâm sự về thời cuộc muốn bàn với Vũ, luôn luôn là nguời bạn thiết của chàng, nên nhiều buổi Phong chỉ dành được ít phút cho Mây và hẹn sẽ viết ra giấy những lời chỉ bảo thêm.

  Mấy tháng trước ngày Phong đi Hoa Kỳ, anh ít lại nhà nhưng bù lại Mây hay nhận được những lá thư ngắn cuả anh, thường thì anh chỉ những đoạn sách cần phải đọc kỹ.  Anh có lối viết thư chỉ vẻn vẹn có mấy hàng chữ nhưng rõ ràng và hay tuyệt vời vì bao giờ cũng có một câu kết nhắn nhủ làm phấn khởi cho người nhận. Thư nào của anh, Mây cũng đọc đi đọc lại nhiều lần. Có lần anh viết thêm ở cuối thư:  “Thôi không nói nhiều nữa kẻo Mây trở thành học trò thì tương lai của anh sẽ không mấy sáng sủa”. Đọc thư xong con bé thầm nghĩ: “Nếu được là học trò của anh thì ngôi sao mệnh tinh của con bé sẽ sáng hơn, không lu mờ nhỏ xíu như ngôi sao bố chỉ cho con bé ngày xưa”. Con bé nghĩ rằng có lẽ anh sợ con bé học hết chữ của anh rồi sẽ làm ngôi sao định mệnh của anh lu mờ đi chăng mà không muốn con bé thành học trò của mình. Mây suy nghĩ nhiều về câu này cuả anh và sau cùng hé cho chị Trinh đọc đoạn cuối thư anh viết thì chị cười hì hì và bảo:

-  Có thế mà Mây không hiểu à? Nếu là anh em thì thân nhau được. Nhưng nếu anh với Mây là thầy trò thì lễ giáo không cho phép thầy ... à ...thương trò.

Mây định cãi lại là: “tại sao lại không?” Nhưng rồi cô bé bỏ qua câu chuyện.

 ******

Thấy Phương Vân ngồi lặng yên sau khi uống xong ly nước cam, chị Trinh tới gần đặt tay lên vai cô em, dịu dàng nói:

-  Mây không muốn đọc thư à? Lên phòng coi xem trong thư có tin gì lạ không.

-  Không! Thư nào cũng chỉ có mấy câu hỏi thăm vớ vẩn mà thôi.

-  Nếu là thư gửi từ Hoa Kỳ của anh Phong thì sao?

-  Há! Sao chị không nói ngay cho Mây biết.

Chọc được cô em, chị Trinh cười hích hích nhưng cô bé đã chạy vụt lên lầu về phòng mình để đọc bức thư chờ đợi từ hơn một tuần nay.

******       

  Cô bé ngồi bên cạnh giường đọc một hơi lá thư của Phong gửi về, viết trọn một trang giấy mầu xanh nhạt, mà cố gắng giữ cho khỏi tràn nước mắt. Mây thấy thương anh vô cùng. Cô bé ngồi yên lặng hồi lâu trong căn phòng xinh xắn có cửa sổ trông xuống khu vườn ở dưới, căn phòng đẹp nhất trong nhà mà bố mẹ đã dành cho cô gái út khi Mây bắt đầu vào lớp đệ thất. Mây nâng niu cầm lá thư tới bàn học, đặt xuống và lấy hai tay vuốt thẳng ra, để không còn nếp gấp vì cô bé muốn đọc hết từng lời, từng chữ, để hiểu hết những ý từ trong thư. Viết thư cho cô bé, anh có những hàng chữ thật đều, tuy không nắn nót nhưng rất thẳng hàng, khác hẳn với lối viết, ghi chú vội vàng mỗi khi Phong họp với những nhân viên trong Bộ. Giờ đây, sau khi đã nén được những nỗi hồi hộp ban đầu, khi đọc lại lá thư, cô bé như nghe được những lời thì thầm tâm sự của anh gửi từ phương xa về:

‘‘Lần viết thư này, anh đã ở xa Mây thực sự, xa vì khoảng cách không gian, giữa bên nhà và nơi anh ở hiện nay là cả nửa vòng trái cầu, và cũng xa trong khoảng cách thời gian vì khi anh viết những giòng chữ này để gửi cho Mây vào một buổi sáng đầu thu, khi anh vừa thức giấc sau một đêm trằn trọc vì nặng sầu tư, thì ở bên đó trời sang canh đã quá nửa đêm, và Mây đang triền miên trong giấc mộng êm đềm. Ý nghĩ hai khoảng trời xa cách và hai khoảng thời gian chênh lệch lại càng làm cho anh thấy có gì thiếu vắng quanh mình. Anh bây giờ cũng như Mây vì anh đã trở lại cuộc đời của một sinh viên. Nhưng anh sẽ không được như Mây, ngày ngày tung tăng, hồn nhiên cắp sách tới trường, để học những gì đã có trong sách vở, để mở mang thêm trí tuệ, để chuẩn bị cho khoa kỳ. Có gì Mây không hiểu đã có các anh và chị chỉ dẫn thêm cho, như xưa kia anh cũng đã được nhiều lần giảng bài cho Mây. Những kỷ niệm ôn bài với Mây, đối với nhau trong tình anh em, mà không phải là thầy trò, là những kỷ niệm êm đẹp nhất trong cuộc đời của anh. Còn giờ đây, tuy cũng là một sinh viên, nhưng anh sẽ phải tự học lấy một mình, trên thực tế sẽ không có người chỉ dẫn, vì những điều anh phải học và cũng cần học sẽ là những điều chưa thu góp lại để in thành sách mà chỉ là những tài liệu để rải rác trong những văn khố khoa học ở nhiều nơi. Khi nào có dịp anh sẽ nói thêm cho Mây hiểu về những điều này.

            Cách đây hai năm, anh gặp lại Mây sau nhiều năm xa cách. Mây không còn là cô bé tí teo năm xưa có lần đứng sau lưng anh để tránh cơn thịnh nộ của bố. Anh không còn nhớ vì sao mà hôm đó Mây đã làm cho bố phải buồn lòng, nhưng từ ngày Mây trở thành cô gái vào tuổi trăng tròn mà anh gặp lại thì anh luôn luôn nghĩ là Mây là một cô nữ sinh vẹn toàn lúc nào cũng mang vui tươi lại cho những người trong chỗ thân tình, không ai có thể phải buồn lòng vì Mây. Riêng anh, đôi khi anh đã làm cho Mây giận hờn, nhưng anh mong rằng giờ đây ở xa nhau, nếu bình tâm suy nghĩ thì Mây cũng hiểu được cho anh rằng anh chỉ là một con người khờ khạo, đã quá mải mê trong công việc mà không có thì giờ để lưu ý tới những mong muốn, những khao khát, chờ đợi của một cô thiếu nữ vừa chớm tuổi xuân".

  Đọc lại bức thư của anh gửi, khi tới đoạn này cô bé đã thực sự để rơi một giọt lệ trên tờ giấy mầu thiên thanh anh dùng để viết những giòng tâm tư gửi về. Mây đưa tay lên lau hàng nưóc mắt còn đọng trên mi và lẩm bẩm, tưởng như nói với Phong đang ngồi trước mặt:

- Không, Mây không bao giờ giận anh cả. Mây biết anh bận công việc và anh lúc nào cũng đặt việc nước trên tình riêng. Dạo nào anh không hay lại nhà chơi, Mây chỉ buồn nhưng không oán hờn, không giận anh.

Đoạn cuối của bức thư anh đã viết như để nhận hết lỗi về phần mình.

‘Từ ngày về nước, anh đã để suốt hai năm miệt mài trong công việc, thực hiện kế hoạch hiện đại hoá nền giao thông của xứ sở mà anh được giao phó. Anh tưởng sẽ có ngày, gặp một dịp nghỉ hè khi Mây đã lên đại học anh sẽ đưa Mây đi thăm đất nước, từ Nam ra đến tận ngoài Trung để Mây được nhìn tận mắt những cảnh đẹp của non sông. Có những đọan đường Mây đi trên toa tầu để nhìn những cánh đồng bát ngát chạy dài hai bên. Có những lúc anh sẽ đưa Mây đi bằng Hàng Không dân sự để Mây được thấy những phi hành đoàn toàn là người Việt, các cô chiêu đãi phục vụ nhanh nhẹn không thua gì những người Mây được thấy trên những phi cơ bay đi quốc ngoại, lại thêm có giáng điệu dịu dàng yêu kiều. Anh cũng mong đợi có ngày được đưa Mây đi bằng xe hơi trên những xa lộ rộng lớn chạy qua những cây cầu mới cất qua những nhánh Tiền Giang và Hậu Giang để nối liền những phần đất của quê hương. Tạo dựng được một hệ thống giao thông tối tân trên toàn quốc là giấc mộng của anh vì nó sẽ là mạch máu vận chuyển đưa những miền đất nước lại gần nhau, phân phối nhanh chóng sản phẩm tới mọi miền. Nhưng anh đã phải bỏ giở khi mới đi được một chặng đường, vì anh đã gặp rất nhiều trở ngại, và trong khi anh cần rất nhiều người trẻ phụ giúp thì thế hệ thanh niên chuyên gia này lại còn nấn ná ở ngoại quốc chưa chịu về. Anh phải ra đi, và anh chịu nhận sự thất bại này của mình khi lần đầu bắt tay vào việc. Nhưng trong tương lai, sẽ có một ngày anh trở về cùng với những người trẻ Việt mà anh sẽ tìm tới và kết thân với họ trong những ngày du học ở nước người. Ngày ấy chắc em  cũng đã ra trường. Anh mong rằng Mây sẽ cùng góp sức với các anh”.

  Có tiếng chim kêu trên cành cây ngoài cửa sổ. Tiếng chim làm thức tỉnh cô bé, làm cô nhớ ra trời đã về chiều và chị đang chờ cô xuống giúp việc dưới nhà. Qua khung cửa sổ, Mây nhìn thấy mấy áng mây hồng ở cuối chân trời đang trôi theo gió. Cô bé nghĩ rằng giờ đây anh cũng như đám mây trôi, lang thang, lưu lạc. Nhưng sẽ có một ngày đẹp trời, những đám mây trôi phiêu bạt, lãng đãng tự ngàn xa rồi cũng sẽ theo gió trở về. Cô bé gấp lá thư đầu tiên của anh gửi về để cất đi và tự hứa với mình:  “ Mây sẽ đợi anh ”. 

(Còn tiếp Chương 3)

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC